Phần Hồn - Chương 03

3.

Lúc lọt lòng, hắn được ba má gọi là Tám Nhân. Đứa con thứ bảy. Do má hắn mất sớm, lúc hắn mới tám tuổi nên hắn được đổi thành Út. Người trong nhà quen gọi theo thứ chứ không gọi tên. Nhưng vài năm sau, cả tên lẫn thứ đều mất... Mọi người gọi hắn là thằng Khùng, một đặc điểm bệnh lý, cái án mệnh khoác lên đời hắn.

Cha hắn, ông Hai Rỡ là dân gốc Gò Vấp, từ cái thời Gò Vấp còn là rừng tre tàu và tầm vông dày đặc, đất đai hoang sơ rừng rú đang trong thời khai phá. Hai Rỡ thuộc đời thứ ba của một gia đình tha hương từ miền Trung vào Nam. Hàng mấy chục năm trời, ba thế hệ thay nhau đổ mồ hôi vào đất mà ông trời tai ngược không chịu cho một ai thoát khỏi kiếp nghèo hèn như nhiều người có vận may cùng thời. Lớn lên trong nghèo khổ giống như sự bất công, lại muốn chống mệnh trời. Hai Rỡ mà gọi theo đúng thứ tự anh em là Sáu Rỡ, năm mươi bảy tuổi đã tập họp một đám hơn hai chục thanh niên ngang tàng hành nghề ăn cướp. Rỡ giương cao tôn chỉ nghĩa hiệp: "Cướp của người giàu chia cho người nghèo". Chẳng mấy chốc tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Thời đó, cướp bóc như kiểu Hai Rỡ vừa bị số người này và chính quyền coi là phạm pháp, nhưng lại được số người khác tôn vinh như hành động anh hùng hảo hán, nên sự dọc ngang trời đất sẽ không có gì là quá đáng nếu như đám cướp không giết người, không quậy phá trong bán kính "phù phép" gần nơi cư ngụ để chính quyền gồm mấy anh hội đồng huyện, xã không bị mang tiếng. Họ sẵn sàng làm ngơ lấy lòng bọn cướp để được yên thân, vừa dĩ độc trị độc, vì thường chính bọn cướp khi được dung túng cũng luôn biết tìm tiếng nói chung giữa luật pháp và luật giang hồ. Bởi thế, Hai Rỡ vừa là tướng cướp, vừa vẫn sống phây phây trong vòng pháp luật. Gã trở nên giàu có, thế lực và nhờ vậy, sau nhiều lần nhờ mai mối kết hợp dọa dẫm, gã lấy được Tám Thêu, một cô gái mới mười lăm tuổi nhưng sắc đẹp đã nổi trội vào hàng nhất vùng, con gái ông Tư Du, một thầy giáo trường huyện. Tám Thêu được Rỡ thương chiều, sanh sòn sòn bảy đứa con, sáu trai, một gái: Hai Vương, Ba Bá, Tư Tiên, cô gái duy nhất, Năm Thiên, Sáu Nghĩa, Bảy Thiện, Út Nhân. Chỉ nội việc đặt tên con cũng mang đủ dấu ấn thiên cơ và tâm lý cuộc đời tướng cướp Hai Rỡ. Vương, Bá ra đời là lúc Rỡ đang buổi đầu bừng khởi quyết ôm mộng lớn truyền tới thế hệ con cháu. Tiên, Thiên được sinh vào lúc Rỡ cực thịnh, cướp đâu được đó, tiền của như nước, tiếng tăm lẫy lừng. Thằng Nghĩa chào đời giữa lúc Rỡ thất thế, bỏ nghề, rời nơi chôn nhau cắt rốn, kéo cả nhà buông của chạy lấy người, lên tận Lộc Ninh, trốn sự truy nã của chính quyền. Nguyên nhân từ vụ cướp gây án mạng, nạn nhân là một nhà buôn ở Sài Gòn đi miền Tây cất hàng, song cái chính là thời gian này, xã hội ngày một văn minh, luật pháp chặt chẽ, mẫu người làm vua không ngai ngoài vòng pháp luật như Rỡ ngày càng không còn đời sống. Ở Lộc Ninh, bắt đầu làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng. Rỡ và các con phải chăn bò thuê cho một chủ trại chuyên nuôi bò thịt. Thằng Thiện được sanh ra ở đây. Bảy năm sau, tức bắt đầu thời Ngô Đình Diệm, xã hội bước sang trang khác, những vết tích quá khứ phai nhạt, đồng thời cũng gây được ít vốn. Hai Rỡ mới đưa vợ con từ Lộc Ninh trở lại Gò Vấp. Thừa hưởng đất đai của ông bà già lúc đó đều đã khuất, gây dựng nghề nuôi bò.

Về đất cũ, chân ướt chân ráo mới được hai tháng thì trời bắt mất Sáu Nghĩa. Thằng bé tám tuổi, đang ham ăn, ham chơi, không ốm đau bệnh tật bỗng nhiên trúng gió lăn đùng ra chết. Vợ chồng Rỡ hoang mang cùng cực. Ông thầy số mù nức tiếng cả vùng nói rằng: Đất cũ còn đầy thù vay oán nợ, không chịu cúng nên trời bắt đi một đứa để xử hòa. Từ nay sẽ hết hạn, không nên lấy cái mất làm buồn.

Hai năm sau, Tám Thêu sinh được thằng thứ bảy. Vợ chồng mừng hú. Thầy số mù lại nói: Thằng này là quý tử, quý tướng, da trắng, mặt hổ, vóc rồng, tài năng xuất chúng, sau này đứng đầu thiên hạ, chỉ làm chánh chớ không làm phụ cho ai, danh vọng tiền của không sao kể hết, cả nhà được trông nhờ rạng rỡ theo. Khác hẳn các anh, người nào cũng thừa hưởng ít nhiều những gân guốc thô kệch của cha, thằng Tám mang nhiều nét thanh tú của mẹ nên đẹp như thần đồng. Hai Rỡ mừng lắm mới đặt tên con là Nhân, quyết một lòng ưu ái vun xới cho Nhân thành đạt đúng như lời ông thầy.

Nhân lên sáu tuổi được cắp sách đến trường, điều mà các anh chị không đời nào có may mắn. Thằng bé học đâu, biết đó. Những đứa trẻ cùng lớp còn chưa thuộc hết mặt chữ, nó đã cầm sách lên là đọc vanh vách. Bà Tám Thêu kể thơ Lục Vân Tiên cho Nhân nghe có vài lần nó đã thuộc làu. Tin đồn về trí thông minh của Nhân lan vào tận Sài Gòn, mấy ông bà ký giả nhạy tin lao cả ra Gò Vấp săn tìm. Chụp ảnh, viết bài đưa thành chuyện thần đồng sôi nổi. Hai Rỡ tràn trề hi vọng về tương lai của Nhân. Cũng trong mấy năm này, bà Tám Thêu mang bầu ba lần nữa, nhưng có lẽ do tuổi cao, lại sinh nở nhiều lần, nên đều không đậu. Do vẫn muốn ráng thêm một con gái, bà có thai thêm lần thứ tư, lần này sanh ra đúng đứa con gái nhưng sanh non, bị băng huyết, cả mẹ lẫn con đều qua đời. Lúc đó, Nhân mới tám tuổi. Chỉ bấy giờ, Hai Rỡ mới như người lữ hành mê mải trên đường xa muôn dặm, bỗng chùn chân mỏi gối, chịu dừng bước quay đầu nhìn lại chặng đời mình đã qua. Tóc đã điểm bạc. Da đã lên đồi mồi. Vợ thì mất. Con cái nhiều hóa ít. Hai Vương đi bộ đội kháng Pháp từ hồi nhà còn ở Lộc Ninh, năm 1954 đã ra Bắc tập kết biệt vô âm tín. Ba Bá đi lính "quốc gia" đóng tít mù ngoài Quảng Trị. Sáu Nghĩa mất non. Bên Rỡ chỉ còn Tư Tiên, Năm Thiên, Bảy Thiện, Út Nhân đều ở tuổi thiếu niên.

Chưa đứa nào có thể thành trụ cột trông cậy. Ngoài con ruột, nhà còn có thêm Sáu Là, vợ Ba Bá, nàng dâu duy nhất, một cô gái gốc Lộc Ninh mới mười chín, đôi mươi, mảnh người nhưng chắc khỏe, mông ngực nở bừng bừng, đôi mắt lúc nào cũng long lanh ướt không dám mở lớn, nhìn thẳng, như sợ người khác đọc được những khát vọng vừa tự nhiên vừa vẩn đục của nàng vợ lính vắng chồng. Nhìn lại chặng đường dài, đủ cả máu, mồ hôi, nước mắt chất chồng, mất nhiều hơn là được, Hai Rỡ sinh ra nhậu nhẹt, cộng thêm nỗi hoang mang về mệnh số, tính khí Rỡ trở nên thất thường, cục cằn, từ con cái trong nhà đến họ hàng gần xa ngán Rỡ còn hơn thời gã làm tướng cướp. Chỉ riêng Út Nhân được Rỡ dù ở tâm trạng nào cũng thương chiều hết mực. Thương chiều đến si mê, thiên vị. Út không chỉ là giọt máu cuối cùng của người vợ xấu số mà Rỡ hết lòng yêu thương, không chỉ là đứa trẻ duy nhất mang nhiều đường nét của người mẹ, lại chịu thua thiệt tình cảm vì mẹ mất sớm, mà do gã còn tin ở lời tiên tri của người thầy số mù. Trời cho thằng Út vào nhà gã để rửa sạch một vết tích quá khứ, đưa gia đình, gia tộc gã sang trang mới. Gã hi vọng từ vẻ vang của thằng Út, có thể tìm được cho mình hai tiếng AN TÂM, điều mà kể từ khi đầu xanh đến lúc bạc tóc chưa bao giờ, dù chỉ một giây, đọng lại trong gã. Từ nay, thằng Út, thằng Nhân chính là đời gã, là niềm yêu thương, niềm tự hào của gã. Hai cha con, trừ khi thằng Út đi học, lúc nào cũng dính bên nhau như hình với bóng. Đi đâu, dù là giao dịch làm ăn hay dự cưới, giỗ họ hàng, lối xóm, Rỡ cũng mang Út theo. Bữa cơm hàng ngày, hai cha con ngồi ăn riêng. Nhậu nhẹt nơi nào Rỡ cũng dính Út bên cạnh. Thấy cha quá chén, con mở miệng can là cha nghỉ, không uống nữa. Khi ngủ, hai cha con cùng nằm chung giường, điều mà không anh chị nào của Út có vinh dự. Thằng Út hồn nhiên thụ hưởng. Nó sớm khôn nhưng chưa đủ tuổi để sớm nhận ra chân lý: Kẻ hiểu biết ở gần vua cũng như tội đồ bên máy chém. Vào một đêm đang ngủ say, Út bỗng thức giấc. Trong nhà tối om, quờ quanh giường không thấy cha đâu, thoạt đầu nó cho là chuyện thường. Đã nhiều lần tình cờ mở mắt giữa đêm, không thấy cha ở bên, lát sau cha về, nó hỏi, cha nó nói đi thăm chuồng bò, nó yên tâm ngủ tiếp. Nhưng lần này, trong đêm thanh vắng, nó nghe từ ngoài chuồng bò những tiếng rên, tiếng thở hào hển, tiếng giãy đạp vùng vẫy. Nó lo lắng, chú ý nghe ngóng. Nó nghĩ nhà có trộm. Cha nó đang vật lộn với kẻ trộm. Phản ứng bảo vệ cha xúi nó rón rén bò lẹ khỏi giường. Hồi đó, điện chưa lan tới vùng trại bò Gò Vấp, đèn dầu không có trong nhà, nó lần mò trong bóng tối tìm được cây mã tấu cha nó vẫn dắt ở lưng tủ thờ, lách cửa lần ra khu chuồng bò. Tiếng thở và tiếng vật lộn ở phía sau cây rơm gần hồ nước xây. Ngọn đèn bão treo ở chái chuồng theo giờ hắt vùng sáng chập chờn yếu ớt ra tận chân cây rơm. Út không dám đi thẳng qua chuồng bò mà vòng lối sân, lần theo bóng tối của những gốc nhãn trong vườn để từ chỗ kín đáo lao ra. Nó tự biết mình ít tuổi, nhỏ con, muốn chém được trộm, phải bất ngờ. Nhưng, khi từ chỗ có thể nhận rõ khoảng sáng chân cây rơm, tức đã đứng rất gần cuộc vật lộn, nó nhìn kĩ và rủn hết chân tay. Người nằm dưới cha nó là một phụ nữ. Trong tranh tối tranh sáng, nó thấy hai người không mặc gì. Nó cũng sớm nhận ra họ không xung đột mà đang đồng tình. Nó sợ hãi hết đứng nổi, buông mã tấu ngồi bệt luôn xuống đất, rồi lết nhẹ ra sau gốc nhãn. Không dám nhìn. Không khóc mà nước mắt nó cứ ròng trên má. Khi hai người rời nhau, cùng ngồi dậy, người phụ nữ vừa cài nút áo, vừa cười khúc khích.

Cha nó phì phò thở một lúc, rồi thì thào:

- Về lẹ đi không có đứa nó biết.

Người phụ nữ líu tíu xỏ chân vào ống quần.

Cha nó ngáp dài:

- Về ề... lẹ... ẹ... đi...

Người phụ nữ hơn hớn nhón chân chạy về ngôi nhà lá ở cuối vườn nơi trước đây vẫn dành cho người làm thuê nghỉ ngơi. Cha nó tần ngần đứng nhìn theo đến hút bóng rồi bước thẳng đến gốc nhãn, đúng chỗ nó ngồi khuất, hai tay chống nạnh đái tồ tồ. Út hoảng hồn quăng mã tấu vắt chân lên cổ chạy biến. Cha nó tuy tuổi cao, mắt kém vẫn kịp nhận ra nó.

Ông lượm cây mã tấu, qua chuồng bò gỡ đèn báo, xộc thẳng vào nhà. Út đã chui vào giường, cuộn mền vờ như đang ngủ say. Không nếp tẻ, ông túm ngay mớ tóc dày đen của thằng con giật nó ra khỏi giường:

- Tao phải giết mày.

Ông vung cao mã tấu. Nhưng rồi như hồi tỉnh, lại hạ tay. Ông nhìn thằng Út bằng đôi mắt của thời làm tướng cướp, tóe lửa, muốn đốt cháy những kẻ giàu có ra thành tro. Nó cũng trân trân nhìn lại ông. Từ nhỏ nó chưa bị ai đánh, nhưng nó từng chứng kiến cha nó khi nổi giận đã đánh các anh nó và mấy người lối xóm muốn vuốt râu hùm, tàn bạo như thế nào. Nó muốn mở miệng xin tha, rồi thanh minh nó không cố ý. Cùng lúc đó, từ một nỗi đau sâu kín, trong nó cũng phát ra động lực bất khuất phục. Ánh mắt nó thành ương ngạnh, bướng bỉnh. Bập. Một cú chém tay như tia chớp. Mắt nó tối sầm. Nó tưởng cái đầu nó đã văng khỏi cổ. Nó xỉu đi và không còn biết gì nữa.

Nó được đưa đi nhà thương và nằm liệt hàng tháng vì cú đòn hiểm của cha nó. Lúc rời giường bệnh, khỏe trở lại, nó ngơ ngơ ngẩn ngẩn thêm thời gian dài. Hai mắt lúc nào cũng dở khôn dở dại, nét mặt như nửa tỉnh nửa mơ, cả ngày chẳng mở miệng nói cười với ai một lần. Tâm tính nó cứ như của đứa trẻ khác nhập vào, không ai còn nhận ra thằng Út Nhân thần đồng. Nó buộc phải bỏ học gián đoạn quá lâu, song cái chính là cha nó không muốn cho nó tiếp tục đến trường vì nỗi lo sợ, chỉ một lúc ra khỏi phạm vi trông chừng của ông, nó có thể lộ ra cái chuyện mà ông định chôn theo luôn cả chính nó vào câm lặng suốt đời. Ông là người đầu tiên gọi nó là thằng Khùng. Cả nhà thuận miệng gọi theo. Lúc đầu, nó tưởng mọi người gọi giỡn, vì dáng vẻ ngơ ngơ hồi bị bệnh. Sau, nó nhận ra đó là cảm hứng thù ghét được công khai châm ngòi khi tình thương đến mức thiên vị của cha nó chấm hết. Nhiều lúc, nó nhận ra cha nó nhìn nó như cái gai trong mắt. Nó dần hiểu cha nó gọi nó là thằng Khùng chỉ để vô hiệu hóa cái miệng của nó. Cái miệng láu táu kèm theo "tật", thoáng nhìn thấy cái gì, nghe được chuyện gì cũng vanh vách kể như đọc với mọi người. Lúc đầu "tật" sớm hiểu biết đó được cha nó tin chắc là dấu hiệu thần đồng.