Điệp viên hoàn hảo - Chương Kết
Điệp Viên Hoàn Hảo
Dịch giả: Nguyễn Đại Phượng
Chương kết
Một cuộc đời hai mặt khác thường
Vĩnh biệt người anh, người thầy, và người đồng nghiệp của chúng tôi - Hai Trung, một người Anh hùng Việt Nam thầm lặng, có nhiều phẩm chất khác thường, nhưng nhân đạo đến mức ông được cả bạn bè lẫn kẻ thù kính trọng. Sự nhân đạo trong ông lớn hơn cuộc đời thực, gần như tất cả đều là sự bí ẩn. Giờ ông đã ra đi, cầu mong ông được yên nghỉ trong cuộc đời tiếp theo của mình. Tất cả mọi nỗi đau, sự trớ trêu sự bí ẩn, và những ký ức về những ngày xưa tốt đẹp không phải tất cả đã được người thời hiểu đúng, cũng được ông mang theo sang thế giới bên kia.
Nguyễn Quang Dy, lưu bút trong sổ tang, ngày 22/9/2006
Sau hai ngày để cho công chúng đến viếng, tang lễ ông Phạm Xuân Ẩn được cử hành tại Nhà tang lễ của Bộ Quốc phòng
Tôi vừa hoàn thành bản thảo Điệp viên hoàn hảo, thì Phạm Xuân Ẩn qua đời vì bệnh phổi ngày 20/9/2006, chỉ 8 ngày sau sinh nhật lần thứ 79 của ông. Có một vài lý do khiến tôi khi nghe tin ông mất, liền nhớ về sinh nhật lần thứ 74 của ông, mà theo Phạm Xuân Ẩn, đó là "ngày xấu nhất trong đời tôi". Hai chiếc máy bay đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới cũng là lúc tại nửa bên kia của múi giờ quốc tế, Phạm Xuân Ẩn nhận được điện thoại bảo mở máy thu hình. "Tôi bị sốc lâm sàng. Tôi không nói không rằng và luôn trong tình trạng buồn phiền chán nản suốt một thời gian dài. Tôi không còn tâm trạng nào để tổ chức sinh nhật của mình hoặc làm bất cứ điều gì Tôi buồn quá".
Cuộc chuyện trò đó diễn ra khi chúng tôi vừa gặp nhau. Vài năm sau, Phạm Xuân Ẩn đã đọc và hiểu thấu đáo báo cáo của Uỷ ban 11/9. Trong hai ngày liền, ông nằng nặc đòi tôi phải lắng nghe sự phân tích của ông về tình báo Mỹ trước cuộc tấn công 11/9. Ngồi tại phòng khách nhà ông, tôi viết vài chữ đại ý rằng nhà tình báo hàng đầu Việt Nam trong chiến tranh, thế mà nay vẫn còn thiết triều để bàn luận về những thất bại của tình báo con người.
Sau này tôi mới biết Phạm Xuân Ẩn chưa dứt ra hoàn toàn khỏi nghề tình báo, ông vẫn còn là "cố vấn" cho Tổng cục Tình báo ở Hà Nội mãi đến thời điểm sáu tháng trước khi ông qua đời mới thôi. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi có nhiệm vụ đọc những tài liệu này, rồi đưa ra những phân tích của mình. Mọi người biết rõ tôi sẽ đưa ra những đánh giá chân thực nhất, bởi vì tôi chẳng cần gì cả. Nhưng bây giờ tôi mệt quá rồi và nhiều khi tôi không có thời gian đọc tất cả để phân tích theo khả năng của mình".
Sau đó, tôi nhắc lại ngày tôi đến thăm Phạm Xuân Ẩn cùng với hai người bạn. Tôi vừa từ Khe Sanh trở về, nơi mà cách đây 35 năm PFC Michael Holmes, một lính thuỷ đánh bộ Mỹ thuộc Sư đoàn 9 "đi đến đâu chết chóc đến đó", bị những vết thương đe doạ đến tính mạng. Michael mang theo trong túi một tấm Huân chương Dũng cảm của chính quyền Sài Gòn vì "những thành tích trong việc hỗ trợ các lực lượng Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống nổi dậy của Cộng sản". Đại uý H. M. Baker đã phục vụ với tư cách cố vấn bộ binh cho Sư đoàn 9 Quân đội Việt Nam Cộng hoà từ tháng 1 đến tháng 9/1969. Baker trở lại Sài Gòn vào tháng 4/1975 để giúp sơ tán những người bạn và các đối tác Việt Nam. Baker cũng lục tìm lại ký ức về những ngày trước đây của ông dọc sông Mang Thít và tại Sa Đéc. Michael thì hy vọng xua đuổi được những bóng ma ám ảnh ông từ cái ngày thế giới thay đổi diễn ra hôm 13/4/1968, trên đồi 861. Đó là lần đầu tiên Michael và Baker trở lại Việt Nam kể từ ngày chiến tranh.
Phạm Xuân Ẩn ra mở cánh cổng màu xanh, mời cả ba chúng tôi vào nhà và ngồi xuống ghế trong lúc vợ ông pha trà. Phạm Xuân Ẩn hỏi: "Hai ông đã từng phục vụ ở đâu?". Ngay sau đó, trong suốt hai giờ liền, Phạm Xuân Ẩn kể lại rất chi tiết những vấn đề chiến lược tại Khe Sanh và các hoạt động tình báo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phạm Xuân Ẩn biết một số người bạn của Baker thuộc Sư đoàn 9 Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Thiếu tướng Trần Bá Di từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 Quân đội Việt Nam Cộng hoà trong thời kỳ Baker làm cố vấn cho Sư đoàn này từ năm 1968 - 1969. Sau chiến tranh, Trần Bá Di mất 17 năm và 5 ngày ở trong các nhà tù của cộng sản. Baker đã bằng mọi cách tìm kiếm nơi Trần Bá Di đang ở, nhưng đều không có kết quả. Mãi đến khi gặp được Phạm Xuân Ẩn - người vẫn giữ liên lạc với Trần Bá Di, Baker mới biết Trần Bá Di đang ở Hoa Kỳ, làm việc trong Disneyland. Những lời bình luận của Phạm Xuân Ẩn hôm đó rất khách quan và mang tính phân tích sâu sắc. Ông không hề nói từ nào có ý ám chỉ ông là người của bên thắng trận. Phạm Xuân Ẩn luôn làm chủ trong nghề nghiệp của mình.
Tôi đã ghi chép được hồi ức của ông về những ngày, những con người, cũng như việc ông cung cấp các thông tin mà họ cần cho việc thực hiện những chuyến phiêu lưu cá nhân.
Khi chúng tôi rời nhà ông, Michael nhận xét: "Khi tôi đến miền Nam Việt Nam năm 1968, lúc đó chẳng có ai nói cho biết lý do vì sao chúng tôi lại đến đây. Chúng tôi chỉ làm theo mệnh lệnh và không bao giờ nghĩ đến việc phải tìm hiểu kẻ thù và đặt câu hỏi tại sao họ lại chống lại chúng ta. Bây giờ, sau 35 năm tôi mới được gặp kẻ thù và cuối cùng tôi mới hiểu". Baker thì nhận xét: "Cái ông tướng đó" sao mà khiêm tốn đến thế. Ông ấy chẳng hề tỏ ra một chút gì tự phụ và ông luôn kiểm soát được việc "thông báo tin tức". Đó chính là nét đặc trưng cho tính cách Phạm Xuân Ẩn.
Lần cuối cùng tôi gặp Phạm Xuân Ẩn vào tháng 6 năm 2006. Chúng tôi dành cả buổi sáng để thảo luận về cuộc phỏng vấn của tôi với ông Tư Cang về cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Phạm Xuân Ẩn mở đầu cuộc nói chuyện: "Hôm nay tôi cảm thấy trong người rất yếu và mệt mỏi, nên có thể chúng ta chỉ trao đổi trong một giờ thôi nhé". Bốn tiếng đồng hồ sau, Phạm Xuân Ẩn nói đã đến giờ đi nằm rồi. Đây là dấu hiệu để tôi hiểu là đến giờ thu xếp đồ ra về. Sớm hôm sau, trước khi rời Việt Nam về Mỹ, tôi nói với ông rằng tôi muốn được gặp lại ông một lần nữa vào đầu tháng 10, trước khi cuốn sách được ấn hành. Phạm Xuân Ẩn mỉm cười và nói: "Tôi cũng hy vọng như vậy. Nhưng giờ thì giáo sư đã có đủ tư liệu rồi, quá nhiều rồi".
Khi tôi trở lại vào tháng 10, sự hiện diện của Phạm Xuân Ẩn vẫn còn ở bất cứ nơi đâu trong nhà ông. Theo truyền thống của người Việt Nam, một căn phòng được biến thành nơi đặt bàn thờ để tưởng nhớ Phạm Xuân Ẩn. Trên bàn thờ, một bức chân dung cỡ lớn Phạm Xuân Ẩn mặc quân phục cấp tướng, rất nhiều huân, huy chương, bằng khen được trưng bày nổi bật. Một bát cơm được thay mỗi bữa để ông Phạm Xuân Ẩn ở thế giới bên kia không bị đói. Một bát khác để cắm những nén hương nghi ngút, cạnh đó là một chiếc cốc uống cà phê của Phạm Xuân Ẩn hồi còn ở Trường Orange Coast College do các bạn nhân viên nhà trường tặng có ký tên từng người. Bốn quyển sổ tang ghi cảm tưởng, tưởng niệm, suy nghĩ của những người đến viếng thăm Phạm Xuân Ẩn.
Tôi đến đây để bày tỏ sự kính trọng của tôi đối với gia đình Phạm Xuân Ẩn trong thời gian để tang. Tôi nhờ một người bạn dạy cho từ tiếng Việt "chia buồn" để diễn tả ý tôi muốn chia buồn cùng với gia đình ông bằng tiếng Việt Nam. Khi gặp bà Thu Nhàn, tôi nói "chia buồn". Sau đó, chúng tôi cùng ngồi xuống và nói chuyện về Phạm Xuân Ẩn, chồng bà. Cuối ngày hôm ấy cháu Phạm Ân đưa tôi đến thăm mộ của cha để tôi thắp hương cho ông và để tôi bày tỏ sự biết ơn và đánh giá cao của mình về tất cả những gì mà ông và tôi đã bộc bạch với nhau trong suốt 5 năm qua.
Suốt mấy ngày tiếp theo, tôi đã có thể nói chuyện được với một người hiểu biết Phạm Xuân Ẩn hơn bất kỳ ai khác, đó là vợ ông. Bà Thu Nhàn biết rằng cuốn sách của tôi đã hoàn thành, nhưng tôi vẫn còn một số câu hỏi. Bà Thu Nhàn đã bình tĩnh và có phương pháp trình bày rất thuyết phục để giúp đỡ tôi theo cách mà trước đó, tôi không dám nghĩ tới. Bà và cháu Phạm Ân đã cố gắng hết sức để giúp tôi chẳng khác nào việc làm một nhịp cầu nối liền các ký ức. Sau này tôi được đưa tới tỉnh Long An để gặp gỡ và ăn trưa cùng bà Nguyễn Thị Ba - người từng làm liên lạc cho Phạm Xuân Ẩn trong suốt thời gian dài. Sau đó, tôi được phỏng vấn người đã từng tìm nguồn tiền để cử Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ, đó là tướng Mai Chí Thọ, em trai của ông Lê Đức Thọ.
Trong chuyến thăm này, tôi được gặp hai người Việt Nam viết hồi ký cho ông Phạm Xuân Ẩn, cũng như gặp người làm bộ phim tư liệu về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn của đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên, chúng tôi nói chuyện với nhau về quá khứ của Phạm Xuân Ẩn. Mỗi người trong chúng tôi đều cố gắng tìm một chỗ đứng cho ông trong lát cắt lịch sử đầu tiên của riêng mình. Trong khi chúng tôi trao đổi những câu chuyện về Phạm Xuân Ẩn, tôi tự hỏi vậy ai - ngoài vợ của ông - là người thực sự hiểu biết về ông? Tôi đã dành toàn bộ thời gian này với ông Phạm Xuân Ẩn, thu được rất nhiều thông tin về những mối quan hệ đan chéo nhau trong cuộc đời của ông. Thế mà tôi cũng mới chỉ biết được một phần mà Phạm Xuân Ẩn quyết định cho tôi được biết thôi. Làm sao tôi có thể dám chắc rằng tôi đã chẳng lần tới đoạn cuối cùng cuộn chỉ cuộc đời của một trùm điệp viên có vỏ bọc hoàn hảo? Có lẽ Phạm Xuân Ẩn lại một lần nữa thể hiện nguyên tắc lý trí và kỹ năng chia cắt thành nhiều ngăn cuộc đời ông, giống như ông đã từng áp dụng trong chiến tranh khiến cho không người bạn Mỹ hay bạn Việt Nam nào thực sự hiểu được ông.
Tại một trong những cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi, Phạm Xuân Ẩn đã khiến tôi ngạc nhiên khi ông nói rằng: "Giáo sư đã có gần đủ tư liệu để viết sách rồi, nhưng bây giờ ông cần phải đọc cái này đã rồi chúng ta mới có thể tiếp tục cuộc trao đổi ngày mai". Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa trao cho tôi cuốn sách Quá khứ tiếp diễn - một cuốn sách mà tôi chưa bao giờ được biết. Trong những năm đầu của thập kỷ 1980, các cơ quan an ninh chính trị của Việt Nam đã đặt hàng nhà văn được đánh giá cao Nguyễn Khải viết tiểu thuyết tư liệu về cuộc đời của các anh hùng ở miền Nam - những người đã hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng. Nguyễn Khải sau này viết trong cuốn sổ tang: "Ông sẽ mãi mãi nằm trong ký ức của bạn đọc và sẽ mãi mãi là một người Anh Lớn đối với tôi".
Được xuất bản năm 1983, tiểu thuyết của Nguyễn Khải đã phác hoạ cho bạn đọc cuộc đời của ba nhân vật chính đấu tranh cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nhân dân Việt Nam. Đó là các nhân vật Quân, một điệp viên; Vinh, một tu sĩ Thiên Chúa giáo; và Ba Huế, nữ Tiểu đoàn trưởng một đơn vị du kích tinh nhuệ của Việt Cộng. Nhân vật Quân, một điệp viên hoạt động bí mật, được cài vào vị trí chủ chốt trong Bộ Thông tin của Chính quyền Sài Gòn, được xây dựng trên cơ sở cuộc đời của ông Phạm Xuân Ẩn. Nhà văn Nguyễn Khải đã phỏng vấn rất kỹ Phạm Xuân Ẩn có thể đan xen những sự kiện có thật với tên của các nhân vật hư cấu, nhằm nguỵ trang chân dung thực của Phạm Xuân Ẩn. Về chuyện này, Phạm Xuân Ẩn đã từng cười và nhận xét: "Đó là thể loại học được từ các trường viết văn Xô viết".
Càng đọc cuốn Quá khứ tiếp diễn, tôi càng chìm sâu vào cái thế giới đang điên đảo mà cô Alice đã từng có lần nói đến. Đây là đoạn nhà văn Nguyễn Khải mô tả như thế nào về nhân vật Quân đối với nhân dân Việt Nam hồi năm 1983: Quân là một cựu binh của hai cuộc chiến tranh giải phóng, nhưng trong suốt 30 năm phục vụ quân đội, anh chưa bao giờ được nhìn thấy mặt đồng đội của mình, mà trái lại, chỉ toàn nhìn thấy mặt kẻ thù. Anh đã kết bạn và làm quen với nhiều cố vấn Mỹ và các quan chức của Chính quyền Sài Gòn, từ Quân đoàn I đến Quân đoàn IV. Anh biết những sĩ quan từ các lực lượng đặc biệt và từ những đơn vị tinh nhuệ bí mật nhất của Tham mưu trưởng MACV. Anh là một kiểu lính đặc biệt trên chiến trường đặc biệt, không được tiếp xúc với đồng đội sống với kẻ thù, hít thở chung một bầu không khí với kẻ thù, và luôn biết rõ rằng, những kẻ đang coi anh là người bạn thân hôm nay có thể trở thành kẻ sẽ tra tấn anh ngày mai…
Mỗi một hành động, thậm chí mỗi giây phút đối với anh đều phải được xem là một nhân tố phục vụ cho nhiệm vụ của mình. Anh phải sống dưới vỏ bọc của mình, nhưng phải làm sao để cuộc sống vỏ bọc giống như thật, từ suy nghĩ đến hành động. Anh phải đeo mặt nạ, chỉ mặt nạ của mình, và lúc nào cũng với chiếc mặt nạ của mình. Giả nhưng là thật, thật nhưng lại là giả trong từng ngày, từng tháng, từng năm. Và tại các thời điểm chiến tranh đang lan rộng và ngày càng ác liệt hơn, người ta cảm thấy rằng hình như anh sẽ phải sống theo cách đó vĩnh viễn.
Nhưng khi chiến tranh kết thúc, đúng là như vậy, anh phải trở về và sống như một người bình thường… cho đến lúc này anh phải tự chôn vùi mình trong cái cuộc sống giả tạo mà anh đã sống với sự tồn tại của một con người được anh tạo ra, nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ của mình. Giờ đây, làm sao anh có thể tìm được phong cách đích thực của mình? Anh không thể tiếp tục sống cuộc đời mà anh đã từng sống trong 30 năm qua. Vậy trước thời gian đó, anh là ai? Con người ấy bây giờ có còn tồn tại hay không" Bất cứ khi nào tôi quan sát anh trong một xã hội mới đều thấy, dường như anh chỉ là tạm bợ, dường như anh mò mẫm tìm một từ nào để nói cho đúng. Trong anh có một cái gì đó toát lên sự e thẹn và vụng về. Khi chúng tôi nói chuyện với nhau, anh luôn đưa thêm vào một mệnh đề khi mở đầu câu nói mang tính tạm thời để không chịu trách nhiệm, đại loại như "theo cách nghĩ của tôi thì… có lẽ". Hoặc là "theo kinh nghiệm của tôi thì… tôi nghĩ rằng". Thế nhưng, không có ý kiến nào của anh tiếp theo đó là trần trụi hay xáo rỗng tầm thường. Những ý kiến đó luôn sắc sảo, đóng góp một cách có ý nghĩa vào bất cứ vấn đề gì đang được thảo luận…
Quân đã từng là một điệp viên trong 30 năm và đã thiết lập được những mối quan hệ với giới chóp bu của chế độ Sài Gòn, thế mà lòng trung thành đích thực của anh chưa bao giờ bị nghi ngờ. Anh đã tự nghĩ ra được nhiều cách để kiểm tra chéo tay đôi, tay ba với các nguồn tin và đặc tình của mình, cất để giữ cho chính anh được sống. Nhưng khi tôi lắng nghe anh, tôi có thể nghe được cả những điều anh đã đánh mất.
Ngày hôm sau, Phạm Xuân Ẩn đã chỉ cho tôi những chỗ là trong đó, tên người và sự kiện được che dấu, thỉnh thoảng ông nói: "Đó là sự thật, đúng như được miêu tả". Nhưng lúc khác, Phạm Xuân Ẩn lại nói: "Ông ta đã thay đổi tên, trên thực tế là Peter Smark đã nói với tôi như thế, chứ không phải là Rufus Phillips".
Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn: "Vậy làm sao tôi có thể biết được đâu là thật và đâu là không thật?".
Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi sẽ nói cho giáo sư biết, nhưng chỉ có những chuyện này ông được phép đưa vào sách của mình thôi. Vẫn còn rất nhiều điều nữa tôi không thể nói được". Không còn nghi ngờ gì nữa, ông đang áp dụng cách xử lý tình huống của Mad Hatter.
Sau đó, Phạm Xuân Ẩn nói dài về sự cô đơn và trăn trở của ông. "Chiến tranh đã kết thúc rồi, và tôi chỉ muốn giống như Tarzan ở trong rừng rậm, thoát khỏi sự ràng buộc của mọi nghĩa vụ. Tôi đã từng muốn sang Mỹ để tiếp tục công việc của mình với Tạp chí Time, có thể là làm một phóng viên ở bờ Tây nước Mỹ, thường trú tại Costa Mesa chẳng hạn". Tôi nói đùa với Phạm Xuân Ẩn rằng như thế ít nhất ông cũng được ở gần 17 - Mile Drive, nơi bán tinh hoàn hải cẩu. "Cái thứ đó tốt hơn rất nhiều so với Viagra, thật đấy", ông nói và hơi nhếch mép cười.
Tôi cho rằng mỗi người trong số chứng ta sẽ nhớ Phạm Xuân Ẩn theo cách của riêng mình. Đọc lướt qua những bài báo về cáo phó và ca ngợi Phạm Xuân Ẩn do những đồng nghiệp xưa viết, tôi đặc biệt bị lôi cuốn bởi ba bài vượt quá giới hạn chuẩn mực của một bài về tiểu sử. Viết trên tờ Interpendent, Bruce Palling quan sát được như sau: "Thủ đoạn, một khi nó được nhằm mục đích làm tăng khả năng tác động của một tình báo viên lên kết quả của một cuộc chiến tranh kéo dài, Phạm Xuân Ẩn xứng đáng được coi là một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ XX". Palling nhắc đến vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong hai thời điểm mang tính chất bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đó là trận Ấp Bắc năm 1968 và cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968.
Trên tờ Boston Globe, nhà báo David Greenway - người thường hay mua những con chim có giọng hót hay từ Bangkok mang cho Phạm Xuân Ẩn, đặt câu hỏi: "Có phải tất cả tình bằng hữu của Phạm Xuân Ẩn đều là giả dối và phản bội hay không? Có rất nhiều sự giả dối, rất nhiều sự phản bội, rất nhiều sự trung thành, xung đột trong cuộc phiêu lưu bất hạnh của Mỹ ở Việt Nam đến mức, bất cứ cảm giác nào về việc chúng ta đã sai cũng trở nên phai nhạt".
Và trên Tạp chí Time, cựu trưởng phân xã Sài Gòn Stanley Cloud viết: "Tôi đã từng cảm thấy mình rất hiểu Phạm Xuân Ẩn, thế nhưng tôi đã sai". Nhà báo Cloud coi Phạm Xuân Ẩn là một người theo chủ nghĩa dân tộc, yêu đất nước của mình hơn bất cứ ý thức hệ tư tưởng nào. "Trong thời gian chiến tranh, một đồng nghiệp của chúng tôi đã nói: "Tôi nghĩ, Phạm Xuân Ẩn là một ví dụ hoàn hảo về một xã hội Việt Nam tốt đẹp nhất". Khi đó, tôi cũng đã nghĩ như vậy, và bây giờ tôi cũng vẫn còn nghĩ như vậy".
Tôi tương đối chắc rằng những người bạn của Phạm Xuân Ẩn đều nhìn nhận ông theo cách của nữ phóng viên Jolynne d'Ornano: "Tôi vô cùng khâm phục bằng cách nào mà ông, trong một lúc, sống nhiều cuộc đời thành công như vậy, và tôi tin là như thế, rất chân thành". Jolynne d'Ornano viết như vậy trong một lá thư bà gửi cho Phạm Xuân Ẩn trong những ngày cuối cùng của cuộc đời ông. Lá thư viết tiếp: "Đặt gia đình sang một bên, ông có hai lòng trung thành - một đối với đất nước của ông, và một đối với tình yêu nước Mỹ và những người Mỹ mà ông đã kết bạn. Tôi không nhận thấy bất kỳ sự xung đột nào trong những việc ông đã làm. Ông có thể yêu một đất nước khác vì những điều mà đất nước đó đại diện, nhưng ông vẫn chống lại những chính sách của nước đó, đặc biệt là khi các chính sách ấy đang tàn phá đất nước của ông và dân tộc ông. Theo bản chất của mình, ông không thể chỉ ngồi yên, chẳng làm gì cả và cứ để cho tự nhiên và những sự kiện cứ thế diễn ra. Vai trò mà ông đóng trong việc làm nên lịch sử không chỉ cần niềm tin mãnh liệt, mà cần cả sự can đảm ghê gớm, và tôi khâm phục ông đã làm được điều đó".
Tất cả những điều mà Phạm Xuân Ẩn mong muốn chỉ là nhân dân Việt Nam có cơ hội để quyết định tương lai của mình, tự do không còn bị ảnh hưởng của ngoại bang. Việc ông tham gia cách mạng thấm đậm những ý tưởng của người theo chủ nghĩa dân tộc, đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân với những niềm hy vọng tạo ra một xã hội mới dựa trên sự bình đẳng kinh tế và công bằng xã hội. Khi người Mỹ đến Việt Nam, mang theo những cố vấn và đô la, tiếp đến là quân sự, Phạm Xuân Ẩn đã nhận và thực hiện nghĩa vụ của ông đối với dân tộc là hoạt động tình báo. Ông không hề thích thú làm một điệp viên. Khi chiến tranh kết thúc, ông đặc biệt đau đớn tìm cách làm giảm đi những thành tựu tình báo của mình.
Bốn mươi năm sau kể từ lần gặp cuối cùng với Lee Meyer, một nữ biên tập viên trẻ tuổi mà ông đã yêu ngày còn ở Trường Orange Coast, Phạm Xuân Ẩn viết một bức email dài cho người phụ nữ này: "Nay là lúc để tóm tắt lại những gì tôi đã làm kể từ khi rời Orange County. Mùa hè năm 1959, tôi thực tập tại toà báo Sacramento Bee, sau đó bỏ ra bảy ngày để một mình lái xe đi dọc nước Mỹ trên chiếc Mercury đã mười hai năm tuổi của tôi đến New York để tham dự các hoạt động báo chí tại Liên hợp quốc, rồi trở về Việt Nam. Tôi đã làm việc cho Việt Tấn Xã trong năm 1960, rồi chuyển sang làm cho Hãng tin Reuters đến mùa hè năm 1964, tiếp đó là làm cho tờ New York Herald Tribune cho đến khi ấn phẩm toàn quốc bị đóng cửa vào mùa hè 1965. Rồi tôi được Tạp chí Time thuê và tôi làm việc cho họ đến khi kết thúc chiến tranh, sau đó tôi còn tiếp tục làm cho Tạp chí Time đến khi Văn phòng của tờ Tạp chí này bị đóng cửa vào năm 1976. Nghề yêu thích của tôi đã chấm dứt từ đó và chế độ mới biến tôi thành một nhà tư vấn thương mại".
Như thế đấy. Không hề có một lời nào nói về việc làm tình báo; về việc được phong danh hiệu Anh hùng hoặc là được thăng quân hàm cấp tướng. Phạm Xuân Ẩn đang làm cái điều mà ông đã từng làm trong suốt 5 thập kỷ qua, thể hiện cho mọi người thấy ông là một con người như thế. Phạm Xuân Ẩn còn rất nhiều điều bí mật đối với nhiều người, thế nhưng hình như ông đã kết bạn với hầu như tất cả mọi người. Dường như ông vẫn còn sống một cuộc đời có nhiều vách ngăn từ hồi còn chiến tranh. Đó là cuộc đời của một nhà báo đối với các bạn Mỹ, và cuộc đời của một người anh hùng đối với dân tộc của ông. Khi chiến tranh kết thúc, có người đã nghĩ mình hiểu Phạm Xuân Ẩn như bất kỳ ai khác. Thế mà ông ta đã phải tự hỏi, làm sao có thể có trên đời một người mà ông ta từng phụ thuộc nhiều vào lời khuyên của người ấy trong một thời gian dài, và người ấy lại là một điệp viên Cộng sản. Người điệp viên ấy không một mảy may thể hiện chút gì về đường lối Cộng sản. Rob Shaplen viết: "Chắc chắn Phạm Xuân Ẩn là người thạo tin nhất thành phố Sài Gòn và ông có nhiều nguồn tin vô kể đến mức, không ai có nhiều nguồn tin như ông. Tại các cuộc chuyện trò của chúng tôi trong nhiều năm, mỗi cuộc thường kéo dài nhiều giờ, tôi phát hiện ra rằng những thực tế và những ý kiến mà ông cung cấp liên quan đến Cộng sản, Chính quyền Sài Gòn, những cá nhân và những tổ chức đang đấu tranh - bao gồm cả Phật giáo và Thiên Chúa giáo từng chống cả hai bên xung đột - bao giờ cũng chất lượng hơn những thông tin mà tôi thu được từ các nguồn khác. Các thông tin của Phạm Xuân Ẩn cung cấp còn chất lượng hơn cả các thông tin do Đại sứ quán Mỹ cung cấp. Đại sứ quán Mỹ hiểu biết ít một cách đáng ngạc nhiên về tình hình đang diễn ra trong số những người Việt Nam không thuộc tổ chức nào".
Vậy Phạm Xuân Ẩn tự nhìn nhận mình như thế nào? Các giá trị nho giáo trong Phạm Xuân Ẩn có lẽ là chìa khoá để hiểu được con người ông. Một người bạn của Phạm Xuân Ẩn là Douglas Pike viết: "Phạm Xuân Ẩn rất sùng bái Nho giáo - riêng về điều này là tôi dám chắc. Ông ấy là người sống rất đạo đức, do vậy ông luôn tự soi mình và hành động trên cơ sở các giá trị của Nho giáo. Một trong những giá trị này liên quan đến tình bạn. Nho giáo nhấn mạnh sự thuỷ chung trong tình bạn và ngăn cấm việc khai thác, lợi dụng một người bạn".
Tôi chưa bao giờ nghe Phạm Xuân Ẩn nói điệp viên là một cái gì khác ngoài nhiệm vụ được giao, mà nhiệm vụ ấy đã kết thúc khi đất nước thống nhất. Mỗi khi Phạm Xuân Ẩn nói về công việc của ông ngày còn làm ở Tạp chí Time hay ở báo Barnacle, trong giọng nói của ông luôn hào hứng, sôi nổi. Có lẽ hầu hết mọi người đều nói rằng trước khi Phạm Xuân Ẩn qua đời, trên các bức tường trong nhà ông không hề treo huân chương, bằng khen, giấy chứng nhận danh hiệu Anh hùng. Trên thực tế, ông để tất các những thứ đó trong ngăn kéo hoặc trên tường phòng ngủ ở tầng hai. Trong suốt thời gian tôi được biết Phạm Xuân Ẩn, chưa bao giờ tôi nhìn thấy một bức ảnh nào ông mặc quân phục treo ở dưới tầng trệt. Trong khi đó tại nhà của các Anh hùng Nguyễn Thị Ba và Tư Cang, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những huân chương, cuống huân chương và bằng khen được trang hoàng đầy tường.
Tài sản dễ nhìn thấy nhất của Phạm Xuân Ẩn là sách, chất tầy trên giá sách, trên mấy cái bàn ở gần đó và một đống Tạp chí Time mà ông nhận được hàng tuần. Những người đến thăm, nếu biết sở thích của ông, thì mang cho ông những cuốn sách mới. Phạm Xuân Ẩn là người đọc đủ mọi thứ sách. Ai có thời gian để lắng nghe ông sẽ học được rất nhiều điều.
Trong hậu quả trực tiếp từ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, có lẽ Phạm Xuân Ẩn là người duy nhất của bên thắng không cảm thấy cay đắng đối với kẻ thù từng gây ra biết bao chết chóc và tàn phá đất nước ông. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi đã sống và làm việc với người Mỹ trong thời gian rất dài. Tôi biết họ là những người tốt. Hầu hết người Mỹ đều tin những điều mà Chính phủ Mỹ nói với họ. Họ không biết sự thật về người Việt Nam. Tôi chẳng có lý do gì để ghét người Mỹ, cũng giống như những người Mỹ biết tôi trước chiến tranh chẳng có lý do gì để ghét tôi".
Chế độ mới nhận ra rằng việc họ lập trình lại cách nghĩ của Phạm Xuân Ẩn đã không có tác dụng, bởi vì trí tuệ của ông sẽ không thể phát huy được trong một xã hội còn đóng cửa. Bà Germaine Lộc Swanson nói với tôi rằng "Phạm Xuân Ẩn là một người yêu nước. Ông ấy trở thành người Cộng sản chẳng qua chỉ là nghĩa vụ". Thế nhưng, cho dù những nhà bình luận đã viết gì, Phạm Xuân Ẩn vẫn không lên án sự tham nhũng đã trở nên tràn lan ở Việt Nam hoặc lên án chế độ một cách chung chung. Mỗi khi được hỏi, ông chỉ nói lên sự thật, giống hệt như ông đã từng làm trong suốt thời gian chiến tranh. Ông nói một cách diễu cợt về "những nhà tư sản đỏ" hoặc "những người Cộng sản xanh". Phạm Xuân Ẩn nói với tôi và với những người khác rằng "Tôi không đấu tranh để có được những thứ ấy". Chưa bao giờ Phạm Xuân Ẩn chỉ trích chính phủ. Ông chỉ nói những suy nghĩ của mình về một tầm nhìn khác đối với tương lai. Phạm Xuân Ẩn luôn tỏ ra tiếc nuối vì sự vô vị của chiến tranh dẫn đến rất nhiều thương vong cho cả hai phía. Tháng 12/1969, ông viết thư cho Rich và Rosann Martin: "Về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đó là một điều rất buồn".
Có một lần tôi hỏi Phạm Ân, theo cháu thì cuốn sách tôi viết về cha cháu nên đặt tên là gì. Suy nghĩ một lúc, Phạm Ân gợi ý đặt tên là Những người bạn và những điệp viên: "Dù sao đối với ba cháu, hai điều này luôn không đi cùng nhau trong nghề tình báo. Cháu hy vọng ba cháu luôn được nhớ tới như một người thuỷ chung với bạn và trung thành với Tổ quốc của ba. Đôi khi, trong cuộc đời, người ta cần phải lựa chọn giữa những lợi ích. Trong tiếng Việt có chữ tâm nghĩa là "trái tim". Ba cháu đã luôn luôn hành động theo trái tim, chứ không phải là vì những lợi ích cho mình. Khi người ta không có điều gì phải hối hận trong con tim, thì người ta luôn có hành động đúng. Ba cháu chẳng có điều gì phải hối hận".
Trong thời kỳ 1975-1986, khi Phạm Xuân Ẩn đang bị theo dõi chặt chẽ, ông đã dành nhiều thời gian để đọc sách cùng với các con mình. Ông luôn cố gắng truyền đạt những giá trị cơ bản mà ông đã từng học được từ rất nhiều người bạn của mình. "Tôi muốn các cháu biết tôn trọng nhân văn và nhận ra được rằng sự hiểu biết, kiến thức quí giá hơn tiền bạc. Cháu Phạm Ân đã học được điều này tại gia đình cháu ở đây và tại gia đình thứ hai của cháu ở Chapel Hill, giống hệt như cách mà tôi đã học được văn hoá Mỹ từ California. Người Mỹ rất nhân bản, họ biết cách cười như thế nào, tự do như thế nào, đó là điều đặc biệt".
Báo chí đưa tin rộng rãi rằng năm 1997, chính phủ Việt Nam đã khước từ cấp visa xuất cảnh cho Phạm Xuân Ẩn đi dự một hội nghị cùng với các nhà báo khác tại New York để thảo luận vấn đề di sản của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Như chúng tôi được biết, do tuổi già và sức yếu, ông Phạm Xuân Ẩn đã không xin visa xuất cảnh".
Tuy nhiên, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Tôi rất muốn dự cuộc họp đó. Họ không hiểu tôi nên lo ngại. Tôi biết vì sao không ai muốn ký để cấp thị thực xuất cảnh cho tôi và chịu trách nhiệm để cho tôi đi nước ngoài. Vì nếu tôi ra ngoài mà phát ngôn hay làm điều gì sai, sẽ hại đến nghề nghiệp và chức vụ của người đó".
Sau đó, Phạm Xuân Ẩn nói đùa: "Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi tìm được một bạn gái ở Mỹ?".
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sự tức giận từ phía những người cho rằng Phạm Xuân Ẩn phải chịu trách nhiệm đối với những cái chết của không phải là hàng trăm, mà là hàng ngàn người Mỹ. Ross Johnson, cựu Thượng nghị sĩ bang California, đồng thời là người từng sống chung ký túc xá với Phạm Xuân Ẩn trước đây nói: "Phạm Xuân Ẩn không thể làm được những điều như ông ta đã làm mà người Mỹ không phải trả giá bằng những mạng sống. Bất cứ ai nói rằng ông ta không làm như vậy, thì người đó là ngây thơ".
Thật khó mà phản bác lại được kết luận rằng nhiều người đã chết vì sự thành công của trùm điệp viên này. Nhưng tôi nghĩ, sự tức giận ấy đã làm lu mờ đi một thực tế rằng Phạm Xuân Ẩn đang bảo vệ đất nước của ông. Wendy Larsen, người đã từng có thời gian ở cùng với Phạm Xuân Ẩn khi chồng bà làm Trưởng phân xã Tạp chí Time ở Sài Gòn, đã viết thư cho tôi: "Tôi muốn nghĩ rằng nếu ở trong tình huống đó có lẽ tôi chỉ thể hiện được một phần trăm sự can đảm mà Phạm Xuân Ẩn đã làm cho đất nước của ông".
Sau khi biết tin Phạm Xuân Ẩn qua đời, Jul Owings, con gái của Mills Brandes, đã viết thư cho tôi về "sự qua đời của một trong những người bạn thân thiết nhất của gia đình tôi. Tôi không hề ngạc nhiên khi thấy chú Phạm Xuân Ẩn trung thành trước hết là với Tổ quốc của chú ấy. Chẳng lẽ người Mỹ chúng ta không làm như vậy sao?".
Phạm Xuân Ẩn đã sống đủ lâu để được chứng kiến một chương mới mở ra trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trên thực tế, ông đã trở thành một phần của quá trình hoà giải rộng lớn hơn giữa hai kẻ thù xưa. Và tại đây tôi tin rằng cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn đã dừng lại ở đúng cái điểm làm cho vòng tròn được hoàn toàn khép kín. Nhân dịp Đại sứ Hoa Kỳ Raymond F. Burghardt sắp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn được mời dự một buổi chiêu đãi để chào mừng phái đoàn ngoại giao mới và để chia tay Đại sứ. Vài ngày trước khi diễn ra sự kiện này, Phạm Xuân Ẩn bị một con chim ưng quí của ông mổ, khiến ông không thể đi dự buổi chiêu đãi được. Cháu Ân đại diện cho gia đình đến dự cuộc chiêu đãi đó.
Khi biết Phạm Xuân Ẩn đang ở nhà, Đại sứ Raymond F. Burghardt đã nói người lái xe chở ông đến đó để trực tiếp có lời chia tay với ông Ẩn. Đại sứ Burghardt nói với tôi: "Câu chuyện và cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thật không thể nào tin được, nhưng vượt lên trên tất cả những điều đó, Phạm Xuân Ẩn là một biểu tượng quan trọng của tình hữu nghị mới giữa hai nước chúng ta. Và con trai của Phạm Xuân Ẩn cũng là một người xuất sắc như thế".
Vài tuần sau, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Emi Lynn Yamauchi đã ăn Tết Việt Nam với gia đình Phạm Xuân Ẩn. Cháu Ân nói: "Mọi người trong gia đình cháu muốn bà Emi Lynn Yamauchi, với tư cách một người bạn, được cùng với một gia đình Việt Nam điển hình đón thời khắc quan trọng này trong năm. Điều quan trọng là chúng ta hiểu biết được văn hoá và truyền thống của nhau".
Một số vòng hoa viếng trong đám tang Phạm Xuân Ẩn đã nói lên rất nhiều điều về vai trò của ông trong quá trình hoà giải: "Kính viếng người thầy kính yêu Phạm Xuân Ẩn. Chúng con sẽ luôn giữ mãi sự uyên bác và tình hữu nghị của thầy" - Dự án Việt Nam Trường Đại học Harvard; "Với sự biết ơn sâu sắc nhất đối với những lời tư vấn và khích lệ của thầy" - Chương trình giảng dạy Kinh tế học Fullbright; và tất nhiên còn cả những lời từ một người bạn thân: "Sự khâm phục và những ký ức đáng yêu đối với Phạm Xuân Ẩn" - Neil, Susan, Catherine, và Maria Sheehan.
Phạm Xuân Ẩn được sùng bái và tôn kính tại Việt Nam vì sự đóng góp của ông vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Sau khi Phạm Xuân Ẩn qua đời ngày 20/9/2006, linh cữu của ông được quàn hai ngày cho công chúng đến viếng trước khi một lễ tang với đầy đủ nghi thức quân đội được cử hành. Ông được mai táng cạnh ông Ba Quốc và những nhà tình báo khác tại một khu vực đặc biệt trong nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.
Một bài đăng trên báo Thanh Niên viết rằng Phạm Xuân Ẩn "đã làm được những điều mà rất ít nhà tình báo khác có thể làm được. Thật dễ hiểu vì sao ông được tổ chức lựa chọn. Nhưng chúng ta sẽ còn phải mất nhiều thời gian để đánh giá một cách chính xác về con người và những điều ông để lại. Ông Tư Cang đã viết một bài thơ như sau để tưởng nhớ ông Phạm Xuân Ẩn qua đời. Tôi nghĩ bài thơ này đóng vai trò như một phép ẩn dụ về một cuộc chiến tranh và về một cuộc đời mà vẫn còn rất ít người hiểu được:
Và thế là kết thúc cuộc đời của một nhà tình báo.
Một người trung với Đảng, hiếu với Dân
đã hoàn thành món Nợ của mình đối với Dân tộc.
Anh là người sống suốt thời kỳ loạn lạc.
Anh thực sự xứng đáng với danh hiệu "Anh hùng"
Xuân Ẩn ơi, từ nay Anh sẽ thực sự là "Ẩn".
Bạn bè sẽ luôn đau buồn trước sự mất anh.