Thái tử phi thăng chức ký - Tập 2 - Chương 07 - Phần 04
Tôi cũng đã quen với việc không nắm trọng tâm câu nói của Tề Thịnh, vì thế chẳng thèm để ý, chỉ nói: “Hoàng thượng hiện tại còn trẻ, sức khỏe tốt, sau này nếu có thể tránh xa tửu sắc, chăm tập luyện, ngủ sớm dậy sớm, ít lao tâm thì việc sống đến bốn, năm mươi năm nữa cũng không thành vấn đề”.
Lời này có vẻ còn lọt tai, Tề Thịnh chầm chậm gật đầu.
Tôi lại nói: “Do vậy, nếu bây giờ lập Hạo nhi làm thái tử thì nó sẽ phải làm đến năm bốn mươi, năm mươi tuổi. Chàng xem đã có vị thái từ nào chịu đựng được bốn, năm mươi năm chưa?”.
Tề Thịnh im lặng nhìn tôi, không nói gì.
“Hiện tại nó còn nhỏ, không biết sau này lớn lên sẽ thế nào, liệu có thực sự gánh vác nổi giang sơn này không”, tôi dừng lại, cụp mắt xuống, tiếp tục nói: “Mà Hoàng thượng vẫn còn trẻ, sau này càng ngày càng nhiều con trai hơn, biết đâu sẽ có một đứa còn được chàng yêu thương quý mến hơn Hạo nhi phải làm thế nào?”.
Tề Thịnh vẫn im lặng, tôi đang cúi đầu nên không biết vẻ mặt của anh ta lúc này thế nào, dù vậy tôi vẫn có thể đoán được, nói khẽ: “Trong hoàng thất, việc cha con ghen ghét nhau, anh em tàn sát nhau từ trước đến nay chẳng hiếm, nửa đời trước của thiếp đã chứng kiến nhiều, nửa đời sau không muốn phải nhìn thấy nữa”.
Một lúc lâu sau mới nghe Tề Thịnh khẽ thở dài một tiếng, nói: “Ta biết rồi”.
Quả nhiên, sinh nhật tròn một tuổi của Tề Hạo mặc dù được tổ chức linh đình nhưng hoàn toàn không nhắc gì đến việc lập thái tử. Sau đó mấy ngày tôi lại đến cung Đại Minh thì phát hiện ra một sự việc rất lạ lùng.
Đồng chí Tiểu Giang, người hơn mười mấy tháng qua ngày nào cũng như ngày nào, chịu thương chịu khó, đầy tinh thần trách nhiệm, luôn giữ đúng vị trí công tác của mình đột nhiên không thấy đâu.
Tiểu nội thị đến gần tôi, khom lưng rất tôn kính, khẽ nói: “Là Hoàng thượng sai người đưa đi ạ, nô tài cũng không biết đã đưa Tô cô nương đi đâu”.
Việc này khiến tôi rất ngạc nhiên, tò mò hỏi: “Đang yên đang lành, sao lại phải đưa đi? Còn quay trở lại không?”.
Tiểu nội thị cẩn thận nhìn sắc mặt tôi, nói: “Nô tài cũng không rõ chuyện gì. Hay Hoàng hậu nương nương tự mình hỏi Hoàng thượng vậy?”.
Ta hỏi? Ta có quyền gì mà hỏi? Giang thị lại không phải người thuộc biên chế hậu cung, tiền lương trước nay cũng không nhận từ chỗ ta. Hơn nữa ta phải hỏi thế nào? Hỏi Giang thị lần này là nghỉ phép hay nghỉ hưu non? Có tiền đền bù không? Sau này liệu có còn phải đóng bảo hiểm, lo chỗ ăn chỗ ở cho cô ta không?
Thấy tiểu nội thị bên cạnh vẫn đang nhìn, tôi gật đầu qua loa, đến khi gặp Tề Thịnh thì vờ như không biết gì, cũng chẳng nhắc tới.
Tề Thịnh cũng không đề cập đến chuyện đó, chỉ nói: “Hạo nhi ngày một lớn, không thể để nó lớn lên trong tay đàn bà được. Từ ngày mai trở đi, hằng ngày nàng đều phải mang nó đến đây, ta muốn tự mình dạy bảo nó”.
Cách nghĩ “giáo dục từ nhỏ” của Tề Thịnh là tốt, nhưng cách làm thì lại khiến người ta không dám gật bừa. Đến nhà trẻ cũng chỉ nhận trẻ đủ ba tuổi, thế mà anh lại bảo một đứa bé mới vừa tròn một tuổi hằng ngày phải học cách quản lý nhà nước sao?
Tôi dở khóc dở cười nhưng thấy Tề Thịnh rất nghiêm túc, không giống đang đùa, đành phải gật đầu đồng ý.
Ngày hôm sau, quả nhiên Tề Thịnh phái tiểu nội thị đến cung Hưng Thánh giục tôi. Chẳng còn cách nào khác, tôi đánh dày mặt mà bế Tề Hạo đến cung Đại Minh điểm danh.
Khi Tề Thịnh tiếp kiến triều thần, tôi phải ở sau bình phong bế con nghe. Khi Tề Thịnh phê duyệt tấu sớ, tôi phải bế con ngồi trên giường nhỏ bên cạnh anh ta.
Lúc mới bắt đầu, Tề Hạo chưa quen với môi trường mới, tỏ ra rất trật tự, ngoan ngoãn ngồi trong lòng tôi. Nhưng chưa được hai ngày thì nó không chịu ngồi yên nữa, cứ nhoài người đòi xuống, sau đó chập chững đi ra ngoài bình phong.
Tề Thịnh đang ở ngoài nghe mấy viên quan của Hộ bộ, Lại bộ tấu trình, tôi không dám lên tiếng gọi con, chỉ có thể túm lấy cổ áo của nó mà lôi lại. Không ngờ động vào ổ kiến lửa, Tề Hạo mở to mắt lên nhìn tôi, bộ dạng tủi thân mếu máo, vài giây sau khóc tướng lên.
Tôi dỗ mãi không được, đang lo đến vã mồ hôi, chỉ hận là không thể dùng tay bịt miếng nó lại thì Tề Thịnh từ phía trước bình phòng bước vào, bế nó ra ngoài đặt lên đùi, vừa nhẹ nhàng dỗ dành, vừa thản nhiên bảo Thượng thư Hộ bộ tiếp tục nói.
Tôi ngồi đằng sau bình phong, mọi người bên ngoài phản ứng thế nào tôi không nhìn được, chỉ biết là Thượng thư Hộ bộ trình tấu không còn được trôi chảy như lúc trước.
Về sau cảnh tượng trở thành Tề Thịnh bế con tiếp kiến triều thần ở bên ngoài bình phong, tôi một mình chăm chú lắng nghe ở sau bình phong. Hai lần đầu, triều thần còn ngạc nhiên, về sau thì có vẻ bình tĩnh hơn.
Hơn một tháng trôi qua, tôi không rõ Tề Hạo có mở mang được tí kiến thức nào không, nhưng tôi đã biết hết các sự vụ trong triều rồi. Thỉnh thoảng Tề Thịnh nổi cơn lười, tôi còn đọc tấu chương giúp anh ta. Mặc dù cách ngắt câu không được lưu loát nhưng Tề Thịnh đều có thể hiểu rõ ràng, sau đó nhắm mắt đọc lời phúc đáp cho các bản tấu đó.
Tôi cầm bút lông nguệch ngoạc ghi lại trên giấy, kẹp vào các bản tấu để Tề Thịnh đích thân chép lại lần nữa.
Lần đầu tiên Tề Thịnh nhìn thấy chữ viết của tôi, hồi lâu chẳng nói gì, sau đó chỉ vào các dòng chữ, hỏi với vẻ vô cảm: “Nàng viết cái gì vậy?”.
Nhất thời tôi không biết Tề Thịnh chế giễu chữ viết rời rạc của mình, hay là vì đọc không được kiểu chữ giản thể ấy, suy nghĩ một lúc mới đáp: “Đây gọi là chữ giản thể, là dạng chữ đơn giản hóa các nét của chữ phồn thể mà chàng dùng. Chàng không thấy như thế này đơn giản dễ học hơn sao?”.
Tề Thịnh nhìn kỹ chữ viết của tôi, từ chối cho ý kiến, chỉ nói: “Sau này đừng viết kiểu chữ này, để người khác nhìn thấy thì không ổn đâu”.
Tôi gật đầu đồng ý, nhưng đến lần sau, theo bản năng tôi vẫn viết chữ giản thể.
Sau vài lần như vậy, Tề Thịnh cuối cùng cũng nổi giận, không thèm ngồi ghế mềm nữa mà đứng dậy đến giám sát bên cạnh tôi.
Tôi cầm bút đứng đờ ra đó, mực trên ngòi bút nhỏ giọt rơi hết xuống mà vẫn không viết nổi một chữ.
Tề Thịnh liếc tôi, hỏi: “Sao thế?”
Trán đầy mồ hôi, tôi ấp úng một hồi lâu, xấu hổ trả lời: “Không biết viết”.
Tề Thịnh bối rối: “Không biết viết cái gì?”
Tôi lau mồ hôi, đáp: “Chữ phồn thể, chưa học qua nên không biết viết.”
Tề Thịnh kinh ngạc nhìn tôi: “Lúc nãy không phải nàng biết nên mới đọc được sao?”
Tôi đáp: “Nhìn chữ thấy quen quen nên đọc bừa, tú tài biết chữ cũng chỉ biết một nửa thôi mà!”
Tề Thịnh nhìn tôi, không nói câu nào.
Từ đó trở đi tôi lại có thêm việc để làm: khi Tề Thịnh ngồi phê tấu sớ thì tôi đứng bên cạnh tập viết chữ. Cứ như vậy, phần lớn thời gian trong ngày tôi đều phải ở cung Đại Minh, có lúc Tề Thịnh bận quá, tôi còn phải tăng ca đến tận khuya, sau đó thì ở lại cung Đại Minh luôn cho tiện.
Tôi tính sơ sơ, trước mắt ngoài việc gánh vác trọng trách đại tổng quản hậu cung, tôi còn làm cả công việc của thư ký riêng và trợ lý sinh hoạt, thỉnh thoảng còn phải thị tẩm nữa… Xem ra, tôi cũng là một người đa nhiệm phết đấy chứ.
Càng mệt tôi càng nhớ Giang thị, thấy đồng chí Giang đúng là một thanh niên có lý tưởng, có tham vọng, có khả năng, chịu thương chịu khó. Nếu cô ta vẫn còn ở cung Đại Minh thì Tề Thịnh sẽ không sai bảo tôi như gia súc thế này.
Trong tháng Năm, tấu sớ đến từ Giang Bắc đột nhiên nhiều lên, phần lớn đều là chuyện trong quân. Tôi linh cảm thời điểm Tề Thịnh ra tay với Bắc Mạc đã gần kề.
Một hôm, tôi cùng Tề Thịnh tăng ca đến tận khuya, lại phải cùng anh ta tập thể dục trên giường xong mới nhân cơ hội nói: “Thiếp muốn về cung Hưng Thánh”.
Hơi thở của Tề Thịnh còn ổn định, một lúc sau mới hỏi: “Tại sao?”.
Tôi dùng cái chăn mỏng che ngực, nhổm người lên nhìn Tề Thịnh, đáp: “Bởi vì thiếp là Hoàng hậu, phải cai quản tam cung lục viện, cả ngày ở tiền triều thì làm được cái gì? Hôm qua Hoàng thị và Lý thị chỉ vì hai xấp vải mà cãi nhau, muốn nhờ thiếp dàn xếp lại bị chặn ở ngoài cung Đại Minh không cho vào. Hai người ấy đành phải khóc lóc tìm đến Thái hậu, lúc đó sự việc mới được giải quyết”.
Tề Thịnh nghiêng đầu yên lặng nhìn tôi, tôi cũng không lẩn tránh mà thẳng thắn nhìn lại.
Không bao lâu, tôi không nín được bật cười, đưa tay khẽ đẩy vào người Tề Thịnh, nói: “Luyện tập đấu mắt à, trong màn tối thế này, đến cả mắt cũng chẳng nhìn rõ thì có ra vẻ quyến rũ mấy cũng bằng không thôi”.
Tề Thịnh cũng bật cười rồi cười kéo tôi vào lòng, bộ ngực vạm vỡ của Tề Thịnh cũng rung lên vì cười, phải một lúc sau mới hết. Sau một hồi im lặng mới nghe thấy tiếng anh ta nói: “Ta phải đi đánh Bắc Mạc, đó là di chỉ của Thành Tổ”.
Người tôi bất giác cứng đơ lại, tim cũng đập mạnh hơn hẳn. Để tránh bị Tề Thịnh phát hiện, tôi vội để tay vào ngực anh ta, kéo giãn khoảng cách giữa hai người, hỏi lại bằng giọng khàn đặc: “Chàng muốn thân chinh đi sao?”.
Tề Thịnh không nói gì, chỉ đưa tay đặt lên ngực tôi.
Tim tôi đập như trống dồn nhưng cơ thể thì không dám động đậy dù chỉ là một chút, đành để mặc bàn tay nóng ran thô ráp của Tề Thịnh chạm vào chỗ chỉ cách trái tim tôi một lớp xương thịt.
Trong bóng tối, tôi vẫn lờ mờ nhìn thấy khóe miệng Tề Thịnh dường như khẽ nhếch lên, sau đó anh ta nói bằng giọng chậm rãi: “Đừng sợ, nếu ta không trở về thì nàng đưa Tề Hạo lên làm hoàng đế, vừa vặn hoàn thành ước mơ làm thái hậu của nàng”.
Rõ ràng là giọng điệu đùa cợt nhưng từng chữ đều như sấm rền trong lòng tôi. Tim tôi thật không có chút tiền đồ, đập càng ngày càng nhanh, mỗi dây thần kinh đều căng lên như dây thép rồi rối nùi thành một bó. Bất giác tôi nuốt nước bọt, cân nhắc xem phải nói gì để thể hiện lòng trung thành của mình.
Trong bóng tối, ánh mắt Tề Thịnh như lưỡi kiếm vô hình, dường như có thể trực tiếp xuyên thấu lòng người.
Tôi há miệng một lúc mà vẫn không thốt được câu nào.
Lời nói của Tề Thịnh rõ ràng không phải là ý muốn nhất thời, vậy việc anh ta gọi tôi đến cung Đại Minh giúp đỡ mình giải quyết chính sự là muốn thăm dò hay là đào tạo nghiệp vụ trước khi nhậm chức đây?
Và lúc này, anh ta muốn có đáp án như thế nào?
Cân nhắc một hồi, trái tim cũng đã ổn định trở lại, tôi bình tĩnh hỏi: “Nếu như Lão cửu không phục thì làm thế nào?”.
Tề Thịnh nhẹ nhàng thốt lên một từ: “Giết”.
Ừm, vẫn lời ít ý nhiều như trước nay!
Tôi thán phục nhìn Tề Thịnh, hỏi: “Ý kiến hay! Quả là ý kiến hay! Vấn đề là… giết thế nào?”.
Tề Thịnh lại cười, nhẹ nhàng vuốt ve lưng tôi, đáp: “Ta giúp nàng giết, trước khi chuyển giao quyền trượng cho nàng, ta sẽ thay nàng trừ bỏ hết những cái gai trên đó”.
Tôi ngỡ ngàng nhưng vẫn tươi cười, nhẹ nhàng nói: “Ừ, có điều, chàng đừng giao cho thiếp một cây trượng đã được mài trơn bóng nhé. Như thế đâm người khác cũng không đau đâu”.
Tề Thịnh nghĩ một chút rồi gật đầu: “Được”.
Tôi thấy bất luận anh ta có tin hay không thì cũng phải ra vẻ cho anh ta xem mới được, thế nên tôi vùi đầu vào ngực Tề Thịnh, nghẹn lên nghẹn xuống mấy lần mới hỏi bằng giọng khàn khàn: “Không thể để người khác đi được sao?”.
Tay của Tề Thịnh vuốt dọc theo sống lưng tôi lên tới đầu, sau đó ngón tay quấn quấn nhưng sợi tóc mai bên thái dương, khẽ trả lời: “Không ai thích hợp hơn ta”.
Lời của Tề Thịnh rất thật.
Các tướng soái đời Thành Tổ cơ bản đều đã bị Diêm Vương mời đi ăn uống hoa tửu rồi, chỉ còn sót lại có một vài người thì cũng đều là những ông già bảy, tám mươi tuổi chẳng mong đợi gì được.
Đời thứ hai, Dương Dự là tướng tài lại không thể dùng, Trương Linh thì vừa bị Tề Thịnh lôi xuống ngựa. Còn lại một người của Tiết gia và Mạc gia, tuy mãnh tướng không ít, song đều không thể đảm nhận được vị trí chủ soái.
Đến đời cháu thì đều còn trẻ, phần lớn là hữu dũng vô mưu, thiếu kinh nghiệm trận mạc nên càng không dám dùng.
Tính đi tính lại, chỉ có Tề Thịnh là phù hợp. Từ nhỏ Tề Thịnh đã đọc binh thư, có tư chất thiên bẩm, được Thành Tổ vô cùng yêu mến, còn tự mình dạy dỗ. Lúc rảnh rỗi, hai ông cháu ngoài bàn bạc chiến thuật trên sa bàn ra, còn thường xuyên mang quân lên thảo nguyên Tây Hồ thực chiến khiến dân chúng nơi đó rất căm giận.
Cho đến lúc Tiên đế kế vị thì người dân trên thảo nguyên mới có được cuộc sống yên ổn.
Tiên đế là trí thức, chỉ một lòng phát triển kinh tế văn hóa, vì nể mặt Thành Tổ nên không thể không lập Tề Thịnh làm thái tử nhưng trong lòng lại không xem đứa con giỏi võ này ra gì.
Tề Thịnh cũng tự biết mình, bản thân không được phụ hoàng yêu mến thì dứt khoát không lượn lờ trước mặt để người ngứa mắt, thường xuyên tự xin đi biên cương phía bắc tuần sát. Một năm thì phải đến bảy, tám tháng là sống trong các doanh trại quân đội ở Giang Bắc, vô cùng quen thuộc với Giang Bắc và Bắc Mạc.
Lần này Hoàng thượng là chủ soái thân chinh đến Bắc Mạc, chỉ cần không phạm lỗi như Triệu đại ca Triệu Quát thì sẽ thích hợp hơn bất cứ ai.
Triệu Quát là con trai Triệu Xa, danh tướng thời chiến quốc. Triệu Quát rất thông minh, nói về quân sự thì đến Triệu Xa cũng không thắng được, nhưng lại không có kinh nghiệm trận mạc. Bốn mươi vạn quân nước Triệu do Triệu Quát dẫn đầu bị tiêu diệt trong thời gian ngắn, bản thân Triệu Quát cũng tử trận.
Tôi và Tề Thịnh cứ nằm như vậy một lúc, bầu không khí có chút tịch mịch, đột nhiên Tề Thịnh cười khẽ một tiếng nhẹ nhàng hỏi tôi: “Nàng không nỡ xa ta sao?”.
Câu hỏi này gây khó cho tôi rồi.
Nếu tôi đáp là “không nỡ”, anh ta chắc cũng chẳng tin, nhưng nếu nói “nỡ” thì anh ta lại không vui. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, quyết định không trả lời thẳng là tốt nhất.
Tôi ngẩng đầu lên khỏi ngực Tề Thịnh, nửa đùa nửa thật nói: “Hai chúng ta cùng nhau đi đến ngày hôm nay, con cũng đã có hai đứa rồi, nếu nói là không liên quan gì đến nhau thì rõ ràng nói láo. Chàng đề phòng thiếp, thiếp dè chừng chàng, đây là điều rất bình thường. Sự tin tưởng không phải là dựa vào ngôn từ để duy trì, để thời gian trả lời mới chính xác. Chàng muốn thân chinh xuất trận thiếp không cản, thiếp sẽ dốc lòng thay chàng cai quản Thịnh Đô. Chàng trở về, thiếp sẽ tiếp tục làm hoàng hậu của chàng. Nhưng nếu như thực sự chàng không trở về được, thiếp cũng sẽ không nói những lời ‘sống cùng sống, chết dùng chết’ để lừa dối chàng, thiếp chỉ có thể cố gắng hết sức để bảo vệ Uy nhi và Hạo nhi thôi, ngôi vị hoàng đế có thể giữ được thì giữ, không giữ được thì thôi, không gì quan trọng hơn việc tiếp tục sống”.
Tề Thịnh nghe vậy, một hồi lâu sau vẫn im lặng, cuối cùng nói với vẻ dở khóc dở cười. “Nàng chẳng có chút khí phách nào thế?”.
“Khí phách”, tôi cười, cố ý phả hơi thở vào mặt Tề Thịnh: “Nếu thiếp có thứ đó thì đã chết tới cả trăm ngàn lần rồi, sao có thể cùng chàng nằm trên một chiếc giường như lúc này?”.
Lần này Tề Thịnh không cười nữa, chỉ chăm chú nhìn tôi một lúc, sau đó nhẹ nhàng nói: “Cả ngày mệt rồi, ngủ đi”.
Tôi nghe theo, vùi đầu vào ngực anh ta, bụng thầm rủa: Ngủ cái khỉ gì! Nghe tin xong đầu óc tỉnh như sáo luôn rồi, ngủ được mới lạ!
Không lâu sau lại nghe thấy Tề Thịnh hỏi: “Không ngủ được à?”
Tôi im lặng rồi khẽ “ừ” một tiếng.
Tề Thịnh cười: “Ta cũng thế, nếu đã vậy thì đừng ngủ, làm lại lần nữa đi”.
Nói chưa hết câu thì anh ta đã nằm đè lên người tôi.
Lúc đầu tôi chẳng có chút hứng thú nào, nhưng nghĩ lại, nếu anh thực sự bị Nhà xí huynh giữ lại ở Giang Bắc thì có lẽ tôi thành góa bụa mất, đến lúc đó muốn ngủ với đàn ông cũng chẳng dễ dàng gì. Nghĩ vậy tôi cũng trở nên nhiệt tình, hai chúng tôi cứ quấn lấy nhau cho tới khi trời gần sáng mới ngủ thiếp đi.
Tháng Năm, Tề Thịnh quả nhiên tuyên bố muốn tuần sát phương Bắc.
Hoàng đế đi tuần sát vốn là việc lớn, nhưng do Thành Tổ khá coi trọng việc phòng ngự biên cương phía Bắc, cứ hai, ba năm lại đến Giang Bắc một chuyến nên mọi người cũng không coi đây là việc gì trọng đại.
Đến đời Tiên đế, người lại yêu thích cảnh non nước hữu tình của Giang Nam, không thích phong cách quê mùa tua du lịch cưỡi ngựa một tháng tới biên cương phía Bắc. Thế nhưng ông lại không thể tự tiện phá bỏ quy tắc của Thành Tổ, nên sau hai lần nếm trải đắng cay đã linh hoạt thay đổi lại, việc tuần sát biên cương phía Bắc được đổi thành hoàng đế góp tiền, thái tử góp sức.
Khi còn là thái tử, tổng cộng Tề Thịnh đã đến tuần sát phương bắc ba lần, lần cuối cùng đã bị anh em Sở vương âm mưu hãm hại, suýt nữa thì chết trên sông Uyển Giang.
Lúc đó tôi vẫn là Thái tử phi Trương thị, ban ngày còn kéo Dương Nghiêm vượt qua nửa sông Uyển Giang, đến đêm đã lại ôm lấy Sở vương Tề Hàn trôi qua Cửu Khúc Hiệp, làm cho tôi sau này nhìn thấy dòng nước nào chảy cũng sợ.
Đây là lần đầu tiên Tề Thịnh tuần sát phương bắc từ sau khi đăng cơ, thanh thế tất nhiên là lớn hơn nhiều so với lúc làm thái tử. Tuy nhiên, chỉ có một số trọng thần biết lần này, anh ta mượn danh nghĩa đi “tuần sát phương bắc” để “thân chinh xuất trận”, những người còn lại chỉ cho rằng Tề Thịnh đi du ngoạn bằng kinh phí triều đình nên chẳng mấy lưu tâm, thậm chí có ngự sử còn đả kích chuyến đi lần này của Tề Thịnh là hành vi phung phí của công.
Ruồi nhặng tuy không cắn người nhưng lại rất phiền phức!
Tôi đưa cho Tề Thịnh cả chồng tấu sớ, hỏi anh ta: “Không có cách nào để đám người này im miệng được sao?”
Tề Thịnh tiện tay lật giở rồi ném sang một bên, cười: “Họ tự nói tự nghe thôi, nàng lo công việc của mình đi, để ý đến họ làm gì!”
Anh thì thoải mái rồi, đến khi anh phủi mông đi đánh Bắc Mạc rồi, người ở lại Thịnh Đô chịu trận chẳng phải là tôi sao?
Tôi thành khẩn nhìn Tề Thịnh, thương lượng: “Hay là chàng mang luôn đám người này theo, lúc rảnh rỗi còn có vài người để tán chuyện?”
Tề Thịnh hé mắt ra nhìn tôi, nói: “Không được, lần này người đi đã nhiều rồi, còn lại để cho nàng”.
Trong lòng tôi biết rất rõ, việc này chỉ có “không muốn mang theo”, chứ không có “không thể mang theo”, anh còn mang theo được cả Triệu vương và Sở vương cơ mà, còn sợ thêm mấy cỗ xe ngựa cho đám ngự sử đó dùng sao?
Đúng vậy, lần “tuần sát phương bắc” này, Tề Thịnh lệnh cho Triệu vương và Nhà xí huynh cùng ngự giá.
Khi mới nghe được thông tin này, tôi còn sững ra mất hai giây, nhưng rất nhanh đã hiểu được dụng ý của Tề Thịnh. Anh ta không tin tưởng hai huynh đệ này, thà giữ họ bên mình còn yên tâm hơn là để họ ở lại Thịnh Đô.
Trước khi chuẩn bị khởi hành, Nhà xí huynh cuối cùng cũng vượt qua rất nhiều trở ngại để được gặp tôi tại chỗ Tống thái hậu, mang cho tôi tờ thánh chỉ thật hơn cả thật. Đó là di chiếu được viết ra bằng khẩu khí của Tề Thịnh, cũng có thể xem như là chiếu ngự phế ngôi, chiếu thư thể hiện tình cảm dào dạt, tài văn chương nổi bật, câu chữ ngắn gọn chặt chẽ, khái quát “sự thật” về một vị hoàng đế vì không nghe quần thần khuyên can, cứ khăng khăng tiến quân Bắc phạt để cuối cùng vùi thây nơi chiến trường.
Câu này đủ dài chưa? Đọc đã tốn sức chưa? Đừng vội oán giận, cái này so với bản thánh chỉ gốc mà tôi xem thì đã đơn giản hơn nhiều, ít ra thì tôi cũng thêm mấy cái dấu phẩy vào rồi.
Cũng may là dạo trước, dưới áp lực của Tề Thịnh, tôi đã ngụp lặn trong văn ngôn, cũng có thể hiểu đến bảy, tám phần thánh chỉ này.
Phần cuối cùng của thánh chỉ, Tề Thịnh chuyển giao ngôi vị hoàng đế cho trưởng hoàng tử Tề Hạo.
Nhà xí huynh đợi tôi xem xong thì lấy lại bản thánh chỉ, cười nhạt, nói: “Để an toàn, trước tiên cái này cứ cất ở chỗ Thái hậu. Nếu chuyện Giang Bắc không thành, hoàng hậu coi như mình chưa từng nhìn thấy, còn nếu chuyện Giang Bắc thành…”
Anh ta nói đến đây rồi dừng lại, im lặng nhìn tôi.
Tôi bật cười, nói: “Nếu như việc của ngươi thành công rồi, thì ta dùng thánh chỉ này để đưa trưởng hoàng tử lên ngôi, sau đó lệnh cho ngươi và Trương Phóng cùng hỗ trợ việc triều chính. Có điều, ngươi cũng phải chú ý, nếu để Bắc Mạc chiếm thể thượng phong, một khi bọn họ thừa thắng tiến vào thì muốn đuổi ra cũng không dễ dàng đâu”.
Nhà xí huynh gật đầu, trịnh trọng nói: “Thần cũng là con cháu của Thành Tổ, tất nhiên sẽ không để quân Bắc Mạc vượt qua Tĩnh Dương, cũng mong hoàng hậu giữ lời.”
Việc giữ lời, không thể trông cậy vào một câu nói mà còn phải xem hành động nữa. Tôi không nói gì, chỉ khẽ nhếch khóe miệng, sau đó đứng lên đi ra ngoài. Vừa đến cửa thì Nhà xí huynh gọi to ở đằng sau, khi tôi quay đầu nhìn anh ta thì không nói, chỉ im lặng nhìn tôi.
Tôi hỏi: “Còn chuyện gì nữa sao?”
Nhà xí huynh chỉ cười nhạt, khẽ lắc đầu.
Tôi thật sự, thật sự là không thể chịu được cái kiểu nghệ thuật như có như không này, cảm thấy ê hết cả một bên răng, vội vã quay người mang theo hai tiểu mĩ nữ mà Tống thái hậu ban tặng đi về cung Hưng Thánh.
Trong hậu điện, Tả Ý vừa chỉ huy đám cung nữ tắm rửa cho Tề Uy và Tề Hạo xong, trông cô cũng chẳng khác gì trải qua một trận thủy chiến, nước trên tóc vẫn còn đang nhỏ giọt, nghe nói tôi về liền chạy ra nghênh đón, ân cần hỏi: “Nương nương, không có chuyện gì chứ ạ?”
Cô hỏi xong mới nhìn thấy hai tiểu mĩ nhân ở đằng sau tôi, khuôn mặt lộ rõ vẻ kinh ngạc. Tôi giới thiệu sơ qua hai tiểu mĩ nhân với Tả Ý, là những người thân thích xa đến không thể xa hơn của Tống thái hậu, bề ngoài là phái đến để chăm sóc Hoàng thượng và Hoàng hậu, nhưng ý sâu xa bên trong là mong tôi giúp đỡ bố trí công việc để làm sao có thể leo lên được long sàng của Tề Thịnh.
Tả Ý vừa nghe vừa bĩu môi, đợi khi mọi người ra hết mới nói với tôi: “Nô tì cứ nghĩ Thái Hậu mời nương nương qua là có chuyện gì, hóa ra lại là sắp đặt tay chân. Nương nương đừng có khách khí với họ, cứ để họ ở lại cung chăm sóc nương nương, xem họ có sống được đến khi hoàng thượng đi tuần sát phương bắc trở về không”.
Hai tiểu mỹ nữ kia đều mười lăm, mười sáu tuổi, vừa vặn là độ tuổi của những nụ hoa e ấp, khiến người ta nhìn vô cùng thích mắt, tôi quả thật có ý định giữ chúng bên mình, nhưng dù sao cũng là người do Thái hậu phái đến, vẫn phải nói với Tề Thịnh một tiếng mới được.
Tề Thịnh vừa nghe Thái hậu đem tặng hai người họ hàng xa thì mày kiếm lập tức nhíu lại: “Cũng không biết Thái hậu lấy đâu ra lắm họ hàng thân thích thế, vẫn chưa hết cơ à?”.
Tôi nghiêm mặt không nói, nhưng trong lòng thì thầm kêu: Thế thì có gì là lạ đâu! Nếu đang ở thời hiện đại, vòng vèo một hồi thì đến con tinh tinh ở châu Phi cũng có họ hàng với anh luôn ấy chứ. Đây dù sao cũng là mỹ nhân, anh còn không vừa lòng cái nỗi gì!
Tề Thịnh liếc tôi, hỏi: “Là hai mỹ nữ à?”.
Tôi thành thật trả lời: “Quả đúng là mỹ nhân, rất xinh đẹp yêu kiều”.
Tề Thịnh từ tốn gật đầu.
Tôi thăm dò: “Hoàng thượng lần này đi tuần sát có muốn mang họ theo để giải khuây không?”.
Tề Thịnh lắc đầu: “Ta đi đánh giặc, mang đàn bà con gái theo làm gì!”.
Tôi thầm thở phào, miệng lại nở nụ cười: “Cũng phải, mọi người đều nói trong quân doanh không được có đàn bà, nếu không sẽ bị xui xẻo. Vậy cứ để hai người này ở lại trong cung đã”.
Tề Thịnh hoài nghi nhìn tôi, lông mày hơi nhíu lại, suy nghĩ một lát rồi nói: “Thôi được rồi, cứ để ta mang theo họ cho yên tâm”.
Lời của vua thảo nào ai dám bất tuân, tôi ngoan ngoãn đáp lại một tiếng “vâng”, trong lòng thì lại rất khinh thường tính khí lúc nóng lúc lạnh của anh ta.