Con gà nói tiếng Đức
Xe lửa đến ga Frankfurt lúc bảy giờ rưỡi sáng, trễ hơn giờ qui định nửa tiếng. Tôi đang lo lắng tìm anh Huy trong dòng người đi rước thì nghe gọi: “Nhỏ! Bé Chi!”. Chưa kịp, phản ứng một vòng tay đã vội ôm choàng lấy tôi. Kiểu này thì đích thị là anh Huy rồi. Năm năm không gặp, hai anh em nhìn nhau ngộ nghĩnh. Anh vẫn lỏng khỏng dù đang mặc áo khoác da, tóc húi cua gần như cạo trọc và trên sóng mũi mọc thêm cặp kính cận.
- Bé Chi cũng cận rồi sao - anh nhận xét - Học dữ quá mà! Xấu hơn hồi đó chút xíu nhưng coi bộ mặt này câu được khối Tây đó! Thôi mau lên, phải nhảy một chuyến xe lửa nữa mới về được tới nhà anh.
Anh hấp tấp lôi tôi chạy hùng hục va vào mấy thằng Đức cao tồng ngồng. May mà kịp lúc vừa leo lên thì tàu chạy.
- Bên đây vậy đó, chạy liên tu bất tận!
- Em biết, mấy tháng nay ở bên Pháp cũng nếm mùi rồi!
Anh Huy mở cửa căn hộ “Nhà anh đó! Cười là tui đuổi ra đường! Đây là bếp, còn toilette bên trái, phòng khách và phòng ngủ chung”. Tôi không mấy bất ngờ về căn hộ tí hon của anh vì trước khi sang đây anh đã nói thẳng cho tôi chuẩn bị tinh thần. Nhưng tôi không khỏi chạnh lòng khi liên tưởng đến mấy căn nhà mới xây của các anh chị chung lớp với anh ngày trước. Họ không giỏi bằng anh, không năng động như anh nhưng rốt cuộc lại thành đạt hơn.
- Mệt thì tắm rửa và lên giường ngủ đi - anh Huy nói - Anh làm bếp và liên lạc với mấy khách sạn ở Berlin để ngày mai mình đi.
Tôi leo lên giường, thật sự mệt vì tối qua ngồi suốt trên xe lửa từ Paris sang đây. Trong giấc ngủ mơ màng tôi nghe mùi thịt nướng thơm lừng rồi giọng anh Huy xí xô xí xào nói tiếng Đức trong điện thoại. Ngủ mê man không biết được bao lâu tôi thấy anh mở tủ lấy mền ra đắp cho tôi rồi anh đi ra ngoài. Lúc anh quay về, cửa đóng hơi mạnh nên tôi giật mình ngồi dậy. Anh cầm ổ bánh mì nóng trên tay “Thôi ngủ đã rồi thì ăn!”
- Thật không ngờ có lúc tụi mình lại ngồi bên nhau như thế này - Tôi xúc động - Cứ tưởng anh sẽ về Việt Nam thăm em, ai dè em sang được tới bên đây thăm anh!
- Đừng nói anh mắc cỡ! Anh không có tiền đi Paris phải bắt em lặn lội lấy xe lửa đến đây!
- Em đi chơi mà, em chưa biết Đức - Tôi cố an ủi anh - Anh nói tiếng Đức hay quá, khó vậy mà cũng thành công!
Anh Huy nhún vai không nói, mặt khinh khỉnh cười ruồi. Ngày trước anh cũng hay có thái độ này làm nhiều người hiểu lầm nên rất ghét. Thật ra anh tự giễu cợt mình chứ không có ý khinh mạn dù lúc đó anh cũng khá kiêu. Năm tôi vào Đại Học Kinh Tế thì anh học năm cuối Tổng Hợp Pháp. Sinh viên anh cũng đồn anh giàu có còn thầy cô hay nêu tên anh vì thành tích bỏ học để đi làm guide.. Thời kỳ đó du lịch Việt Nam đang trong lúc vàng son, sinh viên ngoại ngữ tha hồ làm giàu nếu có năng lực. Trong một buổi cắm trại của trường, Ngọc bạn thân hồi phổ thông dẫn tôi qua trường nó chơi. Hôm đó anh Huy để ý Ngọc và ra sức “cua”. Anh không phải mất nhiều thời gian vì Ngọc vui vẻ chấp nhận một người nổi tiếng. Ngọc học rất ẹ nhưng khá xinh đẹp. Nó hay chơi với tôi vì tôi bổ sung những gì nó thiếu và thừa. Tôi nhờ làm bạn thân của Ngọc nên cũng được anh Huy lưu ý. Tôi xin anh cho đi theo những chuyến dẫn khách để học thêm và hay bám anh để hỏi bài. Anh Huy hay giới thiệu Ngọc là bạn gái còn tôi là học trò. Anh rất hãnh diện về cô người yêu xinh đẹp và cô học trò thông minh.
- Em học có căng lắm không? - Anh Huy tò mò - Không ngờ em giỏi thiệt, có học bổng đi Pháp, ai như anh phải tự túc, mà lại còn chui qua Đức làm lại từ đầu. Ai ngờ học trò đã là thạc sĩ còn thầy thì chưa có bằng đại học!
Anh lại nhún vai, khinh khỉnh cười. Chưa kịp tốt nghiệp anh lo làm giấy tờ đi du học và quyết định nghỉ ngang. Anh chê chương trình học ở Việt Nam trì trệ. Rốt cuộc hồ sơ đi Pháp trục trặc, anh cuống cuồng thế nào chui đầu qua Đức trong lúc không có một chữ tiếng Đức bẻ đôi. Ngọc giận anh, nó không hiểu tại sao một người chưa tốt nghiệp mà đã có thể đi làm mỗi tháng mấy trăm đô lại ham hố hai chữ “du học” làm gì. Ngày anh đi chúng tôi bước vào năm thứ hai được mấy tuần. Sau đó không lâu Ngọc quyết định xù người yêu đầu đời. Nó chán những lá thư anh than thở ở Đức gởi về. Anh từ một người có vẻ như thành đạt sớm đã trở nên khổ sở, nghèo nàn, hèn hạ nơi xứ người xa xôi. Anh kể mình học hành khó khăn lại phải đi làm thêm để nuôi sống bản thân và có chút tiền phụ gia đình ở Việt Nam. Anh thành thật đến mức nói mình làm lao công quét dọn vệ sinh, không có tiền mua rau tươi ăn phải ăn mì gói hoài nên táo bón ra máu. Tôi xót anh bao nhiêu, Ngọc khinh anh bấy nhiêu.
- Mấy lá thư em động viên tinh thần anh vẫn còn giữ đó nghe - Anh Huy lục tìm trong tủ lấy ra hộp bánh cũ - Đổi nhà mấy lần mà cũng không thất lạc. Thời đó chưa có email, viết tay như vầy nên bây giờ thấy quí!
- Năm năm rồi, bao nhiêu chuyện đã kịp xảy ra!
- Em đã có bằng Thạc Sĩ, rồi sang đây học D.E. A của Pháp - Anh Huy lại mặc cảm - Anh cũng kịp làm bao nhiêu công việc sang hèn mà phần lớn hèn nhiều hơn sang để kiếm sống, kịp học tiếng Đức đọc - viết - nghe - nói thông thạo, nhưng vẫn chưa kịp có mảnh bằng Đại học cho đỡ tủi
- Bằng cấp đâu là cái gì - Tôi tiếp tục an ủi - như em cũng đâu giỏi tiếng Tây bằng anh!
Anh Huy im lặng, lại nhún vai và cười ruồi. Anh vào bếp làm món “bún chả hàng Mành” cho bữa tối. Anh khoe hồi đó đi tour, ra Hà Nội ăn bún chả thích quá nên bắt chước. Nhìn anh thoăn thoắt ướp thịt rồi ngồi nướng, mũi phập phồng hít lấy hít để mùi khói bốc ra tôi nghĩ Ngọc mà thấy cảnh này chắc té xỉu. Nó chỉ quen được anh lấy xe “Dream” bóng lưởng chở vô Chợ lớn ăn mấy món nướng thật sành điệu. Lúc đó trong đám sinh viên nghèo đi xe đạp, ăn xài chi ly đến mức hà tiện, anh Huy quả là Hoàng Tử.
Hoàng tử múc nướng mắm ra chén cho tôi. Anh làm món này thật xuất sắc. Ăn tối xong anh bảo tôi rửa chén để anh đi dọn dẹp chỗ ngủ, ngày mai anh dẫn tôi đi Berlin chơi.
- Nhường em nằm trên giường, anh có túi ngủ sẽ nằm dưới sàn - Anh Huy ra lệnh - Ngủ trước đi, anh còn phải chuẩn bị nước uống, bánh mì khô, trái cây đem theo.
Thấy anh làm nguyên vali nhỏ đồ ăn thức uống tôi kinh dị “Xách theo làm gì cực quá, đi đến đó mình mua” Anh nhăn mặt “Khùng! Mắc! Chịu khó xách nặng một chút mà tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó!”
Bốn giờ sáng chúng tôi tay xách nách mang lọ mọ đến nhà ga. Anh Huy mua một vé tàu chợ dành cho ngày cuối tuần, chúng tôi phải đổi nhiều chuyến tàu và đến nơi lúc 6 giờ tối. Vé chỉ có 40 mác Đức đi được nhóm năm người. Còn nếu muốn đi nhanh chỉ có 4 tiếng thì mua mỗi người một vé giá 166 mác. “Ngu sao chịu è cổ ra cho tụi nó cứa - Anh Huy sành sỏi - đi tàu chợ cho năng động, trẻ trung!” Quả thật, vì là ngày cuối tuần và có vé ưu đãi kiểu này nên không những giới trẻ tranh thủ đi chơi mà những người cao tuổi cũng ùn ùn chen lấn. Anh Huy tay cầm lịch trình tàu dừng, tàu chạy, đổi ở ga nào trên tay. Tôi sang Đức coi như người câm điếc vì không biết tiếng. Nếu lạc mất anh Huy là kể như rắc rối to. Anh nói: “Tranh thủ ngủ đi, tối hôm qua tụi mình ngủ được có 3 tiếng. Chừng nào phải nhảy xuống anh hú cho!” Anh ngủ, say sưa nhưng mỏi mêt. Mắt anh nhắm nghiền, tiếng ngáy đều đều phát ra từ cái miệng há mở, đầu ngoẹo sang một bên. Tư thế ngủ này của anh tôi đã khá quen thuộc những lúc theo anh đi tour, đường xa, khách ngủ trước rồi đến phiên guide cũng tranh thủ ngủ. Nhưng hồi đó sao thấy anh thật đường hoàng, đó là giấc ngủ của một sinh viên có thu nhập vài trăm đô. Còn bây giờ là giấc ngủ của một hành khách đi tàu chợ.
Anh Huy đang say ngủ thì bất chợt choàng dậy sau khi nghe tiếng loa thông báo mỗi khi sắp đến một trạm dừng. “Xuống!” Anh nhanh nhẹn quơ đồ chạy trước khi tôi kịp hoàng hồn rồi cũng vọt theo anh.
- Sao anh đang “phê” mà biết tới ga xuống hay vậy?
- Năm năm rồi em - Anh Huy tự hào - Đi làm bằng xe lửa và phải tranh thủ ngủ trên tàu. Riết rồi quen, ngủ thì cứ ngủ mà đến ga thì vẫn kịp xuống, hi hi!
Hình như đây là lần đầu tiên anh cười hồn nhiên kể từ lúc chúng tôi gặp nhau. Anh móc giỏ lấy trái cây ra bảo tôi ăn cho có vitamin, hành trình đến Berlin còn lâu lắm. Quả thật, tôi không nhớ xiết mình đã phải đổi bao nhiêu chuyến tàu, cứ làm theo lệnh anh vì có biết ất giáp gì đâu. Anh nói: “Thấy nhớ ngày xưa ở Việt Nam đi làm guide, khách cũng ngơ ngơ giống em bây giờ!”. Nhưng có một chuyến tàu tôi gần như lạc anh. Khách quá đông đến mức đứng chật cả hành lang rất hẹp. Anh Huy bảo tôi ngồi vào một chỗ may mắn còn trống, anh qua toa khác tìm chỗ ngồi. Tôi kịp hỏi anh đến mấy giờ thì phải đổi chuyến nữa rồi mất hút. Hai tiếng đồng hồ tôi mất liên lạc với người guide của tôi, anh giữ hết đồ ăn nước uống và giữ luôn vé tàu. May mà người ta đông quá nhân viên soát vé chui qua không lọt nên cũng chẳng bị rắc rối. Canh đúng giờ anh Huy dặn, tôi nhảy xuống ga mà cầu trời cho anh ở một toa nào đó cũng nhảy theo. Anh gặp lại tôi cười hề hề “Đói bụng quá? Anh có làm bánh mì kẹp xúc xích cho em nhưng không cách chi chen lọt được đến toa em ngồi. Đi kiểu này vui hé!” Nhưng còn chưa vui bằng lúc chúng tôi bị tống lên xe autocar thay vì đi tàu vì có một đoạn đường ray bị hư đang phải sửa chữa. Hai anh em đứng suốt 90 phút, tha hồ nhìn vùng nào đó nghèo nàn hoang phế thuộc Đông Đức. Ở Pháp không có nơi nào thê thảm như bên đây, còn Đức tuy thống nhất từ lâu vậy mà vẫn còn đó vết tích những căn nhà xây như trại lính, những bức tường màu xám đen, có vẻ mục rệu vì không được bảo trì. Cây cối mọc tua tủa không có bàn tay chăm sóc của con người như ở Pháp, Hà Lan hay Bỉ. Đi qua những vùng Đông Đức, tôi nhớ đến những bộ phim chiến tranh của Liên Xô. Dân Đức thứ thiệt còn khổ sở như vậy huống hồ gì người nước ngoài như anh Huy dù anh nói mình may mắn sống ở vùng Tây Đức. “Đức có kinh tế phát triển hơn Pháp đó nha - anh Huy như hiểu suy nghĩ của tôi nên phát biểu - hệ thống an sinh xã hội hơn tụi Tây nhiều! Em không thấy vật giá mắc hơn bên đó sao?”
Anh Huy bằng sự nhanh nhẹn của mình mà anh tự hào nói “Nhờ thâm niên làm guide thời sinh viên ở Việt Nam và mấy năm đấu tranh sinh tồn ở Đức” đã lùng tìm được một khách sạn ngay trung tâm Berlin, đối diện nhà thờ cụt đầu nổi tiếng với giá rẻ không ngờ. Và dĩ nhiên, hai anh em chui chung một phòng để tiết kiệm. Tối đó, dù mệt hơn đêm qua nhưng chúng tôi tranh thủ nói chuyện với nhau vì đến tám giờ tối ngày mai tôi đã lên xe autocar về lại Paris rồi. Anh Huy hỏi tôi về công việc của mấy người bạn cùng khóa. Họ ở một chỗ, chẳng cần đi ra nước ngoài học thêm học bớt gì, cứ từ từ rồi cũng đi lên. Thời họ vừa tốt nghiệp, thị trường lao động còn ưu đãi dân chuyên ngữ, chưa quá khắt khe như bây giờ nên hầu hết đều lọt được vào những vị trí quan trọng. Có vài người sau đó qua bên trường Kinh Tế của tôi học tại chức để trang bị thêm chút chuyên môn. Giờ có người đã lên chức trưởng điều hành một công ty du lịch, người vừa xây nhà cả trăm cây vì làm xuất nhập khẩu gì đó trong sân bay, người làm giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ...
- Chẳng có ai te tua như anh phải không? - Anh Huy cười nhẹ - Nhiều lúc anh cũng tự hỏi hay là mình “lầm đường lạc lối”? Nhưng không! Anh có được bao nhiêu kinh nghiệm sống quí giá! Chỉ có ở trong hoàn cảnh phải đấu tranh từng ngày để giữ vững tinh thần như anh mới hiểu giá trị của sự thành đạt và hạnh phúc thật sự của cuộc đời, điều mà hồi còn trẻ ở Việt Nam anh lầm tưởng là mình đã đạt được dễ dàng rồi.
Anh Huy dừng lại im lặng, tôi không dám có ý kiến, chỉ thấy năm năm của anh trôi qua chỉ để hiểu được điều này thì hơi lâu.
- Anh không hối hận đâu - Anh đều giọng như tự nói với mình - Nếu lúc đó anh không đi, vẫn dễ dàng làm ra tiền rôi có thái độ khinh mạn, hãnh tiến thì bây giờ anh hỏng mất rồi. Anh chỉ tiếc mình phải vừa học vừa làm nên không thể dốc hết sức cho việc học, vốn là mục đích chính của chuyến đi.
- Sao hồi đó anh gấp gáp đi Đức làm chi? Nếu như anh sang Pháp anh có lợi thế hơn nhiều.
- Kệ! Nhờ vậy có thêm một sinh ngữ nữa. Tinh thần thép của tụi Đức hay lắm, tác động lên anh khá nhiều. Anh phục tụi nó!
Ngày trước anh Huy đâu thèm phục ai. Đi tour với khách, vì lanh lợi vui vẻ nên được cho tiền pourboire rất nhiều, vậy mà anh còn cười sau lưng nói họ khờ. Anh tự nhận xét “Dân làm hướng dẫn cà chớn lắm!”
- Trong rất nhiều nghề anh làm ở Đức, có lúc anh được về với nghề guide đó nhe! Anh làm ba tháng trong một công ty du lịch nhỏ cần người nói tiếng Pháp. Hồi chưa sang đây, anh tự tin nghĩ mình không đến nỗi khốn đốn tìm việc vì mình giỏi tiếng Pháp, nhưng thực tế Pháp ở sát bên, tụi Pháp sang Đức thiếu gì, ai thèm mướn một thằng Việt Nam nói tiếng Pháp trong khi Pháp chính gốc đầy ra đó! Có đi ra ngoài mới thấy mình thật nhỏ nhoi, yếu đuối, kiến thức lỗ chỗ, dốt nát chẳng bằng ai.
Tôi thấy anh Huy nói đúng. Như đám bạn của anh, có vẻ thành đạt, kiếm tiền nhiều thì chắc chắn cũng tưởng mình giỏi hơn thiên hạ. Nhưng nếu thảy họ vào môi trường bên đây, chắc không đơn giản đâu. Sang đây mấy tháng nay tôi biết, giới trẻ năng động kinh khủng.
- Có điều nay em không muốn anh biết, nhưng nghĩ lại thấy biết cũng hay. Ngọc bây giờ là giáo viên dạy trong khoa đó, mà trình độ của Ngọc thì anh và em rành quá rồi!
Đang nằm, anh Huy ngồi bật dậy thảng thốt :
- Đến mức này sao? Thì anh có nghe chú Ngọc là một vị tai to mặt lớn trong trường. Nhưng còn sinh viên? Ngọc dám nhận dạy sao?
- Ngọc hãnh diện lắm, nó không hề xấu hổ với em vì em biết trình độ nó. Thậm chí, Ngọc rất kiêu, ra vẻ ta đây thành đạt!
Anh Huy đưa tôi ra bến xe về lại Pháp, hứa một ngày nào đó sẽ sang Paris thăm tôi.
- Anh tính ở Đức luôn sao? Về Việt Nam đi anh, ở đó anh dễ thành công hơn!
- Nhưng anh chưa có bằng cấp gì hết, về nhìn bạn bè làm sao!- Anh Huy đưa tay đẩy tôi vào xe - Nhỏ ơi! Dù ở đây anh không thành công, nhưng ít ra anh cũng thành... gà! Em lo việc học của em đi!
Xe lăn bánh, anh Huy vẫy tay cười, bên cạnh đám Đức đứng lố nhố trông “con gà” thật thấp bé, gầy gò. Tôi mở cửa xe thò đầu ra gởi anh một cái hôn gió. Anh rướn chạy theo la to làm mọi người giật mình “Rồi anh sẽ về!” Một thanh niên Đức trong xe nhại lại âm thanh châu Á lạ lùng. Hành khách ngó tôi cười ồ.