Bờ Vai Nghiêng Nắng - Chương 10 ( hết )
Cơn mưa kéo dài từ lúc sáng sớm, Khôi đội áo mưa đến tìm tôi. Hai đứa đi uống cà phê. Hôm nay cũng là ngày có kết quả của dì Hạnh và Thục.
Khôi nhìn ra ngoài mưa bảo tôi:
- Hạnh và Thục bao giờ lên nhỉ?
- Chưa biết.
- Cũng phải lên để biết kết quả chứ.
Tôi im lặng nhìn ra một khoảng sông trắng xóa. Mưa giăng mờ những ngọn cây bên sông, dì Hạnh và Thục về quê đã hơn một tuần. Quê ngoại của Thục cách tỉnh hai trăm cây số đường xe đò. Hôm đi tôi quên hỏi bao giờ hai người lên. Tuy nhiên chắc chắn có lẽ phải lên nội trong tuần này vì kết quả đã có. Tôi mong cho cả hai đều đỗ. Chuyện gia đình của dì Hạnh tôi tưởng đùa thế mà quan trọng. Mấy hôm tôi nhận được bức thư của ba dì Hạnh gửi về. Tôi đã xem bức thư đó và biết rõ mọi chuyện mà dì Hạnh chưa nói hết. Sau khi có kết quả đậu hay rớt, dì Hạnh cũng phải lên Sài Gòn làm lễ hỏi. Đọc bức thư tôi đờ người. Chuyện tôi nói chơi với dì Hạnh hôm nay tự nhiên thành sự thật. Tôi không hiểu dì Hạnh sẽ phản ứng ra sao khi đọc bức thư đó. Tôi không mong dì Hạnh trở lên. Tôi muốn kéo dài thời gian còn lại với một sự tiếc nuối nào đó khó hiểu. Hình như tôi không muốn mất dì Hạnh.
Khôi nói:
- Tao vừa biết tin của thằng Ẩn. Nó đã đi xa thật sự. Nó vừa biên thư cho Phiến.
- Mày gặp Phiến?
- Một dịp rất tình cờ.
- Rồi sao?
- Phiến sắp sửa đi về quê với Thủy ngay sau khi biết kết quả thi.
Tôi cười :
- Rồi chỉ còn tao với mày ở lại tỉnh lỵ buồn tẻ này. Mọi người đều bỏ nó mà đi.
- Rồi cũng đến lượt mình. Tao và mày.
- Hình như đã hết mùa hè. Phải không?
Khôi nhìn tôi:
- Hôm qua tao còn nghe tiếng ve kêu.
- Những con ve cuối cùng đã chết trong cơn mưa sáng hôm nay rồi.
Khôi chép miệng:
- Mưa to nhỉ.
Tôi dụi mẩu thuốc vào cái gạt tàn. Cơn mưa nào hình như cũng đều báo hiệu cho một thứ thời tiết chờ thay đổi. Hết mùa hè, mùa thu sẽ tới, nhưng mưa vẫn không ngớt trong từng buổi sáng, buổi chiều và trong những đêm khuya bất ngờ tỉnh giấc. Tôi mơ hồ nhớ lại những trang nhật ký của dì Hạnh. Tại sao tôi không đọc được nó sớm hơn. Tôi nghĩ rằng dì Hạnh là một người buồn nhất nếu nỗi buồn đó có giữa tôi và Thục. Dì như một chiếc tàu khép kín cuộc đời của mình chờ mùa thu tới. Khi tôi biết thương màu lá hơi thu đã bàng bạc thổi về. Giữa tôi và dì Hạnh là một khoảng thời gian không gian im lặng còn lại những ngày tháng tới, dì Hạnh không nói, nhưng nụ cười của dì tôi thấy lồng lộng từng giọt nước mắt. Những ngày sau này dì thức dậy sớm không phải để học bài mà để nhìn con tàu lướt chầm chậm qua khoảng đường ngang nhà. Tiếng còi rú trong sương lạnh của buổi sáng tỉnh lỵ êm đềm cũng đánh thức tôi dậy để nằm nghe cho đến khi nó mất hút. Tôi buồn muốn khóc, bên cạnh tình yêu của Thục. Tôi sợ hai đôi mắt của dì Hạnh. Tôi đi qua phòng dì mà không dám nhìn vào đôi mắt mở lớn ra một khoảng trời của dì. Tôi yếu đuối hơn tôi nghĩ.
Khôi bỗng nói:
- Tao với mày đi tìm Ẩn.
- Biết nó ở đâu mà tìm?
- Nó vào làm trong một xí nghiệp.
- Vào đó thăm nó à?
- Nếu tìm ở nhà nó không gặp.
- Như thế cũng là một cách giải quyết. Thằng Ẩn can đảm hơn tụi mình nhiều.
- Tao sợ nó hiểu lầm.
- Rồi sẽ tính.
Tôi và Khôi ngồi nhấp từng ngụm cà phê im lặng nhìn ra ngoài mưa. Những ngày dì Hạnh và Thục về quê tôi không biết làm gì. Bà giúp việc lo lấy tất cả mọi công việc. Tôi chỉ đi chơi rồi về ăn, hai bữa cơm tôi còn nhớ dì Hạnh từng nụ cười, từng câu nói đùa. Nhớ đôi mắt dì thắp sáng, làm nồng ấm căn nhà. Rồi những bản nhạc trong máy nghe chung với nhau. Tôi tưởng dì Hạnh đã rời khỏi hẳn căn nhà này. Và không bao giờ trở về nữa. Những lúc ấy tôi muốn khóc.
- Tại sao mình không đi về quê nhỉ?
Tôi cười:
- Về làm gì?
- Nghỉ hè.
- Tụi mình ở đâu cũng thế thôi.
- Nhưng đi xa chắc phải khác hơn là ở mãi trong tỉnh lỵ này với những con đường nhuộm vàng quá khứ, buồn chán và vô vọng.
Tôi tưởng rằng Khôi khóc, nhưng không, nó vân tỉnh bơ, mắt mở lớn nhìn tôi. Trời mưa giăng mù mịt bên ngoài và nước sông dâng trắng xóa với sóng lớn gió mạnh. Tôi cũng ngạc nhiên với giọng nói của Khôi. Tôi nghĩ nếu có một lúc nào đó Khôi chán nản, chính là lúc này. Chúng tôi đã thấy đời sống mở một cánh cửa lớn, không còn nhỏ hẹp và mơ hồ như ngày xưa nữa. Chúng tôi đã lớn và không vui như hồi còn nhỏ. Những đứa học trò năm đệ nhị là những đứa học trò nhìn xuống cuộc đời với một đôi mắt buồn rồi sao?
- Về quê tao không?
- Đi đâu cũng được, tao đang cần đi.
- Nhưng phải đợi xem kết quả đã chứ.
Khôi nhả khói thuốc. Nó thở dài:
- Nhìn quanh lại chỉ còn có hai đứa. Buồn quá.
- Làm cái gì cho bớt buồn đi bạn, than hoài sao?
- Chui vào cine, mày à.
- Phim gì?
- Tao không biết.
Tôi và Khôi đội áo mưa ra rạp cine gần đó. Nhận ra một phim đã cũ. Tôi không thích xem phim cũ nhưng để giết thì giờ tôi và Khôi chui vào mua vé ngồi cho đến tận trưa. Hình như trong rạp cine tôi ngủ lơ mơ một lúc cho đến khi đèn bật sáng Khôi lay tôi dậy. Ra đường, cơn mưa đã tạnh từ bao giờ. Nhưng bầu trời vẫn ẩm ướt mù đục, đầy hơi nước. Hai đứa hai chiếc xe đạp đến trường xem kết quả giùm dì Hạnh và Thục. Tôi gọi Kim và Uyển. Hai cô bé nhìn thấy, đi tới. Tôi nói:
- Xem được chưa?
Kim lắc đầu cười:
- Đông quá không chen vào được.
- Tới đây bao giờ?
- Trời ủ dột quá. Có lẽ không đẹp trời cho những người đi xem kết quả thi.
Uyển giọng buồn buồn:
- Chắc Uyển rớt quá.
- Đợi xem đã rồi hãy thất vọng, cô bé.
Khôi nói:
- Mình chen vào đi Đông.
Tôi và Khôi biên số ký danh của Kim và Uyển rồi chen vào đám đông. Chen mãi gần vào tới nơi thì có một trận đánh vì chen lấn sau đó. Tiếng la hét, tiếng cãi vã vang cả sân trường. Tôi trở ra, không thấy Khôi đậu Tôi lắc đầu nói với Kim:
- Ngày mai mới xem được. Bây giờ tụi nó đánh lộn.
- Khôi đâu Đông?
- Không thấy, chắc nó chen vào được rồi.
Phiến và Thủy cũng tới nói chuyện. Tôi ngồi trên yên xe đạp nhìn lơ ngơ, đám đánh lộn tan dần. Mấy giọt nước từ trên cây bị gió đùa rớt xuống lạnh buốt.
Tôi hỏi Thủy:
- Bao giờ về quê, Thủy?
- Khi xem được kết quả.
- Phiến nữa, phải không?
Phiến cười:
- Cần đi xa.
- Ai cũng cần đi xa hết.
- Thủy nhìn tôi:
- Tưởng anh Đông là người vui nhất trong bọn.
- Người vui nhất đôi khi là người buồn nhất mà không ai hay.
Mấy người con gái cùng cười. Kim đùa.
- Đông nói cứ như thật không bằng. Anh buồn tụi này chết hết rồi còn gì.
Phiến bỗng nói, đầy ngạc nhiên:
- Ừ nhỉ, tại sao hôm nay không hẹn mà gặp đông đủ cả.
- Thiếu Thục và Hạnh.
- Hai bà ấy đi về quê lâu rồi.
- Thích nhỉ?
- Hai bà ấy chắc đậu.
Tôi nói:
- Đậu, các cô khao lớn đấy nhé. Phải tổ chức tiệc đàng hoàng cho tụi này ké với.
- Còn anh Đông thì sao, đậu cũng khao lớn nữa chứ?
- Hạ hồi phân giải.
- Khôn.
- Người ta sửa soạn làm ông tú rồi mà.
Thủy cười lớn:
- Đậu, Thủy khao ngay rồi về quê ở luôn.
- Giận ai vậy bồ?
Thủy im lặng trước những cái nhìn của bạn bè. Tôi thấy Thủy tội nghiệp như một con chim gãy cánh, Phiến đứng ủ rũ nhìn lên những chiếc lá trên đầu. Uyển lo lắng nhìn vào đám đông. Chỉ có Kim là vô tư, lúc nào cũng ồn ào và cười đùa được. Lâu tôi cũng mới gặp lại Kim. Tôi nghĩ tới một cuộc đi chơi xa với Ẩn hôm nào. Sau những cuộc vui là một nỗi buồn, điều đó đúng.
Khôi từ trong đám đông đi ra. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Khôi. Tuy không ai hỏi câu nào. Khôi có vẻ bất ngờ khi gặp Phiến. Tôi nhận thấy mặt Khôi bối rối hẳn.
- Thế nào, xem được bảng chứ?
- Được, vất vả lắm.
- Dì Hạnh và Thục đậu hay rớt?
- Cả hai cùng đậu, Thục đậu bình thứ lận.
Kim hỏi:
- Còn tụi này. Kim, Thủy, Uyển, Phiến.
- Không thấy. Đông quá chưa coi hết được, mới coi được mình Hạnh và Thục thôi.
Kim thở dài:
- Không lẽ lại đi cả tàu mấy đứa một lúc.
- Chưa xem mà, ngày mai đi.
- Chắc Uyển rớt rồi, khỏi xem cũng biết.
Tôi cười:
- Hy vọng lên chứ cô bé, chưa chi đã vội than.
- Bây giờ Khôi trở vào xem giúp một lần nữa đi, tụi này sốt ruột rồi. Hạnh và Thục đậu, gồ ghề quá, Thục bình thứ lận sao?
Khôi gật đầu, nói luôn:
- Bây giờ Đông vào xem đi, chen mệt phờ cả người.
Thủy lo lắng hơn cả:
- Thủy chắc gần với Thục. Vần T cả đấy. Đông nhớ nhé.
- Nhớ chứ.
Tôi chen vào đám đông. Một lúc lâu mới nhìn vào tấm bảng. Tôi dò theo số ký danh từng người một. Chỉ có mình Thủy đậu. Ba người kia không thấy tên. Tôi trở ra nói:
- Thủy đậu, ba người kia không thấy tên.
Tôi thấy sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt Uyển. Kim thẫn thờ, còn Phiến im lặng như sắp khóc. Thủy nở một nụ cười:
- Trời ơi may quá.
Khôi an ủi Phiến. Tôi dỗ dành Kim và Uyển. Những giọt mưa không ngớt rơi xuống từ cây lá trên đầu. Tôi thấy ba cô gái như sắp khóc. Mặt người nào cũng thẫn thờ méo xệch. Tôi không biết khi có kết quả kỳ thi tôi và Khôi sẽ như thế nào. Tôi buông thõng:
- Yên chí, kỳ tới thi lại. Lo gì.
Nhưng Uyển đã khóc. Những giọt nước mắt lăn dài. Kim dỗ dành bạn. Tôi và Khôi bối rối nhìn nhau. Kim nói:
- Thôi để Kim đưa Uyển về.
Hai người dắt xe đạp chậm trên đường, những giọt mưa rơi theo lá phía sau lưng. Chưa bao giờ tôi thấy hình ảnh của hai người con gái đẹp như thế. Cái dáng buồn rầu của họ như làm chùng cảnh vật, màu sắc bị che lấp bởi hai cái bóng lướt chậm trên đường. Hai người con gái thi rớt lần đầu tiên. Họ khóc.
Tôi nói:
- Bây giờ người thi đậu tính cái gì đi chứ. Bao giờ khao tụi này?
Thủy cười:
- Để xem.
- Nhanh lên không tụi này đi mất.
Thủy chớp mắt:
- Bây giờ khao kem trước, được không?
- Gì mà chả được.
Khôi chở Phiến còn tôi chở Thủy tới quán kem. Quán ở bên bờ sông. Lúc chúng tôi tới không có ai trong quán ngoài mấy người hầu bàn thảnh thơi ngồi nhìn ra ngoài đường, và tiếng nhạc trong quán buồn buồn. Bốn người ngồi quanh cái bàn vuông kê sát lan can nhìn xuống mặt sông. Mặt bàn lạnh băng như nước sông lờ đờ ngầu đục bên dưới. Trời lạnh đi ăn kem. Tôi thấy một nỗi kinh ngạc với chính mình. Nhưng tôi thích con sông trưa này. Và một bầu trời nặng nề hơi nước. Khôi ngồi bên Phiến. Tôi nghĩ rồi hai người phải yêu nhau. Còn tôi làm sao yêu được Thủy. Tình cảm lạ lùng, buồn cười không thể giải thích được.
Tôi nghe Khôi hỏi Phiến:
- Thi rớt buồn không?
Phiến mỉm cười. Tôi đùa:
- Cười sao mà như khóc vậy?
- Đang khóc đấy.
Khôi nói:
- Sang năm thi lại. Lo gì. Con gái không bao giờ mất dịp may nhìn ra mặt sông trắng xóa ngàn trùng.
Những ly kem ngó thấy lạnh băng. Tôi nhìn Thủy đưa chiếc muỗng nhỏ vào miệng với chút kem màu hồng. Thủy cắn muỗng giữa hai hàm răng nhìn tôi.
- Anh Đông và Thục ra sao?
Tôi đáp không vui không buồn:
- Bình thường.
- Vui vẻ chứ, Thủy nghĩ như vậy.
- Tại sao lại nghĩ như vậy?
- Vì Thủy mong như thế.
Tôi thấy Thủy nhỏ bé và tội nghiệp quá trong câu nói. Tôi không muốn nhắc chuyện đó, tôi không muốn gợi lại ở
Thủy một điều gì làm Thủy tủi thân. Thủy thi đậu, cô bé đang vui. Tôi muốn Thủy giữ mãi niềm vui đó như là một liều thuốc hồi sinh tình cảm của mình. Và tôi hy vọng sau mùa hè, ngày tựu trường mới Thủy sẽ dễ dàng, nhanh chóng quên tôi.
- Bao giờ Thủy về quê?
- Đã có kết quả, chắc vài hôm Thủy về.
Khôi cười:
- Nhưng phải ăn khao mới được. Đừng về quê rồi quên luôn.
- Thủy nhớ chứ. Thủy đi với Phiếm mà.
- Bao giờ Thủy lên?
- Tựu trường mới lên lại, cũng có thể là không bao giờ lên tỉnh này.
Tôi nói:
- Mong sau mùa hè nhiều chuyện sẽ đổi khác, Thủy cũng sẽ đổi khác.
- Nghĩa là sao anh?
- Thủy sẽ lên lớp mới, Thủy sẽ lớn, và chắc chắn Thủy sẽ vui hơn bây giờ.
Thủy buông chiếc muỗng trong ly, mắt hướng ra sông. Gió từ sông thổi lên lạnh bạc và buồn lòng như mùa đông đã tới. Khôi và Phiến nói nhỏ với nhau những gì tôi không nghe được. Có lẽ từ chuyện Phiến thi rớt mà mọi điều sẽ thay đổi chăng. Tôi mong như thế. Tôi mong họ thân thiết hơn. Ẩn là một người vắng mặt. Tôi cũng thấy là một điều hợp lý. Dĩ nhiên, đó là một nỗi buồn. Tôi ăn những muỗng kem chậm chạp nghe hơi lạnh thấm vào đầu lưỡi. Tiếng nhạc trong quán phủ xuống, như tràn ra cả mặt sông mênh mông dưới kia.
Phiến bảo:
- Có ai nghe thấy tiếng sóng?
- Buồn quá.
- Phiến thích ngồi đây vào buổi tối thật khuya. Lúc ấy tiếng sóng nghe như tiếng đàn.
Phiến cười:
- Nhiều lần như thế.
Tôi đùa:
- Lúc đó Phiến thương ai nhất và nhớ ai nhất?
- Thương mình nhất và nhớ mình nhất.
- Hay.
Những ly kem rồi lần lượt cũng hết. Tôi uống một ngụm nước lạnh trong chiếc ly nhỏ có pha chút bạc hà xanh. Trời mù mù phía bên kia sông như thế sẽ có một cơn mưa nữa từ bên đó sang. Tôi nói với Khôi:
Mình chưa qua đó bao giờ Khôi nhỉ?
- Hôm nào qua.
- Phải mướn một chiếc xuồng.
- Mùa trái cây đã hết. Qua bên ấy chắc buồn lắm, toàn cây và bãi cát vàng ánh.
Khôi trả tiền. Thủy dằng lại:
- Thủy bao mà.
Tôi nói:
- Đùa chứ ai mà bắt Thủy trả. Hôm khác tha hồ bao, bây giờ để Khôi trả.
- Kỳ quá.
- Thủy trả mới kỳ, nghe không?
Thủy đành để Khôi trả. Tôi đưa Thủy về. Khôi đưa Phiến về. Hai đứa đi hai đường khác nhau. Tôi nói với Thủy:
- Mong hai ông bà ấy yêu nhau cho rồi.
- Như anh Đông và Thúc?
- Tôi biết Thủy buồn nhiều. Và tôi cũng hiểu Thủy ra sao. Nhưng tình cảm không thể giải thích được.
Thủy ngăn tôi:
- Đừng anh Đông, Thủy thích im lặng hơn.
- Bây giờ trở đi chúng ta im lặng.
- Nỗi im lặng tuyệt vời, phải không?
Tôi dừng xe cho Thủy xuống trước nhà. Tôi nhìn Thủy, gật đầu. Thủy bỗng vui vẻ như một con chim:
- Mai mốt mời anh Đông tới dự tiệc nhé.
- Khao lớn?
Thủy cười:
- Phải khao lớn chứ, để rồi mai mốt bắt anh cũng phải khao lớn như vậy.
- Nếu có về quê bất ngờ thì đừng quên mang quà lên đấy nhé.
- Yên chí. Không về bất ngờ đâu. Không khao tụi nó chửi chết.
Tôi quay xe về. Con đường chạy ngang nhà Thục lạnh băng với hai hàng cây đứng im phắc. Những con chim. Hót ríu rít trên cao. Cây phượng già đã chết. Suốt con đường nhiều hoa như đã tàn tạ từ bao giờ tôi không hay. Dấu tích của trận bão để lại là những cái cây gãy ngang. Cánh cổng nhà Thục đã mất tăm hai cây bông giấy đỏ. Tôi chạy ngang qua nhìn vào, thoáng thấy bóng đứa em Thục đứng trước thềm nhìn ra. Không biết Hiền có thấy tôi? Chạy được một quãng tôi mới nhớ là Thục thi đậu. Chắc nhà chưa xem bảng. Tôi quay trở lại gọi Hiền. Con bé chạy ra. Tôi cười với nó.
- Anh Đông đi đâu đó?
- Gặp Hiền nói cái này.
- Chứ không phải nói với chị Thục sao?
- Thục về quê, tôi biết mà.
Hiền tinh ranh ngó tôi:
- Vậy nhờ nhắn lại chuyện gì?
- Nói với Thục rằng tôi có xem bảng giùm. Thục đậu bình thứ lận.
Hiền reo lên:
- Thật không anh Đông?
- Thật chứ, tôi vừa xem bảng về ngang đây gặp Hiền đấy.
- Vậy mà ba Hiền đi nãy giờ chưa về. Chị Thục đậu bình thứ, gồ ghề quá ta.
- Thôi, chào nhé.
- Cám ơn anh Đông nghe, mai mốt chị Thục lên anh Đông ghé nhà chơi nhé.
Tôi cười dắt xe quanh lại và đạp về. Dọc đường tôi thấy ba Thục đạp xe đi ngược chiều với tôi. Ông đội cái mũ cối trắng đi dưới những chiếc lá bay. Tôi nghĩ hoài về người đàn ông đó suốt cả quãng đường về nhà.
Bà giúp việc ra mở cổng cho tôi, bà nhìn tôi e ngại:
- Tưởng trưa nay cậu không về ăn cơm.
- Thế nào cũng về chứ, nếu không về tôi đã nói trước.
- Cậu đói bụng chưa?
Tôi cười, dắt xe vào. Bà giúp việc đã dọn sẵn bữa cơm. Tôi đói, nhưng tự nhiên lười biếng không muốn ăn. Lại thêm một bữa ăn nữa thiếu dì Hạnh. Tôi thấy căn nhà hoàn toàn vắng lặng, mất mát một hơi ấm, và những bữa cơm chả thú vị như ngày nào.
- Tôi không muốn ăn nữa.
Bà giúp việc e dè:
- Không đói cậu cũng phải ăn một chén. Cậu bị mưa à:
Tôi lắc đầu. Tuy nói thế nhưng tôi cũng ngồi vào bàn ăn. Bà giúp việc bới cơm cho tôi. Nhìn bàn tay bà tự nhiên tôi nhớ mẹ tôi, nhớ muốn khóc. Nếu qua kỳ thi này tôi rớt chắc mẹ tôi buồn lắm. Bà giúp việc chắc cũng khoảng tuổi với mẹ tôi. Bà lui tới trong căn nhà với chiếc bóng của một quá khứ nào đó. Tôi nghĩ thế.
- Cô Hạnh bao giờ lên, hả cậu?
- Khoảng vài hôm nữa. Không chừng sáng ngày mai, hay chiều nay cũng nên.
- Cô ấy đậu hay rớt?
- Đậu, tôi mới xem bảng.
Một thoáng mừng rỡ trên nét mặt của bà:
- Chà, may quá. Vậy chắc cô Hạnh lên sớm để ăn mừng chứ.
- Mai mốt cô ấy lấy chồng rồi.
Bà giúp việc ngạc nhiên nhìn tôi. Tự nhiên tôi thấy nghẹn ứ ở cổ. Tôi buông đũa và thẩn thờ về phòng mình. Căn phòng cũng vắng lạnh như thời tiết của ngày hôm nay. Chuyến xe lửa về trong buổi trưa hú còi vượt qua những khoảng cây tôi ngó thấy được. Tiếng máy nổ buồn bã mất hút. Tôi không biết làm gì hơn là đi ra đi vào nhìn bầu trời nặng nề hơi nước. Tôi đoán trong buổi chiều trời sẽ mưa nữa. Tôi thấy nhớ mẹ tôi và quê nhà. Bây giờ ở lại trong căn nhà vắng thiếu dì Hạnh tôi cũng mới nhận ra là tôi quá nhớ dì. Rồi tôi sẽ mất dì Hạnh. Mai mốt lên đọc thư, chắc chắn dì sẽ phải có quyết định. Tôi thoáng một ý nghĩ nếu dì Hạnh có chồng thật chắc tôi cũng phải bỏ trường, bỏ tỉnh lỵ mà đi. Buổi chiều lúc tôi thức dậy, dì Hạnh cũng vừa về trong một cơn mưa lớn. Chiếc xích lô ngừng lại trước cổng và bà giúp việc ra mở cổng cho dì vào. Lúc ấy tôi đứng trên bao lơn nhìn xuống thấy dì chạy lốc xốc trên lối đi vào nhà, mưa đan kín màu áo của dì. Tôi không ngờ dì Hạnh về sớm như vậy. Như thế Thục cũng đã về sớm với dì Hạnh. Bây giờ Thục đã biết tin mình đậu rồi. Thục sẽ vui mừng?
Tiếng chân dì Hạnh lên cầu thang, và dì tới gần tôi. Nụ cười của dì làm tôi xúc động. Dì hỏi:
- Có kết quả rồi hả Đông?
Tôi gật và hỏi dì:
- Sao dì lên sớm thế.
- Nhớ tỉnh lỵ quá, hai đứa gần sắp khóc nên về thôi.
- Hai người đậu cả, Thục đậu bình thứ.
Dì Hạnh đã biết tin do bà giúp việc nói lại. Dì vui tươi kể chuyện quê Thục. Một lúc dì hỏi tôi:
- Trên này Đông thế nảo
- Nhớ dì quá đi thôi.
- Xạo, nhớ nàng thì có.
- Có thư của dì.
Tôi vào lấy cho dì bức thư. Dì hốt hoảng khi nhận ra nét chữ của ba dì. Đọc xong bức thư dì muốn khóc, dì nhìn tôi:
- Đông biết rồi, chuyện đùa mà hóa ra thật.
- Làm sao Đông?
- Dì phải có quyết định, và dì lên trên đó gấp.
- Dì sợ quá, dì không biết gì về chuyện này.
Và dì Hạnh đã khóc. Tôi để yên cho dì khóc. Tôi không hiểu ba dì nghĩ sao khi có quyết định gả dì quá sớm. Người con gái chưa sống hết một thời học trò đã có những ràng buộc lớn lao. Tôi vẫn nghĩ dì hãy còn bé. Dì có thể là một con búp bê chứ không thể làm một người vợ. Tôi đoán ba dì chắc cũng dính dáng gì tới chuyện làm ăn sao đó. Gả dì dĩ nhiên phải có một chủ định.
- Dì không đi đâu hết.
- Không đi cũng không được. Nếu dì đi mà cương quyết không chấp nhận còn hơn.
- Lên với ba dì sợ rồi dì không về được. Nếu dì cương quyết không chấp nhận chuyện đó thì ông bắt dì học luôn ở Sài Gòn.
- Dù sao, dì cũng nên đi.
Tôi nói luôn với dì trong lúc tôi xuống cầu thang:
- Đông đã đọc được những trang nhật ký của dì trong mấy cuốn sác.h Và tôi đi không quay lại. Hình như dì Hạnh có gọi tôi. Cơn mưa tầm tã ngoài vườn. Tôi nói bà giúp việc dọn cơm cho dì Hạnh và ra đứng ngoài thềm nhìn những chiếc bóng mưa nối đuôi nhau. Một thoáng chúng vỡ tan dưới chân tôi. Trời hơi lạnh gây gây da thịt. Tôi thấy mình hơi tàn nhẫn cho dì Hạnh biết như thế. Thà tôi giữ kín còn hơn. Tôi có tàn nhẫn với chính tôi không? Hình như một lúc nào đó tôi sợ phải nghĩ tới dì Hạnh. Bây giờ có lẽ đã tan vỡ cả. Tôi có Thục. Dì Hạnh sắp có chồng. Một thời sương đã bay qua. Tôi vào nhà lấy áo mưa và đi ra đường. Trời mưa lộp bộp trên áo, tóc tôi ướt đẫm nước. Tôi đi bộ dưới cây và đi dài theo con đường có nhiều cỏ xanh trong chân rào. Tôi đi mãi, đi loanh quanh không định hướng, nhưng tình cờ tôi thấy cánh cổng nhà Thục hiện ra trước mặt. Tôi thấy Thục đứng trên thềm.
Thục chạy ra, ngạc nhiên hỏi tôi:
- Đi đâu thế này, anh?
Tôi nói:
- Anh vào được không?
- Ông già ở trong nhà.
- Anh cần gặp em.
- Có gì quan trọng không?
- Không, chỉ nhớ em thôi.
Thục lo sợ nhìn vào trong. Mái tóc Thục đã ướt nước. Nàng đứng dưới một chòm lá không đủ kín để che những giọt mưa nhiễu xuống, Thục không mở cổng cho tôi vào. Nàng bảo:
- Mai em tới, anh về đi, ông già ngó thấy thì chết.
- Em mới thi đậu ổng chả nỡ la đâu.
- Ăn nhằm gì, ổng vẫn la như thường.
Tôi hỏi:
- Anh vào không được sao?
- Không, anh, đừng làm em sợ.
- Anh về.
Tôi thấy Thục muốn khóc. Thục chạy vội đi với những giọt mưa đan kín tóc nàng. Tôi theo con đường nhà Thục đi thẳng ra bờ sông. Không có ai ngoài tôi đi trên đường. Đến một lúc tôi bắt đầu thấy lạnh cóng tay chân mới bước vào một quán nước. Tôi ngồi cho đến hết cơn mưa mới quay về nhà. Dì Hạnh ngồi thẫn thờ trên ghế. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với dì.
- Đông đi đâu trong cơn mưa vậy?
- Ra phố.
- Đông điên rồi hả, lạnh chết.
Tự nhiên tôi cười:
- Còn sống nhăn răng đây.
- Đông có ghé Thục?
Tôi gật đầu:
- Nhưng Thục không cho vào.
- Rồi Đông đi đâu?
- Đi ngồi quán Hết cơn mưa mới về.
Mắt dì Hạnh đỏ ửng. Tôi biết ở nhà dì Hạnh đã khóc nhiều. Bữa cơm dì vẫn chưa ăn còn nguyên thức ăn trên bàn. Cơn mưa làm người ta quên buổi chiều, lúc tôi nhìn đồng hồ thì đã sáu giờ hơn. Bên ngoài chỉ thấy mưa chứ không thấy dáng trời nữa. Tôi ngồi với cái lạnh chưa tan dứt trong da thịt mình. Gió lạnh lùa vào cửa, tôi cảm thấy khó chịu như người đau. Tôi bỏ về phòng. Tôi nằm dã dượi đến khi trời tối hẳn để nhận ra cơn đau từ đâu kéo tới đè nghiến lấy thân thể mình. Đầu tôi hấp nóng và hơi rét đi lạnh buốt trong đường xương sống. Tôi không bật đèn lên nổi. Mọi vật đã chìm vào trong bóng tối lờ mờ và quay cuồng trước mặt tôi.
Bà giúp việc gọi tôi ngoài cửa. Tôi cố gắng lắm mới đáp được lời bà, tôi nói:
- Không ăn cơm.
Rồi hình như tôi lịm trong cơn mê. Đến khi đèn trong phòng đột nhiên bật sáng, tôi mở mắt ra thấy dì Hạnh ngồi bên giường nhìn tôi.
Đông bị đau rồi, tại Đông dầm hết cơn mưa lớn.
Tôi gật đầu, nghe hơi thở mình nóng như có lữa. Dì Hạnh thoa dầu lên trán tôi, dì lo ngại nói:
- Một chút Đông phải uống thuốc, cảm mưa nguy lắm. Dì bảo bà giúp việc cạo gió cho.
Tôi lắc đầu. Bàn tay dì Hạnh để trên trán tôi, êm ấm và nồng nàn khiến cho tôi phải nhắm mắt lại. Nhưng tôi hình dung ngay được dì Hạnh với gương mặt, đôi mắt, nụ cười, mái tóc. Tôi cố xua đuổi những hình ảnh lởn vởn trong óc. Tôi nghĩ tới Thục. Tôi yêu Thục.
- Dì sẽ nhờ Thục tới đây ngày mai săn sóc cho Đông nhé?
Tôi ngạc nhiên:
- Dì đi đâu?
- Dì lên Sài Gòn.
Tôi thấy người như rơi vào trong một khoảng không mênh mông lạnh giá. Tôi mở mắt nhìn dì Hạnh, mắt dì tối hẳn lại, buồn bã như sắp khóc. Dì đứng một góc phòng ngước nhìn ngọn đèn. Một lúc dì nói:
- Sáng dì đi sớm, xe lửa.
- Đi về không?
- Chưa biết được. Mọi việc bà giúp việc lo cho Đông. Nếu có gì quan trọng dì sẽ đánh điện tín.
Tôi ngồi bật dậy làm dì Hạnh hoảng hốt. Nhưng tôi phải dựa đầu vào tường mà thở ra. Tôi thấy chóng mặt như sắp ngất đi. Dì Hạnh nói:
- Dì tới Thục ngay bây giờ, Đông có nhắn gì không?
Tôi lắc đầu, hỏi dì:
- Mưa tạnh chưa dì?
- Chưa, vẫn còn lớn.
Dì ra đứng ngoài cửa nói:
- Để dì kêu bà giúp việc mang thuốc lên cho Đông uống nhé.
Tôi nhìn dì Hạnh loáng thoáng qua khỏi cánh cửa. Tự nhiên tôi chơi vơi như rơi vào một khúc sông chảy xiết. Tôi không muốn nghe con tàu hỏa đi trên đường rầy với tiếng máy nổ dập dình trong buổi sớm ngày mai. Rồi ánh đèn pha của nó quét sáng một vùng cây lá sương mù, và tiếng còi hú dài kéo theo tiếng chim rơi mất trước một ngày có mặt trời lên.