Quà tặng cuộc sống - Chương 67
Ông chừng ngoài năm mươi, hơi gầy gò, dáng đi vội vã, chiếc nón lá sùm sụp che bớt 1 phần gương mặt sạm nắng, khắc khổ của người lắm gian nan, nhưng không lần nào gặp ông mà tôi không nhận được nụ cười cởi mở cùng câu chào hỏi mau mắn.
Thoạt đầu tôi chỉ hơi ngạc nhiên vì vẻ lịch sự hiếm thấy ở 1 người làm công việc vệ sinh như ông, nhưng dần dần tôi thích thú nhận ra những phẩm chất đáng quý khác của người đổ rác xóm tôi.
Chuyến xe rác đi qua xóm tôi là chuyến đầu tiên trong ngày của ông. Mới tờ mờ sáng, còn mơ màng trên giường, tôi đã nghe tiếng gọi “Rác đi!”.
Những ngày đầu, chưa nắm được quy trình vận chuyển của ông, tôi còn mắt nhắm mắt mở ấm ức xách bao rác chạy theo xe ông đã đi quá 1 đoạn. Nhưng ông ân cần trấn an tôi: “Lần sau cô cứ để rác ở cửa, chút nữa tôi còn quay lại mà”.
Hóa ra, thông cảm cho những kẻ ngủ dậy muộn, sau khi đẩy xe 1 vòng qua những con hẻm lân cận, ông lại đi ngang xóm tôi lần nữa để lấy nốt những bao rác đặt trễ ngoài cổng 1 đôi nhà.
Quen thấy kiểu làm việc “quan liêu” của người đổ rác xóm cũ, tôi ngạc nhiên khi thấy ông nặng nhọc xách những bao rác to của ngôi nhà đang xây dựng cố vứt lên xe mà không hề gợi ý 1 khoản tiền bồi dưỡng nào. Có khi thấy ông vui vẻ đứng chờ 1 chị chủ nhà lề mề đang cố hốt nốt những cọng lá khô trong sân, hỏi han đôi ba câu với cụ ông mới đi tập dưỡng sinh về. Tôi chưa từng thấy ông gây gổ với ai, cả với những người “cá biệt” cố tình tránh né những đồng tiền ít ỏi mà lẽ ra ông phải nhận được hằng tháng.
1 lần, bị hiểu nhầm, cha con ông bị bác hàng xóm cạnh nhà tôi quát tháo ầm ĩ. Ngỡ đâu cãi cọ sắp xảy ra. Nhưng không, tôi bất ngờ nhận ra đức nhẫn và cách cư xử khoan hòa ở ông. Nể gia chủ lớn tuổi và đang cơn nóng giận, ông điềm đạm đứng nghe hết câu rồi mới ôn tồn giải thích. Chưa hết nóng, bác hàng xóm vẫn quát lên: “Từ mai, không đổ rác nữa!”.
Thế nhưng, những buổi mai sau đó, tôi vẫn thấy ông nhanh nhẹn và vui vẻ như mọi khi, thu gom các bao rác, kể cả bao rác của bác hàng xóm già nóng tính nhưng lại mau quên.
Không phân biệt rác nặng hay nhẹ, ông cũng chẳng hề phân biệt những thứ “quà” người khác tặng ông. Tôi cảm thấy vui vui mỗi lần nhận được ở ông tiếng cám ơn nhã nhặn dù chỉ là dăm vỏ chai nhựa mà tôi đã cẩn thận dồn vào 1 bao riêng, chiếc bánh chưng nóng ngày ba mươi Tết, hay chiếc quạt máy tuy đã cũ nhưng vẫn còn dùng được... Lần nào thái độ khiêm cung của ông cũng khiến tôi có cảm giác như niềm vui của ông là ngang nhau.
Tôi chẳng biết gì về cuộc đời ông, không biết liệu ông có tốt nghiệp qua trường lớp nào, được bao nhiêu bằng cấp, nhưng gặp ông hằng ngày, nhìn cách làm việc và cư xử của ông, tôi biết mình đang tiếp xúc với 1 nhân cách đáng trân trọng. Tôi đã học được từ ông thật nhiều điều quý giá.