Gặp nhau mùa thu

Nguyễn Thiên Ngân

Hôm đó là một ngày mùa thu, ở trạm chờ xe buýt.

Gã đút tay túi quần, mắt nhìn lơ láo lên tàng cây lá bắt đầu chuyển màu vàng nhạt, môi huýt sáo một điệu nhạc vừa nảy ra trong đầu. Một ngày thu dễ thương, trời trong veo, nắng nhạt và gió nhẹ. Cô bé đứng bên cạnh nhìn gã lạ lùng, chỉ một thoáng thôi, rồi lại cúi mặt xuống mân mê ô gạch dưới chân. Cô bé có khuôn mặt tròn trĩnh và đôi mắt ngơ ngác hiền lành sau đôi kính gọng màu hồng nhạt, Bỗng nhiên gã có một ý nghĩ kỳ quặc là cô trông như một con gấu bông đeo kính xinh xinh. Nhưng khi bắt gặp cái cụp mặt của cô bé, gã chột dạ. Cái bộ điệu của gã quả thật khiến người ta tránh càng xa càng tốt: một cái đầu đinh không thể nào ngắn hơn, túi chéo bẩn còn cả vệt cà phê loang vắt chéo qua cái áo sơ mi xộc xệch bỏ lòi thòi ngoài quần jeans rách gối, tay xách hộp kèn sờn góc. Nụ cười khinh mạn và ánh mắt lạnh càng làm gã trông không-thể- nào- có-một -cử-chỉ-thân-thiện được . Nhích ra xa một chút, gã lại hướng tầm mắt lên chỗ cũ, và tiếp tục huýt sáo.

Cô bé bỗng nhiên ngâm nga theo điệu nhạc, đầu khẽ lắc lư, say mê. Gã đang ngon trớn bỗng hụt hơi, ngạc nhiên quay sang, trợn tròn nhìn “kẻ tự nhiên quá đỗi” kia. Cô ngừng lại với nụ cười láu lỉnh trên môi ” Khúc dạo đầu bài Ngẫu Nhiên? “. Gã bỗng nhiên trở thành kẻ bối rối, gãi gãi cái đầu trụi lủi và cười ngượng nghịu ” À, ừ, hình như thế!” , Xe buýt đỗ xịch lại.

Anh học Nhạc Viện năm ba, khoa kèn trompet? Sao bạn… à … em biết? Cô bé cười bí ẩn. Anh nổi tiếng lắm ! Gã ngồi tự vấn không biết mình nổi tiếng ở mặt nào, tay xoắn vào nhau. Em thì sao? Em là Thư, năm nhất, piano. Hình như hôm nay em mới đi chuyến này, anh chưa gặp em bao giờ? Vâng, hôm nay bố em không có ở nhà. À, thế hả. Rồi yên lặng. Gã ngồi mân mê cái ghế, cô bé thì mân mê cái chốt cửa sổ xe. Bỗng nhiên Thư phá tan sự yên lặng gượng gạo. Em làm bạn anh , được không? Cô bé quay sang, nói đơn giản. Gã ngơ ngẩn một chút rồi ngăn được mình rối rít mừng vui, rụt rè chìa tay. Anh rất vui! Anh biết không, anh khác vẻ bề ngoài rất nhiều! Cô bé ngạc nhiên nói.

Hai đứa cùng xuống Nhạc Viện. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi trên xe buýt làm gã tự tin hơn khi đi cùng cô bé, dù chỉ xa xa. Một vài đứa khoa piano đi ngang qua, xì xầm gì đó. Thư dừng ở cầu thang. Chào anh, em lên lớp! Gã mìm cười, ừ, anh đi đây! Rồi đi. Những cảm giác dịu dàng chớm nở trong lòng. Một cô bé hồn nhiên và thật thà như thể giọt mưa thu.

Từ hôm ấy, Thư đi xe buýt. Dân khoa piano chỉ toàn là tiểu thư con nhà giàu đi xe hơi, tệ lắm là honda sành điệu, vậy mà cô bé này lại đi xe buýt, từ khi quen mình. Gã sung sướng một cách hồn nhiên. Vẻ mặt lạnh căm nước đá của gã mềm đi, đôi khi có một nụ cười dịu dàng, như khi gã chia tay cô bé ở cầu thang, và đợi cô bé cùng về cũng ở cái chân cầu thang kỳ diệu ấy.

Nhưng không phải vậy. Gia đình Thư chỉ là công chức bình thường, đủ sống. Cô bé hồn nhiên kể, anh biết không, lần đầu tiên đến nhạc viện thi, bố em bận công tác không đưa đến được, em đi bộ. Tới nơi, thấy ai cũng luyện từ bé, con nhà giàu mà, tự nhủ thế, và em suy ra ngay là mình sẽ rớt. Thế là em ung dung vào phòng, không run không sợ nữa, vì kết quả đã rõ ràng rồi. Khi em đàn xong, ông giãm khảo bỗng nhiên hỏi “Con không run à? Các bạn thi trước con đều run lẩy bẩy”. Em trả lời ” Dạ, có gì mà phải run!” . Vậy mà em đậu. Hai đứa phá ra cười. Gã bỗng thấy nhẹ nhõm và gần Thư hơn nữa.

Thư đơn giản và hồn nhiên. Cô bé không phải là tâm điểm của sự chú ý như những cô nàng xinh đẹp, nhưng ai cũng quí vì Thư tốt bụng và tài năng. sau này có người nhận xét Thư hơi hâm hâm. Cô bé hiền nhất lớp piano, có một phong cách chơi đàn khá ấn tượng lại có thể suốt ngày đi cặp kè với gã nổi tiếng phớt đời bên khoa kèn. Họ vừa đi, vừa nói chuyện, cười đùa, xem chừng rất ăn ý. Gã như chưa từng là gã lạnh lùng, cô bé chưa từng là cô bé rụt rè và khép kín. Họ đi bên nhau, cái dịu dàng của cô bé khoả lấp vẻ ” đầu gấu” của gã, sự lạnh lùng của gã lại làm cho cái dáng yếu đuối rụt rè của cô bé thêm tự tin. Như những nhân tố thừa trong trò chơi ” ghép đôi”, khi nhận ra sự có mặt của nhau thì họ không còn đơn lẻ nữa.

Anh có biết vì sao em muốn làm quen với anh không? Thư kể. Vì ngày đầu tiên vào trường, em nghe một người bạn kể rằng bên khoa kèn trompet có một gã rất gấu. Bộ dạng thế đấy, Thư nháy mắt nhìn gã một cái, tính tình thế đấy, Thư nháy mắt thêm cái nữa. Tuy nhiên gã này có vẻ như không muốn gây sự với ai, chỉ lầm lũi đi về, đừng ai nói động đến gã là được. Thế nhưng có một vài ” anh hùng” lớp trên thấy cu cậu quá ư là ngứa mắt, cho nên đã bàn nhau ” nắn gân” gã một tẹo. Một chiến thư chuyển đi “Thằng nào là Châu khoa kèn tan học ở lại nói chuyện”. Gã đọc xong đứng bật dậy, đi ra sau trường, rút trong túi ra một cây nhị khúc quất “bốp” vào tường làm bể một mảng “Ai tìm Châu , ra đây!” . Chả có ai! Thì ra trong cái túi vải bộ đội màu bạc của gã luôn cộm lên vì một cây nhị khúc. Từ đấy không ai dám hẹn gã “nói chuyện” thêm lần nào nữa.

Gã lại đan tay, xoắn vặn. Những lúc bối rối gã thường như thế. Tệ thật, em cũng biết chuyện ấy à? Chứ sao! Thư vênh mặt. Anh gấu thế, nên em nghĩ phải “thuần” anh cho bằng được! Em đúng là một cô bé…không giống ai. Gã thở hắt ra. Rồi chợt trầm giọng. Anh không muốn thế này đâu, Trước đây anh khác, vui vẻ và thân thiện hơn. Nhưng từ khi vào đây, em biết đấy, dân tỉnh lẻ xuống thành phố học Nhạc viện không phải nhiều, vào một môi trường khác hoàn toàn xa lạ, thì phải tự tạo cho mình một cái vỏ bọc vững chãi. Anh không muốn biến thành trò cười. Anh không quên cái ánh mắt lạ lẫm khi anh lôi cây kèn cũ vừa chật vật tậu lại bằng tiền tích cóp làm thêm mấy năm trời của mấy gã cùng lớp.

Rất khó chịu! Thư đặt tay lên vai gã. Anh biết không, có những chuyện anh phải vượt qua một cách khó khăn. Nhưng thật sự đó là những chuyện đơn giản và vụn vặt thôi, khi ta hướng đến một mục đích khác cao hơn, Thư cười, hồn nhiên. Gã cười, gật đầu. Cô bé phải kiễng chân lên để vỗ vai gã. Hai cái bóng cao gầy và tròn trĩnh đứng cạnh nhau, như 1 sự thông cảm tuyệt đối. Con đường thu có gió nhẹ.

Một lần Thư đưa gã đến một ngôi nhà thờ nhỏ không xa nơi cô bé sống. Bước chân lên căn gác ca đoàn hay ngồi để hát thánh ca trong lễ, gã thấy một cây piano đen bóng. Đây là nơi em học đàn, Thư vuốt ve cây đàn cũ có những vết tróc. Hôi trước em ở trong ca đoàn thiếu nhi, mỗi lần đi tập hát thấy cây đàn là mê tít, cứ ngẩn ngơ nhìn mãi. Các sơ thấy vậy nên dạy em đệm đàn. Lần đầu tiên tự tay chạm vào phím đàn, nghe nó ngân lên một âm thanh kỳ diệu, em sung sướng đến run người. Thế là gắn bó với nó đến bây giờ, và thi vào Nhạc viện.

Gã cười. Anh thì khác. Anh sinh hoạt ở nhà văn hoá, trong đội kèn, nên trót mê luôn. Ai ngăn cản gì cũng mặc, khăn gói xuống thành phố thi vào trường quí sờ tộc. Thư ngồi xuống ghế, mở nắp. Cô bé mỉm cười, dạo đàn. Gã ngồi tựa lan can, ngơ ngẩn. Thư không còn là một cô bé đơn giản nữa. Ánh mắt, đôi bàn tay lướt trên phím đàn, cô bé dường như bay lên với tiếng nhạc. Bỗng hai đứa cùng cất cao giọng. ” Và con tim đã vui trở lại…”

Hai đứa đi trên con đường rải sỏi quanh nhà thờ. Em vẫn thường mơ ước có một cây đàn của riêng mình! . Thư nói. Gã im lặng một lúc rất lâu, suy nghĩ miên man. Hít một hơi dài, gã quay sang cười với Thư. Khi nào anh ra trường , thành công, anh sẽ tặng Thư một cây piano mới toanh! Chắc là nhanh thôi anh nhỉ! Thư nháy mắt đùa. Ừ, nhanh mà! Anh sẽ đưa Thư đến tiệm đàn Melody nổi tiếng nhất thành phố, và bảo với ông chủ là” Làm ơn chọn cho bạn tôi một cây đàn tốt nhất!”. Không, em sẽ chọn cây mà em thích. Nó màu hồng à? Thôi đi ông, đàn piano màu hồng! Ai mà biết lúc đó sẽ có gì. Mà quan trọng là mình muốn gì kia…

Hai đứa cười vang với những dự định về tương lai đã đi quá xa, dù bay bổng những không hẳn là không thực tế. Anh đừng có hứa lèo đấy, lời hứa mùa thu là không dễ tin đâu! Này, sao thế? . Cái gì bắt đầu vào mùa thu mà chả mong manh, Thư bảo. Ai nói với em thế, hả? Phim Hàn Quốc và truyện lãng mạn chứ gì, vậy là tin không điều kiện chứ gì. Gã nhướng mắt hỏi dồn dập. Thư cười bẽn lẽn…

Gã sắp đi. Suất học bổng du học một trường nhạc danh tiếng ở Singapore nằm gọn trong tay. Đó là mùa thu sau khi gã quen Thư một năm. Cô bé vui mừng, cùng gã chạy nhảy, gào thét như phát điên khi vừa có thông báo. Vậy là gặp nhau mùa thu, nên chia tay mùa thu, anh nhỉ? Em bảo rồi, cái gì bắt đầu vào mùa thu mà chả mong manh. Gã càu nhàu, chia tay nghĩa là không gặp nhau thường xuyên, chứ có phải mãi đâu mà mong manh. Vẫn chưa thôi cái triết lý ấy à? Đưa điện thoại cho anh! Gã ra lệnh. Thư trố mắt, ngoan ngoãn đưa điện thoại cho gã. Gì vậy? Gã không nói, hí húi ngồi bấm. Rồi trao trả điện thoại cho Thư, gã rút máy mình gọi vào, cái máy second hand phải dành dụm mua để tiện liên lạc với chỗ làm thêm. Một đoạn chuông nhạc mới vang lên. Gã khịt mũi. Đây là một đoạn trong bản” Gặp nhau mùa thu” anh mới viết. Nghe hay lắm, em nói thật đấy” Thư nói sau một thoáng ngẩn ngơ.

Gã đi. Hôm ấy Thư có một bài kiểm tra quan trọng, nên không ra tiễn được. Đến cuối buổi, khi kiểm tra tin nhắn, cô bé nhận được một tin nhắn từ người gửi là ” Anh Trompet” quen thuộc. ” Em đừng tin điều gì xảy ra vào mùa thu cũng mong manh. Anh sẽ chứng minh cho em thấy, bằng những dẫn chứng thuyết phục hơn phim Hàn Quốc nhiều, ngay trong mùa thu. Đợi nhé nhóc, cho dù đó có là mùa thu sau, sau hoặc sau nữa..”

Nếu ai có tình cờ đến trạm chờ xe buýt ấy, sẽ thấy một cô gái đeo gọng kính màu hồng luôn luôn mìm cười đứng một mình, mạnh mẽ và tự tin, dù không có gã con trai vững chãi nào bên cạnh. Và may mắn hơn, nếu lúc ấy có ai đó gọi điện cho cô ấy, bạn sẽ được nghe một đoạn nhạc của” Gặp nhau mùa thu”. Biết đâu đấy, một ngày nào đó, bạn có thể sẽ gặp lại đoạn nhạc này trong một album symphony của tay kèn trẻ nổi tiếng có mái tóc đinh ngắn, khuôn mặt lạnh lùng và giọng kể trầm trầm về xuất xứ đơn giản, chân thành của “Gặp nhau mùa thu”.

Bởi vì đây không phải là một câu chuyện tưởng tượng….


Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3