Vài lời ngỏ với bạn trẻ - Chương 01

Các sinh viên và phụ huynh cuối năm vừa rồi đều mong trong phiên nhóm cuối năm vùa rồi, Quốc hội [1] sẽ giải quyết cho xong vấn đề dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở bậc Đại học; mà rồi đều thất vọng đến nỗi đọc xong những bài tường thuật trên báo chí về vấn đề đó, người ta chỉ lắc đầu thở dài chứ không phản ứng gì sôi nổi như năm ngoái. Thế là bao nhiêu lời kêu gọi thiết tha của sinh viên, của phụ huynh trên mặt báo, rồi mấy lần diễn thuyết của những người nhiệt tâm với vấn đề trong hai năm chẳng tới đâu cả: vấn đề nằm ỳ ra đấy, nguyên vẹn như mấy năm trước. 



Khi đọc xong bài tường thuật nhan đề là Viện Đại học chưa đề nghị dùng tiếng Việt ở bậc Đại học đăng trên báo Tự do ngày 2.12.160, tôi liệng tờ báo xuống, nghĩ thầm: 



“Việc đời 100 lần có 90 lần không như ý mình. Thôi thì các sinh viên đành đợi ít năm nữa vậy, đành xoay sở cách nào để nghe nổi lời giảng của giáo sư thì xoay sở; làm cách nào để học thuộc lòng những bài giảng đó rồi trả bài cho giáo sư thì làm, chứ còn nói năng gì nữa. Người ta đã nói nhiều rồi, đã viện đủ các lí lẽ rồi, đã kiêu ca và năn nỉ, mà viện Đại học chưa chịu dùng tiếng Việt thì đành vậy chứ biết làm sao?”. 



Thế là tôi dẹp vấn đề đó qua một bên, không lưu tâm tới nữa. Thú thật là lúc đó tôi bận việc nhà, lại đau vặt luôn mấy tuần nên không muốn suy nghĩ, viết lách gì cả. 



Nhưng gần đây một số phụ huynh học sinh quen cũng có, không quen cũng có, trách tôi sao đã theo dõi vấn đề từ mấy năm nay mà lần này không lên tiếng; dù chẳng nghe được kết quả gì đi nữa thì cũng cứ lên tiếng giúp các ông dân biểu biết cảm tưởng của một số người đã bầu các ông ấy lên thay mặt mình bàn việc nước, nhất là cái việc trong trường hợp này lại là việc rất quan trọng tới văn hóa và tương lại dân tộc. 



Vì vậy tôi miễn cưỡng viết bài này. Tôi đã có lần nói: Nhắc tới viện Đại học là điều bất đắc dĩ cho tôi. 



Tôi vẫn biết tại các nước như Pháp, Anh, Mĩ… nhà cầm quyền chỉ có bổn phận phải tôn trọng dư luận quần chúng chứ không nhất thiết phải luôn luôn làm theo ý muốn của quần chúng . Vì có những vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn, đại đa số quần chúng không sao hiểu rõ, phải tin ở các nhà chức trách để họ giải quyết lấy. 



Nhưng vấn đề dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở bậc Đại học có phải là một vấn đề chuyên môn tới mức sinh viên và vài phụ huynh học sinh không thể hiểu nổi không? Chúng tôi tin rằng không. Nếu Viện Đại học Sài Gòn tin là có thì cũng được đi – Viện có quyền tin sao thì tin, chúng tôi không dám cãi – nhưng vấn đề đặt ra rồi, đại đa số quần chúng đã yêu cầu Viện giải quyết thì giải quyết ra sao, xin Viện cho biết đi để chúng tôi hướng dẫn sự học của con em chúng tôi chứ! 



Viện không dùng tiếng Việt ở Đại học mà dùng tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng nào đó thì cũng được đi, nhưng phải có sự lên tiếng giữa hai bậc trung học và Đại học để cho học sinh đậu tú tài rồi có đủ sức về sinh ngữ mà theo học ở bậc trên và Viện cũng phải cho biết giải pháp dùng ngoại ngữ ấy phải duy trì ít nhất là bao nhiêu năm nữa, vì những lí do nào? 



Còn như nếu Viện nhận rằng dùng tiếng Việt ở bậc Đại học là hợp lí thì xin Viện cũng cho biết trong mấy năm nay đã chuẩn bị được những gì và trong bao lâu những thì có thể thực hiện được. Chúng tôi tin tưởng những điều chúng tôi đòi hỏi không có tính cách bí mật gì, cũng không có tính cách chuyên môn gì mà bảo rằng không thể tuyên bố ra được, hoặc có tuyên bố thì quốc dân cũng không hiểu nổi… 



Giải quyết ra sao thì giải quyết phắt đi, cứ kéo dài như ngày nay thì quốc dân chỉ hoang mang thôi. Vì đã bao năm nay người ta chưa tiến được một bước nào, cơ hồ như thụt lùi nữa. 



Năm 1958 bộ Quốc gia Giáo dục tuyên bố trong cuốn Chương trình Trung học : 



“Sẽ tiến tới việc dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở bậc Đại học nhưng việc này phải chuẩn bị ngay từ bây giờ bằng: 



- Việc đào tạo giáo sư Đại học. 



- Việc thống nhất danh từ. 



- Việc biên soạn và dịch thuật các sách. 



Mặc dù chuyển ngữ ở Đại học là tiếng Việt, sinh viên cũng phải thạo một sinh ngữ và biết qua một sinh ngữ khác”. 



Đọc những hàng đó ai mà không mừng, tin rằng công việc đã chuẩn bị ngay từ năm đó và chỉ khoảng 1960, trễ lắm là 1961 tiếng Việt đã có thể bắt đầu dùng làm chuyển ngữ ở những năm đầu của Đại học rồi. 



Năm 1959, sau phiên nhóm của Quốc hội ngày 22.12, người ta ghi trong biên bản: 



“Tiếng Việt dạy ở Đại học đang được lưu ý, nhưng sinh viên phải có một chứng chỉ sinh ngữ” (Theo báo Tự Do ngày 24.12.59). 



Rồi tới năm nay, theo bài tường thuật của báo Tự Do ngày 26.12.60 thì: 



“Trả lời điểm dùng tiếng Việt ở bậc Đại học thì đã được Bộ chấp nhận nhưng còn phải có sự đề nghị của ông Viện trưởng và sự ưng thuận của Hội đồng giáo sư, sau đó Bộ sẽ đưa ra Hội đồng Nội các để chờ sự chấp thuận” [2] . 



Đó là ý kiến của Bộ, và có lẽ đây là ý kiến của Viện: “Ông Trần Tấn Thông nhân danh giáo sư Đại học cho rằng việc dùng Việt ngữ ở Đại học là đúng nhưng mong đừng làm hại tới trí thức của thanh niên. Chưa thể dùng cho năm 1961-1962 được vì còn phiền phức trong việc thống nhất danh từ khoa học có lối 20.000 chữ không thể đem sinh viên ra thí nghiệm, hơn nữa dù sao sinh viên cũng phải giỏi một sinh ngữ”. 



Thực tình chúng tôi không hiểu nổi sự làm việc của Bộ nữa. Năm 1958 bảo “phải chuẩn bị từ ngay bây giờ”, rồi hai năm sau lại bảo: “đã chấp nhận nhưng còn đợi có sự đề nghị của ông Viện trưởng và sự ưng thuận của Hội đồng giáo sư”. Thế thì năm 1958 chưa có sự đề nghị của Viện trưởng và sự ưng thuận của Hội đồng giáo sư mà Bộ đã “chuẩn bị” rồi à? Hai năm rưỡi nay Bộ đã chuẩn bị được những gì rồi? Và nếu bây giờ ông Viện trưởng không chịu đề nghị, hoặc nếu ông chịu đề nghị mà Hội đồng giáo sư không chịu ưng thuận thì Bộ chuẩn bị để làm gì kìa? 



Chúng tôi có cảm tưởng rằng Bộ, Viện trưởng và Hội đồng giáo sư chẳng những chưa thoả thuận với nhau về nguyên tắc mà ngay đến quyền hành và trách nhiệm cũng chưa xác định một cách rõ rệt. Chúng tôi hiểu rằng Viện có qui chế riêng, Bộ không có quyền xen vô, nhưng như vậy thì phải có sự thoả thuận của Viện rồi hãy tuyên bố, chưa có thì đừng tuyên bố. Lời tuyên bố năm nay của Bộ có khác gì trút hết trách nhiệm cho Viện không? Có khác gì bảo: “Năm 1958, Bộ chúng tôi yêu cầu chuẩn bị ngay, nếu tới nay chưa chuẩn bị thì tại Viện đấy”? Tình trạng đó kéo dài mấy năm rồi, như vậy thì vấn đề chuyển ngữ ở Đại học có hi vọng giải quyết một ngày gần đây được? 



Chúng tôi thú thật chẳng biết chút gì về thủ tục hành chánh, nhưng chúng tôi nghĩ rằng vấn đề có thể giải quyết một cách giảng dị hơn, chẳng hạn Quốc hội đề nghị rồi Tổng thống quyết định, sau cùng Bộ hoặc Viện thi hành; còn Hội đồng giáo sư ưng thuận hay không là chuyện không cần phải bàn tới vì một khi Tổng thống đã chấp thuận, Bộ hoặc Viện đã đem thi hành thì giáo sư không có lí gì không theo; nói cho cùng ra, nếu có một vài vị không chịu thì Viện sẽ tìm giáo sư khác thay thế chứ có gì đâu? Quốc hội có thể hỏi ý kiến của Viện rồi ra một hạn là mấy năm nữa phải thực hiện cho xong vấn đề chuyển ngữ ở những năm đầu mọi ngành Đại học, và mấy năm sau thì sẽ giải quyết được toàn diện ở bậc Đại học. Quốc hội mà phát biểu đúng nguyện vọng của quốc dân thì không nên nhận một lời hứa mơ hồ như mấy năm nay: “sẽ tiến tới” , “đang được lưu ý” , “sau một thời gian” … 



Đó là những điểm mà bọn phụ huynh chúng tôi thắc mắc, mong Bộ hoặc Viện giảng giải cho. 



Từ trước tới nay, Viện chưa có một lời tuyên bố nào chánh thức cả. Chúng tôi nhớ chỉ có mỗi một lần giáo sư Phạm Biểu Tâm [3] đại diện ông Viện trưởng, trong một buổi nói chuyện của linh mục Bửu Dưỡng về vấn đề chuyển ngữ ở bậc Đại học (tháng 9/1960 ) trả lời diễn giả và tuyên bố với thính giả rằng: “Việc dùng Việt ngữ tuy nói nghe rất dễ, nhưng thực tế vô cùng khó khăn” ; và lần nhóm Quốc hội vừa rồi, ông Trần Tấn Thông nhân danh giáo sư Đại học tuyên bố mà báo Tự Do đã tóm tắt ở trên. 



Chúng ta có thể tạm cho rằng ý kiến hai vị đó là ý kiến của ông Viện trưởng và của đa số giáo sư trong Viện. 



Tóm tắt lại thì hai vị đó đều nhận rằng sự dùng tiếng Việt ở Đại học là hợp lí, nhưng còn ngại: 



1. Làm tổn thương đến trình độ trí thức văn hóa, khoa học của sinh viên (lời ông Trần Tấn Thông). 



2. Công việc thống nhất danh từ rất khó khăn (lời cả hai ông). 



3. Phải đem sinh viên ra thí nghiệm (lời ông Trần Tấn Thông). 



Nếu quả thực Viện chỉ ngại có ba điều đó thì chúng tôi tưởng vấn đề không phải là nan giải. 



Điểm thứ nhất: Làm tổn thương đến trình độ trí thức văn hóa, khoa học của sinh viên. 



Chúng ta có thể làm hại cho trình độ trí thức của sinh viên trong hai trường hợp: 



a. Giáo sư chỉ giảng bằng tiếng Việt mà sinh viên chỉ học bài đó không đủ sức tham khảo thêm những sách ngoại ngữ. Xin thưa rằng phụ huynh chúng tôi tuyệt nhiên không muốn như vậy. Chúng tôi vẫn nhận rằng sinh viên lên tới Đại học phải đọc thông một ngoại ngữ và phải tham khảo những sách ngoại quốc. Chúng tôi chỉ mong rằng giáo sư giảng bằng tiếng Việt cho sinh viên dễ hiểu và hiểu rồi thì dễ diễn ra được, khỏi bị cái nạn nghe giáo sư giảng mà như vịt nghe sấm và khi đọc bài thì phải học thuộc lòng từng chữ như ngày nay. Điểm đó chúng tôi đã bàn nhiều rồi xin miễn nhắc lại. Chúng tôi còn nghĩ rằng sinh viên nghe bài giảng mà dễ hiểu và một khi hiểu là có thể diễn ra dễ dàng thì mới có thì giờ tham khảo sách ngoại ngữ và như vậy mới có lợi cho trí thức của sinh viên; chính tình trạng hiện nay (nghe giảng không hiểu, phải học thuộc lòng) mới là cái hại cho trí thức sinh viên). 



b. Chỉ dùng giáo sư Việt mà giáo sư Việt chưa đào tạo đủ, giá trị kém giáo sư ngoại quốc. Chúng tôi nhận rằng hiện nay có tình trạng thiếu giáo sư, nhưng chính vì vậy mà chúng ta phải chuẩn bị gấp và trong khi chờ đợi, môn nào giáo sư Việt đảm đương được thì cứ dạy bằng tiếng Việt, đỡ mệt cho sinh viên chừng nào hay chừng nấy. Chúng tôi chỉ mong sự thay đổi từ từ nhưng phải có sự thay đổi. Chắc trong hai năm nay Bộ và Viện đã chuẩn bị rồi và có thể cho biết thời hạn bao lâu thì chuẩn bị xong. 



Điểm thứ nhì: Công việc thống nhất danh từ khoa học rất khó khăn . 



Ông Trần Tấn Thông đưa ra con số 200.000 tiếng phải thống nhất (nên thêm: phải thống nhất hoặc dịch thì mới thật đúng vì đa số danh từ chưa dịch, chỉ có một số ít là có người dịch rồi, bây giờ cần thống nhất). Con số 200.000 đó làm cho nhiều người ngạc nhiên nhưng chúng tôi cho rằng đúng. Tuy nhiên, ta cần phân biệt như Linh mục Bửu Dưỡng [4] , hai thứ danh từ: “chuyển tiếp và chuyên môn. Mà những danh từ chuyên môn chẳng hạn về sử, địa, khoa học… chiếm đa số thì có thể giữ nguyên văn danh từ ngoại ngữ để giúp sinh viên tra cứu sách vở và dễ dàng tiếp xúc với ngoại quốc”, hoặc nếu có cần dịch thì chỉ định một lối dịch âm nào hợp lí, nửa năm là có thể dịch xong hàng trăm nghìn tiếng rồi. 



Vả lại tính ra thì tới 200.000 tiếng nhưng thử hỏi nền Đại học của ta hiện nay chưa đủ ngành như nền Đại học Pháp, Anh đã dùng gì tới hết 200.000 tiếng đó? Mà có dùng tới hết chăng nữa thì cũng có thể chia ra từng chặng mà dịch, mỗi năm dịch một số tiếng cần để dạy năm đó đã, như vậy sáu bảy năm lần lần sẽ hết; mà mỗi năm công việc sẽ không quá nhiều, chia cho hàng chục giáo sư, mỗi vị lãnh một phần thì có gì mà trong hai năm nay không xong, đủ một mớ, đủ để bắt đầu dạy tại các năm thứ nhất hay dự bị của mọi ngành? 



Ông Phạm Biểu Tâm chỉ tuyên bố là “Vô cùng khó khăn”. Trong báo Mai ngày 10.10.1960 chúng tôi đã yêu cầu ông cho biết lí do khó khăn để quốc dân có thể so sánh quan niệm của ông với quan niệm của Linh mục Bửu Dưỡng, nhưng bài báo có lẽ chưa tới ông nên ông vẫn chưa có ý kiến. 



Chúng tôi nhận rằng công việc không phải dễ dàng (chứ không nói vô cùng khó khăn ) nhưng có vậy thì quốc dân mới trông cậy vào các ông, những nhà trí thức tối cao trong nước, mà càng khó khăn lại càng phải chia ra mà làm gấp. Ông Thông nói một năm nay có một Hội đồng giáo sư Đại học hàng tuần hợp nhau để nghiên cứu vấn đề. Tại sao chỉ mới nghiên cứu từ một năm nay thôi? Thế thì năm 1958, sau khi Bộ tuyên bố “phải chuẩn bị ngay từ bây giờ”, cái công việc chuẩn bị đó giao cho cơ quan nào, chắc không phải giao cho Viện rồi? 



Nhưng dù chỉ mới nghiên cứu từ một năm nay thì sau bốn năm chục lần hội họp, các học giả của Viện chắc cũng đã đặt xong qui tắc, phác xong chương trình, phân phối xong công việc và có thể cho quốc dân biết đến năm nào thì bắt đầu thực hành ở các năm dự bị hoặc thứ nhất mọi ngành được chứ? Có lẽ nào mới có thể hứa một cách mơ hồ phải đợi một thời gian nữa? 



Làm cho tôi suy nghĩ nhiều nhất là điểm thứ ba: Không muốn thí nghiệm trên lưng sinh viên . 



Thí nghiệm cái gì đây? Vẫn chương trình đó, vẫn phương pháp đó, vẫn giáo sư đó, chỉ khác trước dạy bằng ngoại ngữ, bây giờ dạy bằng Việt ngữ mà ông Trần Tấn Thông bảo là thí nghiệm Việt ngữ chứ còn thí nghiệm cái gì nữa? Mới đọc bài tường thuật, tôi tự hỏi như vậy. 



Hôm nay đọc bài ông Thông trả lời ông Nguyễn Thành Minh (báo Tự Do ngày 22.1.61), tôi không còn thắc mắc gì nữa: đúng là ông ngại sự thí nghiệm những danh từ khoa học rồi. Giữa Quốc hội ông tuyên bố: 



“Vì vấn đề chuyên môn là vấn đề tối quan trọng, chúng tôi không thể áp dụng trước khi có một sự thống nhất danh từ khoa học và chúng tôi không muốn thí nghiệm trên lưng của sinh viên (Biên bản Quốc hội số 30/65). 



Rõ rằng là tinh thần thận trọng của các học giả. Nhưng chúng tôi tự hỏi có thận trọng quá không? 



Sự thí nghiệm danh từ khoa học có phải là việc mới mẻ đáng cho các vị ấy lo lắng tới cái mức đó không? Mười mấy năm trước đây, khi chúng ta hô hào bỏ chương trình Pháp ở bậc Trung học mà dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, chúng ta có lo lắng như vậy không, hay là chúng ta mạnh bạo thí nghiệm và kết quả là nền Trung học Việt Nam đã có thành tích, học sinh không phải vì dùng những danh từ khoa học mà chúng ta đặt ra mà dốt về khoa học, mà mụ người đi, không biết phán đoán, hoặc nói chuyện về khoa học thì không ai hiểu ai. Tôi vẫn biết rằng “bậc Đại học không phải là bậc Trung học nối dài”, nhưng đó lại là chuyện khác. Ở đây ông Thông chỉ ngại về cái hại đem thí nghiệm vội vàng những danh từ khoa học khi chưa được thống nhất. Viện Đại học Sài Gòn là Viện lớn nhất trong nước, cứ đặt, dịch các danh từ khoa học mà dùng đi thì rồi nó sẽ thống nhất cũng như xưa kia các trường Trung học công lập cứ dùng những danh từ của Hoàng Xuân Hãn [5] và ngày nay những danh từ đó thành thống nhất chứ có gì đâu? 



Tất nhiên một số danh từ có thể đặt sai, dịch sai; nhưng khi thấy sai mà danh từ chưa được phổ thông lắm thì ta sửa lại ngay, nhược bằng quá phổ thông rồi thì chẳng cần sửa cũng được, vì vô hại. Danh từ nước nào cũng vậy. Chẳng hạn tiếng kinh tế mà người Trung Hoa dùng để dịch chữ économie politique [6] , đâu có đúng nghĩa, khi thấy nó sai thì nó đã quen dùng rồi mà không cần phải đổi nữa. Còn danh từ Kĩ hà học để dịch chữ Géométrie ngày nay ta thấy sai mà vì nó chưa thông dụng, nên đổi là Hình học , và các giáo sư và học sinh đều bỏ Kĩ hà học mà dùng Hình học . Ngay như danh từ Hàn thử biểu đã thông dụng mà nay ta vẫn cứ đổi là Nhiệt kế cho đúng hơn và chúng ta cũng đã bỏ tiếng trên mà dùng tiếng dưới một cách rất dễ dàng. Tôi thấy như vậy chẳng có hại gì lớn cho sự đào tạo thanh niên cả. Vì ta nên nhớ rằng sinh viên Đại học không như trẻ ở Tiểu học hay Trung học, hoang mang về danh từ không thống nhất; họ hiểu được cách cấu tạo hay dịch danh từ và khi hiểu rồi thì dễ nhớ. Mà học là cần học cái tinh thần nghiên cứu, phán đoán, còn danh từ chỉ là mặc ước với nhau, không phải là quan trọng nhất. 



Tất nhiên tránh được thì vẫn hơn, thận trọng thì vẫn quí, nhưng chúng tôi tưởng bước đầu không sao tránh hết được ít nhiều sự bất tiện. Vì dù Viện Đại học có bỏ ra mười năm hai hai mươi năm để dịch cho thật đúng 200.000 danh từ khoa học thì thể nào cũng có một số tiếng khi dùng rồi mới thấy phải sửa đổi lại; và dù sao thì người ta cũng vẫn phải đem những tiếng đó ra “thí nghiệm trên lưng của sinh viên”, vì nội một việc đem ra dạy tức là đem ra thí nghiệm rồi. 



Suy cho kĩ thì trước kia, ngay việc dùng tiếng Việt ở Trung học đã là một sự thí nghiệm; ngày nay nội cái việc dùng tiếng Việt ở Trung học mà dùng tiếng ngoại quốc ở Đại học cũng là một thí nghiệm nữa. Trong sự giáo dục, bất kì một sự thay đổi gì hơi quan trọng cũng là một “thí nghiệm trên lưng học sinh”. Mà ngay việc đời cũng vậy: từ quân chủ đổi ra dân chủ, từ kinh tế chỉ huy đổi kinh tế tự do rồi trở về kinh tế chỉ huy, từ sự dùng cái cày tay đổi ra dùng cái cày máy… đều là những sự “thí nghiệm trên lưng” con người cả. Không có sự thí nghiệm thì làm sao có sự thay đổi, làm sao có tiến bộ. Không có thí nghiệm thì chúng ta tất còn ăn lông ở lỗ như tổ tiên thời thượng cổ. Và nếu trong sự giáo dục không có thí nghiệm thì ngày nay chúng ta vẫn còn dùng chương trình Pháp của thời Pháp thuộc. Vậy thì tại sao lại sợ thí như vậy kìa? 



Mà nói cho cùng, trong khi chưa kịp thống nhất, nếu có một số tiếng mỗi giáo sư dịch một khác thì ta cứ ghi cả lại và thêm tên quốc tế, có hơi rắc rối cho sinh viên thật, nhưng cũng chẳng có hại gì lớn. Việt ngữ ngày nay chưa được thống nhất, cái rương ở Nam, người Bắc gọi là cái hòm , trái na ở Bắc, người Nam gọi là trái mãng cầu ta … nhưng không phải vì vậy mà ta không dạy tiếng Việt cho trẻ. 







Tóm lại phụ huynh chúng tôi chỉ yêu cầu Bộ và Viện có một đường lối dứt khoát: dùng tiếng Việt hay không dùng tiếng Việt. Nếu dùng thì mấy năm nữa có thể bắt đầu dạy ở các năm thứ nhất các ngành Đại học – chúng tôi không đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện ngay một lúc; mà nếu không dùng thì sửa đổi lại chương trình Trung học ra sao để con em chúng tôi có thể nói, nghe thông được một ngoại ngữ khi học hết bậc Trung học. Chúng tôi chỉ cần biết rõ điều đó để hướng dẫn sự học của con em vì nếu bảy năm nữa mà vấn đề chuyển ngữ vẫn nằm ý ra như ngày nay thì chúng tôi sẽ tìm cách cho con em vào những trường Trung học Pháp để khi lên Đại học chúng khỏi bỡ ngỡ. 



Một ông dân biểu, ông Trương Thiều, thắc mắc “Không hiểu Bộ Quốc gia Giáo dục có hướng dẫn học sinh hướng theo văn hóa Pháp không”. Theo một vị dân biểu thì “Bộ không có ý hướng thanh niên theo chương trình văn hóa Pháp, việc chọn sinh ngữ Anh, Pháp tự do là một bằng chứng”. 



Vâng quả thực đó là một bằng chứng, song tôi tự hỏi không biết người ta cho con em học tiếng Anh làm gì mà khi mà hiện nay ở Đại học hầu hết các môn chỉ dạy bằng tiếng Pháp? 



Lời yêu cầu của ông Hoàng Văn Nam, dùng cả tiếng Pháp và Anh ở Đại học khoa học (báo Tự Do ngày 21.1.61) không phải là vô lí: có vậy thì những học sinh lựa Anh ngữ làm sinh ngữ thứ nhất mới không bị thiệt thòi. Bộ Quốc gia Giáo dục và Viện Đại học có nghĩ đến điều đó chưa? Lẽ nào lại thất sách như vậy, mở thêm một Đại học dạy bằng một ngoại ngữ khác ở Sài Gòn này? 



Chúng tôi ngờ rằng vấn đề chuyển ngữ này có liên quan mật thiết tới những vấn đề nào khác chăng, nên mới hoá ra rắc rối đến nỗi các học giả của chúng ta giải quyết mấy năm nay vẫn chưa ổn như vậy? 



Sài Gòn ngày 23.1.1961 

(Bách Khoa ngày 15.2.1961) 







(Vấn đề chuyển ngữ ở Đại học được đặt ra từ năm 1959, tám năm sau, năm 1967 mới tạm giải quyết xong. 



Trước sau tôi lên tiếng cả thảy 5 lần: 



1. Một loạt hai bài đăng trên Bách Khoa số 15.1.1960 và 1.2.1960. 

2. Một bài đăng trên Mai số 10.10.1960. 

3. Một bài đăng trên Bách Khoa số 15.2.1961, tức bài chép lại đây. 

4. Một bài đăng trên Bách Khoa số 1.7.1961. 

5. Và một bài đăng trên Tin Văn số 30.11.1966 (bài này sau in trong cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hóa – Tao Đàn – 1967). 



Những bài đó càng về sau giọng càng gay gắt, sinh viên Đại học rất hoan nghênh [7] , đã có lần muốn gom thành một tập với những bài của linh mục Bửu Dưỡng và của vài người khác, nhưng sau vì một áp lực nào đó phải bỏ dự định ấy. 



Có tin đồn trường Y khoa sau đó – trường có một loại giáo sư quyết chia làm hai phía tranh giành nhau ảnh hưởng: phe giáo sư già do Pháp đào tạo và phe giáo sư trẻ ở Mĩ mới về; họ đều không muốn dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ. Nhưng tôi đoán nguyên nhân chính có lẽ là tại hạng giáo sư già vừa dở tiếng Việt, vừa ngại soạn bài bằng tiếng Việt, ngại giảng bằng tiếng Việt sẽ thua một số giáo sư trẻ hơn họ, địa vị thấp hơn họ, cho nên cố ngăn cản, trì hoãn được năm nào hay năm ấy. 












[1] Đây là Quốc hội Sài Gòn trước năm 15 (BT). 

[2] Chúng tôi chép nguyên văn. Đúng ra thì theo biên bản Quốc hội, ông Trần Văn Thông tuyên bố rằng: 

“Việc dạy bằng Việt ngữ là điều dĩ nhiên”. 

“Trước khi chuyển ngữ, chúng ta phải thống nhất danh từ khoa học…, danh từ khoa học có ít nhất là 20.000 tiếng”. 

“Chúng tôi không thể thực hiện sự chuyển ngữ bằng tiếng Việt hoàn toàn cho niên khoá 1961-1962 mà sau một thời gian nữa”. 

“Chúng tôi không muốn thí nghiệm trên lưng của học sinh”. 

[3] Phạm Biểu Tâm (1913-1999) Thạc sĩ, giáo sư y khoa, nguyên quán tỉnh Thừa Thiên, tốt nghiệp y khoa Hà Nội, Thạc sĩ y khoa Pháp. Có thời gian ông giữ chức Khoa trưởng Đại học y khoa Sài Gòn. Ông là một trong những người muốn duy trì việc dạy học ngoại ngữ tại Đại học. 

Năm 1999, ông mất tại Hoa Kì, thọ 86 tuổi. (BT). 

[4] Bửu Dưỡng (1907-1977?): tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng, bút hiệu Thiên Phong, linh mục Thiên chúa giáo, giáo sư triết học, sinh tại Huế ngày 13-7-1907, nhiều năm cư ngụ tại Sài Gòn. 

Ông là tác giả nhiều sách triết học và từng giữ chức chủ tịch Hội bảo tồn cố đô Huế, Hội Quảng tri Huế. 

Ông là một trong những người muốn dùng tiếng Việt ở Đại học. (BT). 

[Theo bài Bửu Dưỡng (http://sachxua.net/forum/index.php?topic=2192.0) thì vị linh mục này sinh ngày 19-3-1907 tại Huế và mất ngày 1-1-1987 tại Thủ Đức. (Goldfish)] 

[5] Hoàng Xuân Hãn (1908-1996): giáo sư khoa học, học giả, sinh năm 1908 tại Hà Tĩnh, du học ở Pháp từ năm 1928. 

Tốt nghiệp trường Polytechnique, Paris , trường Cầu cống, Thạc sĩ toán, kĩ sư nguyên tử Pháp. Về nước dạy trường Bưởi, trường Đại học Hà Nội. Năm 1945 giữ chức Bộ trưởng Giáo dục – Mĩ thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim. 

Ông là tác giả nhiều sách trong đó có bộ Danh từ khoa học (1942) và Chương trình Trung học Việt Nam dạy và học bằng tiếng Việt. 

[6] Kinh tế là do thành ngữ “Kinh bang tế thế” nghĩa là trị nước giúp đời – Chính ra là do Nhật dịch, Trung Hoa theo Nhật (chú thích khi chép lại). 

[7] Trong Đời viết văn của tôi (ĐVVCT), cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết thêm: Nhất là loạt bài đăng trên Bách Khoa (1961), Tin Văn (1966) đả kích kịch liệt Bộ Giáo dục và Viện Đại học Sài Gòn không chịu dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ ở Đại học. Những bài đó viết vào hồi tựu trường liên tiếp trong mấy năm làm cho một số giáo sư Đại học ghét tôi nhưng không thể trả lời tôi được; trái lại sinh viên rất thích và một số doạ sẽ gom các bài đó lại chung với các bài của các nhà khác cùng chủ trương in thành một tập riêng để phổ biến. Sau này (trong số Bách Khoa 426 ngày 20.4.75) bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhắc lại vụ đó, viết: “Còn nhớ bọn sinh viên chúng tôi vận động chuyển ngữ tại trường Y Khoa, ông (Nguyễn Hiến Lê) đã hỗ trợ bằng những bài báo nẩy lửa. Lúc đó giọng ông không còn cái giọng nghiêm túc, hiền lành, bình đạm thường ngày nữa mà sôi nổi, gay gắt, phẫn nộ, đầy kích động; giá có ai giật giấy bút của ông đi, tôi chắc ông sẽ lấy dao “viết lên đá” như Trần Dần đã nói”. Đúng vậy, trong đời viết văn, chưa bao giờ ngọn bút của tôi sắc bén như vậy”. (Trang 12-13). 

Có lẽ văn hào Voltaire đã ảnh hưởng ít nhiều đến cụ Nguyễn Hiến Lê, một người cũng “mài ngọn bút cho bén để chiến đầu”, như lời cụ viết về “ông vua không ngôi” này vào năm 1959 (đăng trên Giáo dục phổ thông số 39, 40 – sau cho vào cuốn Gương chiến đấu ), tức là chỉ trước bài đầu tiên cụ viết về vấn đề chuyển ngữ ở Đại học không đầy một năm. (Goldfish).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3