Yêu hay không yêu cũng mặc - Chương 26 - 27 - 28 - 29

Bị cướp

Chuyện cướp bóc trấn lột ở Thâm Quyến đúng là xảy ra như cơm bữa. Một người bạn của tôi vừa ta ca đi bộ một mình trên chiếc cầu vượt gần nhà ga La Hồ để đến Bố Cát. Đột nhiên, một người đàn ông lao đến giật luôn chiếc túi xách của cô ấy. Kẻ cướp chạy lâu rồi mà cô vẫn chưa hoàn hồn. Sau đó mới chợt nhớ ra rằng tất cả giấy tờ đồ đạc cô đều để trong túi. Cô gái đáng thương đó khi gặp tôi còn nói: “Tôi nhìn thấy kẻ đó trèo qua tường, tôi đứng đợi ở đó mãi hi vọng kẻ đó có lương tâm mang trả lại giấy tờ, thẻ cư trú, thẻ ngân hàng và các chi phiếu cho tôi...”

Đúng là đồ đầu bò, nếu có lương tâm thì đã chẳng đi làm kẻ cướp. Cô đã lăn lộn ở đất Thâm Quyến này mười mấy năm rồi sao vẫn còn suy nghĩ ngây thơ, ấu trĩ như vậy chứ?

Cô ấy bị cướp đánh nhưng đến ông chồng tôi cũng còn bị cướp. Có lẽ do người Hồng Kông có phong cách ăn mặc riêng biệt nên rất dễ nhận ra trong đám đông. Ví dụ, người Hồng Kông rất thích mặc đồ hơi bụi, bên trong mặc một chiếc áo phông cộc tay, bên ngoài mặc chiếc áo khoác nhẹ, quần bò, và khoác túi du lịch. Ở ga La Hồ nghe nói có mấy băng trộm cướp chuyên nhắm vào đối tượng là người Hồng Kông. Bọn chúng cho rằng người Hồng Kông thường phản ứng rất chậm chạp lại chẳng hề tin tưởng cảnh sát đại lục, nếu có bị cướp cũng ít khi phản kháng hoặc trình báo công an chứ không như những người dân đại lục nghèo khó thà mất mạng chứ nhất quyết phải giằng lại túi xách của mình, dù trong đó chỉ có 100 tệ.

Lần đầu tiên ông xã tôi bị cướp là ở gần nhà ga La Hồ. Hôm đó, anh ta làm thêm ca nên về nhà rất muộn. Khi chuẩn bị bắt taxi để về nhà bỗng nhiên hai kẻ lạ mặt xông đến lăm lăm con dao nói thẳng rằng muốn bảo toàn mạng sống thì phải đưa chúng ví tiền. Anh lại để ví tiền ở túi quần sau, bởi quá sợ hãi nên lóng ngóng mãi không rút ví ra được. Bọn chúng giật đứt chiếc dây chuyền trên cổ anh, rồi lật tay áo xem có lắc tay hay đồng hồ gì không. Cuối cùng anh cũng rút được ví ra, một tên giật lấy điềm nhiên lấy toàn bộ tiền mặt trong đó rồi trả lại ví cho ông xã tôi. Lần đó mất hơn 5.000 tệ tiền mặt, may mà người không bị làm sao, giấy tờ vẫn còn nguyên. Chính điều này lại khiến cho ông xã tôi có cảm tình với bọn trộm cướp của đại lục, dường như việc chúng bỏ lại giấy tờ cho anh ta là một hành động từ thiện cao cả vậy.

Lần thứ hai bị cướp thì không may mắn như vậy. Từ lần đầu tiên bị cướp, chồng tôi chỉ mang trong người không quá 2.000 tệ. Lần này, anh ta uống rượu với mấy người bạn Hồng Kông rồi một mình trở về. Đang đứng bắt taxi đột nhiên có mấy kẻ xông tới, khoảng năm, sáu tên cùng lúc xông vào đánh cho anh ta một trận. Đương nhiên là cúng lột sạch toàn bộ số tiền anh ta mang theo người, nhưng thấy chỉ có hơn 1.000 tệ thì tức điên lên. Chúng bắt anh ta cầm thẻ đến cột ATM gần đó rút tiền mặt ra. Anh ta trở về kể lại với vẻ mặt vô cùng sợ hãi, anh tưởng mình là một miếng thịt bị kẹp giữa bao nhiêu con người, chẳng thể mở miệng tri hô được nữa. Hơn nữa, lúc đó đã khuya, chẳng có ai dám to gan mà đương đầu với năm, sáu thằng to con. Thảm thương hơn, sau khi ăn no đòn trở về, trên người chẳng còn lấy một xu, ngay cả tiền taxi cũng là do tôi trả cho. Sau lần bị cướp này, anh ta không còn khen bọn trộm cướp đại lục có “đạo đức nghề nghiệp” nữa, cũng không bao giờ dám đi xa uống rượu đến tận khuya mới về.

Lần thứ ba bị cướp cũng là đáng khiếp. Có một lần tôi đi công tác, anh ta nói ở nhà chán quá, nên đi hát karaoke ở bar Long Tường gần thôn Hoàng Cảng (tôi không biết lần đó anh ta có gọi em út không, nhưng dù đần độn đến đâu cũng thừa hiểu rằng bọn đàn ông chẳng thật thà gì. Tôi vốn chẳng để ý chuyện này. Cứ nghĩ tới việc anh ta không giấu giếm chuyện trước khi đến với tôi, cứ một tuần anh ta lại đi gái một lần, thì tôi chẳng còn trông mong gì vào sự chung thủy của anh ta nữa). Khi trở ra bị ba kẻ lạ mặt vây lấy, nói rằng chiều nay anh ta massage chân ở thẩm mĩ viện gần đấy mà chưa trả đủ tiền. Ngày hôm đó, anh ta không hề đi thẩm mĩ viện massage gì cả, nên thành thật trình bày, thử hỏi lúc đó làm gì có ai thèm nghe anh ta giải thích nhì nhằng? Bọn chúng rút ví tiền của anh ta ra, lấy sạch tiền mặt ở trong đó, lấy luôn cả chiếc di động rồi thản nhiên bỏ đi.

Từ đó, anh ta căm ghét Thâm Quyến mỗi khi đêm về, căm hận luôn cả bọn người Tứ Xuyên (vì mấy lần anh ta bị cướp đều nghe chúng nói giọng Tứ Xuyên. Trước đây anh ta hay đến các hộp đêm, gặp nhiều cô gái Tứ Xuyên nên nhận ra khẩu âm vùng này.) Sau này, nhiều tối rảnh rỗi, tôi hay đùa anh ta: “Có đi chơi hộp đêm không?”

Có đến một tháng liền anh ta cứ nghe câu đó của tôi là mặt mũi biến sắc như sắp bị ai đó áp giải ra pháp trường vậy.

Bị trộm

Trộm và cướp như là anh em sinh đôi đi đâu cũng có nhau. Mà tôi còn nghe mọi người nói, những người đã tường bị trộm thì cũng đã từng bị cướp, người bị cướp cũng đã từng bị ăn trộm.

Tôi xin kể cho các bạn nghe một chuyện mà chính tôi được mắt thấy tai nghe. Có một lần tôi hẹn ba người bạn gái đến quá rượu Bản Sắc ở Cửa Đông, bởi hôm đó có một buổi diễn cảu các ca sĩ lớn. Chúng tôi khó khăn lắm mới nhờ bạn bè kiếm được vé vào cửa.

Khi xe đến nơi, cô bạn A ngồi gần cửa nhất nên xuống trước, rồi đến cô B, tôi xuống sau cùng. Cô bạn A lục túi lấy ví, nói rằng muốn mua mấy chiếc kẹo cao su ở cửa hàng gần đó, không ngờ tìm mãi chẳng thấy ví đâu cả. Lúc đó, tôi vội vàng ngăn tài xế không cho lái chiếc xe đó đi. Mấy người chúng tôi lật tung tất cả những gì có thể lật được để tìm lại ví: ghế sau, ghế trước, cốp xe, ngay cả hộp đựng giấy ăn cũng lật ra kiểm tra, vẫn không tìm thấy ví đâu. Người lái xe nói với cô bạn A: “Cô nghĩ kĩ lại xem, khi cô mở cửa xuống xe có phải có người tự nhiên đứng sát vào cô ra vẻ giả vờ muốn lên xe này, người đó nhất định là kẻ trộm.”

Cô bạn A suy nghĩ một lúc, cảm thấy hình như đúng là vậy, nhưng có nói thầm với tôi có lẽ ví tiền vẫn còn ở trên xe, bởi cứ cho kẻ kia là ăn trộm cũng không thể thần tốc chỉ trong nháy mắt lúc cô mở cửa xuống xe mà đã lấy được ví của cô. Thế là cô gọi điện trình báo cảnh sát. Cảnh sát nhanh chóng đến hiện trường, mang theo cả xe chuyên dụng và máy móc nữa, thật là hoành tráng. Ghi chép lấy khẩu cung mất đến nửa tiếng đồng hồ. Mấy người cảnh sát lại một lần nữa lật tung chiếc xe lên cũng chẳng tìm được manh mối nào. Đành phải lập hồ sơ ghi lại biển số xe, đặc điểm vật bị mất… Lại mất thêm hai tiếng, buổi biểu diễn cũng sắp kết thúc. Cô bạn A mặt mày nhăn nhó nói: “Thật đen đủi, đi đứng thế này thật hết cả hứng rồi, do tên trộm đáng ghét mà ra cả.”

Đương nhiên, bạn đừng hi vọng gì nhiều vào chuyện tìm ra chiếc ví, bởi những án như thế này mãi mãi là “án treo”, chẳng bao giờ kết thúc được. Tôi xin kể tiếp chuyện chồng tôi bị mất trộm. Chẳng biết từ lúc nào, có lẽ là sau khi mua nhà, anh ta cũng học theo phong cách người Hồng Kông đến sống ở đại lục, là từ nhà ga La Hồ đi xe bus về nhà. Một lần đi xe bus có thể tiết kiệm được hơn 50 tệ. Lần đầu tiên bị trộm anh ta cũng không nhớ chính xác là lúc nào, chỉ nhớ là lúc đi qua cửa khẩu còn gọi điện cho một người bạn, lên xe rồi thì gà gật ngủ thiếp đi mất một lúc. Khi xuống xe sờ túi tìm điện thoại để gọi cho tôi thì chẳng thấy đâu nữa.

Lần thứ hai thì anh ta nhớ rất rõ ràng, cũng đúng lúc tan sở từ ga La Hồ lên xe bus để về. Anh ta vừa nháy thẻ xong, (đi xe bus có thể dùng thẻ giao thông IC trả trước để thanh toán từng lần một) thò tay vào túi tìm điện thoại di động thì đã chẳng thấy đâu nữa, cả quá trình diễn ra không đến một phút. Thấy rất nhiều người đang nhìn mình, anh ta liền đoán rằng họ đã nhìn thấy anh bị móc túi như thế nào. Có người đưa ánh mắt nhìn ra đâu đó bên ngoài xe, anh cũng nhìn theo ra thấy một người trên tay ôm một chiếc áo đang vội vã bỏ đi. Anh ta thấy phía trước là nơi đông người, dù cho mình có đuổi theo cũng không chắc chắn là đuổi kịp; dù có đuổi kịp cũng không chắc chắn là tang vật nằm trên tay hắn, dù là tang vật nằm trên tay hắn cũng không rõ là hắn có bao nhiêu đồng bọn, đành phải tự coi mình là xui xẻo, im lặng ngoan ngoãn trở về nhà, trong lòng tự rủa thầm đáng lẽ không nên tiết kiệm chút tiền taxi mà mất đi chiếc điện thoại di động. Một chiếc điện thoại NOKIA hơn 3.000 tệ, phải đi xe bus bao nhiêu lần mới tiết kiệm đủ đây?

Để tiết kiệm tiền mua chiếc điện thoại mới, anh ta vẫn tiếp tục đi xe bus. Lần này, kẻ trộm không nể nang gì, móc luôn chiếc điện thoại anh ta mới mua được ba hôm. Lúc đó, anh ta còn chưa hiểu hết tính năng của chiếc điện thoại mới này. Anh ta phẫn uất hạ quyết tâm không tiết kiệm tiền taxi nữa. Thế nhưng vận đen luôn đuổi theo anh ta. Một lần, cùng đám bạn đi taxi đến một trung tâm giải trí để chơi bowling, anh ta lại làm rơi di động trên taxi, đương nhiên anh ta cũng chẳng thể nào nhớ nổi biển số xe. Năm đó tôi đặt cho anh một cái tên để anh ta nhớ: Năm lần làm mất điện thoại.

Sau lần đó, tôi hỏi anh ta: “Vậy sau này anh định đi xe bus hay là đi taxi đây?”

Anh ta lườm tôi một cái: “Gặp cái gì đi cái đó thôi, nếu vận đã đen thì chẳng tránh được đâu.”

Khóa trái cửa

Tôi không biết người phụ nữ khác có từng giở cái thủ đoạn này ra không, còn tôi đã phải lôi ra áp dụng mấy lần đấy, đó là khóa trái cửa nhốt chồng ở ngoài trời giữa đêm.

Việc là thế này: Vào một ngày thứ Bảy, anh ta cùng đám đồng nghiệp đi uống rượu, tôi ở nhà trằn trọc không sao ngủ được, chờ mãi chẳng thấy về. Tức lộn cả ruột tôi đành cố định thần để dỗ giấc ngủ, vừa mới chợp mắt thì anh ta dẫn xác về, nồng nặc mùi rượu. Mà đáng ghét nhất là khi say xỉn rồi thì đầu óc trở nên lơ mơ, không rõ đang là ngày hay đêm, cũng chẳng cần biết cảm giác của người khác như thế nào, anh ta cứ ngồi ở đầu giường mà lảm nhảm lè nhè. Các bạn nghĩ thử xem lúc đó tôi điên tiết thế nào, anh ta nói một câu tôi cãi lại một câu, anh ta nói hai câu tôi đốp lại ba câu, chẳng thèm chú ý đến bây giờ là đêm hôm khuya khoắt mọi người đều đã đi ngủ hết. Anh ta đương nhiên chẳng chịu thua, thế là hai người cãi vã, từ hai giờ ba mươi sáng cho đến năm giờ. Chúng tôi lôi hết những chuyện bất mãn khó chịu ra rồi dùng thứ ngôn ngữ chì chiết khó nghe để nói với nhau. Ví dụ tôi mắng anh ta bảo thủ không thay đổi như đám gạch bẩn lát trong nhà vệ sinh, còn anh ta mắng tôi bừa bãi, đồ đạc để lung tung, phòng ốc như ổ chó; tôi rủa anh ta người gì vừa lùn vừa xấu, còn anh ta rủa lại tôi mà không trang điểm thì trông chẳng phải là đàn bà; tôi mắng anh ta ki bo với người trong nhà nhưng lại phóng khoáng với đám bạn ngoài đường, lí do là sinh nhật tôi anh ta chỉ bỏ ra 200 tệ mời một bữa ăn, trong khi vợ bạn anh ta sinh nhật anh ta mừng phong bao 500 tệ, còn anh ta nói lại là tôi chỉ thích lãng phí tiền bạc mua những đồ đáng vứt đi, chẳng ra dáng người vợ căn cơ gì cả; tôi nói anh ta chỉ thích lải nhải giống như bà già méo miệng vậy, còn anh ta nói lại tôi là kẻ ngu si đần độn đầu óc bã đậu bậc nhất trên đời này…

Tóm lại những chuyện như vậy mà nói ra thì tràng giang đại hải chẳng bao giờ kết thúc, nó vô vị nhạt nhẽo như cuộc sống của chúng tôi vậy, nhưng vào lúc đó mà không phun hết ra thì ấm ức không sao chịu được. Đến sáng, khi hơi rượu đã nhạt thì anh ta nằm vật ra ngủ một giấc, trời đánh không biết, như chẳng có chuyện gì xảy ra, còn tôi lại ngồi thừ ra đó mà nghiến răng tức tôi với những lời nói sặc mùi rượu mà anh ta vừa mới tuôn ra với mình.

Chưa đến một tuần sau, chuyện đó lại tiếp diễn. Hơn một giờ đêm, anh ta lại trở về nhà trong tình trạng nồng nặc hơi men. Tôi vốn là người rất thích ngủ, chỉ cần một tiếng động nhỏ là tôi tỉnh ngay, mà rất khó ngủ lại. Khi thấy tôi quắc mắt bực tức nhìn, anh ta hỏi sao tôi không đi ngủ đi? Tôi nói, chính anh làm tôi tỉnh ngủ đấy chứ, giờ làm sao mà ngủ lại đây?

Thế là giữa hai chúng tôi lại nổ ra một trận khẩu chiến, lần này vô cùng gay gắt, bốp chát đủ điều, vẫn là những chuyện nhỏ nhặt thường ngày, lôi tất tần tật ra mà trút cả vào nhau để hả giận, tìm những từ ngữ chất chứa căm hờn sâu cay mà ném vào nhau. Cuối cùng, tôi nói chúng ta chia tay thôi, sống thế này chán lắm. Anh ta nói chia tay thì chia tay, thế là đang ba giờ sáng anh ta gọi điện cho mẹ mình, nói rằng chúng tôi chia tay, mai anh ta sẽ về Hồng Kông, vĩnh viễn không đến Thâm Quyến nữa, tôi nghe thấy tiếng mẹ anh ta nói mấy câu gì đó rồi anh ta gập máy.

Đến khi trời sáng, anh ta lại vui vẻ thoải mái đi vào giấc ngủ, khi thức dậy chẳng có nhớ chuyện gì nữa. Tôi tức đến mức không sao chịu nổi, kể lại một thôi một hồi những chuyện xảy ra vào đêm qua, bạn có biết anh ta thế nào không? Anh ta ngạc nhiên nói là: “Ồ, có việc như thế à? Sao anh chẳng nhớ chút nào về những lời mình đã nói nhỉ? Bà xã à, em tha lỗi cho anh nhé! Bình thường anh vốn sợ em, cho nên khi say mới dám mạo phạm đến em, sau này anh không dám nữa đâu.”

Tôi có thể không tha thứ cho anh ta được ư? Chưa đầy một tháng sau, tật cũ tái phát. Thế là đến lần này, nhân lúc anh ta chưa về đến nhà, tôi khóa trái cửa lại. Đêm đó, vào lúc hơn một giờ sáng, tôi nghe tiếng anh ta tra chìa khóa vào ổ để mở cửa, nhưng không mở được. Sau đó là bấm chuông, nhưng đương nhiên là chuông không kêu, bởi tôi đã tháo bộ phận chuông xuống rồi, sau đó tôi nghe tiếng anh ta dùng tay đập cửa, nhưng đương nhiên là tôi giả vờ không nghe thấy. Cứ thế khoảng nửa tiếng, tôi nghe tiếng giày anh ta bước đi, cũng cảm thấy mình có phần tàn nhẫn, muốn đứng dậy mở cửa gọi anh ta quay lại, nhưng cứ nghĩ đến việc sau khi anh ta vào nhà là một trận cãi vã như không nhìn được mặt nhau nữa, hơn nữa muốn anh ta bỏ thói uống rượu say đến đêm mới mò về đi, nên tôi kiên quyết trở về phòng ngủ. Hơn tám giờ sáng hôm sau, anh ta trở về, lạnh mặt hỏi tôi sao đêm qua khóa trái cửa, tôi cũng lạnh lùng trả lời: “Tôi không muốn anh về lại say xỉn mà cãi nhau với tôi, khiến cho hàng xóm láng giềng cũng chẳng ngủ nổi.”

Anh ta chẳng nói gì, cũng chẳng dám nổi điên lên với tôi, rồi cũng êm được một thời gian. Sau ba hay bốn lần tôi lạnh lùng khóa trái cửa ở ngoài, anh ta cũng rút ra bài học: uống say thì sẽ chẳng được vào nhà. Từ đó anh ta trở nên ngoan ngoãn biết điều, nếu như không kéo được tôi đi cùng thì đi uống một mình, bao giờ cũng về trước một giờ đêm. Nếu hôm nào tự cảm thấy mình uống quá say về quá muộn thì gọi điện báo cho tôi hôm đó sẽ ngủ lại ở nhà một người bạn nào đó. Tôi càng được yên thân và thoải mái, thậm chí chẳng buồn để tâm xem anh ta có qua đêm với gái không. Tôi nghĩ, có lẽ đây chính là khởi đầu cho sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân của chúng tôi.

Thăng tiến

Có lẽ bởi anh ta chỉ kết giao với những người bạn ngang tầm với mình nên tôi nhận thấy đám bạn anh ta chẳng có tương lai, tiền đồ gì cả. Những người Thâm Quyến trạc tuổi chúng tôi, ai cũng lao vào kiếm tiền, học tiếp lên để nâng cao năng lực, mua nhà to, mua xe, lên kế hoạch cho tương lai của mình. Nhưng đám bạn của anh ta, tôi cảm giác chỉ có thể dùng mấy chữ sau để hình dung: Chẳng có chí tiến thủ, chỉ muốn hưởng lạc thú thôi.

Tôi lên một danh sách cho anh ta thấy những việc anh ta làm từ thứ Hai đến thứ Sáu sau khi tan sở về:

1. Xem truyện tranh, những truyện như Bàn tay thần của Phật tổ Như Lai, Long hổ đấu của Hoàng Ngọc Lãng v.v…

2. Xem những tờ tạp chí lá cải, như Tuyến đường lên Bắc, Cẩm nang cuộc sống mà 12 tệ được ba quyển, hay tạp chí phụ nữ Đất mới phương Đông.

3. Xem những tiết mục hổ lốn gây cười, như là của Ngô Tông Hiến, Khang Khang, hay là Chuyện cười bốn phương.

4. Xem những bộ phim truyền hình vừa sến vừa vô vị, ví dụ như Cá chọi, Vườn cây Đài Loan, Tiểu tướng bóng đá, Ba thiếu niên phố Tây, Góc lãng mạn

Còn thứ Bảy, Chủ nhật thì anh ta thường làm những việc này:

1. Chiều thứ Bảy chơi bowling, còn tối thì đi hộp đêm.

2. Chủ nhật ngủ cả ngày, tối thì đi nhậu.

Những việc để giết thời gian, giống như những người thiểu năng ấy, thế mà anh ta cứ lặp đi lặp lại được hết năm này sang năm khác một cách vui vẻ không biết mệt mỏi, làm cho người khác khó lí giải nổi.

Tôi hỏi anh ta: “Bao năm nay anh cứ làm những việc như thế này không cảm thấy chán sao?”

Anh ta trợn tròn mắt lên hỏi tôi một cách hiếu kì: “Vậy không làm những việc đó thì làm việc gì đây?”

Tôi muốn anh ta có chí tiến thủ, ví dụ như đọc những quyển sách có liên quan đến chuyên môn công việc, chứ không phải những thứ sách vớ vẩn kia. Tôi mong muốn anh ta tham gia nhiều những hoạt động lành mạnh, chứ không phải chỉ có đi chơi bowling hay đi hộp đêm với đám bạn mà ngoài công việc ra chẳng biết làm gì. Tôi mong muốn đầu óc anh ta trở nên linh hoạt hơn, chứ không phải hễ gặp việc đột xuất xảy ra là lại đực mặt không biết cách giải quyết như một kẻ thiểu năng trí tuệ vậy. Tôi mong muốn anh ta có thể thăng tiến hơn trong công việc, chứ không phải mãi là cái anh công chức quèn. Tôi mong muốn anh ta trở thành một người đàn ông thực sự, có thể làm cho cuộc sống của chúng tôi phong phú hơn. Nhưng tiếc thay bao năm nay, anh ta cứ như viên gạch lát bẩn thỉu trong nhà vệ sinh ấy, chẳng bao giờ thay đổi dù chỉ một chút xíu.

Khi cái hiếu kì và tự huyễn hoặc mình về sự hãnh diện được sống cùng với một người Hồng Kông qua đi, đối mặt với thực tại, tôi thường nghĩ, tôi sẽ sống với một người như thế này cả đời sao? Chúng tôi rất ít trao đổi về những vấn đề tư tưởng, tình cảm của nhau. Ví dụ, có một lần chúng tôi cùng đi ăn với đám bạn của anh ta, ai cũng đưa bạn gái đi theo, đương nhiên trong đó có một số không nhỏ là các cô gái đại lục. Chúng tôi vừa ăn vừa xem tivi, đúng lúc đó trên tivi lại đang chiếu một chương trình nói đến chữ giản thể của đại lục và chữ phồn thể của Hồng Kông. Một người Hồng Kông tên là cường nói: “Các bạn có biết tại sao người đại lục dùng chữ giản thể không?”

Một người khác tên là Thành nói: “Biết chứ, bởi vào thời điểm thành lập nhà nước Trung Quốc mới, đám lãnh đạo lúc đó đều là người nông thôn, rất ít người biết chữ, để giúp cho đám người lãnh đạo này đọc được thì bọn họ mới phát minh ra chữ giản thể.”

Tôi lập tức phản bác lại rằng tại người Hồng Kông không văn minh tiến bộ, cho nên bao nhiêu năm nay vẫn dùng chữ phồn thể, còn đại lục dùng chữ giản thể, vì đại lục luôn luôn tiến về phía trước, những chữ mà số lần xuất hiện quá ít đương nhiên sẽ dần dần mất đi…

Chẳng đợi tôi nói hết, mấy người đàn ông Hồng Kông cùng đồng thanh phản bác, họ cho rằng những nhà lãnh đạo đất nước lúc đó có đọc được mấy quyển sách đâu, nên mới xuất hiện chữ giản thể chứ, lí do là bên Đài Loan người ta vẫn dùng chữ phồn thể đấy… Tôi nhìn qua mấy cô gái đại lục ngồi bên cạnh, chờ đợi họ nói vài câu để bênh vực tôi, bảo vệ cái quan điểm đơn giản mà ai cũng hiểu này. Nhưng tất cả đều tỏ ra là tiểu thư yểu điệu, như một chú chim nhỏ yếu đuối đang cần điểm tựa, ra cái vẻ người chồng của họ luôn đúng nên bọn họ chẳng cần phải phát biểu dù chỉ là ý kiến của riêng mình…

Tôi nhận ra rằng đây chỉ là đám con gái nhu nhược phải sống dựa vào bọn đàn ông Hồng Kông mà thôi, chẳng bao giờ có được chính kiến của mình, cho nên tôi chẳng còn hứng tranh luận nữa. Tôi cảm thấy thật chán nản, nếu cứ sống như thế này, thì sẽ chẳng thể nào tìm được bạn đồng ngôn ngữ với mình. Tôi sống với một người đàn ông chẳng cùng tư tưởng, tư duy, khác biệt về văn hóa. Mà giữ chúng tôi chẳng ai muốn cúi đầu khuất phục cả, cũng chẳng chắc chắn là có thể hòa hợp được với nhau không, liệu tôi có được hạnh phúc không? Đây là cuộc sống mà tôi vẫn ao ước sao?

Tôi thực sự không cam tâm chịu đựng cuộc sống như thế này, nhưng tôi đã ở với anh ta chừng ấy năm, vượt qua bao nhiêu là khó khăn, thật đúng là tiến thoái lưỡng nan. Thế là tôi quyết tâm dẫn dắt anh ta vào cuộc sống của mình. Cứ đến thứ Bảy, Chủ nhật, tôi dẫn đám bạn bè của mình đến nhà chơi, muốn kéo anh giao thiệp với bạn bè tôi. Hoặc tôi đi mua những đĩa phim hoặc sách vở mà tôi cho là hay, thế nhưng sách và đĩa thì có đánh chết anh ta cũng chẳng muốn xem, cho rằng chúng chẳng thú vị gì cả. Thậm chí anh ta chỉ vào quyển sách Những linh hồn yếu đuối mà nói với tôi rằng: “Đầu óc có vấn đề mới đọc những quyển sách dày cộp thế này!” Tôi nghe thấy điên tiết chỉ muốn cho anh ta một cú đấm. Còn những lần bạn bè tôi đến chơi, vài lần đầu anh ta còn miễn cưỡng tiếp chuyện, về sau anh ta chẳng nể nang gì tôi nữa, cứ hễ thấy đám bạn tôi đến chơi là anh ta chào hỏi năm câu ba điều rồi chuồn êm lẹ. Hoặc cùng bạn bè tôi ăn uống xong, anh ta trả tiền nói rằng mình đã có hẹn rồi nên không ngồi cùng được nữa, xin phép đi trước, thế là mất hút luôn.

Từ đó chúng tôi đành phải mỗi người một đường, anh ta có bạn của anh ta còn tôi có bạn của tôi, chúng tôi tự do dự liệu cho kế hoạch cuối tuần của mình. Thời gian cứ thế trôi đi, dù rằng cuộc sống chẳng có gì khúc mắc, nhưng tình cảm càng ngày càng phai nhạt.