Giải thưởng lớn - Chương 09

Chương 9


Biến các ký hiệu và nguyên tử khối của các nguyên tố hóa học thành thơ không phải là chuyện ngon xơi. Vì vậy, trong khi “thi sĩ Bình Minh” nhăn nhó rứt tóc thì “thi sĩ Hoàng Hôn” cũng đang đau khổ vò đầu.

Lâm đi lòng vòng quanh căn gác suốt mấy buổi tối liền, hai tay bóp muốn móp cả trán, cũng chỉ làm được có tám câu:

Trăm lẻ tám (108) An Giang (Ag) là “Bạc”
Hăm bảy kia (27) An Lạc (Al) là “Nhôm”
“Thủy ngân” ở tít Hậu Giang (Hg)
Hai trăm linh một (201) kiện hàng phơi khô
Huế (H) vẫn coi “Hydro” số một (1)
Xứ Nghệ An (Na) có bột “Natri”
Hăm ba (23) từ đó tính đi
Cửu Long (Cl) kia chẳng thiếu gì “Clo”…

Lâm đọc đi đọc lại mấy câu song thất lục bát, lấy làm khoái chí. Nhưng nó chỉ khoái chí có thế. Những nguyên tố còn lại như kẽm, lưu huỳnh, cacbon, magie… trúc trắc thí mồ, nó nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra những địa danh thích hợp để lồng vào thơ.

Tiếng chân Lâm đi tới đi lui trên căn gác gỗ lúc nửa đêm làm mẹ nó lo lắng:

- Ngày mai thi học kỳ hả con?

- Dạ! - Lâm đáp bừa.

- Mẹ pha nước chanh cho con uống nhé?

- Dạ, thôi ạ! Mẹ nó nằm im một lát, lại nói:

- Thức khuya đói bụng đấy con ạ.

- Dạ.

- Mẹ chạy ra quán phở đầu chợ mua cho con một tô nhé?

- Dạ, thôi ạ!

- “Thôi ạ” cái tổ mẹ mày! - Thấy nói gì thằng con ham học cũng “thôi ạ”, mẹ nó đâm gắt - Ăn không ăn, uống không uống, lại đêm nào cũng thức khuya lơ khuya lắc, mày định sẽ trở thành tiến sĩ còm hả con?

Biết mẹ bực mình, Lâm làm thinh. Nó không dám đi loăng quăng nữa mà ra đứng trước lan can, nhìn xuống chợ.

Ngoài trời gió thổi lộng, Lâm nghe đầu mình tỉnh táo hẳn. Nó ngắm những ánh đên lấp lánh sau vòm cây, ngắm những luồng sáng của bóng đên cao áp chiếu xuyên vào nhà lồng chợ, đầu nghĩ vớ nghĩ vẩn. Nó tự hỏi không biết thằng Quý ròm đã làm xong bài thơ chưa, và liệu bài thơ của “thi sĩ Bình Minh” có dễ nhớ dễ thuộc hơn bài thơ của nó hay không.

Một lát, Lâm lại nghĩ quanh. Nó chợt nhớ đến những lời gièm pha, khích bác của Quốc Ân và Hải quắn. Hai thằng này khăng khăng tụi bạn trong lớp sẽ không đời nào để “giải thưởng lớn” lọt vào tay băng “tứ quậy”, dù thơ của nó có hay hơn thơ của Quý ròm gấp bội đi chăng nữa. Hai đứa bạn nó còn hùng hổ vạch tội mấy đứa trong ban cán sự lớp và đặc biệt là hai thằng Tần và Đặng Đạo.

Dĩ nhiên Lâm không tin mấy đứa trong ban cán sự lớp lại tệ như hai thằng bạn nó nói. Khi Lâm đặt vè chọc phá bạn bè, tụi Xuyến Chi quả có lên án nó gay gắt thật, nhưng kể từ khi nó đặt vè “giúp bạn học tập” rõ ràng Xuyến Chi, Vành Khuyên và nhỏ Hạnh đã nhìn nó bằng đôi mắt khác, thậm chí còn khen ngợi nó không tiếc lời. Còn lớp phó trật tự Minh Vương là tổ trưởng của nó, không có lý gì lại “trù ếm” nó.

Lâm không hồ nghi gì về sự trong sáng của ban cán sự lớp, nhưng nó lại ngờ rằng hai nạn nhân trước đây của nó là thằng Tần và thằng Đặng Đạo rất có thể đã không công bằng trong các đợt “bình chọn tác phẩm” vừa qua.

Chưa bao giờ Lâm nghe hai đứa này lên tiếng khen thơ nó, chỉ toàn chê. Suốt mấy cuộc thi vừa qua, tụi nó chỉ bỏ phiếu cho Quý ròm. Rõ là bọn “tư thù cá nhân”! - Lâm hậm hực nhủ bụng - Mà hai đứa này đâu phải gương mẫu gì cho cam! Thằng Tần tổ trưởng tổ 1, chắc chắn đã xúi giục hai tổ viên to mồm của mình là thằng Dưỡng và nhỏ Hiền Hòa hợp lực công kích và chê bai thơ nó. Thằng Đặng Đạo cũng vậy, lúc nào cũng bảo thơ Quý ròm dễ nhớ dễ thuộc, còn thơ của nó không trúc trắc chỗ này cũng trục trặc chỗ kia! Hừ, mà cái thằng Đặng Đạo “đít voi” này là người như thế nào cơ chứ? Là chuyên gia ngủ gục trong lớp! Gần cả tháng nay, Đặng Đạo hầu như không ngày nào mà không ngủ gục, chả hiểu tại sao. Cho tới sáng hôm qua, Đặng Đạo còn bị cô Nga dạy sử phạt chép năm mươi lần câu “Em không ngủ gục trong giờ học nữa”, khi cô giảng khô cả cổ rồi kêu nó đứng lên nhắc lại bài học, nó trả lời cô bằng những tiếng “khò khò” êm như cưa gỗ khiến cả lớp cười bò. Một cái đứa như vậy mà hễ “thi sĩ Hoàng Hôn” vừa trưng thơ ra là ngoác miệng chê ỏng chê eo, bảo Lâm không lộn ruột sao được! Hừ, chờ cuộc thi này kết thúc, mày sẽ biết tay ông! - Lâm hăm he - Mày chưa thoát nạn đâu! Ông sẽ không đặt vè chọc mày, nhưng ông sẽ nghĩ cách bêu riếu cái tật ngủ gục của mày trước toàn trường cho mày biết tay!

Tiếng rao bánh và tiếng mì gõ vọng hiu hắt giữa phố khuya cho Lâm biết đêm đã khuya lắm rồi. Lâm nhìn vào nhà, lắng tai nghe ngóng, đoán mẹ đã ngủ. Trong một thoáng, nó cảm thấy mắt mình muốn díp lại. Mười hai giờ, hoặc mười hai giờ hơn rồi cũng nên! Hay mình đi ngủ quách, sáng mai dậy sớm làm nốt bài thơ chắc cũng còn kịp! Lâm nghĩ, và nó giơ tờ giấy lên sát mắt, soi vào ánh đèn thủy ngân ngoài trời, căng mắt nhẩm đọc những câu thơ làm dở, cố ghi nhớ để lát đi nằm nếu chưa ngủ được sẽ thầm “sáng tác” tiếp…

Nhưng trong khi đang xoay xoay tờ giấy trên tay, Lâm lại bất cẩn đánh rơi nó xuống mái nhà phía dưới. Lâm liền ngồi thụp xuống, thò tay ra ngoài lan can. Nhưng Lâm chưa kịp nhặt, một làn gió đi ngang đã thổi tờ giấy bay là là xuống đất.

- Rõ khổ! - Lâm làu bàu - Lại phải xuống nhà mở cửa! Mẹ mà nghe mình lục đục thế nào cũng thức giấc và quạt ra trò cho xem!

Nhưng đó chưa phải là mối lo lớn nhất của Lâm. Điều đáng sợ là ngay lúc đó một chiếc xe rác đang từ từ trờ tới. Chiếc đèn bão treo lắc lư trên thanh gỗ gắn ở góc xe, hai người nữ công nhân vệ sinh mặt bịt khẩu trang một người kéo xe, người kia đang lúi húi quét rác, những nhát chổi xào xạc đều đặn càng lúc càng cuốn dần về phía bài thơ của nó.

- Cô ơi! - Lâm hốt hoảng hét vọng xuống- Cô đừng quét nữa! Chờ cháu một lát! Nghe thấy tiếng kêu, người nữ công nhân ngẩng đầu nhìn lên và dừng chổi lại. Lâm mừng quýnh, vội vã chạy tọt vào trong và lần xuống cầu thang.

Khi nó bước ra đường, người phụ nữ khi nãy vẫn đang đứng chờ nó.

Lâm hấp tấp rảo nhanh lại và cúi nhặt tờ giấy đánh rơi.

- Cảm ơn cô! Cảm ơn cô nhiều ạ! - Lâm phủi phủi tờ giấy vào ống quần, miệng rối rít.

Ánh mắt người phụ nữ bừng sáng dưới ánh đên. Chắc là cô mỉm cười nhưng Lâm không nhìn thấy. Nó chỉ thấy tấm khẩu trang trên mặt cô khẽ động đậy.

Đúng vào lúc Lâm định quay vào thì một thằng nhóc trạc tuổi nó đang từ trong bóng tối của nhà lồng chợ đi ra. Thằng nhóc đi đứng có vẻ nặng nề, có lẽ do đang ôm một bô rác to tướng trước ngực.

Tiến gần đến chỗ xe rác, thoáng thấy Lâm, thằng nhóc tỏ vẻ ngỡ ngàng, chân khựng lại. Đôi mắt chớp lia, vẻ như muốn bỏ chạy. Nhưng rồi sực nhớ mình đang đeo khẩu trang, sau một thoáng bối rối, nó lập tức trấn tĩnh và lại khệ nệ ôm bô rác đi tiếp, lần này thay vì đi thẳng, nó nghiêng người đi quanh ra phía đằng sau xe, tránh xa chỗ Lâm đứng.

Nhưng những màn vờ vịt của thằng nhóc chẳng gạt được Lâm. Dù thằng nhóc đeo khẩu trang, chỉ cần nhìn thoáng qua mái tóc xù, đôi mắt hiếng và cặp lông mày sâu róm, Lâm đã nhận ra ngay đó là ai.

Nó sửng sốt:

- Đặng Đạo!

Người phụ nữ khi nãy vừa khom người xuống, chưa kịp quơ nhát chổi nào, nghe Lâm gọi đã vội thẳng người dậy, giọng ngạc nhiên:

- Ủa, cháu quen với con của cô hả?

- Ôi, thế ra cô là mẹ của bạn Đặng Đạo hở cô? - Lâm chớp mắt, vẻ áy náy - Thế mà khi nãy cháu không biết!

Lúc này Đặng Đạo không buồn giữ bí mật nữa. Nó ngượng ngập kéo khẩu trang xuống khỏi mặt, hỏi bằng giọng không được tự nhiên:

- Mày… mày đi đâu đây?

- Tao đâu có đi đâu! - Lâm chỉ tay vào nhà - Nhà tao đây này. Khi nãy tao đứng trên gác làm rơi tờ giấy, chạy xuống nhặt, thế là gặp mày.

Rồi Lâm ngạc nhiên hỏi, không để ý đến vẻ sượng sùng của bạn:

- Còn mày, tối nào mày cũng đi… đi… như thế này à?

Thoạt đầu, Lâm định nói “đi quét rác” nhưng rồi nó thấy cái từ đó nghe bất nhã thế nào, bèn sửa lại.

Đặng Đạo còn đang ấp úng, mẹ nó đã trả lời thay:

- Đặng Đạo mới đi theo cô gần một tháng nay thôi. Cô mới ốm dậy, sức còn yếu nên Đặng Đạo theo phụ một tay.

Lâm gục gặc đầu:

- Thì ra vậy!

- Thôi, cháu và Đặng Đạo nói chuyện nhé!

Mẹ Đặng Đạo mỉm cười bảo và tiếp tục khom mình đưa từng nhát chổi.

Tất nhiên mẹ Đặng Đạo không hiểu cái gật đầu của Lâm. Khi buột miệng “Thì ra vậy!”, ý của Lâm là bây giờ nó mới vỡ lẽ tại sao gần một tháng nay Đặng Đạo hay ngủ gục trong lớp. Thì ra mẹ của Đặng Đạo là công nhân vệ sinh. Bà vẫn thường xuyên quét rác trong ngôi chợ trước nhà nó vào những đêm khuya mà nó không hề biết.

Và gần cả tháng nay Đặng Đạo đi theo mẹ, phụ khiêng những bô rác nặng đổ vào xe như nó vừa nhìn thấy. Đêm nào Đặng Đạo cũng lang thang ngoài đường đến khuya lơ khuya lắc nên sáng ra mới mắc tật ngủ gục trong lớp. Tội nghiệp nó ghê!

Trong khi nó cực nhọc vất vả như vậy, mình tối nào cũng quấn chăn trên giường ngủ kỹ, thế mà nỡ đặt vè trêu chọc nó, còn định mai mốt sẽ tìm cách bêu riếu nó trong toàn trường, quả là đáng xấu hổ! Lâm bứt rứt nghĩ, và bất giác nghe cay cay nơi sống mũi.

Lâm ngẩng đầu lên, định nói với Đặng Đạo một câu gì đó ra ý xin lỗi.

Nhưng trong khi nó miên man nghĩ ngợi và đợi cho nỗi xao xuyến trong lòng lắng xuống, Đặng Đạo đã không còn đứng ở chỗ cũ.

Chiếc xe rác đã đi ra tới đường lộ, thấp thoáng đằng trước và đằng sau xe là hai chiếc bóng lầm lũi, một người kéo và một người đẩy. Đó là mẹ Đặng Đạo và người nữ đồng nghiệp.

Còn Đặng Đạo thì chẳng thấy đâu. Có thể nó đang loay hoay với các bô rác trong nhà lồng chợ! - Lâm cắn môi, tư lự - Cũng có thể nó đã bỏ đi trước để tránh mặt mình! Ý nghĩ sau khiến Lâm từ bỏ ý định đuổi theo bạn.

Nó đứng ngẩn giữa trời, bần thần ngó theo. Lòng nó đang dậy lên vô vàn cảm giác khác nhau. Nó quên cả lạnh, quên cả “bài thơ hóa học” gió thổi phần phật trên tay đến giờ này vẫn chưa hoàn tất

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3