25. Ông già không biết bay

25.Ông già không biết bay

Truyện ngắn của Đặng Hải Quang

Truyện kể rằng từ xưa, xưa lắm, con người trên trái đất này sống rất hạnh phúc. Không có chiến tranh, không có đói nghèo. Nụ cười không bao giờ mất trên mặt con người, dẫu đó có là đứa trẻ hay cụ già, nam thanh hay nữ tú, thậm chí ăn mày đi xin tiền cũng luôn phải cười toe cười toét.

Thuở đó, trên xứ sở này tồn tại rất nhiều phép màu mà có lẽ bây giờ chúng ta không thể lý giải nổi. Người ta có thể đi trên mặt nước, có thể nói chuyện mà không cần mở miệng… Nhưng đặc biệt nhất là phép Thăng Thiên. Đây có lẽ là phép thuật của tự nhiên thì đúng hơn. Theo đó, con người cứ khi về già, sớm hay muộn rồi sẽ bay lên trời. Không một ai biết được các cụ già đó bay lúc nào và bay đi đâu. Đã có rất nhiều chiến dịch quy mô được đầu tư nhiều tiền của chỉ để tìm hiểu, nhưng cuối cùng kết quả cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Ai đến tuổi phải bay vẫn cứ bay, nói chính xác là muốn không bay cũng không được, và cũng chẳng có cụ nào về báo cáo lại cả (Ghi chú thêm: Các cụ đều bay vào sinh nhật năm các cụ tròn chẵn chục tuổi).

Nhưng có lẽ tạo hóa lại thích trêu ngươi con người. Ngài luôn có năng khiếu trong việc tạo ra sự khác biệt. Trong khi gần như toàn bộ thế giới, ai cũng đến ngày phải bay, thì có một cụ già không như thế. Ông cụ sống ở ngoại thành, ngày ngày lấy việc trồng rau tưới cây làm thú tiêu khiển. Năm 80 tuổi, cụ tưới cây. 90 tuổi, cụ vẫn tưới cây. Từng này tuổi mà còn chưa bay, tất nhiên người ta phải bắt đầu chú ý rồi. Năm 100 tuổi, phóng viên các nước rầm rộ đến phỏng vấn, tay cụ vẫn đang cầm xô nước. Năm cụ 110 tuổi, thế giới tổ chức cầu truyền hình trực tiếp, mời cụ lên phát biểu (có lẽ họ muốn chứng kiến giây phút cụ thăng). Cụ mặc quần áo thật đẹp, tay phải cầm chậu bonsai bước lên bục. Rồi với vẻ mặt rất chi là hớn hở, cụ đọc bài thơ chúc thọ ông cố nội sáng tác cách đây tròn 100 năm, trong khi tay trái vẫn cầm bình xịt bóp đều đều.

Vậy mà cuối cùng, cụ vẫn đứng đó.

Cả thế giới thất vọng!

Phải rồi, không thất vọng làm sao được khi mà ngày hội tổ chức quy mô thế mà cụ lại không bay. Rồi người ra phái các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ dày dặn kinh nghiệm đến nhà cụ, hết tiêm tiêm chọc chọc rồi lại hút hút nạo nạo.

Xét nghiệm đến chín tháng mười ngày mà vẫn không thu được kết quả khả quan nào, công việc được bàn giao cho các nhà tâm lý học.

Có người phỏng đoán, chắc tại cụ vẫn đang yêu. Con người ta khi yêu thì trẻ mãi, mà trẻ thì bay làm sao được? Giả thiết này nhanh chóng bị gạt bỏ, bởi cụ sống một mình suốt bao năm qua. Và nếu có người yêu, thì bà này cũng đã “bay” từ lâu rồi. Cụ yêu người yêu đến vậy, sao lại không bay theo được kia chứ?

Có người lại cho rằng, chắc đất nhà cụ có nhiều sắt. Cụ ăn đồ cây nhà lá vườn, nhiều sắt quá nên bị trái đất “hút”. Nhưng một lần nữa giả thiết này bị vỡ vụn, khi có một cụ già tình nguyện làm vật hi sinh để người ta buộc một quả tạ sắt nặng nửa tấn vào người. Rốt cục thì cụ già này vẫn bay- sau khi tặng lại cho thế giới một cái chân giả bằng ngà voi rất đẹp.

Khi cố gắng mãi mà không thu được chút kết quả gì, con người ta bắt đầu chán. Dần dần, mọi người coi chuyện cụ không bay được là rất đỗi bình thường. Chẳng có tham quan, cũng chẳng có nhà lưu niệm như hồi đầu nữa. Nhưng dù gì, thì mấy thứ đó cũng chẳng liên quan đến cụ. Ngày ngày cụ vẫn trồng rau tưới cây, chủ nhật thì đi xem kịch. Người ta đặt cho cụ biệt hiệu “Ông già không biết bay”. Và đúng như vậy, cụ cũng vẫn nhất quyết không chịu bay.

* * *

Thời gian cứ thế trôi đi, mọi chuyện về cụ già không biết bay đã trôi dần vào quên lãng. Cho đến một ngày (khoảng 4-500 năm sau), một chàng phóng viên năng nổ đọc được trong một thư tịch cổ có nói đến một “Ông già không biết bay”. Thấy lạ, anh cất công nghiên cứu trong các thư viện, tìm hiểu tất cả mọi nơi. Ông trời không phụ người có lòng, cuối cùng anh đã tìm ra “Ông già không biết bay”.

Trong vai một nhà trồng cây cảnh, anh dọn đến sát nhà cụ già. Rồi anh lân la làm quen, hỏi han về cây này chậu nọ(tất nhiên là ra vẻ vẫn không biết đây là cụ già không biết bay). Dần dần, hai người quen thân, tính tình lại rất hợp nhau nên nhanh chóng trở thành đôi tri kỷ. Cụ già nhận anh phóng viên làm cháu nuôi, rồi do cả hai đều sống một mình, anh dọn luôn đến nhà cụ sống. Mọi chuyện diễn ra hết sức suôn sẻ. Tuy vậy nhất thời anh phóng viên vẫn chưa tìm được nguyên nhân “không bay” của cụ.

Nhưng một lần nữa ông trời lại không phụ người. Sau 7 năm kiên trì sống với cụ già, anh đã lần ra manh mối. Anh nhận thấy cứ đến ngày rằm tháng 8 hàng năm, trong khi anh ngủ, cụ lại ra cái giếng ngoài sân sau một lát mới về.

Hóa ra là cụ tới đó tắm rửa!

Anh lạ lắm, vì có ai tắm buổi đêm đâu? Càng tìm hiểu anh càng thấy lạ lùng, bởi lẽ nước cụ dùng để tắm là rượu chứ không phải nước thường. Bí quyết là đây chăng? Theo các sách khoa học mà anh đã đọc, ánh sáng mặt trăng rất có ảnh hưởng đến con người, nhất là đêm rằm. Lại thêm rượu nữa vào thì…

Mừng như bắt được vàng, ngay đêm hôm đó anh rời nhà mà không một lời từ biệt. Sáng hôm sau, trên mặt tờ báo uy tín nhất thế giới đã đăng một cái tít rất to “Bí mật về ”Ông già không biết bay” đã được khám phá!”, “Bạn có muốn là người không biết bay?”… Thế giới lại rầm rộ bàn tán về cụ, người người đổ xô đến nhà cụ, các hãng truyền hình liên tiếp cho người đến phỏng vấn cụ. Không như những lần trước, lần này cụ đóng cửa, từ chối không trả lời.

Nhưng cụ có không trả lời cũng bằng thừa. Vì bí mật đó đâu còn là của cụ nữa? Người ta còn thầm trách cụ ích kỷ, có bí quyết mà cứ giữ mãi không chịu san sẻ cho mọi người. Trách thì trách, nhưng cái bí thuật đó không ai là không sử dụng. Các cụ già thì khỏi nói rồi. Thế giới tràn đầy hạnh phúc, ở nhà với con cháu chả sướng sao, tội gì phải bay chứ? Các bác trung niên cũng phải tắm cho chắc ăn, vì nhỡ đâu chưa đến rằm mà mình đã bay rồi thì sao? Bọn trẻ kháo nhau, tắm đê, càng nhiều càng tốt, tắm ít thì bay sớm, tắm nhiều thì mãi không bay.

Cuối cùng, cả thế giới đều thực hiện y hệt cái điều cụ già đã làm đêm rằm.

Còn anh phóng viên thì sao? Sau loạt báo gây chấn động đó, anh trở nên nổi tiếng. Rồi từ một phóng viên quèn, anh được thăng lên phó tổng, rồi tổng biên tập. Anh trở nên rất có uy tín, được vợ yêu bạn mến, người người tôn thờ (đến bí mật lớn thế anh còn chả giữ cho mình thì rõ là vĩ đại rồi còn gì). Rồi anh ứng cử vào quốc hội làm nghị sĩ, chẳng bao lâu sau đã trở thành tổng thống. Cuộc đời với anh từ đó rải toàn hoa hồng. Dĩ nhiên, do vẫn muốn tiếp tục làm ra tiền để mua hoa hồng, anh cũng đã thực hiện cái bí quyết “không bay” đó từ lâu. Thậm chí rằm tháng nào anh cũng tắm, mà phải tắm bằng loại rượu hảo hạng nhất thế giới.

Không hổ danh là đệ nhất bí quyết trong thiên hạ! Quả nhiên cuối cùng, không có ông già nào bay thêm nữa. Có điều, không bay, nhưng các ông già cũng không sống thêm được ngày nào cùng con cháu. Các cụ cứ đến ngày là nằm lăn ra đó, không chịu mở mắt. Rồi đến khi người các cụ bốc mùi làm làng xóm không thể chịu được nữa, con cháu đành phải đào tạm một cái lỗ đặt các cụ vào đấy. Không chỉ các cụ ko chịu mở mắt, đến các bậc trung niên, rồi thanh niên cũng có người mắc phải “căn bệnh” tương tự. Người ta gọi đó là bệnh “chết”, một bệnh mà y học phải bó tay. Mọi phép màu con người có được đều biến mất. Người “chết” trên thế giới ngày càng nhiều. Chỗ để chôn không có, tiền để làm lễ an táng cũng kẹt, các nước trên thế giới phải đánh nhau để dành đất, dành của cải. Thế giới chìm vào chiến tranh…

* * *

- Quả là thảm họa! Không bao lâu sau, cả nền văn minh phát triển vượt bậc phút chốc đã tiêu vong!

Kể đến đây thì cụ già ngừng lại. Cả hai không nói hồi lâu. Tôi nhìn cụ, thấy cụ ra chiều vẫn suy nghĩ mông lung lắm. Một lúc sau tôi mới dám mở miệng:

- Chuyện chỉ có thế thôi hả cụ? Thế còn ngài tổng thống… ý cháu nói là anh phóng viên ấy ạ?

- Ngài tổng thống hả? Nghe đâu ngài là một trong những người đầu tiên ra lệnh hủy diệt quốc gia láng giềng. Nhưng nước láng giềng chưa bị hủy diệt, ngài đã bị ám sát…

- Vậy còn ”Ông già không biết bay”, ông ấy biến đi đâu hả cụ?- Tôi lại hỏi.

- “Ông già không biết bay? Ông ta mất tích không để lại dấu vết gì. Có thể ông ấy cũng đã “chết” như bao người khác. Bom đạn thế thì sống làm sao được…

Rồi cụ già thở dài một cái. Cả câu chuyện cụ kể ra sống động và bi kịch như cụ đã từng chứng kiến vậy. Trán cụ hơi nhăn lại, trông đã già giờ lại càng già hơn. Có lẽ ý thức được mình không sống được bao lâu nữa, nên cụ đã kể lại chuyện này cho tôi. Nhưng câu chuyện này thật lạ, nó làm tôi cảm thấy có điều không hợp lý…

Dòng suy nghĩ của tôi bị cắt đứt bởi một tiếng “cạch” khe khẽ. Cụ già đang đặt cây bonsai và cái bình xịt nước xuống bàn. Tôi chạy vội ra đỡ hộ cụ. Cụ cám ơn tôi, vươn vai một cách khỏe khoắn, làm người tôi cũng như giãn ra. Rồi cụ cười:

- Hôm nay là ngày rằm, cháu có thích tắm cùng lão không?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3