40 gương thành công - Chương 29 + 30

29. H. G. Wells

Gần bảy mươi lăm năm trước, một bọn trẻ em đương chơi trên đường ngoại ô Luân Đôn, thì một tai nạn xảy ra. Một trong những đứa lớn nhất nắm lấy một đứa nhỏ, tên là Bertie Wells, rồi liêng lên trời nhưng khi đứa nhỏ rớt xuống, đứa lớn không đỡ, thành thử đứa nhỏ gẫy chân. 

Trong mấy tháng Bertie nằm quằn quại trên giường, với một vật nặng cột vào chân. Nhưng xương không lành. Phải gỡ ra bó lại. Đau đớn ghê gớm. Em bé Bertie la hoảng, tưởng chết được. 

Tai nạn đó bi thảm, nhưng Bertie sống được và nhờ nó mà sau thành một nhà văn nổi tiếng nhất thế giới. Bút danh của ông không phải là Bertie mà là Herbert George Wells, hoặc H. G. Wells. Chắc bạn đã đọc vài cuốn của ông? Ông viết trên bảy mươi lăm cuốn: và chính ông nhận rằng tai nạn gẫy chân đó có lẽ là điều hay nhất cho ông. Sao vậy? Tại ông phải nằm nhà trọn một năm và không làm được việc gì khác nên đ ành nghiến ngấu bất kỳ cuốn sách nào ông kiếm được. Kết quả thành ra ông thích đọc sách, thích văn chương. Ông bị kích thích. Ông cảm hứng. Ông nhất định vượt lên khỏi cảnh tầm thường vô vị ở chung quanh. Cái chân gẫy đó đã đổi hướng cho đời ông. 

H. G. Wells là một trong những nhà văn mà tiền nhuận bút cao nhất. Nhờ cây bút, có lẽ ông đã kiếm được hai trăm ngàn Anh kim; nhưng hồi nhỏ ông đã khốn đốn trong cảnh bần hàn. Thân phụ ông là một nhà nghề chơi cầu "Cricket" và mở một tiệm đồ gốm, buôn bán lỗ lã, cửa hàng rung rinh muốn sập. H. G. Wells sanh trong một phòng nhỏ tại cửa tiệm đó. Bếp ở trong một cái hầm, tối om dơ dáy mà ánh sáng chỉ lọt vào được nhờ một lỗ nhỏ có lưới sắt ở trên trần. Sau này nhớ lại tuổi thơ ấu, ông còn thấy rõ ông hồi đó ngồi trong bếp tối mà nghe tiếng chân người lướt trên lưới sắt trên đầu. Ông tả những bước chân đó và chỉ cho ta cách nhìn giày mà xét người ra sao. 

Sau cùng tiệm đồ gốm sập. Gia đình ông tuyệt vọng. Thân mẫu ông phải xin làm quản gia cho một điền chủ lớn ở Sussex. Tất nhiên, bà cụ phải sống chung với bọn đầy tớ. H. G. Wells thường thường tới thăm mẹ, và bắt đầu được biết qua đời sống của hạng thượng lưu Anh do hạng tôi tớ kể lại. 

Tác giả bộ Đại cương Lịch Sử Thế Giới (The Outline of History) Hồi mười ba tuổi đã bắt đầu giúp việc cho một người bán nỉ. Ông phải dậy từ năm giờ sáng, quét dọn cửa hàng, nhóm lửa, làm việc như mọi người bốn giờ một ngày. Thực là vất vả, nên ông khinh ghét đời đó lắm. Cuối tháng, chủ tiệm tống cổ ông ra vì ông đầu tóc bù xù, quần áo xốc xếch mà lại hay quấy rầy. 

Sau khi ông xin được việc trong một tiệm bào chế. Và cũng chỉ được một tháng là bị tống cổ ra nữa. 

Sau cùng ông vào làm một tiệm nỉ khác. Ông cần phải kiếm ăn, nên lần này rán chịu đựng được lâu hơn một chút. Nhưng hễ vắng mặt người gác, là ông lẩn xuống hầm để học Herbert Spencer. 

Sau hai năm, ông không chịu được đời đó nữa, cho nên một buổi sáng chủ nhật, không đợi ăn điểm tâm, bụng rỗng, ông đi hơn ba chục cây số về với bà cụ. Ông điên cuồng. Ông năn nỉ bà cụ. Ông khóc lóc. Ông thề rằng nếu phải ở lại trong tiệm đó nữa thì ông sẽ tự tử. 

Rồi ông viết một bức thư dài, cảm động cho thầy học cũ kể lể rằng ông khốn khổ, đứt ruột, chỉ muốn chết cho rảnh. 

Và ông vô cùng ngạc nhiên khi nhận được thư của thầy học cũ cho ông một chỗ dạy học. 

Ông cuống cuồng lên! Đời ông đã tới một khúc quẹo khác. 

Nhưng H. G. Wells về già, thường kể bằng giọng trong và lớn của ông rằng những năm dài đằng đẳng làm vất vả, cực khổ ở tiệm bán nỉ, thực ra là cái phước cho ông. Ông bẩm sinh biếng nhác, và chủ tiệm đã tập cho ông chịu khó nhọc làm lụng. 

Sau ít năm dạy học, một tai nạn xảy đến thình lình như bom nổ. Việc xảy ra như sau. Ông đương đá banh, đương hăng hái thì bị xô té, người ta giẫm lên người ông, ông gần chết. Một trái thận của ông nát nghiến ra và phổi bên mặt lủng. Máu xối ra, ông xanh mét. Các bác sĩ hết hy vọng; và trong mấy tháng, ông nằm mà lo sợ sẽ không sao thoát chết được. Trong mười hai năm sau, mười hai năm ghê gớm, ông bám lấy đời sống, thân gần như tàn tật; nhưng chính trong mười hai năm đó, ông đã luyện được một cái tài làm ông nổi danh khắp thế giới. 

Năm năm trường ông viết như điên như cuồng. Sách, bài báo, tiểu thuyết ông viết ra hồi đó đều nhạt nhẽo, vụng về. Và ông có đủ lương tri để nhận thấy điều đó. Cho nên viết xong, ông đốt hết. 

Sau cùng, mặc dầu gần như tàn tật, ông xin được một chỗ dạy học khác. Trong lớp sinh vật học, có một nữ sinh xinh đẹp. Tên nàng là Catherine Robbins. Nàng mảnh khảnh, ốm yếu. Mà ông cũng ốm yếu, mảnh khảnh. Cả hai đều không hy vọng gì sống lâu, đều muốn nắm lấy tức thì tất cả những hạnh phúc mà họ có thể tìm được. Thế là họ cưới nhau. 

Vệc đó xảy ra cách đây khoảng năm chục năm; lạ thay, Wells đã không chết, lại còn mạnh lên, thành một người đầy sinh lực, và mỗi năm gọt đẽo được hai cuốn sách dầy, những cuốn sách mà ánh sáng chiếu tỏa lên khắp thế giới cho tới khi ông mất, năm 1946. 

Trong óc ông bừng bừng những ý mới. Ông thường nửa đ êm thức dậy chép tư tưởng của ông vào một cuốn sổ tay. Và con người biếng nhác bị một chủ tiệm bán nỉ tống cổ ra vì bất lực đó, đã thâu thập được biết bao tài liệu trong những cuốn sổ tay, giá có dùng để viết sách hoài trong một trăm rưỡi năm cũng không hết. 

Ông có tài ngồi ở đâu cũng viết được: trong phòng viết của ông ở Luân Đôn, trong toa xe lửa hay dưới bóng một cây dù trên bờ Địa Trung Hải mà màu nước xanh mê hồn. 

Ông mướn hai biệt thự ở Nice, một làm chỗ viết, một làm nơi tiếp khách. Ông viết suốt ngày, chỉ chuyện trò với khách buổi tối, và hết thảy bạn bè đều mến ông. 

30. Anh Em Mayo

Nếu một cơn giông tố không tàn phá một thị trấn ở Minnesota cuối thế kỷ trước thì có lẽ nhân loại không được hưởng một phát minh vào hạng quan trọng nhất trong lịch sử y học. 

Thị trấn bị tàn phá đó, Rochester, ngày nay nổi danh nhờ hai anh em Mayo, hai nhà giải phẫu có tài nhất ở Hoa Kỳ. Hai ông ở Rochester và phát minh của bác sĩ C. H. Mayo đã giúp y học trị được vài thứ bệnh thần kinh. Hiện nay ông còn tiếp tục nghiên cứu phát minh đó. Ông đã tìm được một thứ thuốc tiêm vô mạch máu, làm thay sự tuần hoàn và do đó óc được bình tĩnh lại. 

Hai anh em ông được khắp thế giới bết tên. Nhiều y sĩ từ Ba Lê, Luân Đôn, Bá Linh, La Mã, Leningrad, Đông Kinh tới Rochester để học phương pháp của hai ông. Mỗi năm sáu ngàn bịnh nhân đã vô phương cứu chữa lại dưỡng đường Mayo với tấm lòng tin tưởng như tín đồ hành hương tại đất thánh. 

Vậy mà như tôi đã nói, nếu dông tố không tàn phá miền Middle West ở cuối thế kỷ trước thì thế giới có lẽ không bao giờ được nghe tên hai anh em Mayo và cũng không biết phhương thuốc của hai ông. 

Khi bác sĩ Mayo, thân phụ của hai ông, tới lập nghiệp ở Rochester vào khoảng giữa thế kỷ trước, thì nơi đó có không đầy hai ngàn dân. Ngày đầu cụ chữa bệnh cho một con bò và một con ngựa. Khi dân da đỏ nổi loạn, cụ nổ súng mút để hạ chúng rồi đợi khói súng tan hết, cụ đi khắp bãi chiến trường chôn cất những người chết và săn sóc những người bị thương. Thân chủ của cụ ở rải rác trên năm chục cây số trong đồng cỏ Mimesda. Phần đông họ sống trong những nhà vách trát bùn. Họ nghèo quá, không có tiền trả cụ, mà cụ cũng vẫn nữa đ êm đi thăm bệnh cho họ; có khi phải mò đường trong những cơn bão tuyết mù mịt tới nỗi, giữa ban ngày, đưa tay ra trước mặt cũng không trông thấy. 

Cụ có hai người con, William và Charles, tức hai anh em Mayo. Hai ông vừa giúp việc cho một tiệm bào chế trong miền, cân thuốc, tán thuốc, hoàn thuốc, vừa theo học trường y khoa. Rồi một tai nạn xảy ra, làm tương lai của ông thay đổi hẳn. Một cơn dông tố tàn phá cánh đồng Minisota, như quỉ thần giận dữ muốn phạt dân cư miền đó. Cơn dông tới đâu thì nhà cửa, cây cối tan tành sụp đổ tới đó. Châu thành Rochester bị cuốn đi như một cọng rơm. Hằng trăm ngàn người bị thương, hai mươi ba người chết. Luôn mấy ngày, ba cha con Mayo đi băng bó, mổ xẻ các nạn nhân trên những nền nhà hoang tàn. Bà Phước nhất Alfred, ở nhà tu Saint Francois thấy ba cha con Mayo tận tâm như vậy, cảm động hứa sẽ cất một dưỡng đường nếu họ chịu đứng ra trông nom. Họ bằng lòng và khi khánh thành dưỡng đường Mayo năm 1889 thì bác sĩ Mayo đã bảy chục tuổi mà hai người con chưa làm trong nhà thương nào cả. Vậy mà ngày nay ông William Mayo người anh cả được coi là nhà chuyên môn giỏi nhất về bệnh ung thư. Cả hai anh em đều nổi tiếng về khoa giải phẫu mà người nào cũng khen người kia là hơn mình. Hai ông mổ xẻ rất nhanh, tới dưỡng đường bảy giờ sáng và mổ xẻ không ngừng tay mỗi ngày bốn giờ cho từ mười lăm đến ba mươi bệnh nhân. Vậy mà hai ông vẫn tiếp tục học hoài để cải thiện phương pháp và tuyên bố rằng còn phải học thêm nhiều. Cả thành phố Rochester sống nhờ dưỡng đường Mayo và cho dưỡng đường Mayo. Xe hơi, xe ô tô buýt, mọi loại xe đều không bóp kèn trong thành phố đó. 

Đó là gương hai người thường dân một tỉnh nhỏ, hai người không nghĩ đến tiền mà đã gây được một gia sản khổng lồ. Hai người không nghĩ đến danh vọng mà thành những nhà giải phẫu nổi danh nhất Hoa Kỳ. 

Hai anh em ông không cần lại Nữu Ước để làm giàu, cứ rèn luyện tài của mình trong một thành phố nhỏ mà tự nhiên được thần tài tới gõ cửa để thưởng công. 

Trong phòng khách, trên bàn giấy, có treo một tấm khung lồng câu này: "Nếu ông có một vật mà thế giới đòi hỏi thì ông có thể ở giữa rừng thẳm: luôn luôn người ta sẽ phá rừng xây đường vào tới cửa nhà ông". Câu đó tóm tắt một luật bất di bất dịch của sự thành công. 

 

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3