40 gương thành công - Chương 12
12. Sinclair Lewis
Tôi gặp Sinclair Lewis lần đầu cách đây cũng hơi lâu. Hồi đó, ông ấy, tôi và năm sáu người bạn nữa thường mướn một tàu nhỏ chạy máy ở Free Post (Long Island) rồi cho mở máy chạy xình xịch tới một nơi cách xa ít cây số để câu cá thu. Tôi phục ông ta sát đất vì ông ta không bao giờ say sóng. Hễ biển động, sóng nổi là tôi phải chui xuống khoang tàu liền, còn ông vẫn thản nhiên ngồi câu, trơ trơ như một người ngư phủ trên bức họa.
Bây giờ tôi cũng phục ông sát đất nữa, nhưng không phải vì tài ngồi câu cá khi biển động (tài đó, nay tôi cũng đã tập được rồi) mà vì tài ông tuôn lên giấy những truyện rất hay, thao thao bất tuyệt. Và nếu bạn không phục ông, thì xin bạn cứ thử đi!
Sinclair Lewis đã nhắm trúng đích lần đầu vào năm 1920. Trước năm đó, ông đã viết được sáu cuốn mà không gây được tiếng vang nào trên văn đàn. Tiểu thuyết thứ bảy của ông là Main Street tung ra đời như cơn giông. Các hội phụ nữ mạt sát nó, các nhà thuyết pháp tố cáo nó, các tờ báo chỉ trích nó. Nó gây một cuộc bút chiến thực sự ở Châu Mỹ, và những tiếng vang của nó truyền ra sáu ngàn cây số.
Tiểu thuyết đó làm cho ông thành một minh tinh bậc nhất trên văn đàn.
Và nhà phê bình bảo: "Cuốn đó hay thật, nhưng anh chàng láu cá đó không viết được cuốn thứ nhì như vậy đâu". Không viết được cuốn thứ nhì nữa?
Thật sự thì anh chàng trai trẻ ở Sank Centre, xứ Minnesota đó, từ hồi ấy đã "tung" ra nữa tá tiểu thuyết vào hạng bán chạy nhất. Nhưng tôi đã nói sai, ông không "tung" tiểu thuyết ra đâu. Ông cặm cụi viết nó, sửa đi sửa lại hoài.
Ông thảo một cái đại cương là sáu vạn tiếng, tức khoảng 250 trang giấy như trang này, cho cuốn Arrowsmith của ông nghĩa là mới có cái đại cương mà tiểu thuyết đó đã dài gấp rưỡi những tiểu thuyết trung bình rồi. Có lần ông bỏ ra mười hai tháng để viết một tiểu thuyết về tư bản và lao động, viết xong ông xé hết liệng vào sọt rác.
Ông viết truyện Main Street ba lần. Ông đã mất đúng mười bảy năm mới hoàn thành nó.
Một lần ông bảo tôi rằng nếu ông không viết văn thì ông sẽ dạy tiếng Hy Lạp hay khoa triết lý ở trường đại học Oxford, hoặc vô rừng sâu sống đời một bác tiều phu.
Ông thích mỗi năm sống sáu tháng ở Nữu Ước, và sáu tháng ở một nơi cô tịch trong dãy núi Vermont. Ông có một cái trại trồng cây đường, ông trồng rau lấy để ăn. Và chỉ khi nào ông cần hớt tóc thì ông mới ra chợ.
Tôi hỏi ông: "Được nổi danh như vậy, anh thích không?". Ông đáp:"Bực lắm, anh ơi". Ông bảo nếu phải đáp hết thảy những bức thư người ta gửi tới cho ông, thì không bao giờ còn có thể viết thêm được một cuốn nào nữa, chẳng những vậy, mà không còn cả thì giờ để ngủ. Cho nên ông liệng hầu hết những thư đó vào lò lửa rồi nhìn chúng cháy.
Ông ghét những kẻ đi "săn" chữ ký, ít khi đi ăn cơm khách, và lánh cả những tiệc trà của nhóm văn nhân.
Khi tôi gợi chuyện, hỏi ông về những chiến đấu đầu tiên của ông, ông nói:"Ôi, tôi não lòng khi nghe các ông nhà văn luôn luôn nói về những chiến đấu đầu tiên của mình. Cái tai hại của phần đông các ông ấy là không có dịp chiến đấu nhiều. Họ vào nghề có khó nhọc gì hơn các ông nha sĩ, nha y, luật sư trẻ tuổi đâu mà họ lại hay nói về quãng đời khó khăn họ đã trãi qua".
Tôi bèn nhắc lại cái hồi ông dậy sớm hai giờ trước bữa điểm tâm, xuống bếp đun nước pha cà phê rồi viết ngay ở trong bếp. Tôi nhắc cho ông rằng có lần ông đã phải đi vay ba chục đồng Anh kim, phải làm bếp lấy, luôn sáu tháng viết ngày viết đ êm, mà viết xong đem bán chỉ có nửa Anh kim. Nhưng ông bảo như vậy có khó nhọc gì đâu, chẳng qua ông chỉ học cái nghề của ông thôi, mà nghĩ lại, không có thời nào ông vui sướng bằng thời đó.
Tôi hỏi tác phẩm ông đã bán được bao nhiêu cuốn rồi, ông đáp không biết. Tôi xin được biết một số phỏng chừng. Ông đáp: "Thực tình, tôi không biết chút xíu gì việc đó".
Tôi hỏi cuốn Main Street đem cho ông được bao nhiêu tiền. Ông cũng chịu, không đáp được vì ông không bận tâm về vấn đề tiền bạc, nhờ một luật sư lo hết cho ông rồi, mà ông cũng chẳng cần biết kiếm được bao nhiêu tiền nữa.
Ông đã trải qua mọi cảnh ngộ. Thân phụ ông là một y sĩ ở miền quê Minnesota và khi đi mổ xẻ bệnh nhân, thường dắt ông theo để ông phụ lực, chụp thuốc mê giúp. Có lần ông làm việc trong chiếc tàu chở gia súc trên Đại Tây Dương, có lần ông xuống xứ Panama để tìm việc làm. Ông đã làm thơ cho trẻ em đọc, đã bán cốt truyện cho Jach London, đã giúp việc trong tòa soạn một tờ báo cho người điếc.
Tôi hỏi ông:
- Anh bị ba tờ báo mà anh giúp việc đầu tiên đuổi anh ra, phải không?
Ông đáp:
- Sai. Bốn tờ đã đuổi tôi ra, chứ không phải ba.
Một hôm, có người kêu điện thoại, gọi lơ lớ như người Thụy Điển cho ông hay rằng ông được phần thưởng Nobel về văn chương. Ông quen nhiều người Thụy Điển ở Minnesota, và tưởng có ông bạn tác quái nào, giả giọng lơ lớ để đùa cợt ông, và ông bắt đầu nói đùa lại.
Nhưng ít phút sau, ông chưng hửng ra khi biết rằng tin đó đúng, rằng quả thực ông đã được phần thưởng lớn nhất trên văn đàn thế giới!