Nghiên cứu phân tâm học - Phần II - Chương 10

10. Đám đông và bày ô hợp nguyên thủy

Năm 1917 tôi đã chấp nhận giả thuyết của Ch. Darwin theo đó hình thức nguyên thủy của xã hội loài người là một bầy ô hợp (horde) chịu sự thống trị của một người đàn ông có uy lực. Tôi đã minh thị rằng bầy ô họp đó còn để lại những dấu vết không xóa nhòa được trong tính di truyền của nhân loại; chế độ vật tổ (totémisme), bước đầu của tôn giáo, luân lý và phân hóa xã hội, có liên lạc với sự diệt trừ tàn ác người đứng đầu để thay thế bầy ô hợp nguyên thủy dưới quyền thống trị của người cha bằng một cộng đồng huynh đệ[7]. Đây chỉ là một giả thuyết cũng như những giả thuyết khác của sử gia để tìm hiểu tiền sử: một câu chuyện “just so story” như phê bình giả Kroeger có thiện cảm với tôi đã nói. Nhưng tôi cho rằng một giả thuyết không có gì đáng chê khi người ta có thể dùng để cắt nghĩa và tổng hợp những sự kiện thuộc về những lãnh vực rất xa xôi.

[7] Vật tổ và cấm kỵ.

Chúng ta thấy đám đông có những đặc điểm chẳng khác nào đặc điểm của bầy ô hợp nguyên thủy: một người có uy lực phi thường ngự trị trên một đám người khác bình quyền với nhau. Tâm lý đám đông như ta đã biết qua những nét mô tả mà chúng tôi thường ghi lại như ý thức cá nhân biến mất, ý nghĩ và tình cảm của mọi người hướng về một chiều duy nhất, tình cảm và hoạt động tiềm thức nổi bật, khuynh hướng thực hiện ngay những ý muốn xuất hiện, cái tâm lý đám đông ấy tương ứng với sự thoái lui về một tình trạng sinh hoạt tâm thần nguyên thủy.

Đặc điểm chung của con người như mô tả trên đây phù hợp đặc biệt với bầy ô hợp nguyên thủy. Ý chí của cá nhân yếu quá không dám hành động. Chỉ có những khích động tập thể là có thể thúc đẩy được hành động; không có ý chí cá nhân. Sự biểu thị không dám biến thành ý chí nếu người ta không cảm thấy nó đã phổ biến khắp mọi người để người ta thấy sự biểu thị mạnh mẽ thêm. Sức biểu thị yếu ớt như vậy vì liên lạc tình cảm giữa mọi người rất mạnh; điều kiện sống như nhau và không có của riêng, hai sự kiện ấy cũng làm cho những hoạt động tâm thần giống hệt nhau. Cả đến việc đi cầu người ta cũng cùng làm với người khác để thỏa mãn chung, như ngày nay chúng ta còn thấy xảy ra cho trẻ con và ở trại lính. Chỉ có sự giao cấu là thực hiện riêng cho hai người, vì sự có mặt của người thứ ba thật là vô ích, người nầy bị bắt buộc phải chờ đợi và rất khó chịu. Sau này sẽ nói đến sự phản ứng của nhu cầu dục tính trước sự quần cư.

Như vậy đám đông hiện ra như sự tái tạo bầy ô hợp nguyên thủy. Trong mỗi người chúng ta đều còn sống sót một người bàn cổ dưới hình thức tiềm năng, đám đông cũng vậy, đám đông có thể tái tạo bầy ô hợp nguyên thủy.

Bởi vậy chúng ta phải kết luận rằng tâm lý tập thể là tâm lý loài người xưa nhất; những yếu tố tách rời khỏi tất cả cái gì dính dáng đến đám đông mà chúng tôi đã dùng để giải thích tâm lý cá nhân, mãi sau này mới thành hình và cũng do tâm lý tập thể phân hóa mà ra, sự phân hóa đó xảy ra một cách tiệm tiến và đến ngày nay cũng chỉ mới phân hóa từng phần. Chúng tôi thử tìm điểm khởi đầu của sự tiến hóa ấy.

Điều thứ nhất chúng tôi nghĩ đến đã minh thị rằng sự khẳng định trên cần phải đính chính. Chúng ta phải chấp nhận rằng tâm lý cá nhân còn già đời hơn tâm lý tập thể, bởi vì, theo sự hiểu biết của chúng tôi thì nó phải có từ thuở bắt đầu có hai thứ tâm lý, vì đó là tâm lý của những người họp thành bầy và tâm lý người cha, người cầm đầu, người chỉ huy. Các cá nhân trong đám đông cũng ràng buộc với nhau như ngày nay, nhưng người cha của bầy ô hợp nguyên thủy thì tự do. Cả khi đứng một mình người cha ấy cũng có hoạt động trí tuệ mạnh mẽ và độc lập, ý chí của y không cần phải có nhiều người làm tăng cường độ. Như vậy hầu như chúng ta có lý mà kết luận rằng cái tôi của y không bị giới hạn bởi những ràng buộc libido, y không yêu ai ngoài sự yêu chính mình và y chỉ đánh giá người khác theo tiêu chuẩn người khác dùng vào việc thỏa mãn nhu cầu của y. Cái tôi của y không thiên về đối tượng quá một mức nào.

Vào thuở bình minh của lịch sử nhân loại y đại diện cho một siêu nhân mà Nietzche chỉ đợi xuất hiện trong một tương lai xa xôi. Ngày nay những người của đám đông cũng vẫn cần biết rằng người cầm đầu công bằng không thiên vị, nhưng người cầm đầu không cần yêu ai cả, y có bản chất một người chủ, ngã ái của y tuyệt đối, y độc lập và đầy tự chủ. Chúng ta biết rằng tình yêu làm suy giảm mức ngã ái, rất dễ chứng minh rằng vì tác dụng suy giảm ngã ái mà tình yêu góp phần vào sự khai triển văn minh.

Bấy giờ người cha của bầy ô hợp chưa thành một nhân vật bất tử, mãi sau này người ta thần thánh hóa y, y mới trở thành nhân vật bất tử. Khi y chết thì phải kiếm người thay thế, người kế vị chắc là đứa con ít tuổi nhất, đứa con ấy trước kia cũng chỉ là một người thường của đám đông cũng như những người khác. Hẳn là có thể biến đổi tâm lý tập thể ra tâm lý cá nhân, và có thể tìm điều kiện biến đổi ấy, cũng như đàn ong có thể làm cho con ấu trùng trở thành con ong chúa chứ không trở thành con ong quân. Ở đây người ta có thể tưởng tượng ra tình trạng sau đây: người cha bàn cổ ấy cấm không cho các con thỏa mãn khuynh hướng dục tính trực tiếp, y bắt con phải sống trinh bạch, hậu quả là khuynh hướng dục tính được lái sang đường khác và tạo ra sự ràng buộc tình cảm với cha và với anh em. Như vậy là y dùng sức mạnh đẩy các con vào tình trạng phát triển tâm lý tập thể. Phân tích đến cùng thì sự ghen tuông và sự khắc nghiệt của người cha bàn cổ đã tạo ra tâm lý tập thể[8].

[8] Chúng ta có thể cho rằng các con bị xua đuổi phải tránh xa, bởi vậy cho nên họ vượt được giai đoạn đồng nhất hóa, họ trở nên đồng tính ái (homosexuel) và đạt được tự do, nhờ có tự do ấy mà họ dám giết cha.

Kẻ kế vị cha có hy vọng được thỏa mãn nhục dục, hậu quả là sự củng cố tâm lý cá nhân đối diện với tâm lý tập thể. Y dồn libido vào một người đàn bà, y có thể thỏa mãn ngay và thỏa mãn trực tiếp nhu cầu nhục dục, hai sự kiện ấy giảm bớt tầm quan trọng của những khuynh hướng lái sang mục tiêu khác và tăng thêm mức độ ngã ái. Đến chương cuối chúng tôi sẽ trở lại bàn đến mối liên lạc giữa tình yêu và sự cấu tạo tính tình.

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu những liên lạc đáng chú ý giữa sự tạo lập bầy ô hợp nguyên thủy và sự tổ chức đám đông quy ước bảo đảm được tính cách đoàn kết. Chúng ta đã biết rằng giáo hội và quân đội dựa vào ảo tưởng hay sự hình dung ra một người cầm đầu yêu đồng đều và công bình tất cả mọi người dưới quyền mình. Nhưng đó chỉ là sự lý tưởng hóa những điều kiện đã có trong bầy ô hợp nguyên thủy, trong bầy ô hợp tất cả con trai đều bị cha đàn áp, người nào cũng sợ cha như nhau. Sự thay đổi sợ hãi thành tình yêu là nền tảng của bộ lạc vật tổ, hình thức xã hội kế tiếp, tình yêu trở thành nền tảng của mọi bổn phận xã hội. Sức mạnh bất khả kháng của tập thể tự nhiên là gia đình, bắt nguồn từ sự tin tưởng ở người cha yêu các con như nhau, sự kiện ấy đã được thực tại chứng minh.

Nhưng đem so sánh đám đông với bầy ô hợp nguyên thủy chúng ta còn rút ra những nhận xét khác đáng chú ý. Nhờ sự hiểu biết ấy chúng ta rọi ánh sáng vào những điểm còn mù mịt, bí hiểm trong một tập thể, vào những sự kiện mà chúng ta gọi bằng những danh từ bí hiểm là thôi miên và ám thị. Xin nhắc lại rằng thôi miên có cái gì làm cho xao xuyến một cách trực tiếp; và yếu tố xao xuyến đó chỉ có thể xảy ra vì trấn áp tâm tình, thị dục và những khuynh hướng cũ vẫn quen thuộc[9]. Cũng nhắc lại rằng thôi miên là một trạng thái cảm ứng. Ông thầy thôi miên cho rằng mình có một sức mạnh bí hiểm, hay nói trái lại cũng vậy, người bị thôi miên gán cho ông thầy một sức mạnh bí hiểm làm tê liệt ý chí của mình. Người ta quen gọi sức mạnh đó là nhân điện, nhân điện chính là sức mạnh nguồn gốc của tục cấm kỵ ta thường thấy ở các xã hội bàn cổ; đó cũng là sức mạnh phát ra từ người các vua chúa (Mana), ai đến gần sẽ mang tai họa vào mình. Ông thầy thôi miên có sức mạnh ấy sẽ dùng cách nào để bộc lộ ra? Họ dùng hai con mắt để thôi miên, họ bắt con đồng phải nhìn vào hai mắt họ. Nhưng thực ra tướng mạo người cầm đầu làm cho người bàn cổ sợ hãi, làm cho họ thấy nguy hiểm, cũng như sau này nguyên tắc sợ thần linh. Moise phải đứng làm trung gian giữa dân chúng và Jehova vì dân chúng không dám nhìn Thượng đế; khi Moise ở Sinai trở về, mặt ông ta tỏa hào quang, vì phần nào thần khí Mana đã nhập vào ông ta[10] cũng như mấy người cầm đầu trong đám người bàn cổ.

[9] Das Unheimliche, Imag, V, 1919.

[10] Coi Vật tổ và cấm kỵ.

Tuy nhiên người ta có thể thôi miên bằng cách khác như bảo con đồng chăm chú nhìn một vật sáng bóng hay để con đồng nghe một tiếng động đều đều. Nhưng phương pháp này không chắc lắm, và người ta đã đưa ra nhiều thuyết tâm lý thiếu sót, có khi sai lạc. Thực ra phương pháp chỉ dùng để tập trung ý tứ tâm thức của con đồng không cho phép họ chú ý đến cái gì khác. Họ làm vậy cũng như họ bảo: “Bây giờ chỉ được chú ý đến ta, còn ngoài ra không có cái gì đáng kể.” Hẳn là nếu họ nói ra miệng như vậy thì kỹ thuật của họ không hữu hiệu, bởi vì họ sẽ làm cho con đồng tỉnh táo không còn vô tâm nữa, con đồng sẽ ý thức mà phản đối họ. Nhưng trong khi họ làm cho tư tưởng có ý thức của con đồng chìm vào một thái độ mơ màng không để ý đến thế giới bên ngoài, ý tứ của con đồng tập trung cả vào họ mà chính con đồng cũng không ngờ, thì giữa ông thầy và con đồng có một mối tương hệ tùy thuộc, con đồng “di chuyển” tình cảm dục tính nguyên thủy sang ông thầy. Cũng như phương pháp kỹ thuật dùng để nói những câu ý vị, những câu khôi hài được mọi người thích thú, phương pháp thôi miên gián tiếp có hậu quả làm cho người ta tập trung được ý tứ không để tản mát tinh lực tâm thần, không ngăn cản sự diễn biến của những tiến trình tiềm thức, rốt cục ông thầy cũng đi đến những kết quả đạt được bằng cách dùng ảnh hưởng trực tiếp, bắt con đồng nhìn chăm chú vào một vật sáng bóng hay lấy tay xoa trên người con đồng[11].

[11] Ý tứ tiềm thức của con đồng tập trung vào ông thầy thôi miên, trong khi tâm thức của họ không để ý đến những tri giác thế giới bên ngoài, sự kiện ấy cũng tương tự những điều chúng tôi nhận thấy trong lúc trị bệnh bằng phân tâm học. Trong thời gian phân tâm nghiệm, ít ra cũng có một lần con bệnh cả quyết rằng họ không hề có một ý tưởng nào hiện lên trong trí. Sự liên tưởng tự do của họ bị đình chỉ, những kích động thường ngày vẫn điều động sự liên tưởng ấy bây giờ trở nên vô hiệu, nhưng nếu ta hỏi vặn họ thì họ thú thực rằng họ đang nghĩ đến phong cảnh nhìn thấy qua cửa sổ phòng khám bệnh, hay họ nghĩ đến tấm thảm, đến cái đèn treo. Khi họ bắt đầu chịu ảnh hưởng “di chuyển”, họ vẫn còn bị thu hút bởi những ý tưởng tiềm thức liên hệ đến ông thầy, ý nghĩ của họ không bị ngăn cản nữa khi ông thầy cắt nghĩa cho họ hiểu trạng thái của họ.

Ông Ferenczi đã có lý khi ông nói rằng khi ông thầy bảo người bệnh ngủ đi, để sửa soạn thôi miên, ông thầy đối với họ cũng như cha mẹ họ vậy. Ông cho rằng có thể chia ra hai loại thôi miên: thôi miên bằng cách ám thị êm ái như vuốt ve, và thôi miên bằng cách ra một lệnh đe dọa. Loại thứ nhất là thôi miên mẫu tính, loại thứ hai là thôi miên phụ tính[12]. Ra lệnh cho con bệnh ngủ để tạo trạng thái thôi miên thực ra chỉ là lệnh bảo con đồng quên thế giới bên ngoài và để hết ý tứ vào cá nhân ông thầy: vả chăng chính con đồng cũng hiểu như vậy, bởi vì quên hẳn mọi sự việc trên đời cũng chính là đặc điểm tâm lý của giấc ngủ, chính vì có chung đặc điểm ấy mà giấc ngủ thực sự gần với giấc ngủ thôi miên.

[12] “Introjection und Übertragung”, Jahrbuch der Psychoanalyse, I, 1909.

Ông thầy thôi miên dùng phương pháp của ông ta để thức tỉnh một phần gia tài cổ xưa trong tâm thần con đồng, người ta đã bộc lộ phần gia tài ấy trong thái độ đối với cha mẹ, nhất là trong cách hình dung ra người cha: hình ảnh một người oai quyền tuyệt đối và nguy hiểm, đối với người cha ấy người ta chỉ có thể có thái độ thụ động và tự hành hạ mình, người ta phải bỏ cả ý chí của mình, người ta không thể nhìn cha mà không cho là mình đã liều lĩnh phạm tội. Chỉ có như vậy chúng ta mới hình dung được thái độ của một người trong bầy ô hợp nguyên thủy đối với người cha của bầy. Nghiên cứu những phản ứng khác của con người chúng tôi biết rằng người này dễ sống lại những tình trạng bàn cổ ấy hơn người kia. Tuy nhiên con đồng có thể giữ được một cách lờ mờ ý thức rằng trò thôi miên chỉ là một trò chơi, làm sống lại những ấn tượng cổ xưa một chốc lát, điều đó đủ làm cho họ có đủ sức chống cự lại những hậu quả nghiêm trọng quá của trò chơi thôi miên triệt bỏ ý chí của họ.

Bởi vậy cho nên những đặc điểm của đám đông như bối rối, lo lắng, ép buộc, xuất lộ vì có sự hỗ ương ám thị đều có thể cắt nghĩa như sau: đám đông có những nét tương đồng với bầy ô hợp nguyên thủy, bầy ô hợp nguyên thủy là tổ tiên của đám đông. Người cầm đầu đám đông là hóa thân của người cha bàn cổ mà ai cũng sợ, đám đông vẫn muốn bị thống trị bởi một oai quyền không giới hạn, người ta khao khát được cai trị, hay dùng danh từ của Le Bon, người ta khao khát phục tòng. Người cha bàn cổ là lý tưởng chi phối đám đông, lý tưởng ấy chiếm chỗ của lý tưởng tôi. Thôi miên có thể quan niệm là một đám đông hai người, nhưng nếu muốn nói đến ám thị thì cần phải bổ túc thêm: trong đám đông hai người kẻ bị thôi miên phải có một sự tin tưởng, sự tin tưởng ấy không đặt trên những điều mắt thấy tai nghe hay trên sự suy lý mà đặt trên sự ràng buộc bởi cái Eros[13].

[13] Tôi nghĩ rằng nên chú ý đến sự kiện sau đây: Những quan điểm trong chương này cho phép chúng ta có thể từ quan niệm của Bernheim về thôi miên đi ngược trở lên đến quan niệm cũ thô sơ hơn. Bernheim tưởng rằng có thể lấy hiện tượng ám thị làm một nguyên thể bất khả phân, từ đó diễn dịch ra tất cả các hiện tượng thôi miên của sự ám thị. Theo ý chúng tôi thì ám thị chỉ là một phát hiện của trạng thái thôi miên, và trạng thái thôi miên bắt nguồn từ một thiên tư tấm thức có từ lịch sử xa xưa của gia đình loài người.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay