Bảy ngày

Ngồi trong xe ôtô về Hà Thành, nhìn qua ô cửa kính tôi vẫn thấy thằng dị tật nhoẻn miệng cười...

 

Ngày thứ nhất.
 
Trời mưa xối xả, mưa như trút nước, con đường vào khu tập thể lầy lội, loang lổ những vũng nước. Chiếc quần kaki màu trắng vừa mới tậu để chuẩn bị diện vào ngày nhận công tác mới lấm tấm bùn đất, dơ dáy và bẩn thỉu. Quẳng chiếc balô xuống nền đất, tôi nằm ọp ẹp trên chiếc giường cũ xiêu vẹo. Mặt ngửa lên trên nóc nhà, những giọt nước thi nhau giỏ xuống chân tôi. Nóc nhà bị dột. Thật ghê sợ. Vừa ẩm thấp, vừa bẩn thỉu.
 
Thiết nghĩ sáng thứ hai tôi sẽ được giới thiệu với gần 500 học sinh của trường là giáo viên mới. Chắc cả trường sẽ ồ lên: “giáo viên trẻ” cho mà xem. Ừ đúng vậy tôi trẻ nhất trường và cũng khả ái nhất trường. Chú hiệu trưởng nói vậy khi gọi điện cho tôi ngay hôm qua mà. Nói vậy thì có vẻ tự hào lắm nhưng thực ra thì chẳng vui gì cả. Đẹp ở Thủ đô còn có giá trị, đẹp ở đây đâu có giá trị gì. Xinh đẹp nơi đây chỉ để cho hoa rừng ngắm mà thôi.
 
Ôi, nơi đây thật buồn. Thành phố ơi! Gia đình thân yêu của tôi ơi! Con nhớ ba mẹ, chị nhớ em lắm em trai à. Còn nhớ cách đây có 1 ngày thôi tôi vẫn đang nằm trong một ngôi nhà đẹp đẽ và khang trang mà ba tôi đã cho xây dựng cách đây 2 năm. Vậy mà sau có 1 đêm tôi đã ở ngôi nhà được trát bằng bùn đất này rồi. Tôi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành sư phạm Ngữ văn. Là người thành phố nhưng tôi lại muốn cống hiến cho Tổ quốc bằng con đường lên Tây Bắc xây dựng cho sự nghiệp giáo dục. Liệu ngày mai khi đứng trước toàn thể đồng nghiệp, học sinh trường mới, tôi có còn cảm giác cô đơn như ngày đầu tiên này không?
 
Ngày thứ hai.
 
Tôi được giới thiệu trước đông đảo 32 giáo viên và gần 500 học sinh của trường liên cấp. Những tràng pháo tay nổ lên như những tiếng pháo chào tôi. Những tiếng hét, ồ lên: “giáo viên mới”. Đâu đấy tiếng bàn tán xì xào: “giáo viên mới xinh quá, chắc dân thành phố”.  Tôi cũng ấm lòng khi nghe những lời này.
 
Ngày thứ ba.
 
Tôi được nhà trường giao cho chủ nhiệm lớp 7B. Bước vào cửa lớp, một ấn tượng không đẹp lắm. Chiếc ghế dành cho giáo viên ngồi đang được một thằng dị tật ngồi vắt vẻo. Nhìn thấy tôi, nó nhe răng ra cười, miệng nó từ từ chảy rớt rãi, mắt lồi ra, cái cổ ngểnh lên. Tôi sợ hãi đến ọe cả ra. Thật kinh tởm. Thấy tôi vậy nó bỏ chạy xuống tận bàn cuối ngồi. Ôi! Ngày thứ hai thật đáng sợ. Phải chăng vì tôi sợ thằng dị tật?
 
Ngày thứ tư.
 
Hôm nay tôi được đông đảo các đồng nghiệp trong tổ bộ môn đến dự giờ giáo viên mới. Thật hồi hộp và cũng hơi run. Tôi dạy thật sớm để chuẩn bị kĩ hơn về bài giảng của minh. Tôi chọn lớp chủ nhiệm để thực hiện bài giảng của minh vì dù sao lớp tôi cũng là lớp được nhà trường đánh giá là lớp có thành tích xuất sắc nhất trong học tập, là lớp đi đầu trong mọi hoạt động. Xách chiếc cặp trên tay cùng với một mớ bảng phụ, thước kẻ, tôi khệ nệ bước vào lớp. Thằng dị tật lại ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế của tôi. Nó đang cười nắc nẻ, cái chân ngắn tủn rung tít, rồi lại đưa đi đưa lại. Chắc người nó chỉ khoảng 1m là cùng. Thấy tôi, nó tắt nụ cười vội tụt xuống ghế, chạy thẳng một mạch xuống bàn cuối. Bực mình tôi quát nó: “Lần sau cậu không được lên đây ngồi nữa, nghe chưa?”. Nó cúi mặt, không nói gì. Hình như nó khóc . Không biết nữa, tôi không thèm để ý.
 
Tất cả giáo viên trong tổ bộ môn bước vào. Cả lớp đứng dậy chào. Duy nhất có thằng dị tật là không đứng dạy. Tôi lừ mắt, hiểu ý tôi, nó tụt xuống ghế. Cái bàn nuốt luôn cả người nó, mọi người chỉ nhìn thấy mỗi bộ tóc như tổ quạ của nó rậm rạp và xù xì. Tôi quên mất là người nó ngẳn ngủn. Cả lớp ngồi xuống chuẩn bị bài mới. Thằng dị tật vẫn loay hoay chèo lên ghế. Nó không sao leo lên ghế được. Cả lớp nhìn nó cười ồ lên. Thằng lớp trưởng ngồi cạnh nó bế nó lên rùi thả phịch một cái. Hình như nó đau nhưng nó không dám kêu. Tôi đỏ mặt, bực mình mà không nói được câu nào.
 
Giờ giảng của tôi khá suôn sẻ nhưng đến 5 phút cuối giờ thì tự nhiên thằng dị tật lại đổ vật người về đằng sau. Nó oái oái kêu đau. Mọi người nhìn nó và cười khanh khách.. Tôi lại phải dừng bài giảng để xuống xem. Tôi không dám bế nó ngồi lên ghế vì người nó thật bẩn và hôi hám. Không ai dám bế nó cả. Đồng nghiệp của tôi cũng lắc đầu lè lưỡi, không ai dám gần nó. Tôi bảo thằng lớp trưởng bế nó dậy. Thằng lớp trưởng vội đứng lên bế nó rồi lại thả phịch một cái xuống ghế. Đã đau nó lại càng đau hơn, nhưng lần này nó không dám kêu nữa. Đúng lúc đó thì trống báo hết giờ. Tôi luống cuống vội vã chạy lên bụng giảng nói liên hồi, chốt lại bài và dặn dò để hoàn thành khâu cuối cùng của một bài giảng.
 
Ngày hôm đó, tôi bắt cả lớp ở lại kiểm điểm thằng dị tật. Vì nó mà tôi bị cháy giáo án. Vì nó mà bài giảng của tôi không thành công. Uổng phí bao nhiêu công sức của tôi. Giận dữ, tôi mắng nó: “Sao cậu không biến vào trường phục hồi chức năng mà học đi cho tôi đỡ khổ”. Nó cúi gằm mặt xuống. Giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má của nó. Cái đầu nó ngoặt về một bên. Tôi nhìn rõ nó khóc. Nhưng tôi vẫn không nguôi giận. Tôi vẫn ghét nó. Nó là nỗi ám ảnh của tôi.
 
Ngày thứ năm.
 
Tôi lên lớp. Nó vẫn ngồi vắt vẻo trên ghế. Hai chân vẫn đưa đi đưa lại. Cái đầu vẫn ngoặt ngẹo, ngểnh lên. Hàm răng nhô ra phía trước vẫn nhe ra cười, đến tởm. Vẫn vẻ mặt đáng ghét ấy. Bực mình tôi chạy đến bế thốc nó lên đặt phịch xuống đất. Tiện giọng quặt cho nó một trận: “Tôi bảo cậu là không được ngồi trên ghế của giáo viên cơ mà. Cậu không rõ sao?”. Thấy tôi quát, nó chạy vội ra bên ngoài. Hai cái chân ngắn ngủn cứ thế chạy, chạy mãi ra tận cổng trường rồi mất hút.
 
Cả buổi học hôm đó nó không quay lại học nữa. Tôi bắt đầu thấy sợ hãi. Nhỡ chẳng may nó làm sao thì tôi ân hận cả đời. Cầu trời phật nó không làm sao. Chiều tối, tôi vội vã đến nhà nó. Vừa đến cổng đã thấy nó vắt vẻo trên ngọn cây. Tôi không tin vào mắt minh nữa. Nó đang đu đưa trên ngọn cây như một con khỉ. Chân ngắn ngủn như vậy mà nó leo được thì thật là chuyện lạ Việt Nam. Nó hái những trái me nhóm nhém nhai như một ông cụ. Nó nhè trái me trong miệng ra vì chua quá. Lưỡi thè ra, rớt rãi chảy dài từ trong miệng giỏ dài xuống đất. Không biết nó là người hay quỷ nữa. Ai trông thấy cảnh này không buồn nôn mới là lạ.
 
Khiếp hãi, tôi chạy xe thẳng về trường. Hình ảnh chiều nay cứ hiện về trong đầu tôi. Hôm đó tôi không sao ngủ được. Lúc nào cũng nghĩ vè cảnh thằng dị tật thè lưỡi như một con quái vật, rớt rãi chảy dài ra. Ôi Tây Bắc. Lúc này tôi muốn về nhà quá. Tôi không muốn ở đây nữa.
 
Ngày thứ 6.
 
Hôm nay là ngày 20/10. Bước vào lớp. Thật là may thằng dị tật không đến lớp. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt. Nó không đến là bớt được một gánh nặng. Hôm nay là ngày 20/10, nó mà đến lớp là tôi mất vui. Tôi được tặng rất nhiều hoa. Dù sao tôi cũng là giáo viên trẻ nhất trường, lại được rất nhiều học sinh quý mến trừ thằng dị tật ra. Tôi nghĩ thế. Đang vui vẻ hát hò với tập thể lớp thì cô Chủ tịch Công đoàn của trường chạy đến đứng trước cửa lớp, mặt tái nhợt đi, thở hổn hển: “Thằng San lớp cháu trèo cây bị ngã rồi”. Tôi bình thản: “Lớp cháu không có ai tên San cả”. “Thằng dị tật mà cháu hay gọi đấy”. “Trời đất” – Tôi thốt lên. Hóa ra nó tên là San. Bây giờ tôi mới biết nó tên là San. Tôi vội vã chạy đến trạm y tế xã. Nó đang nằm xoài trên chiếc giường, mọi người vây xung quanh nó bàn tán xì xào. Trên tay nó vẫn nắm chặt những trái me. Mắt nó lồi ra lăm lăm nhìn tôi. Miệng vẫn nhoẻn cười. Nó giơ những trái me ra: “Tặng cô giáo này”. Và tôi bật khóc.
 
Ngày thứ 7.
 
Nó vĩnh viễn rời khỏi thế gian này. Tôi tạm biệt vùng đất Tây Bắc trở về Hà Nội nhận công việc mới. Ngày thứ 7, trời mưa xối xả, mưa như trút nước. Mưa tầm tã như ngày đầu tôi mới về nhận công tác. Ngồi trong xe ôtô về Hà Thành, nhìn qua ô cửa kính tôi vẫn thấy thằng dị tật nhoẻn miệng cười.

Bài dự thi Dấu ấn tuổi 20

Trích ngang tác giả:

Họ và tên: Bùi Thị Tươi

Địa chỉ: 129, Phố Quang Trung, khu Cầu Sơn, Thị Trấn Vương, Huyện Tiên Lữ, Tỉnh Hưng Yên

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3