001 - Lời minh về cội nguồn

Chuyện tình một thưở còn vương mãi

Cho đến bao đời nhớ Mỵ Châu?

Thái Vũ

Lời minh về cội nguồn

Đây là một đề tài chống chiến tranh được huyền thoại hóa rất đẹp trong kho tàng cổ tích của dân tộc Việt Nam ta. Truyện đã lồng giữa cái hư và cái thực, mang tính phức tạp được biểu hiện qua trình độ phát triển của xã hội và con người Việt Nam trong và sau thời kỳ nước Âu Lạc, nối tiếp thời kỳ đầu mở nước của mười tám đời vua Hùng, con cháu của Bố Rồng (Lạc Long Quân) với Mẹ Tiên (Âu Cơ).

Bố Rồng, tượng trưng cho nước, hàm nghĩa rộng là biển cả bao la mà Lạc Long Quân đã chiến thắng Ngư tinh độc ác và hung hãn.

Mẹ Tiên, tượng trưng cho đất, nơi mẹ Âu Cơ đã sinh ra trăm trứng và cũng chính Lạc Long Quân đã chiến thắng Hồ tinh yêu quái.

Đó là ý niệm đầu tiên trong đối kháng của một dân tộc đang hình thành chống thù trong và giặc ngoài, nhất là giặc ngoài. Thưở nước Văn Lang với các vua Hùng, hiểu về ý nghĩa một quốc gia trọn vẹn thì Văn Lang chưa phải là một nước. Cuộc đối kháng nạn ngoại xâm căng thẳng kể từ thời các vua Hùng về sau chống nhà Tần - khi Tần Thủy Hoàng thống nhất cả Trung Nguyên. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, hai bộ lạc lớn nằm rải từ vùng đất đai phía Nam (Nghệ Tĩnh - Quảng Bình ngày nay) ra khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, là bộ lạc Âu Việt (hay Tây Âu) và bộ lạc Lạc Việt đã hợp nhất lại thành nước Âu Lạc duy nhất. Đây là thời kỳ nước Âu Lạc (đầu thế kỷ III trước CN) kiên cường, An Dương Vương Thục Phán nối ngôi các vua Hùng (vì đã già yếu và bất lực trước nạn ngoại xâm) đánh thắng quân Tần, diệt tướng Tần ở Luy Lâu (tức làng Dâu, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là Đồ Thư.

Nước Âu Lạc của An Dương Vương nối tiếp - nước Văn Lang thời cuối các vua Hùng đã kiên trì chống giặc Tần xâm lăng trên năm, sáu năm (từ năm 214 đến năm 208 trước CN) và đã diệt hàng chục vạn quân Tần. Tần đổ, nhà Hán của Lưu Bang (Hán Cao Tổ) thay quyền cai trị thiên hạ, luôn dòm ngó phương Nam, nhưng Triệu Đà cát cứ một dải đất phía Nam Trung Nguyên đóng đô ở Phiên Ngưng, đã hớt tay trên nhà Hán kéo quân xuống xâm chiếm nước Âu Lạc. Và lịch sử, qua truyền thuyết dân gian, đã để lại cho con cháu đời đời về sau bài học lớn về cảnh giác giặc ngoại xâm với câu chuyện gọi là “Huyền thoại Mỵ Châu”.

Huyền thoại, nhưng có thực, một sự thật lịch sử không phải bị xuyên tạc, hư cấu tùy tiện mà nâng lên thành sử thi qua câu chuyện tình éo le giữa Mỵ Châu - người con gái đất Việt - và Trọng Thủy - người trai phương Bắc.

Đồng chí Phạm Văn Đồng, nhân một lần giỗ Tổ vua Hùng, mồng mười tháng ba âm lịch, đã nói:

Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn học mà đời đời con người ưa thích…

Chuyện tình giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy có thật hay chỉ là chuyện hư cấu? Đó chính là cái hư và cái thực của câu chuyện.

Để chứng minh cho vấn đề trên, chúng tôi xin trích dẫn hai đoạn sau đây:

a, Trong “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Dữ về chuyện Nguyễn Công Hãng (1679 - 1740) triều Lê, đi sứ sang nhà Thanh đã đấu tranh ngoại giao đòi bỏ việc cống người vàng Liễu Thăng từ thời nhà Minh và việc cống nước giếng thành Loa - giếng Ngọc - như sau:

… Lại còn việc bắt cống hũ nước rửa ngọc trai lấy ở giếng thành Loa (theo sự tích “Mỵ Châu - Trọng Thủy”), ông (chỉ Nguyễn Công Hãng) cũng bỏ đi mà lấy nước giếng Ba Sơn đem cống thay. Họ (vua quan nhà Thanh) thử, không thấy hiệu nghiệm khi rửa ngọc trai cho sáng, liền trách. Ông nói:

- Đó là vì khí mạch của trời đất, lâu ngày tất nhiên phải đổi khác.

Từ đó hai thứ cống hiến trên (người vàng Liễu Thăng và nước giếng Ngọc thành Loa) đều được miễn là bắt đầu từ ông (Nguyễn Công Hãng).

b, Trong “Dư địa chí Bắc Hà” (Ty VHTT, và thư viện Hà Bắc, XB 1982 - tr. 368) mục “Đấu tranh ngoại giao” ghi, sau việc “cống người vàng”: “lệ cống còn phải có một hũ nước giếng để rửa ngọc trai lấy ở cái giếng trước đền thờ An Dương Vương (giếng Ngọc) ở Cổ Loa (Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) và tương truyền nước ấy rửa ngọc mới sáng.

Nguyễn Công Hãng sai đổ đi (có thuyết cho là dọc đường đánh vỡ cả hũ nên múc nước giếng Ba Sơn đem theo).

Khi người nhà Thanh đem thử, rửa ngọc trai không sáng, mới hỏi ông, ông nói:

- Đó là khí mạch lâu ngày đã biến đổi đi!

Cả hai đồ cống hiến được miễn là bắt đầu từ ông.

Nguyễn Công Hãng (1679 - 1740) hiệu Tiết Trai, người làng Phù Chẩn (làng Cháy, tên làng gọi thế vì ông Gióng đánh đuổi giặc Ân qua đây, vung roi sắt nảy lửa làm cháy cả vùng), huyện Đông Ngàn cũ (nay là huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh). Ông đỗ tiến sĩ khi mới 21 tuổi (năm Chính Hòa thứ hai, thời Hậu Lê) làm quan đến chức Hữu Thị Lang Bộ Binh, Chánh sứ sang nhà Thanh. Sau bị chúa Trịnh là Trịnh Giang giết hại cùng với các đại thần Đỗ Bá Phẩm, Lê Anh Tuấn…

*

*        *

Như trên là về chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, thực và hư vì nếu không thực, sao lại có chuyện các triều vua Trung Quốc từ triều nhà Thanh (khoảng thời Thanh Thế Tông Ung Chính (1723 - 1735) trở về trước dựa vào chuyện có thực đã xảy ra, nên bắt các triều vua nước ta phải cống nước giếng Ngọc thành Loa để rửa ngọc trai cho sáng.

Còn chuyện tình và việc An Dương Vương từ thành Loa chạy trốn truy đuổi của quân Triệu Đà vào mãi phía Nam đến vùng núi Mụ Dạ (1) thì dừng lại (nay là vùng Lạch Hiền, phía trong núi Mụ Dạ, chỗ giáp ranh hai xã Diễn An - thuộc Diễn Châu, và Nghi Yên - thuộc Nghi Lộc).

(1) Theo Bùi Văn Nguyên trong “Việt Nam truyện cổ”, Mụ Dạ là lòng mẹ. Mẹ Mỵ Châu là nàng Chân, Mỵ Châu là nàng Ốc - Trọng Thủy: mẹ gốc Việt (Bách Việt).

Đó là một chặng đường dài và núi rừng, sông ngòi hiểm trở với địa thế cách đây trên hai ngàn năm (2). Tại sao An Dương Vương chạy giặc lại phải trải qua một chặng đường quá xa như vậy (gần 400 km hiện nay), khi vùng trung châu Bắc Bộ, phía sông Đà, sông Lô, sông Thao có phải xa xôi gì đâu lại trong phạm vi gần đất tổ vua Hùng, Phong Châu.

(2) Thời Lê Hoàn, năm 982 con đường từ Hoa Lư vào phía Nam như sau: sang Nho Quan đi xuống Rịa, vào Phố Cát, Thạch Thành, phủ Quảng (Thanh Hóa) vượt sông Mã ở bến Đan Nê, xuyên qua Thọ Xuân, Nông Cống vào Tĩnh Gia. Từ đây chia hai: một đường theo ven biển qua Hoàng Mai vào Quỳnh Lưu và đường trên từ Chuối lên Mực vào làng Vạc, sông Hiếu (Nghệ An)…

Theo ý kiến riêng chúng tôi, trong khi viết tiểu thuyết này tìm lấy mọi tài liệu, đây là một quan niệm truyền thống của mỗi người dân đối với quê hương, đất Tổ: trở về cội nguồn!

Các truyền thuyết cổ xưa cũng như hiện nay của sử sách đều cho biết là Thục Phán, con Thục Chế là một nhánh (trong nhóm Bách Việt, Tây Âu) (3) thuộc họ Hồng Bàng các vua Hùng. Vua Hùng thứ ba, Hùng Quốc Vương tên Lân Lang là con trai đầu lòng của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Lạc Long Quân là con trai của Kinh Dương Vương và bà Long Nữ. Họ gặp nhau và lấy nhau ở vùng ven biển Ngàn Hống - Rào Rum (tức là núi Hồng - sông Lam thuộc Nghệ Tĩnh ngày nay) và xây dựng kinh thành đầu tiên ở Ngàn Hống (4). “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (tr. 211) cho biết Lộc Tục được phong là Kinh Dương Vương, con của Đế Minh (dòng dõi Viêm Đế) đi tuần thú xuống vùng biển phía Nam lấy bà Vu Tiên mà sinh ra. Nguyễn Văn Siêu trong “Phương Đình Dư địa chí” (tr. 14) cho biết thời Chiến quốc vua nước Sở xưng bá, có nhiều tộc Việt (Bách Việt) vùng châu Kinh, châu Dương (trong đó có Việt Câu Tiễn) đến triều cống. Hai châu này có sông Kinh và sông Dương. Phải chăng tên Kinh Dương Vương của Lộc Tục gốc từ đó khi xuống vùng biển phía Nam gặp bà Long Nữ rồi sinh ra Lạc Long Quân. Bà Long Nữ còn gọi là Thần Long, con gái Long Vương. Sách của Nguyễn Trãi (mục 3, tr. 272) còn ghi Hùng Vương là con Lạc Long (Quân), cháu Kinh Dương Vương, đóng đô gọi là Văn Lang, truyền ngôi mười tám đời… Vậy Hùng Quốc Vương Lân Lang có quan hệ gì với tên nước Văn Lang? Và phải chăng họ Hồng Bàng cũng từ tên Ngàn Hống (núi Hồng) mà ra?

(3) Theo “Sử ký sách ẩn” của Tư Mã Trinh cho dòng Choang - Tây ở Quảng Tây (Trung Quốc) và người Tày - Nùng miền thượng du phía bắc Việt Nam thuộc gốc Tây Âu, như ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang (cũ) và cả ở Hà Bắc người Tày chiếm 22% dân số các dân tộc ít người. Thục Phán An Dương Vương có lẽ thuộc bộ tộc này.

(4) Thái Kim Đinh: “Núi Hồng 99 ngọn” - Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh, 1981.

Các sách xưa của ta đều theo tương truyền cho Kinh Dương Vương Lộc Tục là dòng dõi Viêm đế Thần Nông lấy con gái Động Đình Quân sinh ra Lạc Long Quân Sùng Lãm. Về cương vực nước Văn Lang, tài liệu thư tịch đều xác định là ở miền Nam ngoài cõi trung nguyên Trung Quốc xưa và cho vị trí Kinh đô là đất Phong Châu - nơi có đền thờ các vua Hùng hiện nay - không vượt ngoài phạm vi mười lăm bộ (5). Như vậy, cương vực nước Văn Lang được tính từ ngoài cõi trung nguyên Trung Quốc xưa trở xuống phương Nam.

(5) “Hùng Vương dựng nước”, tập 1, tr. 84 - 85, 92. Xb.1970.

Nhưng truyền thuyết dân gian Nghệ Tĩnh, xưa gọi là Ngàn Hống - Rào Rum (6), thì lại cho là Kinh Dương Vương xuất hiện ở vùng Ngàn Hống - Rào Rum, gặp nàng Long Nữ (Thần Long) tại vùng đó và lấy làm vợ, sinh ra Lạc Long Quân. Ngược với thuyết trên, cương vực nước Văn Lang lại khởi đầu từ phía Nam lên dần phía Bắc, gồm cả lãnh thổ Bắc bộ hiện nay.

(6) Rào Rum tên cổ của sống Cả (sông Lam) ở Nghệ Tĩnh, nằm một đoạn phía chợ Tràng (làng Triều Khẩu, Nghĩa Liệt) dân sở tại vẫn gọi là Rào Rum và Rú Thành (tên thời thuộc Minh, Trương Phụ ép dân xây thành) cách Vinh 10 km, cũng được gọi theo tên cổ là Rú Rum (Rú Thành), Sứ giả trong truyện “Thần Kim Quy” từ sông Thanh Giang đến, hẳn là tên chữ Nho của sông Cả do người sau đặt. Từ ngàn chỉ núi, từ rào chỉ sông nhỏ đổ vào sông chính - không đổ ra biển, hiện nay vẫn tồn tại đầu nguồn các sông lớn như sông Lam, sông La (ở Nghệ Tĩnh) sông Gianh, sông Kiên Giang ở Quảng Bình; Cửa Rào, Rào Nậy, Rào Con v.v… Ngàn Hống chuyển thành núi Hồng, từ xa xưa trên bốn ngàn năm lịch sử tổ tiên người Việt luôn tự nhận mình là con Hồng cháu Lạc (như con Rồng cháu Tiên), nòi giống Lạc Hồng, cành Hồng cổ Lạc với một gốc là Hồng Bàng. Ở Nghệ Tĩnh vẫn truyền câu ca:

Bao giờ ngàn Hồng hết cây

Sôm Rum hết nước, họ này hết quan.

Kinh Dương Vương trong khi đi tuần thú, đến vùng ngã Ba Hạc thấy vùng đất thuận lợi mọi mặt liền chọn đất Phong Châu, có dãy Ngũ Lĩnh hùng vĩ nằm giữa ba con sông lớn, làm kinh đô mới. Khi Kinh Dương Vương mất được chôn ở Luy Lâu (vùng chùa Dâu, Thuận Thành ngày nay) là nơi quân Việt đã thắng quân Tần giết Hiệu úy Đồ Thư, nay mộ vẫn còn với đôi câu đối: Đức giang Kim Lăng miếu - Nghĩa Lĩnh cổ kinh thành) còn bà Thần Long (Long Nữ) có lẽ ở phía Nam, Ngàn Hống - Rào Rum đã sinh con trai, chính là Lạc Long Quân sau này. Cách tôn xưng Vương (Kinh Dương Vương) và Quân (Lạc Long Quân) để phân biệt ngôi thứ cha con, trên dưới cũng là một điều đáng chú ý, cho dù đó là cách gọi của người đời sau.

Lạc Long Quân lớn lên, nối nghiệp cha, mang dấu tích của thời kỳ mẫu hệ, lấy từ Long bên mẹ (Long Nữ) đặt cho tên mình và cũng như cha, đã ở miền bắc đất nước lấy Phong Châu làm kinh đô như quan hệ nội ngoại vời Ngàn Hống - Rào Rum. “Lịch sử Việt Nam tập I”, các trang 65 - 66 ghi rõ: Vai trò của người mẹ trong gia đình Lạc Việt rất quan trọng. Chế độ mẫu hệ đầu thời Hùng Vương còn bảo lưu khá vững chắc.

Chúng tôi trình bày như trên để mong có thể cắt nghĩa cội nguồn miền đất phía nam nước Văn Lang tức là Ngàn Hống - Rào Rum, chứ không phải từ cương vực phía bắc ngoài cõi trung nguyên Trung Quốc xưa - đất lành chim đậu, việc dựng đô mới ở Phong Châu (tỉnh Vĩnh Phú hiện nay) có thể là như vậy.

Như thế, bộ tộc Lạc Việt hẳn là một phân số người từ xa xưa khởi thủy của buổi ban đầu hồng hoang trong nhóm mà sau này người phương Bắc gọi tổng quát là Bách Việt ở phía nam Trung Quốc và phía bắc Việt Nam, đã đi lần vào phía nam lập ra họ Hồng Bàng để mãi mãi con cháu luôn tự nhận mình là nòi giống Lạc Hồng, con Hồng cháu Lạc (cũng là con Rồng cháy Tiên). Việt là cái tên gốc cho nên sau này mới có những tên Đại Cồ Việt, Đại Việt và ngày nay là Việt Nam. Và cả vùng đất trong đèo Ngang trở vào (Quảng Bình - Quảng Trị) được gọi là Việt Thường trong số mười lăm bộ thưở nước Văn Lang.

Vì vậy, khi An Dương Vương, người đại diện cuối cùng của dòng họ Hồng Bàng các vua Hùng, vì thiếu cảnh giác bị Trọng Thủy tráo cắp nỏ thần - bí mật quốc gia - để Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc, phải một mình một ngựa mang con gái là Mỵ Châu chạy vào phía nam rồi trầm mình ở vùng biển của Bố Rồng, là An Dương Vương đã trở về gốc rễ Long Nữ, trở về nguồn, con tìm về với mẹ. Truyền thuyết đã nêu khi Lạc Long Quân ngoài Bắc, trước khi trở về Ngàn Hống - Rào Rum, đã dặn con cháu mà vua Hùng là đại diện: Khi nào có hiểm nguy thì gọi “Bố ơi, cứu con với”.

An Dương Vương chạy trốn giặc Triệu Đà từ thành Loa vào mãi đến núi Mụ Dạ ở Nghệ An, phải chăng mong gọi được bố và mẹ cứu, bố đây còn có thể hiểu rộng ra là một phần cơ sở gốc của dân tộc lúc đó, như Bố Cái.

Theo Bùi Văn Nguyên trong “Việt Nam truyện cổ”, tr. 143 và 145 (sách in 1991), Mụ Dạ: lòng Mẹ - Mỵ Châu tên tục là nàng Ốc, mẹ là nàng Chân, thứ phi An Dương Vương - Trọng Thủy: mẹ người Việt (Bách Việt).

Qua ý nghĩa về nguồn gốc đó, để giải thích việc An Dương Vương chạy giặc hướng về phương Nam, gốc rễ (bên ngoại) của họ Hồng Bàng, truyền thuyết dân gian còn có một chi tiết đáng lưu ý nữa là những người khổng lồ, những người khai thiên lập địa.

Trong kho tàng cổ tích vô cùng phong phú và đa dạng của dân tộc Việt Nam, chuyện kể về những người khổng lồ không phải ở địa phương nào cũng có.

Rõ ràng, chuyện kể về những người khổng lồ ở Nghệ Tĩnh và cả Thanh Hóa nữa là phong phú nhất. (7) Ở Nghệ Tĩnh ông khổng lồ có tên là ông Đùng hay ông Khổng Lồ - dắt núi đã sắp xếp nên 99 ngọn núi của Ngàn Hống, khi những ngọn núi đó nằm ngổn ngang, la liệt đôi bờ Rào Rum (sông Lam) để lấy đất cho dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm. Có ông Khổng Lồ - đơm cá, có ông Khổng Lồ - đúc chuông. Ở Thanh Hóa có ông không lồ tên là ông Bưng, ông cũng làm công việc như ông Đùng ở Rào Rum - Ngàn Hống. Ông Bưng đã đắp nên 99 ngọn của Hùng Lĩnh và dãy Răng Cưa. Ông để lại dấu tích khi gánh núi chuyên chở ở huyện Nga Sơn để rơi hai hòn là núi Thúc và núi Giá phía ngoài cứ địa thành Ba Đình hiện nay, dân địa phương gọi hai hòn núi nhỏ đó là núi Đá Gánh. Ở xã Tân Ninh, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện mới là Triệu Sơn) có núi Gãy-đòn-gánh, khi ông Bưng gánh núi di chuyển, không may núi quá nặng làm đòn gánh gãy. Ông Bưng vào rừng chặt cây làm đòn gánh khác, lúc trở ra thì hai đầu đòn gánh đã mọc rễ thành cây và núi thì bám chặt vào đất. Vậy là ông Bưng khổng lồ đành bỏ tất cả lại.

(7) Ở Hà Bắc cũng có chuyện ông Đổng khổng lồ đã từng“bóp chết rắn, cắn nát núi, hút sạch rừng, bưng ngang lũ…”. Ở Thanh Hóa có chuyện kể về ông Bưng với núi Bưng ở huyện Hoàng Hóa, Cốt Tung (Vĩnh Phú) Ải-Lộc-Cộc của người Thái v.v…

Chuyện tình một thưở còn vương mãi

Cho đến bao đời nhớ Mỵ Châu?

Về chuyện tình “Mỵ Châu - Trọng Thủy”?

Đây quả là một vấn đề hết sức phức tạp. Trước hết xin gợi lại một nhận thức là việc trai gái yêu nhau, thành vợ thành chồng thuở xa xưa hẳn không phải quy định trong phạm vi một nước như ngày nay khi người con gái dân một nước này - nhất là đối với người dân Việt Nam - lấy chồng là dân một nước khác bị khinh rẻ, coi thường với một từ ngữ không đẹp đẽ gì. Hẳn thuở xa xưa việc dựng vợ gả chồng không đặt thành biên giới và chuyện Mỵ Châu lấy Trọng Thủy hay ngược lại, là theo tục lệ hội làng thời các vua Hùng đậm tình tiết mẫu hệ như sách “Hùng Vương dựng nước” ghi rõ là cô dâu vẫn ở nhà mình, ba năm sau nhà trai mới làm lễ xin về… Trong “Huyền thoại Mỵ Châu” không hề có một lời nào nói lên ý nghĩa đó. Về mối tình của Mỵ Châu - Trọng Thủy là một mối tình tuyệt đẹp khi câu chuyện kết cấu trở nên bi thảm. Nếu không có kết cấu đó, mối tình đó hẳn không được truyền lại đời đời về sau và mỗi thế hệ sau này, qua ngàn năm khi nhắc đến mối tình đó đều không khỏi xúc động, cảm thông.

Trước hết hãy công nhận một điều là qua mưu mô thâm độc của Triệu Đà, Trọng Thủy sang nước Âu Lạc làm con tin, xin hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ theo tác giả Lịch Đạo Nguyên trong “Thủy Kinh chú” (8) là một chuyện có nội dung lịch sử: Triệu Đà kéo quân sang xâm chiếm Âu Lạc bị thất bại, sau y phải dùng mưu mô quỷ quyệt kết hợp với hành động quân sự mới chiếm được. Còn tình tiết chung quanh việc con trai Triệu Đà - Trọng Thủy - sang ở rể để điều tra tình hình và đánh cắp bí mật quân sự, cùng với câu chuyện tình giữa Trọng Thủy và công chúa Mỵ Châu, thì đó có thể chỉ là truyền thuyết, do người sau tạo nên.

(8) Dẫn theo “Lịch sử Việt Nam”, tập I, tr.77 + tr.16…

Nếu là truyền thuyết hay huyền thoại, tất nhiên có thể miễn bàn. Song câu chuyện đã được truyền lại ta có thể thấy được hai vấn đề khác biệt nhau:

1, Trọng Thủy là một con tin gián điệp trá hình dưới hình thức ở gửi rể nước Âu Lạc để lấy cắp bí mật quân sự thành Loa, tạo điều kiện cho Triệu Đà xâm chiếm Âu Lạc và vua An Dương Vương là người cầm đầu một nước đã mất cảnh giác.

Nếu sự việc xảy ra vỏn vẹn như thế hẳn sẽ không được để lại muôn đời. Nhưng chính từ một khía cạnh như thế mới phát triển ra tấn bi kịch trong mối tình tuyệt vọng Mỵ Châu - Trọng Thủy. Câu chuyện hư cấu có thể thông qua mối bang giao giữa hai nước láng giềng chung một đường biên giới - một nước lớn và một nước bé - được dựng lên trên một nền tảng có thật lịch sử. Cái hư và cái thực chính gốc từ chỗ này, cho nên về toàn bộ câu chuyện, cả ở Việt Nam lẫn nước láng giềng phương Bắc đều… tin là có thực (dù một phần của sự thực về mối tình đó) nên mới có chuyện cống hiến đòi có hũ nước của giếng Ngọc để rửa ngọc trai và chuyện chánh sử Nguyễn Công Hãng bác việc cống nước giếng đó với việc cống người vàng Liễu Thăng thời Ung Chính nhà Thanh. Từ cái hư đã trở thành cái thực do chính từ nội dung câu chuyện tình tạo nên.

2, Mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy xảy ra trong bối cảnh như vậy, và Trọng Thủy là con người thế nào, Mỵ Châu là con người thế nào khi chỉ muốn bàn riêng về mối tình? Tuy là huyền thoại, truyền thuyết nhưng cả hai người đã trở nên những người thực với mối tình có thực. Đứng trên góc độ này, ta có thể chấp nhận sự chung thủy, yêu nhau thắm thiết của cả hai người. Khôn và dại như nhau khi ngã vào… tình yêu!

- Mỵ Châu vì quá yêu Trọng Thủy nên đã để lộ bí mật quốc gia - kỹ thuật nỏ thần - và rải lông ngỗng dẫn đường cho Trọng Thủy đuổi theo hướng mình đi nhưng chính lại là dẫn đường cho quân Triệu Đà đuổi theo dấu vết An Dương Vương.

Cái chết bi thảm của Mỵ Châu là kết quả của mối tình chung thủy đó.

Nhưng nếu chỉ có một mình Mỵ Châu chung thủy và cái chết của nàng là hết chuyện thì chuyện tình chỉ dừng đến đó và người đời không ai nhắc nhở làm gì.

Đến đây, vai trò Trọng Thủy nối tiếp sau cái chết của Mỵ Châu mới… làm nên chuyện.

- Việc thường xảy ra với người đời là khi người tình gái chết, chết vì người tình trai, người tình trai vẫn sống rồi lần quên đi, yêu người khác lấy làm vợ và sinh con với lại đẻ cái. Trọng Thủy không như vậy! Sự thủy chung của Trọng Thủy trong môi trường sống của y phải thừa nhận là… cao độ. Y phạm nhiều tội lớn khi theo âm mưu quỉ quyệt của Triệu Đà, ngay cả khi xin làm rể, ở gửi rể trở thành chồng của Mỵ Châu. Tưởng như y chính là kẻ phản bội, tên lừa đảo nếu câu chuyện chỉ chấm dứt khi thành Loa của An Dương Vương mất về tay Triệu Đà. Hoặc xa hơn nữa, khi theo vết lông ngỗng đuổi đúng hướng An Dương Vương và Mỵ Châu chạy trốn và thấy xác Mỵ Châu nằm bên vũng máu, y lạnh lùng bỏ đi, trở lại thành Loa vì trước mắt y còn cả một ngai vàng mà y sẽ là người chắc chắn được kế vị Triệu Đà. Lúc đó, sẽ là vua, y tha hồ có lắm vợ! Nhưng không! Y đã gục xuống, bế xác Mỵ Châu và cuối cùng tự vẫn, chết theo Mỵ Châu. Tất nhiên cái chết của người sau đắt giá hơn cái chết của người trước, một cái chết tự chủ và tự động do mình tạo nên không phải qua bàn tay một người khác. Trọng Thủy đã tự nguyện bỏ hết, bỏ cả cuộc đời mình, chứ nói gì ngai vàng để chết theo Mỵ Châu.

Cảm tình muôn đời đối với riêng Trọng Thủy chính là vì vậy mà dường như người ta… bỏ lơ, quên đi vai trò phản bội của y trước đó.

Câu chuyện tình “Mỵ Châu - Trọng Thủy” trở nên bất diệt có thể chính vì thế, khi nói đến một mối tình, một câu chuyện tình. Câu chuyện tình này xét cho cùng, theo ý chúng tôi, hẳn không thể có một câu chuyện tình nào qua hư cấu nghệ thuật có thể vượt qua nổi. Cái Đẹp trở nên vĩnh cửu, chính từ đó.

THÁI VŨ

10-1986