Quê hương tan rã - Phần I - Chương 04
Chương 4
Một ông già bảo: “Nhìn miệng một ông vua, người ta tưởng chừng ông không hề
bú mẹ lần nào.”
- Ông già ấy muốn nói về Okonkwo đấy. Từ cảnh nghèo mạt, xui xẻo đủ đường mà
chàng bỗng vượt lên cao, thành một bậc danh vọng trong thị tộc. Ông ta không
ghen ghét đâu, mà thực ra còn trọng tài năng và sự thành công của chàng nữa.
Nhưng như đa số các người khác, ông ta ngạc nhiên sao mà Okonkwo đối xử với
những kẻ không được may mắn như chàng một cách cọc cằn đến thế. Mới cách đây
chưa đầy một tuần, trong một hội đồng gia tộc để bàn về cuộc lễ tổ tiên sắp
tới, một người phản đối chàng, chàng không thèm ngó người đó, bảo: “Buổi họp
này dành cho đàn ông.” Người phản đối chàng đó không có chức phận gì cả, cho
nên chàng khinh bỉ, coi là hạng đàn bà, không đáng làm nam nhi, Okonkwo có cái
lối mạt sát người ta như vậy đấy.
Mọi người thấy Okonkwo chê Osugo là đàn bà, đều đứng cả về phía Osugo. Người
lớn tuổi nhất trong đám nghiêm khắc bảo khi một người được một vị thần nhân từ
nào đó bửa sẵn hột kè cho mà ăn thì đừng nên quên rằng mình phải khiêm tốn.
Okonkwo xin lỗi đã lỡ lời, và buổi họp lại tiếp tục.
Nhưng bảo rằng Okonkwo được một vị thần nhân từ bửa sẵn cho hột kè thì không
đúng. Chính chàng đã bửa lấy đấy chứ. Ai biết cuộc chiến đấu gay go của chàng
để thắng cảnh nghèo và vận xui xẻo, tất không thể bảo rằng chàng đã gặp may.
Nếu có người nào đã xứng đáng được thành công thì người đó chính là chàng. Hồi
còn trẻ măng mà đã nổi tiếng là vô địch về môn vật trong khắp xứ. Cái đó đâu
phải là nhờ may. Nhiều lắm thì chỉ có thể bảo rằng chi tức thần bổn mạng của chàng tốt thế
thôi. Nhưng người Ibo có câu tục ngữ này: Khi ta bảo là được thì chi của
ta cũng bảo là được. Okonkwo đã lớn tiếng đòi được cho
nên chi của chàng cũng chấp nhận. Mà chẳng riêng chi của chàng, ngay cả thị tộc của chàng
cũng chấp nhận nữa vì thị tộc xét ai là theo sức làm việc của người đó. Chính
vì vậy mà Okonkwo đã được cả chín làng đề cử đem bức tối hậu thư cho kẻ thù,
buộc họ phải nộp một thanh niên và một thiếu nữ còn trinh để chuộc cái tội giết
vợ của Udo, nếu không thì sẽ bị tấn công. Và kẻ thù đã sợ Umuofia nên đã tiếp
đón Okonkwo như một ông vua, giao cho chàng một thiếu nữ còn trinh đem về làm
vợ Udo, và thằng bé Ikemefuna.
Các bô lão trong thị tộc đã quyết định giao Ikemefuna cho Okonkwo săn sóc tạm
trong một thời gian, có ngờ đâu chàng phải giữ nó ba năm lận. Hình như họ quyết
định xong rồi quên phắt vụ đó đi.
Mới đầu Ikemefuna sợ lắm. Có một hai lần nó tính trốn nhưng không biết trốn cách
nào. Nó nhớ má nó, nhớ em gái ba tuổi của nó, nó khóc mướt. Mẹ Nwoye rất tốt
bụng, coi nó như con đẻ. Nhưng nó chẳng nói gì cả, chỉ một mực hỏi: “Bao giờ
con về nhà?”. Khi được người nhà cho hay nó chẳng chịu ăn uống gì cả, Okonkwo
cầm một cây gậy lớn vô chòi, đứng sau lưng nó, bắt nó ăn, nó vừa nuốt khoai mài
vừa run bần bật. Lát sau nó ra phía sau nhà, nôn ra hết. Mẹ của Nwoye lại gần
nó đưa tay đỡ ngực và lưng nó. Nó đau suốt ba tuần chợ, khi bình phục thì có vẻ
đã nén được nỗi sợ hãi và buồn rầu rồi.
Nó bẩm sinh lanh lợi và lần lần được gia đình Okonkwo, nhất là đám trẻ con, yêu
mến. Đứa con trai của Okonkwo, Nwoye, nhỏ hơn nó hai tuổi, thành bạn nối khố
của nó, phục nó vì cơ hồ cái gì cũng biết. Nó làm được những ống sáo bằng cành
trúc, cả bằng thứ cỏ-voi nữa. Nó biết tên tất cả các giống chim và khéo đặt bẫy
để bắt các loại gậm nhấm nhỏ trong rừng. Và nó biết cành loại cây nào làm cung
thì tốt nhất. Ngay tới Okonkwo cũng yêu nó - dĩ nhiên ở trong lòng thôi, vì
chàng không bao giờ để lộ cảm xúc ra ngoài trừ khi giận dữ. Tỏ tình âu yếm là
một dấu hiệu nhu nhược; chỉ có sức mạnh là đáng phô bày ra thôi. Vậy chàng đối
xử với Ikemefuna cũng như với mọi người: bằng một bàn tay hà khắc. Nhưng chàng
yêu nó, điều đó không còn ngờ gì cả. Đôi khi, có những cuộc hội họp lớn trong
làng hoặc những buổi lễ tổ tiên chung, chàng dắt nó theo, coi nó như con, bảo
nó vác chiếc ghế đẩu và cái đãy bằng da dê cho mình. Và sự thực Ikemefuna gọi
chàng là cha.
Ikemefuna tới Umuofia vào khoảng cuối thời gian nhàn nhất trong năm từ sau mùa
dỡ khoai tới đầu mùa gieo. Nó mới hết bệnh nhớ nhà vài ngày trước Tuần lễ Hòa
mục. Mà năm đó chính là năm Okonkwo phá sự hòa mục, bị thầy pháp coi việc cúng
tế Nữ Thổ Thần trừng phạt đúng theo tục lệ.
Hôm đó Okonkwo nổi giận không phải là vô cớ, người vợ trẻ nhất của chàng lại
nhà một người bạn gái nhờ bện tóc cho và về tới nhà thì đã trễ, quá giờ nấu ăn
chiều. Okonkwo mới đầu không biết rằng vợ đi vắng, ngồi đợi hoài thức ăn không
thấy, mới xuống chòi của nàng để coi. Trong chòi chẳng có ai cả mà bếp thì lạnh
ngắt.
Chàng hỏi người vợ thứ nhì lúc đó đương ở trong chòi riêng bước ra múc nước
trong một cái khạp lớn đặt dưới bóng một cây nhỏ ở giữa sân:
- Ojiugo ở đâu?
- Dì ấy đi bện tóc.
Okonkwo mắm môi, cơn giận bừng bừng dâng lên, nhưng vẫn bình tĩnh, nén lòng
được như mọi khi, và hỏi tiếp:
- Mấy đứa con của nó đâu? Nó có dắt theo không?
Người vợ cả, mẹ của Nwoye đáp:
- Chúng ở đây.
Okonkwo cúi xuống ngó vào trong chòi người vợ cả. Mấy đứa con của Ojiugo đương
ăn với con của người vợ cả.
- Trước khi đi nó có xin cho tụi con nó ăn chung với mình không?
Mẹ của Nwoye muốn làm nhẹ bớt tội của Ojiugo, nói dối:
- Có.
Okonkwo biết rằng vợ nói dối. Chàng trở về obi của
chàng, đợi Ojiugo về. Ojiugo về, bị một trận nên thân. Trong cơn giận chàng
quên mất rằng tuần lễ đó là tuần lễ Hòa mục. Hai người vợ kia hoảng hốt từ
trong chòi chạy ra, năn nỉ chàng thôi đi, vì là tuần lễ thiêng liêng. Nhưng
Okonkwo dù có sợ Nữ Thổ Thần thì cũng không khi nào ngừng lại được trong khi
đánh ai.
Các người hàng xóm nghe thấy tiếng khóc của Ojiugo, hỏi vọng qua tường có
chuyện chi vậy. Có vài người qua coi nữa. Trong tuần lễ thiêng liêng mà đánh
đập người khác thì thật là quá sá rồi.
Sẩm tối hôm đó, Ezeani, thầy pháp của Nữ Thổ Thần Ani, lại thăm Okonkwo trong obi của chàng. Chàng đem trái cola đặt
trước mặt khách.
- Cất trái cola đi. Tôi không khi nào ăn uống gì trong nhà một kẻ đã báng bổ
thần thánh và tổ tiên.
Okonkwo ráng kể tội vợ cho Ezeani nghe, nhưng ông không thèm nghe. Ông chống
một cây gậy nhỏ xuống đất để nhấn mạnh vào lời hạch tội của mình.
- Này, nghe tôi. Chú không phải là người lạ ở Umuofia. Chú cũng biết rõ như tôi
rằng ông cha mình đã ra lệnh, trước khi trồng trọt bất kì thứ gì, phải hòa mục
trong một tuần đã, trong tuần đó không người nào được lớn tiếng với người hàng
xóm. Chúng ta phải sống hòa thuận với nhau để tỏ lòng sùng bái Nữ Thổ Thần, nhờ
Ngài phù hộ mà mùa màng mới tốt được. Việc chú làm đó bậy lắm (Ông ta cầm gậy
gõ mạnh xuống đất). Thím ấy có lỗi, phải; nhưng dù cho chú có bắt gặp thím ấy
đương ngủ với trai ngay trong obi của
chú, mà chú đánh đập thím ấy thì cũng là một hành động đại bất tường (Ông ta
lại gõ xuống đất). Cái tội của chú có thể làm hại cho cả thị tộc. Thổ thần mà
chú xúc phạm có thể không cho chúng ta mùa màng nữa mà chúng ta sẽ chết hết.
(Ông ta đổi giọng, không giận dữ nữa mà ra lệnh). Ngày mai chú phải mang lại
đền thờ Thần Ani một con dê cái, một con gà mái, một xấp vải và trăm cái vỏ sò.
Nói xong ông ta đứng dậy bước ra.
Okonkwo làm theo đúng lời ông, lại mang theo một bình rượu kè nữa. Trong thâm
tâm chàng hối hận, nhưng không kể lỗi của mình ra với hàng xóm. Chàng không
phải hạng người như vậy. Cho nên người ta bảo rằng chàng chẳng tôn trọng gì các
đấng thần linh của thị tộc. Kẻ thù của chàng bảo chàng giàu có rồi lên mặt, gọi
chàng là con chim nza nhỏ,
sau một bữa ngon lại khiêu khích cả thần bổn mạng chi của nó.
Trong Tuần lễ Hòa mục đó, không ai làm một công việc gì cả. Người ta đi thăm
nhau, uống rượu kè với nhau. Năm đó, dân làng chỉ bàn tán về chuyện Okonkwo xúc
phạm thần Ani. Từ lâu lắm rồi mới lại có một kẻ phá tan sự hòa mục thiêng liêng
đó. Ngay cả những cụ già lớn tuổi nhất cũng chỉ nhớ thời xửa thời xưa có đâu
một hay hai lần như vậy thôi.
Ogbuefi Ezeudu, người cao niên nhất trong làng, bảo với hai người lại thăm rằng
trong thị tộc sự trừng phạt cái tội đó thời nay đã nhẹ đi nhiều lắm rồi:
- Hồi xưa đâu có vậy. Cha tôi bảo rằng cụ được nghe người khác kể lại hồi xưa
ai mà mắc cái tội phá sự hòa mục thì bị kéo lê đi khắp làng cho tới chết mới
thôi. Nhưng sau một thời gian người ta bỏ tục đó vì thấy mục đích là để bảo tồn
mà rốt cuộc lại làm mất sự hòa mục, yên ổn trong làng.
Một người trong đám trẻ nhất bảo:
- Hôm qua có người bảo tôi rằng trong vài thị tộc, kẻ nào chết trong Tuần lễ
Hòa mục thì bị dân làng ghê tởm lắm.
Ogbuefi Ezeudu bảo:
- Đúng vậy. Ở Obodoani có tục đó. Kẻ nào chết trong tuần lễ đó thì không được
chôn cất mà thây bị liệng vào Rừng Ác. Tục đó bậy vì họ không biết suy nghĩ. Có
vô số đàn ông đàn bà không được chôn cất như vậy thì hậu quả sẽ ra sao? Hậu quả
là thị tộc bị cô hồn của những kẻ xấu số không được chôn cất đó về phá phách.
Sau Tuần lễ Hòa Mục, gia đình nào cũng dắt nhau đi phá rừng để làm ruộng rẫy.
Phát các bụi cây xong, người ta để cho cành lá khô rồi châm lửa đốt. Thấy khói
bốc lên trời, chim ó từ bốn phương bay lại, lượn ở trên đám lửa như để lặng lẽ
từ biệt nơi này mà lo đi nơi khác vì mùa mưa sắp tới. Lại tới mùa nắng sau
chúng mới trở về.
Mấy ngày sau đó, Okonkwo lo sửa soạn các hạt khoai mài, coi kĩ từng hạt một xem
có tốt không, có nên gieo không. Có khi thấy một hạt lớn quá, gieo làm một gốc
thì phí đi, chàng khéo léo lấy lưỡi dao nhọn tách theo chiều dài thành hai hạt.
Đứa con cả của chàng, Nwoye và thằng Ikemefuna tiếp tay, đem những chiếc thúng
dài vô lẫm chở hạt khoai mài ra, sắp thành đống bốn trăm hạt một. Có khi
Okonkwo để cho chúng tập lựa hạt và sửa soạn, nhưng luôn thấy chúng làm không
được vừa ý mình, phải rầy la, dọa nạt.
- Nwoye, bộ mày cắt khoai để luộc hay sao đó? Mày mà cắt lớn như vậy thì tao
quai cho mày bể hàm. Mày tưởng mày còn bé bỏng lắm hả? Ở cái tuổi mày, tao đã
làm chủ một thửa ruộng rồi. Còn thằng Ikemefuna kia nữa, ở làng mày không trồng
khoai mài sao?
Trong thâm tâm Okonkwo cũng biết rằng hai đứa đó còn nhỏ quá, chưa hiểu được
hết cái nghệ thuật sửa soạn các hạt khoai mài. Nhưng chàng nghĩ rằng tập cho
chúng càng sớm càng tốt. Khoai mài là dấu hiệu của sự cường tráng; người nào
trồng khoai mài mà nuôi được gia đình từ mùa này qua mùa khác thì đáng gọi là
giỏi lắm. Okonkwo muốn rằng con trai của mình phải là hạng giỏi giang, làm một
chủ trại lớn. Chàng đã lờ mờ thấy thằng bé có bản tính làm biếng, đáng lo ngại
và chàng phải diệt cái tính đó mới được.
- Tao không muốn có một đứa con trai trong các cuộc hội họp của thị tộc mà
không dám hiên ngang ngẩng đầu lên. Có con như vậy thì thà bóp cổ cho nó chết
đi. (Chàng quát lên). Mày mà cứ ngó trân trân tao như vậy thì Amadiora[13]
sẽ giáng bể đầu mày ra!
[13]Amadiora: Thiên lôi.
Ít bữa sau, nhờ vài ba
trận mưa rào, đất đã mềm rồi, Okonkwo cùng với vợ con khiêng những thúng hạt
khoai mài, vác cuốc và rựa ra ruộng và bắt đầu gieo giống. Họ lên những vồng
nhỏ cách quãng nhau, theo đường thẳng, trên khắp thửa ruộng rồi gieo khoai mài
vào đó.
Khoai mài là chúa các loài cây, rất khó tính. Trong ba bốn tháng, phải làm việc
cực nhọc, luôn luôn săn sóc, từ lúc gà gáy sáng tới lúc gà mái lên chuồng. Phải
kết những vòng lá sisal để
che các đọt non khỏi bị hơi nóng của đất. Khi mưa đã đổ xuống nhiều rồi, bọn
đàn bà trồng bắp, dưa và đậu xen kẽ vào những vồng khoai mài. Phải cắm cây để
cho khoai mài leo, mới đầu là những cọc nho nhỏ, sau là những cành cây lớn. Mỗi
mùa, đàn bà phải nhổ cỏ ba lần vào những thời kì hạn nhất định, không được sớm,
không được trễ.
Bây giờ mới thực sự là mùa mưa, mưa nặng hột và dai dẳng tới nỗi thầy pháp coi
về việc đảo vũ cũng phải bó tay, không làm sao ngăn được mưa, cũng như giữa mùa
nắng không làm sao cho mưa đổ được, mà không hại tới sức khỏe, sinh mạng của
thầy. Những lúc nắng mưa tới cực độ đó, muốn chống lại sức mạnh của thiên
nhiên, thầy pháp dùng tới một tinh lực quá cao, cơ thể của thầy không chịu nổi.
Cho nên giữa mùa mưa, không ai dám cản sức mạnh của thiên nhiên. Có khi mưa
trút xuống như thác tới nỗi trời với đất một màu nước xám, và người ta không
phân biệt được tiếng gầm của Amadiora dội
lại là phát từ trên trời hay dưới đất nữa. Những lúc đó, trong các chòi lợp rạ
ở Umuofia, trẻ con quây quần chung quanh bếp lửa của mẹ mà kể chuyện với nhau,
hoặc ngồi sưởi với cha bên một đống lửa, trong obi của cha, và nướng bắp ăn. Giữa mùa
gieo cực khổ, ai nấy mệt lử, và mùa dỡ khoai cũng cực nhưng vui, họ chỉ được
nghỉ trong một thời gian ngắn là những ngày mưa như trút đó thôi.
Ikemefuna đã bắt đầu quen với gia đình Okonkwo rồi. Nó vẫn còn nhớ mẹ và em gái
ba tuổi, và vẫn có lúc buồn rầu, ủ rũ. Nhưng Nwoye và nó đã quyến luyến với
nhau, cho nên những lúc nhớ nhà cũng thưa dần và bớt thống thiết. Nó thuộc vô
số truyện trong dân gian. Nó lại khéo kể chuyện; cả những truyện Nwoye biết
rồi, mà nghe nó kể, Nwoye cũng thấy mới mẻ, có cái ý vị địa phương của một thị
tộc khác. Cho tới suốt đời, Nwoye không bao giờ quên được thời gian đó. Nó nhớ
hoài một lần nó phì cười vì Ikemefuna bảo nó rằng người ta gọi một cái bắp chỉ
thưa thớt có vài hột là ezeagadinwayi[14], nghĩa là răng bà già.
Nghe xong, nó nghĩ ngay tới bà Nwayieke nhà ở gần cây udula[15].
Bà già đó chỉ còn có ba cái răng mà lúc nào cũng ngậm ống điếu.
[14] Eze-agadinwayi: Răng bà già.
[15] Udula: Tên một loài cây.
Lần lần mưa ngớt, thưa đi và trời với đất lại cách biệt nhau ra. Hạt mưa rớt
xiên xiên trong ánh nắng và trong ngọn gió hiu hiu. Trẻ con không ngồi nhà nữa
mà chạy rong và hát:
Hạt mưa phất phất, ánh nắng rung rinh,
Nnadi nấu nướng rồi ăn một mình.
Nwoye luôn luôn tự hỏi chàng Nnadi là ai vậy mà tại sao lại phải sống cô độc,
làm bếp lấy và ăn một mình. Sau cùng nó cho rằng Nnadi ở cái xứ mà Ikemefuna
hay kể chuyện, cái xứ mà vua Kiến có một triều đình rực rỡ, còn các hạt cát thì
luôn luôn nhảy múa.