Nhớ Người
Cà Mau, những ngày nắng gắt. Em cứ từng chiều chờ đợi một cơn mưa bất chợt đi qua. Dù chỉ là một cơn mưa rào lướt qua đủ làm cho lớp bụi mỏng trên đường tan đi … Nhưng em chờ đợi trong vô vọng. Vô vọng như đã mười năm trôi qua rồi anh biết không? Mười năm, đủ để thay đổi tất cả. Vậy mà, em vẫn giữ tươi nguyên trong lòng những kỷ niệm đẹp về anh, em tôn thờ và nâng niu cất giữ tất cả như báu vật thiêng liêng nhất của riêng mình. Một mối tình rất buồn mà đẹp phải không anh? Em nhớ có lần anh đã nói như thế. Và giờ đây khi đã xa nhau rồi anh có bao giờ chạnh lòng một thoáng nhớ về mối tình đẹp của chúng mình không?
Một lần, em trở về chốn cũ, trụ sở pháp đình, nơi anh làm việc, ngày nào vẫn không có gì thay đổi. Một sân gạch rộng, hàng bàng xanh rợp bóng mát, những hàng ghế gỗ ngang dọc, xếp gọn gàng trong một gian phòng hẹp, dành làm nơi xử án. Cái bình hoa ngày nào vẫn còn đó, những cánh hồng đỏ, nhỏ nhắn vẫn để nguyên trên bàn vị chủ tọa phiên tòa, duy chỉ có những bông hoa thì ngả màu, rách tươm vì gió. Chiếc gạt tàn thuốc có đôi chim sành thì không còn nữa anh à! Một con chim đã chết sau mùa giông bão, còn giữ làm gì chỉ còn lại đơn lẻ một con nên có thể người lao công đã quăng bỏ nó rồi. Em ngồi nơi đó, anh biết không? Lặng lẽ hàng giờ, lắng nghe lời vị thẩm phán trẻ nói, cũng chừng đó ngôn ngữ, điều khoản luật hình, cũng chừng đó hình ảnh thân quen, và cả cái ồn ả ngoài sân trụ sở pháp đình. Em nhớ anh đến cồn cào gan ruột. Anh đâu rồi, hỡi Huyền Trân, vị quan tòa nhân hậu của em xưa?
Mười năm trôi qua … Nhanh như một kiếp người. Em hối hận vì ngày đó chưa kịp nói hết lòng mình và niềm hối hận đó đã làm gù lưng em trong nỗi muộn phiền mười năm đằng đẳng, anh có bao giờ hiểu được điều đó không Trân? Em vẫn đến Tây Hồ, những buổi chiều, hàng liễu vẫn rũ buông mái tóc dài xanh thẫm xuống mặt hồ lao xao kỷ niệm. Lá si vàng úa vẫn rụng đầy con đường ấy, nhưng giờ nay chẳng còn anh nhặt để viết tên hai đứa gần nhau.
Thành phố vẫn những con đường cũ. Thời gian không thể xóa nhòa vết tích xa xưa. Anh biết không, đôi khi đi trên đường em vẫn tưởng như hễ quay lại là thấy anh. Anh đó, bao dung, nhân ái biết dường nào. Vậy mà, ta không thể bên nhau. Rào cản đạo đức không cho phép chúng mình vượt qua. Và em đã lẳng lặng đứng bên rào ấy, rồi quay về trong sự đau đớn của con tim.
Mười năm, em quay đi mang theo hình bóng anh trong suốt chặng đường còn lại của đời mình, anh nào biết sự thay đổi đột ngột của em, căn bệnh nan y vô phương cứu chữa và sự dằn vặt giữa lý trí và con tim. Cuộc chiến tranh thầm lặng, đau xót ấy đã phải kết thúc bằng sự chiến thắng của lý trí. Con tim chết lặng thảm thê. Nhiều lần, trong mười năm ấy em đã muốn kết thúc tất cả bằng một liều thuốc ngủ, để quên anh, để quên rằng em cần phải sống để đền ơn công sinh thành dưỡng dục của mẹ mình và như thế em đã phải có mười năm trong muộn phiền, cay đắng mười năm, để anh tròn vẹn một gia đình.
Những dòng nầy như một hoài niệm cho một mối tình đẹp của chúng mình trước lúc đi xa, em cầu mong một lần nào đó, dẫu vô tình anh sẽ đọc được nó. Em xin mãi là một dòng sông hiền hòa, bên bồi, bên lở và nỗi bất hạnh của đời em sẽ làm bên lở mãi mãi bồi đắp bên bồi anh tròn vẹn duyên tình.
Lời nhạc Trịnh tha thiết, bang khuâng: “ Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì anh biết không? Để gió cuốn đi … để gió cuốn đi …”
Xin gởi gió đến người tôi yêu thương hoài niệm cũ – và hỏi rằng anh có bao giờ chợt nhớ, hỡi cố nhân?
Hoa Tuyết