NHỮNG CÂU CHUYỆN KÌ LẠ CỦA DARREN SHAN chương 12-15
Tôi căng mắt, vừa nhìn Steve vừa liếc lên sân khấu nhìn ông Crepsley đang nói:
- … Thật ra, không phải tất cả loài nhện tarantula đều có nọc độc. Hầu hết chúng đều vô hại như những con nhện chúng ta thường thấy trên khắp thế giới này. Kể cả những con có nọc độc, thì nọc độc đó cũng chỉ đủ giết những sinh vật rất nhỏ bé. Nhưng có vài giống thật sự nguy hiểm, có thể giết một mạng người với chỉ một nhát cắn. Giống này rất hiếm, chỉ có thể tìm thấy tại những vùng hoang dã, xa xôi. Tôi có một con nhện như thế.
Ông ta vừa nói vừa mở cửa lồng. Mấy giây sau, một con nhện từ từ bò ra. Chưa bao giờ tôi thấy một con nhện to đến thế. Nó có ba màu: xanh lục, tím và đỏ. Chân dài đầy lông và thân hình mập ú. Tôi không hề sợ nhện, nhưng con này trông khủng khiếp thật.
Con nhện chầm chậm tiến tới, rồi nó quị chân, hạ thấp mình, như sửa soạn bay.
Ông Crepsley nói tiếp:
- Quý bà Octa đây đã ở với tôi nhiều năm rồi. Octa sống lâu hơn những con nhện bình thường nhiều. Vị tu sĩ bán Octa cho tôi đã bảo giống này sống tới hai mươi, ba mươi năm. Quý bà Octa là một sinh vật khác thường, vừa có nọc độc vừa thông minh.
Trong khi ông nói, một người áo xanh trùm kín đầu dắt ra một con dê. Con dê hoảng sợ rống lên, tìm đường chạy. Người áo xanh buộc nó vào chân bàn, rồi lui vào sau cánh gà.
Nhìn và nghe thấy tiếng be be của con dê, con nhện to lớn gớm ghiếc lần mò ra mép bàn, rồi ngừng lại như chờ lệnh. Ông Crepsley lấy từ túi quần ra một cái còi nhỏ - nhưng ông gọi là ống sáo – thổi lên vài âm ngắn. Lập tức, quý bà Octa nhảy vọt xuống cổ con dê.
Con vật lồng lên, be be thảm thiết. Quý bà Octa bình thản bò lên gần đầu con dê vài phân. Rồi nó nhe nanh, cắm phập vào cổ con dê đang hoảng loạn. Con vật như bị đóng băng, đứng sững. Vài giây sau nó mới lăn đùng xuống sàn. Tôi tưởng nó chết rồi, nhưng nhìn kỹ, tôi thấy nó vẫn còn thoi thóp thở.
Ông Crepsley vung vẩy cái còi, nói:
- Tôi điều khiển quý bà Octa bằng ống sáo này. Mặc dù đã cùng cộng tác với nhau một thời gian lâu dài, nhưng Octa sẽ giết tôi ngay, nếu tôi mất ống sáo. Con dê này chỉ bị hôn mê. Tôi đã huấn luyện Octa không được hạ thủ ngay từ nhát cắn đầu tiên. Tất nhiên con dê rồi cũng sẽ chết – khi Ocat đã cắn, không cách nào chữa trị được – và bây giờ chúng tôi sẽ giúp cho nó chết thật nhanh.
Ông ta thổi sáo. Quý bà Octa di chuyển lên tới tai con dê, nhe nanh cắn. Con dê nhẹ rùng mình, rồi hoàn toàn bất động. Lần này nó chết thật.
Bà Octa nhảy xuống sàn tiến ra sát sân khấu. Một số ngồi hàng ghế đầu hốt hoảng nhảy dựng lên. Nhưng họ đờ người khi ông Crepsley rít lên nho nhỏ:
- Đừng nhúc nhích. Chỉ gây một tiếng động là chết đấy.
Octa ra tới sát mí sân khấu, rồi đứng dựng lên bằng hai chân sau, giống như một con chó đứng hai chân. Nghe tiếng còi nhè nhẹ của ông Crepsley con nhện từ từ bước giật lùi, vẫn bằng hai chân sau. Khi tới sát chân bàn, nó quay lại, leo lên.
- Bây giờ quý vị được an toàn rồi. Nhưng nhớ đừng gây tiếng động lớn nào. Vì nếu quý vị làm thế, Octa sẽ tấn công tôi.
Nghe ông ta nói, những người trên hàng ghế trước rón rén ngồi xuống.
Tôi không biết ông ta sợ thật, hay chỉ là một cách diễn cho thêm phần hồi hộp, nhưng trông ông có vẻ rất căng thẳng. Lau mồ hôi trán bằng tay áo, rồi ông ta mới đưa còi lên miệng, thổi lên một âm thanh nho nhỏ.
Quý bà Octa lắc lư, rồi như quyết định, gật mạnh đầu. Con nhện bò đến trước mặt ông Crepsley. Ông ta hạ thấp bàn tay phải, cho nó bò lên cánh tay ông. Ý nghĩ những cái chân lông lá, dài thòng bò trên da thịt ông ta làm tôi toát mồ hôi.
Bò hết cánh tay, con nhện mon men lên vai, bò qua mặt bên kia, bò qua cái sẹo, cho đến khi bám ngược đầu trên cằm ông ta. Rồi con nhện nhả một sợi tơ và buông mình theo sợi tợ đó.
Lửng lơ dưới cằm ông ta chừng mười phân, con nhện đánh đu qua lại. Rồi nó tung mình đu lên cao ngang tầm tai ông. Các chân nó cụp lại. Từ chỗ tôi nhìn lên, con nhện giống như một cuộn len.
Trong khi con nhện đánh đu lên, ông Crepsley ngửa đầu ra sau, nó nhào lên lộn xuống trong khoảng không. Tôi tưởng nó sẽ rớt xuống mặt bàn, nhưng không, trái lại, nó hạ mình lên miệng ông Crepsley!
Tôi hết vía vì tưởng nó sẽ trôi tuột vào cổ họng, vào bụng và cắn chết ông ta. Nhưng nó khôn hơn tôi nghĩ nhiều. Khi rơi nhiều, nó xòe rộng những cái chân dài, bám lấy vành môi của ông Crepsley.
Ông ta cúi đầu về phía trước, để khán giả có thể nhìn thấy mặt. Miệng ông ta mở rộng, quý bà Octa nằm gọn trong đó. Thân mình con nhện phồng lên xẹp xuống cứ như ông ta đang thổi một quả bóng vậy.
Tôi tự hỏi cái còi đâu rồi và với tình trạng kia làm sao ông ta điều khiển được bà Octa?
Đúng lúc đó ông Cao xuất hiện, tay cầm một cái còi khác. Ông thổi không điệu nghệ bằng ông Crepsley nhưng cũng đủ để sai khiến con nhện. Nó lắng nghe rồi di chuyển từ bên này sang bên kia miệng ông Crepsley.
Tô vươn cổ cố nhìn, vì không biết con nhện định làm gì. Khi thấy những mảnh trắng nhỏ trên môi ông Crepsley tôi mới hiểu: nó đang giăng tơ.
Xong “công tác”, bà Octa lại buông mình đong đưa dưới cằm ông ta như trước. Miệng ông Crepsley đầy màng nhện. Ông ta liếm gọn những sợi tơ, nhai nhóp nhép, nuốt ngon lành rồi xoa bụng (thận trọng không đụng phải bà Octa). Ông bảo:
- Tuyệt vời. Không món gì ngon hơn tơ nhện. Ở quê tôi đây là món đặc sản cao cấp nhất.
Sau đó ông ta để con nhện lăn một quả bóng trên bàn, rồi cho nó đững giữ thăng bằng trên bóng. Ông bày ra những dụng cụ thể thao nho nhỏ. Con nhện bắt đầu biểu diễn tất cả những động tác thể dục dụng cụ của con người: nâng tạ, leo dây, nhảy xà vân vân.
Sau cùng ông ta đem ra một bộ đồ ăn tí xíu. Đầy đủ dao, muỗng nĩa, ly tách… Trên mấy cái đĩa ú ụ ruồi và những loài côn trùng chết. Tôi không biết trong ly có gì.
Quý bà Octa ăn uống thanh lịch tươm tất như… một phu nhân quý tộc. Sử dụng mỗi lần bốn chân, để cầm muỗng, nĩa, dao. Lại còn một chai muối tiêu giả, để thỉnh thoảng quý bà cầm lên, rắc đều lên đĩa đồ ăn.
Tôi nhìn con nhện cầm ly nước uống mà cứ mê đi. Tôi sẵn sàng đổi tất cả những gì tôi có, để được làm chủ quý bà Octa. Tôi biết chuyện đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra – ba má tôi sẽ không cho tôi nuôi dù tôi có mua được con nhện này. Dù thế tôi vẫn cứ mơ ước.
Màn trình diễn chấm dứt, ông Crepsley cho con nhện vào lồng. Tiếng vỗ tay tưởng như không dứt xen lẫn những lời bình phẩm: “Giết chết con dê như thế tội nghiệp quá.” Nhưng có người lại bảo: “Như thế mới hấp dẫn chứ.”
Tôi quay lại định nói với Steve là con nhện tuyệt vời quá, nhưng nó đang hau háu nhìn ông Crepsley. Trông nó không có vẻ sợ hãi nữa, nhưng rõ ràng nó không được bình thường. Tôi hỏi:
- Chuyện gì vậy, Steve?
Nó không trả lời.
- Steve!
Nhưng nó chỉ “suỵt” một tiếng, không nói một lời cho đến khi ông Crepsley vào khuất. Lúc đó nó mới quay sang tôi, bàng hoàng nói:
- Kỳ lạ thật!
- Con nhện chứ gì? Quá tuyệt. Mày thấy…
- Tao không nói về con nhện. Quý hóa gì con nhện già đó. Tao nói là nói về ông… Crepsley kìa.
Nó ngập ngừng trước khi gọi tên ông ta, hình như nó muốn gọi bằng một tên khác.
- Ông Crepsley thì có gì hay. Chỉ việc cầm cái còi mà thổi.
- Mày cóc hiểu gì hết. Mày cóc biết ông ta thật sự là ai.
- Còn mày thì biết?
- Đúng. Đúng là tao biết. Tao chỉ mong ông ta đừng biết là tao biết. Nếu không, chúng mình khó mà sống sót, để ra khỏi chỗ này
Giờ giải lao, tôi ráng hỏi Steve, thật sự ông Crepsley là ai, nhưng nó lầm lầm lì lì, chỉ bảo: “Tao đang suy nghĩ.” Rồi nó nhắm mắt, cúi đầu, mặt mày căng thẳng.
Họ bắt đầu bán thêm nhiều món quà lưu niệm rất lý thú: búp bê Hans Tay-thần, râu của người đàn bà, và nhất là những con nhện bằng cao-su giống như quý bà Octa. Tôi mua một con cho tôi, một con cho Annie.
Tôi móc đến đồng bạc cuối cùng để mua sáu cái kẹo tơ nhện. Tôi ăn hai cái và cũng bắt chước ông Crepsley, để những sợi tơ lằng nhằng trên môi rồi liếm gọn.
Đèn tắt, khán giả trở lại chỗ ngồi.
Gertha Răng-thép tiến ra sân khấu. Đó là một người đàn bà cao lớn. Cặp đùi, hai cánh tay, cổ và đầu đều to tổ chảng. Cô ta cất tiếng oang oang:
- Thưa quý vị, tôi là Gertha Răng-thép. Tôi có những cái răng mạnh mẽ nhất thế giới. Ngày còn nhỏ, một lần đang đùa giỡn, cha tôi đút mấy ngón tay vào miệng tôi, phập một phát, tôi cắn đứt hai ngón tay ông.
Nhiều khán giả cười hinh hích. Gertha Răng-thép trợn mắt giận dữ, quát lên:
- Nè, tôi không phải là một con hề. Rõ chưa? Ai cười nhạo tôi, tôi sẽ xuống, cắn đứt mũi ngay.
Quý vị khán giả hãi quá, không dám thở mạnh.
Cô ta quát rất to, nhưng rành mạch, nhấn nhá từng câu:
- Các nha sĩ trên thế giới đều phải sững sờ vì hàm răng của tôi. Tôi đã đi kiểm tra tại những trung tâm nha khoa hàng đầu, nhưng chưa ai khám phá ra vì sao răng tôi chắc khỏe đến như vậy. Người ta đề nghị tôi những khoản tiền kếch xù để làm vật thí nghiệm, nhưng tôi đã từ chối, vì chỉ thích chu du, không muốn bị ràng buộc với bất cứ điều gì.
Cô ta cầm lên bốn thanh thép, mỗi thanh dài khoảng 30 phân, chiều dày khác nhau, rồi kêu gọi người tình nguyện. Bốn khán giả nam lên sân khấu. Gertha đưa cho mỗi người một thanh thép, yêu cầu họ bẻ cong. Cả bốn người đàn ông đã cố hết sức, nhưng không bẻ được.
Sau khi họ chịu thua. Cô ta cầm thanh mỏng nhất, đưa lên miệng cắn gãy làm hai, rồi đưa một nửa thanh thép cho một người đàn ông. Đưa lên cắn thử, anh ta bỗng rú lên đau đớn vì suýt bị nứt mấy cái răng.
Thanh thép thứ hai, thứ ba đều dày hơn thanh đầu tiên, cũng đều bị cô ta cắn làm hai. Tới thanh thứ tư, dày nhất, Gertha Răng-thép… nhai vụn thành từng mảnh, như nhai sô-cô-la!
Kế đó, hai người với bộ áo xanh trùm đầu khiêng ra một lò sưởi điện. Phập! Phập! Phập! Gertha ngoạm một đống lỗ trên thành lò sưởi. Tiếp theo, cô ta cắn một chiếc xe đạp thành từng mảnh nhỏ. Tôi nghĩ, chắc không vật gì trên đời mà Gertha không thể cắn vụn ra.
Cô ta kêu gọi thêm người tình nguyện, rồi đưa ra cho một người một cái búa nặng trịch và một cái đục lớn. Người khác được trao một cái đục và một cái búa nhỏ hơn. Còn người cuối cùng sẽ cầm một cái cưa điện.
Ngậm cái đục lớn trong miệng, cô ta nằm ngửa, gật đầu ra hiệu cho người thứ nhất hãy giáng mạnh cây búa lên cái đục.
Anh ta nâng cao cây búa, bổ xuống. Tôi tưởng anh ta sẽ đập nát mặt cô. Hầu hết khán giả đều lo sợ như tôi, nhiều người rú lên, bịt chặt mắt.
Nhưng Bertha xoay mình, cây búa đập mạnh xuống sàn. Cô ta ngồi bật dậy, phun cái đục trong miệng ra.
- Ha! Các vị tưởng tôi điên sao? Tôi chỉ muốn để quý vị thấy đây là một cái búa thật. Bây giờ, nhìn đây.
Cô ta lại nằm xuống cắn chặt cái đục. Người mặc áo trùm xanh giơ cao cây búa, bổ xuống, nhanh và mạnh hơn người khán giả đã làm. Cây búa chạm và đầu đục làm vang lên một âm thanh chát chúa.
Cô ta ngồi dậy. Tôi tưởng cô sẽ phun ra cả đống răng. Nhưng cô ta bình thản mở miệng, lấy cây đục ra và nhoẻn cười.
Đến lượt người tình nguyện thứ hai, Gertha chỉ lưu ý anh ta phải thận trọng với nướu của cô, rồi để anh ta tự chọn vị trí đặt mũi đục trên răng mà… thoải mái đục! Anh chàng đập rã rời tay, nhưng răng của Gertha không hề xuy xuyển.
Người tình nguyện thứ ba hì hục với cái cưa máy, mũi cưa xoèn xoẹt trên răng chỉ làm tóe ra những đốm lửa. Gertha lại nhoẻn cười, khoe hàm răng trắng nõn.
Tiếp theo Gertha Răng-thép là phần trình diễn của chị em sinh đôi Sive và Seersa. Hai chị em giống hệt nhau và biểu diễn uốn dẻo như Alexander Xương-sườn. Nhưng hai thân hình xoắn lấy nhau, nhiều lúc trông như một người có hai mặt, trước và sau. Cặp này rất khéo léo, đầy tài năng, nhưng so sánh với những màn trước thì hơi nản.
Sive và Seersa vừa lui vào, ông Cao bước ra sân khấu cám ơn thịnh tình khán giả đã dành cho gánh xiếc của ông. Ông cũng lưu ý khán giả, nếu muốn, có thể mua thêm đồ lưu niệm tại phía sau khán phòng. Yêu cầu khán giả giới thiệu với bạn bè. Ông cám ơn thêm một lần nữa và tuyên bố buổi trình diễn đã kết thúc.
Tôi hơi thất vọng, vì phần kết thúc có vẻ tẻ nhạt quá. Nhưng có lẽ vì đã quá muộn và các diễn viên quái dị đã thấm mệt. Tôi đứng dậy, thu nhặt những gì đã mua, rồi quay lại nói chuyện với Steve.
Nó đang nhìn qua vai tôi, lên phía ban-công, hai mắt trợn trừng. Tôi quay vội về hướng nó đang nhìn. Ngay lúc đó những người quanh tôi bắt đầu gào thét. Ngước lên, tôi mới hiểu vì sao.
Từ trên ban-công, một con rắn khổng lồ, dài thậm thượt, đang trườn mình theo một cây cột, bò xuống phía khán giả!
Con rắn liên tục thè thụt cái lưỡi như đang thèm ăn lắm. Thật tình, tôi thấy nó chẳng đẹp tí xíu nào, toàn một màu xanh đen, loáng thoáng vài đốm màu sáng hơn một chút. Nhưng phải công nhận, trông nó… khủng khiếp thật.
Những người đứng dưới ban công hấp tấp chạy về chỗ ngồi. Vừa chạy họ vừa la thét, buông ráo những gì cầm trong tay. Có người ngất xỉu, có người ngã té và bị người khác đạp lên. May mắn là tôi và Steve ở phía trên, nếu không hai thằng nhỏ nhất đám như chúng tôi chắc chắn bị đám đông dẫm đạp nhừ tử rồi.
Con rắn gần xuống tới sàn, bỗng một ngọn đèn cực sáng rọi ngay mặt, làm nó khựng lại, nhìn thẳng nguồn sáng không chớp mắt. Mọi người bớt sợ, không còn chạy nữa. Những người bị ngã, đứng dậy. Rất may, không ai bị thương nặng.
Sau chúng tôi có tiếng động. Mọi người quay vội lại. Một cậu bé đang đứng trên sân khấu. Cậu ta chừng 14 hay 15 tuổi, gầy nhom, tóc màu vàng chanh, hai mắt hi hí như mắt rắn. Cậu bé đó khoác một áo choàng dài màu trắng.
Huýt lên như rắn, cậu ta giơ cao hai tay khỏi đầu. Cái áo choàng rơi xuống. Khán giả ồ lên kinh ngạc. Toàn thân cậu phủ bằng những cái vẩy.
Từ đầu đến ngón chân lóng lánh màu xanh lá, vàng, vàng kim và xanh dương. Cậu ta chỉ mặc một quần đùi nhỏ. Cậu bé quay mình lại, để tất cả nhìn thấy phía sau cũng giống như phía trước, chỉ trừ vài vệt thẫm màu hơn.
Rồi cậu ta quay lại nhìn chúng tôi, nằm xấp xuống, trườn mình trên sàn, y chang một con rắn. Lúc đó tôi chợt nhớ tới tờ quảng cáo: đúng đây là cậu bé rắn rồi.
Trườn xuống sàn khán phòng, cậu ta đứng dậy, bước về cuối rạp. Khi cậu ta đi qua, tôi thấy những ngón chân, ngón tay của cậu ta thật kỳ lạ. Chúng dính vào nhau bằng một lớp da mỏng. Trông cậu ta giống con quái vật sống trong hồ nước đen của một phim kinh dị.
Tới cách cái cột chừng vài mét, cậu ta phủ phục xuống. Nguồn sáng, làm lóa mắt con rắn, bắt đầu chuyển động, rọi xuống chân cột. Cậu bé lại huýt lên mấy tiếng, con rắn như lắng nghe. Tôi nhớ đã đọc câu đó, rắn không thể nghe, nhưng cảm thấy được âm thanh. Cậu ta quẫy nhẹ mình sang phải, rồi sang trái. Đầu con rắn di chuyển theo, nhưng không phóng tới. Cậu bé bò lại gần hơn, tới đúng tầm của con rắn. Tôi suýt la lên, để bảo cậu ta chạy đi, vì sợ con rắn tấn công và giết chết cậu.
Nhưng cậu bé rắn biết mình đang làm gì. Tới sát con rắn, cậu ta đưa những ngón tay dính màng vào nhau, vuốt ve dưới cằm con vật. Rồi… cúi xuống hôn lên mũi nó!
Con rắn cuốn quanh cổ cậu ta. Nó cuốn thêm mấy vòng, rồi thả cái đuôi thõng qua vai như một tấm khăn choàng.
Cậu bé rắn vừa vuốt ve nó vừa mỉm cười. Tôi tưởng cậu ta sẽ đi vòng quanh khán giả để mọi người sờ thử vào con rắn. Nhưng cậu ta tiến tới một khoảng trống, gỡ con rắn, đặt xuống sàn, rồi lại vuốt ve dưới cằm nó.
Lần này con rắn há rộng mồm. Tôi nhìn rõ những cái nanh của nó. Nằm cách xa nó một chút, cậu ta bắt đầu uốn vặn thân mình tiến lại gần con rắn.
Tôi kêu thầm:
- Ôi! Không! Chắc cậu ta sẽ không…
Nhưng cậu ta làm thật! Cậu ta chui tọt đầu vào mồm con rắn đang há hốc.
Mấy giây sau cậu bé rắn mới lấy đầu ra khỏi miệng con vật. Một lần nữa, cậu ta lại cuốn con rắn quanh mình, rồi lăn vòng vòng cho tới khi con rắn phủ khắp toàn thân, chỉ chừa lại cái mặt. Ráng đứng dậy, mỉm cười, trông cậu ta như một tấm thảm cuốn tròn.
Từ trên sân khấu, ông Cao lên tiếng:
- Và thưa quý vị, đó mới chính là phần kết thúc thực sự của chương trình đêm nay.
Ông mỉm cười, vọt nhảy khỏi sân khấu, biến vào khoảng không đầy khói. Khi khói tan, tôi đã lại thấy ông đứng nơi cuối rạp, tay vén tấm màn che cửa.
Hai bên ông là những người đàn bà xinh đẹp và những người nhỏ bé mặc áo xanh phủ kín đầu. Trên tay họ là những cái khay bán đồ lưu niệm. Rất tiếc là túi tôi đã rỗng không.
Tôi ôm những món tôi và Steve đã mua. Nhìn vẻ mặt khó đăm đăm của nó, tôi biết tốt nhất là đừng hỏi han gì. Tôi có thừa kinh nghiệm mỗi khi nó nổi cơn khùng rồi.
Ông Cao tươi cười chào mọi người. Khi tôi và Steve đi qua, ông cười thoải mái hỏi:
- Sao? Hai em thích chứ?
Tôi nói:
- Thật phi thường.
- Không sợ sao?
- Một tí thôi, nhưng không sợ hơn những người khác đâu ạ.
Ông ha hả cười:
- Hai em gan dạ lắm.
Chúng tôi vội đi để nhường lối cho những người đằng sau. Khi vào hành lang nhỏ, giữa hai tấm màn, Steve ngó dáo dác chung quanh, rồi thì thầm vào tai tôi:
- Mày về một mình đi.
- Cái gì?
- Mày nghe rõ rồi mà.
- Nhưng sao tao phải về một mình?
- Vì tao chưa về. Tao ở lại. Chưa biết mọi chuyện sẽ xảy ra như thế nào, nhưng tao ở lại. Tao sẽ về nhà sau khi tao…
Nó ngập ngừng rồi kéo tôi đi.
Chúng tôi qua tấm màn thứ hai, nơi có cái bàn dài, phủ vải đen sát đất. Những người đi trước quay lưng lạ hai đứa tôi. Steve thận trọng nhìn phía sau, khi không thấy ai, nó chui tọt vào gầm bàn.
- Steve!
Tôi rít lên, chỉ sợ nó lại gây rắc rối. Nó rít lại:
- Đi đi.
- Nhưng cậu không thể…
- Làm theo lời tao. Mau, đi đi, họ bắt cả hai bây giờ.
Tôi không muốn, nhưng biết làm sao được. Có vẻ như Steve lại sắp nổi cơn điên, nếu tối không làm theo ý nó.
Tôi đành bước đi, rẽ sang hành lang dài, dẫn đến cửa chính. Vừa đi chầm chậm vừa suy tính. Phía trước tôi, mọi người đi đã xa. Phía sau, chưa thấy ai ra tới.
Tôi ngừng trước một cái cửa. Đây là nơi Steve đã dòm ngó, khi chúng tôi mới vào rạp: cái cửa dẫn lên ban-công. Tôi kiểm tra phía sau lần nữa. Không thấy ai. Tôi tự nhủ:
- Tốt rồi. Mình sẽ núp trong này. Chẳng biết Steve định làm gì, nhưng nó là bạn mình, nếu có gì xảy ra, mình còn có thể kịp thời giúp nó.
Tôi mở cửa, lách vội vào, rồi nhẹ nhàng khép lại. Đứng trong bóng tối, trống ngực tôi đập thùm thùm.
Tôi cứ đứng như thế thật lâu, lắng nghe những khán giả cuối cùng ra khỏi rạp. Tiếng họ rì rầm bàn tán e dè, sợ hãi, sôi nổi. Khi hoàn toàn yên tĩnh trở lại, tôi tưởng sau đó sẽ nghe tiếng dọn dẹp, thu xếp… Nhưng toàn thể ngôi nhà im ắng như trong nghĩa địa.
Tôi lên cầu thang. Mắt tôi đã quen dần với bóng tối. Chiếc cầu thang cũ kỹ, ọp ẹp. Mỗi bước, tôi đều lo nó gãy và quăng tôi xuống, chết như cậu bé bị ngã ngày nào.
Lên tới cầu thagn, tôi thấy mình đang ở chính giữa một ban công bẩn thỉu, đầy bụi đất và lạnh lẽo. Tôi run rẩy rón rén dần ra trước.
Từ đây tôi nhìn xuống sân khấu rõ từng chi tiết, vì đèn sân khấu vẫn để sáng chưng. Không thấy một ai, kể cả thằng Steve. Tôi ngồi xuống đợi.
Chừng năm phút sau, tôi thấy một bóng người ngập ngừng tiến về phía sân khấu. Bóng người đó bước hẳn lên vùng sáng, quay mình nhìn quanh.
Đó là Steve.
Nó dợm bước về cánh gà bên trái, nhưng ngừng lại, quay sang phải. Nó gặm móng tay, vẻ phân vân chưa biết đi hướng nào. Rồi một tiếng nói từ trên đầu nó vọng xuống:
- Mi tìm kiếm ta, phải không?
Mọt người, hai tay giang rộng, chiếc áo choàng đỏ phần phật như đôi cánh, hạ xuống sàn sân khấu.
Thằng Steve giật bắn người, ngã ngửa ra sau. Tôi đứng phắt dậy. Tôi đã nhận ra: chiếc áo choàng đỏ, chỏm tóc màu cam, làn da trắng nhợt.
Ông Crepsley!
Steve run tới không thốt được nên lời. Ông Crepsley nói:
- Ta đã thấy mi nhìn ta lom lom. Vừa thấy ta lần đầu, mi kêu lên kinh ngạc. Vì sao?
- Vì… vì… tôi biết… ông là ai?
- Ta là Larten Crepsley.
- Không. Tôi biết ông thật sự là ai.
Ông ta cười, nhưng không vui tí nào:
- Hả? Nói đi, thằng nhóc. Thật sự ta là ai?
- Tên thật của ông là… Vur Horston.
Ông Crepsley há hốc mồm kinh ngạc. Mấy tiếng sau của Steve cũng làm mồm tôi há hốc, đầy khiếp đảm.
- Ông là ma-cà-rồng.
Ông Crepsley (hay Vur Horston, nếu đúng đó là tên thật của ông ta) mỉm cười:
- Vậy là ta đã bị phát hiện. Đáng lẽ ta không nên ngạc nhiên, vì trước sau gì cũng sẽ xảy ra. Nói đi, nhóc, kẻ nào sai mi tới đây?
- Không có ai.
- Thôi nào, nhóc, đừng giỡn mặt ta. Mi làm việc cho ai? Kẻ nào bảo mi theo dõi ta? Chúng muốn gì?
- Tôi không làm việc cho ai hết. Tôi có cả đống sách báo về quái vật, ma-cà-rồng. Trông một cuốn, có hình ảnh của ông.
- Hình ảnh ta?
- Một bức họa được vẽ vào năm 1903 tại Paris. Ông đứng bên một người đàn bà giàu có. Trong truyện kể rằng, hai người sắp làm lễ cưới, thì bà ta phát hiện ra ông là ma-cà-rồng và… đã từ bỏ ông.
- Chỉ là cái cớ. Bạn bè cô ta cho rằng cô ta bịa đặt ra một chuyện huyền hoặc như vậy, để làm tôn giá trị của chính cô ta.
- Chuyện thật khong phải vậy sao?
Ông Crepsley thở dài, nghiêm khắc nhìn Steve quát lớn:
- Không. Nhưng mi mong đó là sự thật, đúng không?
Nếu ở địa vị Steve, tôi co giò biến vội rồi. Nhưng thằng bạn tôi không hề chớp mắt. Nó bảo:
- Ông không làm hại tôi được đâu.
- Tại sao không?
- Vì thằng bạn tôi. Tôi đã kể hết cho nó về ông, nếu có chuyện gì xảy ra cho tôi, nó sẽ đi báo cảnh sát.
- Cảnh sát sẽ không tin nó.
- Có thể. Nhưng nếu tôi bị chết hay mất tích, họ sẽ điều tra. Ông không thích chuyện ấy, vì sẽ có cả đám cảnh sát đặt cả ngàn câu hỏi, và họ sẽ tới đây vào… ban ngày đấy.
Ông Crepsley lắc đầu ghê tởm:
- Ôi, trẻ con! Ta căm ghét trẻ con. Mi muốn gì? Tiền? Châu báu? Hay bản quyền xuất bản chuyện đời ta?
- Tôi muốn theo ông.
Tôi suýt lộn tùng phèo khỏi ban công. Thằng Steve-Báo đòi đi theo ma-cà-rồng?! Bạn tin nổi không?
Ông Crepsley kinh ngạc chẳng kém tôi:
- Hả? Mi nói sao?
- Tôi muốn trở thành ma-cà-rồng. Tôi muốn ông hướng dẫn và tạo tôi thành một ma-cà-rồng.
Ông ta gào lên:
- Mi điên rồi.
- Không. Tôi không điên.
- Ta không thể làm một đứa trẻ con thành ma-cà-rồng được. Ta sẽ bị những tướng quân ma-cà-rồng giết chết ngay.
- Tướng quân ma-cà-rồng là gì?
- Không phải chuyện của mi. Mi chỉ cần hiểu là chuyện đó không làm được. Chúng ta không sử dụng máu trẻ con. Điều đó gây nhiều phiền phức lắm.
- Vậy thì đừng thay đổi tôi ngay lập tức. Tôi không ngại phải đợi chờ đâu. Tôi có thể là một đệ tử theo học ông thôi. Vì tôi biết, ma-cà-rồng có những phụ tá nửa người, nửa ma-cà-rồng. Hãy thu nhận tôi. Tôi sẽ cố gắng để tự chứng tỏ mình. Khi tôi đủ lớn…
Ông Crepsley trừng trừng nhìn Steve. Vừa nghĩ ngợi, ông vừa búng ngón tay một cái. Từ hàng ghế đầu dưới khán phòng, một cái ghế bay vèo lên sân khấu. Ông ta ngồi xuống ghế, vắt chân chữ ngũ, hỏi thằng bạn tôi:
- Vì sao mi muốn trở thành ma-cà-rồng? Chẳng thú vị gì đâu. Chúng ta chỉ có thể ra ngoài khi đêm tối. Loài người khinh rẻ chúng ta. Chúng ta phải ngủ trong những nơi dơ bẩn như thế này đây. Chẳng bao giờ có được một mái nhà, vợ con. Đó là một đời sống khủng khiếp lắm.
Steve vẫn khăng khăng:
- Tôi bất chấp hết.
- Có phải vì mi muốn được bất tử không? Nếu vì thế, ta phải cho mi biết… chúng ta không bất tử đâu. Chúng ta sống lâu hơn những con người bình thường nhiều, nhưng trước sau gì, rồi cũng chết như họ thôi.
- Tôi không cần. Tôi muốn đi theo ông, muốn học tập, để trở thành ma-cà-rồng.
- Còn bạn bè? Mi sẽ chẳng bao giờ gặp lại chúng nữa. Mi sẽ phải rời xa mái trường, gia đình, không có ngày trở lại. Rồi còn cha mẹ. Mi không nhớ cha mẹ sao?
Steve nhìn xuống sàn, lắc đầu khổ sở:
- Cha tôi không sống với chúng tôi, hiếm khi nào tôi được gặp ông ấy. Mẹ tôi không yêu tôi. Bà ấy chẳng bận tâm việc tôi làm đâu. Tôi có bỏ đi bà ấy cũng chẳng cần.
- Có phải vì bà ấy không thương yêu mi, mà mi muốn bỏ đi không?
- Cũng có một phần.
- Sao không đợi mấy năm nữa, khôn lớn rồi mi vẫn có thể ra đi được mà.
- Tôi không muốn chờ thêm nữa.
Lúc đó trông ông Crepsley thật hiền lành, dù vẫn có chút đáng sợ. Ông nhẹ nhàng hỏi Steve:
- Còn bạn mi, mi không nhớ thằng nhỏ đi cùng đêm nay sao?
- Thằng Darren? Có, tôi nhớ các bạn tôi, nhất là Darren. Nhưng đó không là vấn đề. Tôi muốn thành ma-cà-rồng hơn là chuyện tôi nhớ chúng nó. Nếu ông không thu nhận tôi, tôi sẽ báo cảnh sát và khi lớn lên, tôi sẽ làm một kẻ chuyên săn bắt ma-cà-rồng.
Ông ta không cười, mà gật đầu, nghiêm túc hỏi:
- Mi nghĩ kỹ rồi chứ?
- Phải.
- Mi tin chắc đó là điều mi mong muốn?
- Phải.
Ông Crepsley thở dài:
- Lại đây, để ta thử kiểm tra mi.
Steve đứng che khuất mất ông ta, nên tôi không nhìn thấy những gì xảy ra sau đó. Tôi chỉ biết là hai người nói với nhau rất nhỏ rồi có những tiếng như tiếng lưỡi của một con mèo táp sữa.
Tôi thấy lưng của Steve run rẩy, tưởng như nó đang gượng đứng để khỏi bị bật ngửa xuống sàn. Tôi không thể nào cho bạn biết tôi khiếp đảm đến thế nào khi nhìn cảnh đó. Tôi muốn nhảy dựng lên mà gào: “Thôi. Ngừng lại ngay, Steve.”
Tôi sợ đến không nhúc nhích được. Tôi sợ, nếu ông Crepsley phát hiện ra tôi cũng có mặt trong rạp hát này, ông ta sẽ không ngần gì giết cả hai chúng tôi.
Thình lình con ma-cà-rồng bật ho. Hắn ta xô Steve ngã, đứng bật dậy, phun phì phì máu đỏ lòm ra khỏi miệng. Tôi khiếp đảm đến tê cứng cả người.
Steve ngồi dậy, hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Mi mang dòng máu xấu.
Giọng thằng Steve run rẩy:
- Ông nói sao?
- Mi là ma quỷ. Ta nếm thấy mùi đe dọa trong máu của mi. Mi là một kẻ hoang dã.
- Nói láo.
Nó xông lại đấm ông ta. Nhưng chỉ với một tay, ông ta đánh nó gục xuống sàn. Con ma-cà-rồng gầm lên:
- Với dòng máu đó, không bao giờ mi trở thành một ma-cà-rồng được.
Steve bật khóc
- Tại sao không?
- Vì ma-cà-rồng không phải là những quái vật, ma quỷ có kiến thức. Chúng ta tôn trọng sự sống. Mi có bản năng của một kẻ sát nhân. Còn chúng ta, chúng ta không phải những kẻ giết người. Ta sẽ không tạo mi thành mọt ma-cà-rồng đâu. Quên chuyện đó đi. Hãy về nhà, tiếp tục sống cuộc đời của mi.
Steve đạp mạnh chân, chỉ tay vào ông Crepsley gào lên:
- Không. Tôi sẽ không quên. Tôi căm thù ông. Tôi thề, dù chưa biết bao giờ, nhưng sẽ có một ngày Vur Horston sẽ bị ta giết chết, vì tội đã từ chối ta.
Nhảy xuống khỏi sân khấu, vừa chạy ra cửa, nó vừa ngoái lại nói:
- Hãy đợi đấy, sẽ có một ngày…
Tôi nghe tiếng cười sằng sặc của nó vọng lại như một người điên.
Vậy là chỉ còn mình tôi với con ma-cà-rồng trong rạp hát.
Ông Crepsley ngồi ôm đầu, phun phì phì máu còn dính trong miệng. Ông ta chùi máu bằng ngón tay, rồi bằng một khăn lau lớn.
Ông càu nhàu: “Ranh con”. Rồi đứng lặng lau chùi hàm răng, đảo mắt nhìn khắp hàng ghế trong khán phòng (tôi ngồi thụp xuống vì sợ ông ta phát hiện), rồi ông ta bước vào sau cánh gà.
Tôi ngồi lặng người chẳng biết bao lâu. Tôi ước sao ra khỏi rạp hát này càng sớm càng tốt. Nhưng tôi cứ ngồi lì ra đó. Cho đến khi biết chắc không còn một dị nhân hay người phụ tá nào quanh quẩn đó, tôi mới nhè nhẹ chuồn xuống cầu thang, qua hành lang, và sau cùng bước vào bóng đêm.
Tôi đứng mấy giây ngoài cửa rạp, ngửa mặt nhìn trăng, quan sát thật kỹ không có bóng dáng ma-cà-rồng trên những ngọn cây. Rồi, tôi chạy băng băng về nhà. Nhà tôi, tôi không về nhà Steve. Tôi không muốn gặp nó. Thật tình, lúc đó, tôi sợ nó cũng như sợ ông Crepsley. Nó đã muốn trở thành một ma-cà-rồng. Phải là kẻ điên loạn đến thế nào mới mong ước một điều như thế chứ?