Khuyến học

Fukuzawa Yukichi (1835 – 1901) là nhà giáo dục và học giả nổi tiếng người Nhật, một trong những bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật Bản hiện đại và được người Nhật tôn vinh là “Voltaire của Nhật Bản”. Năm 1900, ông được nhận giải thưởng từ Hoàng gia Nhật Bản do công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Để đóng góp trong việc khai hóa văn minh, nâng cao dân trí, phát triển xã hội, Fukuzawa Yukichi chủ trương các học giả phải có lập trường độc lập với chính phủ. Do đó, suốt cả cuộc đời ông nhất quyết từ chối mọi lời mời tham dự chính quyền, mặc dù nhiều học giả cùng hội cũng như các môn đệ của ông giữ trọng trách quan trọng trong chính phủ Minh Trị.

Khuyến học được ông bắt đầu viết ở tuổi 38 và hoàn thành 4 năm sau đó (1872-1876) đã đánh thức dân tộc Nhật Bản đang ngủ mê trong tư tưởng Khổng giáo và chế độ phong kiến đầy bất công. Khi mới được in lần đầu, cuốn sách có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản. Và kể từ đó đến nay, nó đã được tái bản liên tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko đã tái bản đến 76 lần.

“Cả ngàn năm qua, chính phủ nắm trong tay mọi quyền hành trên khắp đất nước… Nhân dân chỉ còn biết nhắm mắt tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Đất nước ta giống như tài sản riêng của chính phủ, còn nhân dân chẳng khác nào như những người ăn nhờ ở đậu vậy. Đất nước ta như quần đảo không người ở. Nhân dân ta mang tư tưởng như những kẻ ăn nhờ ở… Và thế thì quốc gia cũng chỉ như cái nhà trọ, để người dân tạm dừng chân trong cuộc đời họ mà thôi.”

“Đa phần các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào theo chiều ấy. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng quan chức, sa vào các chức vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật […] Tôi buộc phải nói rằng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước.”

“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc này thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng không sợ, huống hồ chúng ta lại phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”

“Việc chúng ta đang phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, để nhập khẩu hàng hoá cũng bởi trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia Tây phương. Mọi thứ của cải, mọi đồng ngoại tệ nước Nhật Bản tích góp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết... Chúng ta phải thấy xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã...”

Đọc trực tuyến: