24h trong đời một người đàn bà - Chương 09-10

 

9
Còn bây giờ, ông hãy tưởng tượng địa vị của tôi: tôi đứng cách chừng hai ba chục bước sau chiếc ghế dài người đàn ông đó đang ngồi im lặng, tàn tạ. Tôi không biết mình phải làm gì, phần thì bị thôi thúc bởi ý muốn cứu giúp anh ta, phần thì sợ, không dám ngỏ lời, với một người lạ ở ngoài đường, nỗi sợ do sự giáo dục và tính di truyền mà có. Những ngọn lửa mờ đục của những ngọn đèn ga chập chờn trên nền trời đầy mây, người đi đường rất thưa thớt, đều vội vã; vì sắp tới nửa đêm mà chỉ còn một mình tôi ở ngoài vườn với con người giống một kẻ tự vẫn. 

Năm lần, mười lần, tôi đã tập trung tất cả nghị lực của tôi và tôi tiến tới phía anh ta, nhưng luôn luôn, sự ngượng ngùng nếu tôi lại, hay có lẽ đó là cái bản năng, cái linh cảm sâu sắc chỉ cho ta thấy rằng những người bị ngã thường kéo những người đến cứu họ ngã theo; giữa cảnh ngập ngừng ấy, bản thân tôi thấy rõ ràng sự điên rồ, sự lố lăng của tình hình. Nhưng tôi cũng không thể nói, không thể bỏ đi - không thể làm bất cứ điều gì, cũng không thể rời anh ta được.
Tôi hi vọng là ông tin tôi khi tôi nói với ông rằng tôi ở lại trên sân, đi đi lại lại không biết nên quyết định ra sao, có lẽ đến một giờ, một giờ dài vô tận, trong khi những làn sóng của biển cả, không nhìn thấy được, cứ gặm nhấm thời gian bằng hàng ngàn hàng ngàn tiếng đập nhỏ, hình ảnh của sự huỷ diệt hoàn toàn một con người làm tôi bị xáo trộn và thấm sâu vào trong tôi đến thế. 

Mặc dù vậy, tôi vẫn không đủ can đảm để nói và làm gì; có thể tôi còn ở đó suốt nửa đêm để chờ đợi hay có lẽ tính ích kỉ khôn ngoan hơn, cuối cùng sẽ dẫn tôi trở về nhà, phải, tôi như sắp quyết định bỏ mặc cái đụn đau khổ này với số phận của nó thì một sức mạnh cao siêu đã thắng sự do dự của tôi. Phải, trời bắt đầu đổ mưa, suốt buổi chiều, giờ đã quần tụ lại trên biển những đám mây lớn của mùa xuân, nặng trĩu hơi nước; với lồng ngực và với trái tim, người ta cảm thấy bầu trời đè nặng xuống trái đất. Đột nhiên, một giọt nước mưa rơi độp xuống đất và ngay lập tức một trận hồng thuỷ đổ ập xuống với những cuốn nước nặng nề bị gió đuổi đi. Tôi buộc phải ép mình dưới mái một quán hàng và tuy tôi đã mở dù, những đợt nước mưa vẫn bắn tung lên hắt những bó nước xuống áo tôi. Tôi cảm thấy những hạt bụi lành mạnh của nước rơi xuống đất tanh tách, bắn lên tận mặt và tay tôi. 

Nhưng (thật ghê sợ khi thấy rằng đến bây giờ, đã hai mươi năm sau, chỉ nghĩ đến việc này cổ họng tôi vẫn như thắt lại) mặc cho mưa như thác đổ, con người khốn khổ ấy vẫn ngồi lì trên ghế bất động, không nhúc nhích. Nước chảy ào ào, xối xả từ tất cả các ống máng; từ phía thành phố, tiếng xe hơi nổ ầm ầm; bên phải, bên trái, người ta chạy vội vàng, cởi áo măng-tô kéo cao, tất cả những gì sống động đều thu mình lại, sợ hãi trốn chạy, tìm nơi trú ẩn; ở khắp mọi nơi, người và vật đều cảm thấy nỗi khiếp sợ trời đất nổi cơn thịnh nộ – chỉ riêng cái đống thân thể đen đúa co tròn này vẫn ở đó, trên ghế, không động đậy. 

Tôi vẫn nói với ông là con người này có phép màu diễn tả tình cảm của mình một cách uyển chuyển bằng cử động và dáng điệu; nhưng không có gì, không một thứ gì trên trái đất này có thể diễn tả sự tuyệt vọng, sự buông thả hoàn toàn bản thân mình, cái chết còn sống động một cách thấm thía, bằng sự bất động, bằng cái cách ngồi lì, trơ trơ dưới trời mưa tầm tã, bằng vẻ mệt mỏi quá mức đến nỗi không thể đứng dậy đi vài bước cần thiết đến một nơi trú mưa nào đó, bằng sự lạnh lùng cao nhất đối với chính mình. Không nhà điêu khắc, không nhà thơ nào, kể cả Miken Angiơ, lẫn Đăngtê (23) làm cho tôi hiểu được cái động tác của sự tuyệt vọng cùng cực, sự khốn khổ cùng cực trên trái đất một cách xúc động và mạnh mẽ bằng con người sống nhưng lại quá nhu nhược, quá mệt mỏi đến nỗi không tự che chở lấy mình bằng một cử động thôi – và cứ để cơn giông bão xối nước lên người. 
Thật là mạnh hơn mình, tôi không thể làm khác được. Tôi nhảy một bước dưới hàng nước mưa xối xả quất mạnh và lay cái khối thịt ướt lướt thướt ngồi trên ghế này. 

- Lại đây nào! – Tôi nắm cánh tay anh ta và nói. 

Một vật không biết định nghĩa là gì nhìn tôi chòng chọc, vẻ khổ sở. Anh ta hơi nhúc nhích như có vẻ cử động nhưng anh vẫn không biết gì. 
- Lại đây nào! – Tôi nói và lại kéo cánh tay áo đẫm nước, lần này tôi đã hơi bực rồi. 
Thế là anh ta từ từ đứng dây, lảo đảo, không có ý chí. 

- Bà muốn gì? – Anh ta hỏi. 

Tôi không thể trả lời được vì chính tôi cũng không biết đi đâu với anh ta; điều tôi muốn, chỉ là kéo anh ta ra khỏi trận mưa lạnh giá này, khỏi sự dửng dưng điên dại giống như tự vẫn này làm ta cứ ngồi như vậy trong cảnh tuyệt vọng cùng cực.
Tôi không buông cánh tay anh ra, tôi tiếp tục kéo anh, cái thân tàn ma dại này, tới tận quầy bán hoa, có mái nhô ra một chút, ít ra cũng che chở anh ta được phần nào chống những đợt mưa dữ dội bị gió quất phũ phàng. Ngoài điều đó ra, tôi không biết gì, tôi không muốn gì hết. Thoạt tiên, tôi chỉ nghĩ tới một việc: đưa người này đến một chỗ trú, một nơi khô ráo. 

Thế là cả hai chúng tôi, đứng bên nhau, núp trong một khoảng nhỏ, phía sau chúng tôi là cái quầy, vách đóng kín, trên đầu chúng tôi chỉ có cái mái che, quá nhỏ; dưới mai, nước mứa không ngừng lọt ngấm ngầm qua, quất từng đợt những mảng nước lạnh vào quần áo, vào mặt chúng tôi, tình hình trở nên không sao chịu đựng nổi. Dù sao tôi cũng không thể ở lại lâu hơn nữa, bên cạnh người lạ lướt thướt này. Mặt khác, sau khi kéo anh ta đi theo tôi, cũng không thể bỏ mặc anh ta ngay mà không có một lời nào.
Nhất thiết phải làm gì; dần dần, một ý nghĩ rõ ràng, sáng sủa, hình thành trong đầu tôi. Tốt nhất là đưa anh ta về nhà anh bằng xe rồi trở về lại nhà mình ngày mai, anh ta sẽ biết tự lo liệu. Và thế là tôi hỏi con người đứng lặng bên tôi, mắt nhìn đăm đăm vào đêm tối giận dữ: 
- Anh ở đâu? 

- Tôi không có chỗ ở… Tôi vừa từ Nixơ đến chiều nay… Không thể về nhà tôi được. 
Tôi không hiểu ngay câu sau cùng. Mãi sau này, tôi mới hiểu là người ta tưởng tôi là…là… là một trong số đông những người đàn bà đêm đêm lẩn quất quanh cadinô, với hi vọng kiếm được một món tiền nào đó của những con bạc gặp vận may hay của những kẻ say rượu. Thật ra anh ta có thể nào nghĩ khác được vì giờ đây, kể cho ông nghe việc này, tôi cũng cảm thấy tình hình của tôi lúc đó thật là vô lí và kì quặc.
Anh ta có thể có ý nghĩ gì về tôi khi cách tôi kéo anh ta ra khỏi ghế và lôi anh ta đi rõ ràng không phải là phong cách của một bà mệnh phụ? Nhưng ý nghĩa đó không đến với tôi ngay lúc bấy giờ. Mãi sau này, khi đã quá muộn, tôi dần dà mới thấy được sự hiểu lầm ghê gớm của anh ta về tôi. Bởi vì nếu không, tôi đã không bao giờ nói những lời sau đây chỉ làm anh ta hiểu lầm thêm nữa. Quả vậy, tôi đã nói: 

- Vậy thì ta kiếm một phòng ở khách sạn. Anh không thể ở đây, anh phải tìm ngay một chỗ nghỉ ở đâu chứ. 

Nhưng lập tức, tôi lại nhận thấy sự hiểu lầm đau đớn của anh ta vì không buồn quay lại với tôi, anh ta chỉ nói, vẻ hơi mỉa mai: 

- Không, tôi không cần phòng. Tôi không cần gì hết. Cô đừng bận tâm, tôi không có gì để cô moi được đâu. Cô kiếm không đúng chỗ rồi, tôi không có tiền. 

Điều đó còn được nói ra với một giọng nghe ghê sợ, với một vẻ lạnh lùng gây nhiều ấn tượng và điệu bộ của anh – cái kiểu ẻo lả tựa vào vách quầy hàng, của con người ướt sũng, nước thấu tận xương, tâm hồn mệt lả – đã tác động đến tôi đến mức tôi không kịp nhận ra là mình đã bị xúc phạm một cách ti tiện và ngớ ngẩn. Khi anh ta vừa lảo đảo ra khỏi phòng đánh bạc, và suốt tiếng đồng hồ vừa qua, không sao tưởng tượng nổi đó, điều duy nhất tôi luôn luôn thấy là: ở đây, một con người còn trẻ, đầy sức sống, đầy sinh khí, sắp đến lúc chết và bổn phận của tôi là cứu anh ta. Tôi tới gần anh và nói: 

- Đừng lo chuyện tiền bạc, cứ đi với tôi! Anh không thể ở lại đây được, tôi sẽ kiếm ra chỗ nghỉ cho anh. Đừng lo nghĩ gì, cứ đi đi. 
10
Anh ta hất đầu và trong khi mưa vẫn rơi lộp bộp quanh chúng tôi, cơn giông vẫn xối nước rào rào dưới chân chúng tôi, tôi cảm thấy là lần đầu tiên, anh cố nhìn vào mặt tôi trong bóng tối. Thân thể anh cũng dần dần thoát khỏi cơn mê. 
- Thôi được, tùy cô, - anh ta nhận lời và nói – tôi cũng chẳng thiết… Sao không thế được nhỉ? Chúng ta đi thôi. 
Tôi mở dù, anh ta đến bên tôi và khoác tay tôi. Cái cách đột nhiên tỏ ra thân mật như vậy làm tôi rất khó chịu. Phải, nó làm tôi khiếp sợ, tôi thấy hoảng hốt đến tận đáy lòng. Nhưng tôi không có can đảm cấm anh ta làm như vậy, vì nếu giờ đây, tôi gạt tay anh ta ra, anh lại rơi xuống vực thẳm và những gì tôi đã làm cho đến lúc này sẽ trở nên vô ích. Chúng tôi đi vài bước về phía nhà cadinô. 
Đến lúc đó, tôi mới thấy là không biết nên làm gì với anh ta. Sau khi suy nghĩ thật mau, tôi nghĩ đến điều tốt nhất dẫn anh ta đến một khách sạn, dúi vào tay anh ta một số tiền để anh ta có thể trả tiền phòng và ngày mai, trở về Nixơ được; tôi không nghĩ đến việc gì khác. Lúc này các xe cộ đi nhanh ngang qua nhà cadinô, tôi gọi một chiếc và chúng tôi lên xe đó. Khi người đánh xe hỏi chúng tôi muốn đi đâu, thoạt tiên tôi không biết trả lời ra sao. Chợt nghĩ rằng, con người sũng nước từ đầu đến chân này đang ở bên tôi sẽ không được chấp nhận vào bất cứ một khách sạn sang nào. Mặt khác, do tôi là đàn bà không có kinh nghiệm, không hề nghĩ đến việc có thể bị hiểu lầm, tôi chỉ nói với người đánh xe: 
- Đến một khách sạn nhỏ nào cũng được! 
Người đánh xe, vẻ khắc khổ, ướt đẩm nước mưa, cho ngựa cất bước. Người lạ, ngồi bên tôi, nín lặng; tiếng bánh xe lõng bõng, nước mưa đập vào kính. Trong cái khoảng vuông tối tăm, không ánh sáng, như trong một chiếc quan tài, tôi cảm thấy như đi theo một xác chết. Tôi cố suy nghĩ, cố tìm một lời để làm nhẹ bớt vẻ kì quặc và kinh hãi của việc lầm lì ngồi bên nhau như thế này, nhưng tôi không làm nổi. Sau vài phút, xe dừng lại. Tôi xuống trước, trả tiền xe trong khi người kia, nửa thức nửa ngủ, đóng cửa xe lại. Bây giờ chúng tôi đang ở trước một khách sạn nhỏ mà tôi không biết nữa, phía trên là một mái hiên bằng kính chìa cái vòm tròn nhỏ ra che chở chúng tôi chống cơn mưa vẫn đều đều tí tách đến rợn người, xé rách bức màn đêm lạnh lùng. 
Người lạ này, không đỡ nổi sức nặng của thân mình, buộc phải tựa vào tường; từ chiếc mũ ướt lướt thướt, từ bộ quần áo nhàu nát của anh ta, nước rỏ xuống như từ một ống máng. Anh ta ở đó như người bị chết đuối vừa được vớt lên, tinh thần còn tê cóng và ở chỗ anh ta tựa, nước chảy thành một vũng nhỏ. Nhưng anh ta cũng không làm gì để rũ hết nước, để nhấc chiếc mũ, nước cứ chảy không ngừng xuống trán, xuống mặt anh. Anh ta cứ đứng đó, trơ trơ và tôi không sao có thể nói để ông rõ là tôi bị xúc động bởi sự suy sụp ấy đến chừng nào. 
Nhưng giờ đây, phải làm gì đã. Tôi cho tay vào túi: 
- Đây là một trăm phrăng, – tôi nói, – anh sẽ thuê phòng và sáng mai anh trở về Nixơ. 
Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi. 
- Tôi đã để ý quan sát anh từ trong sòng bạc, – sau khi thấy anh ta do dự, tôi nói tiếp và nhấn mạnh. – Tôi biết anh đã thua cháy túi rồi và tôi lo anh sắp làm điều dại dột. Nhận sự giúp đỡ không có gì xấu cả… Thôi, cầm lấy đi. 
Nhưng anh ta gạt tay tôi ra, mạnh không ngờ. 
- Cô là gái tốt đấy, – anh nói, – nhưng đừng vung phí tiền như vậy. Không làm gì được cho tôi đâu. Đêm nay, ngủ hay không, tôi cũng chẳng thiết. Mai là hết. Không còn làm gì được nữa đâu. 
- Không, anh phải cầm lấy số tiền này, – tôi năn nỉ, – mai anh sẽ nghĩ khác. Bây giờ anh hãy vào khách sạn đi và ngủ cho yên: ban đêm giúp ta suy nghĩ chín chắn hơn; mọi việc sẽ khác, không giống ban ngày. 
Nhưng khi tôi đưa tiền cho anh ta, một lần nữa, anh ta gạt phắt đi, vẻ dữ tợn. 
- Vô ích, – anh ta nhắc lại với giọng trầm, – tiền không dùng làm gì hết. Tốt hơn là để việc này xảy ra ở ngoài hơn là để phòng của người ta giây máu. Một trăm phrăng, chứ đến một ngàn phrăng cũng không giúp được gì cho tôi. Ngày mai tôi sẽ trở lại cadinô với vài phrăng còn lại và khi nào cháy túi, tôi mới đi. Bắt đầu lại làm gì? Tôi chán lắm rồi! 
Ông không thể tưởng tượng được giọng nói âm âm đó đã đem lại cái cảm giác gì, tận nơi sâu thẳm của tâm hồn tôi; ông hãy hình dung hoàn cảnh của tôi; hai bước trước mặt mình là một người trai trẻ sáng sủa, đầy sức sống, khoẻ mạnh và ta biết rằng, nếu ta không ráng hết sức mình, thì chỉ trong hai giờ nữa, cái tuổi hoa xuân này, đang suy nghĩ, nói năng và hô hấp kia sẽ chỉ còn là một xác chết. Thế là tôi có ước vọng mãnh liệt phải thắng sự chống cự điên dại này. 
Tôi nắm cánh tay anh ta và nói: 
- Điên khùng thế là đủ rồi! Anh sẽ vào khách sạn thuê một phòng; sáng mai tôi sẽ đến kiếm anh và đưa anh ra ga. Anh phải ra khỏi nơi đây trong ngày mai, anh phải trở về nhà và tôi sẽ không để anh yên trước khi thấy anh mua vé và lên tàu. Khi còn trẻ, thì không ai chỉ vì thua một vài trăm hay vài ngàn phrăng mà lại đi kết liễu đời mình. Thế là hèn nhát, là nổi cơn nóng giận, điên khùng một cách ngớ ngẩn. Ngày mai anh sẽ cho tôi là có lí.