Tấm huy chương vàng - Chương 04
Chương 4
Không chỉ Quý ròm, Tiểu Long, Văn Châu mà tất cả các cổ động viên của đội Hy Vọng đều thấp thỏm theo dõi đội bóng con cưng của mình bước vào cuộc tranh tài khốc liệt với các đội mạnh của châu Á mà không có trung phong sắc bén Sĩ Hoàng trong đội hình.
May sao, ở vòng một, đội Hy Vọng bốc thăm gặp đội vô địch quốc gia của Phi-líp-pin, một trong những nước có nền bóng đá tài tử nhất thế giới, một xứ sở người dân đi xem bóng đá được mời vào cửa tự do để… khuyến khích phong trào. Tổng tỉ số cả hai lượt trận trên sân nhà và sân khách là 8-2 nghiêng về phía đội Hy Vọng giúp đội lọt vào vòng hai để đối đầu với một đội bóng sừng sỏ của Ấn Độ: đội Churchill Brothers.
Trước ngày đội vô địch Ấn Độ đến thành phố Hồ Chí Minh thi đấu trận lượt đi, báo chí đã đăng tải đội hình của hai đội một cách khá chi tiết.
Quý ròm đưa tờ báo cho Tiểu Long xem mà mặt mày xanh lè:
- Bỏ xừ rồi! Đội Churchill Brothers có tới mấy cầu thủ quốc tế lận mày ơi!
Tiểu Long dán mắt vào trang báo, miệng không ngừng xuýt xoa:
- Trời đất! Churchill Brothers có tới hai cầu thủ Nigiêria trong đội hình, đội Hy Vọng đá sao lại! Nigiêria là đội vừa đoạt chức vô địch Olimpic đó! Cả Braxin lẫn Achentina đều thua họ.
Quý ròm đấm ngực than khổ:
- Đã thế lại mất Sĩ Hoàng nữa, đội Hy Vọng kỳ này “húp cháo” mất!
Nhưng diễn biến trận đấu giữa hai đội sau đó không đến nỗi quá chênh lệch như Tiểu Long và Quý ròm lo lắng.
Lợi dụng thể hình cao to, đội Churchill Brothers thường xuyên chuyền bóng bổng vào vùng cấm địa đối phương để các tiền đạo đánh đầu. Nhưng đội Hy Vọng nagy từ đầu đã xây một bức tường phòng thủ dày đặc trước khung thành đội nhà, các cầu thủ hậu vệ được lệnh tranh chấp bóng quyết liệt, cả tầm cao lẫn tầm thấp, khiến các cầu thủ đến từ Nam Á không thể nào tung hoành như ý muốn. Lại thêm thủ môn Lê Hồng Miên trong một chiều sung sức đã vô hiệu hoá tất cả những cú sút căng thỉnh thoảng lọt qua hàng rào phòng ngự, bay như tên bắn vào khung thành.
Nhưng trong khi hàng phòng thủ của đội Hy Vọng xông xáo và hiệu quả bao nhiêu thì hàng tấn công lại mờ nhạt bấy nhiêu. Những đường lên bóng lẻ tẻ không hề khiến đối phương hoảng sợ. Năm thì mười hoạ mới có được một cơ hội làm bàn thì các chân sút lại vụng về bỏ lỡ.
Cổ động viên đội Hy Vọng ngồi trên khán đài sau những màn hò reo tuyệt vọng, bắt đầu đổ quạu:
- Thật chẳng ra ôn gì! Cứ như là đang đá trên sân khách ấy!
- Đá thế này thà về nhà thổi lửa cho vợ còn hơn!
Rồi đám đông chuyển qua tiếc rẻ:
- Nếu có Sĩ Hoàng, hàng tiền đạo đâu đễn nỗi loay hoay như gà mắc tóc thế!
Các cổ động viên đội Điện Lực Hoà Bình trong trận này cũng xoay qua cổ vũ cho đội Hy Vọng hết mình - đội trong nước đá với đội nước ngoài mà lại! Nhưng cổ vũ chán chê không có kết quả, những cái miệng sùi bọt kia xoay sang cà khịa:
- Đá thế hôm trước thua đội Điện Lực là phải!
- Đá không lại, giả bộ treo giò trung phong! Làm như thua là do bán độ í!
Tiểu Long, Quý ròm và Văn Châu ngồi nghe không sót một câu. Nhưng tụi nó chả buồn đôi co hay tranh cãi.
Quý ròm ngồi chống cằm, thẫn thờ nhìn cầu thủ hai đội quần thảo trên sân, lòng chẳng có một cảm giác gì rõ rệt. Nó đang chán lắm!
Thình lình Văn Châu kêu lên:
- Long, Quý nhìn kìa!
- Gì thế?
- Anh Sĩ Hoàng!
Theo tay chỉ của bạn, Quý ròm và Tiểu Long nhanh chóng nhận ra trung phong Sĩ Hoàng đang ngồi trên bằng ghế dành cho ban huấn luyện và các cầu thủ dự bị đội Hy Vọng.
Tiểu Long không nén được tiếng reo:
- A, hay quá! Aược xoá án rồi, thế nào lát nữa cũng vào sân!
Quý ròm không vội mừng như bạn. Nó căng mắt quan sát một hồi rồi thở đánh thượt:
- Xoá án đâu mà xoá án!
Tiểu Long gân cổ cãi:
- Nếu không được xoá án, sao anh Sĩ Hoàng lại ngồi trên băng ghế của đội Hy Vọng?
- Anh Sĩ Hoàng vẫn đi theo đội, vẫn cùng đội tập luyện nhưng không được thi đấu! - Quý ròm nhún vai – Mày không thấy ảnh mặc đồ thường sao!
Lời giải thích rõ ràng của Quý ròm làm Tiểu Long tiu nghỉu. Ừ nhỉ, anh Sĩ Hoàng tuy ngồi cùng đội bóng nhưng lại mặc áo sơ mi quần dài! Một cầu thủ sắp sửa ra sân chả bao giờ ăn mặc thế cả! Như vậy là anh Sĩ Hoàng sẽ không được tung vào sân. Như vậy là đội Hy Vọng thân yêu của nó đừng mong chọc thủng lưới đối phương dẫu chỉ một quả để làm vốn cho trận lượt về.
Nhìn thấy trung phong Sĩ Hoàng không chỉ có bọn Quý ròm. Các cổ động viên khác của đội Hy Vọng cũng đá phát hiện ra cầu thủ con cưng của mình đang ngồi dưới mái vòm trên băng ghế kê sát hàng rào trước mặt khán đài A.
Hàng ngàn cái miệng lập tức hò reo:
- Sĩ Hoàng! Sĩ Hoàng!
- Cho Sĩ Hoàng vào sân đi!
- Sĩ Hoàng, chúng tôi yêu bạn!
- Sĩ Hoàng, quên đi quá khứ, nhìn tới tương lai!
Tấm lòng người hâm mộ thật dộ lương. Và tình yêu của người hâm mộ thật bao la. Người hâm mộ đã quên phắt nỗi đau Sĩ Hoàng đã từng đem lại cho mình, đã quên mình phải mất đứt nửa tháng lương để mua vé chợ đen vào xem trận chung kết Cúp quốc gia với giá cắt cổ, đã phải đội nắng chen lấn suốt nhiều tiếng đồng hồ ròng rã trước khi lọt vào sân để rốt cuộc đau lòng chứng kiến người trung phong thân yêu cố tâm sút bóng ra ngoài suốt trận.
Vâng, người hâm mộ đã quên tất cả. Trước đội bóng kình địch nước ngoài, người hâm mộ sẵn lòng tha thứ những lồi lầm của người cầu thủ trót một lần sa sẩy. Vì danh dự màu cờ sắc áo, người hâm mộ sẵn sàng động viên người cầu thủ làm lại từ đầu, đoái công chuộc tội.
Nhưng mặc cho những tiếng gọi khẩn khoản và tha thiết vang lên trên khắp các khán đài, ban lãnh đạo đội Hy Vọng vẫn không thể phá bỏ kỷ cương. Cho đến phút chót, Sĩ Hoàng vẫn không được tung vào sân. Và hai đội vô địch quốc gia Việt Nam và Ấn Độ đành đâu lưng ra về với tỉ số 0-0.
Trên đường về nhà, Văn Châu, Tiểu Long và Quý ròm im như thóc.
Mãi đến khi về tới chỗ ngã ba Cây Điệp, trước khi rẽ sang đường khác, Tiểu Long không nén nổi, liền khịt mũi than thở:
- Thủ hoà trên sân nhà coi như thua!
Văn Châu không bàn chuyện thắng thua. Nó nói bâng quơ:
- Nếu không có cầu thủ biết làm bàn, ngay cả đội Braxin cũng sẽ đứng bét thế giới!
Riêng Quý ròm không nói gì. Có lẽ nó không tìm ra lời bình phẩm nào đích đáng. Vì vậy, nó chia tay hai bạn với vẻ mặt dàu dàu.
Quý ròm dàu dàu suốt hai ngày. Tới ngày thứ ba, nó mới tươi lên được một chút.
Đó là khi Tiểu Long và Văn Châu bất ngờ kéo tới nhà nó. Vừa đặt chân qua khỏi cửa, Tiểu Long đã reo ầm:
- Mày biết trung phong Sĩ Hoàng nhà ở đâu không?
- Ở đâu?
Tiểu Long vung tay:
- Ở ngay trong quận mình!
- Thật không? - Quý ròm chồm người tới trước, hỏi dồn – Ai bảo mày vậy?
Tiểu Long chỉ Văn Châu, tươi tỉnh:
- Văn Châu bảo! Chính Văn Châu nhìn thấy anh Sĩ Hoàng dắt xe vào nhà!
Quý ròm quay sang Văn Châu, chớp mắt hỏi:
- Nhà ảnh ở trên đường nào vậy?
- Đường Bùi Hữu Nghĩa! Chỗ chợ Hoà Bình ấy!
Quý ròm đứng vụt dậy:
- Chợ Hoà Bình ở gần đây! Hay tụi mình kéo đến thăm ảnh đi!
Tiểu Long ngơ ngác:
- Đi ngay bây giờ ư?
Quý ròm hùng hổ:
- Ngay bây giờ!
- Đi thì đi!
Thấy Quý ròm hăng hái quá mức, Tiểu Long gãi mũi đáp xuôi theo.
Nhưng Văn Châu lại chẳng tỏ vẻ gì muốn huà theo hai bạn. Nó ngần ngừ:
- Theo tôi, tụi mình không nên đến nhà anh Sĩ Hoàng vào lúc này!
- Sao thế? - Quý ròm ngạc nhiên - Bạn sợ giờ này anh Sĩ Hoàng không có nhà à?
Tiểu Long gật gù:
- Vậy thì trưa mai tụi mình ghé! Giờ đó chắc chắn ảnh có nhà!
Văn Châu lắc đầu:
- Không, tụi mình không nên đến đó! Mai hay mốt cũng vậy!
Văn Châu làm Tiểu Long và Quý ròm chưng hửng. Bốn con mắt lập tức xoe tròn:
- Sao thế?
Đôi môi Văn Châu mím chặt. Mãi một lúc nó mới nhẹ thở ra:
- Anh Sĩ Hoàng đang bị kỷ luật. Tôi nghĩ lúc này ảnh không muốn gặp bất cứ ai.
Nghe Văn Châu giải thích, mặt Quý ròm và Tiểu Long bất giác thần ra. Ừ nhỉ, anh Sĩ Hoàng đang bị treo giò sau một trận đấu tai tiếng như thế, hẳn anh chẳng muốn giáp mặt người hâm mộ trong lúc này. Nếu tụi mình đột ngột kéo tới, chắc chắn ảnh sẽ rất lúng túng. Không ngờ nhỏ Văn Châu bữa nay “sâu sắc” ghê! Quý ròm thừ người nghĩ ngợi một lúc rồi quay sang Văn Châu và Tiểu Long, giọng buồn xo:
- Thế thì biết nhà cũng như không!
- Sao lại như không? - Tiểu Long phản đối – Đợi khi ảnh hết hạn kỷ luật, tụi mình sẽ tới chơi với ảnh. Chỉ còn bốn tháng rưỡi nữa thôi. Lúc đó, tụi mình sẽ xin chữ ký, xin chụp hình chung, xin…
- Thôi đi! - Quý ròm nhăn nhó - Chừng nào hết bốn tháng rưỡi hẵng hay! Mày chỉ toàn mơ mộng.
- Không nhất thiết phải đợi tới bốn tháng rưỡi! - Văn Châu thình lình lên tiếng - Chiều mai tụi mình cứ tới nhà ảnh!
Văn Châu làm Tiểu Long và Quý ròm ngạc nhiên quá chừng.
- Khi nãy bạn bảo không nên tới kia mà? - Quý ròm cau mày.
- Tới gặp thì không nên! - Văn Châu khụt khịt mũi – Nhưng nấp trước cổng rào quan sát!
Tiểu Long gãi cổ:
- Nhưng như vậy thì làm sao xin chữ ký được?
- Mày lúc nào cũng chữ ký! - Quý ròm hừ giọng - Nếu mày không đủ kiên nhẫn đợi tới bốn tháng rưỡi thì đưa giấy đây, tao ký cho!
- Mày ký cái này nè! - Tiểu Long chìa cùi chỏ.
Văn Châu không ham gì chuyện chứng kiến Tiểu Long và Quý ròm cà khịa nhau. Nó buông thõng:
- Tôi về trước đây! Hai giờ chiều mai, nhớ đấy!