Tội ác và sự trừng phạt - Chương 23
Sáng hôm sau, đúng mười giờ, khi
Raxkonikov bước vào đồn cảnh sát, đến phòng viên dự thẩm và nhờ vào báo
với Porfiri Petrovich là mình đã đến, chàng phải lấy làm lạ không hiểu
sao mãi người ta vẫn chưa tiếp chàng: ít nhất đến mười phút sau mới có
lệnh mời chàng vào. Thế mà chàng cứ dự tính là lẽ ra chàng vừa đến họ đã
vồ ngay lấy chàng mới phải. Trong khi đó chàng vẫn đứng trong phòng
khách, quanh chàng có nhiều người đi lại, toàn là những người chẳng có
vẻ gì chú ý đến chàng cả. Ở phòng sát bên trông giống như một phòng
giấy, có mấy viên thư lại đang ngồi viết và có thể thấy rõ là trong bọn
họ không hề có ai hay biết gì về cái tên Raxkonikov. Chàng đưa mắt lo
lắng và ngờ vực dò xét quanh mình, xem thử đâu đây có một tên lính áp
giải nào, một đôi mắt bí mật nào theo dôi chàng, để chàng khỏi lén đi
đâu chăng? Nhưng không hề có một dấu hiệu nào tương tự: chỉ thấy những
viên thư ký quen đang bận bịu với những công việc lặt vặt và những người
không hề để ý đến chàng: bây giờ chàng có muốn đi khắp các phương trời
cũng chẳng ai biết. Mỗi lúc chàng một thêm vững tâm nghĩ rằng nếu con
người bí mật hôm qua, cái bóng ma từ dưới đất trồi lên ấy biết hết và
trông thấy hết, thì lẽ nào người ta lại để cho chàng ung dung đứng đợi
như thế nầy? Và chẳng lẽ người ta lại ngồi yên cho đến mười một giờ đợi
đến khi chàng tự nguyện dẫn xác đến? Thế nghĩa là người ấy chưa tố giác
gì, hay… hay chẳng qua chính hắn cũng chẳng biết gì, chẳng trông thấy gì
nốt (mà trông thấy làm sao được kia chứ!), vậy thì tất cả những việc
xảy ra hôm qua chỉ là một ảo ảnh, bị trạng thái kích động và trí tưởng
tượng bệnh tật của chàng phóng đại ra. Giờ đây ôn lại tất cả những việc
ấy và chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu sắp tới, chàng bỗng cảm thấy mình
run, và thậm chí còn thấy giận sôi lên khi nghĩ rằng mình run sợ trước
tên Porfiri Petrovich khả ố. Đối với chàng, điều khủng khiếp nhất là
phải gặp lại con người ấy: chàng căm thù hắn vô cùng, vô hạn, thậm chí
còn sợ lòng căm thù ấy làm cho mình hở miệng mà tiết lộ. Chàng tức giận
đến nỗi lập tức thôi run; chàng sửa soạn bước vào với một vẻ lạnh lùng
xấc xược và tự hứa với mình là sẽ cố lặng thinh, có chú ý nhìn và lăng
nghe càng nhiều càng tốt, ít nhất lần nầy phải thắng cho kỳ được cái bản
năng dễ khích động một cách bệnh tật của mình.
Ngay lúc ấy họ gọi chàng vào phòng giấy Porfiri Petrovich.
Porfiri Petrovich đang ngồi một mình trong phòng làm việc. Đó là một
gian phòng không lớn mà cũng không nhỏ: trong phòng có một cái bàn viết
đặt trước một chiếc đi-văng bọc vải sơn, một cái bàn đựng giấy tờ; một
cái tủ đặt trong góc và mấy cái ghế dựa - toàn là những đồ đạc của công
sở, bằng gỗ vàng đánh bóng.
Trong một góc, trên bức tường phía sau, hay nói cho đúng hơn là trên tấm
gỗ ngăn ở phía sau, có một cánh cửa đóng kín: sau tấm gỗ ấy chắc phải
còn những gian khác nữa. Khi Raxkonikov vào, Porfiri Petrovich lập tức
khép cánh cửa chàng vừa bước qua, và trong phòng chỉ còn lại hai người.
Porfiri Petrovich đón khách một cách hết sức vui vẻ và niềm nở, và chỉ
mấy phút sau, Raxkonikov mới nhận thấy một vài dấu hiệu tỏ ra ông ta hơi
lúng túng, cứ như thể có ai vừa làm cho ông ta ngạc nhiên một cách đột
ngột hay bất chợt thấy ông ta đang làm một việc gì vụng trộm.
- A, anh bạn rất đáng kính! Anh đến sào huyệt chúng tôi rồi… - Porfiri
chìa cả hai tay ra nói. - Nào, cậu ngồi đây! Hay có lẽ, anh không thích
tôi gọi "anh bạn" hay… "cậu" tout court? (1). Xin anh đừng cho là tôi
quá suồng sã… Đây ạ, mời anh ngồi lên chiếc đi-văng nầy.
Raxkonikov ngồi xuống, mắt vẫn chăm chú nhìn Porfiri.
Mấy chữ "đến sào huyệt chúng tôi rồi", cậu xin lỗi về cách xưng hô, hai
chữ Pháp "tout court", v.v… đều là những dấu hiệu tiêu biểu. "Chà, hắn
chìa cả hai tay ra cho mình, nhưng không đưa tay nào cho mình bắt cả,
hắn rụt lại rất đúng lúc" - chàng thoáng nghĩ, lòng nghi ngại. Hai người
theo dõi nhau, nhưng hễ hai luồng mắt gặp nhau một cái là nhanh như
chớp, họ nhìn ngay sang phía khác.
- Tôi đem mảnh giấy nầy đến… về cái đồng hồ… ấy ạ Viết thế nầy được chưa ạ, hay phải viết lại?
- Cái gì? Giấy à? Được, được… anh đừng bận tâm, thế nầy được rồi, -
Porfiri Petrovich nói liến thoắng như đang vội đi đâu, đoạn cầm giấy
xem. - Phải đúng thế nầy đây. Không cần gì hơn nữa. - Ông ta vẫn nói
liến thoắng, đoạn đặt tờ giấy xuống bàn. Rồi một phút sau, trong khi đã
nói sang chuyện khác, ông ta lại cầm lên và đem cất vào bàn đựng giấy.
- Hôm qua hình như ông có nói rằng ông muốn hỏi tôi… chính thức… về quan
hệ giữa tôi với người… bị giết? - Raxkonikov mở đầu, - "Sao mình lại
nói hình như - ý nghĩ ấy vụt qua óc như một tia chớp. - Mà sao mình lại
lo ngại vì đã nói hình như - một ý nghĩ khác lập tức kế theo, nhanh như
luồng điện.
Và chàng chợt cảm thấy rằng trong chốc lát, chỉ cần tiếp xúc với Porfiri
Petrovich một cái, chỉ cần hai câu nói, hai tia mắt, là tính đa nghi
của chàng đã tăng lên đến mức quái dị… và như vậy hết sức nguy hiểm:
thần kinh bị khích động, càng thêm hồi hộp. "Nguy to! Nguy to! Ta lại sẽ
lỡ lời".
- Vâng - vâng - vâng. Xin anh đừng ngại! Ta còn đủ thì giờ, còn đủ thì giờ, - Porfiri Petrovich lắp bắp.
Ông đi đi lại lại bên bàn viết, nhưng hình như chẳng có mục đích gì cả,
khi bước ra cửa sổ, khi lại gần bàn đựng giấy, khi lại đến bàn viết, khi
thì cố tránh khóe nhìn ngờ vực của Raxkonikov, khi thì lại dừng phắt
tại chỗ nhìn trừng trừng vào mắt chàng. Những lúc ấy trông cái bóng dáng
thấp bé, mập mạp và tròn trình của ông ta thật là kỳ quái, cứ như một
quả bóng lăn lông lốc khắp phòng, hễ gặp phải tường là bật trở lại.
- Ta còn nhiều thì giờ, còn nhiều thì giờ! Anh có hút thuốc không? Anh
có thuốc đấy chứ! Đây, thuốc lá đây - ông vừa nói vừa đưa cho khách một
điếu - Anh ạ, tôi tiếp anh ở đây, còn chỗ ở của tôi thì ở ngay bên kia
vách… phòng của sở cắt cho tôi đây, còn bây giờ thì tôi tạm thời ở chỗ
khác, vì đây đang còn phải sửa sang lại đôi chút. Cũng gần xong rồi…
Được Nhà nước cắt cho chỗ ở cùng là một chuyện thú vị, anh nhỉ? Anh nghĩ
sao?
- Phải, thú vị lắm, - Raxkonikov đáp, mắt nhìn Porfiri gần như ngạo nghễ.
- Thú vị lắm, thú vị lắm… - Porfiri Petrovich nhắc đi nhắc lại, như chợt
nghĩ đến một điều gì khác hẳn, - Phải thú vị lắm! - cuối cùng ông nói
to gần như reo lên, dừng phắt lại cách Raxkonikov hai bước và nhìn thẳng
vào mặt chàng. Cái lối nhắc đi nhắc lại một cách ngốc ngếch rằng được
Nhà nước cắt chỗ ở cho là một chuyện thú vị ấy thật quá tương phàn với
cái nhìn nghiêm trang, thâm trầm và bí ẩn của ông ta lúc bấy giờ. Nhưng
điều đó lại càng làm cho cơn giận của Raxkonikov sôi sục lên, chàng
không sao nén nổi một lời khiêu khích ngạo nghễ và khá liều lĩnh:
- Ông nầy, - chàng bỗng hỏi, mắt nhìn Porfiri gần như xấc xược và tựa hồ
cảm thấy khoái lạc với cái vẻ xấc xược ấy hình như có một quy tắc tư
pháp, một biện pháp mà các vị dự thẩm đều dùng, là thoạt tiên nói những
chuyện xa xôi, những chuyện vặt vãnh không đâu hay thậm chí nói đến một
việc nghiêm trang nào ngoài rìa để làm cho người bị hỏi cung vững tâm
hay nói cho đúng hơn, xao lãng đi, để ru ngủ sự đề phòng của người rồi
đột nhiên giáng lên đỉnh đầu người ta một câu hỏi hết sức bất ngờ và
nguy hiểm; có phải thế không? Hình như xưa nay trong cái tập điều lệ,
quy chế nhất nhất đều có nhắc đến biện pháp nầy thì phải?
- À thế ra… Ông cho rằng tôi nói đến chuyện phòng phiếc là để thế đấy
phỏng? - Nói đoạn Porfiri Petrovich nháy mắt một cái; một vẻ cười cợt
ranh mãnh thoáng lướt qua mặt ông ta, những nếp nhăn trên trán lặn đi,
hai con mắt ti hí nheo lại, các nét mặt giãn ra rồi ông ta bỗng phá lên
cười một thôi dài, rung cả người lên, mắt nhìn thẳng vào mặt Raxkonikov.
Raxkonikov cũng gượng gạo cất tiếng cười, nhưng khi Porfiri thấy chàng
cười theo, lại càng cười sặc sụa đến nỗi mặt đỏ tía lên, thì Raxkonikov
kinh tởm. Cơ chừng không còn giữ gìn gì được nữa: chàng im bặt, cau mày
và quắc mắt căm giận, nhìn không chớp vào mặt Porfiri suốt trận cười
dường như cố ý kéo dài vô tận của y. Vả chăng, rõ ràng là cả hai bên đều
thiếu thận trọng: hoá ra Porfiri Petrovich đã cười vào mặt khách, trong
khi khách phát uất lên vì tiếng cười của ông ta, thế mà ông ta cũng
không lấy gì làm ngượng cả. Raxkonikov rất chú ý đến điều nầy: chàng đã
hiểu rằng vừa qua Porfiri Petrovich chẳng thấy ngượng chút nào, mà ngược
lại, chính chàng có lẽ đã rơi vào tròng; chàng hiểu rằng ở đây hiển
nhiên có một chứ ý gì mà chàng không biết, rằng có lẽ mọi việc đã bố trí
xong xuôi và chỉ lát nữa sẽ lộ rõ ra, phơi trần ra…
Chàng lập tức đi thẳng vào đề, đứng dậy cầm lấy mũ:
- Porfiri Petrovich, - chàng nói, giọng quả quyết, nhưng cũng để lộ khá
rõ sự bực tức. - Hôm qua ông có ngỏ ý muốn tôi đến đây để ông hỏi cung
gì đấy. Chàng nhấn mạnh đặc biệt hai tiếng "hỏi cung". Tôi đã đến, và
ông cần gì xin cứ hỏi, nếu không xin để tôi về. Tôi đang vội, tôi có tí
việc. Tôi cán đến dự lễ an táng người công chức bị ngựa xéo mà ông, cũng
có biết … - Chàng nói thêm rồi lập tức phát cáu lên vì đã nói thêm như
vậy, rồi sau đó lại càng bực tức hơn nữa vì đã phát cáu lên như thế, -
tôi chán ngấy những chuyện nầy rồi. Ông thấy không, ngay từ lâu rồi… và
cùng một lần vì thế mà tôi phát ốm, nói tóm lại. - chàng gần như quát
lên, vì cảm thấy câu nầy lại càng không đúng chỗ hơn nữa, nói tóm lại:
một là ông hỏi tôi đi, hai là để cho tôi về ngay… và nếu có hỏi thì xin
hỏi cho đúng thủ tục! Bằng không, tôi sẽ không cho phép; vì vậy, trong
khi chờ đợi, xin chào ông, và hiện nay ông với tôi không còn chuyện gì
để mà nói nữa…
- Trời ơi Anh làm sao thế? Hỏi anh cái gì mới được chứ" - Porfiri
Petrovich kêu lên, lập tức đổi giọng, đổi vẻ mặt và thôi cười ngay trong
nháy mắt, - Xin anh đừng lo, anh ạ, - Ông ta nói, giọng vồn vã, rồi lại
hùng hục đi bách bộ khắp phòng, xong lại đến mời Raxkonikov ngồi xuống,
- còn chán thì giờ anh ạ, còn chán thì giờ, với lại những cái đó toàn
là chuyện không đâu cả! Trái lại tôi rất mừng là anh đã đến chỗ chúng
tôi. Tôi tiếp anh như tiếp một người khách. Còn về trận cười chết tiệt
của tôi thì xin anh bỏ qua cho, Rodion Romanovich ạ. Có đúng tên anh là
Rodia Romanovich không nhỉ? Tên ông cụ thân sinh anh là Roman phải
không? Thần kinh tôi dễ kích thích lắm, lời nhận xét hóm hỉnh của anh
làm tôi buồn cười quá; đôi khi tôi cười cứ rung bắn lên như qua bóng cao
su suốt nửa giờ liền… Tôi hay cười lắm. Tạng tôi thế nầy, tôi còn sợ bị
bại liệt nữa kia. Nhưng anh ngồi xuống chứ, ai lại thế? Ngồi đi, anh
bạn ạ, không tôi lại nghĩ là anh giận…
Raxkonikov im lặng lắng nghe và quan sát, mặt vẫn cau có giận dữ. Tuy vậy chàng cũng ngồi xuống, nhưng tay vẫn không bò mũ.
- Anh bạn Rodion Romanovich ạ, tôi xin nói với anh một điều về bản thân
tôi, có thể nói là để anh hiểu rõ đặc tính của tôi, - Porfiri nói tiếp,
vẫn đi lại lăng xăng trong phòng và vẫn tránh mắt Raxkonikov như ban
nãy. - Anh ạ, tôi là người độc thân, không hay giao thiệp và ít người
biết tên, hơn nữa lại là một người hết thời, một người bỏ đi, một người
đã mụ mằn đã mốc meo lên rồi và… và… anh có nhận thấy điều nầy không,
anh Rodion Romanovich là ở nước ta, nhất là trong các giới Petersbung
của chúng ta, nếu hai người thông minh chưa quen lắm nhưng có thể nói là
coi trọng nhau, như anh với tôi chẳng hạn, ngồi lại với nhau, thì
thường hàng nửa giờ vẫn không tài nào tìm ra một đề tài nói chuyện, - cứ
ngồi trơ ra nhìn nhau, ngượng nghịu. Ai ai cũng có đề tài nói chuyện,
các bà chẳng hạn… Những giới xã giao thượng đẳng chẳng hạn, bao giờ cũng
có chuyện mà nói, cest de rigueur(2), còn hạng người trung lưu như
chúng ta thì lại hay ngượng và ít nói… Ấy là tôi nói những người biết
nghĩ ấy. Thế thì tại sao, anh thứ nghĩ xem, tại sao lại như thế? Tại
chúng ta không quan tâm gì đến các vấn đề xã hội, hay tại chúng ta vốn
rất trung thực cho nên không muốn lừa dối nhau, tôi cũng không biết nữa.
Hả? Anh nghĩ sao? Kìa, anh để mũ xuống chứ, cứ như anh định đi ngay ấy,
quả tình cũng khó coi lắm… Trái lại, tôi rất mừng…
Raxkonikov đặt chiếc mũ lưỡi trai xuống và lặng thinh, vẻ nghiêm trang
và cau có, lắng nghe câu chuyện rỗng tuếch và đầu Ngô mình Sở của
Porfiri. "Phải hắn định nói chuyện nhảm như thế để làm mình xao nhãng
sức chú ý thật chăng?".
- Tôi sẽ không mời anh xơi cà phê đâu, đây không phải chỗ; nhưng tại sao
lại không ngồi giải trí lấy dăm phút với bạn bè, - Porfiri nói không
ngớt miệng, - Anh ạ, những thứ công vụ nầy nọ, nhưng tôi cứ đi đi lại
lại thế nầy anh đừng phật ý nhé; anh bỏ qua cho, anh bạn ạ, tôi rất sợ
làm anh phật ý, nhưng tôi không thể thiếu vận động được. Tôi phải ngồi
suốt ngày nên cũng muốn đi lại lấy dăm phút… bệnh trĩ mà… tôi vẫn chữa
bằng thể dục; nghe nói có những ông tư vấn, những ông tư vấn quốc gia
hắn hỏi, và ngay cả những ông tư vấn cơ mật nữa cũng vui lòng nhảy dây;
thời buổi khoa học là thế đấy… thế đấy… Còn về những công vụ ở đây,
những việc hỏi cung và những thủ tục nầy nọ… ấy, anh vừa có nhã ý nhắc
đến chuyện hỏi cung… quả nhiên, anh Rodion Romanovich ạ, xin anh biết
cho rằng những cuộc hỏi cung ấy đôi khi còn làm cho người hỏi rối trí
hơn cả người bị hỏi nữa kia… Về điều nầy, vừa rồi anh bạn vừa có một
nhận xét hoàn toàn đúng đắn, mà lại dí dỏm nữa (thật ra Raxkonikov không
hề nhận xét gì như thế cả). Cứ rối tung lên? Phải, rối tung lên! Và trở
đi trở lại vẫn chỉ có thế, như cái trống ếch ấy! Sắp cải cách đến nơi,
ít nhất cũng mong họ đổi cách gọi cho, hê hê hê! Còn như về cái biện
pháp tư pháp của chúng tôi - như anh đã gọi một cách dí dỏm - thì tôi
hoàn toàn đồng ý với anh. Thì anh bảo người bị cáo nào, ngay cả tên
mu-gích dần độn nhảt cũng thế, người bị cáo nào mà không biết rằng thoạt
tiên người ta bắt đầu hỏi những câu vu vơ để ru ngủ mình (theo cách nói
rất tài tình của anh) rồi bỗng nhiên bổ thắng vào sọ, bổ thẳng sống
rìu, hê hê hê, vào chính giữa sọ, theo cách ẩn dụ rất tài tình của anh
hê - hê! Thế ra anh nghĩ rằng tôi nói đến chuyện chỗ ở là muốn… hê - hê?
Anh có khiếu châm biếm đấy. Ấy, tôi không làm như thế đâu? À phải, nhân
nói đến chuyện nầy lại nhớ đến chuyện kia, vừa rồi anh cũng có nhã ý
nhắc đến thủ tục, ấy, thủ tục hỏi cung ấy mà… Nhưng thủ tục là cái gì?
Anh ạ, trong nhiều trường hợp thủ tục chỉ là chuyện nhảm. Đôi khi nói
chuyện thân mặt như chỗ bạn bè lại có lợi hơn. Thủ tục không mất đi đâu,
xin anh cứ yên tâm; nhưng xin hỏi thủ tục thực ra là cái gì? Trong bất
cứ trường hợp nào thủ tục cũng không có quyền làm vướng chân người hỏi
cung. Công việc của người dự thẩm có thể nói là một thứ nghệ thuật tự do
hay một cái gì như thế… hê - hê - hê!
Porfiri Petrovich dừng lại một phút đề thở. Ông ta cứ thế tuôn ra từng
tràng những câu rỗng tuếch, vô nghĩa lý, nhưng thỉnh thoảng lại đột ngột
chen vào những chữ đầy ần ý rỏi lại lập tức quay ra nói chuyện phiếm.
Bây giờ ông ta gần như chạy khắp phòng, hai cẳng chân béo phị bước mỗi
lúc một nhanh, mắt nhìn xuống đất, tay phải để sau lưng, tay trái khua
lia lịa, làm đủ các thứ cử chỉ không ăn khớp tí nào với lời nói của ông
ta. Raxkonikov chợt nhận thay rằng trong khi chạy qua chạy lại trong
phòng, có đôi lần hình như ông ta dừng chân bên cánh cửa một khoảnh
khắc, có vẻ như nghe ngóng… "Hắn chờ đợi cái gì hay sao thế?".
- Ấy quả nhiên anh nói đúng hoàn toàn đấy, - Porfiri nói tiếp, mắt nhìn
Raxkonikov một cách vui vẻ và hồn nhiên lạ thường đến nỗi chàng phải
giật mình đề phòng, - Đúng thật đấy, anh có nhã ý chê điều các thủ tục
tư pháp một cách thật dí dỏm mà lại rất đúng đắn, hê - hê! Những biện
pháp tâm lý học thâm thuỷ của chúng tôi (dĩ nhiên cũng chỉ một số nào
thôi) qua nhiên cũng hết sức buồn cười, mà có lẽ lại còn vô ích nữa, nếu
nói bị hình thức cản trở. Phải, tôi lại xin nói đến thủ tục: ấy, nếu
tôi được giao cho điều tra một vụ nào đấy, và biết rằng, hay nói cho
đúng hơn, nghi ngờ rằng người nầy người nọ là thủ phạm… Hình như anh học
luật thì phải?
- Vâng, trước kia tôi học luật.
- Ấy thế thì đây là một thí dụ có thể có ích cho anh về sau, nghĩa là
anh đừng nghĩ rằng tôi dám lên mặt dạy anh: đã viết được một bài báo về
tội ác như thế còn khiến ai dạy! Không đâu; chẳng qua tôi chỉ đánh bạo
trình bày một sự kiện, một dẫn chứng nhỏ đấy, chẳng hạn tôi cho rằng
người nầy, người kia, người nọ là thủ phạm, thì xin hỏi việc gì tôi lại
làm phiền đến họ quá sớm, mặc dầu cứ cho là tôi có bằng chứng dế buộc
tội họ đi nữa? Chẳng hạn có người thì phải bắt ngay, nhưng có người thì
tính chất lại khác, đúng thế đấy, thế thì việc gì không để cho hắn trong
chơi trong thành phố ít lâu? Hê - hê! Ấy, tôi thấy hình như anh chưa
thật hiểu, vậy tôi xin nói rõ hơn: chẳng hạn tôi bắt đầu sớm quá, thì
như vậy có lẽ tôi đã cho hắn một chỗ dựa tinh thần, có thể nói như thế,
hê - hê! Anh cười à? (Raxkonikov không hề có ý muốn cười: chàng mím môi
ngồi im, đôi mắt nảy lửa không rời mắt Porfiri Petrovich). Nhưng thật ra
nó như thế đấy, nhất là đối với một số người nào đó, vì người ta mỗi
người một tính, và chúng tôi chỉ biết dựa vào kinh nghiệm thực tế mà
thôi! Vừa rồi anh có nhã ý nhắc đến bằng chứng; thì ta cứ cho là phải có
bằng chứng đi, nhưng anh ạ, bằng chứng phần nhiều đều to hai mặt; tôi
là một người dự thẩm, nghĩa là một con người yếu đuối, xin nhận như vậy:
trong bụng cũng muốn tiến hành điều tra một cách rõ ràng như toán học,
cùng muốn kiểm được một bằng chứng hiển nhiên như hai lần hai là bốn!
Một bằng chứng trực tiếp, không chối cãi vào đâu được! Nhưng nếu bắt
người không đúng lúc, tuy biết đích xác đó chính là thủ phạm, thì như
vậy là tự tước bỏ mất phương tiện tiếp tục buộc tội, tại sao? Tại vì làm
như vậy tức là đã cho hắn một tình thế xác định, có thể nói như thế,
làm cho hắn yên chí và vững tâm, thế là hắn sẽ rụt sâu vào vỏ: hắn sẽ
hiểu rằng hắn là một tù nhân. Nghe nói ở Sevaxtopol ngay sau trận Alma,
những người có trí tuệ rất lo quân địch đánh vào không biết lúc nào và
chiếm ngay Sevaxtopol; nhưng khi thấy quân địch muốn tiến hành một cuộc
vây hãm chính quy và bắt đầu xây công sự, thì họ yên tâm và vui mừng
không biết bao nhiêu mà kể: như thế nghĩa là ít nhất hai tháng nữa cuộc
vây hãm chính quy kia mới kết thúc bằng trận đánh chiếm thành phố? Anh
lại cười rồi, lại không tin à? Dĩ nhiên anh cũng đúng. Đúng, đúng! Đó
vẫn là những trường hợp cá biệt, tôi cũng nghĩ thế; trường hợp vừa nêu
lên là một trường hợp cá biệt đấy! Nhưng anh Rodion Romanvôvich thân mến
ạ, trong khi đó cần phải nhận rõ điều nầy: cái trường hợp chung chung
mà các, thủ tục và quy tắc tư pháp ghi trong sách vở nhằm giải quyết và
vẫn được ứng dụng để giải quyết, lại là một trường hợp không hề có,
chính là vì bất cứ vụ án nào cũng là một vụ án mạng chẳng hạn, hễ đã xảy
ra trong thực tế thì lập tức chuyển thành một trường hợp hoàn toàn cá
biệt và đôi khi không có chút gì giống các vụ trước. Đôi khi có những
trường hợp hết sức khôi hài. Ấy, tôi cứ để cho một vị nào đó hoàn toàn
tự do: không bắt bớ, không quấy rầy gì cả, nhưng làm thế nào để cho ông
ta từng giờ từng phút biết rằng - hay ít nhất cùng nghi ngờ rằng tôi
biết hết từ đầu chí cuối, rằng tôi suốt đêm ngày theo dõi ông ta, rình
mò ông ta không lơi một phút, tôi cứ để cho ông ta nghi ngờ và lo sợ
thường xuyên như thế, xin cam đoan là thế nào ông ta cũng cuống lên, tự
dẫn xác đến và có lẽ lại còn hớ hênh để lộ ra một cái gì giống như hai
lần hai là bốn, một cái gì có vẻ toán học, ấy thế mới thú chứ. Điều đó
có thể xảy ra với một anh mu-gích quê kệch mà cũng có thể xảy ra với một
anh em của chúng ta, một con người hiện đại, mà lại có nhiều sở trường
về một mặt nào đó nữa, đã từng có trường hợp như thế đấy! Bởi vì, anh
bạn thân mến ạ, một điều rất quan trọng là phải hiểu người kia sở trường
mặt nào. Lại còn thần kinh nữa, thần kinh nữa chứ, anh quên mất cái
nầy! Chả là bây giờ những con người như thế đều đau ốm, dễ khích động!
Lại thêm cái chứng sưng mặt nữa, sưng mặt nặng ấy. Và cũng xin nói rằng
nhiều khi đó là thứ nguồn quặng đấy. Việc gì tôi lại phải lo vì hắn đi
lại tự do trong thành phố? Cứ để cho hắn dạo chơi, tạm thời cứ để cho
hắn dạo chơi đã; vì dù sao tôi cũng biết là con mồi của tôi không bao
giờ bỏ tôi mà lẩn đi đâu cả kia mà! Vả lại lẩn đi đâu mới được chứ? Hê -
hê! Ra nước ngoài à? Một người Hà Lan thì trốn ra nước ngoài, chứ hắn
thì không đâu. huống chi tôi vẫn theo dòi và hơn nữa đã có cách đề
phòng. Trốn vào những nơi thâm sơn cùng cốc của tổ quốc chăng? Nhưng ở
đấy toàn những gã mu-gich Nga chân chính, những gã mu-gích thâm căn cố
đế: một người có học như ngày nay thì thà vào ngục còn thích hơn là sống
với bọn mu-gích của chúng ta, hề - hề! Vì đối với họ, bọn mu-gích cùng
chẳng khác gì người ngoại quốc!
Nhưng những cái đó toàn là chuyện vặt, chuyện bề ngoài. Trốn là thế nào!
chỉ là chuyện hình thức, cái chính không phải ở chỗ đó; hắn không trốn
không phải chỉ vì không biết trốn đi đâu: hắn không trốn thoát tôi vì
những nguyên do tâm lý học kia. Nghe cùng hay đấy chứ nhỉ! Vì một định
luật của tự nhiên, hắn không trốn dù có chỗ để mà trốn cũng vậy. Anh đã
trông thấy một con bướm trước ngọn nến chưa? Ấy, hắn cứ thế mà luấn quẩn
mãi xung quanh tôi như con bướm quay cuồng xung quanh ngọn nến; tự do
đối với hắn không còn có gì thú vị nữa, hắn sẽ nghĩ ngợi, rối trí, quằn
quại, làm cho mình mắc míu thêm như vưóng vào lưới, tự dày vò mình đến
chết đi được! Chưa đủ: chính hắn sẽ chuẩn bị cho tôi một tấn trò toán
học gì như kiểu hai lần hai là bốn, miễn là tôi cho hắn một thời gian
giải lao cho lâu lâu. Và hắn sẽ quay tròn, quay tròn mãi xung quanh tôi
mỗi lúc một gần lại và… hớp! Hắn sẽ chui tọt vác mồm tôi, tôi sẽ nuốt
chửng, thú vị thật, hê - hê - hê! Anh không tin à?
Raxkonikov không đáp, chàng ngồi yên, không cử động, mặt tái mét, mắt vẫn chăm chăm nhìn vào mặt Porfiri.
"Bài học hay đấy - chàng nghĩ, người lạnh toát ra. - Bây giờ không còn
là cái kiểu mèo vờn chuột như hôm qua nữa. Hắn không dại gì phô trương
sức mạnh của hắn ra và… mách nước cho mình một cách vô ích: hắn thông
minh hơn thế nhiều… Đây có một mục đích khác. Mục đích gì? A, đừng hòng,
ông bạn ạ. Ông doạ dẫm tôi. Ông mưu mẹo với tôi à? Ông không có bằng
chứng, và con người hôm qua không hề có. Chẳng qua ông muốn làm tôi rối
trí, muốn trêu cho tôi tức lên trước, rồi khi tôi đã khùng lên thì chộp
chứ gì? Đừng hòng, hớ rồi! Nhưng sao hắn lại mách nước cho mình đến mức
ấy để làm gì? Hắn trông mong vào bộ dây thần kinh ốm yêu của mình chắc.
Không đâu, ông bạn ạ đừng hòng, hớ rồi đấy, mặc dầu ông đã có sửa soạn
một cái gì đây… Nào, thử xem ông sửa soạn cái gì?"
Và chàng lấy hết sức bình sinh ra chuẩn bị đón lấy cái tai hoạ khủng khiếp và chưa hề hay biết kia.
Nhiều lúc chàng muốn chồm lên bóp cổ Porfiri chết tươi ngay tại chỗ. Từ
khi bước vào đây, chàng đã sợ cơn giận đó. Chà ng cảm thấy môi khô lại,
tim đậ p thình thình, nước bọt sùi ra mép. Nhưng chàng vẫn quyết im lặng
không nói một câu nào khi chưa đến lúc. Chàng hiểu rằng đó là chiến
thuật tất nhất ở tình thế chàng, vì làm như vậy không những chàng sẽ
không lỡ lời mà trái lại còn làm cho kẻ thù tức tối khi thấy mình lặng
thinh, và có lẽ chính hắn còn lỡ lời ra với mình nữa. Ít nhất chàng cũng
hy vọng như vậy.
- Không, anh không tin, tôi biết, anh vẫn nghĩ rằng tôi đùa nhảm, -
Porfiri nói tiếp, mỗi lúc một vui lên, thích chí cười hềnh hệch luôn mồm
và lại bắt đầu chạy loanh quanh trong phòng. - Dĩ nhiên anh nghĩ phải;
trời sinh tôi ra người ngợm như thế nầy, thành thứ chỉ gợi lên cho người
ta những ý nghĩ hài hước mà thôi; tôi là một thằng hề; nhưng tôi đã nói
và xin nhắc lại với anh một lần nữa rằng anh nên bỏ qua cho tôi, một
người già cả. Anh Rôđỉôn Romanvôvich ạ. anh hãy còn trẻ, có thể nó; là
đang tuổi hoa niên cho nên cũng như toàn thể lớp thanh niên, anh trọng
trí tuệ con người hơn cả. Sự sắc sảo nhạy bén của trí tuệ và những sự
suy diễn trừu tượng của lý trí quyến rũ anh rất mạnh.
Và như vậy là giống hệt như cái Hofkriegsrat của Áo ngày trước chẳng
hạn, trong chừng mực tôi có thể xét đoán qua các biến cố quân sự, trên
giấy thì họ đánh tan quân Pháp và bắt Napleon làm tù binh, và trong khi
họ ngồi trong phòng giấy mà tính toán với suy diễn một cách vô cùng sắc
bén, thì tưởng Mark đã đầu hàng cùng với cả quân đoàn ông ta, hê - hê -
hê! Tôi biết, tôi biết anh Rodion Romanovich ạ, anh đang cười tôi, vì
tôi là công chức mà cứ thích lấy dẫn chứng trong lịch sử quân sự. Biết
làm thế nào được, tôi có cái tật là thích việc quân sự và thích đọc các
bản thông báo quân sự chắc hẳn tôi đã chọn sai nghề. Lẽ ra tôi phải đeo
đuổi nghiệp quân sự mới phải. Có lẽ cũng chẳng thành một Napoleon đâu,
nhưng cũng phải lên đến chức thiếu tá hê - hê - hê? Ấy đấy còn bây giờ,
anh bạn thân mến ạ tôi sẽ nói cho anh biết chi tiết việc kia, nghĩa là
cái trường hợp cá biệt ấy: thực tế và nhân tính là điều quan trọng, anh
ạ, và đôi khi nó làm điên đảo sự tinh toán sáng suốt nhất? Ấy, anh nên
tin lời một người già cả tôi nói thật đấy, Rodion Romannovich (trong khi
nói nhưvậy, Porfiri Petrovich tuy chỉ vẻn vẹn ba mươi lăm tuổi, nhưng
quả nhiên cùng trông như già hẳn đi: ngay cả giọng nói của ông ta cùng
thay đổi, người khọm rọm lại), - hơn nữa tôi là người ngay thật… Tôi có
phải là người ngay thật không nào? Theo anh thì sao? Hình như ngay thật
hẳn hoi chứ còn gì nữa: những chuyện như thế mà tôi cứ nói toang ra cho
anh biết, lại không đòi đên bù gì cả. hê - hê ấy thế đấy, tôi xin nói
tiếp: trí tuệ sắc sảo là một điều rất quý; đó có thể nói là một sự tô
điểm của thiên nhiên và là một nguồn an ủi của cuộc sống, và nó có thể
bày ra đủ các trò quỷ thuật đến nỗi một anh dự thẩm tội nghiệp nhiều khi
không biết đằng nào mà lần nữa; vả lại hắn ta còn bị trí tưởng tượng
của hắn mê hoặc nữa, vì hắn ta cũng là người thôi! Nhưng nhân tính lại
cứu trợ cho anh dự thẩm tội nghiệp kia, thế mới chết chứ! Và chính đó là
điều mà lớp thanh niên say mê trí tuệ không nghĩ đến, trong khi "bước
qua mọi trở lực" (như anh đã nói một cách hết sức sắc sảo và tinh tế).
Cứ thử cho rằng hắn lừa dối, - hắn đây tức là con người ấy, cái trường
hợp cá biệt, incognito(3) ấy, - mà lừa dối một cách tài tình, khôn ngoan
hết sức: có vẻ như sắp đắc thắng đến nơi rồi, hắn bắt đầu khoái trá
thưởng thức những kết quả của cái trí tuệ sắc sảo của hắn, thế nhưng
đùng một cái đúng vào chỗ thú vị nhất, đúng vào chỗ giật gân nhất, hắn
lăn ra bất tỉnh. Thì cứ cho là hắn đang ốm, không khí trong phòng có khi
cũng ngột ngạt thật, nhưng dù sao cũng lạ? Dù sao cũng gợi lên một ý!
Hắn lừa dối một cách ưu việt, nhưng lại không biết trù liệu đến nhân
tính. Hiểm nhất là chỗ ấy đấy. Một lần khác, mải say sưa với cái trí tuệ
sắc bén của mình, hắn bắt đầu lòe người đang nghi ngờ hắn, hắn làm như
cố ý tái mặt đi để đùa chơi, nhưng hắn tái mặt một cách quá tự nhiên,
quá giống nhự thật, thế là lại gợi thêm một ý nữa? Tuy thoạt tiên người
kia mắc lỡm thật, nhưng đêm về nghĩ lại, không biết mình có lầm lẫn hớ
hênh gì chăng. Ấy cứ mỗi bước lại như thế mãi: Gì nhỉ; hắn bắt đầu đi
quá bước, hắn đến những nơi không ai hỏi. hắn, hắn luôn mồm nói đến
những chuyện lẽ ra phải im đi, hở ra những câu bóng gió nầy nọ, hề - hề…
rồi lại tự dẫn xác đến hỏi: tại sao chưa bắt tôi đi… hề - hê - hê.
Điều đó có thể xảy ra với một con người hết sức sắc sảo một nhà tâm lý
học và là một nhà văn. Nhân tính là một tấm gương, một tấm gương trong
suốt nhất! Hãy nhìn vào gương mà thưởng ngoạn, thế đấy! Kìa sao anh tái
mặt đi thế, Rodion Romanovich, anh ngạt thở à, hay tôi mở cửa sổ ra nhé?
- Ồ xin ông đừng bận tâm, - Raxkonikov nói to lên, rồi bỗng cười ha hả, - Xin ông đừng bận tâm!
Porfiri dừng lại trước mặt chàng, đợi một lát rồi bỗng cười theo.
Raxkonikov rời đi-văng đứng dậy, trận cười như lên cơn của chàng đột
nhiên ngừng bặt.
- Porfiri Petrovich? - chàng nói to, tách bạch từng tiếng, tuy chân
chàng run rấy chỉ chực khuỵu xuống, - bây giờ tôi đã thấy rõ ông nghi
tôi giết hai chị em mụ già. Về phần tôi, tôi xin tuyên bố với ông rằng
chuyện nầy đã làm tôi phát ngấy lên từ lâu rồi. Nếu ông thấy mình có
quyền truy tố tôi trước pháp luật thì cứ truy tố đi; nếu ông thấy cần
bắt, thì bắt đi. Nhưng cười vào mặt tôi và hành hạ tôi thì không được
đâu, tôi không cho phép ông làm như vậy…
Môi chàng bỗng run lên, mắt chàng lóe lên một ánh căm giận điên cuồng,
và giọng nói của chàng, nãy giờ bị kìm hãm, vang lên lanh lảnh.
= Tôi không cho phép ông làm như vậy! - chàng bỗng quát lên, lấy hết sức
lực giáng mạnh quả đấm xuống bàn, - Ông nghe ra chưa. Porfiri
Petrovich? Tôi không cho phép?
- Ối trời ơi, lại làm sao rồi! - Porfiri Petrovich kêu lên, vẻ hoảng hốt
đến cùng cực. - anh! Rodion Romanovich! Kìa cậu! cậu làm sao thế?
- Tôi không cho phép! - Raxkonikov lại quát lên một lần nữa.
- Khẽ chứ anh bạn ạ! Không người ta nghe thấy mất. họ sẽ đến đây! Biết
nói với họ ra sao. Anh thử nghĩ xem! - Porfiri Petrovich thì thầm, vẻ
hoảng hốt, mặt ghé sát vào mặt Raxkonikov.
- Tôi không cho phép, tôi không cho phép! - Raxkonikov lắp đi lắp lại như cái máy, nhưng bất giác cũng thì thầm rất khẽ.
Porfiri quay phắt đi và chạy ra mở cửa sổ.
- Phải mở ra cho thoáng! Anh uống tí nước, anh bạn ạ, anh vừa lên cơn
đấy! - y toan chạy ra cửa sai bưng nước, nhưng vừa may trong góc phòng
có một cái bình thuỷ tinh đựng nước lã.
- Anh ạ, uống đi - y vồn vã đem nước lại cho Raxkonikov, nói thì thầm, -
may ra sẽ đỡ… - vẻ sợ hãi và ngay cả vẻ thương cảm của Porfiri nữa
trông tự nhiên đến nỗi Raxkonikov im bặt và bắt đầu nhìn ông ta với một
trí tò mò man dại. Tuy vậy, chàng cũng không uống nưức.
Rodion Romanovich! Anh ạ, anh mà cứ thế thì rồi đến phát điên lên mất,
tôi cam đoan như vậy, chà! Kìa anh uống đi! Ít nhất cùng uống lấy một
ngụm!
Hắn ép chàng cầm cốc nước lên. Như cái máy, chàng nâng cốc đưa lên môi,
nhưng chợt trấn tĩnh lại, chàng lại ghê tởm đặt cốc xuống bàn, phải, anh
vừa lên cơn một chút đây! Cứ như nầy thì bệnh cũ của anh lại tái phát
mất đấy anh bạn ạ, - Porfiri Petrovich nói, ân cần như một người bạn:
song vẫn có vẻ hơi hoang mang. - Trời ơi! Anh chẳng biết nương nhẹ mình
tí nào cả? Ngay như Dmitri Prokofich hôm qua có đến tôi. - đã đành tính
tình tôi cay độc, khó chịu thật đấy, nhưng ai lại vì thế mà suy diễn quá
đáng như vậy bao giờ! Trời ơi, hôm qua anh về rồi, Dmitri Prokofich dặn
trong khi chúng tôi đang ăn bữa trưa, cậu ấy nói huyên thiên, tôi không
chen được một câu nào, chỉ đớ người ra mà nghe; ấy, tôi nghĩ… chà, rõ
thật! Có phải anh bảo cậu ấy đến không? Kìa anh ngồi xuống chứ, tôi van
anh, anh ngồi xuống chứ!
- Không, tôi không bảo? Nnưng tôi biết Razumikhin có đến ông, và đến để làm gì, - Raxkonikov đáp xẵng.
- Anh biết à?
- Biết. Thế thì sao nào?
- Thì thế nầy, anh Rodion Romanovich ạ, số là tôi còn biết nhiều kỳ công
của anh nữa kia; tôi biết hết! Tôi biết chuyện anh đi thuê nhà ra sao,
giữa lúc đêm hôm, trời đã tối mịt, anh lại giật chuông, lại nói đến vũng
máu, làm cho mấy người thợ và mấy người gác cổng không còn hiểu ra làm
sao nữa. Tôi cùng hiểu tâm trạng của anh lắm, tâm trạng lúc bấy giờ ấy…
dù sao cứ như thế rồi anh đến phát điên lên mất, thật đấy! Anh loạn óc
mất! Lòng căm phẫn của anh sôi sục lên mãnh liệt, một lòng căm phẫn cao
quý vì thấy mình bị xúc phạm, lúc đầu là số phận xúc phạm đến anh, kể
đến là bọn cảnh sát, thế là anh đâm đầu đến nơi nầy nơi nọ để… có thể
nói là để bắt mọi người nói rõ ra và chấm dứt ngay mọi sự, vì những mối
nghi ngờ ngu xuẩn ấy đã làm anh phát ngấy lên rồi. Có phải thế không
nào? Tôi đoán đúng tâm trạng anh đấy chứ? Nhưng cứ cái lối ấy, anh không
những làm cho mình loạn óc lên mà ngay cả Razumikhin nhà ta nữa. Anh
cũng làm hắn loạn óc nốt; vì cậu ấy tốt lắm, không thể hiểu được chuyện
ấy đâu, chính anh cũng biết đấy. Anh thì có bệnh, cậu ấy thì có đức, và
bệnh của anh rốt cục sẽ lây sang cậu ấy… Anh ạ, lúc nào anh bình tâm
lại, tôi sẽ kể… kìa anh ngồi xuống chứ, tôi van anh. Anh nghĩ đi một
chút, anh trông nhợt hẳn đi; kìa anh ngồi xuống đi.
Raxkonikov ngồi xuống, cơn run đã qua, khắp người chàng nóng hâm hấp.
Chàng sững sờ lắng nghe giọng nói của Porfiri Petrovich đang hoảng hốt
và ân cần săn sóc chàng. Nhưng chàng không mảy may tin lời ông ta nói,
tuy cảm thấy có một xu hướng kỳ lạ muốn tin những lời đó. Những câu nói
bất ngờ của Porfiri về chuyện đi thuê nhà làm cho chàng choáng hẳn người
đi. "Thế ra hắn biết chuyện ấy rồi ư?" - chàng chợt nghĩ - mà lại đem
ra kể với mình!".
- Vâng, trong kinh nghiệm thực tế của chúng tôi đã từng có một trường
hợp gần đúng như thế, một trường hợp tâm lý học, bệnh lý học như thế, -
Porfiri nói liến thoắng. - Có một người tự gán cho mình tội sát nhân, mà
lại gán thế nầy nữa kia: hắn ta dựng ra cả một cảnh tượng hoang đường,
đưa ra những bằng chứng, kể lại cặn kẽ từng chi tiết, làm mọi người
không biết đằng nào mà lần nữa, để làm gì? Quả tình hắn cũng có can dự
vào vụ án mạng nhưng một phần nào thôi, và hoàn toàn không có chủ tâm,
đến khi hắn biết là mình vô tình nối giáo cho bọn sát nhân, hắn đâm ra
buồn phiền, lo sợ đến nói loạn óc lên, tưởng tượng đủ thứ, rốt cục phát
điên hắn hỏi và đinh ninh rằng mình chính là kẻ giết người! Nhưng về sau
toà thượng thẩm khám phá ra vụ nầy, người khốn nạn kia được xử trắng án
và gửi vào nhà tế bần. May mà có toà thượng thẩm. May thậ - ật, chậc -
chậc - chậc! nhưng như thế rồi sẽ ra sao hở anh bạn? Cứ thế có thể lên
cơn sốt nóng khi thần kinh đã quá khích động, rồi đang đêm đi giật
chuông và hỏi những thuyện máu me! Qua kinh nghiệm tôi đã biết tường tận
cái tâm lý đó. Đôi khi nó cứ xui người ta nhảy, từ trên cửa sổ hay trên
gác chuông xuống, và cảm giác ấy có một cái gì quyến rũ lạ thường…
Chuyện giật chuông cũng thế thôi… Do bệnh tật đấy Rodion Romanovich ạ,
do bệnh tật mà ra cả! Anh coi thường bệnh tình của anh quá đấy. Lẽ ra
anh phải hỏi ý kiến một ông thầy thuốc có kinh nghiệm, chứ đừng có bám
lấy anh chàng béo ấy… Anh mê sảng đấy! Những việc anh làm đều do mê sảng
mà ra cả đấy?
Trong phút chốc mọi vật như quay cuồng lên xung quanh Raxkonikov.
"Phải chăng, phải chăng bây giờ hắn vẫn nói dối? - Chàng thoáng nghĩ -
Không thể được, không thể được!, - chàng gạt ý nghĩ ấy đi, cảm thấy
trước rằng nó sẽ làm mình giận sôi lên, nổi khùng lên, và cơn giận có
thể làm mình phát điên được.
- Không phải tôi mê sảng mà làm như vậy đâu, tôi tinh đấy! - chàng quát
lên, trong khi cô vận dụng hết sức xét đoán để nhìn sâu vào thủ đoạn của
Porfiri - Tôi vẫn tỉnh đấy, vẫn tỉnh đấy! Ông nghe ra chưa? Vâng, tôi
nghe, tôi hiểu? Ngay hôm qua anh cũng nói là không mê sảng. Thậm chí còn
nhấn mạnh đặc biệt là không mê sảng! Anh nói gì tôi cũng hiểu hết!
Chà!… Anh nghe tôi, anh Rodion Romanovich kính mến của tôi ạ, đây cứ lấy
một việc nầy chẳng hạn. Ví thử anh quả là thủ phạm hay có can dự vào
cái vụ án chết tiệt nầy thật, thì đời nào anh lại nhấn mạnh rằng mình
làm những việc ấy trong lúc hoàn toàn tỉnh táo, chứ không phải trong cơn
mê sảng? Mà lại cứ khăng khăng một mực nhấn mạnh đặc biệt vào chỗ đó
nữa, - anh thử nghĩ xem, có thể nào như thế được không? Theo tôi thì
hoàn toàn ngược lại mới phải. Ví thử anh có ẩn ý gì thì lẽ ra phải quả
quyết rằng mình đang mê sảng mới đúng! Có phải thế không nào? Thế chứ
gì?
Trong câu hỏi nầy nghe như có một cái gì tinh quái, Raxkonikov né người
lùi sát lưng tựa vào chiếc đi-văng để tránh Porfiri Petrovich đang chồm
vào chàng, và ngỡ ngàng nhìn trân trân vào mặt hắn.
- Hay như về việc Ruzumikhin chẳng hạn, hôm qua cậu ta đến là tự ý mình
hay do anh dặn thế lẽ ra anh phải nói là cậu ta tự ý đến, và giấu chuyện
mình có dặn dò đi! Thế nhưng chính anh có giấu đâu! Anh lại còn nhấn
mạnh rằng chính mình dặn cậu ta đến!
Raxkonikov không hề nhấn mạnh như thế. Chàng thấy lạnh buốt ở sống lưng.
- Ông cứ dối trá mãi, - chàng nói chạm rãi: giọng u uất môi rúm lại
thành một nụ cười đau đớn - Ông lại muốn cho tôi thấy rằng ông biết hết
hành tung của tôi, biết trước tất cả những câu trả lời của tôi, - chàng
cảm thấy mình không còn đủ sức cân nhắc lời lẽ cho kỹ lưỡng được nữa, -
Ông muốn doạ tôi… hay chẳng qua ông nhạo báng tôi…
Chàng vẫn nhìn trừng trừng vào Porfiri trong khi nói, rồi bỗng một cơn giận điên cuồng, vô hạn lại lóe lên trong mắt chàng.
- Chỉ dối trá! - chàng quát lên. - Chính ông cũng biết rất rõ rằng thủ
đoạn lợi hại nhất của kẻ phạm tội là cố sức không giấu giếm những điều
không giấu giếm được Tôi không tin ông đâu!
- Cái anh nầy ngộ nghĩnh thật! - Porfiri cười hì hì, - không biết đằng
nào mà lần nữa; anh có một định kiến gì ăn sâu vào óc ấy. Thế anh không
tin tôi à? Tôi thì tôi xin nói với anh rằng anh tin tôi đấy, anh đã tin
được một phần tư, nhưng tôi sẽ làm cho anh tin tôi cả bốn phần, vì tôi
thành thật mến anh và thành tâm mong điều lành điều tốt cho anh.
Môi Raxkonikov run lên.
- Vâng, tôi mong thế, tôi sẽ nói dứt khoát cho anh biết, - hắn nói tiếp,
khẽ cầm lấy cánh tay Raxkonikov ở phía trên khuỷu tay một chút, - tôi
xin nói rằng: anh phải coi chừng cơn bệnh. Hơn nữa gia đình anh lại vừa
mới đến đây; anh phải nhớ đến họ. Anh nên âu yếm vỗ về cho họ yên lòng
mới phải, đằng nầy anh chỉ làm họ lo sợ…
- Việc gì đến ông? Sao ông lại biết? Việc gì ông phải quan tâm đến thế?
Thế ra ông theo dòi tôi, và ông muốn cho tôi biết như thế?
- Kìa! Thì chính anh cho tôi biết cả, chứ còn ai! Anh không để ý rằng
trong khi nóng nảy anh đã nói cho tôi và cho nhiều người khác biết trước
mọi chuyện rồi sao? Dmitri Prokofich Razumikhin hôm qua cũng cho tôi
biết nhiều chi tiết rất thú vị. A, vừa rồi anh ngắt lời tôi, chứ tôi
muốn nói rằng mặc dầu anh thông minh sắc sảo như thế, nhưng cứ cái tính
đa nghi ảy, anh không còn nhìn sự việc một cách tỉnh táo được nữa đâu.
Đấy cứ trở lại chuyện cái chuông chẳng hạn, một của quý như thế, một sự
kiện như thế (vì đó là cả một sự kiện) mà tôi lại cứ đem ra nói bô bô
lên với anh, tôi, một viên dự thẩm! Thế mà anh không thấy gì à? Nếu tôi
có ý nghi ngờ anh một mảy may, đời nào tôi lại làm như thế! Trái lại,
lúc đầu tôi phải ru ngủ ý đề phòng của anh và giả vờ như không biết việc
nầy, để đánh lạc hướng anh rồi đột nhiên, như bổ sống rìu xuống đỉnh sọ
(theo lối nói của anh), hỏi đốp vào mặt: "Thưa ngài, thế ngài có nhã ý
đến làm gì trong phòng người bị giết lúc mười một giờ tối? Tại sao ngài
lại giật chuông? Tại sao ngài lại hỏi đến vũng máu? Tại sao ngài lại lừa
mấy người gác cổng và rủ họ lên gặp quận trưởng?". Lẽ ra tôi phải làm
như thế mới phải, nếu tôi có chút nào nghi ngờ anh. Lẽ ra phải lấy khẩu
cung anh theo đúng thủ tục, ra lệnh khám nhà và có lẽ giam anh nữa…
Đằng nầy tôi lại không làm như thế, nghĩa là tôi không nghi ngờ gì anh!
Nhưng anh chẳng thấy gì cả, vì anh mất khả năng nhìn sự việc một cách
tinh táo rồi, xin nhắc lại như vậy.
Raxkonikov run bắn cả người lên, thành thử Porfiri Petrovich trông thấy quá rõ.
- Chỉ dối trá! - Chàng quát lên, - tôi không biết chủ ý của ông, nhưng
biết là ông nói dối… Lúc nãy ông nói khác hẳn, tôi không nhầm được đâu.
Ông nói dối!
- Tôi mà nói dối ư? - Porfiri đáp, hình như đã nổi nóng lên, nhưng vẫn
giữ vẻ hết sức tươi cười ngạo nghễ và như thế không hề chấp đến ý kiến
của Raxkonikov đối với mình. - Tôi nói dối ư… Thế vừa rồi tôi xử lý với
anh như thế nào (tôi, một viên dự thẩm), chính tôi mách rõ cho anh tất
cả các phương tiện bào chữa, tôi phân tích cho anh thấy hết cái tâm lý
ấy: "Tôi ốm đau tôi mê sảng, lại bị xúc phạm trong một tâm trạng u uất
như vậy, lại bọn cảnh binh nhũng nhiễu và vẫn vẫn… Hê - hê - hê! Tuy
nhân thể cũng xin nói rằng tất cả những phương tiện bào chữa tâm lý học
ấy, những lý do và những lối chống chế ấy hết sức bấp bênh, mà lại có
hai mặt; ừ thì nói là "bệnh hoạn, mê sảng, chiêm bao, mơ màng, mất trí
nhớ", được cả, nhưng xin hỏi anh, tại sao trong cơn bệnh, trong khi mê
sảng anh chỉ mơ thấy những chuyện ấy thôi, chứ không mơ thấy cái gì
khác. Có thể mơ thấy nhiều chuyện khác lắm chứ? Có phải không nào? Hê -
hê - hê.
Raxkonikov kiêu hãnh và khinh bỉ nhìn hắn.
- Tóm lại, - Chàng nói to và dằn giọng, vừa nói vừa khẽ ẩy Porfiri ra,
đứng dậy. - tóm lại, tôi muốn biết ông có công nhận tôi hoàn toàn ở
ngoài vòng tình nghi hay không, ông nói đi, ông Porfiri Petrovich, ông
hãy nói cho chắc chắn và dứt khoát, và nói nhanh lên, ngay bây giờ!
- Chà, thật là gay go? Chơi với anh gay go thật đấy, - Porfiri kêu lên,
vẻ hết sức tươi cười, ranh mãnh, không mảy may bối rối. - Nhưng tại sao
anh lại phải biết, anh muốn biết nhiều như thế để làm gì, trong khi
người ta chưa hề quấy rầy đến anh. Anh thật như đứa trẻ con: đưa lửa đến
đây, nào nào? Tại sao anh lại phải lo lắng đến thế? Tại sao anh lại hỏi
chúng tôi những câu như thế? Vì lý do gì? Ha hê - hê - hê?
Một lần nữa. - Raxkonikov như điên như dại quát lên:
- Xin nhắc lại rằng tôi không thể nào chịu được nữa cái…
- Cái tình trạng mập mờ nầy chứ gì? - Porfiri tiếp luôn.
- Đừng có trêu gan tôi! Tôi không chịu đâu… Tôi bảo với ông ta là tôi
không chịu! Tôi không thể và không muốn! Ông nghe chưa, nghe chưa? -
Chàng lại nện quả đấm lên bàn lần nữa.
- Kìa khẽ chứ, khẽ chứ! Người ta nghe thấy đấy? Tôi xin nói thật cho anh
biết, anh liệu hồn. Tôi không đùa đâu! - Porfiri nói thì thầm, nhưng
lần nầy trên gương mặt ông ta không còn cái vẻ hốt hoảng và chất phác
hơi đàn bà như lúc nãy nữa; trái lại, bây giờ ông ta ra lệnh hẳn hỏi,
giọng nghiêm khắc, mày cau lại và dường như gạt phăng một lúc tất cả
những thái độ mập mờ bí ẩn trước đây. Nhưng điều đó chỉ thoáng qua trong
chóc lát. Đang bàng hoàng, Raxkonikov điên tiết hẳn lên; nhưng lạ thay,
chàng lại một lần nữa tuân theo mệnh lệnh nói khẽ, tuy cơn giận điên
cuồng của chàng đã lên đến cực điểm.
- Tôi không để cho ông giầy vò tôi đâu! - Chàng thì thào như lúc nãy,
trong giây lát đau xót và căm hờn nhận rõ rằng mình không thể không phục
tùng mệnh lệnh của hắn, và nghĩ như vậy lại càng điên tiết thêm, - Ông
bắt tôi đi, khám xét đi, nhưng xin ông làm đúng thủ tục chứ không được
đùa với tôi! Ông không được…
- Thôi anh đừng lo đến thủ tục làm gì - Porfiri ngắt lời với nụ cười
ranh mãnh như trước và dường như khoái trá ngắm nghía Raxkonikov, - anh
ạ, tôi mời anh đến đây như chỗ người nhà, hoàn toàn đứng trên tình bạn…
- Tôi không thèm cái tình bạn của ông, tôi nhổ toẹt vào! Ông nghe ra
chưa? Bây giờ tôi lấy mũ đi về đây. Ấy bây giờ ông nói sao, nếu ông có ý
định bắt.
Chàng cầm lấy mũ và đi ra cửa.
- Thế anh không muốn xem trò vui bất ngờ à? - Porfiri cười hềnh hệch,
đoạn lại nắm lấy cánh tay chàng ở phía trên khuỷu một chút và giữ chàng
lại ở ngưỡng cửa. Hắn mỗi lúc một thêm vui và thêm vẻ cợt nhả ra mặt,
khiến Raxkonikov không sao tự chủ được nữa.
- Trò vui gì? Cái gì thế - Chàng dừng phắt lại hỏi và sợ hãi nhìn Porfiri.
- Ấy cái trò vui bất ngờ của tôi nó đang ngồi sau cánh cửa kia, hê - hê -
hê! - Hắn giơ ngón tay chỉ cánh cửa đóng kín trên tấm ván ngăn gian
phòng ở của hắn.
- Tôi lại còn khoá cửa lại cho nó khỏi trốn đi kia.
- Cái gì thế ở đâu? Cái gì? - Raxkonikov lại gần cánh cửa, toan mở ra, nhưng cửa đã khoá chặt.
- Khoá rồi anh ạ, chìa khoá đây!
Quả nhiên y rút trong túi ra một cái chìa khoá, đưa ra cho chàng xem.
- Mày vẫn nói láo! - Raxkonikov thét lên, không sao ghìm mình được nữa, - mày nói láo, quân xỏ lá!
Chàng lao vào Porfiri. Ông ta lùi ra phía cửa ngoài, nhưng không chút sợ sệt.
- Tao hiểu hết rồi! - Chàng chồm vào người y. - Mày nói láo, mày có trêu tức tao, để tao tiết lộ ra…
- Nhưng còn có cách nào tiết lộ nhiều hơn thế được nữa hả anh bạn,
Rodion Romanovich. Anh mất tự chủ rồi còn gì. Đừng có quát tháo! Tôi gọi
người vào đây.
- Mày nói láo, chẳng có trò gì đâu! Mày cứ gọi người vào đây! Mày biết
tau đau ốm nên muốn khích cho tao điên tiết lên, để tao tiết lộ ra, mưu
mô của mày là như thế đấy! Không được, mày cứ thử đưa bằng chứng ra đây
xem! Tao hiểu hết rồi! Mày không có bằng chứng nào hết, mày chỉ đoán mò
một cách bẩn thỉu, vô lý, như kiểu thằng Zamiotov! Mày biết tính tao,
cho nên mày muốn khích cho tao nổi khùng lên, rồi đưa một lũ cố đạo, một
lũ nhân chứng ra để làm cho tao hết vía đi chứ gì… Mày đang đợi chúng
phỏng? Mày đợi cái gì? Ở đâu? Đưa vào đây xem nào!
- Nhân chứng gì hở anh bạn! Con người ta thật khéo tưởng tượng! Dù có
theo thủ tục như anh nói nữa thì làm như thế cũng không được, anh bạn ạ,
anh chẳng hiểu công việc tí nào… Nhưng thủ tục không mất đi đâu tự anh
sẽ thấy… - Porfiri vừa lẩm bẩm vừa lắng nghe những tiếng động ngoài cửa.
Quả nhiên lúc bây giờ ngay trước cửa vào, ở phòng bên nghe như có tiếng ồn ào.
- À chúng đến đấy phỏng! - Raxkonikov quát lên. - mày cho đi gọi chúng
đến chứ gì! Mày đợi chúng chứ gì! Mày trù tính… Nào, thì cho cả lũ vào
đây: nhân chứng, đại biểu, mày muốn thứ gì cũng được, nào? Tao sẵn sàng!
Sẵn sàng…
Nhưng đến đây xảy ra một biến cố kỳ dị, bất ngờ so với quá trình diễn
biến bình thường của sự việc đến nỗi cả Raxkonikov lẫn Porfiri Petrovich
đều không sao lường trước được một cách kết thúc như vậy.
(1) Gọn lỏn (tiếng Pháp)
(2) Nhất thiết phải như thế (tiếng Pháp)
(3) Ấn danh (tiếng Ý)