09. Cha Thí Sinh, Con Giám Khảo
Người ta thường nói các nhà Nho xưa đa số là những ông tiết tháo và gàn, kể ra có lắm ông tiết tháo mà không gàn cũng như có lắm ông gàn mà không có tiết tháo. Còn người được nổi tiếng một thời cả về hai mặt ấy, có lẽ phải kể trước nhất là ông Nguyễn-Công-Hoàn.
Ông Hoàn, người làng Cố-đô, huyện Tiên phong, tỉnh Sơn-tây, sinh vào khoảng đời Lê-Dụ-Tôn (1706-1729) là thân phụ ông Hoàng-giáp Nguyễn-Bá-Lân. Ông rât khiêm tốn, nhưng về văn chương thì không chịu nhường ai bao giờ. Tính ông nghiêm khắc và rất mực trong sạch, nên người đời thường gọi là Bá-Di 6 nước Nam. Xin kể sau đây mấy truyền thuyết về ông :
Ông Lê-Anh-Tuấn, người cùng huyện nhỏ tuổi hơn, được ông kết bạn vong niên. Gặp kỳ thi khảo ở huyện, ông Tuấn nhất, ông thứ hai, ông Hoàn đem văn ra so sánh, nhất định không chịu kém. Sau con ông là ông thượng-thư Bá-Lân phạm lỗi, ông Tuấn đang làm tể tướng, ông Lân nghĩ không có ông Tuấn thì không thể gỡ được, mà chỉ cha mình mới nói được ông này.
Ông Lân trình bày với ông, ông mặc, sau phải họp cả họ khóc lóc van nài, ông khẽ gật đầu, rồi đi chân không đến dinh tể tướng để cả gót bùn, vào nói : Tôi vì chuyện thằng con, phải đến phiền cố nhân, một lời giúp đỡ giá đáng ngàn vàng, chẳng nói cố nhân cũng rõ.
Ông Tuấn nhận lời, ông đứng dậy cáo từ, mời lại thế nào cũng không được.
Lúc ông Bá-Lân chưa đỗ, hai cha con đêm đến cùng học, ông để một cái roi và bảo : Hễ mày ngủ gật thì tao đánh, còn tao ngủ gật thì mày đánh.
Khi ông ngủ, ông Lân chỉ lấy tay đánh thức, ông liền lấy roi đánh và mắng : Thế này là mày dưỡng phụ chi ác (nuôi cái xấu cho cha) rồi.
Khi tập văn, ông bảo con : Hễ tao hơn mày thì đến bữa tao ăn mày nhịn, còn mày hơn tao thì mày ăn tao nhịn.
Ông Lân hơn, ông nhất định không ăn, ông Lân phải xin với thầy cho văn của cha hơn. Được hơn, ông đuổi con không cho ăn cơm.
Khi cha con cùng đi một chiếc thuyền, thấy trên bờ có một đàn dê, ông ra một bài phú tức cảnh, bảo ông Lân : Hễ thuyền cập bến, mày chưa làm xong, tao ném mày xuống sông, còn tao chưa xong, mày ném tao xuống sông.
Thuyền đến bến, ông Lân làm xong, còn ông chưa, ông nhảy ngay xuống sông tự trầm, ông Lân phải khóc lóc vớt lên.
Nghe tiếng ông nghè Tỏi tức Nguyễn-Công-Đăng ở làng Đại-toán (làng Tỏi) giỏi phú, ông cùng ông Lân đến thử tài vì tự cho phú của cha con mình là hay nhất thiên hạ. Đến đầu làng Đại-toán gặp một anh đang cày, muốn hỏi thăm đường, ông đứng lại khen trước : Anh này cày giỏi quá !
Anh kia đáp ngay lại : Phú phú ông Tỏi, đường cày tôi, bây giờ ông mới biết hay sao ?
Lúc vào nhà ông Tỏi, ông đem ý định ra kể. Nhận thấy một cậu bé đang học câu « Phượng hoàng sào ư a các, kỳ lân du ư uyển hựu » 鳳凰巢於阿閣麒麟遊於苑園 là « chim phượng hoàng làm tổ trong gác, con kỳ lân chơi ngoài vườn » tất cả đều lấy đó làm đầu bài và giao hẹn trong bài không được dùng những chữ phượng hoàng, kỳ lân, cùng bắt buộc mỗi câu phải có một tên cầm hay thú.
Ông Tỏi bắt đầu làm, mới viết được vài câu :
Quy phi phụ Lạc, 龜非洛水
Mã bất xuất Hà. 馬不出河
Y bỉ hữu hùng chi quốc, 懿彼有熊之國
Ấp vu trác lộc chi a. 邑手涿鹿之阿
Nghĩa là :
Con thần quy không đội sách ở sông Lạc,
Con long mã không xuất hiện ở sông Hà.
Tốt thay là nước Hữu Hùng,
Đóng đô ở nội Trác Lộc.
Rồi gấp lại để đi vào nhà trong bảo vợ con làm cơm đãi khách. Cha con ông Hoàn mở xem trộm, cha bảo con : Mày liệu làm hay hơn được không ?
Ông Lân lắc đầu, rồi hai cha con nhân lúc chủ chưa ra, cùng đứng dậy chuồn mất.
Khi ông Bá-Lân đỗ Hương cống, ông Hoàn muốn hỏi con gái một ông thượng thư là bạn với mình, mới sai con xách một buồng cau, và mình thì bỏ mấy quả hồng vào túi áo đi tới. Tới nhà ông thượng thư, ông hỏi người lính gác : Chủ anh ở nhà không ?
Lính gác lấy làm lạ vào bẩm. Ông thượng đoán hẳn là ông Hoàn, vội vàng chạy ra đón, ông không chịu vào, bảo : Nghe ông có cháu gái chưa chồng, tôi muốn hỏi cho thằng Lân, ông bằng lòng không ?
Ông Thượng cười đáp : Xin mời bác hãy vào nhà chơi đã !
Ông không chịu vào, bảo : Gả hay không nói ngay, hà tất phải vào ?
Ông Thượng nói vâng, ông liền móc mấy quả hồng ra và chỉ vào buồng cau trên tay ông Bá Lân mà bảo : Đây là lễ vấn danh ông cho người đem vào, tôi về đây.
Đoạn ông qua lại bảo con : Mày lạy nhạc phụ của mày đi !
Ông Thượng cười nhận lễ, mời vào thế nào ông cũng nhất định từ.
Sau ông Lân cưới vợ, ông Thượng vì biết phép nhà ông Hoàn rất nghiêm, nên chỉ cho con gái ăn mặc đồ vải và khuyên phải hết sức kính cha mẹ chồng.
Khi ông Lân thi đỗ hoàng giáp, bữa vinh quy khao làng, các bạn đồng khoa đến mừng đông lắm. Ông Hoàn mặc quần áo nâu ra tiếp và cười nói : Thằng Lân nhà tôi mà đỗ Hội nguyên (đầu thi Hội) thì đời thật chẳng còn ai nữa !
Ấy tính ông thế đó, nhưng đến câu chuyện sau này thì phải nói đáng làm gương sáng cho các ông bà giám khảo và các cô cậu thí sinh ở bất cứ thời nào.
Trong một khoa thi hương, Ông Bá-Lân được cử làm giám khảo, đầu bài phú ra, « Tây bá trị Kỳ sơn » 西伯治岐山 7
Khoa ấy ông Hoàn cũng thi và cũng bị hỏng. Ông Lân không biết. Khi việc chấm thi xong, ông Lân về thăm cha, ông Hoàn hỏi : Kỳ thi này có bài nào khá không ?
Ông Lân thưa : Có quyển rất hay đáng đỗ thủ khoa, nhưng chỉ vì một câu khổ độc quá, nên đã phê rồi, phải đánh hỏng.
- Câu ấy thế nào ?
Đó là câu :
Lưu hành chi hóa tự tây đông nam bắc, vô tư bất bặc,
Thành tựu chi công tự Cảo Mân Kỳ Phong, hữu khải tất tiên 8
流行之化自西東南北無思不服
成就之功自鎬邠岐豊有啟必先
Ông Lân đọc xong, ông Hoàn nổi giận mắng : Thôi thế mày hại bố mày rồi ! Câu của tao là « Lưu hành chi hóa tự tây » ngắt ở đó, rồi mới đến « đông nam bắc vô tư bất bặc ». Và « Thành tựu chi công tự Cảo » ngắt ở đó, mới đến « Mân Kỳ Phong, hữu khải tất tiên » mà mày lại đọc là « lưu hành chi hóa tự tây đông nam bắc » với « thành tựu chi công tự Cảo Mân Kỳ Phong ». Sao dốt đến như thế ? Mày chấm thi như vậy thì hỏi đã giết biết bao nhiêu sĩ tử ?
Ông Lân lúc đó mới biết bài bị mình đánh hỏng, chính lại là bài của cha mình. Mắng xong, ông Hoàn sai người nhà khiêng án thư ra sân, lấy lọng che và bảo con : Chức hoàng giáp và giám khảo của mày thì tao thờ trên ấy, còn mày thì tao phải trị tội dốt này. Nói đoạn, ông bắt ông Lân nằm xuống để đánh mấy chục roi.
Từ đó ông không thèm thi cử và bảo : Chúng nó chấm thi mà thế thì thi nữa làm gì ?
Kể ra cũng tại cái tánh cầu kỳ khi hành văn của ông. Chúng ta không thể chấp nhận cái cầu kỳ ấy, nhưng phải phục ông là con người tiết tháo. Con cái ông vậy, bạn bè ông vậy, mà ông vẫn là ông, giàu không tìm đến, khó không tìm lui… Người ta thường chê ông là gàn, nhưng thử hỏi những kẻ sĩ đời xưa, những kẻ sĩ đời nay, đã có mấy kẻ biết gàn được như ông. Xét cái gàn của ông cũng đáng chê, chứ không thể khen được, nhưng với lũ kẻ sĩ mới ngửi hơi tiền tài thế lực đã mờ tai mắt lại mà cũng lên tiếng phẩm bình thì xin lũ ấy hãy tốp cái mõm lại và hãy sờ tay lên gáy đã…