Đồng môn xứ lạ
Tôi vẫn mơ thấy ngọn đồi Sart-Tilman với các chuyến xe bus đầy bọn sinh viên giờ cao điểm. Những căn biệt thự bằng đá phủ rêu xanh ẩn mình trong rừng, thấp thoáng bóng mấy chú sóc chuyền cành và bầy sẻ nhỏ lao xao. Khi bus trườn gần lên đỉnh đồi, ngôi trường Đại học nữa cổ kính nữa hiện đại dần hiện ra. Tôi xuống trạm đông nhất, bước vào con đường mòn êm cỏ, băng qua bồn nước phun hiền lành, vào giảng đường. Tôi không bao giờ mơ thấy những gương mặt, dù giáo sư hay bạn bè, dù bác công nhân xén cỏ hay cô thư ký tóc vàng. Nhưng tôi thấy một cặp kính, lấp lánh, tinh anh.
Jean là một chàng trai khá kiêu hãnh. Lần đầu tiên gặp, tôi đang đi tìm phòng cho môn ''International Marketing''. Hắn cao gầy, dáng thư sinh, đeo kính cận. Mặt hắn sáng bừng theo kiểu ''thông minh phát tiết ra ngoài'', dễ làm người yếu bóng vía e dè.
Jean và tôi lần đó cùng vào trễ, giáo sư đang giảng bài. Tôi khép nép ngồi vào chỗ trống gần mình nhất, hắn đường hoàng lên ngay hàng đầu đối diện với giáo sư. An tọa chưa bao lâu, hắn liên tiếp phát biểu, thái độ rất cầu tiến và hãnh tiến. Tôi hỏi người ngồi gần hắn học năm thứ mấy và được biết hắn mới là sinh viên năm ba. Bên đây sinh viên học theo dạng tín chỉ, cùng ngồi một lớp nhưng trình độ rất khác nhau. Ngoài môn này tôi và Jean còn tình cờ chọn trùng nhiều môn khác. Tuy chạm mặt nhau thường xuyên nhưng cũng như nhiều sinh viên nước này, hắn chẳng bao giờ thèm liếc mắt nhìn một sinh viên nước ngoài như tôi. Những sinh viên đến từ Châu Phi và Đông Âu cũng cùng hoàn cảnh.
Jean luôn có vấn đề trong việc học tập thể, môn nào giáo sư yêu cầu nhóm lớn trên bảy người hắn mới đành cố gắng tìm bạn, nếu nhóm nhỏ khoảng ba người hắn sẽ thuyết phục thầy cho làm bài cá nhân. Cuộc sống luôn bắt ta phải hợp tác để cùng tồn tại. Jean hoâm đó vô trễ nên giáo sư ép hắn làm chung với tôi và một sinh viên người Nga. Hắn cự tuyệt, nói thẳng với giáo sư ông không tôn trọng nhân quyền và cố tìm đối tác khác nhưng ai cũng ''mồ yên mả đẹp'' hết rồi, cuối cùng hắn đành hậm hực chấp nhận.
Jean quả là một người rất khó cộng tác. Ngay hôm đầu học chung hắn đã mặc nhiên cho rằng chúng tôi không đủ sức làm tốt, hắn dành ôm trọn hết tất cả các phần chính phụ. Tôi tự giới thiệu mình học hệ Cao học, cô bạn người Nga cũng thế.
- Tôi là người bản xứ, tôi sống ở đây nên thông thuộc hết tất cả những chính sách mới cũ, luật lệ kinh doanh, nền kinh tế, tình hình khủng hoảng- Hắn bảo - Các người ở nước khác đến, tuy học hệ Cao học nhưng không thể bằng một sinh viên hệ Đại học như tôi.
Cô bạn Nga khá giận, dù sao cũng đến từ một nước lớn, cũng là dân Châu Âu. Cô ta tự bảo vệ mình vài câu nhưng Jean chỉ nhún vai không đáp. Tôi cũng phải tự khoe thành tích để hắn đừng quá kỳ thị. Sau cùng, tôi nhấn mạnh tôi lớn tuổi hơn hắn. Hắn bực bội nhìn tôi từ trên cao. Chưa bao giờ tôi căm ghét cái thân hình thấp bé thiếu thước tấc của mình đến thế. Tôi biết không nên bất hòa quá sớm nên cố cười và thành thật đề cao Jean
- Bạn là một sinh viên giỏi. Tôi vẫn luôn hâm mộ sinh viên Châu Âu, các bạn làm việc rất có phương pháp, rất năng động trong xử lý thông tin, các bạn được học tập trong môi trường nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất.
Trời đã bắt đầu vào hè, nắng vàng ruộm gay gắt nóng. Jean lấy một cuốn sách phe phẩy quạt, đôi mắt thông minh sáng rực nhìn lên trần nhà. Sau khi nghe ca ngợi, hắn có vẻ hạ nhiệt. Tôi lại mở cửa sổ, nhìn mông lung vào khoảng rừng xanh bao quanh khu Đại học. Gió từ những tàn cây ùa vào phòng, mang theo hương hoa cỏ đồng nội. Những bức tường tòa nhà đối diện phủ đầy dây leo. Trên nền xanh rờn của lá, bươm bướm đủ màu chấp chới bay. Nắng ấm làm những con sóc, thỏ rừng và chim chóc bạo dạn chạy nhảy lung tung.
- Tôi sẽ rất nhớ ngôi trường xinh đẹp này khi trở về Việt Nam - Tôi nhỏ giọng - Mong thời gian còn lại sẽ là một kỹ niệm êm đềm.
- Chừng nào bạn về? - Cô bạn Nga hỏi.
- Chỉ còn mùa hè này - tôi lưu luyến - sang thu tôi phải hoàn tất hết các tín chỉ và nói lời tạm biệt
- Cô không tìm một người nào đó kết hôn để được ở lại? - Jean cả cười, châm chọc -Về nước khổ lắm!
Tôi bắt chước hắn nhún vai, không trả lời.
-----------
Hôm nay nắng bớt gắt, gió từ rừng thổi ra mát dịu. Thứ bảy, những chuyến xe bus trườn lên đèo vắng. Tôi cùng cô bạn Nga đứng chờ bên bồn nước suốt hai mươi phút, bóng cao gầy của Jean mới nhấp nhô từ con đường mòn rợp bóng cây đi lại.
- Tôi không chấp nhận được bài làm của cô - Vừa thấy tôi Jean cao giọng - Tệ quá!
- Thật sao? - Tôi không muốn tin - Phần nào?
- Tôi nói: Tất cả! - Jean gằn giọng - Tôi không đủ kiên nhẫn để đọc hết. Thay vì mất thời gian rà soát lại những sai lầm của cô, tôi thích tự mình làm lấy.
- Suốt năm học qua, làm bài với nhóm tôi nhận phần tài chính - Tôi cố bình tĩnh
- Tôi khác! - Jean sửa gọng kính '- Sao cô cứ khăng khăng đòi làm? Tôi sẽ làm hết từ A đến Z, các người yên tâm, thầy cho điểm chung mà!
Tôi đã trao đổi với Jean và thấy hắn không nắm vững các nguyên lý tài chính. Hắn cũng không đủ thời gian để ôm hết mọi việc.
- Nếu bạn nói vậy - Tôi ra điều kiện - Lần sau học nhóm phải trình ra phần tính toán.
- OK! - Jean khịt mũi - Không có vấn đề gì!
Hắn không giữ lời hứa như tôi đã dự đoán. Hết lần học nhóm này đến lần khác, chẳng bao giờ Jean có khả năng làm trọn vẹn các bảng tính. Lúc hắn lòe ra vài con số, lúc nêu lên mấy công thức. Sốt ruột vì thời gian nộp bài cận kề, tôi nói thẳng. Đuối lý, Jean tàn nhẫn ''Cô là người Việt Nam, sao hiểu cách làm khoa học của tôi?''. Buổi học nhóm cuối cùng, toâi không ngờ một người có thành tích xuất sắc như hắn lại đành làm liều bằng cách áp đặt số khống. Nhưng hắn thà mạo hiểm, nhất định không sử dụng bảng tính của tôi.
- Chỉ biết chăm chăm vào phần tài chính, là phần phụ thôi - Jean át sự ngượng ngùng, tiếp tục mạt sát tôi - Những phần chính như khảo sát thị trường thì cô cóc biết gì!
- Tưởng sinh viên ở nước phát triển thì học vì kiến thức, sao lại áp dụng số khống, vậy làm bài chỉ để đối phó thôi sao? - Tôi lạnh lùng - Tôi từ nơi xa đến đây, mong học hỏi tri thức, không phải để đạt những điểm giả dối.
- Các người có quyền lên gặp giáo sư để bảo vệ ý kiến riêng, cũng có nghĩa là các ngưới xin tách nhóm - tức giận độp lại - Nhưng tôi thành thật khuyên, giáo sư sẽ không nghe theo những sinh viên nước ngoài đâu mà chắc chắn ông ta sẽ chọn tôi.
Buồn nhất cô bạn Nga, không bênh vực tôi thì thôi, cô ta lại đứng về phía Jean với lý do hắn là người học tập có thành tích. Hôm bảo vệ bài làm trước giáo sư, dĩ nhiên Jean dành phần nói nhiều nhất. Cô bạn Nga và tôi chỉ được trình bày vài phần không quan trọng. Tệ nhất, giáo sư không phát hiện ra những con số khống. Ông cho Jean mười sáu điểm, cô bạn Nga mười ba còn tôi mười hai. Cô bạn Nga lộ rõ vẻ khó chịu khi thấy cùng một nhóm mà giáo sư lại cho điểm khác nhau. Cô hối hận khi đứng về phe Jean.
- Cô có quá lo xa không khi nghĩ rằng thầy sẽ xem xét kỹ các bảng tính? - Không thèm để ý thái độ cô bạn Nga, Jean nhìn tôi cười nụ.
- Trong môi trường học đường, chuyện giáo sư vô ý cho điểm đôi khi lệch lạc là chuyện thường - Tôi giữ vẻ mặt bình thản - Sau này bạn đi làm, cho người ta hay cho chính doanh nghiệp của mình, bạn sẽ thấy rằng việc bạn qua mặt được thầy và nhận điểm mười sáu ngày hôm nay là một bất hạnh.
Tôi bỏ đi, nghe Jean bực tức laàu baàu sau lưng. Đẩy cửa kính dày bước ra, tôi hít sâu một làn không khí thật trong lành. Ngang bồn nước, tôi đưa tay rẩy vài giọt lên mặt. Con đường mòn ra bến xe bus mát rượi sau cơn mưa rào, tôi nghe đất xôm xốp thở nhẹ dưới mỗi bước chân. Từ trên xe, tôi thấy Jean ngẩng cao đầu bước, một tay nới bớt chiếc cravate, tay kia cầm cặp vung vẩy. Hôm nay thi nên hắn mặc đồ complet. Dáng hắn cao gầy nên bộ đồ lớn có vẻ rộng. Nắng xiên, bóng Jean in trên những vệ cỏ dày.
Sau hôm thi đó, tuy nói ''cứng'' với Jean, tôi vẫn bị stress kinh khủng. Chỉ mong được về Việt Nam ngay lập tức. Nghĩ đến ''đại sự'' chưa thành, tôi lao đầu vào làm luận văn. Ngày cuối cùng tôi đến phòng thư ký làm các thủ tục để kết thúc khóa học, tình cờ lại gặp Jean. Tôi cười chào hắn trước nhưng hắn khinh khỉnh quay mặt đi. Nghe hắn khoe với bạn bè mùa thu năm nay sang Mỹ du học. Hắn nói lời tạm biệt với vài người quen. Cũng như Jean, tôi biết đã đến lúc mình chia tay với giảng đường nơi xứ người với bao kỷ niệm cay đắng ngọt bùi. Tôi đi thăm hết trường Đại học tọa lạc trên nguyên ngọn đồi xanh rộng lớn, từ khoa này sang khoa kia phải dùng xe bus. Đứng ở một nơi cao nhất, tôi thấy dòng suối nhỏ chảy vắt qua lấp lánh và toàn cảnh ngôi trường nằm lẫn trong màu xanh của rừng. Dẫu cố nấn ná, cũng đến lúc tôi phải lên xe bus về trung tâm thành phố. Tôi trìu mến nhìn lần cuối cảnh vật trên đồi đang vào thu. Cây cối dần chuyển màu, sắc đỏ ngã vàng đang lấn sang những chiếc lá xanh run rẩy. Thời tiết đã nhuốm lạnh, tôi kéo cao cổ áo, khép chặt tà manteau. Xe bus nhẹ trườn xuống đồi, qua một khúc ngoặt mất dấu ngôi trường thân quen. Sương mù lãng đãng giăng...
--------------------
Cách đây một tháng tôi sang Trung Quốc theo lời mời của một cô bạn người Thượng Hải tên Mai Ninh. Tình cờ trong một quán bar gần tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu tôi gặp lại Jean khi theo Mai Ninh đến uống nước với đồng nghiệp. Jean vẫn đeo kính cận, thông minh vẫn ''phát tiết ra ngoài'' nhưng mắt hắn trông dịu hơn. Mai Ninh giới thiệu với tôi sếp Anthony, người Mỹ. Jean xem ra không nhớ tôi là ai, hắn nhíu mày suy nghĩ. Anthony mới ba mươi bốn tuổi, là giám đốc một quỹ đầu tư của Mỹ có chi nhánh ở Thượng Hải. Anh có phong cách giản dị, hòa đồng với mọi người và khá khôi hài. Ngồi với nhau ít lâu chúng tôi cáo về. Anthony đề nghị lấy xe hộ tống hai đứa. Lúc chờ anh xuống hầm đậu xe, Jean đến bên tôi hỏi ''Cô nhớ tôi không?''. Tôi cười gật đầu. Hắn có vẻ thân thiện ''Tôi định qua Việt Nam chơi...''. Tôi chỉ kịp đưa cho hắn danh thiếp của mình rồi lên xe hơi của Anthony. Jean vẫy tay nói với theo ''Sau này sang Việt Nam du lịch có dịp nói chuyện nhiều hơn...''
Khi cửa xe đóng lại, tôi kể sơ lược tình hình học chung với Jean, nói bất ngờ thấy hắn làm việc lại Thượng Hải. Anthony cười ngặt nghẽo khi biết nhân viên của mình hóa ra có một thời làm trận làm thượng ở giảng đường Đại học.
- Người Châu Âu tự nhận mình là dân hàn lâm, hay chê Mỹ thô kệch - Anh hóm hỉnh - Hồi Jean xin làm thực tập trong công ty, tôi biết hắn bị đồng nghiệp ghét nhiều lắm. Lúc đầu hắn rất tự tin, cãi lý rất hăng và có vẻ tự hào về nguồn gốc Châu Âu có mấy ngàn năm văn hóa phong phú gì gì đó. Tôi chẳng rành ba cái vụ này...
Anthony làm bộ nhăn mặt, thè lưỡi làm chúng tôi cười nắc nẻ.
- Tôi thấy hắn có tố chất, rất thông minh và nhanh nhạy nên sử dụng - Anh trở lại nghiệm túc - Hắn cũng biết, các công ty Mỹ khi muốn tuyển nhân viên mới thường cho các nhân viên khác tham gia phỏng vấn. Nếu đồng nghiệp từ chối, ông chủ cũng khó sửỷ dụng. Hắn từ từ biết cách cư xử để lấy lòng đồng nghiệp, hy vọng sau thời gian thực tập được giữ lại làm luôn. Lúc sang Thượng Hải, Jean đã biết cách lấy lòng những đồng nghiệp Trung Quốc và lo đi học tiếng. Hắn còn trẻ...
- Có bao giờ anh bắt hắn thiết lập các bảng biểu tài chính chưa? - Tôi hỏi chen vào.
Người giám đốc kêu trời, anh kể lúc vào thực tập Jean mất căn bản về tài chính. Giao hắn thẩm định tình hình chung của một công ty nhỏ thôi, các phần khác đều làm rất nhanh còn phần tài chính cả tuần không làm nổi bảng cân đối tài sản, đến mức anh phải quát tháo ầm ỹ đòi trừ lương, thậm chí đuổi việc. Anthony làm mặt giận dữ, phùng mang, trợn mắt. ''Jean đã hốt hoảng tìm sách học lại và nhờ những nhân viên khác giúp đỡ thêm...''
Anthony còn kể lể gì nữa trong tiếng cười khoái chí của Mai Ninh. Đột nhiên, tôi ứa nước mắt. Hình ảnh lần cuối tôi nhìn ngôi trường Đại học tọa lạc trên ngọn đồi lãng đãng sương của mùa thu năm đó hiện ra, thật gần, như mới ngày hôm qua.