Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 22 - 23 - 24 - 25

Tết đến

Cứ nói đến Tết, trong lòng tôi lại man mác buồn. Không chỉ vì cứ đến Tết, tiền trong túi lại vơi bớt đi nhiều, mà điều đau khổ hơn là mỗi một năm lại chất chồng thêm một tuổi. Cái tuổi nó đuổi xuân đi, mỗi khi xuân về là lại phải cộng thêm một tuổi, không thể nào bám mãi vào đầu “hai” được nữa. Năm 29 tuổi, dù tôi sinh tháng Năm và từ đó đến tháng Mười một đương nhiên tôi vẫn 29 tuổi, nhưng qua Tết thì không thể không thừa nhận mình đã 30 rồi. Cái tuổi không ai muốn cả, nhưng không thể nào tránh được? Đây đúng là cái mốc đánh dấu rất nhiều điều trong đời người phụ nữ.

Mỗi năm Tết đến tôi lại về quê, còn mẹ chồng lại muốn tôi làm cái giấy thông hành Hồng Kông - Ma Cao để đến Hồng Kông ăn Tết với gia đình. Đầu tiên tôi cũng do dự, nhưng cứ nghĩ đến khuôn mặt người mẹ lúc nào cũng hào phóng ban tặng bạn nụ cười mà không thể không cười đáp lại, và người chị bốn mươi mấy tuổi vẫn chưa lập gia đình, thì tôi lại thấy nổi cả da gà.

Cho nên cứ đến ngày hai mấy tháng Chạp hằng năm là tôi đáp máy bay vể quê. Mấy năm đầu thật thoải mái, mọi người đều biết tôi đi làm ăn ở xa, nên cũng chẳng trông mong gì nhiều (chỉ là những buổi tiệc bạn bè tụ tập, chút tiền mừng tuổi cho đám trẻ con họ hàng, hay quà cáp cho những bậc cao niên trong làng ngoài họ). Cho nên có hai năm liền tôi chẳng phải mang gì về quê, trong lòng thật nhẹ nhõm. Nhưng đến năm thứ ba thì không thể thế được nữa, mọi người không còn cho rằng tôi là một cô học trò nhỏ nữa rồi. Những ông bố bà mẹ vừa nhìn thấy tôi là đẩy đám con cái của họ ra và nói theo: “Cô vừa ở Thâm Quyến về đấy, con xem, cô xinh đẹp biết bao. Con ra chúc Tết cô đi.”

Tôi chẳng phải kẻ mặt dày mày dạn, nên tôi ngại phải nghe những lời nói tốt lành của người khác lắm, kiểu gì cũng phải rút tiền ra thôi. Ở Thâm Quyến tôi ăn tiêu hoang phí quen rồi nên tôi không để ý cân nhắc xem nên mừng tuổi bao nhiêu là vừa phải. Nếu rút ra 100 thì mừng 100, nếu rút ra 50 thì mừng 50. Cho nên có năm chỉ riêng tiền mừng tuổi cho trẻ con tôi đã tiêu tốn mất hơn 2.000 tệ, hơn nửa tháng lương của tôi! Đến khi tính lại tôi xót hết cả ruột gan. Sau đó, mẹ tôi dạy tôi học theo cách của người Quảng Đông, đó là đặt tiền trong những bao lì xì, chỉ cần 10 tệ hoặc 20 tệ là ổn thỏa, cả một tập phong bao dày lắm cũng chỉ vài trăm tệ thôi. Nếu là người thân thiết thì mừng hai phong bao, cũng chỉ hết 20 tệ, còn nếu quan hệ bình thường thì chỉ cần mừng một phong bao là 10 tệ. Vừa đơn giản gọn nhẹ lại đẹp mắt, có điều tôi cứ cảm thấy như đang đi lừa tình cảm của người khác vậy. Cũng có lần tôi gặp phải tình huống dở khóc dở cười, khi mừng cho cô bé con một người chị họ xa một bao lì xì, nó thấy bao đẹp bèn bóc ra luôn, thấy chỉ là tờ 10 tệ thì nói với mẹ: “Mẹ ơi, chỉ có 10 tệ thôi, con chẳng thèm đâu.” Lúc đó chỉ muốn kiếm một cái lỗ nẻ mà chui xuống cho yên thân, tuy rằng người mẹ nghe thế thì giả lả cười, nói xí xóa, nhưng tôi thì cứ cảm thấy ngượng ngùng khó xử.

Vào năm mà chúng tôi quyết định mua nhà, Tết về quê, không hiểu tại sao mà bạn bè và người thân như hẹn hò trước vậy, lũ lượt kéo đến nhà tôi, đồng thanh ngợi khen, ca tụng tôi, nói rằng tôi tốt số, không những tìm được một công việc ngon lành ở Thâm Quyến, kiếm được một ông chồng người Hồng Kông mà còn mua hẳn được một ngôi nhà ở Thâm Quyến, chung cư cao cấp đàng hoàng! Một người bạn của mẹ tôi trợn đôi mắt cá vàng lên mà nói hùng hồn rằng: “Cô cứ luôn miệng kêu khổ ở đâu í, cứ nghĩ mà xem, một cô gái có chồng là người Hồng Kông, lại còn mua được cả căn hộ cao cấp ở Thâm Quyến, mà không bỏ ra được ít tiền mừng tuổi cho lũ trẻ con sao? Chút tiền ấy đáng gì?”

Tôi ngoài mặt cười vui vẻ, nhưng tay thì thò vào túi mẹ tôi để lấy tiền. Năm đó tôi mất 3.000 tệ chỉ cho việc mừng tuổi. Từ dạo đó, tôi chẳng trở về quê để ăn Tết nữa, có đánh chết tôi cũng chẳng về quê vào dịp Tết. Tôi chỉ về vào dịp nghỉ lễ dài ngày như Quốc tế Lao động 1-5, ngày Quốc khánh 1-10. Mua ít hoa quả, mang chút quà cáp (ví dụ những thứ vớ vẩn như kiểu hoạt huyết dưỡng não vậy, vừa đẹp vừa dễ che mắt thiên hạ). Mọi người vui vẻ, tôi cũng thoải mái.

Vào thời điểm từ mồng một đến mười lăm Tết là dịp tôi thu hoạch được nhiều. Không những có phong bì lì xì của Chủ tịch Hội đồng quản trị, mà còn có phong bao lì xì của những người đã có gia đình phải mừng tuổi cho tôi, ngoài ra lại còn đám bạn bè đồng nghiệp của ông xã nữa. Ở Thâm Quyến có một cái lệ, một đám người ngồi quanh bàn ăn, một người đàn ông trẻ tuổi rút ra một tập phong bao, phân phát cho những người đàn ông đàn bà bốn, năm mươi tuổi ngồi xung quanh, các bạn có biết tại sao làm sao không? Chỉ cần bạn chưa lập gia đình thì vĩnh viễn được coi là con trẻ, là được nhận lì xì, dù đã là ông bà già bảy mươi tuổi rồi cũng vậy. Còn chỉ cần bạn đã thành gia thất thì dù bạn mới 18 tuổi, bạn vẫn phải có nghĩa vụ mừng tuổi cho những người chưa lập gia đình trên bàn ăn. Tôi vẫn thường nói đùa với chồng rằng: “Chưa kết hôn thật là hay, chúng mình vĩnh viễn đừng kết hôn, thì vĩnh viễn vẫn được nhận phong bao!”

Lại còn mỗi năm mẹ anh ấy gửi cho tôi hai phong bao lì xì, một cái là của bà, cái kia là bà đưa hộ cho chồng (chính là bố chồng tôi), mỗi phong bao 100 đô la Hồng Kông, bao nhiêu năm nay vẫn y nguyên như vậy (không biết có phải bảo thủ quá không đây!).

Mùa đông

Thâm Quyến có thể nói là không có mùa đông đúng nghĩa. Một năm có bốn mùa nhưng không rõ rệt, khiến cho người ta cứ cảm thấy cả năm quanh quẩn chỉ có hai mùa hè, thu. Mùa đông chỉ cần xuống đến dưới mười độ là thấy lạnh lắm rồi, mà cũng chỉ xảy ra vào trước Tết, và chẳng kéo dài. Mỗi khi xuất hiện đợt rét lạnh như vậy, là các bản tin thời tiết trên các phương tiện truyền thông đại chúng treo ngay biển báo rét màu vàng, điều này khiền cho người phương Bắc cứ gọi là cười lộn cả ruột. Nghe nói có một năm nào đó, ở Hồng Kông có tuyết rơi, làm cho một số người chết cóng, trong đó đa số là người Quảng Đông. Nếu như họ chẳng bao giờ ra khỏi Quảng Đông thì chắc cả đời chẳng bao giờ biết đến tuyết rơi là như thế nào.

Ông xã tôi chính là kẻ ếch ngồi đáy giếng như vậy đấy, khi xem tivi hay phim ảnh thấy tuyết nhân tạo trong đó thì cứ tưởng là tuyết thật. Nghĩ rằng tuyết thật là thứ khô thốc, bám vào vai mãi chẳng thấy tan (làn đó anh ta thấy cảnh một nhân vật đi trên con đường đầy tuyết vào nhà ngồi bên bếp lửa sưởi mấy tiếng đồng hồ, tuyết bám trên người nhân vật đó chẳng thấy tan gì cả, nên anh ta cứ nghĩ tuyết thật là như vậy đấy). Có một năm, tự nhiên tôi nổi hứng, và vì cũng muốn để cho anh ta tận mắt biết thế nào là tuyết thật, tôi bảo anh ta xin nghỉ phép thêm mấy ngày nữa để cùng tôi về Giang Tây một chuyến cùng đón Tết.

Trước khi đi tôi đã bàn bạc với anh ta phải chuẩn bị cho thật chu đáo. Anh ta cần mua thêm áo lông, găng tay, tất dày, áo bông ấm, áo len. Anh ta thì tự tin mình còn trẻ và khỏe mạnh, chút lạnh giá chẳng thấm tháp gì, cứ cười tôi lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề. Tôi cũng thấy bình thường chẳng mấy khi thấy anh ta ốm đau gì, chắc chẳng là sao thật, cũng không thúc ép nữa, lại nghe lời anh ta bỏ bớt quần áo dày ra khỏi va li. Khi đi mua áo len tôi cứ muốn chọn chiếc thật dày thì anh ta lại muốn tìm chiếc mỏng, tôi đành kệ anh ta. Anh ta thấy tôi chẳng mua gì thì hỏi tại sao? Tôi nói ở nhà vẫn có áo dày sẵn rồi, hơn nữa bây giờ có mua cũng chẳng có mấy lúc mặc, cũng lãng phí. Anh ta thấy thế càng cho mình là đúng, nói: “Nếu đã thế em cũng chẳng cần mang nhiều quần áo lắm làm gì, nếu như ở đó có lạnh quá thì cùng lắm thì đi mua thêm vài chiếc mới, ở đó chắc không đến nỗi chẳng có siêu thị buôn bán đâu mà lo?”

Ra khỏi sân bay Xương Bắc ở Giang Tây, anh ta vẫn còn thoải mái, dễ chịu và không cảm thấy lạnh. Đi dọc con đường tuyết rơi lất phất, anh ta lại cảm thấy thích thú, vui vẻ hứng khởi như một kẻ đi đào vàng từ phương xa trở về quê hương. Đến khi đi taxi về đến nhà tôi, anh ta vẫn ba hoa với tôi về quyết định đúng của mình: “May mà không mua cái áo len dày đó nhé, may mà không mua cái đôi tất thô thiển ấy, may mà không vác cái quần bó dày đến kệch cỡm ấy”. Lúc đó tôi đâm ra nghi hoặc, hay anh ta là một người Hồng Kông ngoại đạo, bẩm sinh đã chẳng sợ lạnh? Còn tôi thì lạnh tê tái hết cả người. Tối hôm đó cả nhà cùng ăn cơm, anh ta còn từ chối không muốn ngồi gần bếp lửa, bố mẹ tôi nhiệt tình đưa thêm áo ấm bảo anh ta mặc, anh ta nhất định không mặc, dường như cái lạnh này chẳng thấm tháp gì với anh ta.

Sáng hôm sau, trông anh ta không còn được dễ chịu như hôm qua nữa. Anh ta nói dường như qua một đêm thì cả người bỗng trở nên lạnh không chịu đựng nổi, ngồi yên một chỗ mà chốc chốc lại mặc thêm quần áo vào người, cho tận đến khi cả người tròn vo như một bao tải cỏ, trông xấu xí, thô thiển hết cỡ. Dù ngồi ngay cạnh bếp lửa cũng cảm thấy khó ở, nếu quay mặt vào bếp thì lạnh cóng lưng, còn nếu giơ chân sưởi ấm thì tay lại đờ ra vì lạnh. Trưa đó chú tôi mời chúng tôi sang nhà ăn cơm, để sang đó phải đi bộ qua hai con phố, tuy tuyết đã ngừng rơi nhưng trên đường tuyết vẫn động lại từng đám. Anh ta rời khỏi bếp lửa tiến ra cửa, vừa mở cửa ra đã thốt lên: “Lạnh quá!” Rồi rụt cổ lại, chạy vào trong nhà mặc thêm một bộ quần áo nữa, đứng cạnh tôi sẵn sàng như một người lính sắp ra mặt trận. Khi đến được nhà chú tôi rồi thì mặt mày tím tái, người run lập cập, cầm đũa lên không gắp nổi thức ăn. Mà chú tôi đã đốt bếp sưởi dưới bàn ăn rồi đấy, vẫn không tài nào sưởi cho anh ta ấm lên được.

Khi về đến nhà bố mẹ tôi, anh ta chui ngay vào giường trùm đến mấy tầng chăn, lại thêm hai tấm thảm lông nữa. Chúng đè xuống khiến anh ta ngộp thở nhưng vẫn ngủ một hơi đến tận sáng hôm sau, tay chân đã đông cứng lại (lúc đó chúng tôi vẫn chưa kết hôn, theo phong tục của quê tôi thì những đôi chưa kết hôn về nhà ngoại không được ngủ cùng). Anh ta dậy chẳng dám đi đâu, cứ ngồi ì bên bếp lửa mà sưởi. Tôi rỗi hơi ngồi trêu chọc anh ta: “Không phải anh nói chút lạnh giá này chẳng nhằm nhò gì với anh ư? Anh xem dì em gọi chúng mình sang nhà dì ăn cơm rồi đấy, lại còn một người bạn cũ của em cũng muốn mời cơm chúng mình, lại còn chị họ em nữa...”

Với tất cả những lời mời như vậy anh ta lắc đầu tuốt tuột, chỉ hỏi đi hỏi lại: “Quê em kiểu quái gì thế nhỉ? Sao lại lạnh đến mức này chứ? Em nhớ theo dõi dự báo thời tiết xem ngày mai có ấm lên chút nào không?”

Nhưng thời tiết lại chẳng chiều lòng anh ta, mười ngày ở chơi nhà tôi, anh ta chỉ đến nhà chú tôi ăn cơm một lần, còn lại là nằm trùm chăn trên giường hoặc là sưởi ấm bên bếp lửa. Dù tôi có dùng cách gì để dụ dỗ cũng chẳng ăn thua, chưa đi đến cửa răng anh ta đã đánh lập cập rồi.

Thành quả đáng kể nhất của chuyến đi về quê lần ấy là: Sau mười ngày chúng tôi trở về Thâm Quyến, anh ta đã gầy đi được sáu cân, nghĩ kĩ lại anh ta chẳng phải nhịn ăn mà cũng chẳng phải lao động gì vất vả cả, chỉ là vì lạnh quá mà gầy đi thôi. Sau này mỗi khi thấy bụng anh ta phì đại ra là tôi lại vừa cười vừa nói: “Về nhà em ăn Tết đi anh.”

Anh ta lắc đầu quầy quậy: “Có đánh chết anh cũng chẳng về đấy đâu, nếu vào mùa xuân, hạ hay thu thì còn tạm được.”

Vay tiền

Chúng tôi đều là những người thật thà chẳng bao giờ dám làm chuyện lừa lọc, trộm cắp nọ kia. Nếu như chúng tôi muốn mua thứ gì đó tương đối xa xỉ thì cũng phải tính toán kĩ lưỡng, lên kế hoạch chặt chẽ mới dám mua. Khi việc vay tiền giữa tôi và bạn bè anh ta xảy ra, tôi có cơ hội hiểu rõ hơn về nguyên tắc làm việc của người Hồng Kông và phong cách làm việc của người đại lục.

Hôm đó là thứ bảy, anh ta nhận được điện thoại của một người bạn. Người bạn đó ở gần ga tàu điện La Hồ, đã lấy vợ và sinh con rồi thuê một ôsin trông trẻ. Tối qua, hai vợ chồng đi chơi về thì phát hiện ôsin đã lấy cắp toàn bộ tiền lương tháng vừa lĩnh của anh, lại còn tiện tay trộm luôn mấy món đồ trang sức, điều may mắn nhất là đứa con trai 8 tháng của hai vợ chồng vẫn bình an vô sự. Tiền lương đó anh vừa lĩnh hôm kia, vợ anh ở nhà nội trợ không đi làm, tất cả chi phí cho gia đình đều trông cả vào đó. Tiền chi tiêu tháng này chẳng biết trông vào đâu nữa, anh ấy mới nghĩ đến chúng tôi. Trước đây, chúng tôi nhiều lần đi ăn cơm với nhau, nên chồng tôi không do dự cho anh ấy vay luôn 8.000 tệ, vợ chồng nhà họ vô cùng cảm ơn rồi hứa đến tháng sau lĩnh lương sẽ trả.

Trên đời sao lại có việc trùng hợp ngẫu nhiên như vậy, điện thoại bên kia chưa cúp thì di động của tôi đã réo lên rồi. Đó là một người bạn cùng quê, có mở một công ty sản xuất linh kiện điện tử gì đó ở Thâm Quyến; hiện nay, anh ta đang gặp khó khăn về tài chính do vốn quay vòng quá chậm nên anh muốn tôi giúp đỡ. Nhưng anh ta chẳng đi ngay vào vấn đề mà đầu tiên hàn huyên với tôi một thôi một hồi, rồi sau đó úp mở nói với tôi là sao nhiều năm nay anh ấy vẫn thầm thương trộm nhớ tôi. Rồi cuối cùng mới nhắc tới khó khăn tài chính của mình, bạn nghĩ mà xem, có người con gái nào không có chút cảm tình với người con trai thầm yêu mình đơn phương lặng lẽ? Hơn nữa, anh chàng đó lại đẹp trai, phong độ, ai nhìn cũng mê! Tôi hơi chần chừ do dự một chút (bởi lúc đó tôi chẳng còn chút tiền nào nữa, tất cả tiền tiết kiệm đã bỏ ra mua nhà rồi. sau này tuy lương đã tăng lên kha khá, nhưng với thói quen ăn tiêu hoang toàng của tôi thì chẳng bao nhiêu là đủ cả). Cuối cùng tôi cũng đồng ý gom cho anh ta 5.000 tệ, anh ta cũng hứa tháng sau sẽ trả.

Ngày thánh trôi đi sao mà chậm chạp, bởi hai vợ chồng đều không còn tiền nên cuộc sống trở nên bức bối không chịu nổi. Chờ mãi rồi cũng hết một tháng, đã đến ngày hẹn trả tiền của bạn bè. Đầu tiên, người bạn Hồng Kông gọi điện cho chồng tôi, nói rằng hôm nay sẽ trả tiền cho chúng tôi. Tối đó anh ta mời chúng tôi một bữa thịnh soạn, khiến chúng tôi cảm thấy ngại. Cơm no rượu say, về đến nhà chồng tôi hỏi: “Thế còn bạn của em? Chẳng phải đã nói là trả tiền cho em ư? Sao chẳng gọi lấy một cú điện thoại?”

Tôi nói: “Không sao, anh ta là người biết giữ chữ tín, bây giờ muộn rồi, ngày mai anh ấy sẽ gọi điện.”

Chồng tôi không nói gì, nhưng trong lòng tỏ ra nghi hoặc. Ngày thứ Hai, ngày thứ Ba, cứ thế đến hôm thứ Bảy chẳng thấy bên kia gọi lấy một cú điện. Tôi cảm thấy mình như bị lừa và làm nhục vậy. Lúc vay tiền thì hứa hẹn, còn nói thầm yêu tôi nữa chứ, sao đến ngày hẹn trả tiền chẳng gọi lấy một cú điện thoại? Chồng tôi nói anh ta đã không chủ động gọi điện cho mình thì mình nên gọi lại hỏi han thử xem. Tôi cho rằng gọi điện như vậy rõ ràng là có ý thúc giục người ta trả cho mình, sẽ làm cho người ta mất mặt mà mình cũng ngại, cứ để cho người ta gọi trước.

Lại một tuần nữa trôi qua, tôi không thể nhịn được nữa bèn gọi điện thoại cho anh ta, không ngờ máy tắt. Hôm sau tôi lại gọi thì máy báo bận, đợi một lát tôi gọi lại thì máy tắt. Cuối cùng đến hôm thứ ba mới tóm được thì anh ta nói đã về Giang Tây lâu rồi, muốn trả tiền cho tôi cũng không thể mang đến được nên anh ta hẹn một thời gian nữa khi trở lại Thâm Quyến sẽ trả cho tôi.

Tôi đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà cúp máy. Gần một tháng trôi qua, tôi lại gọi điện thoại cho anh ta, anh ta nói hiện đang đi công tác, không thể trả tiền cho tôi được. Đến tháng thứ tư, qua một người bạn đồng hương khác tôi mới biết thực ra anh ta vẫn đang ỏ Thâm Quyến. Gọi cho anh ta thì anh lại nói vốn bị ứ đọng, nài nỉ tôi đợi một thời gian nữa hẵng đòi nợ anh ta. Tôi tức điên lên, lại ngại chồng tôi cười người đại lục không giữ chữ tín, đành phải nói dối chồng là số tiền đó bạn tôi trả rồi. Cuối cùng, phải đến ba năm sau tôi mới đòi được nợ, tất cả là nhờ một lần mẹ tôi đến hiệu làm đầu để cắt tóc, thấy anh ta đang dương dương tự đắc tán hươu tán vượn ở đó. Mẹ tôi vốn đã biết chuyện anh ta vay tiền tôi, nên kiên quyết chẳng nể nang gì đòi tiền anh ta trước mặt bao nhiêu người. Vì trước mặt đông người khiến anh ta cũng ngại, đành nói là không mang theo người nhiều tiền mặt như vậy. Anh ta tỏ ra rất phóng khoáng kí luôn một tấm chi phiếu 5.000 tệ đưa cho mẹ tôi, nhưng với vẻ cao ngạo đắc ý như một ông chủ bố thí tiền từ thiện cho người nghèo vậy, chứ không phải là con nợ trả tiền cho chủ nợ, làm cho mẹ tôi tức điên người. Mẹ tôi về nhà gọi điện kể cho tôi nghe, lúc ấy tôi đang ở Thâm Quyến vừa nghe mà tức đến muốn hộc máu mũi, tôi thề là sau này nếu không phải thân thích hoặc bạn bè chí cốt thì chẳng bao giờ cho vay một xu nào.

Quà tặng

Tôi đã từng kể cho các bạn nghe rồi đấy, chồng tôi là một kẻ chẳng biết thế nào là lãng mạn. Chỉ cần nói đến mỗi việc anh ta chẳng bao giờ chủ động tặng quà thôi đã đủ biết anh ta là kẻ như thế nào, bao nhiêu năm chung sống với nhau, số quà tôi nhận được từ anh ta chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm đầu tiên mới quen nhau, sinh nhật tôi anh ta đưa tôi đi ăn món cua rang cay giòn. Khi đang đi trên đường trông thấy một đôi âu yếm tình tứ đi bên nhau, trong tay cô gái là một bó hồng nhung, anh hỏi tôi: “Em có thích hoa không? Nếu em thích anh sẽ mua cho em?”

Tự nhiên tôi nổi cơn bực tức vô cớ, nếu anh mua thì tôi sung sướng quá còn gì bằng, anh hỏi thẳng tôi như vậy thì còn gì hay nữa? Tôi im lặng không nói gì cả. Lúc đi qua tiệm bán đồ mĩ nghệ, chẳng biết tại sao tự nhiên anh lại nảy ra một ý, bảo tôi đứng đợi, rồi anh vào mua một chú thỏ bông to hơn nửa người lớn ấy. Tuy rằng tôi ưng chú gấu chó nhỏ trong cửa hàng hơn, nhưng không nỡ làm anh mất hứng nên tôi cố tỏ ra là rất thích.

Lần thứ hai anh mua quà tặng tôi là vào dịp Tết năm đó. Tôi từ quê trở lại Thâm Quyến. Lúc đó chúng tôi vẫn ở nhà thuê, tôi vừa chân ướt chân ráo vào nhà chưa kịp cất đồ, tắm táp gì cả, anh ta lôi ra một chiếc hộp được gói rất đẹp, có vẻ bảo tôi hãy mở hộp ra xem. Rồi anh ta ra vẻ thản nhiên xem tivi, mặt tỏ vẻ thờ ơ nhưng tôi biết trong lòng anh đang chờ đợi một câu cảm ơn thật lòng của tôi. Tôi mở hộp ra xem, trong đó là một sợi dây chuyền vàng, mặt của dây chuyền có khắc chữ “Tình”. Thực sự tôi chưa bao giờ nhận một món quà tầm thường đến vậy, lại khắc chữ “Tình” mới chán chứ. Sao anh không chuyển nó thành “Yêu” có hơn không? Chán quá! Nhưng tôi không muốn giội nước lạnh vào tấm lòng nhiệt tình quan tâm của anh, điều đó sẽ khiến anh mất hứng mà chẳng mua gì nữa, nên tôi tỏ ra rất thích thú bảo anh hãy đeo nó vào cổ cho tôi. Chỉ vài hôm sau tôi cố tình làm đứt sợi dây, lại trách anh mua phải thứ vàng rởm, mới đeo mấy ngày đã đứt. Anh ta ngượng quá, nói tôi đưa lại cho anh ta đem đến cửa hàng vàng bạc đó ở bên Hồng Kông để sửa lại. Tôi nói không cần đâu, đễ sau hẵng hay. Anh ta nghe vậy cũng mừng vì đỡ vất vả nên cũng chẳng quan tâm đến việc này nữa.

Lần thứ ba anh ta tặng tôi một chiếc giá sách, đây là món quà mà tôi thích nhất trong những thứ mà anh ta đã tặng. Trước khi mua nhà, tôi toàn cất sách vào va li hoặc ngăn kéo. Sau khi mua nhà rồi chúng tôi vẫn còn một lô sách không biết để vào đâu. Một hôm anh ta được nghỉ làm, tôi bảo anh ta rỗi rãi thì giúp tôi sắp sếp đống sách rồi tiện thể gọi nhân viên dọn dẹp đến lau dọn lại nhà luôn, anh ta đồng ý. Khi tôi đi làm về thấy chiếc giá sách mới trong nhà, tuy rằng chỉ để được hơn hai trăm cuốn, nhưng trước một cái giá sách rất đẹp và gọn gàng, tôi rất ưng ý.

Còn việc tôi tặng quà cho anh ta thì đúng là tặng lần náo mất hứng lần ấy. Lần đầu tiên, vào hôm Chủ nhật tôi đi dạo phố với đồng nghiệp, trong lòng vui phơi phới nên quyết định mua tặng anh ta chiếc áo phông màu đen giá hơn 200 tệ, cũng tương đối xa xỉ đấy chứ? Mang về, háo hức nghĩ rằng anh ta sẽ sung sướng đến độ mừng rối rít, tôi còn nhẩm thầm trong bụng sẽ trả lời anh ta thế nào khi được cảm ơn, không ngờ anh chỉ nhìn một cái, rồi thờ ơ nói: “Sao em lại mua chiếc áo này? Anh không ưng màu đen đâu.” Tôi vừa nghe đã tức lặng cả người, hôm sau tôi đem nó cho phắt một cô bạn đồng nghiệp để cô ấy đưa cho chồng cô ấy mặc.

Lần thứ hai tôi mua cho anh ta một chiếc quần bò, lúc đó hãng quần bò này đang giảm giá, mọi người đổ xô vào chọn mua như tranh cướp. Tôi thấy vậy cũng lao vào lôi ra được một cái, trả tiền xong mới chợt nghĩ ra chồng tôi thường không thích những món quà tôi mua nhưng chẳng thể trả lại hàng được nữa. Mang nó về nhà, chỉ mong anh ta sẽ thích kiểu dáng của nó. Không ngờ anh ta chẳng buồn mở ra, nói luôn rằng: “Anh chẳng thích quần bò hãng này.” Lúc đó tôi tự thề với mình rằng cả đời này sẽ chẳng bao giờ mua cái gì cho anh ta nữa.

Lần thứ ba thì hoàn toàn ngẫu nhiên, đó là lần tôi đi du lịch ở Vân Nam, tôi tự hỏi người bạn đồng hành nên mua gì cho chồng bây giờ? Cô ấy bảo tôi rằng đã đến Vân Nam thì nên mua thuốc lá vì thuốc lá Vân Nam rất nổi tiếng. Tôi mua một tút thuốc Hồng Tháp Sơn, trong lòng nghĩ mua quần áo anh ta không thích thì mua thuốc lá chắc anh ta cũng phải hút thử chứ. Nếu như không thích thì có thể mang tặng ai đó. Không ngờ anh ta vừa nhìn thấy tút thuốc tôi đưa đã nói ngay: “Anh không hút thuốc hiệu này đâu. Em gửi nó cho bố em ấy.”Lúc đó tôi độp luôn vào mặt anh ta: “Nếu sau này tôi còn mua đồ cho anh nữa thì tôi là đồ con lợn.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3