Bóng Anh Hùng - Quyển 1: Biên Cương


Tác giả: 

Học giả Trần Trọng Kim đã đúc kết trong quyển Việt Nam sử lược: Lê Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa.

Ngay cả trong những tài liệu sách giáo khoa chúng tôi được học khi ở bậc phổ thông cũng đều gọi Lê Long Đĩnh là vị hôn quân, hoang dâm vô độ, thụy hiệu (hiệu xưng sau khi vua chết) là Ngọa Triều (do ông bị bệnh trĩ không thể ngồi thiết triều được, chỉ có thể nằm).

Thế nhưng sau khi tình cờ tìm được một số tài liệu về triều đại của vì vua cuối cùng của nhà Tiền Lê này, tôi lại cảm thấy sao có quá nhiều mâu thuẫn so với những gì mình đã biết. Vỏn vẹn trong bốn năm trị vì, Lê Long Đĩnh sáu lần đánh dẹp nội chiến trong nước, xây dựng thành công chính quyền trung ương tập quyền, cải tạo thể chế triều đình học theo đường lối của triều Tống ở phương Bắc, mở rộng phạm vi nghiên cứu Phật giáo, thiết lập mối giao thương với nước ngoài, đào kênh lấp đường, đặt nền móng văn hóa sơ khởi cho nước ta.

Những thành tựu của ông trong Đại Việt sử lược đều có ghi lại, chẳng hạn như việc sửa lại thể chế triều đình, bá quan văn võ năm 1007. Hoặc như Đại Việt sử ký toàn thư cũng có ghi chép việc ông đề nghị đặt chợ mua bán giao thương ở Ung Châu, nhưng bị nhà Tống từ chối. Thậm chí những việc như sửa cầu xây đường, dù phần nhiều để tiện việc hành quân nhưng cũng không thể phủ nhận lợi ích của nó cho dân chúng, thì các sách Đại Việt sử lược tiền biên, sử ký đều có ghi chép rõ ràng.

Thế nhưng chẳng hiểu vì sao cả ba cuốn sách lịch sử chính thống của nước ta sau đó đều thống nhất ghi rằng Lê Long Đĩnh tàn ác bạo ngược, cuối cùng chết vì hoang dâm vô độ, bị xưng thụy hiệu nhục nhã là Ngọa Triều.

Đó là riêng về lịch sử.

Trong lược sử Phật Giáo Việt Nam có ghi chép rõ cột mốc vủa Long Đĩnh sai sứ sang Trung Quốc thỉnh về hai bộ Cửu Kinh và Đại Tạng Kinh. Đây là hai bộ kinh văn bao gồm tất cả nền tảng văn minh Trung Hoa và bảo vật vô giá của Phật giáo, lần đầu tiên có mặt tại nước ta. Ấy vậy mà để gièm pha Long Đĩnh, người đời cho rằng ông chẻ mía trên đầu nhà sư, cố tình lỡ tay để chảy máu rồi cười ha hả, thật là một hôn quân vậy.

Thử hỏi một vì vua nhiều lần đích thân đánh đông dẹp bắc, gần như năm nào cũng xuất chinh, có năm xuất chinh hai lần, lại có thể bệnh tật đến mức không ngồi thiết triều được. Mà hầu như bất kỳ vị vua nào bị chú định phải mang tiếng xấu trong dòng lịch sử thì đều gắn liền với hoang dâm vô độ. Kiến thức y học của tôi non nớt, không hiểu vì sao tính hoang dâm lại bị trĩ, mà vô độ lại còn có thể cầm quân đánh nhau khắp nơi. Bí ẩn thay.

Sách sử chép rằng đêm Lê Long Đĩnh giết anh cướp ngôi, điện tiền chỉ huy khi đó là Lý Công Uẩn ngồi ôm xác vua khóc rống lên. Long Đĩnh thấy vậy liền cho rằng đây là kẻ nhân nghĩa, nhất mực trọng dụng. Về sau nhân cơ hội Long Đĩnh bệnh tật, Lý Công Uẩn lén trộn độc vào thức ăn giết chết. Nhà Lý lên ngôi, vua căm ghét Long Đĩnh bạo ngược liền phong tặng thụy hiệu Ngọa Triều. Tôi đọc đoạn này, quả thật không khỏi phì cười. Chuyện giang sơn có lý nào lại như trò đùa con trẻ như thế?

Tôi không có ý định viết một tác phẩm lịch sử, cũng không có khả năng lật lại lịch sử, nhưng tự dưng cảm thấy rất đồng cảm với Lê Long Đĩnh, cũng không biết vì sao. Có lẽ vì cảm thấy ông dường như rất đúng với câu: một mình mang sai lầm thiên cổ, lạnh lùng tự tiêu dao. Đó cũng là lý do Bóng Anh Hùng, một tác phẩm dã sử ra đời.

Bóng Anh Hùng đã định sẵn có ba phần.

Phần đầu tiên: Biên Cương, lấy mốc thời gian năm Cảnh Thụy thứ hai (1009), là năm Lê Long Đĩnh băng hà, triều Tống phương Bắc vừa mới hồi sức sau trận chiến bại năm 981 lại bắt đầu ngo ngoe chỉa giáo về phương Nam, mở ra các cuộc chiến tranh biên giới nhỏ lẻ. Đây cũng là năm Lý Công Uẩn lên ngôi, nhà Tiền Lê được kế tục bởi nhà Lý.

Phần đầu này đã được hoàn thành năm 2009 và dự thi Kim Bút, chỉnh sửa lần đầu tiên năm 2014 và lần thứ 2 năm 2015. Phần chỉnh sửa khoảng 2 vạn chữ, làm rõ hơn về mục đích của truyện cùng các chi tiết về triều đình hai nhà Tiền Lê - Lý. Mời các bạn đọc và góp ý thêm những chỗ thiếu sót, xin cảm ơn.

Các bạn giao lưu với tác giả Tại đây.