Sách ở lòng tôi

Sách cũ luôn có cái mùi của thời gian, của xưa
cũ...
Lu nói tôi nên viết một bài về văn hóa đọc, tôi
cứ chần chừ mãi. Không phải vì tôi không viết được, mà là kiểu cách nghệ sĩ rởm
đời, chưa có hứng thì chưa bắt tay vào một thứ hay ho được. Cũng còn phải dành
thời gian để vui thú với mấy quyển sách.
Mùa đông là mùa tôi ưa thích nhất trong năm, cái lạnh làm mọi thứ co
lại, con người trở nên nhỏ bé, đây cũng là thời tiết tuyệt vời nhất của năm để
nằm co mình trên giường bên chăn ấm và nghiền ngẫm vài chục trang sách trước
khi đi ngủ. Tôi có thói quen thu mình lại, tuổi tác dạy mình không nên khoe
khoang trước thế giới.
Tốc độ mua sách của tôi hiện giờ nhanh hơn tốc độ đọc. Có lẽ, những
người mê mẩn nó như một phần máu thịt của mình đều bị mắc cái căn bệnh này. Tôi
có đọc và biết nó được gọi là Bibliomania – chứng cuồng thư, tựu chung là bạn luôn
có cái nhiệt thành để mua rất nhiều sách mà chưa biết đến bao giờ bạn sẽ đọc
được hết chúng (hoặc sờ đến chúng). Tôi cứ có chút tiền là chạy ngay ra Đinh Lễ
mua sách mới, rồi lọc cọc đạp xe rong ruổi đi tìm sách cũ. Cứ mua về, xếp chúng
nghiêm cẩn lên các giá sách, thế thôi là đủ hạnh phúc rồi.
Tôi có thể đứng hàng giờ để ngắm cái giá sách của mình, thảng hoặc,
tôi sẽ rút ra một cuốn, mang nó lên giường như một tình nhân rồi ngấu nghiến
nàng một chút trước khi đi ngủ và chúa ơi, nếu như nàng quá hấp dẫn, tôi có thể
thức trắng đêm. À quên, nhân nói đến việc đọc sách trên giường: Nó có một từ để
gọi tên việc này: Librocubicularist – đọc là lib-ro-kyoo-bi-kyoo-lar-ist cho
bạn nào thích tìm hiểu thêm. Tôi tìm đến sách như một người bạn tâm giao, phần
nào để tôi xa lánh cái thế giới náo nhiệt ồn ào và không kém phần phù phiếm
này. Giữa những giá trị ảo, những mẩu tin rác đang ngày ngày lên ngôi, tôi chọn
cách thu mình lại với một quyển tuyệt tác.
Việc này với tôi như là việc chui vào một căn phòng rồi đóng kín cửa
tuyệt giao với hết thảy phiền muộn, chờ mình lắng xuống và sống cùng với những
nhân vật trong truyện. Tôi không được đi nhiều nơi, do không đủ điều kiện kinh
tế cũng như thời gian, tôi thành ra phải đi tìm trong những trang sách các vùng
trời xa lạ ấy, các thành phố, vùng quê, một quán bar được nhắc tên trong một
tác phẩm nào đó và tưởng tượng. Trí tuệ cùng với sức tưởng tượng vô hạn của con
người phần nào giải quyết được vấn đề này của bản thân tôi rồi.
Tôi có một cái Kindle người tình nhỏ tặng dịp sinh nhật, tôi ước là
tôi có nó sớm hơn ngày tôi còn đi du học, để mẹ tôi không phải khổ sở nhờ người
khác gửi quyển này quyển kia sang cho tôi xả stress những lúc nông nhàn, rồi
đóng gói thừa cân, nhồi nhét khắp các ngóc ngách vali lúc mang về nước. Tôi
thích Kindle, về cái sự nhẹ và tiện lợi của nó. Nhưng để so với sách giấy, thì
muôn lần tôi cũng không dám. Tôi thích việc lần giở từng trang, rồi ngửi cái
mùi giấy mới, mực in (theo những gì tôi đọc thì là 1 trong 10 mùi dễ chịu nhất
của quả đất), hơn tất cả, tôi có thể lôi nó ra, lật lại cái dòng tâm đắc ấy,
đọc đi đọc lại nó, rồi một chút ghi chú nho nhỏ bằng cái bút chì vót sẵn ở bên
lề cuốn sách. Tôi sẽ gặp lại tôi của quá khứ khi một ngày nào đó, tôi đứng
trước thư viện của mình, tìm thấy tình nhân nhỏ, lôi nàng lên giường và giở lại
trang yêu thích, như là ôn lại chút kỉ niệm ngọt ngào xưa cũ. Cái tôi lúc ấy,
sẽ khác nhiều lắm cái tôi bây giờ, tôi đồ là thế, tôi đã trưởng thành hơn, đọc
nhiều hơn, suy nghĩ cũng khác hơn, phải rồi! Việc tôi làm lúc ấy, chỉ là nhắm
mắt lại và nói với người cũ: “Xin chào, chàng trai trẻ!”
Tôi cũng thích đi mua sách cũ, thậm chí là thích hơn đi mua sách
mới. Nó là cái mỏ vàng. Tôi có thể dành hàng giờ liền trong một cửa hàng sách
cũ, tôi sục sạo như một con chuột, len lỏi qua các tầng lớp bụi phủ của cửa
hàng rồi lôi ra được một cuốn sách ố vàng, sờn lên qua năm tháng, như những lớp
da đồi mồi của người già. Sách cũ luôn có cái mùi của thời gian, của xưa cũ,
đôi khi ta nhìn được một chữ ký, một lời đề tặng lạ lẫm. Thỉnh thoảng, nếu may
mắn, bạn có thể thấy được một tấm ảnh kẹp đánh dấu sách. Tất cả những thứ ấy,
cộng với giá trị thời gian và việc “hiếm” tạo nên cái thú chơi sách cũ mà gần
như tất cả những người yêu sách lâu dài đều mắc phải…
Nếu tôi tìm được quyển tôi cần tìm (tôi ghi tên ra một mẩu giấy nhỏ
luôn để trong ví) thì ngày hôm đó tôi sướng như người điên. Có khi chẳng mua
được cuốn nào ưng ý, nhưng nhẩn nha đối đáp với người chủ mê sách cũng là cái
thú mà không phải ai cũng hiểu được.
Cái sự đọc, không phải cứ ép mà thành, nó phải là đam mê xuất phát
từ con tim, phải yêu thích mới làm được chứ không phải dí quyển sách vào tay,
bảo “đọc đi” là xong đâu. Bởi thế nên tôi cũng ít khi lôi kéo người khác đọc
này đọc nọ, tôi quan niệm mỗi cá thể là một suy nghĩ, lựa chọn khác nhau. Quan
điểm yêu ghét của họ với sách cũng vậy thôi, không thể cưỡng ép. Bảo tôi giới
thiệu sách hay cho họ đọc, tôi cũng hạn chế, vì tôi nhìn đời, nhìn sách bằng
lăng kính và trải nghiệm khác hẳn với họ…
Chủ hàng sách cũ – những con người với hàng tấn câu chuyện hay để kể
về sách, về những vị khách yêu sách không tên và cả những cuộc trò chuyện một
lần trong đời tuyệt hay về một quyển sách nằm sâu dưới đống bụi thời gian.
Sau này, không biết những đứa con có thừa hưởng được cái thú đọc này
của tôi không, nhưng sẽ cố gắng ngay từ tấm bé, gây thương nhớ cho chúng bằng
việc nhẩn nha đọc cho nó dăm mẩu chuyện mỗi tối, dành tặng nó cuốn sách ưng ý
làm phần thưởng, còn lại thì phải chờ số phận quyết định. Nó có thể bán hết
đống sách của tôi, thật tệ, nó cũng có thể đọc hết và trở thành một nhà văn
(cũng tệ, nếu xét tình hình văn học nước nhà hiện thời). Chỉ mong cháu yêu
sách, giống bố nó – một nửa tiền lương chi cho việc mua “giấy vụn” là tôi mừng
lắm rồi (vụ nửa tiền lương, tôi sẽ cố đầu tư cho cháu).
Để nói về cái mê đắm này, chắc phải dài. Tôi còn nhiều điều muốn
nói, nhiều kỷ niệm muốn kể với độc giả. Tôi viết cho tôi, đánh dấu lại, nhân
một ngày trở lạnh, và tự nhiên tìm được quyển sách ưng ý.
Tha thẩn thế thôi.
Nguồn: Tổng hợp
Mannup.vn