Săn đuổi - Chương 07

CHƯƠNG 7

Lila
tiếp tục chụp ảnh đoàn người đến tham gia buổi lễ ăn thịt nướng ngoài trời. Cả
thành phố Trekfontein hầu như đều kéo đến sân vận động ở dưới chân dẫy núi đá
trên thảo nguyên Nam Phi vươn lên như những cái tháp nhọn xám xịt. Quanh sân
vận động san sát xe jeep, xe tải, xe con từ thành phố cách đấy nửa dặm ùa đến,
băng qua một vùng đất cát bằng phẳng.

Đứng
từ xa mà nhìn, Trekfontein trông cũng giống như các thành phố khác trong vùng Transvaal: những tòa nhà tường trắng, nhiều nhà lợp tranh
để cho mát vào thời tiết mùa hè nóng bức ở đấy; những hành lang rộng im mát và
những căn phòng sáng sủa. Vươn lên cao trong đám
nhà cửa là Giáo đường của Giáo hội cải cách Hà Lan. Trông những hàng cột trắng
lóng lánh, mới hiểu được giọng nói ở đấy khàn khàn mang màu sắc Phi châu đang
ồn ào quanh Lila.

Họ tụ tập ở đấy
để ăn mừng lễ chiến thắng hằng năm, vì đã đấu tranh thắng lợi. Những đổi thay
đang diễn ra khắp Nam Phi. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã cáo chung, ngoại
trừ ở Trekfontein. Ở đấy, người ta vẫn tiếp tục bảo vệ người da trắng, ngay cả
những khi họ phạm lỗi lầm. Không người da đen nào được có công ăn việc làm
trong thành phố hết. Không người da đen nào có quyền vượt qua ranh giới của
thành phố để vào trong pháo đài phân biệt chủng tộc vĩ đại cuối cùng này của
Liên bang hết.

Tên
Trekfontein đã nổi tiếng khắp thế giới, khiến cho Raza chú ý đến. Hắn đã nói
với Lila rằng thành phố này sẽ cung cấp được một bức tranh minh họa hoàn hảo về
tín điều đang bao trùm lên cả hai mặt đời sống của hắn: thứ nhất hắn tin rằng
sự hủy diệt là hành động duy nhất để kiến tạo, và sự bạo tàn là hành động tái
tạo của chính con người; thứ hai là hễ một kẻ thù ngã xuống là một người tự do
sẽ vươn lên để truyền bá cách mạng.

Dưới những
hàng rào chắn ghi hàng chữ "Trekfontein là Trái tim của Tổ quốc",
"Da Trắng và Tự hào", có nhiều phụ nữ mặc áo quần mùa hè, cầm dù để
chống lại cơn nắng nóng bức của Phi châu. Nhiều thanh niên mặc áo quần cụt, kiểu
áo quần vùng thảo nguyên. Trẻ em đều mặc y phục kiểu vùng Voortrek, con gái thì
váy dài, mũ có quai vòng dưới cằm. Con trai thì áo sơ mi hồ cứng, đồng
phục.

Khi Lila đi
vào trong đám đông, mọi người đều vẫy tay chào chị, miệng cười niềm nở. Trong
hai ngày ở Trekfontein, chị đã trở thành khuôn mặt quen thuộc của phần lớn số
cư dân đông năm ngàn bốn trăm bảy mươi hai người ở đấy, chị đã chụp ảnh họ khi
làm việc và bấy giờ đang giải trí.

Họ mừng đón
chị, mời vào nhà hàng, vào nhà riêng, vào bệnh viện và nhà thờ. Khi nghe chị
hỏi, họ đều chỉ vào hai nơi quan trọng của Trekfontein: đó là những ngọn núi đá
màu xám vươn cao như ngọn Núi Bàn thu nhỏ đang nhìn xuống Cape Town vậy; thứ
hai là bể chứa nước đã cung cấp cho Trekfontein nước sạch nhất chưa từng
thấy.

Lila đã đi
thăm cả hai nơi, chị bèn loại ngay dãy núi đá. Ngọn gió đang thổi từ hướng
ngược lại, cho nên chị phải chú trọng đến bể nước.

- Cô đã thấy
loại linh dương đầu bò ở ngoài ấy chưa? - Một ông già đội mũ rơm, mặc bộ đồng
phục nút cài cao tận cổ cất tiếng hỏi to.

- Dạ
chưa.

- Vậy thì ráng
tìm xem cho biết, cô bé. - Ông cười khục khục.

Chị cười và bỏ
đi. Lão già điên tưởng chị không biết chẳng có con vật nào đáng chụp ảnh ở
trong vòng cách đấy một trăm dặm. Có lẽ chị biết về đời sống hoang dã ở vùng
này còn rành hơn lão ta nữa. Raza đã tạo điều kiện cho chị đọc đủ thứ sách. Đó
là phương pháp của hắn... và chị đã khâm phục hắn về phương diện này. Nhưng chị
vẫn vui đùa với lão già cũng như chị đã vui đùa với tất cả bọn họ. Đấy là phần
quan trọng trong công việc của chi.

Sáng sớm hôm
sau, chị lại ra bể nước để chụp ảnh cảnh mặt trời mọc. Rồi khi thấy không có ai
theo dõi, chị bèn thử xem tốc độ nước chảy. Như lần trước, chị lại dùng một
miếng gỗ nhẹ thả cho trồi theo dòng nước. Chị buộc vào mảnh gỗ một chai rượu
nhỏ lấy nơi quầy rượu mini trong phòng chị tại khách sạn có cái tên rất kêu là
Đại khách sạn Trekfontein. Lại một lần nữa phải mất bốn giờ cái chai mới trồi
đến cửa ống cống dẫn nước từ bể. Chị thấy cái chai va vào cổng sắt vỡ toang,
rượu trong chai bắn tung tóe lên đập chắn nước rồi chảy vào trong phòng bơm
nước, rượu hòa tan vào nước trước khi được bơm vào thành phố Trekfontein cách
đấy ba dặm. Chị thử nhiều lần, kết quả đều giống nhau.

Lila lấy làm
sung sướng khi nghĩ đến giờ phút cái chai nước hoa trong túi xách đựng camêra,
sẽ trồi đến cửa ống cống cũng trong chừng ấy thời gian. Đến đấy, chắc phải mất
thêm hai giờ nữa, vi rút bệnh than B.C mới được bơm vào thành phố
Trekfontein.

Thế là sáu
giờ. Mất ba giờ đi xe qua thảo nguyên để đến phi trường quốc tế Johannesburg. Thêm hai
giờ nữa để chuẩn bị ra đi. Chị có thể đến Nairobi
trước khi những nạn nhân đầu tiên lên chầu trời. Và có thể có mặt ở Athens trước khi người
cuối cùng về cõi Diêm Vương.

Một nhân viên
cảnh sát mặc áo sơ mi ka ki, quần soóc, dừng lại trước mặt chị. Ông ta nói,
giọng nặng trịch:

- Bấy giờ cô
chụp ảnh chúng tôi là tuyệt đấy. Cô cho thế giới biết rằng họ nghĩ sao, chúng
tôi cũng cóc cần.

Chị vẫy một
bàn tay, mắt vẫn nhắm ở điểm ngắm của máy ảnh. - Ông đặt tay lên súng đi, ông
đại úy.

Ông ta đặt bàn
tay lên bao súng đeo trên thắt lưng da hiệu Sam Browne bóng láng.

- Tôi chưa bao
giờ rút súng ra một lần. - Viên sĩ quan nói tiếp. - Cô biết tại sao không? Vì
chúng tôi gặp chuyện khó khăn với bọn Kaffir, không có bọn da đen là không có
tội ác. Chỉ đơn giản như thế.

Ông ta nhìn
ngực chị một chốc, rồi lại nhìn mặt chị.

- Phụ nữ ở đấy
rất yên ổn. Đến vũ trường hay rạp chiếu bóng nào họ cũng không sợ phải gặp bọn
da đen quấy rầy hết. Càng có tự do, chúng càng phá phách. Cô hãy nói cho ông
Mandela biết thế.

- Tôi sẽ ghi
nhớ điều này. - Lila nói, chị lên phim máy ảnh.

Ông đại úy
cảnh sát chạm tay lên chóp mũ chào rồi bỏ đi. Lila đi về phía xa đằng kia sân
vận động, chỗ đang quay thịt. Chị dừng lại chụp ảnh một nhóm con trai vị thành
niên mặc áo thun có in hàng chữ rất thời danh: "Quyết Bảo Vệ Dân Da
Trắng".

- Báo của chị
có bênh bọn Kaffir không? - Một thanh niên hỏi. Chị nhớ ra anh ta là người hầu
bàn phục vụ chị tại khách sạn. Chị cười đáp:

- Tờ
"Time" phi chính trị.

Anh ta liếc
xéo chị: - Như thế là đứng về phe tự do rồi.

Những thanh
niên khác phá lên cười. Một cô gái cao, tay chân dài, mái tóc vàng rám nắng, chỉ
vào cái túi xách đựng camêra, nói:

- Tôi mang cái
xách cho cô. Giá không cao hơn một thằng da đen cô thuê mang ở Johannesburg đâu.

Cả nhóm lại
cười phá lên.

- Chắc là tạp
chí của tôi không cho phép tôi mướn một cô gái mang túi xách đâu. - Lila lễ
phép nói. Khi thời gian tiêu diệt bọn heo phân biệt chủng tộc này đến, thì thật
là thú vị hết sức. Chị sửa lại cái túi xách đựng camêra, rồi băng qua sân vận
động. Để bảo đảm, chị lại đưa tay sờ sờ vào trong túi xách. Cái chai "Đêm
Hy Lạp" vẫn còn đấy.

Một người đàn
ông thấp, mập, tuổi trung niên chặn chị lại. Ông ta mặc bộ đồ mùa hè vải mỏng,
thắt chiếc cà vạt rộng bản cổ lỗ, đội nón rơm. Ông ta đi với vợ. Bà vợ mặc áo
màu hồng phấn, đội chiếc mũ hoa và đeo găng tay vải màu trắng.

- Xin chào
người đẹp. Cô đã thỏa mãn chưa? - Ông ta lên tiếng.

- Xin cám ơn
ông thị trưởng.

Người công dân
số một thành phố Trekfontein hãnh diện ra mặt. - Thật là một vinh dự được đón
tiếp tờ Time đến đấy.

- Chính nỗi
khát vọng đạt cho được ý tưởng của ông, đã khiến ông chủ biên của tôi phải lưu
tâm tới.

Người đàn bà
nhìn chằm chằm qua vành mũ. Khi bà ta cất tiếng nói, giọng bà rất dịu
dàng:

- Nhưng liệu
khi về cô có viết không tốt về chúng tôi không? Liêu cô có công kích chúng tôi
vì chúng tôi không chịu trao thành phố thân yêu này cho một đám mọi rợ không?

Lila cố cười
làm lành. - Nhưng đấy là pháo đài cuối cùng "chỉ có người da trắng
thôi" mà!

Ông thị trưởng
gật đầu.

- Và chúng tôi
rất tự hào về chuyện này. Chúng tôi bất cần các chính trị gia ở Cape Town dọa tẩy chay
quyền đại biểu cho những ai chủ trương phân biệt chủng tộc và màu da, Trekfontein
sẽ vẫn đi theo con đường như trước.

- Cô hãy nhìn
quanh đi, thưa cô. - Vợ ông thị trưởng vung tay nói. - Không ai ở đấy cảm thấy
khốn khổ vì mình là da trắng hết. Nếu Chúa muốn chúng ta tất cả đều cùng một
màu da, thì chắc Ngài đã sắp đặt ra rồi. Đằng này, ngài tạo ra chúng ta đen và
trắng, như đêm và ngày vậy, thì chắc là Ngài đã muốn phân biệt rồi. Vì thế mà
chúng tôi yêu cầu... phải phân biệt ra.

Ông thị trưởng
lại gục gặc đầu.

- Chúng tôi
không muốn đánh họ. Chúng tôi chỉ không muốn họ có mặt ở đấy, ở trong thành phố
"của chúng tôi", ở trên vừng đất "của chúng tôi", cùng ở
với dân tộc "của chúng tôi".

Vợ ông thị
trưởng nhìn chằm chằm Lila, bỗng có vẻ lo lắng. - Theo cô thì thế giới sẽ hiểu
chúng tôi không?

Lila cố mỉm
cười. - Chồng bà đã giải thích cương vị của quý vị rất rõ ràng rồi.

Vợ ông thị
trưởng gật đầu, quả quyết nói:

- Nhưng người
ngoại quốc lại thường bóp méo sự thật, họ cho ông là kẻ chống Kaffir. Ông ấy
không hề đánh đập người da đen nào. - Bà ta nhìn Lila chăm chú, nước mắt lưng
tròng. - Xin phép hỏi cô một câu: Nước Mỹ có trở thành một nơi tốt đẹp hơn không,
sau những gì Martin Luther King đã làm?

- Tôi chỉ là
một nhiếp ảnh gia, thưa bà. - Lila cười và nói. Chị đã biết từ lâu rằng nụ cười
là phương pháp duy nhất chỉ dùng để dẹp hận thù. Ông thị trưởng nắm lấy cánh
tay vợ rồi thuyết giáo một bài mà Lila đã nghe nhiều lần kể từ khi chị đến
Trekfontein.

- Thưa cô.
Chúa đã chọn nơi chốn này cho chúng tôi. Ngài đã dẫn những đoàn xe của tổ tiên
chúng tôi đến đấy, ngài bảo vệ tổ tiên chúng tôi chống lại những cái lao của
người Zulu và chống lại những cái rìu của người Matabele. Một thế kỷ sau, ngài
vẫn bảo vệ chúng tôi. Cho nên những gì mà chúng tôi làm đều cho Chúa cả. Nếu
Chúa không chấp nhận những gì chúng tôi làm, chắc Ngài đã tỏ ý bất bình
rồi.

- Cũng như
Ngài đã làm cho dân Israel
vậy. - Vợ ông thị trưởng nói thêm.

- Tất cả đều
có trong kinh thánh. - Ông chồng giảng giải. - Nếu mình làm theo con đường Chúa
muốn, thì mình sẽ được ban ân. Nếu không, mình sẽ bị đày đọa xuống lửa địa ngục
và bị mắc phải bệnh dịch đang hoành hành.

Lila gật đầu
vui vẻ: - Tôi sẽ nhớ điều đó, thưa ông Thị trưởng.

Chị bước tiếp
đến những nơi quay thịt. Raza đã nói đúng. Những người này là những con quái
vật làm ra vẻ mộ đạo. Một nửa thế giới sẽ vui mừng khi nghe chúng chết. Còn một
nửa kia thì họ bất cần. Dân ở Trekfontein quả thật đáng đem hy sinh: họ kiêu
ngạo và không có thiện cảm.

Trẻ con chạy
giữa những lò nướng thịt đang chảy mỡ xèo xèo, đầy cả thịt bò ngon và những thứ
thịt khác. Kế đó, những chiếc bàn chất đầy rau đủ loại. Những thùng bia và nước
chanh chất cao nghệu. Lila tính ra thức ăn thức uống có thể nuôi đủ cả một trại
tị nạn suốt một tuần. Những thức ăn thừa đã đổ đầy các thùng rác.

Chị bèn chụp
ảnh cảnh tượng này.

- Chúng ta đã
có được những con heo nuôi nấng đầy đủ nhất Liên bang rồi.

Lila quay lại,
thấy ngài mục sư Chủ tịch Giáo hội Trekfontein. Ông nhìn chị bằng cặp mắt xanh
lơ. Chị đoán ông chưa quá ba mươi, nhưng bộ râu đỏ rậm làm cho ông trông già
hơn.

- Tại sao cô
chụp những cảnh ấy? - Giọng ông nhã nhặn đầy vẻ trí thức.

- Đấy là cảnh
thuộc đời sống.

Ông bước đến
gần hơn. Chị ngửi thấy mùi xà phòng thơm trên người ông.

- Cô không
phải là người Mỹ chứ?

- Người nhập
quốc tịch Mỹ. Giống như nhiều người Mỹ vậy. - Chị thận trọng đáp.

- Gốc là người nước nào?

- Hy Lạp.

- Cô làm cho báo "Time" bao lâu rồi?

Lila cười rồi bước lui. - Ngài đứng yên thế nhé? Để tôi
chụp một tấm.

Đàng sau Ngài Chủ tịch là một đám con gái đang ăn thịt
băm. Lila bận bịu bật cái máy này rồi bật cái khác. Tại sao ông ta hỏi câu ấy?

- Cô đã chụp đủ để đăng cả một số báo rồi. - Ngài Chủ
tịch nói.

- Tôi chụp một ngàn tấm Lễ Đăng quang của Nhật Hoàng mà
họ chỉ dùng có một tấm. Tờ ''Time'' là thế đấy.

Lại một lần nữa, ông ta bước đến gần hơn.

- Tôi biết. Tôi có một người anh họ làm việc tại văn
phòng của tờ báo này ở Cape Town.

Lila cảm thấy hồi hộp. - Tôi sẽ đến đó rửa một số ảnh đã
chụp để thử xem. Tôi sẽ chuyển lời chào giúp Ngài.

Chị cố trấn tĩnh.

- Tôi đã cố liên hệ để nói chuyện với anh ấy. Anh ấy đang
đi công tác ở Lusaka. Nhưng không có ai ở đấy tỏ ra biết cô được phái tới đấy.

Lila cố hết sức giữ bình tĩnh.

- Tôi đang làm tại Luân Đôn thì được phái đi. Giờ phút
chót. Có ai đấy chợt có sáng kiến muốn điều tra xem chuyến viếng thăm của
Mandela ra sao.

Hai tháng trước đấy, nelson và Winnie Mandela đã đến
Trekfontein để trao đổi chính sách. Họ thấy thành phố hoàn toàn cửa đóng then
cài. Không cửa hàng nào mở cửa. Màn cửa trong mọi nhà kéo kín bưng cho đến khi
cặp vợ chồng vị nguyên thủ da đen ra về, quá thất vọng vì cảnh tượng yên lặng
một cách kỳ lạ.

- Theo chúng tôi thì vợ chồng Mandela không phải là những
người duy nhất bực tức về chuyện này. Mahatma Gandhi cũng giống như họ. - Ông
mục sư nói nhỏ nhẹ. - Còn tờ "Time" thì dĩ nhiên là công kích chúng
tôi.

Chị cười khoan khoái. - Tôi không tin ngài có một người
anh họ làm trong Ban biên tập của báo này.

Ông ta chạm vào cánh tay chị.

- Thực ra thì tôi không ưa anh ta. Hắn là một người Thiên
Chúa Giáo bỏ đạo, thân Cộng.

Lila gật đầu, từ từ thở ra.

- Chúng ta có quá nhiều loại người như thế này. Tôi thích
những người có đức tin như ông thị trưởng của ngài ấy.

Ông ta lại chạm tay chị, lần này ông cười với chị:

- Tôi rất sung sướng khi nghe cô nói thế. Chúng ta cần
phải thương mến tất cả những bạn bè mà ta có.

Vị Chủ tịch Giáo hội quay đi. Lila rủa thầm. Raza gọi
càng sớm càng hay.