Dấu ấn tuổi 20

Tuổi 20 của Tôi không bằng phẳng, không êm đềm, nhưng khiến Tôi đủ chín để nhìn lại chặng đường đã qua.

 

Cô đơn thay cảnh phòng thuê!
Miệng mở rộng và bụng sôi sung sục
Ta lắng nghe mùi gì thơm phưng phức
Ở nhà bên hạnh phúc biết bao nhiêu
Đây âm u phòng trọ Tết ban chiều
Mưa rơi rớt qua căn phòng nho nhỏ
Đây lạnh lẽo bốn bức tường khắc khổ
Đây giường nằm, gạch đá ghép mà nên
 
Ta hôm nay phải nếm mùi khổ sở
Hồn quê hương lượn lờ trong trí nhớ
Thủ Đức ơi! Nơi trải đời một thuở
Là Freechen A tay ta kiếm đồng tiền
 
Ta sẽ cười, chí trai dễ gì xin
Giữ quyết tâm đâu có thiếu lòng tin
Ta không tự ti, nghĩa là hi vọng
Nghĩa là công nhân, bước ngoặt, khởi đầu
Nghĩa là thành công, sẽ đến, chẳng lâu
...
Còn dựng xây một cuộc sống nên thơ
Có ngày mai hạnh phúc ở trong mơ.
 
 
Bài thơ được Tôi đặt tên là : Tâm Tư Tuổi Trẻ phổ theo Tâm Tư Trong Tù của cố nhà thơ Tố Hữu. Tôi viết bài thơ đúng vào ngày mùng 1Tết âm lịch năm 2008.Tôi còn nhớ như in cái ngày đấy.
 
Một ngày định mệnh mà bản năng sinh tồn của tôi bốc cháy, nhiệt huyết tuổi trẻ của tôi bùng dậy, ngọn lửa tâm hồn của tôi nung nấu và trên hết tôi như muốn hét lên rằng :
 
Tôi là tuổi trẻ, là người cho già trông cậy, trẻ noi theo.
 
Và bài thơ Tâm Tư Tuổi Trẻ chính là cái suy nghĩ,  tâm tư của Tôi lúc đó. Một cảm xúc rất thật và những câu thơ cũng rất thật khi tôi có cái nhìn đứng đắn nhất về cuộc sống thực tại.
 
Tuổi 20 của Tôi không bằng phẳng, không êm đềm, không nghiệt ngã nhưng khiến Tôi đủ chín để nhìn lại một chặng đường mà tôi đã bước qua với đầy đủ những cung bậc cảm giác: hỷ, nộ, ái, ố.
 
Tuổi 20 của tôi được đánh dấu từ đêm 10/10/2007. Đó là lần đầu tiên tôi tự tổ chức sinh nhật cho mình. Một tiệc sinh nhật vui vẻ, ấm cúng, giản dị với gần chục đứa bạn thân. Cũng không có gì đáng nói nếu Tôi không bị mất chiếc xe Dream tàu gần 5 triệu sau một năm rời xa ước mơ giảng đường vào thành phố Hồ Chí Minh cố gắng và tích góp.
 
Khi đó Tôi phát hiện ra rằng: An phận là chưa đủ, hóa ra mất một chiếc xe là tôi mất tất, 1 năm không tiêu pha , phá phách, 1 năm dành dụm để người khác xài. Không khóc được nhưng đau thật đấy.
 
Tuổi 20 tôi mới biết rằng cuộc sống này đầy đủ hương vị, không giản đơn như tôi thường suy nghĩ. Tôi đã nhìn thấy đầy xe máy kẹp 3, kẹp 4, không đội nón bảo hiểm, không biển số trên đường nhưng cảnh sát không màng lại đi thổi còi một ông lão đi đúng luật để phạt vì chưa có bằng lái xe.
 
Trên xe buýt tôi thấy một phụ nữ mang bầu bị móc túi, cũng thấy một chàng trai tầm tuổi tôi bị bốn năm tên đánh đấm, đâm chém ngay trên xe bởi vì đã lỡ ‘ thấy chuyện bất bình chẳng tha’. Lần sau tôi lại thấy bốn năm tên đó đang móc túi một công nhân trên đường đi làm về, Tôi không dám la hét,Tôi hèn nhát nhìn sang mọi người thì ai cũng ‘mặc kệ’ ra hiệu lắc đầu... !
 
Khi cái Tết đã cận kề, ai ai cũng háo hức chờ đón cái ngày được lên xe về nhà.Trong thâm tâm mỗi con người tha phương cầu thực thì những ngày ngắn ngủi được ở cạnh bố mẹ, anh em, bè bạn là những giây phút tuyệt vời nhất. Một năm dành dụm tiền mua quà cho tất cả mọi người rồi biếu bố mẹ một khoản tiền tiêu tết..
 
Tôi cũng mong ước như vậy nhưng ở tuổi 20 tôi không biết tính toán thế nào là chi tiêu hợp lí để dành dụm tiền, cứ đến cuối tháng là tiền tôi hết. Đến cuối năm tôi vẫn trắng tay như ngày mới đặt chân đến mảnh đất này...
 
Khi mọi người đang hoan hỉ đón tết ở quê, Tôi quằn quại trong cơn đói ở căn phòng chật chội. Nước mắt tôi rơi lã chã trên khoé mắt, gò má, Tôi hận thằng móc túi nó không thương xót Tôi, có mấy trăm ngàn tiêu tết nó cũng không tha để giờ đây 30 tết trong phòng không có một gói mì tôm để qua ngày, Tôi buồn vì Bố Mẹ cứ gọi điện hỏi han, kể thương, kể nhớ khi không bắt ép được Tôi về quê đón tết. Tôi đau đớn vì Tôi cứ phải nói dối tất cả mọi người Tôi đang có một cái tết sung túc, lạ thường...
 
Tôi có thể nhịn được ngày 2 ngày nhưng đến ngày thứ 3 thì Tôi đói lả, Tôi tìm mọi cách để đưa cái gì đó vào miệng nhưng trớ trêu thay trong phòng chẳng có thứ gì...Tôi lết cái bụng trống trơn ra khỏi căn phòng thì niềm vui bất ngờ ập đến, nhà bên cạnh có cây dừa sum trái mà bấy lâu tôi không chú ý đến sự tồn tại của nó.
 
Khi Tôi cố gắng hái được hai quả dừa, khi Tôi vui sướng nhấm nháp những miếng dừa trắng tinh và ca nước dừa ngọt lịm thì cả một tập đoàn người hùng hổ kéo sang với tay gậy, tay gộc... Miếng ăn là miếng nhục.
 
Khi nỗi đau đớn, tủi hổ, bĩ cực cả thể xác, tâm hồn lên đến đỉnh điểm thì một chiếc phao cứu sinh chìa ra để dìu Tôi qua khỏi giây phút khốn khó.
 
100 ngàn đồng và mấy gói kẹo, 1 chai dầu ăn, 1 hộp sữa,1 gói bột ngọt, 1 gói đường... bà Thành Phố Hồ Chí Minh, Báo Lao Động trao tặng cho công nhân, và mấy ngày sau đó nhiều chương trình do thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Báo Lao Động tổ chức cùng công nhân đón Tết thật sự ý nghĩa quá lớn lao đối với Tôi. Đó cũng chính là lí do để Tôi viết bài Tâm Tư Tuổi Trẻ, ước mơ được là một nhà báo của Báo Lao Động và xem TPHCM như quê hương của mình. Tết 2008, ở cái tuổi 20 thật sự để lại cho Tôi nhiều xúc cảm.
 
Có quyết tâm thì có cố gắng, Từ ngày nhận được cái phao cũng chính là ngày mà ước mơ, khát vọng của Tôi bùng cháy. Tôi hi vọng một ngày nào đó tôi được đứng trên sân khấu dành cho công nhân nhưng không phải là nhận quà mà là người trao quà, mà trao quà cho nhiều người nữa.
 
Và cũng từ ngày đó, khát vọng giảng đường sống lại trong Tôi, Tôi bắt đầu dành dụm, tích góp để chờ đến mùa thi.
 
Và rồi mọi thứ đều xảy ra tốt đẹp như một giấc mơ. Tháng 9 năm 2008 đánh dấu một nấc thang mới trong cuộc đời của Tôi khi Tôi là một sinh viên của lớp Biên Kịch Điện Ảnh, Khoa Nghệ Thuật Điện Ảnh, Trường ĐH Sân Khấu Điện Ảnh HN.
 
Từ lúc đó... ở tuổi 20...Một giấc mơ đang âm ỉ cháy.
 
Bài dự thi Dấn ấn tuổi 20
 
Trích ngang tác giả:
 
Họ và tên: Phạm Văn Chuyên
 
Ngày sinh: 11/10/1988
 
Lớp Biên kịch Điện ảnh, Khoa Nghệ thuật Điện ảnh, ĐH SK ĐA HN.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3