Cuộc đời của Pi ( Tập 2 ) - Chương 17 + 18

Chương 17

Đêm đó tôi ngủ chập chờn. Sắp sáng thì tôi không cố ngủ nữa mà chống tay nằm lên. Và cặp mắt nhỏ nhoi của tôi nhìn thấy một con hổ. Richard Parker đang không yên. Nó rên rỉ, gầm gào, và đi quanh quẩn vòng quanh xuồng. Lạ thật. Tôi thử đánh giá tình hình. Nó không thể đói được. Chí ít cũng không đến nỗi đói quá mà trở thành nguy hiểm. Nó khát chăng? Lưỡi nó thè lè thật, nhưng chỉ chốc lát thôi, và nó không hề hổn hển. Bụng và chân nó vẫn ướt, tuy không sũng nước như trước. Có thể là nước mưa đọng trong xuồng đã cạn bớt. Chẳng mấy chốc, nó sẽ khát.
Tôi nhìn lên trời. Màn mây mỏng đã tan đi. Trời trong vắt, chỉ có vài vẩn mây nhỏ phía chân trời. Sẽ là một ngày nóng bức không mưa nữa đây. Biển chuyển mình một cách lười nhác, như thể đã thấy mệt vì cái nóng sắp đến.
Tôi ngồi dựa cột buồm và suy nghĩ về vấn đề của chúng tôi. Bánh quy và bộ đồ câu sẽ đảm bảo phần cứng của khẩu phần hàng ngày của chúng tôi. Phần nước mới là cái lo. Nước thì đầy rẫy quanh chúng tôi, nhưng lại không uống được vì có muối. Tôi có thể trộn một ít nước biển vào nước uống của nó, nhưng đầu tiên là phải kiếm được phần nước uống ấy đã. Các hộp nước không thể đủ cho cả hai chúng tôi về lâu dài – thực sự là tôi không hề muốn chia thứ nước này cho Richard Parker một tí nào – còn trông chờ vào nước mưa không thì thôi thì thật là ngốc.
Chỉ còn có những cái máy cất nước bằng nắng kia mà thôi. Tôi nghi ngờ liếc nhìn chúng. Chúng đã ở dưới nắng được hai ngày rồi. Tôi thấy một cái đã có vẻ xịt hơi. Tôi kéo dây buộc nó vào và thổi phồng cái chóp nón trở lại. Không mong chờ gì, tôi thò tay xuống nước xem cái túi chứa bên dưới hộp phao nó ra sao. Những ngón tay tôi thấy cái túi căng tròn một cách bất ngờ. Tôi run hết cả người. Trấn tĩnh lại, nhỡ chỉ là nước biển đã lọt vào đó thì sao. Tôi gỡ cái túi ra, rồi theo đúng chỉ dẫn, hạ thấp nó xuống và nghiêng cái máy cất để bất kì chút nước nào còn đọng quanh đáy chóp nón sẽ chảy hết vào túi. Tôi đóng hai cái nắp nhỏ, tháo hẳn cái túi ra và kéo nó lên. Nó hình khối vuông, làm bằng nhựa dẻo dày, mềm và có màu vàng, với những vạch đo độ in ở một bên sườn. Tôi nếm nước chứa trong túi. Tôi nếm lại lần nữa. Không hề mặn chút nào.
“Con bò sữa biển ngọt ngào của ta ơi!” Tôi thốt lên với cái máy cất nước. “Mày đã ra sữa rồi, và mới ngon làm sao! Vẫn hơi có mùi cao su, nhưng tao không phàn nàn đâu. Đây này, hãy xem tao uống đây này!”
Tôi uống hết túi nước. Nó có dung tích một lít và đã chứa gần đầy. Sau một phút thở dài nhắm mắt tận hưởng sung sướng, tôi lắp lại cái túi. Tôi kiểm tra các máy cất khác. Cái nào cũng có một túi nặng tương tự. Tôi thu được hơn tám lít nước ngọt, phải nói như là sữa tươi, và chứa cả vào cái xô cá. Lập tức, những cái bẫy kĩ thuật đó trở thành quá quý giá với tôi như bầy gia súc đối với một trại chủ. Quả thật, dập dềnh lười nhác trên mặt nước thế kia, chúng cũng giống một đàn bò đang gặp cỏ trên cánh đồng. Tôi chăm chút vào chúng, đảm bảo để cái nào cũng đầy nước biển và chóp nón với hộp phao nào cũng được thổi căng vừa phải.
Sau khi thêm một ít nước biển vào xô, tôi đặt nó lên mặt ghế bên mạn xuồng ngay sát cạnh mép bạt. Không khí mát mẻ của buổi sáng đã hết. Richard Parker có vẻ đã yên vị ở phía dưới. Tôi buộc cái xô vào chỗ đó bằng dây và dùng thêm các móc của tấm bạt ở phía xuồng. Cẩn thận, tôi ngó trộm qua mạn xuồng. Nó đang nằm nghiêng. Hang ổ nó là một cảnh tượng bẩn thỉu. Các con thú chết chất thành một đống các bộ phận cơ thể thối tha rất lạ mắt. Tôi nhận ra một vài cẳng chân, nhiều mảnh da, mảnh đầu, rất nhiều xương. Cánh các con cá bay rải rác khắp nơi.
Tôi chặt một con cá bay và ném một khúc xương lên trên mặt ghế. Sau khi đã thu thập đủ những thứ cần thiết từ trong tủ đủ cho ngày hôm đó và sắp quay về bè, tôi ném thêm một khúc cá lên mui bạt ngay trước mũi Richard Parker. Nó có tác dụng như ý muốn. Khi bè đang trôi xa khỏi xuồng, tôi thấy nó ra khỏi chỗ ẩn náu để lượm khúc cá với món đồ lạ ngay cạnh. Nó đứng dậy nghiêng cái đầu khổng lồ vào xô nước. Tôi cứ sợ nó sẽ làm đổ cái xô. Nhưng không. Mặt nó biến hẳn vào trong xô, gần khít khịt, và nó bắt đầu uống. Chỉ một nhoáng cái xô bắt đầu lắc và kêu lạch cạch mỗi khi nó liếm xoàm xoạp vào đáy xô. Khi nó ngẩng lên, tôi nhìn chằm chằm một cách dữ tợn vào mắt nó và thổi một vài hồi còi. Nó biến mất vào bên dưới tấm bạt.
Tôi nảy ra ý nghĩ rằng cứ mỗi ngày qua đi, cái xuồng lại càng giống một vườn thú hơn. Richard Parker đã có khi vực nằm nghỉ và ngủ nghê của nó, rồi chỗ chứa thức ăn, chỗ nhìn ngó ra bên ngoài, và bây giờ thì cả một chỗ để uống nước.
Nhiệt độ mỗi lúc một cao. Nóng đến ngột ngạt. Suốt ngày hôm đó, tôi ngồi dưới dù che và câu cá. Có vẻ là tôi đã hết cái may mắn của người mới đi câu với con dorado đầu tiên ấy. Cả ngày hôm đó tôi chả câu được gì, kể cả buổi chiều tà, khi nước biển có vẻ đầy rẫy sự sống bên dưới. Một con rùa xuất hiện, lần này là loài khác, một con rùa biển xanh lá cây, cồng kềnh hơn và nhẵn nhụi hơn, nhưng cũng tò mò như con rùa mỏ diều lần trước. Tôi không phản ứng gì với nó, nhưng bắt đầu nghĩ mình phải làm gì đó với bọn rùa này.
Cái duy nhất có thể gọi là tốt đẹp của một ngày nóng nực như vậy là cảnh tượng dãy phao cất nước. Chóp nón nào cũng đầy những giọt và vệt nước đọng ngoằn ngoèo bên trong.
Cuối ngày hôm đó, tôi tính ra là sáng hôm sau sẽ là trọn một tuần kể từ hôm Tsimtsum chìm xuống đáy đại dương.

Chương 18

Gia đình Robertson sống sót được tám mươi tám ngày trên biển cả. Thuyền trưởng Blight của con tàu Bounty nổi tiếng đã bị thuỷ thủ nổi loạn và ông cùng những người cộng sự của ông bị ném ra khỏi tàu đã sống được bốn mươi bảy ngày. Steven Callahan sống được bảy mươi sáu ngày. Owen Chase, mà câu chuyện của ông về tàu đánh cá voi Essex đã bị một con cá voi đánh chìm ra sao đã là nguồn cảm hứng của Herrman Melville, đã sống được tám mươi ba ngày trên biển cả cùng với hai thuỷ thủ, trong đó có một tuần lễ trên một hòn đảo thù địch. Gia đình Bailey sống được một trăm mười tám ngày. Tôi nghe một thuỷ thủ thương gia Triều Tiên tên là Poon gì đó đã sống sót trên Thái Bình Dương trong một trăm bảy mươi ba ngày vào những năm 1950.
Tôi đã sống sót trên biển trong hai trăm hai mươi bảy ngày. Thử thách của tôi kéo dài như vậy đấy, hơn bảy tháng trời.
Tôi giữ cho mình luôn bận rộn. Đó là chìa khoá để sống còn. Trên một chiếc xuồng, thậm chí một cái bè, lúc nào cũng có những việc cần phải làm. Một ngày điển hình của tôi, nếu khái niệm đó có thể áp dụng cho một kẻ đắm tàu, đại khái diễn ra như sau:
Từ lúc mặt trời mọc cho đến giữa buổi sáng:
* thức dậy
* cầu nguyện
* cho Richard Parker ăn sáng
* kiểm tra chung tình trạng của bè, xuồng, đặc biệt chú ý đến tất cả các nút dây buộc
* chăm chút các máy cất nước (lau chùi, thổi căng, đổ nước)
* ăn sáng và kiểm tra kho đồ ăn
* câu cá và làm cá nếu cắn câu (mổ, rửa, phơi các rẻo thịt lên dây để phơi nắng cho chín)
Từ giữa sáng đến chiều muộn:
* cầu nguyện
* ăn nhẹ bữa trưa
* nghỉ ngơi và làm những việc nhẹ nhàng (viết nhật kí, xem xét các vết xây xát trên người, sửa sang các vật dụng, thu xếp tủ chứa cho gọn gàng, quan sát và nghiên cứu Richard Parker, vân vân)
Từ cuối chiều đến gần tối:
* cầu nguyện
* câu cá và làm cá
* chăm các rẻo thịt phơi (lật mặt, cắt bỏ các chỗ ươn)
* chuẩn bị bữa ăn tối
* ăn bữa tối cùng với Richard Parker
Mặt trời lặn:
* kiểm tra tình trạng chung của bè và xuồng (dây với nút buộc)
* thu trữ nước ngọt từ các máy cất
* cất giấu tất cả thức ăn và vật dụng
* sửa soạn cho ban đêm (soạn chỗ nằm, cất pháo sáng vào nơi an toàn trên bè để nhỡ có gặp tàu đi qua, và cái hứng mưa để nhỡ có mưa ban đêm)
* cầu nguyện
Đêm:
* ngủ từng giấc ngắn
* cầu nguyện
Các buổi sáng thường dễ chịu hơn những lúc chiều muộn, khi sự trống rỗng của thời gian có chiều hướng hiện ra trong lòng rõ rệt hơn.
Bất kỳ sự kiện gì cũng có ảnh hưởng đến nếp sống thường ngày đó. Trời mưa, bất cứ lúc nào, cũng dừng mọi việc khác đang làm, và trong lúc mưa, tôi giữ cái hứng nước, hăng hái tập trung vào việc thu trữ nước hứng được. Có con rùa xuất hiện cũng là một ngắt quãng lớn. Và tất nhiên, Richard Parker là một náo động thường xuyên. Điều gì làm cho nó yên được là tôi ưu tiên không dám lơi là một phút nào. Nó chẳng có một nếp công việc gì ngoài ăn, uống và ngủ, nhưng có những lúc nó bị khuấy đảo khỏi tình trạng ù lì và lồng lộn quanh lãnh thổ của mình, đánh động, trở nên khó hiểu. May sao, lần nào như vậy, nó cũng nhanh chóng bị nắng và nước biển bao la làm cho mệt mỏi và chỉ biết quay vào trong mui bạt, lại nằm nghiêng hoặc ép bụng xuống sàn xuồng, đầu dựa lên hai chân trước bắt chéo nhau.
Nhưng tôi không chỉ để ý đến nó vì cần thiết. Tôi qua hàng nhiều giờ liền chỉ quan sát nó vì đó cũng là một việc thu hút sự chú ý của tôi. Một con hổ lúc nào cũng là một con thú đầy thú vị, và càng như thế khi ta chỉ có nó là bạn đồng hành.
Lúc đầu, tôi luôn có ý thức nhìn quanh và trông chờ một con tàu xuất hiện, gần như là không nhìn được. Nhưng sau một vài tuần, năm sáu tuần gì đó, tôi hầu như hoàn toàn không có ý thức ấy nữa.
Và tôi đã sống sót bởi vì tôi đã quyết định phải lãng quên. Câu chuyện của tôi bắt đầu vào một ngày có trong lịch – ngày 2 tháng 7 năm 1977 – và kết thúc vào một ngày cũng có trong lịch – ngày 14 tháng 2 năm 1978 – nhưng khoảng thời gian giữa hai ngày đó thì không có lịch nào cả. Tôi không đếm ngày, đếm tuần, đếm tháng. Thời gian là một ảo giác chỉ làm cho ta phải thở dốc. Tôi đã sống vì tôi đã quên cả ý thức về thời gian.
Những gì tôi nhớ được là các sự kiện và các cuộc gặp gỡ, cùng các nếp quen thuộc hàng ngày, những dấu mốc tự chúng xuất hiện đây kia từ đại dương thời gian và in hằn vào kí ức tôi. Ví dụ như mùi của các vỏ pháo sáng đã phóng lên từ tay tôi, những lời cầu nguyện khi rạng ngày, việc giết rùa, và các đặc tính sinh học của các loài tảo. Và nhiều cái khác nữa. Nhưng tôi không biết có thể kể lại chúng theo trình tự hay không. Ký ức tôi trở lại thành từng mớ hỗn độn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3