Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm - Chương 09

139. Tôi thích Sherlock Holmes, nhưng tôi không thích Ngài Arthur Conan Doyle, tác giả của truyện Sherlock Holmes. Đó là vì ông không giống Sherlock Holmes và ông tin vào siêu nhiên. Và đến già ông gia nhập Hội Duy linh, nghĩa là ông tin rằng người ta có thể giao tiếp với người chết. Đó là vì con trai ông chết vì bệnh cúm hồi Thế chiến thứ nhất và ông vẫn muốn nói chuyện với con.

Và năm 1917 một việc nổi tiếng xảy ra gọi là vụ Các tiên nữ ở Cottingley. Hai người chị em họ là France Griffiths chín tuổi và Elsie Wright mười sáu tuổi bảo họ thường chơi với tiên bên cạnh dòng suối Cottingley Beck và họ dùng máy ảnh của Cha của Frances để chụp năm tấm ảnh các tiên nữ như thế này.

Nhưng đấy không phải là tiên thật. Đấy là hình vẽ trên giấy mà họ cắt ra và dùng đinh ghim dựng đứng lên, vì Elsie là một nghệ sĩ rất giỏi.

Harold Snelling, một chuyên gia về ảnh giả, nói:

Các hình ảnh nhảy múa này không làm bằng giấy hay vải; chúng cũng không phải được vẽ lên nền tấm ảnh - nhưng điều ấn tượng nhất với tôi là tất cả các hình này đã cử động trong khi phơi sáng.

Nhưng ông ta ngu ngốc vì giấy cũng chuyển động trong khi phơi sáng, mà thời gian phơi sáng của tấm ảnh này thì rất lâu vì trong đó ta có thể thấy một thác nước nhỏ phía sau và nó không rõ nét.

Rồi Ngài Arthur Conan Doyle nghe nói về các tấm ảnh và trong một bài viết trên tờ tạp chí The Strand, ông bảo ông tin chúng là thật. Nhưng ông ta cũng ngu ngốc nốt, vì nếu nhìn các tấm ảnh ta có thể thấy các cô tiên trông giống y như các cô tiên trong sách xưa và họ có cánh và mặc váy và áo nịt và đi giày, giống như người ngoài hành tinh đáp xuống mặt đất và giống như Daleks trong Bác sĩ Who hay Imperial Stormtroopers ở Death Star trong Chiến tranh giữa các vì sao hay mấy người nhỏ tí màu xanh lục trong truyện tranh về người ngoài hành tinh.

Và năm 1981 một ông tên Joe Cooper phỏng vấn Elsie Wright và Frances Griffiths để viết một bài trên tạp chí Những bí ẩn chưa có lời giải đáp và Elsie Wright nói tất cả năm tấm ảnh là giả mạo và Frances Griffiths nói bốn tấm là giả mạo nhưng một tấm là thật. Và họ nói Elsie đã vẽ các cô tiên theo một cuốn sách tên Quà tặng của công chúa Mary của Arthur Shepperson.

Và điều này cho thấy đôi khi người ta muốn ngu xuẩn và họ không muốn biết sự thật.

Và nó cho thấy cái gọi là lưỡi dao cạo của Occam là thật. Và lưỡi dao cạo của Occam không phải là lưỡi dao cạo mà đàn ông dùng để cạo râu mà là một Định luật, và nó là Entia non sunt multiplicanda praeter necessitatem.

Đấy là tiếng Latin và có nghĩa là: Không nên giả định thêm sự hiện hữu của điều gì nếu không tuyệt đối cần thiết.

Nghĩa là nạn nhân của một vụ án mạng thường bị giết bởi một kẻ quen biết họ và các cô tiên là làm bằng giấy và ta không thể nói chuyện với người đã chết.

149. Khi tôi đến trường hôm thứ Hai, Siobhan hỏi tôi tại sao tôi bị bầm một bên mặt. Tôi nói Cha tức giận và nắm lấy tôi vì thế tôi đánh ông rồi chúng tôi đánh nhau. Siobhan hỏi Cha có đánh tôi không và tôi nói tôi không biết vì tôi rất cáu và điều đó làm cho trí nhớ của tôi choáng váng. Và khi ấy cô hỏi có phải Cha đã đánh tôi vì ông tức giận không. Và tôi nói ông không đánh tôi, ông nắm lấy tôi, nhưng ông tức giận. Và Siobhan hỏi ông nắm tôi có chặt không, và tôi nói ông nắm tôi chặt. Và Siobhan hỏi tôi có sợ về nhà không, và tôi nói không. Rồi cô hỏi tôi có muốn nói thêm gì về việc này không, và tôi nói không. Và khi ấy cô bèn nói: “Được,” và chúng tôi không nói gì về chuyện đó nữa, vì nếu là nắm cánh tay hay vai người ta khi mình tức giận thì được, nhưng nắm tóc hay mặt người ta thì không được. Nhưng đánh thì không được phép, trừ phi ta hiện đang đánh nhau với ai đó rồi, khi ấy thì đánh người ấy cũng không phải sai trái quá.

Và khi tôi từ trường về đến nhà Cha vẫn còn đang ở chỗ làm, vì thế tôi vào bếp và lấy chiếc chìa khóa trong cái lọ sứ nhỏ hình bà xơ và mở cửa sau và rồi đi ra nhìn vào thùng rác để tìm cuốn sách của tôi.

Tôi muốn lấy lại cuốn sách của mình vì tôi thích viết. Tôi thích có một việc để làm và tôi lại càng thích nếu đó là một việc khó tỉ như viết một quyển sách. Ngoài ra tôi vẫn chưa biết ai đã giết Wellington và cuốn sách của tôi là nơi tôi cất giữ tất cả các manh mối tôi đã khám phá và tôi không muốn chúng bị vứt đi.

Nhưng cuốn sách của tôi không có trong thùng rác.

Tôi đậy nắp thùng rác lại và bước xuống vườn để nhìn vào cái thùng Cha vứt rác trong vườn, chẳng hạn như cỏ và táo trên cây rơi xuống, nhưng cuốn sách của tôi cũng không có trong đó.

Tôi tự hỏi có phải Cha đã để nó trong chiếc xe tải của ông và lái tới chỗ đổ rác và bỏ nó và một trong những cái thùng lớn ở đó không, nhưng tôi không muốn đó là sự thật vì như thế tôi sẽ không bao giờ thấy lại nó nữa.

Một khả năng khác là Cha đã giấu cuốn sách của tôi đâu đó trong nhà. Vì thế tôi quyết định tìm xem tôi có thể tìm thấy nó không. Nhưng tôi phải luôn luôn lắng tai thật kỹ để có thể nghe tiếng xe của ông khi ông ngừng bên ngoài nhà để ông không bắt gặp tôi đang làm thám tử.

Tôi bắt đầu bằng cách tìm trong bếp. Cuốn sách của tôi khoảng 25 cm x 35 cm x 1 cm vì thế không thế giấu nó trong một chỗ rất nhỏ được, nghĩa là tôi không phải tìm trong những nơi rất nhỏ nào. Tôi nhìn lên nóc tủ bát đĩa và nhìn xuống phía sau các ngăn kéo và dưới bếp lò và tôi dùng chiếc đèn pin Mag-Lite đặc biệt của mình và một miếng gương soi trong phòng để dụng cụ để có thể nhìn thấy trong những chỗ tối sau tủ bát đĩa nơi lũ chuột hay từ vườn đi vào đẻ con.

Rồi tôi thám thính trong phòng để dụng cụ.

Rồi tôi thám thính trong phòng ăn.

Rồi tôi thám thính trong phòng khách, tôi thấy cái bánh xe bị mất của chiếc Airfix Messerschmitt Bf 109 G6 dưới gầm ghế sofa.

Rồi tôi nghĩ tôi nghe Cha đang đi vào cửa trước và tôi giật mình và tôi cố đứng vội lên và va đầu gối vào góc bàn tiếp khách và rất đau, nhưng đó chỉ là một trong những người dùng ma túy ở nhà bên cạnh làm rơi vật gì lên sàn nhà.

Rồi tôi lên lầu, nhưng tôi không thám thính gì trong phòng mình vì tôi lập luận rằng Cha sẽ không giấu tôi vật gì trong phòng tôi trừ phi ông rất thông minh và làm điều gọi là Tháu cáy như trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám án mạng thật, vì thế tôi quyết định chỉ tìm trong phòng mình nếu không tìm thấy cuốn sách ở bất cứ chỗ nào khác.

Tôi thám thính trong phòng tắm, nhưng chỗ duy nhất để tìm là cái tủ thoáng đãng và không có gì trong đó.

Nghĩa là căn phòng còn lại duy nhất để thám thính là trong phòng ngủ của Cha. Tôi không biết có nên tìm trong ấy không vì trước đó ông đã bảo tôi đừng làm lộn xộn bất cứ cái gì trong phòng ông. Nhưng nếu ông muốn giấu tôi vật gì, chỗ tốt nhất để giấu là trong phòng ông.

Vì thế tôi tự nhủ mình sẽ không làm lộn xộn những thứ trong phòng ông. Tôi sẽ dời chúng rồi sẽ mang chúng trở lại chỗ cũ. Và ông sẽ không bao giờ biết tôi đã làm thế vì vậy ông sẽ không tức giận.

Tôi bắt đầu bằng cách nhìn dưới gầm giường. Có bảy chiếc giày và một cái lược dính đầy tóc và một mẩu ống đồng và một cái bánh sô cô la và một tạp chí khiêu dâm tên Fiesta và một con ong chết và một cái cà vạt hình Homer Simpson và một cái thìa gỗ, nhưng không có cuốn sách của tôi.

Rồi tôi tìm trong các ngăn kéo hai bên bàn trang điểm, nhưng chúng chỉ chứa thuốc aspirin và cái cắt móng tay và cục pin và chỉ chải răng và một miếng băng vệ sinh và giấy và một chiếc răng giả phòng trường hợp Cha mất chiếc răng giả để trám vào lỗ trống nơi ông bị gãy răng khi ông ngã xuống thang lúc đang treo chuồng chim trong vườn, nhưng cuốn sách của tôi cũng không có trong đó.

Rồi tôi tìm trong tủ áo của ông. Chỗ này đầy quần áo của ông treo trên mắc áo. Trên đầu tủ cũng có một cái kệ nhỏ mà nếu tôi đứng trên giường thì có thể thấy bên trong, nhưng tôi phải cởi giày ra phòng trường hợp để lại dấu giày bẩn vốn sẽ là manh mối nếu Cha quyết định làm một cuộc điều tra. Nhưng những thứ trên kệ chỉ là lại mấy tờ tạp chí khiêu dâm nữa và một cái lò nướng bánh mì hỏng và mười hai cái mắc áo bằng kẽm và một chiếc máy sấy tóc cũ ngày xưa của Mẹ.

Ở đáy tủ là một thùng nhựa lớn chứa đầy những dụng cụ tự làm, như cái khoan và cọ sơn và vài cây đinh vít và một cây búa, nhưng tôi có thể thấy những vật này mà không cần mở thùng vì nó làm bằng nhựa trong màu xám.

Rồi tôi thấy có một cái thùng khác bên dưới thùng đựng dụng cụ, vì thế tôi nhấc thùng dụng cụ ra khỏi tủ. Cái thùng kia là một hộp giấy cũ gọi là hộp đựng áo vì khi người ta mua áo thì áo thường được đựng trong đó. Và khi mở hộp đựng áo tôi thấy cuốn sách của tôi bên trong.

Khi ấy tôi không biết làm gì.

Tôi mừng vì Cha đã không vứt cuốn sách của tôi đi. Nhưng nếu tôi lấy cuốn sách ông sẽ biết tôi đã lục lọi đồ vật trong phòng ông và ông sẽ rất giận và tôi đã hứa không lục lọi đồ đạc trong phòng ông.

Rồi tôi nghe thấy tiếng xe tải của ông ngừng bên ngoài nhà và tôi biết tôi phải nghĩ thật nhanh và khôn ngoan. Vì thế tôi quyết định sẽ để yên cuốn sách tại chỗ vì tôi lập luận rằng nếu Cha đã cất nó trong hộp đựng áo thì ông sẽ không vứt nó đi và tôi có thể tiếp tục viết vào một cuốn sách khác mà tôi sẽ giữ thật kín, rồi có thể sau này ông đổi ý và cho tôi giữ lại cuốn sách đầu và tôi có thể chép cuốn sách mới vào đó. Và nếu ông không bao giờ trả lại nó cho tôi, tôi có thể nhớ hầu hết điều tôi đã viết, vì thế tôi sẽ ghi tất cả vào cuốn sách bí mật thứ nhì và nếu có những việc tôi muốn tôi kiểm tra cho chắc liệu tôi nhớ có đúng không tôi có thể vào phòng ông để kiểm tra lúc ông ra ngoài.

Rồi tôi nghe Cha đóng cửa xe tải.

Và đúng lúc đó tôi thấy bao thư.

Nó là một bao thư gửi cho tôi, và nó nằm dưới cuốn sách của tôi trong hộp đựng áo với một số bao thư khác. Tôi nhặt nó lên. Nó chưa được bóc. Nó ghi:

Christopher Boone

36 Đường Randolph

Swindon

Wiltshire

Rồi tôi nhận thấy nhiều bao thư khác và chúng đều gửi cho tôi. Và việc này đáng quan tâm và khó hiểu.

Và khi ấy tôi để ý cách viết những chữ Christopher và Swindon. Chúng được viết như thế này.

Tôi chỉ biết ba người thường vẽ vòng tròn nhỏ thay vì dấu chấm trên chữ i. Và một trong số họ là Siobhan, và một là thầy Loxely ngày trước dạy ở trường, và một là Mẹ.

Và khi ấy tôi nghe Cha mở cửa trước, vì thế tôi lấy một bao thư dưới đáy hộp ra và đóng nắp hộp đựng áo lại và đặt thùng đựng dụng cụ lên trên và đóng cửa tủ thật cẩn thận.

Khi ấy Cha gọi: “Christopher?”

Tôi không nói gì vì ông có thể nghe tôi nói từ đâu. Tôi đứng dậy và bước quanh giường tới cánh cửa, vừa cầm bao thư vừa cố gây thật ít tiếng động.

Cha đang đứng ở cuối thang lầu và tôi nghĩ ông có thể thấy tôi, nhưng ông đang lật qua những lá thư đã đến sáng hôm đó vì thế đầu ông cúi xuống. Rồi ông bước khỏi chân cầu thang đi vào bếp và tôi đóng cửa phòng ông rất êm và đi vào phòng mình.

Tôi muốn xem bao thư nhưng tôi không muốn làm Cha giận, vì thế tôi giấu bao thư dưới nệm giường. Rồi tôi bước xuống lầu và chào Cha.

Và ông nói: “Sao, con làm gì hôm nay, anh bạn trẻ?”

Và tôi nói: “Hôm nay chúng con học Kỹ năng Đời sống với cô Gray. Đó là Dùng Tiền Phương Tiện Giao Thông Công Cộng. Và con ăn trưa có món xúp cà chua và ba quả táo. Và con tập làm toán vào buổi chiều và chúng con đi bộ trong công viên với cô Peters và thu thập lá cây để làm tranh dán.”

Và Cha nói: “Tuyệt lắm, tuyệt lắm. Con khoái xực gì tối nay?”

Xực là ăn.

Tôi nói tôi muốn ăn đậu trắng xốt cà chua và bông cải xanh.

Và Cha nói: “Cha nghĩ dễ như bỡn.”

Rồi tôi ngồi xuống ghế sofa đọc thêm một ít cuốn sách tôi đang đọc ấy là cuốn Hỗn độn[27] của James Gleick.

[27] Chaos: tiểu thuyết khoa học giả tưởng, NXB Viking Penguin, 1987.

Rồi tôi vào bếp ăn món đậu trắng xốt cà chua và bông cải xanh trong khi Cha ăn xúc xích và trứng và bánh mì nướng và uống trà.

Rồi Cha nói: “Cha sẽ lắp mấy cái kệ đó lên trong phòng khách, được không? Cha sợ là cha sẽ làm hơi ồn, vì vậy nếu con muốn xem tivi mình sẽ chuyển nó lên lầu.”

Và tôi nói: “Con sẽ đi lên phòng một mình.”

Và ông nói: “Giỏi.”

Và tôi nói: “Cảm ơn Cha về bữa tối,” vì đó là tỏ ra lịch sự.

Và ông nói: “Không có chi, nhóc tì.”

Và tôi đi lên phòng mình.

Và khi vào phòng tôi đóng cửa và lấy bao thư dưới nệm giường ra. Tôi giơ bao thư lên dưới ánh đèn để xem liệu có thể thấy bên trong bao thư có gì không, nhưng bao thư quá dày. Tôi tự hỏi có nên mở bao thư không vì nó là vật tôi đã lấy trong phòng Cha. Nhưng rồi tôi lập luận rằng nó gửi cho tôi vì thế nó thuộc về tôi vì thế mở nó được.

Thế là tôi mở bao thư.

Bên trong có một lá thư.

Và đây là nội dung viết trong thư:

451c Đường Chapter

Willesden

London NW2 5NG

0208 887 8907

Christopher thương,

Mẹ xin lỗi lâu rồi mẹ không viết thư cho con từ sau lá thư trước. Mẹ rất bận. Mẹ mới có việc làm thư ký trong một xưởng làm đồ thép. Chắc con sẽ thích lắm. Xưởng đầy những máy móc khng lồ làm thép và cắt và uốn thép thành bấc cứ hình dáng nào họ cầng. Tuần này họ đang làm cái mái cho một tiệm cà phê trong một trung tâm mua bán ở Birmingham. Nó có hình dáng như một bông hoa khổng lồ và họ sẽ căng vải bố lên để làm nó giống như cái lều thậc to.

Rốt cuộc rồi mẹ cũng dọn vào một căn chung cư mới như con thấy trên địa chỉ. Nó không đẹp như cái cũ và mẹ không thích Willesden lắm, nhưng Roger đi làm sẽ thuận tiện hơn và ông ấy đã mua nó (căn chung cư kia thì ông ấy chỉ thuê), vì thế bọn mẹ có thể sắm bàn ghế riêng và sơn tường màu nào tùy ý.

Và đó là lý do đã lâu mẹ không viết thư cho con từ sau lá thư trước vì mẹ vất vả quá chừng, nào là phải đóng gói hết cả đồ đạc rồi lại mở ra rồi lại phải làm quen với công việc mới.

Bây giờ mẹ rất mệt và mẹ phải đi ngủ và mẹ muốn bỏ lá thư này vào thùng thư sáng ngày mai, vì vậy bây giờ mẹ ngưng đây, mẹ sẽ sớm viết cho con thư khác.

Con chưa viết cho mẹ, vì vậy mẹ biết con có thể vẫn còn giận m. Mẹ xin lỗi Christopher. Nhưng mẹ vẫn yêu con. Mẹ hy vọng con không giận mẹ mãi mãi. Và mẹ sẽ rất vui nếu con có thể viết cho mẹ một lá thư (nhưng nhớ gửi nó tới địa chỉ mới!).

Mẹ lúc nào cũng nghĩ tới con.

Yêu nhiều,

Mẹ của con

X X X X X X

Khi ấy tôi rất lúng túng vì Mẹ chưa bao giờ làm thư ký cho một hãng làm đồ dùng bằng thép. Mẹ có làm thư ký cho một ga ra lớn trong trung tâm thành phố. Và Mẹ chưa bao giờ sống ở London. Mẹ luôn luôn sống với chúng tôi. Và trước kia Mẹ chưa bao giờ viết thư cho tôi.

Trên lá thư không ghi ngày vì thế tôi không tìm ra Mẹ viết lá thư lúc nào và tôi tự hỏi có phải ai đó khác đã viết lá thư và giả vờ là Mẹ.

Và khi ấy tôi xem mặt trước bao thư và tôi thấy có dấu bưu điện và trên con dấu bưu điện có ngày tháng và ngày tháng khá khó đọc, nhưng nó là:

Nghĩa là lá thư gửi ngày 16 tháng Mười năm 1997, mười tám tháng sau khi Mẹ chết.

Và khi ấy cửa phòng tôi mở ra và Cha nói: “Con đang làm gì đó?”

Tôi nói: “Con đang đọc thư.”

Và ông nói: “Cha đã khoan xong rồi. Chương trình thiên nhiên của David Attenborough đang chiếu trên tivi nếu con thích.”

Tôi nói: “Vâng.”

Rồi ông lại xuống lầu.

Tôi nhìn lá thư và suy nghĩ rất lung. Nó là một bí ẩn và tôi không thể tìm ra. Có lẽ lá thư nằm không đúng phong bì và đã được viết trước khi Mẹ chết. Nhưng tại sao bà viết ở London? Lần bà đi xa lâu nhất là một tuần lúc ấy bà đến thăm người chị họ tên Ruth bị ung thư, nhưng Ruth thì sống ở Manchester.

Rồi tôi nghĩ có lẽ lá thư không phải của Mẹ. Có lẽ đây là thư của mẹ một người khác tên là Christopher gửi cho Christopher.

Tôi rất hứng thú. Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách của mình chỉ có một bí ẩn tôi phải giải quyết. Bây giờ thì có tới hai.

Tôi quyết định rằng tối hôm đó tôi sẽ không suy nghĩ về nó nữa vì tôi không có đủ thông tin và có thể dễ dàng Nhảy tới Kết luận Sai lầm như ông Athelney Jones ở Scotland Yard, đó là một điều nguy hiểm vì ta phải chắc chắn là mình đã có tất cả manh mối rồi thì hãy bắt đầu suy diễn sự việc. Như thế ta sẽ ít bị mắc sai lầm hơn rất nhiều.

Tôi quyết định rằng tôi sẽ đợi đến khi Cha ra khỏi nhà. Rồi tôi sẽ vào tủ áo trong phòng ngủ của ông để đọc những lá thư kia xem chúng từ ai gửi và chúng nói gì.

Tôi gấp lá thư và giấu dưới nệm giường mình phòng trường hợp Cha tìm thấy nó và nổi cáu. Rồi tôi xuống lầu và xem truyền hình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3