Một ngày kỳ lạ - Chương 05
Cả Minh Trung lẫn Thuỷ Tiên đều xác nhật giống nhau: Đầu năm lớp 8 thằng Mười học rất bết, suýt chút nữa bị ở lại lớp, nhưng đến giữa năm nó đột ngột học khá hẳn lên. Nếu không thế năm nay nó đã không vô nổi lớp mười trường Đức Trí.
Thuỷ Tiên nói một hồi, rồi ngờ ngợ nhìn Quý ròm:
- Ủa, bạn hỏi chuyện này chi vậy?
- Hỏi cho biết vậy thôi. – Quý ròm nói dối – Mình đang định tổ chức một nhóm học toán…
- Hay quá! - Thuỷ Tiên sáng mắt – Quý cho mình tham gia với nha!
Quý ròm nhìn lên trời:
- Để từ từ tôi tính…
- Có gì đâu mà tính. Quý cứ “ừ” đại đi!
- Không được. – Quý ròm ra vẻ khó nghĩ - Phải tính toán cẩn thận. Con trai con gái học chung phức tạp lắm!
- Xì!
- “Xì” gì mà “xì”! – Quý ròm tủm tỉm – Trai gái học chung lỡ có đứa nào độc mồm độc miệng đồn ầm lên thằng Mười nhảy vô ôm đại lấy bạn khiến bạn thét lên be be thì tai tiếng chết!
Biết Quý ròm nhắc lại chuyện xảy ra trong vườn nhà thằng Tần hôm trước để trêu mình, Thuỷ Tiên thò tay ra nhưng nó chưa kịp véo thì thằng ròm đã bỏ chạy mất.
So với Thuỷ Tiên, nhỏ Minh Trung biết nhiều về gia cảnh thằng Mười hơn. Tại nó là lớp phó kỷ luật của thằng này mấy năm liền mà. Theo như Minh Trung kể với nhỏ Hạnh thì ba mẹ thằng Mười ly hôn năm Mười học lớp bảy. Sau đó mấy tháng thì ba nó có vợ khác, nhỏ Minh Trung bảo vậy. Nó nói hồi đó thằng Mười không có biểu hiện gì suy sụp, nhưng đến khi lên lớp tám tự dưng Mười đâm ra chán đời, chẳng thèm ngó ngàng gì đến bài vở, tưởng nghỉ học luôn rồi. Phải mất máy tháng trời Mười mới gượng lại được.
Cũng như Thuỷ Tiên, kể xong Minh Trung ngạc nhiên hỏi:
- Sao tự nhiên bạn lại hỏi về chuyện này?
Đã bàn bạc từ trước, nhỏ Hạnh đáp giống y Quý ròm:
- Bạn Quý có ý định tổ chức một nhóm học toán, tính rủ bạn Mười tham gia.
Thông tin Thuỷ Tiên và Minh Trung cung cấp hoàn toàn khớp với suy luận của Quý ròm.
- Như vậy câu chuyện về người đàn ông bí mật thằng Mười viết trong bài làm là có thật rồi. – Nó liếc nhỏ Hạnh, hào hứng nói, chân vẫn nhấn mạnh bàn đạp.
- Sao Quý biết?
- Chuyện rõ như ban ngày mà Hạnh cũng hỏi. – Quý ròm hừ mũi – Ba mẹ nó chia tay, nhà nó lâm vào cảnh túng bấn thiếu trước hụt sau. Chỉ đến khi vị ân nhân kia ra tay giúp đỡ thì nó mới có điều kiện tập trung cho việc học hành được.
Nhỏ Hạnh nheo mắt:
- Thiếu gì bạn có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn học giỏi!
Lý lẽ của nhỏ Hạnh vừng chắc đến mức Quý ròm đâm ngập ngừng:
- Thế theo Hạnh…
- Biết đâu năm lớp tám Mười bỗng nhiên học khá lên là do bạn ấy đã vượt qua được chấn thương tình cảm.
- Hạnh nghĩ vậy à? – Quý ròm liếm môi hỏi, trán cau lại.
Nhỏ Hạnh nhún vai:
- Chẳng lẽ Quý cho nghĩ như vậy là không đúng sao?
Tiểu Long nãy giờ không nói tiếng nào, bây giờ bất thần chen ngang:
- Như vậy tiền bạc chẳng đóng vai trò gì trong chuyện này rồi.
Quý ròm sầm mặt:
- Ai bảo mày vậy?
Thấy thằng ròm gừ gừ phát ớn, Tiểu Long nhích xe ra sao, khụt khịt mũi ấp úng:
- Thì… thì Hạnh bảo chứ ai!
Tiểu Long làm Quý ròm tự ái quá. Nó đưa tay quẹt mồ hôi trên trán:
- Mày vả Hạnh cứ đợi đi!
Nó đập tay lên ghi-đông xe, quả quyết:
- Tao sẽ có cách chứng minh!
Nhỏ Hạnh liếc bạn, chúm chím:
- Hạnh biết Quý định làm gì rồi. Quý định đi gặp “bác ấy”, đúng không?
--------------------------------
Chậm chạp như Tiểu Long dĩ nhiên không hiểu từ “bác ấy” trong câu nói úp mở của nhỏ Hạnh ám chỉ người nào. Nhưng Quý ròm thì hiểu ngay, vì ngay lúc đó nó cũng đang nghĩ đến “bác ấy”. Nó thoáng nghĩ đến chuyện trực tiếp gặp thằng Mười hoặc mẹ nó để dò hỏi, nhưng sau khi suy đi tính lại Quý ròm chọn cách đi gặp bác bảo vệ trường Thống Nhất, tức là trường cũ của thằng Mười. Chỉ có “bác ấy” mới giúp nó chứng minh cho Tiểu Long và nhỏ Hạnh thấy nó không phải là đứa mắc chứng hoang tưởng.
Quý ròm lại nghĩ đến nhỏ Diệp. Trong kế hoạch đi tìm chứng cứ của Quý ròm, nhỏ Diệp đóng một vai trò quan trọng. Cái vai trò quan trọng đó thật ra rất dễ đóng: nhỏ Diệp chỉ cần ngồi thu lu trên xe cho Quý ròm chở đi, tới nơi nó chỉ cần đứng giữ xe cho Quý ròm vào gặp bác bảo vệ. Nhỏ Diệp không cần nói một câu gì hết, giống như diễn viên kịch câm vậy. Còn dễ hơn diễn viên kịch câm nữa, vì nó thậm chí chẳng phải làm bất cứ động tác gì. Nhỏ Diệp đi theo chỉ để Quý ròm chứng minh với bác bảo vệ mình là một đứa trẻ tử tế. Chỉ những đứa trẻ ngoan mới đi đâu cũng chở em gái kè kè sau lưng. Những đứa hoang đàng thì đừng hòng.
Nhỏ Diệp không biết tính toán của ông anh nên chiều đó nghe Quý ròm rủ rê, nó trợn ngược mắt lên:
- Trời đất ơi! Bộ trời sắp mưa hay sao mà bỗng nhiên anh rủ em đi chơi!
Quý ròm nhìn ra ngoài trời, cười gượng:
- Chắc trời sắp mưa thiệt rồi đó mày.
- Anh rủ em đi đâu vậy? – Như không nghe thấy Quý ròm, nhỏ Diệp hấp háy nói. – Đi chơi bowling hay đi ăn buffet vậy hả anh?
- Sao mày ưa mơ mộng quá vậy! - Mặt Quý ròm thiểu não – Tao đâu có nhiều tiền mà dẫn mày tới mấy chỗ đó.
- Vậy chắc anh rủ em đi câu cá
- Không.
- Vậy là đi coi phim?
- Cũng không luôn.
Nhỏ Diệp gãi cổ, đã bắt đầu sốt ruột:
- Chứ đi đâu, anh nói ra luôn đi!
Quý ròm nuốt nước bọt:
- Tao định rủ mày tới trường Thống Nhất chơi.
- Trường Thống Nhất? - Nhỏ Diệp há hốc miệng – Chơi gì ở đó vậy? Hay chiều nay trường Thống Nhất có hội thi văn nghệ?
Quý ròm hít vô một hơi:
- Chiểu nay ở đó chẳng có gì hết à.
Nhỏ Diệp có cảm giác vừa rơi vô một đám sương mù. Nó lắc đầu, mở to mắt nhìn ông anh:
- Chứ anh rủ em tới đó làm gì?
Quý ròm nhìn lên trần nhà:
- Giữ xe giùm tao.
- Trời ơi! - Nhỏ Diệp kêu lên thảng thốt – Lâu lâu mới được ông anh quý hoá rủ đi đâu chơi một lần, tưởng sao hoá ra đi theo để giữ xe!
- Đừng la to như thế! Chuyện này rất hệ trọng nên anh mới phải nhờ đến em! - Vẻ mặt Quý ròm đột nhiên nghiêm nghị và cầu khẩn, đang “mày tao” lập tức chuyển sang “anh em” ngọt xớt.
- Chuyện gì mà ghê thế, anh kể em nghe đi! - Nhỏ Diệp đột nhiên tò mò, nó tự động xích sát về phía Quý ròm, cảm thấy vai trò của mình quan trọng hẳn.
- Bây giờ anh chưa kể được đâu! Đã bảo là chuyện hệ trọng mà! – Quý ròm nhìn nhỏ em qua khoé mắt, tặc lưỡi – Em đi với anh đi, lát về anh kể cho nghe.
Thấy ông anh bộ tịch có vẻ nghiêm trọng, nhỏ Diệp thắc mắc quá. Nhưng nó không hỏi nữa, lặng lẽ theo Quý ròm bước ra cửa.
Quý ròm đèo nhỏ Diệp chạy vòng vèo ngoài phố, đầu loay hoay hình dung cuộc đối thoại với bác bảo vệ trường Thống Nhất.
Trường Thống Nhất nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, Quý ròm chưa đến trường này bao giờ nhưng nó từng chạy ngang đó nhiều lần.
Phòng bảo vệ nằm ngay cổng, bên trái lối vào. Vừa tới nơi, Quý ròm dừng xe trước cổng, dòm dáo dác. Thấy có người thấp thoáng bên trong, nó kêu nhỏ Diệp đứng ngoài coi xe rồi đi thẳng vô.
- Đi đâu đó cháu?
Một giọng nói khàn khàn phát ra từ phòng bảo vệ khi Quý ròm thò tay đẩy cánh cổng sắt khép hờ.
Quý ròm quay nhìn cái đầu của người đàn ông trung niên có mái tóc xoăn tít hiện ra chỗ ô cửa, cố nhoẻn một nụ cười thân thiện, ngoan ngoãn đáp:
- Dạ thưa bác, cháu là bạn của Mười.
Người đàn ông thoáng giật mình:
- Mười nào?
- Dạ, Mười học sinh 9A2 năm ngoái.
- Cậu ấy đâu còn học ở đây nữa. - Người đàn ông nheo mắt nhìn Quý ròm, giọng nghi hoặc – Cháu là bạn của Mười mà không biết chuyện đó à?
- Dạ, biết chứ ạ. – Quý ròm trưng vẻ mặt ngây thơ không chê vào đâu được - Bạn Mười bây giờ học lớp 10A9 bên trường Đức Trí, chung lớp với cháu. Chính bạn Mười nhờ cháu đến gặp bác.
Người đàn ông cau mày nhìn thằng bé liến thoắng trước mặt:
- Cậu ấy nhờ cháu đến đây à?
- Vâng ạ.
- Có chuyện gì sao cậu ấy không đến gặp tôi nhỉ. - Người đàn ông lẩm bẩm, rồi đánh mắt về phía nhỏ Diệp đang đứng cạnh chiếc xe dựng bên kia cổng rào, ông hất đầu hỏi – Ai đi cùng cháu thế? Em cháu à?
- Vâng, đó là em gái cháu – Quý ròm mặt dàu dàu, giọng thật như đếm - Bạn Mười hôm nay bị ốm, hai anh em cháu đi mua thuốc giùm bạn ấy. Thế là bạn ấy nhờ cháu ghé trường Thống Nhất…
Người đàn ông có vẻ bị lay động, đối với ông vẻ mặt thằng ròm thậm chí trông còn đáng tin hơn những gì nó nói. Ờ, thằng bé quý bạn là thế! Ông hài lòng nghĩ và lại nhìn thằng nhóc còm nhom trước mặt, giọng đã bắt đầu cởi mở:
- Cháu nói đi. Cậu Mười nhờ cháu tới gặp tôi có chuyện gì vậy?
Quý ròm nuốt nước bọt:
- Dạ, bạn ấy muốn hỏi bác lâu nay… lâu nay có ai gửi gì cho bạn ấy không?
Quý ròm vừa nói vừa chăm chú theo dõi nét mặt của người đàn ông. Nó thoáng chột dạ khi thấy gò má ông ta hơi giật giật, liền đưa tay gãi đầu, ấp úng nói thêm:
- Dạ, mấy hôm nay bạn Mười đang… gặp khó khăn…
Cho đến lúc đó, Quý ròm vẫn không biết chắc suy đoán của mình có đúng không. Nếu người bảo vệ không biết gì về chuyện này, có nghĩa là nó đã để cho trí tưởng tượng của mình đi quá xa. Có nghĩa là câu chuyện thằng Mười viết trong bài văn hoàn toàn là câu chuyện bịa. Và cũng có nghĩa là nhỏ Hạnh và Tiểu Long sẽ cười vào mũi đó ba ngày ba đêm chưa dứt.
Hồi hộp và lo lắng, Quý ròm dán chặt mắt vào người bảo vệ, rùng mình khi bắt gặp cảm giác ông cũng đang lặng lẽ dò xét nó. Và trái tim Quý ròm như rơi xuống đâu đó chỗ dạ dày khi người đàn ông lắc đầu ngơ ngác nói:
- Cháu nói gì tôi không hiểu!
“Vậy là mình đoán sai rồi!”, Quý ròm thất vọng thì thầm với chình mình, trong một thoáng nó cảm giác như mình đang bước hụt chân. Nó nhìn người bảo vệ, cố cất cao giọng, vai trĩu xuống như khung xương trong người thình lình lệch qua một bên:
- Cảm ơn bác, cháu về đây!
Người đàn ông nói với theo khi Quý ròm bước ra cổng, ông gần như chồm cả người qua ô cửa:
- Này cháu! Thế cháu không thể nói rõ hơn…
Quý ròm quay mặt lại, cười gượng:
- Dạ thôi. Cháu nghĩ không cần đâu ạ.
Híc, có chuyện gì đâu mà “nói rõ”! Toàn là do mình nghĩ ngợi lung tung thôi! Quý ròm nghĩ bụng nhưng vừa dợm chân, có cảm thấy có một luồng điện chạy qua người khi nghe người đàn ông lẩm bẩm sau lưng:
- Từ khi nó chuyển sang trường khác, có ai gởi tiền cho nó nữa đâu!
Quy ròm quay hắt lại, tia nhìn của nó như đóng đinh vào mặt người bảo vệ:
- Bác vừa nói gì thế?
- Tôi có nói gì đâu. - Người đàn ông giật mình – Thôi, cháu về đi cháu! Trời bắt đầu nóng rồi đó.
Chộp được câu nói của người bảo vệ như bắt được vàng. Quý ròm dễ gì chịu bỏ đi. Nó đứng lì tại chỗ, liếm đôi môi khô khan:
- Như vậy là bác từng chuyển tiền cho bạn Mười phải không bác?
- Cháu nói gì tôi không hiểu - Người đàn ông lộ vẻ bối rối, không biết mình đang lặp lại câu nói khi nãy.
Quý ròm vẫn lì lợm:
- Thế bác có biết người hay nhờ bác giữ tiền cho bạn Mười là ai, hình dáng như thế nào…
- Ôi, tôi không biết gì về chuyện đó đâu, cháu ơi!
Người bảo vệ nói như rên. Nói xong người đàn ông đột ngột thấp xuống. Quý ròm biết ông ta đã ngồi xuống ghế, một động tác cho biết câu chuyện đã kết thúc.