Tội ác và sự trừng phạt - Chương 07
Chàng nằm như thế rất lâu. Có những
khi chàng như tỉnh giấc, và những khi ấy, chàng nhận thấy đêm đã xuống
từ lâu, nhưng không hề có ý muốn dậy.
Cuối cùng chàng thấy trời đã sáng hẳn(1). Chàng nằm im trên đi-văng, tâm
trí còn bàng hoàng vì cơn mê vừa qua. Từ dưới phố vọng lên những tiếng
quát tháo kinh khủng nhói cả tai. Vả chăng đêm nào cũng vậy, khoảng hơn
hai giờ sáng ở dưới cửa sổ lại nghe thấy những tiếng quát tháo như thế.
Và giờ đây chính những tiếng quát ấy đã đánh thức chàng dậy. "À! Lũ say
rượu đã kéo nhau ra về rồi đây" - chàng nghĩ thầm, - hơn hai giờ sáng
rồi, chàng bỗng choàng dậy, như có ai nhấc bổng chàng lên khỏi đi-văng. -
Sao, hơn hai giờ sáng rồi ư? Chàng ngồi dậy và chợt nghĩ ra. Trong nháy
mắt, chàng sực nhớ lại tất cả những việc đã qua.
Phút đầu chàng ngỡ mình phát điên. Khắp người chàng thấy lạnh toát ra,
chắc cũng vì cơn sốt đã bắt đầu nổi lên từ lâu, trong khi chàng ngủ.
Song bây giờ chàng run lên cầm cập, mạnh đến nỗi răng đánh vào nhau như
muốn bật tung ra, toàn thân chàng choáng váng hẳn đi. Chàng mở hé cánh
cửa và bắt đầu nghe ngóng: trong nhà im phăng phắc, mọi vật đều ngủ say.
Chàng ngỡ ngàng đưa mắt nhìn xuống người mình và nhìn mọi vật xung
quanh, lòng băn khoăn không sao hiểu nổi: làm thế nào mà hôm qua, khi
vào buồng, chàng lại không cài cửa lại và không những cứ để nguyên cả áo
quần gieo mình xuống đi-văng, mà ngay cả mũ cũng không cất nữa. Khi
chàng nằm xuống nó đã buột ra và nay còn nằm trên sàn nhà, ngay cạnh
gối. "Nếu có ai vào họ sẽ nghĩ ra sao đây? Hẳn là họ sẽ nghĩ rằng ta
say, nhưng…". Chàng nhảy nhồm ra cửa sổ. Ở đây có đủ ánh sáng, chàng hối
hả xem xét người mình suốt từ đầu đến chân: áo quần có còn vết gì
không? Nhưng cứ thế nầy thì không thể xem xét gì được: người chàng cứ
run lên lẩy bẩy. Chàng lần lượt cởi hết áo quần ra xem lại thật kỹ.
Chàng lật đi lật lại xem từng đường may, từng mụn vá, và vẫn chưa yên
tâm, chàng xem lại từng cái một đến ba lần liền. Nhưng hình như không có
gì cả không thấy một dấu vết nào; chỉ có một chỗ gấu quần xổ tung ra,
xơ vải thấm đầy máu đông đặc. Chàng lấy con dao xếp lớn xén hết chỗ xơ
đi. Ngoài ra hình như không còn gì nữa. Bỗng chàng sực nhớ ra rằng cái
bóp tiền và những đồ đạc lấy trong hòm mụ già ra cho đến nay vẫn nằm
trong túi chàng. Mãi cho đến nay mà chàng vẫn chưa nghĩ đến việc rút nó
ra và đem giấu đi?
Ngay bây giờ, trong khi xem xét áo quần, chàng vẫn không nhớ ra. Thế là
thế nào? Trong một nhoáng chàng lôi hết ra ngoài và vứt cả lên bàn.
Chàng lại còn lộn cả các túi áo ra cho chắc bụng để không còn sót lại
một cái gì nữa, xong chàng vò tất cả các thứ đó bỏ vào một góc phòng,
nơi giấy dán tường bong ra và rách một lỗ.
Chàng nhét hết các thứ vào cái lỗ ấy, dưới làn giấy dán tường. "Ổn rồi!
Không còn thấy vết tích đâu nữa, cả cái bóp cũng thế!" - chàng mừng rỡ
nghĩ thầm trong khi đứng dậy nhìn đờ đẫn vào cài góc và cái lô giấy rách
bây giờ cộm hẳn lên. Chợt cả người chàng run bắn lên vì kinh hãi: "Trời
ơi, - chàng tuyệt vọng thều thào - mình làm sao thế nầy? Thế mà gọi là
giấu kín ư? Đời thuở ai lại đi giấu như thế?". Quả tình chàng quên không
tính đến các thứ nầy; chàng tưởng là mình sẽ lấy tiền thôi, cho nên
không chuẩn bị trước chỗ cất giấu.
"Nhưng bây giờ, thì ta mừng cái gì mới được chứ? - chàng nghĩ thầm. - Có
ai lại đi giấu như thế bao giờ? Đúng là mình mất hẳn trí khôn rồi!"
Chàng bải hoải ngồi xuống đi-văng và lập tức lại run lên cầm cập. Như
một cái máy, chàng kéo chiếc áo khoác mùa đông cũ kỹ của sinh viên vắt
trên chiếc ghế đặt bên cạnh, một chiếc áo hãy còn ấm, nhưng đã rách bươm
ra, đắp lên người, và cơn mê sảng lại ập vào người chàng. Chàng thiếp
đi.
Chỉ độ năm phút sau chàng lại choàng dậy và lập tức hoáng hốt vồ lấy
đống quần áo. "Làm sao mình lại có thể ngủ trong khi chưa làm xong gì
cả! Đúng thế, đúng thế rồi: mình vẫn chưa tháo cái quai ở nách áo ra.
quên bẵng đi mất, một việc như thế mà lại quên được! Một tang vật rành
rành ra như thế?". Chàng giật đứt cái quai và hối hả xé vụn nó ra từng
manh rồi nhét vào đống quần áo dưới gối. "Dù sao cũng không ai ngờ vực
những mảnh gì nầy; hình như thế, hình như thế đấy!" - Chàng đứng ở giữa
phòng nhắc đi nhắc lại, và với một sức chú ý căng thẳng đến nỗi nhức cả
mắt, chàng lại xem xét xung quanh, trên sàn nhà cũng như khắp các nơi
khác, xem mình có còn quên gì nữa không. Chàng biết chắc rằng mình đang
mất hết, ngay cả trí nhớ, ngay cả khả năng suy luận đơn giản nhất cũng
thế, và bắt đầu lo lắng ray rứt không sao chịu nổi.
Sao, chẳng lẽ hình phạt đã bắt đầu, chẳng lẽ giờ hành hình đã điểm?… Kia
rồi, kia rồi, mình biết ngay mà? Quả nhiên những mảnh xơ chàng xén ở
gấu quần còn vứt bừa ra sàn nhà ngay chính giữa phòng, ai vào cũng có
thể trông thấy ngay được! "Mình làm sao thế nầy nữa!" - Chàng lại kêu
lên như người mất trí.
Đến đây chàng nẩy ra một ý nghĩ kỳ lạ: có thể là áo quần chàng chỗ nào
cũng bê bết những máu, có lẽ còn có nhiều vết máu lắm, chẳng qua chàng
không trông thấy, không nhận ra đấy thôi, vì đầu óc chàng đã suy nhược,
rối loạn, trí khôn đã mờ đi. Bỗng chàng sực nhớ ra rằng trên cái bóp
tiền cũng phải có máu, vì khi ta đút túi cái hộp hãy còn ướt!" Chàng lập
tức lộn túi quần ra. Quả nhiên trên lần vải lót túi có những vết máu?
"Thế nghĩa là ta chưa mất hẳn trí khôn, thế nghĩa là ta hãy còn khả năng
suy luận, còn trí nhớ, mới có thể nghĩ ra được điều đó chứ? - chàng đắc
chí nghĩ thầm và hớn hở hít mạnh không khí vào căng cả lồng ngực, -
chẳng qua vì sốt nên bị suy nhược, mê sảng trong chốc lát thôi". Chàng
liền xé miếng vải lót túi quần bên trái ra. Vừa lúc ấy một tia năng
chiếu vào chiếc ủng bên trái của chàng: ở đầu chiếc bít tất thòi ra
ngoài mõm giầy hình như có những vết bẩn. Chàng cởi chiếc bít tất ra:
"Đúng là có vết! Mũi bít tất nhơm nhớp những máu; chắc là chàng đã sơ ý
bước vào vũng máu… "Nhưng bây giờ biết làm thế nào? Biết giấu chiếc bít
tất, cái mảnh xơ, cái treo túi nầy đi đâu?".
Chàng vơ cả một nắm và đứng sững ra ở giữa phòng.
"Bỏ vào lò sưởi chăng?" Nhưng đó là nơi họ sẽ bới tìm trước tiên. Đốt!
Nhưng lấy gì mà đốt? Đến diêm cũng không có nữa kia mà. Không, tốt hơn
là hãy đem một chỗ nào mà vứt. Phải rồi? Vứt đi thì hơn! - chàng nhắc đi
nhắc lại và ngồi xuống đi-văng, - mà phải đi vứt ngay bây giờ, không
chậm trễ!" Nhưng đầu chàng lại cứ trĩu xuống gối; ngực chàng lại rung
lên từng cơn không sao cưỡng nổi; chàng kéo áo khoác lên đắp.
Và mãi hồi lâu, đến mấy tiếng liền, chàng cứ chập chờn với ý nghĩ "phải
đi ngay bây giờ, không lần lữa gì nữa, phải đến một chỗ nào mà vứt hết
các thứ nầy cho mất tang đi, nhanh lên, nhanh lên!" Đã mấy lần chàng
choàng người lên, muốn đứng dậy mà không được. Một tiếng đập cửa rất
mạnh thức chàng tỉnh hẳn.
- Kìa mở ra chứ, chết rồi hay sao thế? Cứ ngủ li bì mãi! - Naxtaxia vừa
kêu vừa nện quả đấm vào cửa, - ngủ suốt mấy ngày liền? Đúng hệt như con
chó! Mở ra nào. Mười giờ rồi.
- Có lẽ đi đâu vắng cũng nên? - một giọng đàn ông nói.
Chà giọng lão gác cổng… Lão muốn gì thế? Chàng choàng dậy ngồi trên đi-văng. Tim chàng đập mạnh đến đau cả ngực.
- Thế thì ai chốt cửa lại? - Naxtaxia cãi, - chà lại sinh ra cái trò
chốt với cài! Sợ người ta rinh mình đi mất chắc? Mở ra nào, đồ ngốc, dậy
đi!
Họ muốn gì? Tại sao lão gác cổng lại lên đây? Họ biết hết rồi. Kháng cự hay là chịu mở cửa? Mẹ chúng nó…
Chàng nhỏm dậy, chồm về phía trước và nhấc then cửa lên. Phòng chàng chật đến nỗi có thể cứ ngồi ở giường cùng mở được cửa.
Đúng như chàng đoán, lão gác cổng đang đứng trước cửa với Naxtaxia.
Naxtaxia nhìn chàng một cách khác thường. Chàng đưa mắt thách thức và tuyệt vọng nhìn lão gác cổng.
Lão im lặng, đưa cho chàng một tờ giấy xám gấp làm đôi, niêm bằng thứ xi gắn cổ chai.
- Trát ở sở gửi đến, - lão vừa trao giấy vừa nói.
- Sở nào?…
- Sở cảnh sát, giấy đòi anh lên sở cảnh sát.
- Sở cảnh sát à!… Việc gì thế?
- Tôi làm thế nào mà biết được. Họ đòi thì đi thôi. - Lão chăm chú nhìn chàng, đảo mắt quanh phòng một lượt rồi quay ra.
- Cậu ốm thật rồi hay sao thế? - Naxtaxia hỏi, mắt vẫn nhìn chàng đăm
đăm. Lão gác cổng cũng ngoái đầu lại một lát. - Sốt từ hôm qua, -
Naxtaxia nói thêm. Chàng không đáp, tay vẫn cầm tờ giấy, không bóc ra.
- Thôi đừng dậy nữa! - Naxtaxia ái ngại nói tiếp khi thấy chàng thả chân
xuống sàn. - Ốm thì đừng đi nữa, chẳng có gì gấp đâu, tay cậu cầm cái
gì thế? - chàng nhìn xuống: tay phải chàng đang nắm mớ vải xớ cắt ở gấu
quần, chiếc bít tất, miếng rẻo túi quần.
Vừa qua chàng đã cầm nguyên cả các thứ đó mà ngủ. Mãi về sau, khi nghĩ
lại, chàng mới nhớ rằng trong cơn sốt đã có lần chàng thức giấc, nửa mê
nửa tỉnh, nắm mở giẻ thật chặt và cứ thế mà ngủ lại.
- Xem cậu ta nhặt được mở giẻ ở đâu mà ngủ cũng không rời ra, như thể
của quý ấy… - Nói đoạn Naxtaxia cười rũ ra từng cơn như thường lệ. Trong
nháy mắt chàng đút hết nắm giẻ xuống dưới vạt áo và trừng trừng giương
mắt nhìn chị ta. Tuy lúc ấy chàng rất ít khả năng suy nghĩ tỉnh táo,
Raxkonikov cũng cảm thấy rằng thái độ của những kẻ đi bắt người hẳn
không như thế. "Nhưng còn… sở cảnh sát".
- Uống nước chè nhé? Có muốn uống không? Tôi sẽ đem lại, hãy còn đấy!
- Không… tôi đi đây! Tôi đi ngay dây, - chàng đứng dậy lẩm bẩm.
- Nhưng liệu có xuống nổi thang gác không đã nào?
- Tôi cứ đi…
- Ừ muốn đi thì đi.
Naxtaxia theo sau người gác cổng lui ra. Chàng lập tức lao người ra chỗ
sáng xem lại chiếc bít tất và miếng rẻo: "Có vết, nhưng không rõ lắm;
bùn lấm bê bết, lại chà xát mãi nên màu cùng bạc đi. Không biết trước
thì không thấy gì đâu. Thế nghĩa là Naxtaxia đứng xa không thể nhìn thấy
gì được. Lạy Chúa!". Chàng lập cập bóc phong bì ra đọc. Chàng đọc hồi
lâu và mãi cuối cùng mới hiểu ra. Đó là một tờ trát thông thường của
quan cảnh sát yêu cầu đến trình tại phòng giấy quận trưởng vào lúc chín
giờ rưỡi ngày hôm nay.
"Chuyện quái gì thế nhỉ? Mình có việc gì dính dáng đến cảnh sát đâu? Mà
tại sao lại đúng vào hôm nay? - chàng ngầm nghĩ, lòng bàn khoăn ray rứt.
- Trời ơi, sao cho chóng xong đi" Chàng quỳ xuống toan cầu nguyện,
nhưng rồi lại bật cười - không phải cười lời cầu nguyện mà cười bản thân
mình. Chàng bắt đầu hối hả mặc áo. Ra sao thì ra, đã hỏng thì cho hỏng
nốt, cần gì! Cứ đi chiếc tất vào? - chàng chợt nghĩ, - càng trát bụi
vào, càng mất đâu. Nhưng vừa luồn chiếc bít tất vào chàng đã kinh tởm và
khiếp sợ rút nó ra. Rồi nhớ ra rằng không còn chiếc nào khác, chàng lại
đi vào và cười phá lên. "Tất cả những cái đó đều là ước lệ, đều là
tương đối, đó chỉ là những cái hình thức, - ý nghĩ ấy vụt thoáng qua trí
chàng như chỉ chạm hờ vào một góc lề tư tưởng, trong khi cả người chàng
run lên cầm cập, - Ấy thế mà ta vẫn xỏ chân vào đấy! Rốt cục rồi cũng
xỏ chân vào!" Nhưng rồi tiếng cười nhường chỗ ngay cho nỗi tuyệt vọng.
"Không… mình không đủ sức…" - chàng thầm nghĩ. Chân chàng run lẩy bẩy.
"Run vì sợ đấy - chàng lẩm bẩm nói một mình. Đầu chàng váng lên và nhức
nhối vì cơn sốt. "Đây là một quỷ kế! Chúng nó muốn bày mưu nhử mình đến
rồi hỏi cũng bất thình lình" - chàng nghĩ tiếp khi ra cầu thang. "Tệ hại
nhất là bây giờ mình gần như đang mê sảng… mình có thể buột mồm nói
bậy…"
Trên cầu thang chàng sực nhớ rằng mình vẫn để nguyên các thứ trong cái
lỗ thủng trên tấm giấy dán tường, - "mà có lẽ họ cố nhử cho mình đi vắng
để soát nhà cũng nên?" - chàng chợt nghĩ ra và dừng lại. Nhưng một tâm
trạng tuyệt vọng, một thứ trâng tráo của kẻ cùng đường đã khống chế
chàng, chàng khoát tay một cái và đi thẳng.
"Miễn sao cho chóng xong đi!…"
Ngoài phố nóng bức không sao chịu nổi; suốt mấy ngày hôm ấy không có lấy
một giọt mưa. Lại cảnh bụi bặm, vôi gạch, lại mùi xú uế nồng nặc từ các
cửa hiệu, các tiệm rượu xông ra, lại những gã say rượu đi lại nhan
nhản, những người bán hàng rong bẩn thỉu và những chiếc xe ngựa ọp ẹp.
Ánh nắng chói vào mắt chàng nhức buốt; đầu chàng váng hẳn lên - cái cảm
giác thông thường của người sốt khi ra đường đột ngột trong một ngày
nắng sáng.
Đi đến chỗ rẽ ngoặt sang dãy phố "hôm qua", chàng bồi hồi lo sợ liếc mắt
nhìn vào dãy phố, nhìn toà nhà ấy… và lập tức nhìn sang chỗ khác.
"Nếu họ hỏi, có lẽ ta sẽ nói hết" - chàng nghĩ khi gần đến sở cảnh sát.
Sở cảnh sát cách nhà chàng khoảng một phần tư verxta. Nó vừa dọn sang
trụ sở mới đặt ở tầng gác thứ tư của một toà nhà mới. Hồi nó còn ở chỗ
cũ, chàng đã có lần ghé vào một lát, nhưng đã lâu lắm rồi. Đi vào cổng,
chàng thấy ở bên phải có một cầu thang, và trên cầu thang, một người
mu-gich cầm quyển sổ đang đi xuống: "Có những người gác cổng ra vào; thế
thì đây đúng là sở cảnh sát rồi" (2), chàng phỏng đoán như vậy rồi cứ
thế leo lên thang gác, không muốn hỏi ai hết.
"Ta sẽ vào, sẽ quỳ xuống và khai hết từ đầu chí cuối". - chàng nghĩ khi
bước lên tầng thứ tư. Cầu thang chật hẹp, lên thẳng đứng, ngập ngụa nước
bẩn vả rác rưởi. Tất cả các gian bếp của tất cả các nhà ở khắp bốn tầng
đều trông ra thang gác và cứ thế mở suốt ngày. Cho nên không khí ở đây
ngột ngạt lạ lùng. Những người gác cổng sổ cắp nách, những người cảnh
binh và những người thường dân nam có nữ có lẽn lên xuống xuống không
ngừng. Cánh cửa vào phòng giấy cũng mở toang. Chàng bước vào và dừng lại
ở phòng ngoài. Ở đây có mấy người mu-gich đang đứng dợi.
Không khí trong phòng nầy cũng hết sức ngột ngạt, lại thêm mùi sơn ướt ở
các phòng xông ra, tanh đến lộn mửa. Đợi được một lát, chàng nảy ra ý
đi thẳng vào phòng bên. Các phòng ở đây đều chật và thấp. Một tâm trạng
nôn nóng cứ thôi thúc chàng đi sâu mãi vào các phòng trong. Không có ai
để ý đến chàng. Ở gian phòng thứ hai có những viên thư lại ăn mặc chẳng
hơn gì chàng mấy, đang ngồi viết hí hoáy, trông họ có một vẻ gì kỳ quái.
Chàng hỏi thăm một người trong bọn họ.
- Anh cần cái gì?
Chàng chìa tờ trát của sở ra.
- Ông là sinh viên à? - người kia hỏi sau khi nhìn vào giấy.
- Vâng, cựu sinh viên.
Viên thư lại nhìn chàng một lát, song cũng không hề có ý tò mò. Đó là
một người có bộ tóc rối xù lên, mắt lờ đờ như thể luôn luôn theo đuổi
một ý nghĩ bất đi bất dịch.
"Hỏi hắn thì chẳng biết thêm được gì đâu, hắn dửng dưng đối với mọi việc trên đời" - Raxkonikov thầm nghĩ.
- Ông đi lại đằng kia gặp ông chánh văn phòng, viên thư lại nói và giơ ngón tay ra phía trước chi vào gian phòng ở tận cùng.
Chàng bước vào phòng nầy phòng thứ tư kế từ ngoài vào, một gian phòng
chật hẹp và đầy ắp những người là người - đám khách ở đây ăn mặc sạch sẽ
hơn những người đứng trong các phòng kia. Trong số khách có hai người
đàn bà. Một người để tang, phục sức tồi tàn ngồi trước bàn giấy viên
chánh văn phòng và đang viết những gì gì do viên kia đọc. Người đàn bà
thứ hai béo phục phịch, da mặt lốm đốm đỏ, dáng bệ vệ, ăn mặc sang trọng
và diêm dúa, ngực cài một cái hoa giả to bằng cái đĩa tách, đang đứng
đợi một bên. Raxkonikov chìa tờ trát ra cho viên chánh văn phòng. Hắn
liếc nhìn qua tờ giấy, nói: "Ông đợi một tí", rồi tiếp tục đọc cho người
đàn bà mặc tang phục viết.
Raxkonikov thở đã nhẹ nhõm hơn. "Chắc là không phải!" Chàng dần dần hoàn hồn, cố hết sức trấn tĩnh và lấy lại can đảm.
"Chỉ cần một cử chỉ dại dột, một hành động bất cẩn hết sức nhỏ nhặt là
có thể lộ hết! Hừm… tiếc rằng ở đây khó thở quá, - chàng nghĩ tiếp, -
ngột ngạt thế nầy… Đầu đã thấy choáng váng… trí khôn cũng vậy…".
Chàng thấy hoang mang lạ lùng. Chàng chỉ sợ không tự chủ được. Chàng cố
gắng chú ý đến một vật gì hay nghĩ đến một việc gì hoàn toàn xa lạ,
nhưng không sao được. Vả chăng viên chánh văn phòng đang thu hút hết sức
chú ý của chàng: cứ muốn phân tích vẻ mặt của hắn để phỏng đoán xa gần.
Đó là một người rất trẻ, tuổi trạc hai mươi hai nước da ngăm ngăm, vẻ
mặt linh hoạt. Trông hắn có vẻ già hơn tuổi. Hắn ăn mặc bảnh bao, theo
đúng thời trang, tóc rẽ thành đường ngôi, chải chuốt và bôi sáp cẩn
thận, mấy ngón tay trắng trẻo rửa ráy kỹ lưỡng bằng bàn chải, đeo rất
nhiều nhẫn và khâu, áo gi-lê mắc những sợi dây chuyền vàng. Với một
người ngoại quốc đang đứng đấy hắn lại còn nói dăm ba câu tiếng Pháp
nghe khá thông thạo.
- Luyza Ivanovna, bà ngồi xuống chứ, - hắn quay lại một chút nói với
người đàn bà mặt đỏ ăn mặc diêm dúa nãy giờ cứ đứng mãi, như thể không
dám ngồi xuống, mặc dầu ngay bên cạnh có một chiếc ghế tựa.
- Ich danke(3) - bà ta nói khẽ, đoạn ngồi xuống trong tiếng lụa sột
soạt. Chiếc áo dài màu xanh nhạt viền đăng-ten trắng của bà ta như một
quả khinh khí cầu phồng tướng ra xung quanh ghế và choán đến gần nửa
gian phòng. Mùi nước hoa sực nức. Nhưng bà ta hẳn lấy làm ngượng vì mình
choán hết nửa phòng và mùi nước hoa của mình cứ bay lên ngào ngạt như
vậy, bèn nở một nụ cười vừa bẽn lẽn vừa trâng tráo, nhưng rõ ràng là có ý
lo ngại.
Cuối cùng người đàn bà mặc tang phục đã viết xong và đứng dậy. Vừa lúc
ấy có một viên sĩ quan nện gót giầy bước vào, vẻ hiên ngang, cứ mỗi bước
lại nhích vai một cái trông rất lạ mắt. Hắn vứt chiếc mũ lưỡi trai có
đính phù hiệu lên bàn và ngồi vào ghế bành. Người đàn bà sang trọng
trông thấy hắn lập tức đứng dậy, và với một vẻ hân hoan đặc biệt, nhún
chân xuống chào; nhưng viên sĩ quan không mảy may để ý đến bà ta, còn bà
ta thì bây giờ không còn dám ngồi xuống trước mặt hắn nữa. Đó là viên
phó quận trưởng cảnh sát khu nầy. Hắn để hai chòm ria mép rất dài màu
hung hung chĩa ngang ra hai bên; mặt có những nét rất thanh nhưng không
có gì đặc biệt ngoài một vẻ hách dịch nào đó. Hắn nhìn Raxkonikov gườm
gườm và phần nào có ý bực tức; chàng ăn mặc tồi tàn quá, và tuy tư thái
của chàng đã nhũn nhặn nhưng vẫn không tương xứng với cách trang phục:
Raxkonikov đã vô ý nhìn hắn quá thẳng và quá lâu khiến hắn phật ý.
- Anh kia muốn gì hả? - hắn quát, chắc lấy làm lạ rằng một tên khố rách
áo ôm như thế mà lại không thèm quay mặt đi khi bắt gặp cái nhìn nảy lửa
của hắn.
- Người ta đòi tôi đến… có trát… - Raxkonikov ấp úng trả lời.
- Đây là người sinh viên gọi đến về việc lá đơn đòi nợ - viên chánh văn
phòng vội ngẩng đầu lên khỏi đống giấy nói. - Đây ạ? - Đoạn hắn đẩy về
phía Raxkonikov một quyển vở và chỉ cho chàng một đoạn viết trên trang
giấy, - Ông đọc đi?
"Tiền ư? Tiền gì nhỉ? - Raxkonikov nghĩ, - nhưng, như vậy tức là không
phải chuyện ấy". Và chàng rùng mình lên vì mừng rỡ. Chàng bỗng thấy
người nhẹ nhõm lạ lùng. Cả gánh nặng dè trĩu lên vai chàng đã bay biến
đi đâu mất.
- Thế trong giấy mời ông đến vào lúc mấy giờ, thưa ông" - viên trung uý
quát to, mỗi lúc một cáu tiết, chẳng hiểu vì chuyện gì. - người ta viết
là chín giờ, thế mà bây giờ đã hơn mười một giờ rồi!
- Họ mới đưa lại cho tôi cách đây có mười lăm phút, - Raxkonikov dõng
dạc nói chõ qua vai, trong lòng cũng đột nhiên thấy nổi giận lên một
cách bất ngờ, và thậm chí còn cảm thấy phần nào thích thú trong cơn
giận, - Thiết tưởng tôi đang ốm, đang lên cơn sốt thế nầy mà vẫn đến
đây, như thế cũng đủ lắm rồi.
- Xin ông đừng có quát lên như thế!
- Tôi không quát, tôi nói rất từ tốn, chính ông quát tôi thì có; tôi là sinh viên, và không cho phép ai được quát tôi cả.
Viên phó quận trường nổi xung lên đến nỗi phút đầu không nói ra được câu
nào, chỉ thấy môi hắn lắp bắp làm toé cả bọt ra. Hắn nhảy chồm lên.
- Ông im ng… nga… y! Ông đang ở nơi công đường. Xin ông đừng có v… vô lễ!
- ông cũng đang ở nơi công đường, - Raxkonikov quát lên, - thế mà không
những ông quát tháo, ông lại còn hút cả thuốc lá nữa, chính ông vô lễ
đối với chúng tôi - Nói xong câu ấy, Raxkonikov có một cảm giác khoái
lạc không sao tả xiết.
Viên chánh văn phòng mỉm cười nhìn hai người.
Viên trung uý nóng tính có vẻ lúng túng. Mãi hồi lâu hắn mới rán sức quát lên thật to, giọng nghe rất gượng gạo.
- Đó không phải việc ông ông hãy chịu phiền cũng khai theo như người ta
yêu cầu. Alekxandr Grigoryevich, đưa cho ông ấy xem. Người ta kiện ông
đấy, ông không chịu trả tiền! Đẹp mặt chưa?…
Nhưng Raxkonikov không còn buồn nghe hắn nói nữa. Chàng háo hức cầm lấy
tờ giấy, sốt ruột muốn tìm ngay ra manh mối. Chàng đọc đi đọc lại đến
hai lần mà vẫn không hiểu.
- Cái gì thế nầy? - chàng hỏi viên chánh văn phòng.
- Đó là giấy đòi tiền thuê nhà. Một là ông phải trả số tiền còn nợ với
tất cả những khoản bồi thường, phụ toán vân vân, hai là phải viết tờ
khai cho biết đến bao giờ ông có thể trả, và đồng thời cam kết không ra
khỏi kinh đô trước khi trả xong nợ, không bán chác hoặc giấu giếm tài
sản của mình đi. Người chủ nợ có quyền đem phát mại tài sản của ông và
xử lý với ông đúng luật pháp.
- Nhưng tôi… có nợ gì ai đâu!
- Cái đó thì không phải việc chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết là có nhận
được một tờ phiếu hợp lệ nhận nợ số tiền thuê nhà là một trăm mười lăm
rúp của ông trao cho bà quả phụ viên công chức bậc tám Zarnitxyn cách
đây chín tháng, và bà quả phụ Zarnitxyn đã gán tờ giấy nầy cho quan tư
vấn pháp đình Shebarov để thanh toán, cho nên sở gọi ông đến đây để trả
lời về việc nầy.
- Nhưng bà ta là chủ trọ của tôi kia mà?
- Chủ trọ của ông thì có sao!
Viên chánh văn phòng nhìn chàng với một nụ cười thương hại và bề trên,
đồng thời không khỏi có phần đắc chí như khi nhìn một anh chàng khờ khạo
mới bắt đầu nếm mùi cay cực, ý như muốn nói: "Thế nào, bây giờ anh thấy
trong người ra sao?". Nhưng chàng thì bây giờ có thiết gì, có hơi đâu
mà đi để ý đến những thứ tín phiếu, những việc kiện tụng ấy? Những thứ
ấy làm sao có thể đáng cho chàng lo lắng, hay dù chỉ để ý đến thôi cũng
vậy! Chàng đứng đấy, đọc, nghe, trả lời vả lại còn hỏi nữa, nhưng tất cả
những việc ấy chàng đều làm như cái máy. Giờ phút nầy, tất cả con người
chàng đang tràn ngập nỗi hân hoan của bản năng tự vệ đắc thắng, của kẻ
vừa thoát ra khỏi mối nguy cơ đang nặng trĩu trên mình; chàng không hề
lo xa, phân tích, không hề hình dung những cách đặt và giải quyết những
vấn đề sau nầy, không hề nghi ngờ, thắc mắc.
Đó là một giây phút vui sướng trọn vẹn, tự nhiên, thuần tuý thú vật.
Nhưng vừa lúc ấy ở sở cảnh sát bỗng diễn ra một cơn giông tố. Viên trung
uý, hãy đang giận run lên về thái độ vô lễ của Raxkonikov và hẳn là
muốn cứu vãn lại uy thế, hầm hè xông vào xỉ vả người "đàn bà sang trọng"
đáng thương kia, nây giờ vẫn nhìn hắn với nụ cười hết sức ngờ nghệch.
- Còn mụ nữa, đồ đĩ rạc! - hắn bỗng gân cổ hét tướng lên người đàn bà
mặc tang phục đã ra ngoài - Đêm qua, ở đằng nhà mụ có chuyện gì thế hả?
Lại những việc nhơ nhuốc bậy bạ làm toáng cả phố lên. Lại rượu chè, lại
ẩu đả. Muốn vào nhà pha trừng giới lắm phỏng? Ta đã nói với mụ, ta đã
báo trước hàng mười lần cho mụ biết rằng đến lần thứ mười một ta không
dung tha nữa đâu? Thế mà mụ lại chứng nào tật ấy, cái đồ đĩ rạc!
Raxkonikov kinh ngạc đến nỗi tờ giấy buột ra khỏi tay chàng rơi xuống
đất. Chàng ngơ ngác nhìn người đàn bà sang trọng đang bị xỉ vả không
chút kiêng dè; nhưng chỉ một lát sau chàng chợt hiểu và còn đâm ra thích
thú với chuyện nầy nữa là khác. Chàng lắng nghe một cách khoái trá,
thậm chí còn muốn cười to lên, cười to lên nữa… Dường như bao nhiêu dây
thần kinh của chàng đều rung lên bần bật.
- Ilya Petrovich! - viên chánh văn phòng lo lắng gọi, nhưng rồi phải
dừng lại đợi lúc khác, bởi vì kinh nghiệm bản thân đã cho hắn biết rằng
viên trung uý nóng nảy đã sôi sục lên rồi thì không còn cách gì ngăn hắn
lại nữa.
Về phần người đàn bà sang trọng thì thoạt tiên còn run sợ cuống quít
trước cơn sấm sét ấy; nhưng lạ thay, những câu chửi bới càng dôn dập và
càng dữ dội, thì vẻ mặt bà ta lại càng hoà nhã, nụ cười của bà hướng về
phía viên trung uý hung dữ kia lại càng thêm duyên dáng. Bà ta cứ nhấp
nhỏm tại chỗ, nhún chân liên tiếp sốt ruột đợi người ta cho phép mình
thưa lại. Cuối cùng, dịp ấy đã đến.
- Thưa ông tại uý, ở nhà tôi có đánh nhau ầm ĩ gì đâu - bà ta bỗng tuôn
ra một tràng như trút đồ, giọng Đức rất nặng, tuy bà ta nói tiếng Nga
liến láu - và khôông hề có chuyện gì pậy pạ cả, họ uống rượu ở tâu say
khuốt rồi kéo tến, tôi xin kể hết tế ôông rõ. Ôông tại uý ạ tôi khôông
có tội tìn gì, nhà tôi là nhà tử tế, thưa ôông tại uý, tều là chỗ tứng
tắn cả, và pản thân tôi khôông pao giờ muốn có chuyện gì pậy pạ. Thế
nhưng họ uống rượu say mèm rồi kéo tến, lại tôi thêm pa chai nữa, rồi
một người dơ hai chân lên tênh duông cầm pằng chân, fào nhà tủ tế mà làm
như ráy thật không tốt. Hắn tập fỡ cả tàn duông cầm, fà tôi có pảo hắn
là như fậy khôông còn ra cái thế thôống gì nữa. Thế là hắn fơ lấy một
chai rượu tánh vào tít mọi nguồi. Tôi pèn kọi ngay pác kác còông, Kan
mới tến, thế là hắn cầm lấy Karl ténh dập con mắt, Henriet hắn cũng ténh
dập con mắt, còn tôi thì hắn ténh cái má năm lần. Thua ôông tại uý, fào
nhà tù tế mà làm như fậy thật là pất lật sự, thế tôi mới la lên. Hắn
liền mở cửa sổ trôông ra kến tào và rôống lên the thé nhu con lộn con,
thật là xấu hồ. Ai tời lại chõ mồm ra phố mà hét lên nhu con lộn con nhu
thế pao giờ? Húi, húi, húi? Kan mới nắm lấy tuổi áo hắn mà kéo và quả
tìn, thua ôông tại uý, có làm réch mất áo Rock. Thế rồi hắn la lên là
phỉ tền cho hắn muồi lăm rúp. Thật là một nguồi khéch khôong tủ tế, thua
ôông tại uý, làm tủ những trò pậy pạ! Hẳn pảo là sẽ fiết một pài páo tả
kít ôông, páo nào hắn cũng quen, muốn fiết gì fề ôông thì fiết.
- Thế thì hắn là một nhà văn à?
- Thưa phải ạ, và thưa ỏông tại uý, fào nhà tủ tế mà như rậy thật ià pất lịt sự!
- Thôi, thôi, thôi! Đủ rồi! Ta đã nói với mụ, ta đã nói là…
- Ilya Petrovich! - viên chánh văn phòng lại nói, giọng đầy ý nghĩa. Viên trung uý liếc nhanh về phía hắn: hắn sẽ gật đầu.
- Đây thì thưa bà Laviza Ivanovna kính mến, đây là lời dặn cuối cùng của
tôi, và lần nầy là lần cuối cùng đấy nhé, viên trung uý nói tiếp. - Nếu
trong cái nhà tử tế của bà mà còn xảy ra chuyện bậy bạ như thế một lần
nữa thôi, tôi sẽ cho bà nếm mùi nhà pha ngay, như trong giọng văn quý
phải vẫn nói. Bà nghe ra chưa?
- Thế ra nhà văn kia đã lấy của cái "nhà tứ tế" ấy năm rúp tiền đền áo.
Đấy, các nhà văn là thế đấy! - hắn vừa nói vừa ném một cái nhìn khinh bỉ
về phía Raxkonikov. - Hôm kia trong một quán rượu còn xảy ra một chuyện
như thế nầy nữa: có một lão vào ăn uống no nê rồi không muốn trả tiền;
đòi thì lão nói: "Tôi sẽ cho lên báo một bài đả kích nhà người về việc
nầy". Trên tàu thuỷ tuần trước cũng có một lão nhà văn dùng đủ những
danh từ tục tĩu thoá mạ vợ và con gái một ông tư vấn quốc gia đáng kính.
Hôm trước người ta đã phải tống cổ một tên như thế ra khỏi cửa một hiệu
bánh kẹo đấy. Đấy cái bọn nhà văn, nhà báo, sinh viên, cái bọn mồm loa
mép giải ấy là như thế đấy… xì! Thôi mụ kia xéo đi! đi! Ta sẽ để ý theo
dõi… liệu hồn. Nghe ra chưa?
Luyza Ivanovna đon đả nhún mình chào tứ phía, vừa chào vừa đi thụt lùi
ra cửa, nhưng vừa đến cửa thì vấp lưng phải một viên sĩ quan đẹp trai có
khuôn mặt cởi mở tươi tắn vôi bộ râu rậm tuyệt mỹ màu vàng óng. Đó
chính là Nikodim Phomits, viên quận trưởng cảnh sát.
Luyza Ivanovna vội vàng cúi mình chào đến gần sát đất và nhún nhảy từng bước ngắn chạy vụt ra ngoài.
- Lại sấm sét, bão tố, cuồng phong? - Nikodim Phomits thân mật và ôn tồn
nói với Ilya Petrovich - lại bị quấy rầy trêu tức, lại sôi sục lên rồi!
Vừa vào đến cầu thang tôi đã nghe thấy tiếng.
- Biết làm thế nào được? - Ilya Petrovich nói, giọng lơ đãng một cách
đài các, vừa nói vừa cầm mấy tệp giấy tờ đi sang bàn bên, cứ mỗi bước
lại nhích vai lên một cái trông rất ngoạn mục.
- Đây, xin ngài thấy cho: ngài văn sĩ đây, - tức ngài sinh viên nầy, hay
nói cho đúng hơn, là ngài cựu sinh viên nầy, không trả tiền, ký những
tờ tín phiếu và không chịu cuốn gói ra khỏi nhà trọ, người ta gửi đơn
kiện không ngớt ấy thế mà ngài lại còn có nhã ý khiếu nại là tôi đã dám
hút thuốc trước mặt ngài! Ngài còn tỏ ra khiếm nhã gấp mấy, đây xin ngài
đại uý thứ nhìn xem: dáng vẻ ngài đã hấp dẫn chưa!
- Nghèo không phải là xấu, anh bạn ạ, nhưng làm thế nào được! Ai cũng
biết là thuốc súng không đời nào chịu để ai lăng nhục: Chắc ông lại có
điều gì bực mình với trung uý và không tự kiềm chế được chứ gì - Nikodim
Phomits ôn tồn nói tiếp với Raxkonikov, - nhưng ông làm như vậy là
không phải: trung uý đây là một người hết sức cao quý, nhưng tính như
thuốc súng, như thuốc súng! Cứ bùng lên, sôi lên, cháy phụt lên - rồi
mất biến! Xong là hết! Rốt cục chỉ còn lại một tấm lòng vàng! Cho nên
trong binh đoàn mới đặt cho ông ta cái biệt hiệu "trung uý thuốc súng"…
- Mà đây có phải là một binh đoàn thường đâu?
Ilya Petrovich thốt lên, rất hài lòng vì được mơn trớn dễ chịu như vậy, nhưng vẫn chưa nguôi hết cơn giận.
Raxkonikov bỗng thấy muốn nói với hắn một câu gì thật hoà nhã.
- Đại uý cứ thử nghĩ mà xem, - chàng quay về phía Nikodim Phomits mở
đầu, giọng rất ung dung. - đại uý cứ thử đặt mình vào tình cảnh tôi xem…
Tôi rất sẵn lòng xin lỗi ngài trung uý, nếu về phần tôi đã có gì sơ
xuất đối với ngài. Tôi là một sinh viên nghèo và đau ốm, luôn bị cảnh
túng bần giầy vò - chàng dùng đúng chữ "giầy vò". - Tôi là cựu sinh
viên, bởi vì hiện nay tôi không có cách gì sinh sống, nhưng tôi sẽ nhận
được một số tiền… Tôi có người mẹ và người em gái ở trấn X… Họ sẽ gửi
tiền cho tôi, và tôi sẽ trả. Bà chủ trọ của tôi là một người tốt, nhưng
bà ấy thấy tôi mất chỗ dạy học và bốn tháng liền không trả được tiền trọ
nên đã oán giận tôi đến nỗi thậm chí cũng không thèm dọn cho tôi ăn
nữa… Và tôi không thể nào hiểu được cái tín phiếu ấy là thế nào. Bây giờ
bà ấy căn cứ vào tờ tín phiếu ấy để bắt tôi trả tiền, ngài cứ thử nghĩ
xem…
- Nhưng đó có phải việc chúng tôi đâu… - viên chánh văn phòng lại nói.
- Xin phép, xin phép ngài, tôi hoàn toàn đồng ý với ngài, nhưng cũng xin
ngài cho phép tôi được giãi bày, - Raxkonikov lại tiếp, chàng không nói
với viên chánh văn phòng mà vẫn chỉ nói với Nikodim Phomits, nhưng cũng
cố hết sức quay về phía Ilya Petrovích mặc dầu hắn cứ một mực làm ra vẻ
như đang cắm cúi xem đống giấy tờ, không thèm chú ý đến chàng, - về
phần tôi tôi xin phép giãi bày rằng tôi trọ ở nhà bà ta đã hơn ba năm
nay, mãi từ hồi tôi mới ở quê lên và trước tiên… trước tiên… vả chăng
việc gì tôi lại không thú nhận rằng ngay từ đầu tôi đã có lời hứa là sẽ
lấy con gái bà ta, một lời hứa miệng, hoàn toàn không có gì ràng buộc…
Đó là một người con gái mà, dù sao tôi cũng có chút cảm tình với cô ta…
tuy cũng chẳng phải yêu đương gì, nói tóm lại, tuổi trẻ, nghĩa là tôi
muốn nói rằng hồi ấy bà chủ trọ đối với tôi rất rộng rãi về mặt tiền
nong, và tôi sinh hoạt có phần… hồi ấy tôi nhẹ dạ lắm.
- Chúng tôi tuyệt nhiên không đòi hỏi những lời tâm sự như thế, thưa
ngài, vả chăng cũng không có thì giờ, - Ilya Petrovích ngắt lời một cách
thô lỗ, vẻ đắc thắng, nhưng Raxkonikov hăm hở cướp lời nói tiếp, tuy
bây giờ chàng chợt thấy hết sức khó nói.
- Nhưng cứ xin các ngài cho phép tôi kể hết… mọi việc và về phần tôi…
tuy cũng xin thừa nhận rằng kể như vậy là thừa. Nhưng cách đây một năm
người con gái ấy chết vì bệnh thương hàn, còn tôi thì vẫn ở trọ như cũ,
và khi dọn sang ở căn nhà hiện nay, bà chủ có nói với tôi, như chỗ thân
tình… rằng bà hoàn toàn tin cậy ở tôi, nhưng giá tôi vui lòng viết cho
bà một tờ tín phiếu một trăm mười lăm rúp tức tất cả số tiền mà bà coi
là tôi còn nợ của bà, thì tốt hơn. Xin các ngài hiểu cho: chính bà ta
nói rằng hễ tôi viết cho bà tờ giấy ấy, bà lại sẽ cho tôi nợ bao nhiêu
cũng được và về phần bà sẽ không bao giờ, không bao giờ, - đó là nguyên
văn lời bà, - dùng đến tờ giấy ấy, bà cứ để cho tôi tự ý trả dần… Thế mà
bây giờ, đến khi tôi đã mất chỗ dạy học và không có gì ăn nữa, bà lại
đem ra kiện tụng… Tôi còn biết nói thế nào được?
- Xin ngài vui lòng hiểu cho rằng tất cả những tình tiết lâm ly ấy đều
không có dính dáng đến chúng tôi - Ilya Petrovích xấc xược cắt ngang -
ngài phải ký giấy nhận nợ và giấy cam kết, còn như chuyện ngài có yêu
đươngvhay không yêu đương, và những nỗi niềm bi đát của ngài, thì chúng
tôi tuyệt nhiên không cần biết đến - Kìa sao anh… phũ phàng thế… -
Nikodim Phomits vừa lẩm bẩm vừa ngồi vào bàn và cũng bắt đầu hí hoáy
viết. Hắn tự dưng thấy ngường ngượng.
- Ông viết đi, - Viên chánh văn phòng nói với Raxkonikov.
- Viết gì? chàng đáp, giọng rất xẵng.
- Tôi sẽ đọc cho mà viết.
Raxkonikov có cảm giác viên chánh văn phòng đối xử với chàng có vẻ khinh
thị hơn sau khi nghe những lời tâm sự vừa rồi, và lạ thay, chàng bỗng
thấy mình hoàn toàn không còn thiết gì đến bất cứ quan niệm của ai đối
với mình nữa; sự chuyển biến ấy diễn ra chỉ trong một nháy mắt. Ví thử
chàng chịu suy nghĩ một chút, Raxkonikov dĩ nhiên sẽ lấy làm lạ rằng
trước đấy một phút mình đã có thể nói như vậy và hơn nữa lại phô bầy cả
tình cảm mình ra. Mà những tình cảm ấy thì lấy ở đâu ra? Bây giờ thì
ngược lại, giả sử những người ngồi trong phòng nầy không phải là những
tên cảnh binh mà là những người bạn thân nhất của chàng, thì chắc chàng
cũng không tìm ra được lấy một lời chân tình để nói với họ: lòng chàng
bỗng dưng thấy trống hoác ra. Chàng có ý thức rõ rệt rằng một cảm giác
nặng nề, xót xa về nỗi cô đơn, lạc lõng không bờ bến của mình, bỗng
nhiên đã tràn ngập tâm hồn chàng.
Tâm trạng chàng xoay ngược hẳn lại như vậy không phải vì chàng thấy rõ
sự hèn hạ của những lời thổ lộ tâm tình trước Ilya Petrovích hay cái vẻ
đắc chí hèn hạ của viên trung uý. Ô, bây giờ thì chàng còn thiết gì đến
sự hèn hạ của bản thân, đến tất cả những trò ganh đua hiếu thắng, những
thứ trung uý, đại uý, đĩ bợm, tín phiếu, kiện tụng, vân vân, vân vân.
Giả sử bọn họ có ra lệnh đem chàng lên giàn hoả hành hình ngay lúc ấy
thì hẳn chàng cũng không hề nhúc nhích, thậm chí còn nghe lời tuyên án
ấy một cách lơ đãng nữa là khác.
Trong người chàng đang diễn ra một quá trình mới lạ, đột ngột, chưa từng
thấy. Không phải chàng hiểu, mà chính là chàng có cảm giác hết sức rõ
rệt rằng mình không còn có thể thổ lộ tâm tình như lúc nãy đã đành,
nhưng cũng không thể nào nói bất cứ chuyện gì với những kẻ ngồi trong
phòng giấy cảnh sát nầy, và dù họ có là anh em ruột thịt của chàng chăng
nữa, thì chàng cũng tuyệt nhiên không lý gì phải đi nói chuyện với họ,
dù trong trường hợp nào cũng vậy; kể cho đến phút nầy chàng chưa từng
bao giờ có một cảm giác kỳ dị và khủng khiếp đến thế. Và xót xa hơn cả,
đây lại là một cảm giác nhiều hơn là một ý thức, một khái niệm; một cảm
giác trực tiếp, cái cảm giác đau đớn nhất mà chàng đã trải qua từ trước
đến nay.
Viên chánh vãn phòng bắt đầu đọc cho chàng viết giấy nhận nợ theo công
thức thường lệ, nghĩa là tôi chưa thể trả nợ được, tôi xin hứa đến ngày
nọ ngày kia sẽ trả, tôi cam kết không ra khỏi thành phố, không đem tài
sản đi bán, đi cho…
- Nhưng ông không đủ sức để viết nữa kìa, bút cứ tuột ra khỏi tay, -
viên chánh văn phòng nói, mắt tò mò nhìn Raxkonikov. - Ông ốm à?
- Vâng… tôi thấy chóng mặt… Ông đọc tiếp đi!
- Thôi hết rồi, ông ký tên cho.
Viên chánh văn phòng cầm lấy tờ giấy và quay ra giái quyết các việc
khác. Raxkonikov trá cây bút, nhưng đáng lẽ phải đứng dậy ra về, thì
chàng lại chống khuỷu tay lên bàn và giơ hai tay lên ôm lấy đầu. Chàng
có cảm giác như bị ai đóng đinh vào đinh sọ. Chàng bỗng nảy ra một ý
nghĩ kỳ lạ: đứng ngay dậy, đến cạnh Nikodim Phomits và kể cho hắn nghe
tất cả những việc đã xảy ra hôm qua, kể cặn kẽ cho đến từng chi tiết nhỏ
nhặt, rồi đưa hắn về buồng mình và chỉ mớ đồ đạc giấu trong góc buồng,
trong cái lỗ thủng. Ý muốn ấy mạnh đến nỗi chàng đã đứng dậy toan thi
hành ngay. "Hay để nghĩ qua một chút đã. Không, tốt hơn hết là đừng nghĩ
gì hết, nhắm mắt mà làm!" Nhưng chàng bỗng đứng đực ra như đóng dinh
tại chỗ: Nikodim Phomits đang nói gì rất hăng với Ilya Petrovich, và
chàng nghe loáng thoáng:
- Không thể được, phải thả cả hai ra. Thứ nhất là vì tất cả những việc
ấy đầy rẫy những mâu thuẫn; anh thứ nghĩ xem: việc gì họ lại đi gọi
người gác cổng, nếu chính họ là thủ phạm? Để tự tố giác mình hay sao?
Hay là để đánh lạc hướng? Không phải, nếu thế thì quỷ quyệt quá chừng!
Và cuối cùng là người gác cổng và một mụ lái buôn có trông thấy tên sinh
viên Pextriakov ngay khi hắn vào: hắn đi với ba người bạn và chia tay
với họ ngay ở cổng vào, rồi lại hỏi thăm chỗ ở ngay khi bọn kia còn đứng
đấy. Chả nhẽ đi làm một việc như thế mà lại còn hòi chỗ ở? Còn như tên
Koch thì trước khi đến nhà mụ già đã ngồi ở nhà lão thợ bạc ở tầng dưới
đến nửa tiếng đồng hồ và đúng tám giờ kém mười lắm mới từ đó lên phòng
mụ già ở trên gác. Bây giờ ông thử nghĩ xem…
- Nhưng khốn nỗì lời khai của họ có chỗ mâu thuẫn như sau: họ quả quyết
rằng họ có đập cửa và cánh cửa đóng kín, thế mà ba phút sau, khi đi lên
với người gác cổng, thì lại thấy cửa mở?
- Vấn đề là ở chỗ đó: chắc chắn hung thủ đang ở trong nhà và chốt cửa
lại; và chắc chắn sẽ tìm thấy hắn ở đấy, nếu cái thằng cha Koch kia
không dại dột bỏ xuống nhà tìm người gác cổng. Chính trong khoảng thời
gian ấy hắn đã có đủ thì giờ xuống thang gác và làm thế nào lọt qua mắt
họ. Lão Koch thì cứ làm dấu thánh lia lịa, lão nói: "Ví thử tôi đứng lại
đấy thì hắn đã nhảy xổ ra bổ rìu vào đầu tôi mất rồi". Hắn đang muốn
làm lễ tạ ơn chúa đấy. Hê - hê - hê!
- Thế không ai trông thấy hung thủ à?
- Thì trông thấy thế nào được? Cái nhà ấy như cái vườn bách thú ấy mà, -
viên chánh văn phòng, nãy giờ ở bàn lắng tai nghe, buông một lời nhận
xét.
- Sự việc rõ lắm rồi, rõ lắm rồi! - Nikodim Phomits hăm hở nhắc đi nhắc lại.
- Không, sự việc chẳng rõ tý nào đâu, - Ilya Petrovich khẳng định.
Raxkonikov cầm lấy mũ và đi ra cửa, nhưng chàng không ra được đến cửa…
Khi chàng tỉnh dậy thì thấy mình ngồi trên một chiếc ghế, bên phải có
một người nào đang đứng đỡ chàng, bên trái có một người khác cầm một cái
cốc màu vàng đựng đầy một chất nước gì vàng vàng, Nikodim Phomits thì
đứng trước mặt chàng và đang nhìn chàng chòng chọc; chàng đứng dậy.
- Sao thế, ông ốm à? - Nikodim Phomits hỏi, giọng hơi xẵng.
- Khi ký giấy ông ấy cầm bút đã không nổi rồi,- viên chánh văn phòng
vừar nhận xét vừa ngồi vào bàn và tiếp tục lục soạn giấy tờ.
- Ông ốm đã lâu chưa? - Ilya Petrovich cũng đang ngồi soạn giấy tờ ở bàn
mình, quát chõ ra. Dĩ nhiên hắn cũng đã đến xem xét Raxkonikov khi
chàng ngất đi nhưng đã lập tức lảng ra khi thấy chàng tỉnh dậy.
- Từ hôm qua… - Raxkonikov lắp bắp trả lời.
- Thế hôm qua ông có ra khỏi nhà không?
- Có!
- Trong khi đang ốm?
- Trong khi đang ốm!
- Lúc mấy giờ?
Hơn bảy giờ tối.
- Xin hỏi ông đi đâu như thế?
- Ra phố.
- Thật là gọn và rõ.
Raxkonikov trả lời rất xẵng, dằn từng tiếng một, mặt trắng nhợt như tờ
giấy, hai con mắt đen nổi tia máu nhìn thẳng vào mặt Ilya Petrovich.
- Ông ấy đứng không vững nữa, thế mà anh… - Nikodim Phomits nhận xét.
- Không sao! - Ilya Petrovich nói, giọng nghe rất khác thường. Nikodim
Phomits còn muốn nói thêm một câu gì nữa, nhưng sau khi đưa mắt về phía
viên chánh văn phòng lúc bấy giờ cũng nhìn chàng không chớp, lại thôi.
Ai nấy bỗng lặng thinh. Trong phòng im lặng một cách kỳ lạ.
- Thôi được - Ilya Petrovich kết luận, - Ông có thể về.
Raxkonikov đi ra. Chàng còn có đủ thì giờ nghe thấy tiếng bàn tán xôn
xao nói lên khi chàng vừa ra khỏi cửa: nghe rõ nhất là giọng nói có ý dò
hỏi của Nikodim Phomist… Ra đến phố chàng tình hẳn lại.
"Khám nhà, khám nhà, chúng sẽ khám nhà ngay bây giờ? - chàng tự nhủ
trong khi rảo bước cho chóng về đến buồng, - quân kẻ cướp! Chúng nó nghi
ngờ!"
Cảm giác lo sợ lúc nãy lại luồn vào khắp người chàng, từ đầu đến chân.
(1) Xin bạn đọc lưu ý rằng sự việc xảy ra ở
Petersburg, vào mùa hè, tiết nầy, đêm ở Petersburg là "đêm trắng" không
có mặt trời nhưng vẫn sáng.
(2) Những người gác cổng hàng ngày phải đến sở cảnh sát bẩm báo.
(3) Xin cảm ơn (tiếng Đức)