Còn Đó Đam Mê - Rachel Gibson - Mở đầu
Lời mở đầu
Mckinney,Texas
1976
Môn toán làm Georgeanne Howard đau đầu, còn đọc sách lại khiến mắt con bé nhức
mỏi. Nhưng ít ra thì khi đọc, nó có thể di ngón tay theo từng từ rắc rối và
thỉnh thoảng giả vờ là đang vào đầu. Nhưng toán thì làm sao giả vờ như thế
được?
Georgeanne gục đầu lên bài kiểm tra trên bàn, lắng nghe tiếng lũ bạn cùng lớp
bốn đang chơi đùa ngoài sân trong giờ giải lao dưới ánh nắng ấm áp của Texas.
Nó ghét toán, đặc biệt ghét phải đếm hết đống cành củi ngớ ngẩn này. Đôi lúc nó
đăm chiêu nhìn chằm chằm vào hình vẽ đám cành củi đến mức cả đầu và mắt đều
ong hết cả lên. Nhưng lần nào đếm, nó cũng ra cùng một đáp số - đáp số sai.
Để gạt môn toán ra khỏi đầu, Georgeanne nghĩ về bữa tiệc trà màu hồng mà nó và
bà đã định sẽ tổ chức sau khi nó đi học về. Giờ này chắc bà đã làm mấy chiếc
bánh nhỏ màu hồng rồi, hai bà cháu sẽ mặc quần áo vải chiffon màu hồng và bày
khăn trải bàn, khăn ăn và cốc cũng màu hồng nữa. Georgeanne yêu các bữa tiệc
trà màu hồng và con bé cũng rất biết cách bày biện.
“Georgeanne!”
Con bé giật mình. “Dạ, thưa cô.”
“Bà đã đưa em đi khám chưa?”
Con bé gật đầu. Tuần trước, suốt ba ngày liền nó đã phải đọc truyện cho một ông
bác sĩ có đôi tai to nghe. Nó trả lời các câu hỏi của ông và viết truyện. Nó
làm toán và vẽ tranh. Nó thích vẽ tranh, nhưng những việc còn lại thì đúng là
ngớ ngẩn.
“Em đã làm xong chưa?”
Georgeanne nhìn xuống trang giấy viết lem nhem trước mặt. Nó đã tẩy đi tẩy lại
đáp số nhiều lần đến nỗi mấy cái ô bé xíu điền kết quả giờ nhuốm một màu xám ảm
đạm, và làm rách toạc vài vết hình tam giác cạnh đám hình vẽ cành củi. “Chưa ạ,”
nó nói, và lấy tay che.
“Để cô xem em đã làm được gì rồi nào?”
Nỗi sợ hãi đè nặng lên nó, con bé đứng dậy, và bằng một điệu bộ khoa trương nó
đẩy ghế gọn vào sát bàn. Đế giày da bóng loáng hầu như không gây ra tiếng động
nào khi nó chậm chạp đi tới bàn cô giáo. Dạ dày nó nôn nao.
Cô Noble nhận tờ giấy nham nhở từ tay Georgeanne rồi xem bài làm của con bé. “Em
lại làm thế nữa rồi,” cô nói, cáu kỉnh dằn từng tiếng. Sự bực dọc khiến đôi mắt
nâu của cô nheo lại và cái mũi nhỏ của cô phát nhức lên. “Em còn định viết kết
quả sai bao nhiêu lần nữa đây?”
Georgeanne liếc qua vai cô tới chỗ cái bàn dành cho môn khoa học xã hội nơi hai
mươi căn lều tuyết nhỏ xíu được dựng lên từ những viên đường hình lập phương.
Lẽ ra phải có hai mươi mốt căn, nhưng vì kém môn tập viết, Georgeanne vẫn chưa
được làm căn lều của mình. Có thể là ngày mai.
“Em cũng không biết nữa,” nó lí nhí.
“Cô đã nói với em ít nhất bốn lần rằng kết quả của bài toán thứ nhất không phải
là mười bảy. Vậy sao em còn viết vào?”
“Em không biết”. Con bé đã đếm đi đếm lại từng cành củi. Có hai bó, mỗi bó bảy
cành, cộng thêm ba cành riêng ở ngoài. Vậy là thành mười bảy.
“Cô đã giảng cho em bài này mãi rồi. Nhìn vào bài đi.”
Khi Georgeanne nghe lời nhìn xuống, cô Noble chỉ vào bó củi thứ nhất. “Bó này
có mười cành,” cô oang oang nói, và chỉ tay sang cạnh. “Bó này cũng có mười
cành, và chúng ta có thêm ba cành nữa. Mười cộng mười bằng bao nhiêu?”
Georgeanne mường tượng các con số trong đầu “Hai mươi”
“Cộng thêm ba?”
Con bé ngừng lại, nhẩm tính “Hai mươi ba”
“Đúng rồi! Kết quả là hai mươi ba.” Rồi cô giáo tống lại tờ bài làm cho nó “Giờ
thì về chỗ làm nốt đi.”
Khi nó trở lại chỗ ngồi, Georgeanne nhìn vào bài toán thứ hai. Nó nhìn kỹ ba bó
củi, cẩn thận đếm từng cành một, rồi điền kết quả là hai mươi mốt.
Ngay khi tiếng chuông giải thoát vang lên, Georgeanne chộp lấy cái áo ponsô mới
màu tía mà bà nó đan cho, và gần như chạy một mạch về nhà. Vừa bước vào cổng
sau, con bé đã thấy mấy chiếc bánh nhỏ màu hồng trên chiếc bàn bếp bằng đá cẩm
thạch màu xanh trắng. Căn bếp tuy nhỏ, giấy dán tường màu vàng và đỏ đã bong ở
vài chỗ, nhưng lại là nơi Georgeanne yêu thích. Gian bếp toả ra mùi hương của
những thứ hấp dẫn và dễ chịu, như bánh ngọt và bánh mì, nước tấy rửa Pine-Sol và
nước rửa tay Ivory.
Bộ đồ uống bằng bạc đã đặt sẵn trên bàn trà, và khi nó định cất tiếng gọi bà
thì nghe thấy giọng đàn ông vọng ra từ phòng khách. Trừ khách quan trọng ra,
không ai được phép lui tới căn phòng đặc biệt ấy, nên Georgeanne bước nhẹ dọc theo
hành lang tới trước nhà.
“Có vẻ như cháu gái bà không nắm được chút nào các khái niệm trừu tượng. Con bé
toàn dùng từ ngược nghĩa hoặc đơn giản là không thể nghĩ ra từ nó muốn diễn
đạt. Chẳng hạn như, khi được xem tranh về quả đấm cửa, con bé gọi: “Cái đó là
thứ cháu xoay để mở cửa vào nhà”. Vậy nhưng con bé lại nhận biết được chính xác
một cái thang máy, cuốc chim, và gần đủ năm mươi bang” người đàn ông giải
thích, và Georgeanne nhận ra đó là ông bác sĩ có đôi tai to đã cho nó làm những
bài kiểm tra ngớ ngẩn tuần trước. Nó dừng lại ngay gần ngưỡng cửa, lắng nghe. “Tin
tốt lành là cháu đạt điểm khá cao trong bài kiểm tra đọc hiểu”, ông tiếp tục. “Điều
đó có nghĩa là cháu hiểu những gì cháu đọc”.
“Sao có thể thế chứ?”, bà nó hỏi. “Con bé xoay nắm đấm cửa hàng ngày, và theo
tôi được biết thì nó chưa bao giờ động tới cái cuốc chim. Sao nó có thể nhầm từ
này với từ kia mà vẫn hiểu được những gì nó đọc chứ?”
“Chúng tôi vẫn chưa rõ tại sao một vài đứa trẻ lại mắc chứng rối loạn chức năng
não, thưa bà Howard. Chúng tôi cũng không biết nguyên nhân gây ra chứng bệnh
này, và cũng không có cách chữa trị”.
Georgeanne áp sát người vào tường nấp. Má nó bắt đầu nóng ran, một khối cưng
cứng nổi lên trong dạ dày. Rối loạn chức năng não ư? Nó đâu ngốc đến nỗi không hiểu
người đàn ông kia muốn nói cái gì. Ông ta nghĩ nó bị thiểu năng.
“Tôi có thể làm gì cho cháu gái Georgeanne của tôi đây?”
“Có lẽ vài bài kiểm tra nữa sẽ giúp chúng tôi xác định rõ cháu đang gặp vướng
mắc gì lớn nhất. Thuốc có thể giúp điều trị cho một số đứa trẻ.”
“Tôi sẽ không để Georgeanne dùng thuốc.”
“Rồi cho con bé vào học ở một trường dạy cách cư xử lịch thiệp,” ông ta khuyên “Cháu
là một cô bé gái dễ thương và hẳn là khi lớn lên sẽ trở thành một thiếu nữ xinh
đẹp. Con bé sẽ chẳng khó khăn gì mà không kiếm được một tấm chồng chăm lo được
cho nó.”
“Một tấm chồng? Georgeanne của tôi mới chỉ chín tuổi, thưa bác sĩ Allan.”
“Tôi không có ý bất kính, thưa bà Howard, nhưng bà là bà của cháu. Bà còn có
thể chăm sóc con bé bao nhiêu năm nữa đây? Tôi cho rằng đầu óc Georgeanne sẽ
không bao giờ thực sự sáng láng được.”
Khối cưng cứng trong dạ dày Georgeanne bắt đầu nóng ran lên khi con bé bước
ngược hành lang ra cửa sau. Nó đá một chiếc hộp cà phê khỏi bậu cửa và ném kẹp
phơi quần áo của bà bay khắp cái sân nhỏ ngăn nắp.
Ngự trong lối xe bụi bặm là chiếc El Camino mà Georgeanne luôn cho là có màu
giống hệt màu nước xá xị. Chiếc xe nằm yên trên bốn cái bánh xẹp lép và chẳng
có ai đi đến kể từ khi ông con bé mất hai năm trước. Bà nó lái chiếc Lincoln,
vì vậy Georgeanne coi chiếc El Camino là của mình, và vẫn thường dùng chiếc xe
để chở mình đi tới những miền đất xa xôi như London, Paris, và Texarkana trong
tưởng tượng.
Hôm nay nó không cảm thấy muốn đi đâu cả. Ngay khi ngồi vào chiếc ghế bọc vinyl,
nó vòng tay ôm quanh cái vô lăng lành lạnh và đăm đăm nhìn vào biểu tượng
Chevrolet ở giữa còi ô tô.
Mắt con bé mờ đi, tay siết chặt lại. Có thể mẹ Billy Jean của nó đã biết điều
này. Có thể mẹ đã biết từ đầu rằng Georgeanne sẽ không bao giờ “thực sự sáng
láng”. Có thể đó là lý do tại sao mẹ vứt bỏ nó ở nhà bà và không bao giờ trở
lại. Bà vẫn bảo Billy Jean chưa sẵn sàng để làm một người mẹ, và Georgeanne
luôn tự hỏi nó đã làm gì để mẹ nó phải bỏ đi. Có lẽ giờ thì nó đã hiểu.
Khi Georgeanne đăm chiêu nghĩ tới tương lai, những giấc mơ thời thơ ấu trôi
tuột đi cùng những giọt nước mắt lắn dài trên đôi má nóng bừng, và nó đã nhận
ra vài điều. Nó sẽ không bao giờ được nghỉ ra chơi hay được dựng một căn lều
tuyết như tất cả các bạn cùng lớp. Hi vọng trở thành y tá hay nhà du hành vũ
trụ của nó vỡ tan tành, và mẹ sẽ chẳng bao giờ quay lại với nó nữa. Bọn trẻ ở
trường có thể sẽ biết chuyện và cười nhạo nó.
Georgeanne ghét bị cười nhạo.
Hoặc có thể chúng sẽ chế giễu nó như đã chế giễu thằng Gillbert Whitley.
Gillbert đái dầm ra quần hồi học lớp hai, và không đứa nào cho phép thằng bé
quên đi chuyện đó. Bây giờ, chúng gọi cậu ta là Gillbert Đái Dầm. Georgeanne
thậm chí còn chẳng muốn nghĩ tới chuyện bọn chúng sẽ gọi mình là gì nữa.
Kể cả phải chết đi nữa nó cũng quyết không để ai phát hiện ra mình không bình
thường. Nó đã quyết không để ai nhận thấy Georgeanne Howard mắc chứng rối loạn
chức năng não.