10. Ai Bảo Đi Chọc Hồ Xuân Hương
Nhắc đến nữ sĩ Hồ-Xuân-Hương (người ở Thăng-long, sinh vào khoảng thời vua Lê chúa Trịnh) có lẽ không mấy ai không biết, vì thơ của bà là một thứ « thi trung hữu quỷ », cuộc đời của bà là cả một chuỗi dài giai thoại, nhất là những cuộc xướng họa với các thi nhân và sĩ tử đương thời.
Trong các cuộc xướng họa, các cụ nhà nho xưa thường cho có hai người bị bà cho những cú đau nhất là một lão quan văn và một chú Hoa-kiều. Các cụ kể :
Một hôm Xuân-Hương đem váy ra sông giặt, một ông quan văn ngồi cáng bằng võng đào đi qua, nhìn thấy, bảo nữ sĩ tức cảnh làm thơ, bà ứng khẩu đọc :
Võng đào quan lớn đi trên ấy,
Váy rách bà còn vỗ dưới đây.
Võng đào của quan là thứ sang trọng và quý giá biết bao, mà bị đem đối với váy rách đàn bà, thử hỏi còn giá trị quái gì, nhưng quan không thể bắt bẻ được vì nó hay quá và cũng hợp cảnh quá. Thế là quan ta chỉ còn nước giục lính khiêng cáng để mà đi cho mau cho lẹ.
Hôm khác, một chú Hoa-kiều đến chơi nhà nữ sĩ để gạ gẫm nọ kia. Vì sinh đẻ ở Việt-nam, chú rất thạo tiếng Việt và cả văn chương Việt, có thể nói đã Việt hóa hoàn toàn, nên cứ đòi nữ sĩ ra cho câu đối để kết duyên văn tự. Bà không chịu nổi được thái độ sàm sỡ của chú, nên ra ngay cho chú một câu rất xỏ :
Chân đi hài hán, tay bán bánh đường,
Miệng hát líu lường, ngây ngô nghí ngố.
Rõ là cái cảnh chú Hoa-kiều, mà « Hán Đường Ngô » lại là tên những triều đại của nước chú (nhà Hán, nhà Đường, nhà Ngô).
Chú không đối được, đành bẽn lẽn ra về.
Xét ra lão quan văn và chú Hoa-kiều cũng bị cú đau đấy. Nhưng đau hơn hết phải nói là một tên quan võ.
Anh này không biết tên họ gì, nhưng gặp Xuân-Hương, hẳn cũng ỷ thế là quan, bảo Xuân-Hương làm thơ. Xuân-Hương lễ phép xin đầu bài, hắn giở tính thất phu ra nói : Thơ… !
Hắn nghĩ như thế, Xuân-Hương sẽ xấu hổ không làm, hoặc không thể làm được. Nhưng bà đã làm ngay và cũng mượn cái từ chính nơi miệng hắn thốt ra để chỉ cái hình dáng của hắn tức sắc phục của quan võ thời ấy. Bà đọc :
Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn,
Ban đêm không mắt sáng như đèn.
Đầu đội nón da loe chóp đỏ,
Lưng đeo bị đạn rủ thao đen.
Rõ thật là cái do miệng hắn thốt ra, và rõ là cái vẻ « oai nghi » của hắn. Thế là hắn ta chỉ còn cái nước phải rút theo binh pháp « ba mươi sau chước chước nào là hơn ». Hắn tức lắm, nhưng khổ thay cái việc là do hắn mà ra, và ai bảo đi chọc Xuân-Hương làm gì.
Bài thơ này truyền lại, lắm người chê là tục. Kể tục thật, nhưng phải biết cái nguyên do trên mới thấy cái rất hay của nó, cũng như cái phải rất phục Hồ Xuân-Hương. Bởi vậy, nếu đọc thơ hay phê bình thơ mà không rõ nguồn gốc của nó, biết được động cơ của nó thì cũng là điều đáng tiếc lắm vậy thay. Có khi hiểu lầm là khác nữa.