Cuộc đời của Pi ( Tập 2 ) - Chương 35 + 36 + 37 + 38

Chương 35 

 Tôi biết chuyện sống sót của tôi rất khó tin. Bây giờ nghĩ lại, chính tôi cũng nghĩ làm lạ.

Việc tôi khai thác được tình trạng say sóng mệt mỏi của Richard Parker không phải là cách giải thích duy nhất. Còn lí do khác khiến tôi sống sót: tôi là nguồn thức ăn và nước uống. Richard Parker đã suốt đời sống trong vườn thú, và đã quen với cuộc sống không phải là làm gì mà vẫn có đồ ăn thức uống. Đúng là khi trời mưa và cả cái xuồng là một cái hứng nước mưa, nó biết nước đó ở đâu mà ra. Hay như khi chúng tôi gặp cá bay, lúc đó vai trò của tôi không rõ ràng. Nhưng những cái đó không làm thay đổi được thực tế của hoàn cảnh: khi nó nhìn ra khỏi mạn xuồng, nó không thấy một khu rừng nào có thể săn mồi, không một con sông nào có thể uống tha hồ khi nó khát. Mà tôi thì mang cho nó đồ ăn và nước uống. Vai trò của tôi là tuyệt đối và đầy phép lạ. Nó làm cho tôi có quyền lực. Bằng chứng ư? Tôi vẫn còn đây để kể chuyện của mình.

Chương 36

 Tôi trữ nước mưa và nước thu được từ các máy cất trong tủ trên xuồng, không cho Richard Parker thấy, trong những cái túi nhựa năm mươi lít. Tôi buộc kín chúng bằng dây. Những túi ấy sẽ chẳng quý báu hơn đối với tôi nếu nó chứa đầy vàng, ngọc bích, hồng ngọc hoặc kim cương. Lúc nào tôi cũng lo lắng đến chúng. Cơn ác mộng ghê gớm nhất của tôi là một sáng tỉnh dậy và nhìn thấy chúng bị rò hoặc bị vỡ. Để tránh thảm hoạ đó, tôi lấy chăn bọc chúng lại để khỏi bị chà xát vào vỏ xuồng kim loại, và tôi tránh dịch chuyển chúng để khỏi bị mòn. Nhưng tôi lo nhất là phần cổ chúng. Liệu dây buộc như thế có làm mòn nhựa đi không? Làm thế nào để gắn kín chúng mà không phải dùng dây?

Khi mọi việc thuận lợi, trời mưa to, các túi chứa đầy nước theo mong muốn, tôi đổ đầy cả các cốc tát nước, hai cái xô nhựa, hai cái bình chứa đa năng, ba cái bình đong và những cái hộp nước đã uống hết (tôi đã giữ chúng như những của báu). Sau đó, tôi còn đổ nước vào tất cả các túi nôn, gắn kín chúng bằng cách xoắn nút lại. Chưa xong, nếu trời vẫn tiếp tục mưa, tôi lấy ngay chính mình làm bình chứa. Tôi ngậm cái ống thu của cái hứng nước mưa và cứ thế uống.
Tôi luôn luôn cho thêm một ít nước biển vào phần nước uống cho Richard Parker, tỉ lệ cao hơn một chút trong những ngày mưa và ít hơn một chút khi trời khô hạn. Hồi đầu, có lần nó nhúng cả đầu xuống biển và tợp tợp mấy ngụm, nhưng rồi nó thôi ngay và không uống nước biển như vậy nữa.
Đã như thế rồi mà chúng tôi vẫn thiếu nước. Đó là nỗi lo lắng và chịu đựng thường xuyên trong suốt thời gian khổ nạn của chúng tôi.
Kiếm được bất kì món gì ăn được, Richard Parker cũng được chia sẻ phần nhiều hơn. Tôi không có lựa chọn nào khác. Nó biết ngay lập tức mỗi khi tôi bắt được con rùa, một con dorado, hay một con cá mập, và tôi phải nhanh chóng hậu hĩnh với nó. Có lẽ tôi đã lập kỉ lục thế giới về môn cưa yếm và mai rùa. Còn cá thì ngay khi chúng còn đang quẫy cũng đã bị chặt thành từng miếng. Nếu tôi đã thành bất tri kì vị và tạp thực như thế thì cũng chẳng phải là do đói đơn thuần, mà còn do vội. Nhiều khi tôi không có thời gian để xem mình đang sắp đưa cái gì vào miệng, vì nếu không làm thế ngay thì sẽ mất cho Richard Parker đang gầm gừ và giậm chân sốt ruột ngay bên bờ lãnh thổ của nó. Đến ngày đó, tôi chợt đau đớn và xót xa nhận ra rằng tôi đã ăn như một con vật, tôi đã băng hoại nhân tính, những miếng nhai nuốt ầm ĩ và trợn trạo của tôi đã chẳng khác gì của Richard Parker.
Chương 37
Trận bão từ từ tiến đến vào một buổi chiều. Mây giống như đang vội vã chen nhau chạy trốn gió. Biển nhận ra dấu hiệu hành động. Nó bắt đầu dâng lên hạ xuống khiến cho tim tôi thót lại. Tôi kéo tất cả các máy cất nước và cái lưới về xuồng. Chao ôi, giá như mọi người đều thấy quang cảnh đó! Cho đến tận giờ tôi vẫn còn nhìn thấy những con sóng cao như núi đó. Đúng là những trái núi! Dưới các con sóng ấy, chúng tôi như ở dưới đáy thung lũng tối om. Sườn thung lũng dốc đến mức cái xuồng cứ thế tuột xuống như một cái ván lướt sóng. Cái bè là khổ nhất, bị kéo tung lên khỏi mặt nước và lôi xềnh xệch theo đủ mọi hướng, bắn lên hất xuống đủ mọi kiểu. Tôi thả cả hai cái neo biển ra hết cỡ, dài, ngắn khác nhau để không bị vướng.
Khi trèo lên các con sóng cao ngất ngưởng ấy, chiếc xuồng bám vào hai cái neo biển như một người leo núi bám vào dây. Chúng tôi bị đánh dồn lên rất nhanh cho đến tận đỉnh sóng trắng như tuyết chói loà và đầy bọt khi chiếc xuồng lại bắt đầu chúi xuống. Lúc đó, quang cảnh đột nhiên rõ rệt khắp xung quanh và trải dài hàng nhiều dặm. Nhưng rồi trái núi nước ấy sẽ dịch đi, và chúng tôi sẽ rơi xuống đến quặn ruột. Nhoáng một cái chúng tôi đã ở dưới đáy thung lũng tối om, không phải là cái thung lũng trước đây nhưng cũng hệt như thế, với hàng ngàn tấn nước lơ lửng trên đầu và chỉ có sự mong manh, nhẹ bỗng mới cứu chúng tôi khỏi bị đánh chìm mà thôi. Rồi mọi thứ lại chuyển động, các sợi dây neo lại căng thẳng hết cỡ, và con tàu lộn nhào lại bắt đầu chạy.
Những cái neo biển thả nổi làm nhiệm vụ của chúng rất tốt – hơi quá tốt là đằng khác. Mỗi con sóng dâng chúng tôi lên đến đỉnh đều muốn lật nhào chúng tôi, nhưng hai cái neo, nổi ở bên kia đỉnh sóng, lại dâng lên mạnh mẽ và kéo chúng tôi qua, chỉ phải tội phần trước của xuồng luôn bị chúi xuống. Kết quả là bọt sóng và nước biển bắn lên như bom nổ ở phía mũi xuồng. Tôi bị ướt sũng hết lần này đến lần khác.
Rồi thì một con sóng dâng lên hình như muốn nhất định phải nhấn chìm hẳn xuống nước. Tôi choáng người, lạnh cóng và sợ đến đờ đẫn. Tôi chỉ còn đủ sức bám chặt. Chiếc xuồng chỉ còn đủ sức dìm hẳn xuống nước. Tôi nghe thấy Richard Parker gầm lên hết cỡ. Tôi thấy cái chết đã ở sát cạnh. Lựa chọn duy nhất chỉ là chết bởi nước hay chết bởi con thú kia. Tôi chọn chết vì con thú.
Khi chúng tôi đang tuột theo lưng con sóng, tôi nhảy lên tấm bạt và mở nó ra về phía dưới xuồng, nhốt Richard Parker hẳn vào trong. Nếu nó có phản đối thì tôi cũng chẳng biết. Nhanh hơn cả một cái máy khâu chạy trên tấm vải, tôi móc tấm bạt xuống cả hai bên sườn xuồng. Rồi chúng tôi lại bị sóng dâng lên. Chiếc xuồng nhào lên phái trước rất chắc chắn. Rất khó giữ thăng bằng. Chiếc xuồng bấy giờ đã được tấm bạt bao phủ hết, chỉ trừ chỗ của tôi. Tôi nép người vào giữa cái ghế bên với tấm bạt và kéo đoạn bạt còn lại lên qua đầu. Rất chật. Giữa mặt ghế và mép xuồng chỉ có khoảng ba mươi phân, và cái ghế chỉ rộng chừng bốn mươi lăm phân. Nhưng tôi cũng không ngốc tới mức nhảy xuống sàn xuồng, mặc dù đang đối mặt với tử thần. Còn phải mắc thêm bốn cái móc giữ bạt nữa. Tôi luồn tay qua kẽ hở và kéo sợi dây chằng bạt. Móc được một cái đã khó, cái tiếp theo còn khó hơn. Tôi móc được hai cái. Còn hai cái nữa. Chiếc xuồng đang bị sóng đẩy ngược lên cao, trơn tru và không ngừng. Phải dốc đến ba mươi độ. Tôi thấy mình đang bị lôi tuột xuống phía dưới đuôi xuồng. Điên cuồng xoay tay hết chỗ này chỗ kia, tôi móc được dây chẳng bạt vào cái móc thứ ba. Không thể làm hơn được nữa. Việc đó đáng nhẽ chỉ có thể làm từ phía ngoài. Tôi kéo mạnh sợi dây, cũng là thuận chiều vì việc đó giữ cho tôi khỏi bị văng xuống đuôi xuồng. Chiếc xuồng nhanh chóng vượt qua triền sóng dốc phải đến bốn mươi lăm độ.
Chúng tôi chắc chắn phải dốc đến sáu mươi độ lúc lên đến đỉnh sóng và nhào sang phía bên kia. Một phần nước rất nhỏ của con sóng ập xuống chúng tôi. Tôi cảm thấy như bị một con cá khổng lồ quật ngã. Chiếc xuồng đột ngột chúi về phía trước và mọi thứ đảo lộn hết: tôi thành ra ở phần thấp của xuồng và nước đang tràn ngập vào đó, cùng với một con hổ ướt sũng đang trôi về phía mình. Tôi không cảm thấy con hổ – tôi không có khái niệm rõ ràng Richard Parker đang ở chỗ nào; dưới tấm bạt lúc ấy tối như hũ nút – nhưng trước khi rơi xuống thung lũng tiếp theo thì tôi đã gần như chết đuối.
Đến tận đêm hôm đó, chúng tôi cứ lên lên xuống xuống như vậy cho đến lúc sợ hãi trở thành nhàm chán và bị thay thế bởi tâm trạng đờ đẫn và hoàn toàn phó mặc. Tôi bám lấy sợi dây chằng bạt bằng một tay, tay kia bám vào mép ghế, người nằm bẹp gí trên mặt ghế. Trong tư thế ấy, nước ào vào rồi lại rút ra liên tục – tấm bạt đập tôi nhừ tử, tôi ướt sũng và lạnh cóng, người bầm tím và chảy máu vì bị các mẩu xương và mai rùa cứa phải. Tiếng gào rú của trận bão và gầm thét của Richard Parker không lúc nào ngớt.
Thế rồi đến một lúc trong đêm đó, trí não tôi nhận ra rằng trận bão đã chấm dứt. Chúng tôi dập dềnh trên mặt biển một cách bình thường. Tôi nhìn trời qua một vết bạt rách. Đầy sao và không mây. Tôi chui ra khỏi tấm bạt và nằm lên trên.
Đến rạng ngày hôm sau thì tôi biết mình đã mất cái bè. Mọi thứ còn lại chỉ là hai cái chèo và một cái áo phao chằng ở giữa. Tôi cảm thấy như mình là một người chủ gia đình đang đứng nhìn cây xà gồ duy nhất còn sót lại của ngôi nhà đã bị thiêu cháy của mình. Tôi nhìn sục sạo khắp chân trời. Chẳng thấy gì hết. Cái thị trấn trên biển nhỏ bé của tôi đã biến mất. Lạ lùng thay, hai cái neo biển vẫn còn đó – chúng vẫn được chằng vào chiếc xuồng một cách thuỷ chung – nhưng chúng chẳng an ủi được tôi. Mất cái bè có thể không nguy hiểm đến phần xác của tôi, nhưng nó làm tử thương phần tinh thần của tôi.
Chiếc xuồng tơi tả thật đáng buồn. Tấm bạt rách nhiều chỗ, và rõ ràng là cũng do Richard Parker đã cào vào nó. Rất nhiều thực phẩm của chúng tôi đã bị mất, chẳng phải bị đánh trôi thì cũng là bị nước ngập ngay trên xuồng. Người tôi đau khắp nơi và bị một vết cắt tương đối sâu ở bẹn, vết cắt đã sưng tấy và trắng bệch. Tôi đã tưởng mình không dám kiểm tra các thứ trong tủ. Tạ ơn Chúa, không có túi chứa nước nào bị vỡ. Cái lưới và những cái máy cất nước mà tôi đã không xịt hết hơi cho bẹp hẳn đã chèn vào các khoảng trống và đệm cho các túi nước kia không bị va đập mạnh.
Tôi kiệt sức và chán nản. Tôi tháo cái bạt ở phần đuôi xuồng. Richard Parker đã im ắng đến mức tôi sợ nó đã chết đuối. Nhưng không phải. Khi tôi cuốn tấm bạt lên đến giữa xuồng và nắng rọi vào nó, nó động đậy, gầm gừ. Nó trèo ra và ngồi lên cái ghế đuôi xuồng. Tôi lấy kim, dây khâu và loay hoay vá các chỗ rách trên tấm bạt.
Sau đó tôi buộc một cái xô vào một sợi dây và tát nước ra khỏi xuồng. Richard Parker nhìn tôi một cách thờ ơ. Có vẻ nó thấy việc gì của tôi cũng nhàm chán. Trời hôm đó thật nóng và tôi làm mọi việc thật chậm chạp. Một cú múc nước làm tôi tìm thấy một thứ đã bị mất. Tôi cầm nó trong tay. Đó là thứ còn lại duy nhất ngăn cách tôi với cái chết: một thứ có màu da cam cuối cùng trên xuồng.

Chương 38

 

Tôi nằm trên tấm bạt, quấn chăn, ngủ, mơ, dậy, mộng mị, và nói chung là chẳng có việc gì khác. Một làn gió nhẹ đều đặn thổi. Thỉnh thoảng những tia nước từ đỉnh sóng bạc lại bắn lên làm ướt xuồng. Richard Parker đã biến dạng dưới tấm bạt. Nó không ưa bị ướt, cũng như chuyển động dập dềnh của chiếc xuồng. Trời xanh, không khí ấm áp, và biển chuyển mình đều đặn bình thường. Tôi tỉnh dậy vì một tiếng nổ. Tôi mở mắt và thấy nước trên trời. Nó đổ ập xuống tôi. Tôi lại ngẩng lên nhìn. Trời xanh không mây. Lại một tiếng nổ nữa, về phía trái, không mạnh mẽ như tiếng trước. Richard Parker gầm gào dữ tợn. Nước lại ào vào tôi. Nó có mùi khó chịu.
Tôi nhìn qua mép xuồng. Cái đầu tiên tôi thấy là một vật đen sì to lớn đang nổi trên mặt nước. Mất vài giây tôi hiểu ra nó là cái gì. Một vết nhăn hình vòng cung xung quanh mép nó làm cho tôi vỡ nhẽ. Đó là một con mắt. Nó là một con cá voi. Mắt nó to bằng cả đầu tôi, đang nhìn thẳng vào tôi.
Richard Parker từ dưới tấm bạt đi ra. Nó rít lên. Tôi cảm nhận được một sự biến động rất kín đáo trong tia nhìn của con cá voi và biết rằng nó đang nhìn sang Richard Parker. Nó nhìn như thể trong độ ba mươi giây rồi nhẹ nhàng lặn xuống. Tôi đã lo cá voi có thể dùng đuôi quật xuồng, nhưng nó lặn một mạch và biến dạng xuống đáy biển xanh sẫm. Cái đuôi nó là một cái vợt tròn khổng lồ dần dần mờ đi.
Tôi nghĩ cá voi đang tìm bạn. Chắc nó thấy tôi không cùng cỡ với nó, và ngoài ra, có vẻ tôi đã có bạn rồi.
Chúng tôi thấy một số cá voi nhưng không con nào gần như con đầu tiên đó. Tôi thường nghe tiếng chép miệng và phịt nước trước khi nhìn thấy chúng. Thường chúng nổi lên cách một quãng ngắn, có khi ba bốn con một lúc, như một quần đảo núi lửa. Những con vật khổng lồ này luôn luôn nâng đỡ tinh thần tôi. Tôi tin rằng chúng hiểu tình cảm của tôi lắm, hễ nhìn thấy tôi là một con sẽ thốt lên, “Chao ôi! Kia chính là cậu bé đắm tàu với con mèo nhỏ mà Bamphoo đã kể cho tớ nghe. Tội nghiệp chưa kìa. Mong sao cho cậu ấy có đủ tôm riu. Tớ phải bảo cho Mumphoo, Tomphoo và Stimphoo biết mới được. Không biết có con tàu nào quanh đây không để tớ đi báo động cho cậu ấy. Mẹ cậu ấy sung sướng phải biết nếu gặp lại được con. Tạm biết nhé, cậu bé của tớ. Tớ sẽ cố giúp cậu. Tên tớ là Pimphoo”. Và thế là, qua đường thông tin tự nhiên, tất cả cá voi ở Thái Bình Dương đều biết đến tôi, và nhẽ ra tôi đã được cứu rồi nếu Pimphoo không đến kêu cứu với một tàu Nhật Bản và bị họ bắn chết, rồi Lamphoo cũng chịu chung số phận ấy với một con tàu Na Uy. Nghề săn cá là một tội ác tày đình.
Cá heo cũng là những khách thăm tương đối thường xuyên. Một đàn đã ở quanh chúng tôi suốt cả một ngày một đêm. Chúng rất vui vẻ. Chúng lặn, chúng nhảy, chúng rượt đuổi nhau ngay dưới xuồng có vẻ như chẳng có việc gì khác ngoài việc nô giỡn. Tôi đã cố thử bắt một con. Nhưng chẳng có con nào đến gần đủ tầm cái lao. Ngay có đủ tầm đi nữa thì chúng cũng quá nhanh và quá lớn. Tôi bỏ ý định đó và chỉ ngắm nhìn chúng mà thôi.
Tôi thấy cả thảy sáu con chim. Con nào tôi cũng nghĩ là một thiên thần báo hiệu có đất liền ở gần. Nhưng chúng là những loài chim đi biển có thể lượn qua Thái Bình Dương với chỉ một sải cánh mà thôi. Tôi nhìn chúng, sợ hãi, ghen tị và tủi thân.
Đã hai lần tôi được nhìn thấy một con hải điểu chính cống (1). Con nào cũng đang bay rất cao vào không hề lưu ý gì đến chúng tôi. Tôi nhìn chúng, miệng há hốc. Chúng thật sự là cái gì đó siêu nhiên và không thể hiểu được.
Một lần khác, ngay gần xuồng, có hai con chim hải âu pêtren (2) bay lướt qua, chân đập đập trên mặt nước. Chúng cũng không hề để ý đến chúng tôi, và cũng làm cho tôi kinh ngạc không kém.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng thu hút được sự chú ý của một con hải âu đuôi ngắn khác, gọi là loài shearwater, vì khi bay chúng bay đập đầu cánh xuống mặt nước, nhưng cũng thuộc cùng một họ với chim hải âu pêtren. Con này lượn tròn trên đầu chúng tôi, rồi cuối cùng hạ cánh xuống. Nó thò chân, khép cánh và đậu xuống nước, nhẹ nhàng như cái nút chai. Nó nhìn tôi tò mò. Tôi vội vàng mắc mồi bằng một miếng thịt cá bay và quăng dây ra chỗ nó. Không kịp lắp hòn chì nên tôi loay hoay mãi mới cho mồi đến gần được con chim. Nhử nó đến lần thứ ba thì con chim dùng cánh bơi như chèo thuyền đến chỗ cái mồi đang chìm và phấn khích. Tôi để yên thêm vài giây rồi mới giật. Con chim kêu choe choé và khạc ngay miếng mồi ra. Trước khi tôi kịp thử lại lần nữa, nó dang cánh và cất mình lên không trung. Chỉ hai ba cái đập cánh, nó đã rộng đường bay đi mất.
Tôi may mắn hơn với một con chim khoang mặt đen. Nó thình lình hiện ra, lượn về phía chúng tôi, sải cánh dài hàng thước. Nó đậu xuống trên mạn xuồng ngay trong tầm tay của tôi. Cặp mắt tròn xoe của nó hút lấy tôi, vừa ngạc nhiên vừa nghiêm nghị. Đó là một con chim to lớn có tấm thân trắng muốt như tuyết và đôi cánh đen tuyền ở đầu và cạnh. Cái đầu gồ ghề to tướng của nó có một cặp mỏ rất nhọn màu vàng da cam và cặp mắt đỏ giữa khoang mặt đen khiến nó trông hệt như một tên trộm vừa thức trắng một đêm dài. Chỉ có cặp chân rộng có màng màu nâu có vẻ như chưa được thiết kế kĩ lắm. Con chim không biết sợ là gì. Nó đứng ra rỉa lông hàng nhiều phút liền. Lớp lông bên trong của nó thật mềm mại. Khi đã xong, nó ngẩng lên và mọi thứ lại đâu vào đấy, nó lộ nguyên hình là một con tàu không gian có hình khí động học trơn tru tuyệt đẹp. Tôi biếu nó một miếng thịt dorado. Nó nhặt miếng thịt ngay trong tay tôi, mỏ nó đâm vào lòng bàn tay thật dứt khoát.
Tôi bẻ gãy cổ nó bằng cách ấn đầu nó ngửa ra sau, một tay hất mạnh cặp mỏ, tay kia giữ chặt cổ. Lông nó chắc đến nỗi khi tôi vặt lông, da nó bị kéo theo ra soàn soạt. Không phải à vặt lông nữa, mà là xé xác. Nó nhẹ, đúng là để bay lượn, một khối lớn vậy mà không nặng chút nào. Tôi lấy dao lột da nó. Lớn xác nhưng có thật ít thịt, chỉ có một chút ở ngực. Thịt nó nhai sần sật hơn thịt dorado, nhưng vị thì cũng không khác nhiều. Trong bụng nó, ngoài miếng dorado tôi vừa biếu nó, còn thấy có ba con cá nhỏ. Tôi rửa chúng cho hết nhớt rồi chén cả ba. Tôi ăn cả tim, gan, và phổi của con chim. Tôi nuốt cặp mắt và lưỡi nó với một ngụm nước. Tôi đập vỡ sọ nó và nhể những miếng óc nhỏ xíu ra ăn. Tôi ăn cả màng da chân, những gì còn lại của nó chỉ là da, xương và lông. Tôi thả hết xuống cho Richard Parker. Con hổ đã không nhìn thấy con chim lúc nó bay đến. Một bàn chân màu da cam thò ra.
Nhiều ngày sau, lông con chim đã vẫn còn bay lên từ chỗ nằm của Richard Parker và bị gió thổi xuống biển.
Chẳng có con chim nào báo hiệu đất liền.
Chú thích
(1) Nguyên văn: albatross, một loài chim biển khổng lồ, sải cánh dài tới gần bốn thước, chân có mạng, thuộc họ Diomedeidae, có thể lượn trên không rất lâu (ND)
(2) Nguyên văn: petrel, một loài chim biển hay bay là là trên mặt nước, nên được đặt theo tên thánh Peter, là người tương truyền đã đi bộ trên mặt nước như chúa Jesus (ND).



 

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3