Hòn đảo cá heo xanh - Chương 01 - 02
CHƯƠNG I
CON CÁ VOI ĐỎ
Chiếc tàu Aleut đến đảo chúng tôi vào một buổi sáng mùa xuân. Lúc đầu, nó chỉ là một cái chấm, giống như một cái vỏ sò nhỏ trên mặt biển. Nó đến gần hơn và trông to hơn. Giờ thì giống như một con chim trên mặt nước. Sau cùng tôi trông thấy rõ ràng. Giờ tôi đã biết nó là cái gì. Đó là một con tàu màu đỏ với hai cánh buồm cũng màu đỏ.
Em tôi và tôi đang nhổ các cây cỏ củ gần bãi biển. Các loại cây này chỉ mọc vào mùa xuân. Em tôi, Ramo, được sáu tuổi, còn tôi mười hai tuổi. Nó nhỏ con so với tuổi và rất khéo. Nhưng nó sẽ quên ngay công việc khi có chuyện gì hấp dẫn nó. Giờ tôi cần sự giúp đỡ của nó, do vậy tôi không nói gì về vỏ sò và con chim. Tôi tiếp tục đào kiếm củ với cây gậy của tôi.
Nhưng đôi mắt của Ramo không bỏ sót mọi việc. Đôi mắt của nó to, đen, đôi khi trông như buồn ngủ. Chính lúc đó là lúc nó trông rất rõ. Giờ đây đôi mắt nó mở he hé.
“Biển rất êm”, Ramo nói. “Đó là khối đá trên đó không có vết gợn.”
“Biển không là khối đá không vết gợn,” tôi nói. “ Đó là nước không có sóng.”
“Theo em, đó là một khối đá xanh. Và hôm nay có một đám mây nhỏ ngồi trên khối đá.”
Tôi cho rằng Ramo có thể đã thấy con tàu.
“Mây không ngồi trên đá,” tôi nói.
“Nhưng mà đám mây đó có đấy.”
“Không phải ngồi trên biển,” tôi nói. “Cá heo và chim ngồi trên đó, và tất cả cá voi nữa. Nhưng mây thì không phải.”
Ramo nhìn chiếc tàu. Nó không biết chiếc tàu như thế nào. Tôi biết bởi vì tôi đã nghe cha tôi miêu tả một chiếc tàu. Tôi nhớ những lời nói của cha tôi.
“Có thể đó là một con cá heo bự hoặc một con cá voi,” Ramo nói.
“Trong lúc em cứ nhìn ra biển,” tôi nói. “Chị đào kiếm củ. Chị có cái gì để dùng còn em không có gì cả.”
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Ramo bắt đầu đào, nhưng nó không nhìn xuống đất. Chiếc tàu với những cánh buồm đỏ càng đến gần.
“Chị có biết con cá voi đỏ như thế nào chứ?” Nó hỏi.
“Có biết.” Tôi đáp, nhưng đó chỉ là lời nói dối. Trên đời không có con cá voi đỏ!
“Em chỉ biết cá voi xanh.” Ramo nói.
“Em còn quá nhỏ. Em không biết hết mọi vật lội trong biển.”
“Đó là chiếc xuồng!” Ramo bỗng la lên. “Một chiếc thuyền bự.”
Nó chạy xuống bãi cỏ dài, khích động la lớn. Tôi còn khích động hơn cả Ramo. Tôi biết đó là chiếc tàu. Đó là không phải chiếc thuyền lớn. Không rõ nó sẽ mang đến những điều tốt lành cho đảo, hay mang đến sự xáo trộn? Tôi muốn buông cây gậy và chạy theo Ramo. Nhưng tôi không làm. Thức ăn cần cho người làng.
Tàu Aleut chạy qua một thảm tảo rộng bao quanh đảo, sau đó nó len lỏi qua những khối đá và tiến đến bãi.
Dân làng đã biết có tàu đến. Đàn ông chạy ra bờ biển, đàn bà thì đứng trên các bờ đá cao.
Túi xách của tôi đã đầy củ, do vậy tôi đi nhanh khỏi bờ biển. Tôi nép mình trong bãi cỏ cao ở đỉnh bờ đá và nhìn xuống bãi cát trắng. Phân nửa đàn ông của làng đứng chờ gần bờ biển. Số còn lại nấp sau những khối đá nằm dưới chân con đường mòn. Ho sẵn sàng tấn công những người khách lạ nếu bọn người này tỏ ra không thân thiện.
Bảy người đàn ông rời tàu trên một chiếc xuồng nhỏ. Sáu người dân Aleut, mặt họ hẹp, rộng, tóc đen dài. Người thứ bảy cao ráo, râu tóc vàng hoe, gã đứng trên chiếc xuồng.
Cha tôi thường nói chuyện với người Bắc Âu. Người Bắc Âu đến từ phương Bắc và dân làng tôi sợ họ. Người đàn ông với bộ râu này có thể là người Bắc Âu.
Chiếc xuồng cập bãi. Gã người cao ráo nhảy khỏi xuồng và la hét gì đó với những người kia. Tiếng nói nghe rất xa lạ đối với tôi. Tôi biết gã là người Bắc Âu.
Gã nói với dân làng bằng tiếng nói của chúng tôi. “Tôi là bạn,” gã nói chậm chạp. “Tôi muốn nói chuyện với các bạn.”
Cha tôi bước đến chỗ gã: “Ta là Tù trưởng của Ghalas-at,” cha nói: “Tên tôi là Tù trưởng Chowig.”
Tôi ngạc nhiên vì cha nói tên thật cho người lạ nghe. Chúng tôi mỗi người có hai tên. Tên thật rất bí mật và rất đặc biệt nên chúng tôi ít khi dùng. Mọi người gọi tôi là Wen-a-pa-lei, con gái Tóc Đen Dài. Tên bí mật của tôi là Karana. Tên bí mật của cha là Chowig.
Gã đàn ông mỉm cười, đưa bàn tay lên: “Tên tôi là Orlov.” Gã nói: “Tôi cùng với bốn mươi người đi săn rái cá. Tôi muốn ở lại trên đảo các ông vào mùa hè.”
Cha tôi không nói gì. Đây không phải là lần đầu tiên người Aleut đến viếng đảo chúng tôi. Đã từ rất lâu họ đến để săn rái cá, cha tôi rất nhớ điều đó.
“Ông nhớ một chuyến đi sắn khác.” Orlov nói khi cha tôi không đáp lời gã. “Tôi cũng biết chuyện đó. Có sự xáo trộn bởi vì dân của ông phải làm đủ mọi chuyện.”
“Đúng vậy,” cha tôi nói: “Chúng tôi đã không nghỉ ngơi trong nhiều tháng.”
“Lần này người của tôi sẽ săn rái cá.” Orlov nói: “Chúng tôi sẽ lấy da của chúng. Các ông sẽ được một phần, chúng tôi hai phần. Chúng tôi sẽ mua lại của ông.”
“Phần của chúng tôi cũng như phần của các ông.” Cha tôi nói.
Orlov nhìn ra biển, “Chúng ta sẽ bàn chuyện đó về sau.” Gã nói. “Sắp có bão. Tôi muốn đem đồ đạc từ tàu vào.”
“Tôi đồng ý.” Cha tôi nói.
Gã Bắc Âu vuốt râu: “Biển cả đâu phải của các ông. Tại sao chúng tôi chia phần cho các ông?”
Cha tôi đáp: “Biển cả chung quanh Đảo Cá Heo Xanh thuộc về chúng tôi.”
“Từ đây đến bờ Santa Barbara à?” Orlov hỏi: “Cả sáu mươi dặm đấy!”
“Không, chỉ phần biển sát đảo, nơi rái cá sống.”
Người của chúng tôi giờ đứng cả trên bờ cát. Orlov nhìn họ, bỗng mỉm cười với cha tôi.
“Các phần sẽ như nhau.” Gã đồng ý.
***
Trên đảo của chúng tôi gió thổi mạnh hầu như suốt cả ngày. Đôi khi gió từ Tây Bắc đến, đôi khi từ hướng Đông đến. Vì gió thổi quá mạnh nên cây cối không lớn và thắng nổi. Ngay cả những rừng cây, cũng chỉ có những thân cây khẳng khiu. Vào mùa hè đôi khi có gió dịu hơn.
Làng của chúng tôi, Ghalas-at nằm ở phía Đông của đảo. Phía này gần bãi biển và có nước ngọt. Về phía Bắc của làng, cách chỗ chúng tôi một dặm, cũng có một con suối nhỏ. Chính ở nơi này bọn Aleut dựng lều của họ.
Tối hôm đó, cha tôi nói chuyện với dân của người.
“Các cách cư xử của bọn Aleut – tiếng nói của họ khác với chúng ta.” Cha nói. “Bọn họ đến đây để đánh bắt rái cá. Chúng ta sẽ để cho họ phần da rái cá. Họ sẽ đưa trở lại cho chúng ta những vật dụng mà chúng ta cần. Điều này rất tốt cho chúng ta. Nhưng chúng ta không phải là bạn của bọn họ, và bọn họ cũng không phải là bạn của chúng ta. Nhiều năm trước, những tay săn bắt khác cũng đã đến đây và đã gây nhiều phiền phức. Bọn chúng đều là người Aleut.”
Do vậy chúng tôi không đến gần người Aleut, và người Aleut cũng không đến làng chúng tôi. Dĩ nhiên chúng tôi biết điều họ làm. Vài người của chúng tôi đứng trên dốc đá nhìn họ săn bắt. Chúng tôi đếm số rái cá họ giết mỗi ngày. Vài người khác canh chừng lều của họ. Chúng tôi cũng theo dõi chỗ bãi biển.
Ramo nói: “Người Aleut ngồi trên đá và chải râu mỗi buổi sáng. Họ chải cho đến bao giờ râu bóng như mặt trên vỏ sò.”
Một ngày nọ, chị lớn của tôi, Ulape, bảo có một người con gái Aleut ở trong đám người đi săn: “Cô ta ăn mặc như đàn ông.” Ulape nói. “Nhưng cô ta đội mũ làm bằng da thú. Dưới cái mũ là mái tóc dày thả xuống đến tận eo.”
Không ai tin Ulape. Chúng tôi cười to với cái ý là sao lại có người phụ nữ sống cùng với người đi săn. Chúng tôi biết những người này không bao giờ đem vợ theo khi đi hành nghề.
Bọn Aleut cũng canh chừng chúng tôi, và chúng tôi phát hiện ra điều đó do tình cờ.
Năm nay vào lúc này đây, chúng tôi không đánh được nhiều cá bởi vì sóng to đã khiến chúng lặn xuống vùng nước sâu. Do vậy chúng tôi không có cái gì nhiều để ăn.
Một ngày nọ, chị Ulape đi đến mấy kè đá hi vọng sẽ kiếm được một ít tôm cua. Thình lình chị nghe có tiếng động lớn sau lưng chị.
Chị quay lại nhìn thấy những cái khối màu bạc chuyển động gần các tảng đá. Chị biết đó là những con cá to, to gần bằng chị. Bọn chúng đã cố lội để tránh những con cá mập đói mồi. Gần bờ biển nước không sâu lắm và những đợt sóng bất thần đã ném một số cá lên đá.
Ulape để rơi cái giỏ đựng tôm cua xuống, chạy vội về làng. Chị nói không ra hơi khi về đến làng. Phụ nữ đang nấu bữa ăn chiều. Họ dừng công việc lại, chờ nghe Ulape nói.
“Cá”, sau này chị cũng nói được.
“Ở đâu? Ở đâu?” Có ai đó hỏi.
“Trên đá. Khoảng một chục con. Có thể hơn.” Ulape đáp.
Mọi người vội chạy ra chỗ bờ đá. Cá có thể nhảy trở xuống biển.
Chúng tôi chạy lên chỗ dốc đá và nhìn xuống. Cá còn ở đó nhưng nước biển đang lên cao. Sóng sắp chồm qua các khối đá. Chúng tôi kéo cá đến chỗ cao hơn, nơi sóng biển không thể lên tới. Cá thật to và nặng, do vậy phải hai người đàn bà mới khiêng nổi một con.
Có đủ cá cho mọi người dùng trong buổi tối hôm nay và ngày mai. Nhưng vào buổi sáng hôm sau, hai tên Aleut đến làng xin nói chuyện với cha tôi.
“Các ông bắt được cá.” Một trong hai người nói với cha tôi.
“Chúng tôi chỉ có đủ cho người chúng tôi ăn.” Cha tôi đáp.
“Các ông bắt được mười bốn con.”
“Giờ còn bảy con, chúng tôi đã ăn bảy.”
“Các ông có thể cho chúng tôi hai con.”
“Các ông có bốn mươi người ở trong lều.” Cha tôi đáp. “Nhưng chúng tôi có hơn bốn mươi. Các ông có cá của các ông. Các ông đã đem theo cá khô khi các ông đến đây.”
“Chúng tôi ăn cá khô đã ngán đến tận cổ.” Tên Aleut nói.
“Các ông là những người đi săn,” cha nói. “Hãy đánh cá tươi mà ăn khi đã ngán cá khô. Tôi phải lo cho dân tôi.”
“Nếu như ông từ chối không cho chúng tôi vài con, tôi sẽ nói với Orlov.”
“Hãy nói với y đi,” cha tôi không nhượng bộ. “Và hãy nói với y nghe các lý lẽ của chúng tôi.”
Đêm hôm đó chúng tôi ăn số cá còn lại, và chúng tôi rất sung sướng. Chúng tôi ăn và hát ca, những người già kể chuyện đời xưa chung quanh bếp lửa. Chúng tôi không biết sự vui sướng của chúng tôi sẽ mang đến cho chúng tôi bao nhiêu phiền phức.
Mỗi ngày người Aleut đi săn rái cá. Họ cột các con thú chết vào thuyền của họ. Ban đêm họ đem về đảo.
Trong biển cả, rái cá khác hẳn các con thú khác. Chúng có bốn chân nhỏ, nhờ đó chúng lội rất nhanh. Da của chúng dày và đẹp. Chúng thích nằm ngửa trên những thảm tảo, chơi đùa và ngủ nghê dưới ánh mặt trời. Những người Aleut dùng lao giết những con thú vô tư đó vì bộ da của chúng. Đêm đến họ lột da các con thú và xẻ thịt chúng ra. Những con rái cá chết nằm la liệt trên bãi, nước biển nhuộm đỏ máu của chúng.
Mỗi đêm, dân làng chúng tôi lên bờ đá để đếm số da. Tôi không bao giờ lên đó. Tôi luôn nổi giận khi thấy những ngọn lao của người Aleut. Rái cá là bạn của tôi và tôi thương yêu chúng. Tôi vui thích khi thấy chúng đùa giỡn trong sóng nước.
Một ngày nọ tôi nói với cha tôi.
“Người Aleut đã giết quá nhiều rái cá,” tôi nói. “Chung quanh đây giờ gần như không còn.”
Cha tôi cười to: “Còn rất nhiều rái cá ở những chỗ khác. Bọn chúng sẽ lại đến đây khi bọn đi săn ra đi.”
“Bọn họ sẽ giết chết hết chúng,” tôi nói. “Sáng nay bọn họ đã đi truy tìm chúng ở bờ biển phía Nam. Tuần sau nữa, họ sẽ đi đến chỗ khác.”
“Tuần tới, họ sẽ chuẩn bị về nhà.” Cha tôi an ủi.
Cha tôi biết bọn Aleut chuẩn bị về nhà. Vài người trẻ của chúng tôi, theo lời dạy của cha, đóng một chiếc thuyền. Họ làm thuyền bằng một cây gỗ to tìm được trên bãi biển.
Trên đảo chỉ có một ít cây nhỏ, nhưng đôi khi sóng biển mang đến bãi cát những thân cây chết. Thường chúng tôi đem cây về làng, và người làng đóng thuyền ở đây. Lần này chúng tôi đóng thuyền trên bãi. Và đêm nay, họ sẽ ngủ ở đó. Tất cả chúng tôi đều biết có một lý do: người của chúng tôi canh chừng bọn Aleut! Tên Orlov có chịu trả da cho chúng tôi không? Hay là gã định lẻn đi vào ban đêm.
***
CHƯƠNG II
PHẢN BỘI VÀ RA ĐI
Một buổi sáng sớm, người Aleut mang đồ đạc của họ ra bãi biển. Đó là một ngày u ám và có gió mạnh đến từ phương Bắc. Chúng tôi chưa được nhận tiền về da rái cá. Do vậy người của chúng tôi vội vã băng qua khe chạy ra bãi. Đàn bà nấp trong các bụi cỏ cao trên bờ đá. Tôi và chị Ulape cũng nấp ở đấy.
Cả những chồng da rái cá nằm trên bờ đá. Phân nửa các tên săn bắt đã ở trên tàu. Số còn lại ném da rái cá lên trên xuống. Cha tôi đang nói chuyện với Orlov, tôi không nghe được lời họ nói. Đám người Aleut nói cười ầm ĩ.
Chiếc xuồng giờ đã đầy da rái cá, nó được chèo ra tàu. Orlov đưa bàn tay lên ra dấu. Trong một thời gian ngắn, chiếc xuồng từ chỗ tàu trờ lại cùng với một cái rương đen. Hai tên đi săn khiêng cái rương lên bờ.
Orlov giở nắp rương và lấy ra hai hay ba chuỗi hạt trai. Bầu trời không có nhiều ánh sáng, những hạt trai lấp lánh trên tay y. Ulape rất xúc động, tôi nghe có những tiếng trầm trồ của đám phụ nữ. Mọi người trong bọn họ đều yêu các hạt trai màu. Nhưng tiếng trầm trồ của họ im bặt khi cha lên tiếng.
“Một chuỗi hạt trai đổi lấy một tấm da rái cá là không đủ.” Cha nói.
“Một chuỗi hạt trai và một đầu ngọn giáo bằng kim loại.” Orlov nói.
“Một cái rương không đủ.”
“Còn nhiều rương khác ở trên tàu.” Orlov biện bạch.
“Vậy thì mang xuống đây. Có tất cả chín trăm tấm da rái cá ở trên tàu và năm mươi tấm ở đây. Chúng ta phải nhận được ba rương nữa cùng kích thước này.”
Orlov nói gì đó với các tên Aleut nhưng tôi không hiểu.
Bọn Aleut lại mang các tấm da lên xuồng. Cha tôi đứng giữa bọn chúng và chiếc xuồng.
Cha nói: “Các tấm da còn lại phải để lại đây. Các người có thể đem nó đi khi cái rương khác xuống đây.”
“Chúng tôi cần đem mọi thứ lên tàu.” Orlov nói, y nhìn lên trời. “Sắp có dông bão.”
“Đem rương xuống đây. Sau đó chúng tôi sẽ đưa xuồng giúp các ông.”
Orlov không nói gì. Y nhìn quanh, nhìn người của chúng tôi đứng trên bãi. Y nhìn lên bờ đá và nhìn cha tôi. Y nói gì với bọn Aleut. Sau đó y lên xuồng và đi về tàu.
Bọn đi săn di chuyển nhanh. Ulape và tôi chồm dậy, có tiếng la của đám đàn bà phía sau lưng chúng tôi. Cha tôi nằm gục trên đá, mặt ông đầy máu. Ông từ từ đứng dậy.
Dân làng nâng giáo lên và chạy xuống bãi về hướng Aleut. Một chùm khói trắng nhỏ bốc lên từ chỗ chiếc tàu. Chúng tôi nghe một tiếng nổ lớn, thế là năm người chúng tôi ngã xuống. Trận chiến diễn ra trên bãi. Người ta ngã xuống rồi lại đứng lên chiến đấu tiếp. Vài người ngã xuống không đứng lên nữa. Cha tôi là một trong những người không đứng lên.
Orlov từ tàu trở lại với nhiều tên Aleut khác. Dân làng chúng tôi bị đẩy lùi về phía dốc đá. Giờ phía chúng tôi không còn nhiều người nhưng họ tiếp tục chiến đấu.
Bỗng Orlov và thủ hạ của y quay người lại và chạy ra chỗ xuồng. Người của chúng tôi không đuổi theo. Bọn đi săn ra đến tàu. Chúng giương những cánh buồm đỏ, chiếc tàu chạy giữa hai dãy đá ra khỏi Ghalas-at. Chúng tôi nhìn theo chiếc tàu đi xa dần. Một chùm khói trắng từ tàu bốc lên, một tiếng hú lạ bay qua đầu của chúng tôi. Giống như tiếng một con chim lớn đang bay.
Cha tôi đã chết. Mọi người đều cho rằng lý do cái chết của cha là do lỗi của người. Cha đã nói cho Orlov biết tên bí mật của ông. Trong khi đánh nhau, không ai còn có sức mạnh nói ra tên bí mật của mình.
Trước khi đánh nhau, chúng tôi có bốn mươi hai người đàn ông. Giờ chỉ còn mười lăm, trong đó hết bảy ông lão. Mỗi người đàn bà mất một người cha hoặc một người chồng, một người anh hay một đứa con trai. Trong mười lăm ngày đầu tiên, cả làng nghe vắng lặng.
Chúng tôi không thường đi xuống bãi. Khúc cây nằm ở đây, nhưng không ai muốn làm cho xong chiếc xuồng. Mọi người quên lửng cái rương đựng hạt trai và đầu mũi giáo. Chúng tôi chỉ đi tìm lương thực.
Chúng tôi chọn thủ lĩnh mới. Tên ông là Kimki, ông rất già. Nhưng ông là người tốt, trong thời ông còn trẻ, ông là người săn bắt giỏi. Kimki triệu tập toàn thể chúng tôi lại và nói:
“Trong quá khứ, đàn ông của chúng ta đi săn bắt cá để phục vụ chúng ta. Đàn bà nấu ăn, may vá quần áo. Giờ phần lớn đàn ông đã chết, do vậy đàn bà phải học làm công việc của đàn ông. Sự thay đổi này không bình thường lắm, nhưng là cần thiết. Tất cả chúng ta sẽ chết nếu các người không đồng ý.”
Kimki phân công cụ thể cho mỗi người đàn ông, đàn bà và trẻ con. Ông bảo chị Ulape và tôi.
“Công việc của các cháu là bắt cua ốc trong các kẻ đá. Còn em các cháu có trách nhiệm giữ cua ốc không bị chó và chim ăn.”
Công việc của Ramo thật là khó khăn bởi vì trên đảo có rất nhiều chim, và cả nhiều chó nữa. Một số chó là của dân làng. Khi chủ của chúng chết, chúng bỏ làng vào rừng. Sau đó chúng trở về làng để ăn cắp thực phẩm. Mỗi buổi chiều, tôi và chị Ulape giúp Ramo bỏ cua ốc vào bao. Sau đó chúng tôi đem về làng.
Mùa thu và mùa đông lá mùa tôi rất đau buồn. Cha tôi là một người vóc dáng cao, khỏe mạnh và tử tế, tôi không thể quên người. Mẹ tôi đã mất, tôi và Ulape luôn làm công việc của bà. Giờ chúng tôi chỉ còn Ramo và thật khó mà trông chừng nó.
Vào mùa xuân, Kimki quyết định đi khỏi đảo.
“Tôi sẽ dùng một chiếc xuồng.” Ông nói, và đi đến xứ sở ở phía Đông. “Tôi đã đến đó một lần khi tôi còn là một đứa trẻ. Giờ tôi sẽ đi một lần nữa và sẽ xây nhà cho các người tại đó. Tôi sẽ đi một mình vì tất cả đàn ông đều cần có mặt ở nơi đây. Tôi sẽ trở lại sau một thời gian.”
Chúng tôi đi ra ngoài và thu gom trái cây, tôm cua cho ông. Ông rời Ghalas-at vào một ngày đẹp trời. Ông đi trên một chiếc xuồng to nhất. Xuồng chở nước và thực phẩm cho chuyến đi. Ông chèo chầm chậm giữa những khối đá và qua các bãi tảo. Mặt trời buổi sáng tạo một vệt sáng trên mặt nước. Ông chèo theo con đường đó về phương Đông cho đến khi chúng tôi không còn thấy ông nữa.
Một tháng sau, chúng tôi bắt đầu trông ra biển. Mỗi ngày, ngay cả những ngày bão tố, cũng có người đứng trông và chờ đợi ông Kimki trở về.
Nhiều tháng trôi qua, chúng tôi trông ngóng và chờ đợi.
Mùa đông đi qua và mùa xuân lại đến, nhưng mặt biển vẫn vắng bóng người. Mùa xuân chấm dứt, mùa hè bắt đầu. Ông Kimki vẫn không về.
Đã đến mùa bọn Aleut đi săn rái cá. Dân làng chúng tôi trông chừng xem các cánh buồm màu đỏ của bọn chúng có đến hay không. Giờ đây chúng tôi chỉ có tám người đàn ông khỏe mạnh để bảo vệ chúng tôi.
“Nếu như bọn Aleut đến, chúng ta không thể ngăn cản bọn chúng.” Dân làng nói. “Chúng sẽ giết chúng ta.”
Chúng tôi quyết định sẽ rời đảo nếu như chúng tôi thấy tàu của bọn chúng.
Cá muối, trái cây và nước được để trong xuồng. Chúng tôi giấu xuồng dưới những dốc đá cao. Khi tàu của bọn Aleut đến, chúng tôi sẽ chèo đi. Chúng tôi hi vọng sẽ đến miền đất ở hướng Đông.
Mỗi đêm, vài người chúng tôi canh chừng bờ biển. Một đêm nọ, tiếng la của một người canh đánh thức tất cả mọi người.
“Bọn Aleut, bọn Aleut!”
Chúng tôi nhanh chóng choàng dậy và gói ghém một ít đồ đạc. Tôi chụp lấy cái váy bằng cỏ và cái áo khoác bằng da rái cá. Cái váy rất đẹp. Tôi cần cái áo khoác vì nó sẽ giúp tôi khỏi bị lạnh khi đi xuồng.
Một lúc sau đó, Nanko, người la báo động trên bờ đã theo kịp chúng tôi. Anh nói chuyện với Matasaip. Matasaip là thủ lĩnh mới của chúng tôi. Anh được chọn khi ông Kimki không trở về. Anh nói:
“Tàu đã đến gần bờ. Không phải tàu của bọn Aleut. Tàu này nhỏ hơn tàu bọn chúng, những cánh buồm màu trắng.”
Matasaip nói với Nanko: “Tôi sẽ trở lại bãi biển với anh.” Sau đó anh nói với chúng tôi: “Ra chỗ chúng ta giấu xuồng và chờ đợi tôi.”
Trời lạnh ngắt, nhưng chúng tôi không phải chờ đợi lâu. Đã có người chạy đến chỗ chúng tôi. Đó là Nanko, anh đến với lời nhắn của Matasaip. Gương mặt anh trông tươi vui. Chúng tôi biết không có chuyện gì nguy hiểm.
“Nói nhanh lên!” Chúng tôi la to.
“Tôi mệt quá!” Anh nói. “Nói không ra hơi.”
“Thì đang nói đó!” Có ai nói.
“Nào nói đi, Nanko, nói đi.” Nhiều người khác la lên.
Nanko khoái chí bởi vì nhiều người trông chờ anh nói. Anh nhìn vào mặt mọi người đoạn mỉm cười.
Sau đó anh chậm rãi nói: “Chiếc tàu của bạn bè chúng ta. Có những người da trắng trên tàu. Họ đến từ chỗ ông Kimki đến.”
“Vậy ông Kimki có trở lại không?”
“Không, nhưng ông nói với những người da trắng chúng ta ở đây.”
“Trông bọn họ ra sao?” Chị Ulape hỏi.
“Có thằng bé nào trên tàu không?” Ramo hỏi.
Mọi người đều lên tiếng hỏi, Nanko đưa bàn tay anh lên. Anh nói:
“Tàu đến để đưa chúng ta đi. Đó là lý do duy nhất.”
“Nhưng đưa chúng ta đi đâu?” Tôi hỏi.
“Tôi không biết.” Nanko nói. “Nhưng Kimki biết, và người da trắng sẽ đưa chúng ta đến đó.”
Chúng tôi bèn quay trở lại làng. Mọi người đều e ngại sự thay đổi trong cuộc sống. Nhưng chúng tôi cũng vui mừng.