16. Giấc mơ chợ nón làng Chuông
16. Giấc mơ chợ nón làng Chuông
Truyện ngắn của Lê Thùy Vân
... Trong mơ gã thấy phiên chợ Chuông có một cái nón khổng lồ, bên trong chiếc nón khổng lồ ấy là những quầy nón mỹ nghệ, trong đó có những chiếc nón được gã vẽ lên, rồi những chiếc nón như búp bê matrioshka của Nga mở ra có nhiều nón nhỏ bên trong... Khách du lịch tứ phương tràn ngập phiên chợ đổ về mua, những chiếc nón không phải để đội lên đầu ra đồng, úp xuống hay ngửa lên xin từng đồng từng cắc ở khắp nơi, nó đã trở thành món quà du lịch ý nghĩa cho khách thập phương... Và rồi những tour du lịch dẫn khách du lịch về xem tràn ngập những con đường gạch rêu đỏ...
Nàng chậm rãi khuấy ly trà lài, chậm rãi châm thêm đường, chậm rãi đưa muỗng lên, chu chu cái miệng xinh xinh nếm trà, chậm rãi hạ muỗng xuống cái đĩa với những họa tiết màu xanh, chậm rãi thả từng từ rành rọt vào tai gã họa sĩ:
- Chia tay nhé!
Cái miệng xinh xinh của nàng chun ra hớp một ngậm trà, rồi lại từ tốn nhìn gã như cố để giải thích.
-Không có lý do gì, chỉ là em không tìm thấy em trong thế giới của anh, chỉ là có anh rồi em vẫn thấy cô đơn, em cần hơn thế nữa...
Gã để nàng đi, nhẹ bẫng.
Qua ô kính khung cửa gỗ mục nhìn bóng nàng gầy, mỏng bước lên chiếc mercedes mui trần mở sẵn cửa chờ nàng lẩn khuất nơi những ánh đèn vàng mắc nhăng nhẳng trên những tàn cây sấu già trơ lá sang đông... Gã lê khỏi quán. Đi như vô thức gã cũng lết về được chung cư gã thuê trong một con hẻm. Chung cư đóng cửa, gã ngồi thụp nơi kệ tường rêu. 12 tiếng chuông nhà thờ Cửa Bắc ngân nga hút vào đêm... Gã thiếp đi trong tiếng chuông nhà thờ bảng lảng ấy...
Gã choàng mở mắt khi thấy chân nhàm nhạp ướt, con Nô của mụ Lịch béo, buổi sớm mụ dắt đi dạo đang hồn nhiên nghếch chân tè vào chân gã... Dẫn con Nô đi, không một lời xin lỗi, mông mụ đánh nẩy nẩy, dội lại tiếng nói “Đi “ngựa” cho lắm vào rồi ngủ bụi... mát mặt nhể”...
***
Chiếc Win lao vùn vụt về hướng Tây, gã cũng không định hình được sẽ đi đâu. Cứ đi vậy thôi. Những cơn gió ngoại thành sẽ làm gã dễ chịu hơn. Xe lao trên đê, ngược sông Đáy, hai bên đê là những cánh đồng ngô trải dài tít tắp. Đông xám xịt trên những đọt ngô. Bỗng một bàn tay vẫy gã. Một cô gái trong chiếc áo ấm rộng thùng, tóc cột tó ngựa vểnh lên. Giọng lanh lảnh
- Xe ôm! Ôm!!
Gã phanh xe kít lại. Cô ả hồn nhiên trèo lên ngồi sau xe gã.
- Chạy thẳng, đến đoạn hai bên đê thấy phơi những chồng lá nón rồi rẽ phải, chạy thẳng, rẽ phải, rẽ trái, rẽ trái...
Cô ả liến thoắng chỉ đường. Gã chẳng nói năng gì, rồ ga chạy. Bỗng cô ả đập đập vào vai gã:
- Dừng!
Gã phanh xe kít lại như một cái máy. Cô ả nhảy phóc lên phía trước như một con sóc, đôi mắt to tròn, đầy ngạo nghễ nhìn gã:
- Nhiêu?
Gã nhìn cô ả không nói.
Cô ả dơ 2 ngón tay, rồi 3 ngón tay, rồi 3 ngón tay với nửa ngón, rồi 4 ngón tay... Rồi cô ả hét lên “Đây đến đó 40 nghìn anh còn không đi, chém đẹp đấy nhỉ?”... Cô ả đai cái miệng chanh chua nói rồi phăm phăm đi! Đột nhiên cô ả quay lại toe toe cười nhét vào tay gã 4 đồng xu 500 lẻ “Trả anh đoạn đường vừa rồi”.
Tó tóc cột đuôi ngựa vung vẩy trong gió.
Gã nhếch cười. Từ nhỏ tới lớn gã rất ghét những đứa con gái đôi co kỳ kèo thêm một bớt hai khi mua hàng, mặc dù gã chưa bao giờ bán gì ngoài bán tranh, mà bán tranh thì ít khi người ta trả giá mà những người trả giá thì gã lại không bán.
Gã lao xe đi mà chẳng mất một giây đắn đo suy nghĩ... Đến được đoạn đường hai bên đê phơi những lá nón... Hiện ra trước mắt gã là phiên chợ Chuông với ngàn ngàn những chiếc nón trắng muốt được xếp đống bên cạnh là chùa Chuông rêu phong cổ kính, tất cả trông như một bức tranh được sơn phết nhiều màu... Gã hỏi một người đàn bà bán nón, giá một chiếc nón bao nhiêu. “10 nghìn”. Người đàn bà trả lời.
- Một ngày làm được bao nhiêu cái? Gã lại hỏi
- 1 cái.
Gã hỏi nhiều người đàn bà bán nón thì hầu như câu trả lời cũng như vậy. Xẹt xẹt xẹt qua những chồng nón gã thấy đứa con gái tó tóc đuôi ngựa đang ngồi cạnh một bà già bày bán những quần áo gụ, miệng vẫn liến thoắng nói, liến thoắng ăn bánh đa. “Hừ! Giữa ban ngày ban mặt, con gái con đứa gì lại chồm hỗm ăn quà vặt thế kia”. Gã lắc đầu bỏ đi.
Trưa, mặt trời tênh hênh đỉnh đầu. Gã đi theo một bà còng, một tay chống gậy, một tay ôm mé hông 3 chiếc nón ế. Người ta bảo cứ đi theo mông bà còng này, sẽ đến được nhà một nghệ nhân già, có 2 cô con gái xinh đẹp nhất Chuông, chằm nón đẹp nhất Chuông”. Nghe kể, bà còng mắt tèm nhem nên chằm nón xấu nhất xứ Chuông vì vậy mỗi phiên chợ nón, bà quẩy nón lên rồi lại quẩy nón về.
Bà còng đi qua những ngôi nhà có những bức tường gạch không tô, màu đỏ chót, lốm đốm rêu, gặp một đình làng, bên đình có một cây đa già, đi theo con hẻm bên hông cây đa, bà còng rẽ vào một ngôi nhà như cái hộp diêm được lợp bằng lá cọ. “Cậu nhìn đối diện, đó chính là nhà cô gái chằm nón đẹp nhất xứ Chuông này”.
Gã bỏ ra 50.000 đồng mua 3 chiếc nón ế của bà còng. Bà còng nguây nguẩy:
- Em bán một chiếc thôi – 7.000 đồng
- Vâng, con gửi tiền bà ăn trầu vậy
- Thế thì được! Em... xin.
Bà còng hình như cả đời chỉ biết xưng “em” với tất cả lũ đàn ông nhận tiền rồi cười vung vãi dớt dãi trầu đỏ au...
Gã cột chiếc nón xấu xí của bà còng vào yên xe rồi bước vào ngôi nhà 5 gian cổ kính, xung quanh tường phủ rêu xanh, có cái cổng bằng gỗ, dây leo mọc nhằng nhợ. “Một ngôi nhà đầy chất thơ” gã nghĩ trong đầu. Con chó lông xám khoanh tròn nằm buồn hiu bên chiếc chạn gỗ, thấy gã, ư ứ lên mấy tiếng rồi cụp mắt lại. Có lẽ nó quen với việc khách tứ phương đến mua nón nên không sủa. Bước thêm vài bước gã thấy các nguyên liệu làm nón được bày biện ở gian trái. Không khí có vẻ hoang lạnh, xiên qua những cây cột gỗ màu nâu trầm lộ ra tấm vai con gái mảnh khảnh với mái tóc dài buông thõng. Một bờ vai mảnh khảnh, một mái tóc dài xưa nay luôn làm gã có xúc cảm mạnh. Chả gì gã cũng là một họa sĩ mà!
- E hèm...
Tiếng của người đàn ông ở gian phải làm gã giật mình. Cô gái với mái tóc dài nghe tiếng động quay lại nhìn gã, khuôn mặt không được như những gì mà gã tưởng tượng. Thì ra đẹp nhất một thôn, vẫn chỉ là đẹp nhất của một thôn thôi, thua xa con gái Hà thành, gã nghĩ.
- Dạ, cháu muốn mua nón!
- Không bán!... người đàn ông nói rắn đinh, giọng đầy khó chịu.
Gã im lặng.
- Nói thật đi! Nghe người ta bảo nhà này có hai đứa con gái đẹp, muốn đến đây tăm tia hả?
Gã vẫn im lặng.
Người đàn ông phá lên cười đầy khinh mạt.
- Ra khỏi nhà tôi ngay!
Gã vẫn im lặng
- Không đi! Hừ! Lì! Thế thì ngồi xuống! Tao thích mấy thằng lì... Ngày xưa tao cũng là một thằng lì nhất xứ Chuông này... ông già vợ đuổi kiểu gì tao cũng cứ ngồi lì vậy... hê hê hê...Nhờ lì mà tao “cua” được gái đẹp nhất xứ Chuông này đấy...
Ông ta nói rồi đưa những ngón tay nhăn nheo rút chiếc nút chai rượu, ném ra một xó, chiếc nút chai bung ra lớp lá chuối bốc mùi âm ẩm mốc, nốc một ngụm rượu, ông cười ha ha. Điệu cười vang khàn làm con chó lông xám gừ gừ lên rồi lại cụp mắt lại, chắc nó cũng đã quá quen với cảnh tượng này, gã nghĩ vậy. Ông ta uống một ly, rót cho gã một ly... cứ như vậy, như vậy...Rồi ông ta lèm nhèm chửi đổng. Trong những câu chửi đổng, ông lôi chuyện con Lụa, con Thắm hình như là hai cô con gái cưng của ông, mà theo ông ta là đẹp như hoa Lan, hoa Huệ, mà đẹp thì sướng cái thân, đầu tư cho sắc đẹp sướng hơn đầu tư làm nón cả một đời... Ông ta lại rên lên cười ha ha... Tự dưng lúc ấy con chó lông xám bỗng ngồi dậy vẫy vẫy đuôi chạy ra đầu ngõ. “Ngạc nhiên chưa” gã phải dùng câu quảng cáo của bột giặt Tide trong hoàn cảnh này. Đứa con gái chanh chua có tó tóc đuôi ngựa xuất hiện. Trên tay lỉnh kỉnh đồ mua sắm cho ngày tết. Chẳng thèm quan tâm tới cái đống thù lù là gã đang ngồi uống rượu trong nhà mình với khuôn mặt đỏ dựng. Ả hạ đồ xuống. Xách một chai rượu, tiến lại phía người đàn ông ấy.
- Hôm nay bà Tòng có nấu rượu gạo, con mua thêm cho thầy này...
Quái lạ. Bố nát rượu, con không ngăn lại, còn tiếp thêm rượu. Người đàn ông miệng nhều nhại nhãi mép cứ ứ ư. Rồi đột nhiên ông ta đọc thơ pha chút ca trù.
những chiếc nón rách
những chiếc nón mê
theo ai ra đồng
theo ai gồng gánh
theo ai vỉa hè úp bát cơm thừa
theo ai cổng chùa ngửa dăm bạc lẻ
em ngửa nón trắng muốt dưới nắng hanh – tìm gì
ra đình ngả nón trông đình
đình bao nhiêu ngói thương mình – thương mình – là mình – là mình
đâu rồi cái thuở - là ai
chúng mày ơi
ơi chúng mày
không con dân nào của làng Chuông tự hỏi:
nón làng Chuông đẹp nhất xứ
ngõ làng Chuông gạch rêu phong đỏ
đẹp đến mê hồn
mà người làng Chuông nghèo nhất xứ?
vì sảo
vì sao
hỡi các vì sao...
Gã nhìn vào mắt người đàn ông ấy, đôi mắt già nua với những màng đục vô hồn, lải nhải lại lời thơ của ông ta rồi gục xuống phản...
Tối đó vì quá chén gã đã phải ngủ lại nhà người đàn ông ấy trên chiếc phản gỗ.
Gà te te gáy, gã tỉnh dậy, chợt thấy người đàn ông ấy đang chải chiếu ngồi bên bếp củi gói bánh trưng, bên cạnh là hai cô con gái, cô tóc dài và cô tóc tó đuôi ngựa. Thỉnh thoảng cô tóc tó đuôi ngựa thò vào nhón nhân đậu ăn vụng, ông lại cầm chiếc đũa gõ cho một cái. 15 chiếc bánh, ông gói thêm 2 chiếc bé xinh cho hai cô con gái.
Đêm 30, giao thừa của một năm lạnh lẽo và hoang sơ nhưng có không khí của một gia đình. Gã chợt nghĩ đến bố mẹ gã. Giờ này cụ cố, cụ ông, bố mẹ và cô chú đang xếp hàng chờ gã về để uống ly rượu tiễn đưa năm cũ. Gã là cháu đích tôn của một dòng tộc 3 đời ở một ngôi nhà cổ Hà Nội. Gã sinh ra mọi sự được sắp đặt sẵn, lập trình sẵn. Gã không làm gì vẫn có thể sống nhàn nhã với gia tài dòng tộc để lại. Vậy mà giờ này gã đang nằm chèo queo trên tấm phản gỗ cũ kỹ lạnh lẽo ở một ngôi làng cách xa Hà Nội cả mấy chục cây số này...
Nhưng rồi giấc ngủ... nướng thơm lừng ập đến gã, trong giấc ngủ gã thấy hình ảnh phiên chợ nón, những người phụ nữ bán nón, những người phụ nữ với cái nhìn vô định và nụ cười lấp lánh nắng khi bán được cái nón dăm bảy nghìn. Một cái nón ngốn hết bao ngày công qua biết bao công đoạn từ chọn lá, phơi lá cho đến khi màu xanh của lá chuyển thành màu trắng bạc, sau đó lót lá dưới nắm giẻ, miết cho lá phẳng mà không giòn, không rách, rồi làm vành nón, cạp nón tỉ mẩn, rồi toét mắt chằm nón để được dăm bảy nghìn... Chao ôi, thật xót xa! Hình ảnh bà còng vừa ôm nón vừa đi nhún nhún cái lưng như nhảy điệu disco trên đường... Tất cả hình ảnh ấy cứ quay đi quay lại trong đầu gã...
Rồi đột nhiên trong mơ gã thấy phiên chợ Chuông có một cái nón khổng lồ, bên trong chiếc nón khổng lồ ấy là những chiếc nón được vẽ như những bức tranh tuyệt đẹp, rồi những chiếc nón như búp bê matrioshka của Nga mở ra có nhiều nón nhỏ bên trong...
Gã tỉnh dậy khi nghe tiếng cười khanh khách của cô ả có tó tóc đuôi ngựa vang lên. Gã kể lại giấc mơ về chiếc nón khổng lồ cho cô ả nghe. Cô ả say sưa nghe. Rồi gã nhác thấy gian giữa nhà có tờ giấy dó viết chữ TÂM to chình ình một cách trang trọng. Gã hỏi cô ả chữ TÂM này ở đâu. Cô ả kể lại do một người bạn của cha cô đi Hà Nội về mua tặng... Cha cô rất quý nó nên treo trang trọng vậy. Không nói không rằng gã dựt chiếc nón vừa mới chằm xong trên tay cô chị, lấy bút vẽ, mực vẽ trong chiếc ba lô đem theo, viết lên trên chiếc nón chữ Tâm theo kiểu thư pháp một cách điệu nghệ, rồi lấy tất cả các nón ở góc nhà viết chữ Nhẫn, chữ Nhân, chữ Lộc, chữ Phúc, chữ Thọ. Viết xong, gã nhúng đủ các màu của làng tranh Hàng Trống vẽ tất cả những gì có thể lên nón từ con gà trống đến con lợn ỉn... Chẳng chốc tất cả gian phòng như một không gian triển lãm. Cô chị, cô em khoái chí cứ chạy loanh quanh xem...
Sáng mồng 3, phiên chợ nón đầu tiên của năm mới, gã cùng với cô nàng có tó tóc đuôi ngựa chất toàn bộ nón với những hình vẽ lên chiếc xe bò chở ra chợ Chuông. Phiên chợ đầu năm như một ngày hội đông đúc... Mọi người chen chúc xem, người chê sự vớ vẩn, bày vẽ, điên khùng cũng nhiều mà người khen cũng không ít... Bỗng một đoàn du lịch người nước ngoài tới, thấy những chiếc nón rất lạ, họ cầm lên xem, trầm trồ khen và tranh nhau mua hết. Sau đó họ còn để lại những đơn đặt hàng làm tiếp...
***
- Mình phải biến chợ Chuông thành chợ nón du lịch! Gã nói chắc nịch như đinh đóng... thân chuối khi nhìn người đàn ông đang rít thuốc lào trên phản, trước bốn con mắt tròn xoe ngơ ngác của cô chị, cô em.
- Ai làm? Cô gái có tó tóc cột đuôi ngựa hỏi
- Em làm, chị em làm, bố em làm, dân làng Chuông này làm!...
Người đàn ông vẫn trầm ngâm ngồi rít thuốc lào, không dưng độp nói
- Mày có thích con gái tao không? Cho mày chọn đấy!
Ngưng một lúc
- Mày chọn thì mày ở lại đây. Mày làm chứ ai làm?!
Người đàn ông bước vào buồng trong, để lại làn khói mù của hơi thuốc lào bay nhệu nhạo lả lướt trong không gian buổi chiều xuân xứ Chuông êm ả... Con chó lông xám ngoe nguẩy đuôi chạy theo...