Cuộc đời của Pi ( Tập 2 ) - Chương 31 + 32

Chương 31

Khi những hộp thức ăn ngày càng ít đi, tôi giảm khẩu phần cho đến lúc theo đúng như hướng dẫn trong cẩm nang: chỉ hai cái bánh quy cho mỗi lần tám tiếng đồng hồ. Tôi thấy đói thường xuyên. Tôi chỉ còn nghĩ đến các món ăn. Càng ăn ít đi thì tôi càng mơ thấy các món ăn nhiều hơn. Cả một dòng sông Hằng dào dạt súp rau. Bánh bột lọc nóng to như núi. Những bát cơm to bằng cả tiểu bang Uttar Pradesh. Cháo đậu chảy lút hết cả vùng Tamil Nadu. Những cây kem chất cao như núi Himalaya. Những giấc mơ của tôi trở nên rất có chuyên môn: các thành phần dùng để nấu những món ăn của tôi lúc nào cũng tươi tắn và ê hề, lò nướng, chảo rán luôn luôn ở đúng mức nhiệt, mọi thứ đều vừa vặn, không bao giờ cháy hoặc sượng, không bao giờ quá nóng quá lạnh. Bữa ăn nào cũng hoàn hảo – chỉ có điều không với tay được thôi.

Phạm vi khẩu vị của tôi ngày càng rộng ra. Trước đây tôi làm ruột và đánh vảy cá rất kĩ, giờ thì tôi chỉ rửa qua cho đỡ nhớt rồi ngoạm ngay vào chúng, sung sướng cảm thấy miếng ăn trong miệng mình. Tôi nhớ là cá bay rất ngon, thịt chúng trắng hồng và mềm mại. Dorado thì thịt chắc hơn và vị mạnh hơn. Tôi bắt đầu nhặt cả đầu cá chứ không ném chúng cho Richard Parker hoặc để làm mồi câu như trước. Một phát kiến lớn là tìm ra thứ nước có vị rất tươi mát mút được từ mắt những con cá lớn và từ xương sống của chúng. Rùa, mà trước đây tôi chỉ biết lấy dao nậy mai và ném sang cho Richard Parker như một bát súp nóng cho nó, đã trở thành món ăn thích khẩu của tôi.
Không thể tưởng tượng rằng đã có lúc tôi nhìn một con rùa biển còn sống như nhìn một bữa tiệc có hàng chục món nấu tuyệt hảo hơn hẳn các món cá. Nhưng là như vậy đấy. Trong tĩnh mạch rùa chảy một dòng sinh huyết ngọt ngào phải uống được ngay lập tức khi nó đang phụt ra từ cổ con vật, nếu không thì chỉ vài phút sau là nó đông đặc lại. Không có thứ gì trên đất liền có thể sánh với thịt rùa, dù là phơi, nướng qua cho tới lúc nó có màu nâu hay nướng kĩ cho đến màu đỏ sẫm. Không có gì sánh được với trứng rùa và mỡ rùa. Trộn lẫn tim, phổi, gan, thịt và ruột đã làm sạch, thêm vài miếng lòng cá, rồi khuấy cả vào nước sốt lòng đỏ trứng, ta sẽ có một món thập cẩm rùa tuyệt hảo khiến ta phải vét và mút tay cho thật sạch. Đến lúc kết thúc cuộc hành trình thì tôi đã ăn tất cả những gì mà một con rùa có thể hiến cho ta. Trong đám tảo bám trên mai một số con rùa mỏ diều, đôi khi tôi còn tìm được những con cua nhỏ. Còn thì tôi chén tất cả những gì có trong bụng một con rùa. Đã bao lần tôi khoái trá hàng giờ liền ngồi gậm gạp một khớp chân rùa hoặc đập vỡ những mẩu xương và mút tuỷ trong đó. Những ngón tay tôi đã quen thói lần mần nhặt nhạnh những mẩu thịt và mỡ khô còn dính dấp lại bên trong mai rùa, chẳng khác gì bọn khỉ hay tự động lần mò thức ăn.
Mai rùa rất tiện dụng. Không có chúng thì tôi cũng chẳng biết sẽ ra sao. Không phải chỉ dùng chúng làm khiên, tôi còn lấy chúng làm thớt chặt cá và bát trộn thức ăn. Và khi mưa gió đã xé nát những cái chăn đến mức không thể vá víu lại được nữa, tôi dùng mai rùa để che mưa che nắng, xếp chúng lại với nhau và nằm ngủ bên dưới.
Thật đáng sợ khi nhận ra thực tế rằng no bụng sẽ làm cho ta hồ hởi vui vẻ ra sao. Cái này theo sau cái kia từng mức độ một: càng no nê, càng vui vẻ. Tôi thấy chuyện đó thật gớm ghiếc. Muốn cười được, tôi cần có thịt rùa.
Đến lúc đã hết bánh quy, cái gì cũng thành ra ăn được, bất kể mùi vị ra sao. Tôi có thể tống mọi thứ vào mồm, nhai nhai, nuốt nuốt, ngon lành hay hôi hám hoặc chẳng có mùi vị gì cũng vậy, chỉ cần nó không có vị mặn là được. Cơ thể tôi đã tập nhiệm một phản ứng ghê tởm đối với muối và nó vẫn còn cho đến tận bây giờ.
Có một lần tôi đã định ăn cả phân của Richard Parker. Việc đó xảy ra từ sớm, khi cơ địa tôi còn chưa học được cách sống với cái đói và khi trí tưởng tượng của tôi vẫn còn điên cuồng tìm kiếm các giải pháp. Tôi đã đem cho nó nước ngọt từ cái máy cất nước đó không lâu. Sau khi uống một hơi hết chỗ nước ấy, nó đã biến dạng vào dưới tấm bạt và tôi đã quay ra với mấy việc vặt trong cái tủ. Như lệ thường hồi bấy giờ, cứ một chốc tôi lại liếc xuống bên dưới tấm bạt để xem nó sắp định giở trò gì không. Thế là, cái lần ấy, quả nhiên nó đang làm cái gì đó thật. Nó ngồi chúi người, lưng cong tròn, hai chân sau dạng ra. Đuôi nó dựng đứng, chạm lên cả cái bạt. Nhìn là tôi biết. Ngay lập tức tôi nghĩ đến món ăn, chứ không phải vệ sinh thú vật. Tôi quyết định rằng sẽ rất ít nguy hiểm. Nó ngồi quay sang phía khác và cái đầu che khuất hẳn. Nếu tôi tôn trọng sự im lặng của nó, có khi nó còn không để ý đến tôi nữa. Tôi vớ một cái cốc tát nước và với tay ra phía nó. Cái cốc của tôi đến vừa đúng lúc. Khi tôi đưa cái cốc vào đúng dưới khấu đuôi nó, lỗ đít Richard Parker giãn ra và một cục phân tròn trịa đen sì lòi ngay ra, trông như một quả bóng cao su. Cục phân rơi vào cái cốc đánh cách một cái, và chắc chắn sẽ có người coi tôi là mất hết nhân tính lẫn nhân phẩm, những người không hiểu được mức độ gian khổ của tôi, khi tôi nói rằng cái tiếng cục phân rơi vào cốc ấy đã vang trong tai tôi như âm nhạc của một đồng năm rupi người ta bỏ vào ống bơ của một kẻ ăn mày vậy. Một nụ cười vỡ rạn trên môi tôi và làm nó chảy máu. Tôi thấy biết ơn Richard Parker vô cùng. Tôi lôi cái cốc lại. Tôi cầm lấy cục phân. Nó thật ấm, nhưng mùi không nặng. Nó to bằng một trái bóng gulab jamun (1), nhưng không mềm như thế. Thực tế là nó cứng như một hòn đá. Nhồi nó vào khẩu súng kíp và ta có thể bắn chết một con tê giác.
Tôi để lại trái bóng đó vào cốc và thêm một ít nước. Tôi đậy cốc và để nó sang một bên. Mồm miệng tôi ứa nước dãi khi chờ đợi. Khi không thể chờ được nữa, tôi cho trái bóng vào miệng. Tôi không thể ăn được. Nó có vị rất gắt, nhưng không phải là vì thế. Có thể là mồm miệng tôi đã ra một quyết định ngay lúc đó, rất rõ ràng: không có gì ăn được ở trái bóng này. Nó chỉ là một thứ đáng vất đi, không có một dưỡng chất gì hết. Tôi nhổ nó ra, cảm thấy cay đắng như bị mất một bình nước quý giá. Tôi lấy cây lao rồi đi dọn hết chỗ phân của Richard Parker, quẳng xuống cho cá.
Sau chỉ một vài tuần, cơ thể tôi bắt đầu tan rã. Bàn chân, cổ chân bắt đầu sưng tấy và đứng lên rất khó khăn.
Chú thích
(1) Chắc là một môn chơi nào đó của Ấn Độ, chúng tôi chưa tra cứu ra được, xin độc giả lượng thứ. (ND)

 

Chương 32

Có nhiều kiểu trời. Trời đầy những những đám mây trắng lớn, phẳng, tròn và nở rộng trên đầu. Trời tịnh không một gợn mây, xanh ngăn ngắt đến nỗi các giác quan của ta như bị rạn vỡ hết cả. Trời như một tấm chăn dày nghẹt thở đầy chặt mây xám, mà lại không có tí mưa nào. Trời mỏng dính và u ám. Trời phơ phất những vệt mây trắng nho nhỏ như lông cừu. Trời đầy những dải mây mỏng rất cao trông như thể một cục bông lớn bị kéo ra thành sợi. Trời như một đám mù màu sữa không có gì trong đó. Trời dày đặc những đám mây mưa tối đen và cuồn cuộn trôi qua mà không rơi xuống một hạt nào. Trời được vẽ lên một vài đám mây phẳng bẹt trông như những dải cát. Trời như một mảng phông chỉ để làm nổi bật những hiệu quả thị giác trên chân trời: ánh nắng chan hoà đại dương, các mép viền sáng tối thẳng đứng và rõ rệt. Trời như một tấm màn đen của làn mưa rất xa. Trời là các đám mây tầng tầng lớp lớp, có những đám thật dày và đục, có những đám trông như khói toả. Trời là trận mưa đen ngòm và rát bỏng rơi xuống gương mặt đang cố cười của tôi. Trời chỉ là nước đổ xuống, một trận hồng thuỷ không ngừng làm da tôi nhăn nheo phồng rộp và người tôi lạnh cứng.

Có nhiều loại biển. Biển gầm thét như một con hổ. Biển thì thầm vào tai ta như người bạn rủ rỉ tâm tình. Biển kêu lanh canh như một đồng xu lẻ trong túi quần. Biển sấm sét như những trận đất lở. Biển rít lên như giấy giáp cọ trên mặt gỗ. Biển kêu như người đang nôn mửa. Biển lặng ngắt như chết.
Và ở giữa hai cái đó, giữa trời và biển, là gió và chỉ gió mà thôi.
Rồi còn có đêm, trăng.
Là một kẻ đắm tàu tức là thường trực tại tâm điểm của vòng tròn. Cho dù mọi vật có vẻ như biến động vô cùng – biển từ thì thầm đến gào thét, từ trời xanh ngắt đến trắng xoá rồi đen ngòm – cái hình học kia không bao giờ thay đổi. Cái nhìn ngây dại của ta luôn luôn là đường bán kính mà thôi. Cái vòng tròn đó mãi mãi lớn lao. Mà thực tế là, những vòng tròn còn nhân bản lên nữa. Kẻ bị đắm tàu là kẻ bị mắc cạn trong một màn múa ba lê kì bí của các vòng tròn. Ta là tâm điểm của một vòng tròn, trong khi trên đầu ta, hai vòng tròn đối nghịch cùng đang xoay tít xung quanh. Mặt trời quấy rối ta như một đám đông, một đám đông ồn ào, xô đẩy nhau khiến ta phải bịt tai, nhắm mắt, khiến ta muốn lẩn trốn. Mặt trăng quấy rối ta bằng cách nhắc cho ta nhớ đến tình cảnh cô quạnh của mình, ta mở to mắt để lẩn tránh nỗi cô quạnh đó. Khi ta nhìn lên, đôi khi ta tự hỏi không biết ở tâm điểm của trận bão vũ trụ, hay ở tâm điểm của Biển Yên Bình, liệu cũng có ai như ta, cũng đang nhìn lên, cũng đang mắc cạn bởi thứ hình học này, cũng đang đấu tranh với sợ hãi, giận dữ, điên cuồng, vô vọng và vô tính.
Nếu không thế, thì là một kẻ đắm tàu lại là bị mắc kẹt giữa những đối nghịch lạnh lùng và mệt mỏi. Khi có ánh sáng, cái mênh mang của biển khiến ta mù loà và sợ hãi. Khi không có ánh sáng, bóng tối lại làm cho ta sợ như bị nhốt trong một nơi kín mít. Ban ngày, ta nóng nực và mong được mát mẻ, thèm kem, dội nước biển lên người. Ban đêm, ta rét và quấn hai ba cái chăn không đủ ấm. Khi nắng thì ta khô ran và thèm được ướt. Khi mưa thì ta ướt như chuột lột và chỉ thèm được khô ráo. Khi có thức ăn thì có thừa có thãi ta phải ăn rõ nhiều. Khi đã không có thì tịnh chẳng còn gì và ta phải chịu đói. Lúc biển lặng, ta mong nó động lên. Lúc nó nổi sóng và cái vòng tròn giam hãm ta bị những núi nước bẻ gãy, ta lại phải chịu đựng mọi sự thất thường của biển khơi, ngạt thở vì không gian bao la, và chỉ ước gì biển lặng trở lại. Những đối nghịch thường xảy ra vào cùng một lúc. Khi mặt trời thiêu đốt ta đến mức chỉ có thể ngồi im một chỗ, thì cái nắng thiêu đốt đó cũng đang sấy khô những rẻo thịt cá phơi trên dây và đang ban phước lành cho những chiếc máy cất nước của mình. Ngược lại, khi trời mưa như trút và làm đầy những bình chứa nước ngọt của ta, thì sự ướt át như thế sẽ làm thiu thối những thực phẩm mà ta đã mất công phơi phóng và cất giấu. Khi thời tiết dữ dằn đã qua đi, và ta biết rằng trời biển đã để ta được sống, thì nỗi vui mừng của ta lại nhanh chóng bị tan đi bởi ý nghĩ tiếc hận rằng biết bao nhiêu nước ngọt như thế đã phí phạm rơi xuống biển và bởi một nỗi lo không biết đó có phải là trận dông mưa cuối cùng hay không, rằng liệu ta có chết khát trước khi trời lại mưa trở lại không.
Cặp đối nghịch tệ hại nhất là buồn chán và sợ hãi. Nhiều khi cuộc đời là một chuỗi những chuyển dịch như quả lắc đồng hồ từ cái này sang cái kia. Biển không một gợn sóng. Trời không một gợn gió. Thời gian như vô tận. Ta thấy buồn chán đến mức chìm hẳn vào một tâm trạng vô tình rất gần với bất tỉnh nhân sự. Rồi biển nổi sóng và quất vào các tình cảm của ta như những làn roi và khiến cho chúng phát cuồng. Nhưng ngay cả hai đối nghịch này cũng không tách biệt với nhau. Trong cơn buồn chán cũng vẫn có những yếu tố hãi hùng: ta bật khóc, ta tràn đầy sợ hãi, ta kêu thét, ta cố tình hành hạ bản thân cho đau đớn. Và trong gọng kìm của tình trạng hãi hùng – ví dụ như trong một cơn bão – ta vẫn cảm thấy buồn chán, một nỗi niềm mỏi mệt sâu thẳm về tất cả mọi chuyện.
Chỉ có cái chết là luôn luôn khích động những cảm xúc của ta, cho dù ta nghĩ về nó lúc đang an toàn và yên ắng, hay đang cảm thấy nó khi cuộc sống đang bị đe doạ và trở nên thật quý giá với ta.
Cuộc sống trên một chiếc xuồng không thật sự là cuộc sống. Nó như một ván cờ đang vào kì chung cục, một ván cờ chỉ còn vài quân. Các toan tính không thể nào đơn giản hơn được nữa, và các rủi ro cũng chẳng thể nào cao hơn được nữa. Nó đặc biệt gian khổ về thể xác, và chết chóc về tinh thần. Ta phải điều chỉnh liên tục nếu muốn sống sót, rất nhiều thứ có thể vứt bỏ đi được. Ta chộp lấy cảm giác hạnh phúc bất cứ lúc nào có thể được. Ta như rơi xuống tận đáy địa ngục, nhưng vẫn đứng khoanh tay với một nụ cười trên môi, và cảm thấy ta là người may mắn nhất trên thế gian này. Vì sao? Vì dưới chân ta vẫn có được một con cá chết bé tí xíu.

 

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3