Khu cũ - Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Mụ Thấn người béo lẳn, mặt đỏ pừng pừng, mụ xềnh xệch lôi lão Thông đang co quắp như con dế từ trong nhà ra sân. Mụ đặt lão lên bể nước, cắp đầu lão vào nách rồi đấm như giã giò, vừa đấm vừa chửi:

-         Chồng con cái đồ bị thịt, mày ở nhà có cái việc trông nhà, mà mấy cái chăn đang phơi,… mà mày để thằng nào con nào rẩy đầy mắm tôm. Bà xử, xử mày… xử mày…

Lão Thông sau mỗi cú xuống đòn của vợ, lại "hự". Chịu đòn được một lúc, lão bắt đầu la:

-         Ối vợ ơi, tha cho con. Ôí vợ ơi… tha cho con.

-         Tha, tha,… tha này.

Đánh lão Thông xong, mụ Thấn quát:

-          Vào nhà! Tí về mà chưa có cơm nước thì đừng trách tao!

Thế rồi mụ đi quanh xóm, mụ bắt đầu chửi:

-         Ới thằng liền ông, ới con liền bà ới đứa già đứa trẻ, Đồ ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt. Đồ cái quân không sợ Phật đánh Thánh đâm, đồ cái quân không sợ trời tru đất diệt. Chúng mày rẩy mắm tôm vào chăn bà phơi thì bà lôi ông bà ông vải tam đại lục đại nhà mày lên nghe bà chửi... Cao tằng tổ khảo nhà mày có mấy cái đầu lâu, bà cũng đào hết lên đem đựng mắm ròi mắm rục...

Nhà mình ở tầng hai của khu nhà tầng. Thằng Bách con mụ Thấn ngay từ lúc mẹ nó đi chợ về đã tót lên nhà mình lánh. Mình với thằng Bách mở hé cửa sổ, ngó xuống.

Mụ Thấn vẫn đang đi chửi, tới vòng này đã là vòng thứ ba.

-         Mày rẩy mắm tôm vào chăn nhà bà, thì bà thí cho mày cái chăn, về mày cắt ra mà may vải liệm dần, vì họ hàng hang hốc nhà mày thằng trước chưa chôn thằng sau đã nghẻo... –  đang chửi, mụ Thấn bỗng ngừng, mụ ngồi thụp xuống lật một chiếc dép lên ngó, mụ cầm chiếc dép ra đống cát, mài mài đập đập, xong mụ chửi – Cha tiên sư thằng nào con nào ỉa thất nhân thất đức…, mày ngồi ỉa đầu ngõ thì đâm xe bò, mày ngồi ỉa cuối ngõ thì đâm xe công nông, Cha tiên nhân đứa nào,… đứa nào ỉa bậy, làm cứt dính dép bà…

Mụ Thấn vẫn tiếp tục đi chửi, nhưng giờ chuyện cái chăn bị rẩy mắm tôm đã nhạt, mụ chuyển đề tài, mụ chửi cái đứa nào ỉa bậy. Mấy con chó quanh khu chạy theo mụ Thấn bắt được hơi cứt, thỉnh thoảng xồ lại dúi mũi vào dép mụ, ngửi ngửi.

Mình nói với thằng Bách:

-         Mẹ mày nghĩ bài chửi nhanh như điện. Mẹ mày hồi xưa mà được đi học, khéo bây giờ thành nhà văn.

Một vài năm trước khi xóa bao cấp, vẫn còn chế độ phân nhà, nhà mình được phân một căn hộ tầng ba ở một khu năm tầng. Mình sống ở đây một quãng thời gian khoảng sáu bảy năm.

Căn nhà năm tầng này được xây những năm tám mươi. Người về đây ở toàn là cán bộ. Căn nhà nằm trên bãi đất cạnh một xóm nhỏ có khoảng ba chục hộ dân vốn đã ở đây từ xưa. Ba chục hộ này đa phần là dân lao động, làm nghề tự do. Từ khi có căn nhà tầng, những hộ trong xóm được gọi là khu dưới, để phân biệt với các hộ ở nhà tầng là khu trên.

Hồi mới dọn về đây, mình và bọn trẻ con khu trên đánh nhau với lũ trẻ con khu dưới mấy chục trận, rồi mới chơi với nhau.

Nhà mụ Thấn ở khu dưới. Mụ Thấn bán cá ngoài chợ. Lão Thông chồng mụ Thấn là công nhân về nghỉ mất sức. Từ hồi lão Thông bị di tinh, mụ Thấn phát bệnh chửi.

Cứ hàng sáng mụ Thấn ra sân chửi, tầm nửa tiếng. Mụ chửi không vấp, chửi như tụng kinh. Chửi xong mụ mới đi chợ. Mọi người trong khu gọi bài chửi này của mụ Thấn là chửi chào cờ.

Mụ Thấn chửi chồng, chửi con, chửi hàng xóm, chửi phường, chửi mấy cô vệ sinh môi trường hôm qua hót rác không sạch, chửi gã nào đó đi xe máy về khuya, làm ồn… vv. Cái lối chửi này giống kiểu điểm tin, cập nhật và tỉ mỉ. Chuyện lão Thông bị di tinh, cũng do mụ Thấn lôi ra chửi, mọi người mới biết.

Mụ Thấn chửi cứ chửi, hàng xóm để ngoài tai. Nhà nào trong khu chẳng may là nạn nhân của mụ cũng chẳng rỗi hơi chửi lại, bởi ai cũng nghĩ hôm nay mụ chửi nhà mình, mai mụ chửi sang nhà khác, so ra nhà mình chẳng lỗ. Có thiệt hại tinh thần một chút thật, nhưng dù sao nó cũng được chia bình quân.

Ở ngoài chợ, hôm nào bán hết cá  mà còn rỗi, mụ Thấn ngồi nán, chửi một lát, rồi mới về. Có lần mấy thằng tây đi ngang, gặp khi mụ Thấn đang chửi, hai tay mụ lúc vỗ vào nhau bộp bộp như đánh phách, lúc lại vung vẩy như vỗ gió chém trời. Bọn tây đứng lại xem, chúng nó khoái, lôi máy ảnh ra chụp. Đầu những năm chín mươi tây sang đây chưa nhiều, bộ dạng mấy thằng này có lẽ như cách gọi bây giờ là tây du lịch bụi, tây ba lô.

Thấy bọn tây giơ máy ảnh chụp, mụ Thấn liền dạng chân, vỗ háng, réo: “Tổ cha thằng Liên Xô, Tổ cha thằng Liên Xô…”.

Mới thoát bao cấp vài năm, Liên Xô vừa tan rã. Mấy chục năm gắn bó với Liên Xô, "tội vạ đâu Liên Xô chịu", nên trong quan niệm của nhiều người mình chứ chả riêng mụ Thấn, cứ tây tức là Liên Xô.

Tuy miệng chửi, nhưng mặt mụ Thấn lại tươi cười. Có lẽ mụ cũng khoái vì lần này mình chửi có khán giả, mà là Liên Xô chứ chả đùa!

Lão Thông bố thằng Bách người lẻo khẻo và đần, mình đương nhiên chả coi ra gì. Mụ Phấn to béo, nặc nô mình cũng chẳng sợ. Mình bảo với thằng Bách:

-         Tao quan hệ với bố mẹ mày là vì tôn trọng mày, chứ bao nhiêu anh hùng hảo hán các lễ vật để được chơi với tao, tao cũng còn chưa xét. Mày phải biết thế mà trung thành với tao!

Thằng Bách bảo:

-         Em đội ơn đại ca!

Khu mình bầu tổ trưởng tổ dân phố mới, có ông Xích và ông Cứ.

Ông Xích người khu trên, nhà tầng một, trước là cán bộ công ty xe điện, nay về hưu. Ông Cứ ở khu dưới, nhà có cửa hàng buôn bán sửa chữa đồng hồ.

Hồi căn nhà tầng chưa xây, hơn ba chục hộ khu dưới là một tổ dân phố, ông Cứ làm tổ trưởng. Căn nhà tầng xây lên, số hộ ở tổ này từ hơn ba chục thành bảy chục. Nhưng ông Cứ vẫn làm tổ trưởng.

Ông Xích chuyển về căn nhà tầng một thời gian, ông liền đi vận động các hộ khu trên ủng hộ mình làm tổ trưởng tổ dân phố, thay ông Cứ. Ông Xích nói: “Hồi trước chưa có khu nhà mình, dân ở đây toàn bọn ngu, nên cái lão Cứ mới làm được tổ trưởng. Chứ lão này trình độ may ra hết lớp bốn, lại không phải đảng viên, không thể để lão ấy cái trị cả khu cán bộ nhà mình được!”

Ông Xích đi vận động từng nhà, bà Vân Đểnh vợ ông đi theo vận động cùng chồng. Đến mỗi nhà bà biếu một túi giấy báo gói nửa lạng chè Phú Thọ. Nhà nào không nhận, bà vẫn để lại.

Bà Vân Đểnh tên trong lý lịch là Đặng Thị Đểnh. Đi làm, bà thấy cái tên Đặng Thị Đểnh nó không sang, phát âm thì lổng chổng, nên thêm vào chữ Vân làm đệm. Hồi đầu người trong khu ai gọi là bà Đểnh, bà không đáp, phải gọi đầy đủ tên là Vân Đểnh bà mới nói chuyện. Tuy về hưu, nhưng bà Vân Đểnh thích đi họp. Ở khu phố có cuộc họp nào bà cũng tham gia, phát biểu hăng và hùng hồn.

Gặp mẹ mình ở cầu thang, bà Vân Đểnh thầm thì: “Làm anh cán bộ ở địa phương nói gì thì nói, cái thành phần là rất quan trọng, như tôi và ông Xích đều là thành phần cơ bản, lí lịch cực sạch, ba đời toàn bần cố nông, đi làm thì là cán bộ nhà nước chứ không phải loại tiểu thương như cái nhà lão Cứ!”. Bà Vân Đểnh đi, mẹ mình bảo: “Đểnh hâm”.

Hôm bầu tổ trưởng, có sáu bảy người khu trên bầu ông Xích, còn người khu dưới tất cả đều bầu ông Cứ. Kết quả ông Cứ tiếp tục làm tổ trưởng. Các gia đình ở hai khu nhất trí lập thêm chức tổ phó, do ông Xích làm.

Bà Vân Đểnh rất cay, bà bảo những kẻ uống chè của bà là bọn xỏ lá, lập trường như cứt, bà mà là nhà nước thì bà xét lại lí lịch hết những kẻ này. Nhưng vài hôm sau bà nói: “Ông Xích nhà tôi tuy là tổ phó, nhưng kiêm nhiệm cả phụ trách an ninh, nên thật ra còn nhiều quyền hơn ông Cứ”.

Tối tối người ta thấy ông Xích cầm cái dùi cui gỗ ra căn chòi ở Trụ sở  ủy ban ngồi đánh bài với mấy anh dân phòng.

Hôm mụ Thấn chửi tây ngoài chợ bà Vân Đểnh chứng kiến. Họp tổ dân phố, có mặt lão Thông, ông Xích liền đem chuyện này ra trong cuộc họp. Ông Xích phê bình mụ Thấn chửi người nước ngoài, làm ảnh hưởng tới đường lối đổi mới là Việt Nam giờ chơi hết với tất cả các nước.

Có một chị khu dưới cũng ở ngoài chợ hôm ấy, nói:

-         Bọn tây nó chả biết tiếng mình. Mà bà Thấn lần vừa rồi tuy chửi, nhưng mặt lại tươi hớn hở lắm, có khi bọn tây nó nghĩ bà này đang hát ý chứ! Mà bọn tây chúng nó còn cười toe toe, còn chụp bao nhiêu ảnh.

Ông Xích bảo:

-         Thế mới chết, vì bọn tây mang ảnh về nước nó, nó đăng báo, thì nhục nước mình!

Bà Vân Đểnh góp thêm:

-         Mà mụ Thấn này còn chửi “tổ cha Liên Xô”, là mất quan điểm, mất lập trường!

Ở dưới có người nói:

-         Liên Xô tan vỡ hai ba năm nay rồi, chửi Liên Xô thì cũng như chửi cái hòm.

Lại có người khác nói:

-        Bọn tây nó đâu có hiểu tiếng mình! Mà chưa biết chừng nếu mấy thằng ấy là tây tư bản, thấy bà Thấn chửi nó, nó lại tưởng là bà ấy thể hiện lập trường xã hội chủ nghĩa ý chứ!

Ông Xích quay sang lão Thông nói:

-         Ông Thông, trước nhà ông là khu toàn cán bộ, sáng nào vợ ông cũng ra đứng chửi, làm hỏng be bét hình ảnh của khu. Ông phải về nghiêm túc góp ý với bà Thấn.

Lão Thông từ đầu buổi đến giờ ai nói gì cũng mặc, lão đang mải thông cái nõ điếu của mấy anh dân phòng. Giờ nghe nhắc đến tên, lão ngước lên bảo:

-         Cả cái khu này ai chả biết, con mụ nhà tôi nó tha không đánh tôi là may, chứ tôi mở mồm nói nó, để nó nhét cứt vào mồm tôi à!

-         Ông là chồng, ông nói hèn thế mà không thấy ngượng à? – Ông Xích bảo.

-         Tôi hèn thì hèn với vợ tôi, chả có gì phải ngượng! Hay ông là cán bộ, ông đến mà góp ý.

-         Nhưng ở đây bác Cứ mới là tổ trưởng, tôi,... chỉ là tổ phó. Việc giáo dục bà Thấn là trách nhiệm của bác Cứ…

Ông Cứ vẫn ngồi im nghe mọi người bàn tán, giờ mới thủng thẳng:

-         Việc nhắc nhở lời ăn tiếng nói ở các gia đình ở phường ta từ trước đến nay là việc của hội phụ nữ phường. Chị Vân Đểnh có chân trong chi hội phụ nữ, hay là chị cứ mạnh dạn góp ý với cô Thấn, là tiện nhất.

Bà Vân Đểnh giãy nảy :

-         Này nhé, ông đừng có mà khôn lỏi, đừng có mà đánh bùn sang ao, tôi tôi,… tôi chả việc gì phải dây dưa với con mẹ ấy!

Cuộc họp giải tán.

Sáng hôm sau, mụ Thấn đột nhiên ra sân chửi sớm và dài hơn thường lệ, mụ réo:

-         Vợ chồng đứa nào ba đời bần nông ở cái khu này, con nào chi hội với chả phụ nữ ở cái khu này thì dảy mái tai gài mái tóc mà nghe: bà chửi Liên Xô, bà chửi chồng... thì can hệ gì đến mồ mà nhà mày. Tổ cha con bần nông tổ cha thằng bần nông, vợ chồng chúng mày quan điểm lập trường thì bà đây có bốn vú hai l… ngồi đợi…

Tận mấy tuần sau, sáng nào mụ Thấn cũng dành thời gian chửi bần nông và hội phụ nữ. Bà Vân Đểnh mấy lần đã định lao ra ăn thua với mụ Thấn. Ông Xích bèn khóa trái cửa lại, rồi ngồi trong nhà bật đài thật to.

Ông Cứ đi thu tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Qua nhà Hồng Cối bán bún chả, vợ Hồng Cối nói:

-         Đóng thì cháu chả tiếc – vợ Hồng Cối nhặt ba tờ năm trăm trong ngăn bàn – nhưng chả hiểu mình đóng thế này có đến tay người cần nhận hay không, hay mà lại bị ăn chặn!

-         Tức là mày bảo tao ăn chặn à?

-         Cháu không nói chú, chú ở đây thế nào ai chả biết! Cháu nói là nói cái bọn nhà nước ý, nó ăn bớt!

-         Này này, bọn nào là bọn nhà nước? Mày ngồi bán hàng ở đây, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhà nước có thương mày, nên mày mới có chỗ mà ngồi, chứ mà nhà nước làm nghiêm thì vợ chồng mày bắn xới lâu rồi. Mà tiền nhà mày đóng chẳng qua mua được mấy gói mì tôm, nhà nước nào thèm ăn bớt.

-         Thì cháu cứ nói thế! Không đúng thì thôi! – vợ Hồng Cối cười giả lả, kiểu cười trừ.

Hồng Cối mắng vợ:

-         Con đĩ này, câm! Cái loại mày cứ mở mồm là ăn nói bậy bạ, có hôm ông vả cho mấy chưởng, gẫy mẹ nó hàm đừng có kêu! – quay sang ông Cứ, Hồng Cối cười – Cụ tổ trưởng đừng chấp! Con vợ cháu đang mọc răng khôn, nó ngứa, nên hay nói cùn!

-         Tao mà thèm chấp chúng mày!!! Mà mày cũng chừa cái thói vũ phu đi? Mày mà còn tẩn vợ có ngày tao đưa lên phường. Đây, sổ đây, ký đi.

Ông Cứ đi tiếp đến nhà mụ Thấn. Lão Thông nộp một nghìn. Mụ Thấn từ trong nhà loe xoe chạy ra ngó quyển sổ trên tay ông Cứ, rồi quát lão Thông:

-         Đóng thêm một nghìn hai nữa! – mụ Thấn quay sang ông Cứ nói – Bác ghi cho nhà em đóng tổng cộng là hai nghìn hai.

-         Sao hôm nay đóng nhiều thế?

-         Thì nhà cái con mẹ Đểnh đóng hai nghìn, nhà em lại thua nó chắc!

-         Ơ, thế nhà này định đóng tiền ủng hộ đồng bào, hay thi tiền với nhà bà Đểnh? Mà này, đóng vào rồi là không có rút lại đâu nhé!

-         Bác coi thường nhà em thế! Mà tổ sư thằng giời, mày làm mưa bão lũ lụt để nhân dân miền trung phải khổ sở, mày hú hí trong háng vợ nên mới đui mới mù…, giời đánh thánh vật cả họ hàng hang hốc nhà mày…

-         Thôi thôi, thôi! Để dành bài này sáng mai mà chửi! Tôi đi đây!

-         Vâng, nhà bác đi ạ!... Mày cứ rúc đầu hú hí nữa đi, rồi có ngày giời đánh thánh vật họ hàng hang hốc nhà… mày…

Lão Thông ngồi đấy bảo:

-         Hôm nay bà chửi đích danh giời, mà bà lại còn “giời đánh thánh vật”, thì hóa giời đánh giời à?

-         Thì thì… thì… bà nhầm, mà mày biết vợ mày nhầm mà mày không nhắc sơm sớm…, mà giời có tự nó đánh nó thì cũng chẳng phải việc của mày.

Rời nhà mụ Thấn, ông Cứ qua nhà Hoan Xồm. Gã này đóng mười lăm nghìn. Ông Cứ nói:

-         Mai tao tuyên dương mày trên bảng tin của khu.

Hoan Xồm hềnh hệch, bảo:

-         Cháu đéo cần! Cậu đừng ghi tên cháu lên, kẻo lại có đứa ghen ăn tức ở!

Hoan Xồm tuổi khoảng bốn mươi, là cháu gọi vợ ông Cứ bằng cô ruột, nhà cũng ở khu dưới. Vợ ông Cứ mất đã bẩy tám năm, nhưng gã này với ông Cứ vẫn qua lại thân tình.

Ngày trước Hoan Xồm đi tù về, hai vợ chồng nghèo tướp, ông Cứ liền xin cho đi học lái xe. Vài năm gần đây Hoan Xồm lái xe tải chạy mấy tỉnh phía Bắc, xem ra tiền nong rủng rỉnh, xây được nhà. Thỉnh thoảng xe tải của gã dừng trước ngõ để dỡ hàng. Có lúc hàng chất thành đống to, gã hô lũ trẻ con bọn mình bê vào nhà cho gã. Bê xong, gã phát cho mỗi thằng ba nghìn.

Dạo ông Xích đang vận động mọi người trong khu bầu mình làm tổ trưởng, ông Cứ nói với Hoan Xồm:

-         Báu gì cái chức mõ chả ra mõ, lí chả ra lí. Trước là tổ trưởng mỗi khu dưới nó dễ. Dân xóm đành rằng máu chó, nhưng tính từng người mình biết, nói phải là nhà nào cũng nghe. Giờ thêm cả cái khu trên! Mà tao ngại nhất dây với mấy lão về hưu! Hôm tao lên thu tiền làm cỗ trung thu cho bọn trẻ con, mỗi hộ góp năm trăm, có cái lão nhà trên đó bảo tao: xét ở quan điểm của thực hữu luận,… cái con khỉ gì gì,… thì trẻ em là quyền lực của thế hệ thứ ba, nhân loại tiến bộ xác lập những quyền không thể chối cãi của trẻ em là…, tao bảo “Tôi chỉ lên thu mỗi hộ năm trăm”, lão ấy bảo “vấn đề không phải là tiền, mà tôi muốn biết những người sử dụng đồng tiền ấy có hiểu rõ về mục đích hướng trẻ em tới quyền tham gia tới các giá trị cộng đồng hay không”. Thế là tao nói: “Hôm nào tổ chức trung thu cho bọn trẻ, danh sách những hộ nào đóng tiền sẽ có trên bảng tin, nhà bác không đóng thì thôi. Trẻ con ai tốt với nó nó biết!”, rồi về. Nhưng cái lão ấy chập, chứ mà hôm sau lại mang tiền xuống nhà tao nộp.

Hoan Xồm bảo:

-         Cháu lạ gì mấy lão trí thức về hưu, cứ ra điều ta đây cống hiến này nọ, nên giờ làm thì đéo làm, nhưng lý luận đầy mình!

-         Mà lại còn có tay, tao thông báo đi họp tổ dân phố, thế là tay ấy bảo từ trước đến nay hắn chỉ đi họp nếu có giấy mời đàng hoàng, còn không có giấy mời thì miễn dự. Có lộn mề không? Tao nghe cái con mụ Thấn nó chửi ra rả hàng sáng cũng không mệt bằng gặp mấy cái lão cựu cán bộ ấy. Còn cái nhà ông Xích mà thích làm tổ trưởng thì tao nhường ngay, tao còn cảm ơn, chứ việc gì phải đi vận động!

-         Cậu không được nhường.

-         Sao lại không nhường?

-         Cậu làm tổ trưởng lâu năm, ai người ta cũng tin. Ngay cái con mụ Thấn bị động đực kinh niên chửi chả chừa ai, cũng chưa bao giờ chửi cậu. Mà cháu đây đi buôn hàng biên giới, thỉnh thoảng cũng phải đánh xe về qua nhà đổ hàng, cái lão Xích mà làm tổ trưởng, nhỡ nó lên cơn hoắng, nó suốt ngày hoạnh họe xe đỗ sai qui định,… hay hàng mình bốc xuống nó chim cú chim lợn… Sợ thì cháu chả sợ, nhưng rách việc! Mà cái loại người hèn và bẩn như lão Xích, đôi khi nó thèm thấy thằng khác chết còn hơn cả thèm tiền. Nên cậu không nhường được!

-         Hóa ra mày xúi tao tiếp tay cho mày buôn lậu à?

-         Ngày xưa cháu chỉ biết đi tù, giờ mới kiếm được cái nghề đi buôn. Tròn méo gì thì cũng là nghề! Mà thực ra cháu làm việc này là chung tay cùng nhà nước phục vụ đời sống nhân dân. Cậu làm tổ trưởng thì cháu yên tâm phục vụ nhân dân hơn. Cậu phải nghĩ thoáng thoáng thế chứ!

Thế rồi lần ấy ông Cứ ra ứng cử.

Hoan Xồm mang về một cái đầu video hiệu Sharp. Từ buổi chiều, gã đã bày ti vi và đầu video ngoài sân của khu, gặp ai Hoan Xồm cũng sốt sắng mời tối ra xem phim. Ông Xích thì thầm với hàng xóm: “Cái đầu máy video này giá phải một cây, thằng Hoan trừ phi buôn lậu mới nhiều tiền thế chứ! Riêng bọn này phải theo dõi chặt!”.

Buổi tối Hoan Xồm cởi trần, trên lưng xăm hình cô gái khỏa thân ngồi trên đầu con rồng, phía dưới là dòng chữ: “Bạo lực và Cái đẹp”, gã đứng cạnh ti vi, nói:

-         Kính thưa bà con, Hoan tôi bao nhiêu năm tù tội, giờ bỏ dao xuống, cũng chẳng thành phật được, nhưng quyết tâm đưa ánh sáng văn minh về cái khu nhà mình. Trong một tuần tới đây Hoan tôi xin chiếu hầu bà con điện ảnh Á Âu thế giới, gồm phim chưởng Na Tra thái tử, Tây Du Kí, Thủy Hử, phim găng tơ ma phi a… Cứ một tối sẽ chiếu hai phim, chưởng tàu chiếu trước, phim găng tơ chiếu sau. Kính mời bà con thưởng thức.

Lũ trẻ con nhiệt liệt vỗ tay. Hoan Xồm hớn hở, mặt mũi nở toác.

Tối hôm ấy ông Xích không ra trụ sở đánh bài, ông ngồi ở sân xem hết hai phim. Xem xong ông Xích nói: “Chiếu toàn phim nhố nhăng, chả có tính giáo dục, trẻ con xem thể loại này thì hỏng to!”. Nhưng mấy tối sau ông Xích đều cắp ghế nhựa xuống sân từ sớm, ngồi đợi.

Một lần Hoan Xồm gặp ông Xích đang xách ghế đi xuống, Hoan Xồm hồ hởi:

-         Hôm nay nhà cháu tạm nghỉ chiếu phim. Vợ cháu nó vừa đánh tiết canh vịt. Chú qua nhà cháu làm với cháu chén rượu.

Ông Xích chủng chẳng:

-         Tôi còn bận! Dân phòng đợt này nhiều việc, tình hình phức tạp lắm!

-         Cháu có chai rượu Mao Đài, cái dòng này bên tàu chỉ nấu riêng cho toàn cỡ chính phủ. Như ở khu này phi chú ra thì chả ai đủ trình để thưởng thức. Rượu ngon phải có bạn hiền!

Ông Xích nói:

-         Còn phải xem xem lát có rỗi không đã.

-         Làm việc cho dân cho nước thì như chú làm cả đời. Nhưng riêng hôm nay là anh hùng hào kiệt gặp nhau, khác gì Lưu Bị gặp Võ Tòng, không đối được vài chén thì có tội với trời đất!

Hoan Xồm nói xong cầm tay ông Xích lôi đi. Ông Xích “ừm” “ừm”…, rồi theo Hoan Xồm về nhà.

Một buổi trưa mình đi học về, gặp thằng Quân Khỉ, nó nói:

-         Đại ca, vừa nãy chú Hoan rủ bố em vào nhà xem phim, mà bảo phim gì hay dã man!

-         Thế tại sao chú Hoan không để tối chiếu ngoài sân?

-         Chú Hoan bảo là phim này chỉ người lớn xem, còn trẻ con, cấm!

Mình về nhà cất xe đạp, xong, kéo mấy thằng trong khu mò ra nhà Hoan Xồm. Nhà Hoan Xồm đóng kín, khóa cổng ngoài.

-         Có thấy gì đâu?

-         Em nghe rõ chú Hoan nói là chiếu phim trong nhà mà, cả ông Thông bố thằng Bách cũng xem.

Mình ra cửa sổ sau nhà Hoan Xồm, áp tai vào khe cửa, thấy trong nhà có tiếng nhạc, cả tiếng ư ử ư ử. Thằng Quân đưa cho mình một mẩu gỗ, mình liền chèn vào khe cửa sổ, nậy cho rộng, rồi ngó vào. Quả là trong nhà Hoan Xồm đang chiếu phim, trên màn ảnh có cảnh đôi nam nữ tây cởi truồng, lông lá vàng hoe hoe… Mình ra hiệu cho cả lũ, thế rồi thằng ngồi, thằng cúi, thằng kiễng, thằng vặn người, mỗi thằng bám một mắt theo dọc khe cửa sổ vừa nậy.

Nhà thằng Bách có mảnh sân đối diện đầu hồi khu nhà tầng, lão Thông mở  dịch vụ trông xe đạp xe máy. Hôm đấy lão Thông giao việc trông xe cho thằng Bách. Ở nhà, thằng Bách nhấp nhổm không yên, nó nghe tin bọn mình đang xem phim ở cửa sổ nhà Hoan Xồm. Một lát, thằng Bách mò ra.

Thằng Bách vốn nhỏ con, nó lom khom chui dưới háng mình chui lên. Mình liền chổng mông ra sau, mở cho nó một khoảng để nó ngóc đầu trước đũng quần mình.

-         Xe ở nhà mày để ai trông? – mình hỏi.

-         Em lấy xích khóa chằng các xe lại, mà mẹ em cũng sắp về rồi.

Mụ Thấn đi chợ về thấy nhà bỏ trống. Ông khách gửi xe đang ngồi đợi. Chiếc Cub 81 đời chót của ông này có sợi xích khóa chằng bánh, nhưng chiếc công tơ mét (loại kim vàng giọt lệ) bị mất. Mụ Thấn phải khất đền ông khách.

Lũ trẻ con bọn mình đang túm tụm ở cửa sổ nhà Hoan Xồm thì bất ngờ bị mụ Thấn vụt tới tấp bằng sợi xích dùng để chằng bánh xe. Mình bị hai phát vào lưng. Cả bọn dạt như ong. Mụ Thấn xông đến trước cổng nhà Hoan Xồm gào lên chửi:

-         Thằng đĩ Thông. Bà lấy mày nát một đời hoa tàn một cánh bướm. Thời xưa bà đi lâm trường, không có đàn ông, nên mới phải ngủ với cái loại mày, mới chửa. Giờ mày liệt dương, mày còn đua đòi xem phim cởi truồng, làm bà bị đền cái “công ta tép” mất nửa chỉ vàng. Chim người là con công con ó, chim mày còn không bằng cái thứ ri sẻ…, chim mày vứt ngoài chợ cũng không ai thèm mó. Mày ra đây, mày ra đây, hôm nay bà lột truồng mày, cho thiên hạ thấy cái nỗi hận đời của bà…

Mụ Thấn cầm xích liên tiếp vụt vào cổng, rầm rầm, xoảng xoảng. Trong nhà Hoan Xồm lặng ngắt. Rồi đèn tắt phụt.

Bất ngờ cánh cửa phụ nhà Hoan Xồm bật mở. Sáu bảy người cởi trần mặc quần đùi chạy thốc ra, người nào cũng đội trên đầu một hộp bìa các tông, loại hộp mà Hoan Xồm vốn hay dùng đựng hàng. Chẳng thể nhận ra ai với ai. Mụ Thấn túm mấy phát, nhưng trượt. Mụ liền xông vào nhà. Lại có hai người cởi trần, đầu cũng đội hộp các tông từ trong bếp nhà Hoan Xồm phi ra. Lần này mụ Thấn không túm vai nữa, mà túm quần đùi một người, giằng lại, giơ xích vụt. Kẻ bị mụ Thấn túm trúng ngã khuỵu, dẫu ăn đòn rách cả da vẫn im thin thít, tay ôm khư khư hộp các tông che đầu.

Quần đùi của của người này bị mụ Thấn xoắn mạnh, chun đứt phựt, tuột xuống. Người ấy đành buông tay khỏi chiếc hộp trên đầu để chộp quần. Chiếc hộp rơi. Thì hóa ông Xích.

Ông Xích kêu:

-         Úi giời ơi! Đừng đánh nữa, nhầm rồi, thằng Thông nhà bà là thằng chạy cùng tôi, nó thoát mất rồi!

Lũ trẻ con đứng túm tụm xem, hét toáng:

-         Ông Xích lòi chim chúng mày ơi! Chim ông Xích như pháo cao xạ chúng mày ơi!...

Hôm ấy lão Thông bỏ đi cả đêm. Sáng hôm sau rình lúc mụ Thấn đi chợ, lão mới mò về gói ghém quần áo, trốn biệt về quê. Thằng Bách tối ấy chui lên nhà mình ngủ. Nằm cạnh mình, nó nói:

-         Lúc ông Xích với bố em chạy từ trong bếp nhà chú Hoan Xồm ra, tuy đầu đội hộp, nhưng em nhận ra ngay cả hai. Vì bố em thì gầy, mặc quần đùi bộ đội có miếng vá ca rô ở háng, còn ông Xích thì béo, đùi lại có vết chàm. Như mẹ em lạ gì cái quần đùi của bố em, thế mà chả hiểu sao lại đi tóm ông Xích.

-         Hay mẹ mày cố tình nhầm?

-         Có khi thế thật, vì mẹ em cú cái vụ ông Xích bà Đểnh phê bình mẹ em chửi Liên Xô lắm!

Sau hôm bị mụ Thấn hành hung ở nhà Hoan Xồm, vai và người ông Xích chằng chịt lằn đỏ, hai hôm liền ông không ra khỏi nhà. Mấy bữa sau, hễ gặp ai ở chỗ vắng, ông Xích lại thầm thì, điệu bộ rất bí mật:

-         Mình là phụ trách an ninh, nên phải hoạt động tình báo, phải trà trộn vào đám xem phim độc hại để nắm tình hình, có gì mới ngăn chặn được kịp thời!

Người nào nghe ông Xích nói cũng ậm ừ, ông Xích vừa khuất mắt, thì ôm bụng cười.

Ngoài bể nước công cộng, Hoan Xồm oang oang kể:

-         Hôm đấy trong nhà tôi chiếu phim toàn của tây nhá, vàng hoe, trắng nõn nhá… Lúc mụ Thấn xông đến trước nhà chửi, lão Thông liền chui sau cánh cửa trong bếp. Liền sau đó lão Xích cùng chen vào, hai lão đứng úp mặt sát nhau sau cánh cửa. Tôi mới tắt hết đèn. Thế mà chả hiểu lão Thông ở trong đó sờ mó thế nào, rồi kêu: “Ôí giời ơi làng nước ơi, xem được phim tây cởi truồng, nên buồi tôi nó cửng lại được rồi!”. Lão Thông kêu xong thì bị lão Xích thụi, lão Xích bảo: “Ai cho mày sờ buồi tao!”.

Các bà các chị ngồi đấy vục đầu vào lưng nhau cười, có người ngã bổ ngửa. Hoan Xồm về, còn mấy gã đàn ông ngồi ngoài bể nước bàn tán:

-         Thằng Hoan này chắc bịa chuyện, chứ chim mình mình cầm phải biết, chứ làm sao lão Thông nhầm chim lão Xích thành chim mình được!

-         Cái thằng cha này điêu trẹo họng, có dở hơi mà tin!

Lại có người cãi:

-         Biết đâu đấy, nhỡ chim lão Thông bị mụ Thấn túm với vặt suốt ngày, giờ nó nhẽo như dây thun, sờ vào khéo cũng chẳng có cảm giác thật ấy chứ!

Bà Vân Đểnh đi qua, một người nói:

-         Bà Vân Đểnh à, ông Xích nhà bà vì việc an ninh, nên trà trộn vào ổ chiếu phim bậy bạ điều tra, ông Xích thế là làm việc rất có trách nhiệm. Nhưng cái chim ông Xích thì lập trường có vẻ hơi yếu, nên gặp gái tư bản vẫn thèm. Bà nên về quán triệt tư tưởng cho cái chim ông Xích.

Người khác lại nói:

-         Không thể bảo là cái chim ông Xích lập trường yếu được, vì lúc mụ Thấn xấn xổ tấn công, chim ông ấy vẫn hiên ngang chổng lên trời, phải nói lập trường thế là quyết liệt chứ, nhưng mà là lập trường theo gái tây!

Bà Vân Đểnh bơ, làm như không nghe. Lúc về sân, nhìn thấy mụ Thấn, miệng bà sắt lại. Việc phát giác ông Xích trong đám tụ bạ xem phim sex lần này tất cả là tội của mụ Thấn!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3