06. Làng
6. Làng
Truyện ngắn của Ngô Thị Trang
Bóng chiều đổ dài trên lớp ngói xỉn màu rêu của ngôi chùa ảm màu cũ kĩ. Lá rụng cong mình đầy sân. Trước cổng chùa sụp hẳn một bên, chỉ còn bức tượng ông Ác đứng đấy vác đao giương mày dữ tợn. mắt nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt. Chẳng biết ông Thiện - bạn tri kỉ của ông Ác đã đi đâu. Người ta quen mắt với sự hiện diện của cả hai ông cho đến một ngày, bức tượng ông Thiện mất đột ngột. Người làng kháo nhau hẳn trận cuồng phong nào đó đã cuốn ông đi mất.
Trước đêm ấy, trời lặng gió !
Tượng ông Thiện được làm bằng thạch cao chứ chẳng phải đồng đen đồng vàng quý giá gì. Nhưng ông Thiện mất tịnh không dấu vết. Làng, lại quen với việc trong chùa chỉ còn ông ác. Ngày trước, chùa nổi tiếng thiêng trong vùng. Ai đi xa, về gần đều sắp lễ lên chùa cầu khấn. Người ta coi chùa chiền là nơi thanh tịnh xoá mọi lỗi lầm, là nơi bấu víu cuối cùng cho niềm tin. Từ khi những bức tượng đồng trong chùa không còn, cổng chùa lở lộ gạch bên trong thì chùa vắng hương khói hơn. Tượng đồng không còn, người ta bảo chùa không còn thiêng như trước nữa.
Bà Mùi là người duy nhất ở lại chùa quét tước và dọn dẹp. Con cái đón bà về chăm sóc nhưng bà khăng khăng không chịu. Suốt ngày, bà chỉ quanh quẩn trong vườn dương liễu trước chùa, tha thẩn nhặt từng cái lá khô hay lúi húi quét quét mà chẳng cần biết có bụi hay không. Và người ta bảobà lẩm cẩm. Những đứa trẻ nghịch ngợm thường lấy gậy mà trêu chọc bà. Mắt bà kèm nhèm và chẳng thể nhận ra được con cái nhà ai thế nên bà chửi vung lên và lũ trẻ lấy đó là trò cười. Chỉ đến khi tôi chạy ra quát cho một trận, chúng mới bấm nhau bỏ chạy.
Tôi cũng là người duy nhất hiểu đầu đuôi những lời nói một mình, những câu tưởng chừng như vu vơ không đầu không cuối là những đoạn rời rạc, không liền nhau về một câu chuyện nào đó. “Năm ấy, làng loạn âm binh, người chết vãn cả…Làng vắng…”. Làng bây giờ cũng vắng, không phải do loạn âm như cái năm nảo năm nao nữa. Người làng đi làm ăn xa nhiều, phụ nữ, thanh niên, mạnh ai nấy đi. Người có tiền thì đi lao động xuất khẩu nước ngoài, người không có tiền thì vào Nam làm ăn viễn xứ hoặc lên biên giới buôn hàng Trung Quốc. Cũng có người đi đào vàng mãi tận Lạng Sơn. Hai ba năm nay, làng lên phố. Nhà cao tầng mọc san sát, cái nọ ngoi cao hơn, to hơn cái kia một tí.
Dì Liên tôi cũng là một trong những người đi lao động xuất khẩu đầu tiên ở cái làng này. Khi ấy, thẳng Tí mới cai sữa dứt. Dì gửi thằng Tí cho mẹ tôi chăm sóc. Mẹ tôi ngắn dài nước mắt ngăn cản những dì không chịu. Dì bảo “ Biết làm gì để sống. Không lẽ cứ chịu cơ cực thế này mãi. Em cũng muốn sau này con mình lớn lên bằng bạn bằng bè... nhưng cứ ở nhà ngồi ôm con thì…” Dì vốn là người táo bạo và liều lĩnh nhiều khi đến bất cần chứ không nhu mì như mẹ tôi.
Ông ngoại tôi mất khi bà vừa sinh dì được có mấy ngày.Vậy là bà tôi bị đuổi về nhà mẹ đẻ. Rồi đến mẹ tôi, không hiểu do nghiệp chướng hay lời nguỵền nào dành cho những người đàn bà trong họ nhà mẹ tôi - mà mẹ tôi cũng phải chịu cảnh như bà ngoại. Tôi mồ côi bố từ khi lên ba. Mẹ mang tôi về ở với dì và bà . Đến lúc này, những người phụ nữ goá sống trong căn nhà nhỏ cuối làng với ánh mắt kì thị, bị mọi người coi là có số sát chồng. Dì tôi đẹp nhất làng nhưng đám thanh niên chỉ đứng ngoài thèm thuồng mà không ai dám mang cau trầu đến. Bà tôi mất khi biết tin dì “không chồng mà chửa”. Dì không khóc hay than vãn một lời như thể đã chuẩn bị tất cả để chấp nhận. Thậm chí không thèm cúi mặt khi gặp những lời đàm tiếu. Mẹ với dì, hai người cô phụ sống với nhau lầm lũi. Mẹ mở tiệm may nhỏ chỉ đủ cho cuộc sống tằn tiện qua ngày. Tôi vẫn nhớ những đêm mưa lớn, mẹ ngồi ôm tôi nhìn nước nhỏ tong tong vào chiếc chậu đặt giữa nhà.
Thằng Tí chưa đầy tuổi đã phải xa mẹ, nhớ hơi mẹ khóc ngằn ngặt. Có hôm, nó khóc quá mẹ tôi lôi bầu vú của mình cho nó nhay. Tuy chẳng có giọt sữa nào những dường như bầu vú mang lại hơi mẹ, thằng Tí cứ thế ngậm vú ngủ ngon lành. Mẹ ru nó mà giọng nghẹn đặc nơi cổ họng “Trời mưa bong bóng phập phồng…”. Có hôm mẹ đi vắng, tôi ở nhà bế ẵm, nó đói quá khóc mãi, tôi đành bế nó xuống nhà thím Hanh, vợ chú Tùng- hàng xóm ngay sát nhà tôi xin bú nhờ. Chú Tùng bế thẳng bé trong lúc đợi vợ cho con mình bú, chẳng hiểu vì đói hay vì sao, thằng Tí nhay nhay luôn vào cái đầu ti đàn ông. Chú Tùng người thấp đậm, lực lưỡng, ngực vồng đỏ. Thằng Tí nhay nhột quá nhưng dứt ra thì nó khóc nên cũng đành kệ chiều theo ý nó. Thằng bé nhay một lúc thì hớn hở đùa và không khóc nữa. Từ đó nó không còn bú tí đàn bà mà chỉ thích mút ti chú Tùng. Đến bữa, nó không chịu ăn cơm ngay mà vác cái bụng ỏng chạy ra ngõ “Con xuống bú ti ông Tùng đã..!”. Trời nóng, chú Túng vừa đi làm về, mình mẩy đỏ lừ và còn đang mướt mồ hôi nhưng thằng bé cứ xà vào lòng “Ông ơi, con đói !”.Người đàn ông đã quen với trò nũng nịu của thằng bé. Mặc chú Tùng ngồi thái rau, nó len vào lòng mút ti một chặp rồi về ăn lưng cơm và lăn ra ngủ. Có bận, chú về muộn, đến nhà thấy nó đã ngồi đợi từ bao giờ trên bậc cửa.
Gia đình chú Tùng là gia đình duy nhất trong làng chẳng hề sốt ruột trước việc người làng đi nước ngoài như trẩy hội. Có bận, có hẳn một công ty môi giới về làng tuyển phụ nữ đi làm người giúp việc ở Đài Loan, chú nhìn thím Hanh bảo “Hay mẹ nó đợt này đi !”. Thím Hanh liếc xéo “ Tôi đi để bố con anh ở nhà thì có biết ngay đấy !”. Chú cười vang. Bao nhiêu ruộng người làng bỏ hoang, nhà chú thím nhận thầu hết, rồi hì hụi đào đất đắp bờ lập trang trại. Chú vốn là người hiền lành chất phác, phải cái hơi cục tính một tí. Có lần, chú vác đòn gánh đuổi thím Hanh khắp đồng. Thím Hanh nhỏ người, lẻo miệng như con chèo bẻo, vừa chạy vừa la làng lại còn kể lể. Hôm ấy, cả làng được trận cười vỡ bụng. Được một lúc hai vợ chồng lại dắt nhau về. Hôm sau lại mình mình em em ngọt xớt. Làng này vốn vậy, người ta ít đi ra ngoài nhưng sống với nhau hiền lành, cũng có những đứa con cãi bố rồi đội roi quỳ trước cửa xin lỗi. Cũng có những lúc chồng đánh vợ nhưng qua một đêm lại làm lành.
Dì Liên đi gửi tiền về, bảo mẹ tôi xây nhà, nhưng được bao nhiêu mẹ tôi com cóp cả. Nhà tôi tuy chẳng khá giả gì nhưng nghề may của mẹ cũng đủ cho hai mẹ con trang trải. Còn tôi, hết lớp 9, tôi ở nhà học may và mở thêm quán nước, thêm vào vài chia bia, ai ngờ lại đắt hàng. Cũng nhờ cái quán bia, tôi thành kẻ biết nhiều tin chợ. Những gã đàn ông vắng vợ trong làng cứ chiều chiều lại ra đây tụ tập tán dóc những chuyện tận đẩu tận đâu. Có khi họ theo dõi thị trường lao động, đi Inđô hay đi đảo Síp, lương vợ lương con độ này bao nhiêu.
Chiều nay, Minh khoe ra chiếc điện thoại khiến cả nhóm ồ, à ngỡ ngàng.
- Anh Minh chơi sang nhỉ? Có điện thoại cầm tay nữa cơ đấy?
- Sang gì chứ? Sắm một cái để liên lạc với vợ ấy mà.
Họ truyền tay nhau chiếc điện thoại nhỏ, sau đó là bữa khao ầm ĩ hết chai này đến chai khác cho đến khi tối nhập nhoạng mới chịu về. Có người ngà ngà say, qua chỗ gốc đa đầu làng định xả luôn ra đấy bị bà Mùi vác gậy đuổi, chạy không kịp bị bà vụt cho tím chân. Rồi bà lại bắt đầu lảm nhảm những câu chuyện không đầu không cuối. Mấy lần như thế, cánh đàn ông sợ, không ai dám xả bậy bạ gần miếu làng. Bà Mùi cứ như thần giữ chùa. Họ kháo nhau thế. Và họ bảo bà bị dở hơi, không dở hơi mà suốt ngày quanh quẩn bên cái chùa cũ nát ấy.
Dì Liên tôi về. Cả làng đổ đến xem chật nhà, người đến xem chia vui, kẻ đến vì hiếu kì, xem sau chừng ấy năm ăn cơm Tây dì khác bao nhiêu. Quả thật, ngay cả tôi nếu không biết trước cũng không nhận ra dì được nữa. Dì béo ra và trắng phốp pháp, trông trẻ hơn ngày còn ở nhà. Dì lại tươi tắn chứ không còn vẻ ủ rũ u sầu như trước nữa, duy chỉ có đôi mắt là vẫn thế-lúc nào cũng long lanh như có sẵn nước ngân ngấn. Dì rót nước luôn tay và trả lời câu hỏi của từng người. Tôi loay hoay với những thức quà lạ. Chỉ có thằng Tí vẫn đứng trong buồng ngó ra một cách lạ lẫm. Đôi mắt nó mở to nhìn dì như còn muốn hỏi “Mẹ mình đây thật ư?”. Lúc mẹ tôi đẩy lưng nó và bảo “Ra với mẹ đi! Mẹ cháu đấy!” Dì Liên đợi chờ đầy cảm động. Giọt nước mắt trào khỏi mi. Thằng Tí đứng hoài nghi rồi chạy lại níu áo mẹ tôi: “... bá... bá…”. Suốt từ lúc ấy, nó không nói, chỉ nhìn dì. Với nó, dì quá xa lạ . Nó quá quen với người mẹ nó hoàn toàn tưởng tưởng qua những lá thư.Có lúc nó hỏi mẹ tôi “Sao mẹ con không ở nhà với con như bá ở nhà với chị Mi ? ”
Mãi khuya, moị người đã về hết, dì mới nhẹ chui vào trong màn thì thằng Tí đã ngủ say từ bao giờ. Nó trốn xuống nhà chú Tùng ngủ ở đó, dỗ thế nào cũng không chịu về nên phải đợi lúc nó ngủ mệt, chú Tùng mới bế nó trả về nhà tôi. Dì ôm nó, hôn lên mái tóc khét nắng của nó, hôn liên hồi lên đôi má phúng phính như thể cho thoả nỗi nhớ:
- Ôi con tôi... Mẹ đã về đây mà..Mẹ sẽ bù đắp cho con tất cả…
- Ngày nào nó cũng ngóng mẹ về.... Có lẽ dì đi lâu quá nên thằng bé không nhớ thôi. Thì khi dì đi nó còn bé tí thế.
- Tội nghiệp con… Cũng tại em, em là mẹ mà bỏ nó từ khi còn đỏ hỏn như vậy…Trước kia em không chăm sóc tốt cho nó. Nhưng em sẽ cố gắng bù đắp thêm cho những gì thiếu thốn về tình cảm mà nó phải trải qua… Em định bàn với chị sẽ bán căn nhà này đi, hai mẹ con chị lên phố ở với mẹ con em.
Đó là căn khang trang mà dì nhờ mẹ tôi mua hộ từ ngày còn ở nước ngoài.
- Không! Dì cứ đón thằng Tí lên đó. Mẹ con tôi ở đây quen rồi. Với lại phải có người ở lại hương khói cho bố mẹ nữa chứ.
Đêm ấy , mẹ tôi thức trắng cùng dì để kể lại những nỗi khổ từ ngày xưa.
Dì đón thằng Tí nhưng nó nhất quyết không chịu. Mới có tí tuổi đầu mà lấy quà dỗ nó cũng không đồng ý. “Con không đi với người này đâu !”-Nó chỉ vào dì Liên và bảo thế. Dì Liên ôm, nó đẩy ra. Dì vừa giận nó, vừa tự trách mình. Mẹ tôi đành bảo:
- Thôi, dì về có mẹ có con thế là cũng đã tốt lắm rồi. Cứ để nó ở đây với tôi cũng được. Dì còn trẻ, xem ai thương thì lấy đi….
- Thế còn chị, chị định thế nào..định ở goá cả đời vậy sao?
- Tôi khác…Tôi còn mồ mả bố cái Mi phải chăm, hơn nữa tôi sống thế này tạm ổn rồi, muốn nuôi cháu nó lớn khôn. Mẹ nhìn tôi nhưng tôi cố quay đi. Tôi biết mẹ sợ tôi sẽ oán giận mẹ như chuyện lần trước.
Có một dạo, tôi thường thấy làm ngạc nhiên khi thỉnh thoảng trở mình tôi chỉ thấy còn tôi với thằng Tí còn mẹ đã biến đâu mất. Đêm. Tôi quờ tay ôm thì thấy phía giường mẹ nằm trống rỗng. Chờ mãi mươi phút sau tôi mới thấy mẹ nhẹ nhàng vén màn chui vào. Trên người còn toả ra hơi sương lành lạnh. Tôi quay mặt vào trong tường lặng lẽ khóc mà mẹ không biết. Nghe mẹ nén tiếng thở dài trong ngực. Rồi mẹ trằn trọc tới sáng.
Tôi không nói với mẹ lời nào. Mẹ chỉ thấy tôi lậm lừ mặt nặng mày nhẹ nhưng cũng chẳng biết lí do. Rồi một hôm, khi mẹ vừa trở về thấy tôi đang ngồi chống cằm đợi ngay trước cửa, mẹ giật mình sững lại. Dưới ánh trăng mờ, khuôn mặt mẹ thất thần như xấu hổ với tôi. Mẹ líu giọng “ Mẹ... mẹ… xin lỗi!”. Tôi không nói, bỏ vào trong nhà. Phải qua một quãng thời gian dài tôi mới chịu làm lành với mẹ. Từ hôm ấy, lần nào tôi thức giấc cũng thấy mẹ nằm bên. Nhưng sáng ra ra, gối mẹ có khi đẫm nước mắt. Tôi biết mình ích kỉ nhưng tôi không muốn chia sẻ mẹ của tôi cho bất kì người đàn ông nào khác. Tôi sợ mẹ đi lấy chồng, tôi sẽ ở với ai. Tôi bị bỏ rơi như thằng Tí. Có lẽ dì đã gợi nhớ chuyện lần ấy trong mẹ nên mẹ mới nói vậy. Tôi biết, dì chịu đựng những cực nhọc vất vả những năm vừa qua nơi xứ người cũng chỉ vì mong sau này thằng Tí sẽ có đầy đủ mọi vật chất, sẽ được sung sướng và dì coi đó là sụ bù đắp phần “bố” mà dì không thể cho nó. Nhưng chính dì đã khiến hố rộng về tình cảm trong lòng nó ngày càng ăn sâu.
Di Liên lại đăng kí đi lao động tiếp. Trước lúc dì đi, thằng Tí ôm lấy dì gọi mẹ. Dì cảm động thơm lấy thơm để lên má, lên tóc nó. Dì vừa đi khỏi thằng Tí níu tay mẹ tôi :
- Con gọi bà ấy bằng mẹ rồi, tối nay cho con xuống ông Tùng bống ngủ cơ!
Mẹ tôi lặng lẽ gật đầu. Đó là sự thoả hiệp giữa mẹ tôi và thằng bé. Sau dì Liên, nhiều người trong làng về, ai cũng thay đổi cả và có thêm tiền. Những người đàn bà đứng trước cửa nhìn ra cánh đồng ánh mắt ngại ngần. Những tiếng thở dài lặng lẽ, tiền sẽ hết nhưng người còn phải sống.
Anh Minh không còn mang đồ ra khoe nữa, anh bảo:
- Chắc tôi chỉ còn ngồi uống với các ông trận này nữa. Tôi sắp vào Nam.
- Thế à? Mua đất trong ấy ư?
- Không! Tôi theo đám thợ xây làng bên vào đấy làm ăn.
Họ không muốn bàn tán nhiều nhưng lời đồn thổi trong làng lan đi nhanh, ai cũng biết chị Luyến vợ anh hết hạn lao động mà không về. Chị chỉ gửi về lá đơn xin li hôn. Đứa con gái lên 9 gửi cho ông bà ngoại. Anh Minh vừa vào Nam vài tháng thì chị về. Hoá ra, ở bên ấy chị đã phải lòng một cậu trai kém vài tuổi. Chị mặc cái váy rộng xoà trông đẹp lắm, hai con mắt lúng la lúng liếng chẳng có vẻ gì của người từng lội đồng lội ruộng. Đi đến đâu, nước hoa thơm lựng. Rồi chị đi với người tình và biệt tích trên thành phố.
Chùa làng được trùng tu lại. Những bức tường xập xệ được xây mới, tượng được đắp, bát hương thay mới. Trong sân trồng hai cây đại hoa vàng. Hôm chùa làm lễ nhập thần thì có người đàn bà lạ trùm kín mặt bằng tấm vải đen, hay mặc quần áo đen và ít nói về xin ở trong chùa. Đó là sự kiện lớn nhất trong làng còn gây ồn ã. Người ta bàn tán, đoán non đoán già xem ai có lòng hảo tâm bỏ tiền dựng lại chùa. Người đàn bà kia sao lại về đây xin ở ẩn. Làng lại lắng xuống, những người đàn ông ra quán ngồi uống bia và tán gẫu cũng thưa dần. Trên phố huyện, giờ có nhiều quán xá thú vị hơn. Tối tối, đèn xanh đèn nhỏ lấp láy các quán cà phê, có cả đèn lồng đỏ treo trước cửa. Họ thích tới đó hơn. Đêm đêm, trong chùa văng vẳng ra những tiếng rì rầm không rõ là tiếng rên hay tiếng khóc.
Tôi ngồi trông ra đồng, cái hồ rộng nhà chú Tùng như mặt gương lớn phản chiếu ánh nắng chói chang. Chú Tùng vẫn chiếc áo lao động mỏng đang xắn đất đắp bờ cao lên. Hai vợ chồng vừa làm vừa chọc nhau cười vui vẻ, thằng Tí nhảy chân sáo gần đó chơi với con nhà họ. Giờ, bao nhiêu người trong làng lại ghen với hạnh phúc ấy.
Bà Mùi vẫn nhặt từng chiếc lá khô nhét vào bao một cách chậm chạp như sợ nhặt nhanh, hết lá rụng rồi bà chẳng còn biết làm gì nữa.
Cuộc sống nhàm chán khiến tôi muốn đi, đi để biết đến cái gì đó khác ngoài những ngôi nhà giống nhau, những khuôn mặt giống nhau. Tiếng máy khâu của mẹ vẫn dập xuống như đang găm vào trong tôi nhàu nhĩ.
Dì Liên điện về, bảo lãnh tôi sang Nga làm ăn với dì. Dì đã lấy chồng bên đó và muốn kéo tôi đi. Ngày tôi ra sân bay, mẹ mệt mỏi nhìn theo, cái nhìn đã khô nước mắt. Hai mươi ba tuổi, tâm hồn tôi bị nhốt trong những điều quẩn quanh đã thấy bên gốc đa mái chùa này. Giờ đến lúc giải phóng cho nó.
Sang đó, tôi cũng quen với cuộc sống mới nhanh chóng. Làng mờ dần trong kí ức tôi. Chỉ thỉnh thoảng, đêm đến, tôi quờ tay tìm mẹ theo thói quen, lại nhớ hơi sương lạnh đêm nào. Đáng lẽ, lúc ấy tôi hiểu cho mẹ hơn thì bà đâu đến nỗi mòn mỏi cô đơn như bây giờ.
Mẹ gọi điện bảo người đàn bà bịt mặt đen ở chùa làng đã mất. Hôm trước mưa, bà ta cảm không ai biết. Làng làm ma, lúc thay áo quan mới biết đó là vợ anh Minh, nhưng chẳng hiểu sao khuôn mặt bị biến dạng, vừa cháy xém vừa lở sùi đáng sợ. Người làng hắt hủi và ghét chị ta ra mặt nhưng khi được ông trưởng thôn cho biết, chị Luyến cũng chính là người bỏ tiền ra xây lại chùa làng thì mọi người chẳng ai nói gì nữa. Những cái nhìn nhau thở dài nặng trĩu.
Những câu chuyện vụn vặt ở làng, chẳng thể nào chắp vá nổi. Bà Mùi chết, người ta vào buồng lấy quần áo làm ma cho bà mới thấy tượng ông Thiện kê góc buồng. Chẳng ai biết tại sao bà lại đưa ông Thiện về đây và bằng cách nào bà mang được bức tượng nặng nhường ấy mà không ai biết.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện loạn âm binh của bà Mùi. Lẽ nào… Hay là loạn dương binh thì người ta đi tứ xứ…
Làng vắng người!...