Vụ án mạng ở vùng Mesopotamie - Chương 12 + 13
Chương 12 : Tôi không tin
Không! Không!
Giáo sư Leidner bối rối đi lại trong phòng.
- Reilly, điều ông vừa nói là không thể, không thể có! Sao? Một người trong đoàn tôi? Nhưng, tất cả đều quý bà ấy mà!
Một cái nhếch mép thoáng hiện trên môi bác sĩ Reilly. Lúc này thật khó nói thẳng ý kiến của mình, nhưng sự im lặng của bác sĩ đã nói lên tất cả.
- Không thể có! - Giáo sư Leidner nhắc lại - Ai cũng yêu quý bà ấy.
Bác sĩ Reilly khẽ ho:
- Leidner, xin lỗi, nhưng đó là ý kiến cá nhân ông. Nếu có người nào trong đoàn căm ghét vợ ông, người đó chẳng dại gì để ông biết.
Giáo sư Leidner tỏ vẻ cụt hứng:
- Phải, có thể. Tuy nhiên, có lẽ anh lầm. Tôi bảo đảm rằng ở đây ai cũng có tình cảm tốt với bà ấy.
Ông lặng yên một lát, rồi lại nổi nóng:
- Điều các ông vừa nói là một sự sỉ nhục. Không, tôi không tin!
- Ông không thể chối sự thật hiển nhiên.
- Hiển nhiên? Hiển nhiên nào? Tên đầu bếp Ấn độ và hai thằng bồi Ả rập nói láo. Ông Reilly, cả ông Maitland nữa, các ông đều biết tụi bản xứ này. Mình muốn gì thì chúng nói thế. Sự thật có ý nghĩa gì với chúng. Chúng nói dối như cuội.
Bác sĩ Reilly sẵng giọng:
- Trong trường hợp cụ thể này, họ nói chính những điều mà ta không muốn nghe. Trước cổng luôn có một nhóm túm tụm ngồi chuyện gẫu. Tôi đến đây luôn, tôi biết, đúng là như thế.
- Ông quá vội kết luận. Biết đâu cái tên giết người đó không vào từ sớm rồi nấp ở đâu đó?
- Nói thế cũng được - giọng ông Reilly lạnh nhạt - Cứ cho là có kẻ lạ đột nhập mà không ai biết. Thế thì hắn lẩn trốn ở ngay trong phòng bà Leidner, mà phòng này làm gì có chỗ nào ẩn. Hơn nữa, lúc vào và ra khỏi phòng, thì ông Emmott và tên bồi phải thấy chứ, vì họ luôn luôn ở ngoài sân.
- Thằng bồi. Giờ tôi mới nghĩ ra - ông Leidner kêu - Thằng này tinh lắm, nó phải nhìn thấy hung thủ vào phòng vợ tôi.
- Chúng tôi đã xem xét điểm này. Suốt buổi chiều, hắn ngồi lau rửa, trừ một lúc. Lúc ông Emmott lên sân thượng với ông vào khoảng một giờ rưỡi: ông ấy không thể nói rõ hơn.
- Ông ấy lên đó độ mười phút, phải không nào?
- Phải. Chính tôi cũng nói với ông là không nhớ chính xác.
- Tên bồi lợi dụng lúc ngắn ngủi đó, chạy ra góp chuyện với những người ở trước cổng. Lúc ông Emmott xuống, không thấy nó, ông tức giận gọi nó, hỏi tại sao bỏ việc. Có vẻ như vợ ông bị giết trong khoảng mười phút ấy.
Giáo sư Leidner thốt lên một tiếng rên, ngồi xuống, lấy tay ôm đầu. Bác sĩ Reilly thản nhiên nói tiếp:
- Thời khắc ấy ăn khớp với nhận xét của tôi. Khi tôi xem tử thi, bà Leidner đã chết khoảng ba tiếng. Câu hỏi duy nhất bây giờ là: ai giết?
Yên lặng một lúc. Giáo sư Leidner đứng lên, đưa tay ôm trán:
- Lập luận của ông quả có lý. Như vậy là hung thủ đã ở trong nhà từ trước. Tuy nhiên, tôi vẫn cho là giả thuyết ấy có chỗ chưa ổn.
- Còn điều gì nữa?
- Vợ tôi nhận được những thư đe dọa. Rồi thì bà ấy bị giết. Thế mà các ông lại bảo kẻ giết người là người khác, không phải kẻ viết những thư ấy? Nghe không xuôi.
- Thoạt nghi... thì... là như thế - bác sĩ Reilly đáp.
Ông đưa mắt nhìn đại úy Maitland, như để hỏi.
- Thế nào, ông nghĩ sao? Tôi có một ý này, nếu các ông đồng ý thì tôi nói.
Đại úy gật đầu:
- Ông cứ nói.
- Các ông có biết một người tên là Hercule Poirot?
Giáo sư Leidner hơi ngạc nhiên, nhìn người vừa nói:
- Nghe hơi quen quen. Ông Van Aldin bạn tôi, hình như khen ông ấy lắm. Một thám tử tư thì phải?
- Đúng thế.
- Nhưng cái ông Poirot ấy ở tận London, làm sao giúp ta được?
- Đúng - bác sĩ Reilly đáp - ông ấy ở London, nhưng tình cờ thay, lúc này ông không ở London, mà ở Syria, và ngày mai ông sẽ qua Hassanich trên đường đi Bát-đa!
- Ai bảo ông thế?
- Jean Bérat, lãnh sự Pháp. Tối qua, ông lãnh sự dùng bữa với tôi và cho biết tin ấy. Nghe nói ông Poirot vừa khám phá vụ việc gì ở Syria. Trên đường về London, ông sẽ qua đây. Các ông bảo thế có tình cờ không?
Giáo sư Leidner do dự một lát, liếc nhìn đại úy Maitland:
- Đại úy thấy thế nào?
- Nếu được ông ấy cộng tác thì tôi hoan nghênh - đại úy vội đáp - Người của tôi rất thạo khi xục xạo các nơi để giải quyết các vụ việc giữa người Ả rập với nhau, nhưng còn việc này, xin thú thật, hơi bất thường, có phần bí hiểm nữa. Nếu ông thám tử tư ấy nhận đảm đương thì tốt quá.
- Tóm lại, ông khuyên tôi nên mời ông ấy giúp? - ông Leidner nói - Nhỡ ông ấy từ chối?
- Ông ấy không từ chối đâu - bác sĩ Reilly khẳng định.
- Sao ông biết?
- Vì ngay như tôi, là bác sĩ, nếu có ai đến cầu cứu về một ca bệnh nặng, tôi không thể có can đảm từ chối. Mà đây không phải là vụ án mạng thông thường.
Giáo sư Leidner nhăn nhó:
- Vâng. Vậy ông Reilly vui lòng mời giúp ông Hercule Poirot hộ tôi nhé?
- Được thôi.
Giáo sư Leidner khoát tay ra chiều cảm ơn, thong thả nói:
- Đến lúc này, tôi vẫn chưa tin là Louise đã chết.
Tôi không thể chịu được hơn, bột phát nói:
- Ôi, giáo sư Leidner! Tôi không thể nói hết sự ân hận của tôi. Tôi đã không làm tròn nhiệm vụ. Trách nhiệm của tôi là phải trông nom bà nhà thế mà...
Giáo sư Leidner nghiêm nghị lắc đầu:
- Không, không, cô không có lỗi gì. Chính tôi mới đáng trách... Tôi đã không tin... Tôi thật sự không tin là vợ tôi bị nguy hiểm. Tôi đã để mặc bà ấy... tôi đã không làm gì để ngăn chặn tai họa... chỉ vì tôi không tin.
Ông lảo đảo bước ra khỏi phòng.
Bác sĩ Reilly ngước nhìn tôi:
- Tôi cũng cảm thấy có lỗi. Trước đó tôi vẫn cho là bà ấy hù dọa chồng và bày chuyện.
- Tôi cũng vậy, tôi cũng không cho những chuyện bà kể là nghiêm túc - tôi nói.
- Cả ba chúng ta đều lầm - Bác sĩ Reilly kết luận.
Chương 13 : Hercule Poirot xuất hiện
Không bao giờ tôi quên cảm giác do ông Hercule Poirot gây ra khi tôi gặp ông lần đầu tiên. Tất nhiên, về sau này tôi quen dần, chứ thoạt đầu, dáng bộ của ông khiến tôi phải kinh ngạc, đó có lẽ cũng là cảm nhận của mọi người.
Tôi cứ hình dung ông như một nhân vật kiểu Sherlock Holmes, người cao, gầy, mặt thông minh, tinh tế. Tôi đã được báo Poirot là người nước ngoài, song không ngờ ông ấy trông lạ lẫm đến vậy.
Chỉ nhìn ông, tôi đã muốn bật cười. Trông ông cứ như diễn viên trên sân khấu hoặc màn ảnh. Trước hết, con người nhỏ thó tròn xoe đó, cao chỉ bằng năm foot, để râu mép rậm nên trông càng có vẻ già lão. Đó là con người sẽ khám phá kẻ giết bà Leidner.
Hẳn sự thất vọng hiện rõ trên mặt tôi, vì lập tức ông nháy mắt nhìn tôi một cách ngồ ngộ, nói:
- Trông tôi có vẻ không vừa ý cô lắm, phải không? Nên nhớ phải ăn bánh rồi mới biết mùi vị của bánh.
Câu phương ngôn Anh ấy không phải không đúng, dù sao ông Poirot chưa gây cho tôi niềm tin cậy.
Bác sĩ Reilly đưa ông tới hôm chủ nhật, ít lâu sau bữa trưa. Ngay lập tức ông thám tử người Bỉ này yêu cầu được gặp tất cả mọi người.
Chúng tôi vào ngồi trong phòng ăn. Ông Poirot ngồi đầu bàn, một bên là giáo sư Leidner, một bên là bác sĩ Reilly.
Khi mọi người đã an vị, giáo sư Leidner đằng hắng, ngập ngừng cất giọng nhỏ nhẹ:
- Các bạn hẳn đều đã nghe nói về ông Hercule Poirot. Nhân hôm nay ghé qua Hassanich, ông đã vui lòng tạm ngừng hành trình để đến đây giúp đỡ chúng ta. Cảnh sát Irắc và đại úy Maitland tất nhiên đã hết sức cố gắng, nhưng trong trường hợp này, có những hoàn cảnh... (ông lúng túng đưa mắt cầu cứu bác sĩ Reilly) phức tạp.
- Phải rồi, tất nhiên trong chuyện này có điều ám muội - Poirot nói.
Bà Mercado kêu to:
- Nhất định phải bắt nó bằng được! Không thể để nó thoát!
Nhà thám thử Bỉ nhìn bà, hỏi:
- Bắt nó? Nó là ai, thưa bà?
- Thằng giết người chứ ai!
- À! Tên giết người! - Hercule Poirot lặp lại.
Ông ta nói cứ như ông không quan tâm gì đến tên giết người.
Mọi người nhìn cả vào ông và ông cũng lần lượt nhìn tất cả mọi người. Ông nói:
- Hình như chưa ai ở đây có dịp điều tra một vụ hình sự.
Mọi người trả lời bằng một tiếng xác nhận ồn ào. Hercule Poirot nở một nụ cười:
- Cho nên các bạn không biết những điều sơ đẳng của một cuộc điều tra. Nó gồm những công việc rất nhàm chán... Trước hết, phải có sự nghi ngờ.
- Nghi ngờ?
Đó là lời cô Johnson thốt lên, ông Poirot nhìn cô vẻ suy nghĩ. Tôi có cảm tưởng ông tán thành câu hỏi đó. Ông có vẻ đang nghĩ: Đây rồi, đây là một phụ nữ thông minh, biết suy xét!?
- Vâng thưa cô. Nghi ngờ! Khỏi phải nói vòng vo: tất cả các vị trong nhà này đều là đối tượng nghi ngờ, không trừ một ai: anh đầu bếp, anh hầu phòng, vân vân, và tất cả thành viên của đoàn.
Bà Mercado đứng dậy, người run bần bật, mặt giận dữ:
- Cả gan! Sao ông dám nói như vậy? Thật bỉ ổi! Không thể tha thứ! Giáo sư Leidner, ông có cho phép ông này... ông này...
Giáo sư mệt mỏi cắt lời:
- Bà Merie, xin bà hãy bình tĩnh.
Đến lượt ông Mercado đứng lên, tay run run, mắt đỏ ngầu:
- Vợ tôi nói đúng. Đây là một sự... sỉ nhục!
- Không! Không! - Poirot nói - Tôi không sỉ nhục ai. Tôi chỉ yêu cầu mọi người nhìn thẳng vào sự việc: khi có án mạng xảy ra trong nhà, thì đối tượng nghi ngờ là tất cả những ai ở trong nhà ấy. Các vị nói đi, có bằng chứng nào tỏ ra là hung thủ từ bên ngoài vào?
Bà Mercado phản đối:
- Rõ ràng là nó từ bên ngoài nhảy vào! Có thể khác được sao! - bà ngừng lại, rồi nói từ tốn hơn - Bất cứ giả thuyết nào khác đều không thể chấp nhận.
Poirot nghiêng mình đáp:
- Có thể bà nói đúng. Tôi chỉ muốn để mọi người hiểu cách tiến hành từ đầu một cuộc điều tra là như thế nào. Trước khi đi tìm hung thủ ở nơi nào khác, tôi muốn được chắc chắn là các vị có mặt tại đây đều vô can.
- Như thế thì có sợ sẽ kéo dài đến tận đêm khuya? - Cha Lavigny cất tiếng nhẹ nhàng.
- Thưa cha, rùa rồi sẽ vượt qua thỏ.
Cha Lavigny nhún vai, vẻ cam chịu:
- Chúng tôi ở trong tay ông. Chỉ xin ông mau chóng làm rõ sự vô tội của chúng tôi trong vụ án khủng khiếp này.
- Vâng, sẽ cố hết sức. Trách nhiệm của tôi là phải trình bày rõ tình hình để các vị khỏi khó chịu vì những câu hỏi tọc mạch mà tôi có thể buộc phải đặt ra, Thưa cha, có lẽ Nhà thờ nên làm gương trước chăng?
- Ông cứ thẩm vấn tôi tùy thích - cha Lavigny đáp.
- Đây có phải là chuyến đầu tiên cha công tác ở đây?
- Phải.
- Cha đến đây... từ bao giờ?
- Cách đây ba tuần... chính xác là 27 tháng Hai.
- Trước đó, cha ở đâu?
- Tu viện dòng các Cha Trắng. Ở Carthage.
- Cảm ơn. Trước khi tới đây, cha có biết bà Leidner?
- Không, chưa gặp bà bao giờ.
- Xin cha cho biết, lúc xảy ra án mạng, cha đang làm gì?
- Tôi đang giải mã các thư tịch cổ trong phòng của tôi.
Tôi nhận thấy, dưới khuỷu tay Poirot, đã có bản sơ đồ khu nhà.
- Đó là căn phòng ở góc tây nam, đối xứng với phòng bà Leidner phía bên kia?
- Vâng.
- Cha vào phòng mình lúc mấy giờ?
- Ngay sau bữa ăn trưa... cho là lúc một giờ kém hai mươi.
- Và cha ra khỏi phòng lúc nào?
- Trước ba giờ một chút. Tôi nghe tiếng xe tải về rồi lại đi. Lấy làm lạ, tôi chạy ra xem có chuyện gì.
- Từ một giờ kém hai mươi đến ba giờ, cha có lúc nào ra khỏi phòng?
- Không lần nào.
- Cha có nghe hoặc nhìn thấy gì bất thường có thể liên quan vụ án?
- Không.
- Phòng của cha có cửa sổ nhìn ra sân?
- Không, cả hai cửa sổ đều nhìn ra ngoài đồng quê.
- Nếu có gì xẩy ra ngoài sân, liệu cha nghe được không?
- Rất ít. Có nghe ông Emmott đi lên sân thượng rồi lại xuống một, hai lần.
- Lúc đó cha nhớ là mấy giờ?
- Không. Tôi đang chú tâm vào công việc.
Ngừng một lát, Poirot tiếp:
- Cha còn điều gì nói có thể soi sáng vụ việc này? Ví dụ, cha có thấy gì bất thường trong mấy ngày trước khi xẩy án mạng?
Cha Lavigny hơi bối rối, nhìn giáo sư Leidner như dò hỏi, rồi nghiêm nghị nói:
- Ông hỏi thế, thật khó trả lời. Nhưng đã hỏi, tôi xin nói thẳng rằng bà Leidner có vẻ như sợ ai hay sợ điều gì. Có người lạ tới là bà ấy bồn chồn một cách khó hiểu... chắc vì một nguyên nhân nào tôi không biết. Vì bà không nói với tôi.
Poirot hắng giọng, nhìn vào cuốn sổ cầm tay:
- Hình như hai đêm trước có nghi ngờ xảy ra vụ trộm.
Cha Lavigny gật đầu rồi kể chuyện ánh đèn nhìn thấy trong phòng cổ vật, rồi ai nấy lục lọi song không thấy gì.
- Cha đã nghĩ là có người lạ vào nhà lúc đó?
- Thực ra tôi chẳng hiểu thế nào. Không mất, không suy xuyển vật gì. Có thể là một tên phục vụ.
- Hay một thành viên của đoàn?
- Hay một thành viên của đoàn. Nhưng nếu vậy, sao người đó không nói thẳng ra là mình vào?
- Cũng có thể là người từ bên ngoài?
- Tất nhiên.
- Giả thử có người ngoài đột nhập, liệu hắn trốn ở đâu suốt ngày hôm sau cho đến chiều hôm sau nữa?
Poirot đặt câu hỏi này cho cả cha Lavigny và giáo sư Leidner. Cả hai suy nghĩ lúc lâu. Giáo sư ngập ngừng:
- Tôi nghĩ khó có thể ẩn nấp vào đâu? Cha Lavigny nghĩ sao?
- Không... không có chỗ nào.
Cả hai đều có vẻ luyến tiếc phải gạt bỏ khả năng đó.
Poirot quay về phía cô Johnson:
- Còn cô, cô có thấy khả năng ấy không?
Cô Johnson lắc đầu:
- Không. Mọi phòng đều có người ở, đồ đạc lại sơ sài. Phòng tối, phòng vẽ và phòng thí nghiệm lúc nào cũng có người, ở đó chẳng có tủ lớn, góc khuất nào hết. Hay lũ gia nhân đồng lõa...
- Điều đó có thể, nhưng chưa có gì chứng minh - Poirot nói.
Một lần nữa, ông hỏi cha Lavigny.
- Một câu nữa. Hôm nọ, cô Leatheran đây trông thấy cha nói chuyện với một người ở trước cổng. Cô ấy cũng một lần bắt gặp người này đang cố nhòm vào trong một cửa sổ. Có vẻ như hắn ta cứ lẩn quẩn quanh nhà nhằm mục đích nào đó.
- Lại rất có thể - cha Lavigny lơ mơ.
- Hắn ta bắt chuyện với cha trước?
Cha Lavigny suy nghĩ một lát:
- Phải... hình như thế. À phải, nhớ ra rồi, hắn nói trước.
- Hắn nói gì với cha?
Cha Lavigny có vẻ cố nhớ lại:
- Hình như hắn hỏi nhà này có phải của đoàn khảo sát Mỹ. Rồi hắn nói ở công trường sao mà lắm công nhân. Thú thật tôi không hiểu rõ những điều hắn nói, song tôi cố góp chuyện để luyện tiếng Ả rập của mình. Hy vọng hắn là người thành phố, ngôn ngữ chuẩn hơn các thợ đấu ở công trường
- Hai người còn nói những chuyện gì khác?
- Tôi nói rằng Hassanich cũng to, nhưng không to bằng Bát-đa. Hắn hỏi tôi là người Ácmêni hay Syria.
- Cha có thể mô tả hình dáng người ấy?
Cha Lavigny lại chau mày, vẻ suy nghĩ, rồi mới nói:
- Người đậm, thấp. Mắt hơi lác, da xanh vàng.
Poirot quay về phía tôi:
- Cô Leatheran, cô thấy như thế không?
- Không đúng. Tôi lại thấy hắn cao, hơi gày, da nâu, và mắt không lác.
Poirot nhún vai, thất vọng:
- Luôn luôn là như thế! Nếu các vị là cảnh sát các vị sẽ kinh nghiệm điều này: bao giờ hai nhân chứng cũng đưa ra hai nhận dạng khác nhau về cùng một người. Luôn mâu thuẫn nhau về chi tiết.
- Về mắt lác, thì tôi nhớ rõ. Các điểm khác, có thể cô Leatheran nói đúng. Khi tôi nói vàng, tôi cho với người Irắc thế là vàng, còn cô Leatheran gọi là nâu thì cũng không có gì lạ.
- Rất nâu - tôi nhấn mạnh.
Bác sĩ Reilly cắn môi, mỉm cười.
Poirot giơ tay lên trời, nói:
- Ta cho qua. Chưa biết ý nghĩa sự có mặt của người này là thế nào, rồi ta phải cố gắng tìm ra hắn. Ta tiếp tục.
Ông lưỡng lự một lát, nhìn các khuôn mặt chung quanh bàn, rồi đột nhiên hất đầu, hướng về ông Reiter:
- Nào ông bạn, nói xem ông làm gì chiều hôm qua?
Bộ mặt hồng hào, múp míp của người được hỏi đỏ ửng:
- Tôi?
- Phải, ông. Trước hết ông cho biết tên, tuổi.
- Carl Reiter. Hai tám tuổi.
- Người Mỹ, phải không?
- Phải, người Chicago.
- Đây là lần đầu tiên ông công tác ở đây?
- Phải. Công việc của tôi là nhiếp ảnh.
- A! Vậy chiều qua ông làm gì?
- Tôi ở trong phòng tối gần như suốt ngày.
- Gần như suốt ngày?
- Phải. Trước hết là tráng phim, sau là chuẩn bị các đồ vật để chụp.
- Chụp ở bên ngoài?
- Ô không. Trong xưởng ảnh.
- Phòng tối thông với xưởng ảnh?
- Phải.
- Ông có để ý những gì xảy ra ngoài sân?
Reiter lắc đầu:
- Không, không thấy gì. Tôi rất bận. Có nghe tiếng xe tải đi về, nên rỗi một lúc là tôi ra để xem mình có thư từ gì không. Lúc đó tôi mới... được tin.
- Ông bắt đầu công việc ở xưởng lúc mấy giờ?
- Một giờ kém mười.
- Trước khi gia nhập đoàn khảo sát, ông có biết bà Leidner?
- Không. Chưa gặp bao giờ.
- Ông cố nhớ xem... việc gì dù nhỏ... ngõ hầu soi sáng vấn đề.
Carl Reiter lắc đầu, đáp:
- Không, tôi chẳng thấy gì.
- Ông Emmott?
David Emmott phát biểu rành rẽ, bằng giọng trong veo, dễ nghe:
- Từ một giờ kém mười lăm đến ba giờ kém mười lăm, tôi chọn các mảnh gốm vỡ, đồng thời vẫn trông chừng thằng Abdullah. Nhiều lần tôi lên sân thượng, giúp ông Leidner một tay.
- Mấy lần?
- Đâu vào khoảng bốn lần.
- Và ông ở trên ấy bao lâu?
- Độ hai phút... không hơn. Nhưng một lần, tôi ở trên ấy đến mười phút để thảo luận với ông Leidner xem nên bỏ mảnh nào, giữ mảnh nào.
- Khi ông xuống, không thấy thằng Abdullah ở chỗ cũ?
- Vâng. Tức quá, tôi gọi ầm lên và hắn từ cổng vòm đi vào. Thì ra nó ra chuyện gẫu với các bạn.
- Nó chỉ bó việc có mỗi lúc ấy?
- Tôi có sai nó một, hai lần mang các mảnh gốm lên sân thượng.
Poirot nghiêm nghị nói:
- Trong thời gian đó, ông có thấy ai ra hoặc vào phòng bà Leidner?
Emmott trả lời ngay:
- Tôi không thấy bất kỳ ai. Suốt hai giờ tôi làm việc, không có ai vào sân cả.
- Và, ông có nhớ chính xác, cả ông và thằng Abdullah vắng mặt không có ở sân lúc một giờ rưỡi?
- Vào khoảng giờ ấy. Tôi không thể nhớ chính xác.
Poirot quay về bác sĩ Reilly:
- Những lời khai này khá khớp với nhận xét của ông về giờ nạn nhân tắt thở, phải không nhỉ?
Vừa nói, ông vừa vuốt đôi ria mép.
- Đúng vậy - bác sĩ xác nhận.
- Vậy là có lẽ ta có thể kết luận rằng bà Leidner đã chết trong khoảng mười phút ấy.