Cuộc đời của Pi ( Tập 2 ) - Chương 23 + 24 + 25 + 26
Chương 23
Nếp ngủ của tôi thay đổi. Mặc dù nghỉ ngơi nhiều, tôi ít khi ngủ được liền một giờ, ngay cả ban đêm cũng vậy. Không phải bị sóng dập dềnh liên miên làm tôi khó ngủ, cũng không phải vì gió; người ta quen với mấy chỗ đó như quen với mấy chỗ lồi lõm trên đệm nằm của mình. Tôi cứ bị thức dậy như thế là vì sợ hãi và bồn chồn. Nghĩ lại tôi thấy quả thực mình đã ngủ rất ít.
Không như Richard Parker. Nó đã thành quán quân ngủ. Phần lớn thời gian nó nằm dưới tấm bạt. Nhưng trong những ngày dịu trời khi nắng không quá gắt và cả những đêm yên tĩnh, nó thường ra ngoài. Một trong những tư thế ưa thích khi ra ngoài trời của nó là nằm trên cái ghế đuôi xuồng, bụng chìa cả ra mép ghế, chân trước chân sau gác lên hai ghế bên. Một con hổ mà nằm được vào một chỗ chật hẹp như vậy là vì nó khôn khéo uốn lưng cong cho thật cong. Khi ngủ, nó gác đầu lên hai chân trước. Còn khi trong tâm trạng tương đối hưng phấn và có thể còn muốn nhìn quanh, nó gác hẳn đầu lên mép xuồng.
Một tư thế ưa thích nữa của nó là ngồi quay lưng lại phía tôi, nửa người dưới đặt trên sàn xuồng, hai chân trước ngay cạnh đầu, trông như thể chúng tôi đang chơi trốn tìm và nó là người đang nhắm mắt đếm. Trong tư thế này nó thường ngồi rất im lặng, chỉ thỉnh thoảng vẫy tai để chứng tỏ rằng nó không nhất thiết đang ngủ.
Chương 24
Với những ai có thể phải rơi vào tình trạng khó xử như tôi lúc ấy, tôi xin được khuyến cáo một chương trình như sau:
1. Chọn một ngày sóng thấp nhưng đều đặn. Ta cần một mặt nước để trình diễn thật tốt khi xuồng có thể quay ngang đón sóng mà không bị lật.
2. Thả hết dây neo biển để trên xuồng ổn định và thoải mái nhất. Chuẩn bị nơi ẩn náu bên ngoài xuồng phòng khi cần đến (rất dễ có khả năng phải như vậy). Nếu có thể, hãy tạo ra phương tiện gì đó để che chắn thân thể. Bất kì thứ gì cũng có thể dùng để che chắn được. Ví dụ như quấn chăn hoặc quấn áo vào tay chân cũng là một dạng áo giáp tối thiểu.
3. Rồi đến phần khó làm: phải khiêu khích con vật. Nó sẽ có thể tấn công mình. Hổ, tê giác, đà điểu, gấu rừng, gấu nuôi – con gì thì con, vẫn phải khiêu khích được nó. Cách tốt nhất có lẽ là lân la ra mép lãnh thổ của mình rồi làm bộ xâm phạm vào phần ranh giới trung lập một cách ầm ĩ. Tôi đã làm như vậy: tôi ra chỗ mép bạt rồi vừa giậm chân xuống mặt cái ghế giữa xuồng vừa thổi còi nhè nhẹ. Điều quan trọng là tạo ra được một tiếng động nhất quán và dễ nhận ra để báo hiệu việc lấn chiếm của ta. Nhưng phải rất quan trọng. Cần phải khiêu khích con thú, nhưng chỉ đến mức độ như vậy thôi, chứ đừng để nó khùng lên và tấn công ta ngay lập tức. Nếu xảy ra chuyện đó thì lạy Chúa tôi, ta sẽ bị xé thành từng mảnh, giẫm bẹp, lòi gan nát ruột, và chắc là sẽ bị ăn thịt. Ta không muốn thế. Ta muốn con thú bị đánh động, hoang mang, khó chịu, bứt rứt không yên, nhưng không nổi máu giết người. Trong trường hợp nào cũng không được bước chân vào lãnh thổ của con thú. Cuộc xâm phạm của ta chỉ hạn chế ở động tác nhìn thẳng vào mắt nó và thổi còi đánh mõ mà thôi.
4. Khi con thú đã bị kích động, hãy làm sao để gây ra được một hành động xâm phạm biên giới. Một cách hữu hiệu, theo kinh nghiệm của tôi, là từ từ lùi về trong khi liên tục gây ra tiếng động. Nhưng phải đảm bảo là không rời mắt khỏi mắt con thú. Đến khi thấy nó đặt chân vào lãnh thổ của ta, hoặc thậm chí chỉ tiến vào vùng giáp ranh trung lập thôi, là ta đã đạt được mục đích. Đừng so đo kiểu luật sư xem nó đã đặt chân vào đâu, có đúng là đã vào lãnh thổ của ta chưa, mà phải lập tức đối đầu ngay. Vấn đề ở đây là làm cho con thú hiểu rằng người hàng xóm trên gác của nó đặc biệt khó tính trong chuyện ai ở nhà người nấy.
5. Một khi con thú đã xâm phạm vào lãnh thổ của ta, hãy dồn hết sức để tỏ rõ sự phẫn nộ của mình. Dù đã chạy khỏi xuồng hoặc còn đang trên phần lãnh thổ của ta trên xuồng, hãy bắt đầu thổi còi thật to và lập tức kéo dây rút các neo biển về. Hai hành động nầy cực kì quan trọng. Phải tiến hành song song và ngay điều khiển cho xuồng quay ngang với chiều sóng, ví dụ như một mái chèo, thì hãy dùng ngay lập tức. Xuồng phải quay ngang càng nhanh càng tốt.
6. Với một kẻ đắm tàu kiệt sức, thổi còi liên tục là một việc rất mệt, nhưng ta không được phép ngừng. Con thú phải liên hệ được cảm giác say sóng khó chịu của nó với tiếng còi đinh tai nhức óc của ta. Ta có thể trợ giúp việc nầy bằng cách đứng ở mũi xuồng, hai chân trên mép xuồng và đạp qua đạp lại để xuồng lắc mạnh hơn nữa theo chiều bị sóng tạt. Dù ta có nhô người đến đâu và xuồng có lớn đến mấy, tác dụng của việc đó thật đáng kinh ngạc. Tôi đảm bảo rằng chẳng mấy chốc chiếc xuồng sẽ lắc lư và tròng trành như Elvis Presley (1) vậy. Có điều phải thổi còi liên tục, và chớ làm quá để lật mất xuồng.
7. Ta phải làm việc đó liên tục cho tới khi con thú đã thực sự say sóng. Ta phải nghe được nó thở dốc và nôn khan. Ta phải thấy nó nằm bẹp dưới sàn xuồng, chân tay run rẩy, mắt trợn ngược, mồm miệng há hốc và lẩy bẩy. Trong suốt những giây phút đó, ta phải làm ù tai con thú bằng tiếng còi lanh lảnh chát chúa của ta. Nếu thấy mình cũng đã say sóng và buồn nôn, đừng phí phạm bãi nôn đó xuống biển. Đánh dấu lãnh thổ không gì tốt hơn một bãi nôn. Hãy nôn ra chỗ ranh giới lãnh thổ của mình.
8. Lúc con thú đã thực sự mệt mỏi và thuần lành, ta có thể dừng. Say sóng nhanh bị nhưng lại lâu tỉnh. Ta không nên làm quá. Không ai chết vì buồn nôn, nhưng nó làm nhụt ý chí sống. Lúc thấy đã đủ rồi, ta lại thả dây neo biển ra. Nếu con thú nằm vật ngay dưới nắng, hãy kiếm cái gì che cho nó, và làm sao để khi nó tỉnh lại sẽ thấy có nước uống ngay cạnh. Tốt hơn hết là khuấy vài viên thuốc chống nôn vào chỗ nước ấy nếu có. Tình trạng mất nước trong hoàn cảnh ấy có thể nguy hiểm đến tính mạng con thú. Còn không thì ta chỉ việc lẳng lặng rút về phần lãnh thổ của mình và để con thú nằm yên ở đó. Nước uống, nghỉ ngơi và thư giãn trên xuồng sẽ làm cho nó tỉnh táo trở lại. Nên để cho con thú đã hoàn toàn hồi phục trước khi tiến hành lại các bước từ một đến tám như vừa nói.
9. Phải huấn luyện cho đến khi con thú đã thiết lập được mối liên hệ khăng khít giữa tiếng còi và cảm giác buồn nôn chóng mặt rất mãnh liệt, và mối liên hệ ấy phải rõ ràng dứt khoát. Từ đó về sau, chỉ cần tiếng còi là đủ giải quyết các vụ xâm phạm và mọi hành vi không mong muốn khác của con thú. Chỉ cần một hồi còi chát chúa, ta sẽ thấy con thú run lên sợ hãi và nhanh chóng lui vào nơi kín đáo an toàn nhất trong lãnh thổ của nó. Một khi đã qua được giai đoạn huấn luyện nầy, việc dùng còi cần phải hạn chế và thận trọng.
Chú thích
(1) Ngôi sao nhạc rock của Mỹ, thành danh vì động tác lắc người đánh hông của mình. (ND)
Chương 25