Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm - Chương 08

113. Trí nhớ của tôi như một cuốn phim. Đó là lý do tôi rất giỏi nhớ các sự việc, như những cuộc đối thoại tôi đã viết ra trong sách này, và y phục người ta mặc, và họ có mùi thế nào, và vì trí nhớ của tôi có rãnh ghi mùi giống như rãnh ghi âm.

Và khi người ta yêu cầu tôi nhớ lại một điều gì, tôi có thể đơn giản chỉ nhấn nút Tua Lại và nút Tua Tới và nút Ngưng như trên đầu máy video, nhưng giống đầu máy DVD hơn vì tôi không phải Tua Lại qua mọi thứ ở giữa mới tới được một chỗ đã lâu trong ký ức. Và cũng không có nút, vì nó xảy ra trong đầu tôi.

Nếu có ai nói với tôi: “Christopher, kể cho tôi nghe mẹ của bạn như thế nào,” tôi có thể Tua Lại tới nhiều cảnh khác nhau và nói bà như thế nào trong những cảnh ấy.

Thí dụ, tôi có thể Tua Lại tới ngày 4 tháng Bảy năm 1992 khi tôi chín tuổi, hôm đó là thứ Bảy, và chúng tôi đi nghỉ ở Cornwall và buổi chiều chúng tôi đến bãi biển tại một nơi tên là Polperro. Và Mẹ mặc quần short bằng vải bông chéo và mảnh bikini bên trên màu xanh nhạt và bà hút thuốc lá Consulate có mùi bạc hà. Và bà không bơi. Mẹ vừa tắm nắng trên một tấm khăn có những vạch đỏ và tím vừa đọc một cuốn sách của Georgette Heyer tên là Những kẻ giả trang[26]. Và khi bà tắm nắng xong và đi xuống nước để bơi bà nói: “Quỷ thần thiên địa ơi, lạnh.” Và bà nói tôi nên tới bơi luôn, nhưng tôi không thích bơi vì tôi không thích cởi quần áo ra. Và bà nói tôi cứ xắn quần lên và bước xuống nước một chút, thế nên tôi làm vậy. Và tôi đứng trong nước. Và Mẹ nói: “Nhìn này. Thích quá.” Và bà nhảy ngược ra sau và biến mất dưới nước và tôi hét lên nhưng bà lại đứng lên khỏi nước và đến chỗ tôi đứng, giơ tay phải lên, và xòe các ngón tay thành cái quạt mà nói: “Nào, Christopher, chạm tay mẹ. Nào. Đừng hét. Chạm tay mẹ. Nghe mẹ đây, Christopher. Con làm được mà.” Và một lúc sau tôi ngừng hét và tôi giơ tay trái lên và xòe các ngón tay ra thành cái quạt và chúng tôi chạm các ngón tay vào nhau và Mẹ nói: “Không sao, Christopher. Không sao. Ở Cornwall không có cá mập,” và khi đó tôi cảm thấy dễ chịu hơn.

[26] The Masqueraders, 1928 (*).

Nhưng tôi không nhớ chuyện gì trước khi tôi khoảng bốn tuổi vì trước đó tôi không nhìn sự vật đúng cách, vì thế chúng không được ghi lại một cách đúng đắn.

Và đây là cách tôi nhận ra ai nếu tôi không biết họ là ai. Tôi xem họ mặc gì, hay họ có cây gậy chống hay mái tóc là lạ, hay một loại đeo kính mắt nào đó không, liệu họ có cử động cánh tay một cách đặc biệt không, và tôi làm một thao tác Tìm qua trí nhớ của mình để xem trước kia tôi đã gặp họ chưa.

Và đây cũng là cách tôi biết hành động ra sao trong những tình huống khó khăn khi tôi không biết phải làm gì.

Thí dụ, nếu người ta nói những điều không có nghĩa như: “Hẹn gặp, con cá mập” hay “Mày sẽ chết chẹt ở trong kẹt”, tôi làm một thao tác Tìm để xem trước kia tôi có bao giờ nghe ai nói như thế chưa.

Và nếu ở trường có ai đó nằm trên sàn nhà, tôi làm một thao tác Tìm qua trí nhớ của tôi để tìm hình ảnh một người đang lên cơn động kinh rồi tôi so sánh hình ảnh đó với điều đang xảy ra trước mắt tôi để tôi có thể kết luận ấy là họ đang nằm để chơi trò chơi, hay đang ngủ hay đang lên cơn động kinh. Và nếu họ đang lên cơn động kinh, tôi dời hết bàn ghế ra xa để họ khỏi va đầu vào và cởi áo len của mình ra và kê dưới đầu họ và tôi đi tìm giáo viên.

Người khác cũng có hình ảnh trong đầu họ. Nhưng những hình ảnh đó thì khác vì hình ảnh trong đầu tôi là tất cả hình ảnh của các sự việc đã thực sự xảy ra. Còn người khác thì có trong đầu họ hình ảnh về những việc không có thực và đã không xảy ra.

Thí dụ, đôi khi Mẹ hay nói: “Nếu hồi xưa mẹ không cưới cha con thì giờ chắc mẹ đang sống ở một nông trại nhỏ ở miền Nam nước Pháp với một người tên Jean. Và ông ta là, ồ, một người khéo tay ở trong vùng. Nào là sơn phết và trang hoàng nhà cửa người ta này, làm vườn này, dựng hàng rào này. Và mẹ sẽ có một mái hiên cho cây vả leo lên và khoảnh hoa hướng dương ở cuối vườn và một phố nhỏ xa xa trên đồi, và lúc chiều tối mẹ sẽ ngồi ngoài trời vừa uống rượu vang đỏ và hút thuốc lá Gauloise vừa ngắm mặt trời lặn.”

Và Siobhan có lần nói mỗi khi cô cảm thấy chán nản hay buồn cô sẽ nhắm mắt lại mà tưởng tượng rằng cô đang ở trong một căn nhà ở Cape Cod với bạn là Elly, và họ sẽ đi một chuyến tàu từ Provincetown và ra ngoài vịnh để xem cá voi lưng gù, và điều đó làm cô yên tâm và an bình và hạnh phúc.

Và đôi khi có ai chết, như Mẹ chết, người ta nói: “Cháu muốn nói gì với mẹ cháu nếu lúc này mẹ đang ở đây?” hay “Mẹ cháu sẽ nghĩ gì về việc đó?” nói như vậy là ngu đần vì Mẹ đã chết và ta không thể nói gì với người đã chết và người đã chết thì không thể suy nghĩ.

Và bà nội cũng có hình ảnh trong đầu bà, nhưng các hình ảnh của bà lộn xộn hoàn toàn, như có người làm rối cuộn phim và bà không thể nói điều gì xảy ra một cách thứ tự, vì thế bà cứ nghĩ người chết vẫn còn sống và bà không biết một sự việc nào đó đã xảy ra trong đời thực hay chỉ xảy ra trên truyền hình thôi.

127. Khi tôi từ trường về đến nhà, Cha vẫn còn ở chỗ làm, vì thế tôi mở khóa cửa trước và đi vào rồi cởi áo khoác. Tôi đi vào bếp và đặt các thứ của tôi lên bàn. Và một trong những thứ đó là cuốn sách này mà tôi đã mang vào trường để đưa Siobhan xem. Tôi tự làm món sữa đánh vị dâu và đun nóng trong lò vi sóng rồi đi qua phòng khách để xem một trong những video Hành tinh Xanh về đời sống ở những nơi sâu nhất dưới đại dương.

Cuốn video nói về các hải sinh vật sống quanh những miệng phun lưu huỳnh, là những núi lửa dưới nước nơi có hơi ga từ vỏ trái đất phun lên vào nước biển. Các nhà khoa học chưa bao giờ nghĩ có bất cứ sinh vật nào sống ở đó vì nó rất nóng và rất độc, nhưng nơi ấy có cả một hệ sinh thái.

Tôi thích sự kiện này vì nó cho ta thấy khoa học luôn luôn có thể khám phá những điều mới mẻ, và tất cả những sự kiện bạn vẫn cho là đương nhiên có thể sai hoàn toàn. Và tôi cũng thích việc họ chọn quay phim trong một chỗ khó tiếp cận hơn cả đỉnh núi Everest nhưng chỉ cách mặt biển vài dặm. Và nó là một trong những nơi im lặng nhất và tối nhất và hẻo lánh nhất trên bề mặt quả đất. Và tôi thích tưởng tượng có lúc mình sẽ ở đó, trong một chiếc tàu lặn bằng kim loại hình cầu với cửa sổ dày 30 cm để khỏi bị áp suất ép nổ tung. Và tôi tưởng tượng mình là người duy nhất bên trong nó, và nó không nối với một chiếc tàu nào nhưng có thể vận hành bằng năng lượng của chính nó và tôi có thể điều khiển động cơ và di chuyển bất cứ nơi nào tôi muốn dưới đáy biển và người ta không bao giờ tìm thấy tôi được.

Cha về nhà lúc 5 giờ 48 chiều. Tôi nghe ông đi qua cửa trước. Rồi ông vào phòng khách. Ông mặc sơ mi kẻ ô màu vàng chanh và xanh lam và một chiếc giày của ông buộc nút đôi nhưng chiếc kia thì không. Ông khiêng một tấm bảng quảng cáo Sữa bột Fussel cũ bằng kim loại sơn men xanh và trắng đầy những đốm gỉ sét nhỏ giống như lỗ đạn, nhưng ông không giải thích tại sao ông mang nó.

Ông nói: “Ê, anh bạn,” một câu nói đùa của ông.

Và tôi nói: “Xin chào.”

Tôi tiếp tục xem video và Cha đi vào bếp.

Tôi quên rằng tôi đã để cuốn sách của mình nằm trên bàn bếp vì tôi quá chăm chú vào cuốn video Hành tinh Xanh. Điều này gọi là Buông lỏng Cảnh giác, và nó là điều không bao giờ được làm nếu ta là thám tử.

Lúc 5 giờ 54 chiều Cha trở lại phòng khách. Ông nói: “Cái gì đây?” nhưng ông nói rất nhỏ và tôi không nhận ra rằng ông đang giận vì ông không quát tháo.

Ông cầm cuốn sách trên tay phải.

Tôi nói: “Cuốn sách con đang viết.”

Và ông nói: “Có thật không? Có phải con nói chuyện với bà Alexander không?” Ông nói câu này cũng rất nhỏ, vì thế tôi vẫn không nhận ra rằng ông tức giận.

Và tôi nói: “Vâng.”

Khi ấy ông nói: “Trời đất quỷ thần ơi, Christopher. Sao mà con ngu đần quá?”

Đây là điều mà Siobhan gọi là một câu hỏi tu từ. Nó có dấu chấm hỏi ở cuối câu, nhưng không cần trả lời vì người hỏi đã biết câu trả lời. Bạn khó nhận ra một câu hỏi tu từ.

Rồi Cha nói: “Cha đã nói với con cái quái gì, Christopher?” Câu này thì to hơn rất nhiều.

Và tôi đáp: “Không nhắc tới tên ông Shears trong nhà mình. Và không đi hỏi bà Shears, hay bất cứ ai, về việc ai giết con chó khốn khiếp đó. Và không xâm phạm và vườn của người khác. Và ngưng cái trò điều tra khốn khiếp lố bịch này. Nhưng con không làm bất cứ điều nào kể trên. Con chỉ hỏi bà Alexander về ông Shears vì...”

Nhưng Cha ngắt lời tôi mà nói: “Đừng nói với cha chuyện vớ vẩn đó, đồ oắt con. Con biết rõ là con đang làm chuyện khốn khiếp gì. Cha đã đọc cuốn sách, con nên nhớ.” Và khi nói vậy ông giơ cuốn sách ra và dứ dứ. “Cha còn nói gì nữa, Christopher?”

Tôi nghĩ đây có thể là một câu hỏi tu từ khác, nhưng tôi không chắc. Tôi thấy khó tìm ra điều gì để nói vì tôi bắt đầu sợ và lúng túng.

Khi ấy Cha lặp lại câu hỏi: “Cha còn nói gì nữa, hở Christopher?”

Tôi nói: “Con không biết.”

Và ông nói: “Này. Con là đứa nhớ giỏi như ranh mà.”

Nhưng tôi không thể suy nghĩ.

Và Cha nói: “Không được đi lung tung gí cái mũi quỷ quái của con vào việc của người khác. Vậy mà con làm gì nào? Con đi lung tung gí mũi vào việc của người khác. Con đi lung tung lục bới chuyện cũ và kể với bất cứ thằng cha căng chú kiết nào con tình cờ gặp. Cha phải làm gì với con hả, Christopher? Cha phải làm cái khốn khiếp gì với con đây?”

Tôi nói: “Con chỉ tán gẫu với bà Alexander. Con không làm việc điều tra.”

Vậy ông nói: “Cha yêu cầu con làm một điều cho cha, Christopher. Một điều thôi.”

Vậy tôi nói: “Con không muốn nói chuyện với bà Alexander. Chính bà Alexander là người...”

Nhưng Cha ngắt lời tôi và nắm cánh tay tôi thật chặt.

Trước kia Cha chưa bao giờ nắm chặt tôi như thế. Mẹ đã thỉnh thoảng đánh tôi vì bà là người rất nóng tính, nghĩa là bà dễ nổi giận hơn người khác và bà hay quát tháo hơn. Nhưng Cha là người bình tĩnh hơn, nghĩa là ông không mau nổi giận và không hay la hét. Vì thế tôi rất ngạc nhiên khi ông nắm chặt tôi.

Tôi không thích khi người ta nắm chặt tôi. Và tôi cũng không thích bị ngạc nhiên. Vì thế tôi đánh ông, như tôi đánh viên cảnh sát khi ông ta nắm hai cánh tay tôi và kéo tôi lên. Nhưng Cha không buông, và ông la hét. Và tôi lại đánh ông. Và khi ấy tôi không biết mình làm điều gì nữa.

Tôi không nhớ gì trong một lát. Tôi biết là ngắn vì sau đó tôi xem đồng hồ. Giống như có ai tắt tôi rồi bật tôi trở lại. Và khi họ bật tôi trở lại thì tôi đang ngồi trên thảm dựa lưng vào tường và bàn tay phải của tôi có máu và một bên đầu của tôi đau. Và Cha vừa đứng trên thảm cách một mét trước mặt tôi vừa nhìn xuống tôi, và ông vẫn còn cầm cuốn sách của tôi trên tay phải, nhưng nó bị gấp đôi lại và quăn góc, và có một vết xước trên cổ ông và một vết rách lớn trên cánh tay áo sơ mi kẻ ô màu vàng chanh và xanh lam của ông, ông đang thở hổn hển.

Khoảng một phút sau ông quay lưng lại và bước qua bếp. Rồi ông mở khóa cửa vào vườn và đi ra ngoài. Tôi nghe ông nâng nắp thùng rác và bỏ một vật vào đó và đậy nắp thùng rác lại. Rồi ông lại vào bếp, nhưng ông không còn cầm cuốn sách nữa. Rồi ông lại khóa cửa sau và cất chìa khóa vào cái lọ sứ nhỏ có dáng như một bà xơ mập, và ông đứng giữa bếp và nhắm mắt.

Rồi ông mở mắt và ông nói: “Cha cần uống bia.”

Và ông lấy cho mình một lon bia.

131. Có một số lý do tại sao tôi ghét màu vàng và màu nâu

MÀU VÀNG

1. Món sữa trứng

2. Chuối (chuối cũng đổi sang màu nâu)

3. Vạch vàng phân cách làn xe

4. Bệnh sốt vàng (là bệnh từ miền xích đạo Châu Mỹ và Tây Phi, gây sốt cao, viêm thận cấp tính, vàng da và xuất huyết, và do virus truyền từ muỗi đốt tên là Aedes aegypti gây ra, thường được gọi là Stegomyia fasciata; và viêm thận là hai quả thận bị sưng lên)

5. Hoa vàng (vì tôi bị dị ứng với phấn hoa, là một trong ba loại dị ứng, và hai loại kia là do phấn cỏ và phấn nấm, và nó làm tôi cảm thấy khó ở)

6. Ngô ngọt (vì nó theo mìn của ta đi ra vì ta không tiêu hóa được do đó ta thật sự không nên ăn ngô ngọt, cũng như cỏ và lá cây)

MÀU NÂU

1. Đất

2. Nước xốt

3. Mìn

4. Gỗ (vì ngày trước người ta làm máy móc và xe cộ bằng gỗ, nhưng họ không làm nữa vì gỗ bị gãy mục và đôi khi có mọt, bây giờ người ta làm máy móc và xe cộ bằng kim loại và nhựa, tốt hơn và hiện đại hơn)

5. Melisa Brown (là một con bé trong trường, nó không thật nâu như Anil hay Mohammed, đó chỉ là tên của nó thôi, nhưng nó xé bức tranh lớn vẽ phi hành gia của tôi làm đôi và tôi đã vứt nó đi dù cô Peters đã lấy băng kéo trong dán lại vì nó trông rách quá)

Cô Forbes nói rằng ghét màu vàng và màu nâu thật là ngớ ngẩn. Và Siobhan bảo cô không nên nói những điều như thế và mỗi người có ý thức riêng về màu sắc. Và Siobhan nói đúng. Nhưng cô Forbes cũng hơi đúng. Vì chuyện đó cũng hơi ngớ ngẩn. Nhưng trong cuộc sống ta phải quyết định rất nhiều thứ và nếu ta không quyết định gì thì ta sẽ không bao giờ làm gì cả vì ta sẽ dùng tất cả thời giờ của mình vào việc chọn lựa xem mình có thể làm gì. Vì thế nếu có một lý do tại sao ta ghét một số thứ và thích một số thứ khác thì cũng tốt. Giống như trong một quán ăn như thỉnh thoảng Cha đưa tôi tới Berni Inn và ta xem thực đơn và phải chọn món mình muốn ăn. Nhưng ta không biết liệu mình có thích một món nào đó hay không vì ta chưa nếm nó bao giờ, vì thế ta có những món ưa thích và ta chọn những món đó, và có những món ta không thích và ta không chọn những món đó, và khi đó thì thật là đơn giản.

137. Hôm sau Cha nói ông xin lỗi đã đánh tôi và thật ra ông không có ý đó. Ông giúp tôi lau

vết xước trên má bằng Dettol để nó khỏi bị nhiễm trùng, rồi ông dán thuốc cao lên để nó khỏi chảy máu.

Rồi vì hôm nay là thứ Bảy, ông nói sẽ đưa tôi đi du ngoạn để cho tôi thấy là ông thành thật xin lỗi, và chúng tôi sẽ đi sở thú Twycorss. Vì thế ông làm sandwich cho tôi với bánh mì trắng và cà chua và rau diếp và giăm bông và mứt dâu cho tôi ăn vì tôi không thích ăn thức ăn ở những nơi mà tôi không biết. Và ông nói sẽ ổn thôi vì dự báo thời tiết bảo hôm nay có mưa nên sẽ không có quá nhiều người ở sở thú, và tôi mừng vì tôi không thích đông người và tôi thích trời mưa. Vì thế tôi đi lấy áo đi mưa của mình, nó màu cam.

Rồi chúng tôi lái đến sở thú Twycross.

Trước kia tôi chưa bao giờ đến sở thú Twycross vì vậy tôi không có lộ trình làm sẵn trong đầu trước khi chúng tôi đến đó, thế nên chúng tôi mua một cuốn sách hướng dẫn ở phòng thông tin rồi chúng tôi đi bộ loanh quanh khắp sở thú và tôi chọn những con thú ưa thích của mình.

Những con thú ưa thích của tôi là:

1. RANDYMAN, là tên con Khỉ Nhện Đen Mặt Đỏ (Ateles paniscus paniscus) già nhất được nuôi trong chuồng từ xưa đến nay. Randyman bốn mươi tư tuổi, bằng tuổi Cha. Nó vốn là thú nuôi trên một chiếc tàu và có một cái đai kim khí quanh bụng, như trong truyện hải tặc.

2. ĐÔI HẢI CẨU PATAGONIA, tên MiracleStar.

3. MALIKU, là một con Oranguta. Tôi đặc biệt thích nó là vì nó nằm trên một cái giống như võng làm bằng một chiếc quần ngủ sọc xanh lá cây và tấm bảng nhựa xanh cạnh chuồng bảo là cái võng ấy nó tự làm lấy.

Rồi chúng tôi đi tới quán ăn và Cha gọi món cá bơn sao và khoai rán và bánh táo và kem với một ấm trà Earl Grey còn tôi ăn cái sandwich của mình và đọc cuốn sách hướng dẫn về sở thú.

Và Cha nói: “Cha yêu con lắm, Christopher. Đừng bao giờ quên nhé. Và cha biết thỉnh thoảng cha có mắng mỏ con. Cha biết cha tức giận. Cha biết cha la hét. Và cha biết mình không nên làm như vậy. Nhưng cha làm thế chỉ vì cha lo lắng cho con, vì cha không muốn thấy con gặp rắc rối, vì cha không muốn con buồn khổ. Con hiểu không?”

Tôi không biết mình có hiểu hay không. Vì thế tôi nói: “Con không biết.”

Và Cha nói: “Christopher này, con có hiểu là cha yêu con không?”

Và tôi nói: “Có,” vì yêu ai đó nghĩa là giúp họ khi họ gặp rắc rối, săn sóc họ và nói sự thật cho họ, và Cha thì săn sóc tôi khi tôi gặp rắc rối, tỉ như tới sở cảnh sát, và ông săn sóc tôi bằng cách nấu ăn cho tôi, và ông luôn luôn nói với tôi sự thật, vậy nghĩa là ông yêu tôi.

Và khi ấy ông giơ tay phải lên và xòe các ngón tay ra thành cái quạt, và tôi cũng giơ tay trái lên và xòe các ngón tay ra thành cái quạt và chúng tôi chạm các ngón tay và ngón cái vào nhau.

Rồi tôi lấy một tờ giấy trong túi ra vẽ bản đồ sở thú từ trí nhớ như để kiểm tra. Tấm bản đồ như thế này.

Rồi chúng tôi đi xem hươu cao cổ. Và mùi mìn của chúng giống như mùi bên trong chuồng chuột nhảy ở trường hồi chúng tôi có chuột nhảy, và khi chúng chạy chân của chúng dài đến nỗi trông như chúng đang chạy dưới ống kính quay chậm.

Rồi Cha nói chúng tôi phải ra về trước khi đường đông.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3