Phần Hồn - Chương 10 - Phần 2

Ba Bá đã chịu đựng đến giới hạn tột cùng của sự yếm thế sợ hãi, đột ngột chuyển sang tự ái, lừ lừ ngước mắt, nói nhỏ:

- Thưa anh Hai. Về chủ nghĩa này nọ, em không dám bàn nhưng riêng chuyện nhà, em nghĩ anh Hai đi xa lâu ngày mới về nên chưa hiểu đúng sự việc...

- Cái gì? - Hai Vương đỏ mặt: - Nghĩa là chú quy kết tôi nói sai? Người cách mạng có câu: Biết địch biết ta, trăm trận đánh, trăm trận thắng. Tôi là ai, đang đứng trên tư thế nào, chú biết rồi, tôi đang thắng, tức là tôi không thể sai, rõ chưa? Tôi nói cho chú biết, trước khi phát biểu cái gì, tôi đã điều nghiên rất kĩ. Tôi còn biết chú có tám năm tuổi quân ở sư đoàn biệt động Trâu Điên, hàm thượng sĩ, đúng không? Lính Trâu Điên làm gì với đồng bào suốt một dải từ Bến Tre, Bình Long ra đến Đà Nẵng, Quảng Trị, đường Chín Nam Lào, cả nước ai cũng biết. Một người như chú, lẽ ra bây giờ hoặc theo Thiệu, Kỳ qua Mỹ, hoặc ở một chỗ khác. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy chú còn ở đây đấy.

Ông Hai Rỡ vội lắp bắp:

- Thằng Ba giải ngũ lâu rồi. Nó bị thương...

Vương vẫn giận dữ:

- Trước khi bị một viên đạn của quân giải phóng tiện mất ngón tay, nó đã bắn hạ bao nhiêu Việt cộng? Cha ạ. Chính sách cao cả và nhân đạo của Đảng và Nhà nước cách mạng là không chủ trương trả thù những người lầm đường lạc lối phía bên kia chiến tuyến, thậm chí, còn mở rộng đường để họ có cơ hội phục thiện, đóng góp sức mình xây dựng đất nước, xóa dần quá khứ. Nhưng ngược lại, những kẻ lầm lỗi cũng chớ vội tin rằng mình như mọi người quá sớm. Chú Ba... - Hai Vương nhìn Ba Bá khi đó đã gục đầu buồn bã: - Tôi thành thật khuyên chú từ ngày mai nên giao đàn bò cũng như quyền điều hành trong nhà cho thằng Năm. Về cả tư cách lẫn phẩm chất chính trị, nó xứng đáng hơn chú. Người làm ra đồng tiền mà không có phẩm chất tốt thì đồng tiền cũng dơ bẩn.

Ba Bá bất thần đứng dậy buông xuôi tay, mắt ánh những tia chua chát. Giọng gã lạnh và lì:

- Anh nói đúng. Rất đúng. Không chờ đến ngày mai mà ngay từ hôm nay, mọi chuyện trong nhà, thằng Năm sẽ làm hết. Xin phép anh Hai, tôi mệt.

Dứt lời, Bá lầm lũi lách giữa đám bà con họ hàng đang ngồi chật dưới đất, đi thẳng ra sân.

Vương bị hẫng. Hơi trầm đi một lát, gã hạ giọng:

- Thuốc đắng giã tật... Bây giờ, có thể căm tức nhưng sau này chú ấy sẽ phải cảm ơn tôi. Một cuộc cải tạo trong gia đình dù sao cũng dễ chịu hơn trăm lần cuộc cải tạo của xã hội sẽ dành cho chú ấy. Tư sản cộng với quá khứ cầm súng chống lại cách mạng, con đường tất yếu đối với chú ấy là... là...

Thấy nét mặt ai nấy vẫn rầu rầu, e sợ Hai Vương bỗng chột dạ và hối về sự lỡ đà quá đáng của mình. Gã lập tức điều chỉnh bằng điệu cười ha ha ha chệch dòng, sống sượng:

- Hôm nay, tôi mời các chú, bác, cô cậu, dì, tất cả bà con trong họ đến ăn mừng đoàn tụ. Phần tôi, tôi nói rồi. Bây giờ, đến lượt mọi người, ai muốn phát biểu hay thắc mắc gì, xin cứ nói thật thoải mái, dân chủ, tôi sẽ xin giải đáp.

Vương đưa ánh mắt hứng đón về những người già cả, nhưng ai cũng tránh cái nhìn của gã. Sự xởi lởi muộn mằn của gã chẳng khác gì hòn sỏi ném tũm xuống ao bèo tấm, không kích nổi gợn sóng lan truyền nào trong đám bà con. Không khí tẻ nhạt, ngán ngại bao trùm và kéo dài đến nỗi ông Hai Rỡ phải bứt rứt lên tiếng:

- Thằng Hai nói vậy, có khi không phải vậy. - Ông nói bằng giọng khàn khàn yếm thế: - Hôm nay tôi mời bà con đến chung ly rượu với tôi, với nó, cha con xa cách hai mươi năm mới có ngày gặp mặt, cứ mừng cái đã. Còn ba cái vụ làm giàu hay làm nghèo, phận ai người đó tính.

Đám bà con vẫn nín thinh như thể bị thôi miên. Trong họ không nhà nào không có con em đi lính cho chế độ cũ, không nhà nào không có người, trực tiếp hoặc gián tiếp dính líu tới chính quyền cũ. Và đám thanh niên có mặt trong nhà, đến hơn phân nửa vừa cởi sắc áo lính Ngụy sau khi chiến tranh kết thúc. Họ đến với Vương từ niềm tự hào và vui mừng tự nhiên song cũng muốn qua Vương để tìm hiểu và hi vọng. Giờ, trời có lên dây cót, họ cũng không ai vui nổi. Song cũng không ai dám bỏ về.

Thời gian nặng nề trôi.

Cuối cùng, Vương gượng gạo xuề xòa làm hòa:

- Không ngờ... À, thôi... Để thay đổi không khí, tôi xin kể với bà con cô bác một chuyện vui đánh Mỹ Ngụy...

Từ ngoài con hẻm có nhiều tiếng xe hơi, tiếng còi, kèm theo tiếng hò reo của lũ trẻ hiếu kỳ.

Năm Thiên đâm bổ từ sân vào nhà reo:

- Anh Hai. Quan khách đã tới. - Gã xuýt xoa: - Toàn xe Mỹ láng coóng thứ... tướng tá quan quyền ngày xưa xài không à.

Mặt Hai Vương tươi rói như có được cứu cánh. Gã dang hai tay nói với bà con:

- Cuộc họp mặt tâm sự đến đây là hết, mời tất cả nghỉ giải lao để chút nữa vào tiệc.

Rời bàn được mấy bước, gã quay lại rút luôn những bông cúc vạn thọ trong bình hoa, cười nói với mọi người: Trong số các quan khách tới dự có rất nhiều anh lớn ở Trung ương và thành phố... phải tặng mỗi người một bông vạn thọ vườn nhà... hê hê hê...

Hai Vương ra khỏi cửa một lúc, đám bà con họ hàng mới uể oải giải tán. Không ai nói với ai một lời.

Út lững thững ra cuối cùng. Nó dừng lại bên thềm nhìn những xe hơi Mỹ, Nhật sang trọng và bóng lộn chở mấy ông, mấy bà ăn mặc giống như Hai Vương lẫn theo mấy bà, mấy cô vận đồ bà ba, nối đuôi nhau lượn vào khoảng sân rộng. Còi xe bóp inh ỏi khoa trương, thị uy. Hai Vương và Năm Thiên lăng xăng chạy đến hết cửa xe này đến cửa xe khác, xe xua xúng xính...

Út lủi thủi xa lánh đám đông và sự ồn ào. Nó cũng chẳng muốn qua chuồng bò để nhìn những dấu vết còn lại của hai con bò bị giết. Nó bỗng nhớ gia đình thầy Tám. Không có nó giơ vai bươn chải, chắc chắn cả nhà thầy sẽ cực khổ, khó có miếng mà ăn. Nó vòng ra sau nhà. Nó nghĩ tới kho chứa đồ hồi còn ở nhà hay trốn vào đó mỗi khi cần lẩn tránh mọi người. Không hiểu sao, nó không thấy ở Hai Vương một đường dây nào liên quan tới nó, dù Vương giống cha và Ba Bá như đúc.

Út men theo rặng rào ó rậm rì luồn qua hàng những cây vú sữa bóng tỏa um tùm hướng về phía nhà kho. Ngôi nhà nhỏ vẫn thưng vách bằng gỗ đã được sửa sang bớt đi vẻ mục cũ, mái được lợp bằng tôn thay lá dừa. Nó đâm băn khoăn. Nó sợ trại bò nay ngay cả chỗ ẩn núp quen thuộc cũng không có cho nó nữa.

Lòng nó bỗng lặng đi khi nhận ra cha nó đang ngồi bên gốc dừa, cách chỗ nó đứng chừng hai chục bước chân, mặt hướng về nấm mộ mẹ nó, thẫn thờ già xọm, mắt đau đáu bất động nhìn thấu vào hư vô, giọt lệ cay đắng còn đọng trên gò má nhăn nheo đen xạm. Cách mộ mẹ nó khoảng ba mét là mộ Tư Tiên và Sáu Nghĩa nằm cạnh nhau. Trên mỗi ngôi mộ, bên bát nhang lưa thưa những cọng nhang, sát tấm bia đá, ai đó mới đặt lên hòn đất khô và cành ó tươi. Nó đoán, cha nó vừa làm việc ấy. Cha nó có thói quen mỗi khi viếng mộ người thân, thay vì cắm nến nhang, ông đặt lên hòn đất và nhánh lá mọc gần mộ. Ông giải thích với mọi người, đó là nghĩa cử hết lòng của kẻ từng sống đời giang hồ với người chí cốt. Cha nó vẫn thèm nhớ quá khứ ngang dọc ấy. Biết cha đang rất đau đời mà không ai chia sẻ, nó rụt rè lại gần. Nghe tiếng động, cha nó ngoảnh lại. Thấy nó, ông không nói gì, lại quay về với hướng nhìn cũ. Nó lẳng lặng ngồi sát cạnh cha. Cùng nhìn vào mộ mẹ. Hai cha con ngồi bên nhau gần nửa giờ. Cả hai dường như không nghe tiếng ồn ào cười nói từ phía sân và vườn trước nhà vọng qua.

Thằng Út muốn an ủi cha, nhưng không sao cất nổi nên lời. Nó đã quen câm lặng đến độ càng xúc động, càng khao khát giãi bày, khả năng giao tiếp của nó càng tê liệt, miệng lưỡi nó càng líu cứng. Nó biết cha nó chịu để nó ở bên tức là ông đã bắt đầu thương nó.

Từ phía đầu hồi bỗng có tiếng giật giọng của Năm Thiên:

- Ba à! Ai biết ông già tôi đâu không?

Út nghe rõ, nhưng không biết cha nó có nghe thấy không. Nó đưa mắt cho cha như nhắc nhở. Cha nó bỗng cầm bàn tay nó. Bàn tay ông thô nháp và khô. Nhưng nó cảm thấy sung sướng.

- Đời ba đến đây là hết rồi con. - Ông ngậm ngùi, cố nuốt xuôi cơn nghẹn ngào. Một lúc, ông nói tiếp: - Thằng Hai đã quyết đón con về, nên có thể từ nay con sẽ sướng. Thôi, mất cái nọ lại được cái kia. Con sướng, ba cũng đỡ áy náy. - Ông thở dài: - Chứ đời ba đến đây là hết rồi.

Út từ từ nắm chặt bàn tay cha. Bồi hồi. Thiêng liêng.

- Kìa ba. Trời đất! Hôm nay là ngày vui sao ba ra đây ngồi? Cả thằng Khùng này nữa... - Năm băm bổ đi lại: - Bao nhiêu người hỏi... Tôi tưởng ba đi đâu... tìm hoài.

Nhìn mấy ngôi mộ, thằng Năm chợt hiểu: - Tưởng gì. Để lát nữa tôi nói anh Hai mời các quan khách ra mặc niệm thắp nhang nhưng ba nhớ nói với mọi người, má, chị Tư và thằng Sáu chết là do Mỹ Ngụy giết hại bởi không ai chịu khai nhà có anh Hai đi cách mạng đấy. - Thấy cha nhướng mắt khó chịu, Năm khoát tay: - Ba khỏi thắc mắc. Sau này nhà có quyền lợi, ba sẽ rõ hết à.

Ông Hai Rỡ mệt mỏi đứng dậy trong khi Út vẫn ngồi lì. Năm Thiên tặng luôn cho nó một cú đá thẳng thừng vào đít:

- Mày điếc hả Khùng? Ra ngay. Lát nữa, anh Hai sẽ giới thiệu với quan khách mày là nạn nhân của chất độc màu da cam... Rất có thể mày sẽ được đưa đi quốc tế để làm nhân chứng tố cáo tội ác đế quốc Mỹ và sau đó sẽ được chữa khỏi khùng. Sướng nhất mày rồi đó.

Út cum cúp lẽo đẽo theo sau Năm. Nó xót xa cho vẻ ngoan ngoãn của cha. Nhìn mái tóc bạc phơ, dáng đi khập khiễng, nhẫn nhục của ông trong bộ đồ “đại lễ” như một sự trớ trêu tội nghiệp, nó không sao tin nổi chính ông đã có một thời dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Và chính ông vào lúc nổi giận đã đánh nó một cú trời giáng, sau đó biến nó thành thằng Khùng, chỉ bởi nó trót biết về một điều không được biết. Đi đến góc đầu hồi, thấy Năm Thiên vừa khuất phía trước, Út lẳng lặng lùi lại, chạy biến dọc hàng mộ chí về phía nhà kho. May quá, cửa kho không khóa. Nó lách nhanh vào. Trong kho tối mờ mờ, đầy mùi mốc và mùi cám. So với hồi nó ở nhà, gian kho có thêm giàn gác xép bằng gỗ ván. Không nếp tẻ, nó bám với thanh xà ngang, co người chui tút lên. Một giấc ngủ đến với nó không khó khăn gì. Nó đã quen với việc rũ sạch những ưu tư đau đớn đơn giản như người ta rũ bụi trên quần áo. Những con chuột nhắt đã sống thành ổ trên gác xép thấy Út tranh chỗ hoảng loạn nhao nháo kêu chít chít, chạy chồm cả lên người nó. Rồi tất cả đều trở lại bình thường. Bọn chuột sớm nhận ra người mới đến là gã vô hại, sau một lúc xáo trộn, chúng an tâm chấp nhận Út như một công dân mới.

Lúc Út thức giấc, trời đã tối. Ánh sáng điện từ chuồng bò hắt qua những khe ván vách kho giúp nó nhận biết mọi vật xung quanh, nhớ ra mình đang ở đâu và nhớ lại mọi chuyện. Quanh nó yên ắng lạ thường. Nó ngạc nhiên rồi chuyển sang lo ngại. Ít nhất cũng phải có động tĩnh từ chuồng bò chứ? Hay lũ bò đã bị giết hết trong lúc nó ngủ? Tiếng cóc bất đồ đá lưỡi chậc chậc, tiếng lũ dơi trong tổ trên những hốc lá dừa chèn nhau kêu chin chít khiến hắn bồn chồn, rờn rợn. Hắn thấy đói và khát. Nghe nghóng một lúc, hắn đu nhẹ từ gác xép xuống đất. Sàn gỗ bị chấn động dội lên những tiếng cọt kẹt khá lớn trong đêm. Hắn lách người qua cửa kho. Lũ bò thấy hơi lạ lười biếng ngước nhìn hắn như oán trách rồi lờ đờ ngoảnh đi chỗ khác. Trong chuồng đầy tiếng muỗi vo ve. Các máng ăn hết sạch cám và cỏ. Hắn hiểu vì sao chuồng yên ắng. Lũ bò đang đói và buồn. Người ta đã giết đồng loại của chúng ngay trước mặt chúng. Út quay vào kho vác ra bao cám, mở miệng, trút vào cái xô lớn.

- Tội nghiệp chúng mày. - Hắn lầm rầm với lũ bò: - Người ta mải nhậu nhẹt rồi quên không cho chúng mày ăn.

Hắn đi dọc dãy chuồng, xúc cám vào từng máng. Lũ bò ngửi thấy mùi thức ăn, chộn rộn hẳn. Con thì “ò” lên mấy tiếng vui mừng. Con cọ sừng vào thang chuồng sột soạt. Con khua móng xuống nền mừng rỡ. Tiếng nhai bắt đầu nhộn nhạo...

Những tiếng động từ chuồng bò khiến con Vàng ngủ ở đầu hiên nhà thức giấc gừ gừ lên mấy tiếng cảnh giác, rảo chân chạy qua. Thấy thằng Út, nó vẫy đuôi cuống quýt phóng ngay lại khợp đùa, hít hà vào ống chân trần đen nhẻm của chủ biểu lộ sự đồng cảm. Vàng mập đẫy nhưng chậm, đã bước sang tuổi già. Hai con mắt hùm hụp của nó nhìn thằng Út như ghen với lũ bò.

- Lúc tao về, mày đâu thèm nhận tao. - Thằng Út vừa xúc cám vào máng vừa trách đùa Vàng: - Tao biết thừa lòng dạ mày rồi.

Vàng khịt khịt vài tiếng thanh minh: - Tôi đâu quên anh. Anh quên tôi thì có. Thấy anh về, tôi kêu mấy tiếng chào anh, nhưng anh mải ngồi trên xe hơi, đâu có thèm nhìn tôi.

Út nháy mắt ngồi xuống ôm Vàng:

- Giỡn chút mà đã giận. Cho bọn bò ăn xong, tao sẽ xuống bếp kiếm cái gì đó, tao với mày cùng ăn. Tao cũng đói lắm rồi.

Út đứng lên cho bò ăn tiếp. Con Vàng cũng chồm dậy gừ gừ mấy tiếng rồi phóng ra cửa chuồng.

Út hướng theo và nhận ra cha. Ông Hai Rỡ hốc hác, mệt mỏi từ ngoài sân tập tễnh bước vào. Nhận ra Út, ông lầm lầm dừng lại. Út ngạc nhiên vì cha nó nhàu nát, thất thần như người bệnh. Có lẽ những động tĩnh từ chuồng bò đã đánh thức ổng dậy.

- Mày trốn đâu suốt ngày vậy? - Ông hỏi Út, miệng nồng nặc hơi rượu.

Út chỉ nhìn cha. Nó đã quen không đáp những câu hỏi mà thiếu câu trả lời, người hỏi cũng chẳng hề bực tức.

- Chúng mày sao không trốn hết đi... - Mặt Hai Rỡ lừ đừ bởi men rượu: - Mày thương lũ bò nên mày quay lại hả? Thế sao thằng Ba không về? Nó không thương bò hả?

Út buột miệng hỏi:

- Anh Ba đâu?

- Thế mày không cùng đi với nó à? - Hai Rỡ chộp ngực áo thằng Út gầm gừ: - Nó... nó đã vượt biên rồi... Nó đi mất rồi... Đù mẹ... đời. Tao được thằng này lại mất thằng khác.

Hai Rỡ đang quá say. Đó là chuyện chưa bao giờ thấy, vì ông là người uống không bao giờ biết say là gì. Hàng ngày, mỗi bữa cơm, ông đều uống hai xị. Rượu như cơm, không thể nào không có. Còn khi vui quá hay buồn quá, nếu có bạn uống, thì liều lượng vô kể, có khi vài lít, nhưng không bao giờ say xỉn và nói lảm nhảm.

- Tao đau đời mà Út... Từ nay, tao gọi mày là Út chứ không phải Khùng... Mày đáng được gọi một cái tên người nhất thì tao gọi mày là Khùng, là Bò, là Chó... Còn chúng nó là chó hết, tao lại gọi chúng nó là người. Bởi vì tao cũng chó. - Hai Rỡ bỗng khóc hu hu: - Cha có tội... nhưng cha sợ... cha sợ bị đời khinh rẻ... nên... cha đã hại con... Út ơi... tha thứ cho cha... hu hu hu...

Út vội đỡ cha, dìu lại chiếc ghế bố ở cửa kho.

- Tao không say đâu. - Hai Rỡ cố vùng ra, nhưng cơn say khiến ông không làm chủ được động tác, hai tay cứ quờ quạng, chân nam đã chân xiêu, miệng lảm nhảm:

- Chúng nó giết của tao hai con bò đẹp nhất... Bò... Con Mai Hoa và con Huyền Vũ. Bò! Tao đã phải trả bao nhiêu giá đắt... để cho chúng mày sống. Đầu tiên là tao... là cái chết của tao... cái chết của thằng Út... rồi đến cái chết của Tư Tiên... Thế mà cuối cùng chúng mày cũng không sống nổi... Hôm nay, chúng nó giết chúng mày. Mai Hoa, Huyền Vũ. Chúng nó nhậu suốt ngày. Chỉ ăn mừng..., chỉ đãi bạn bè chiến hữu mà chúng nó giết hai con bò của tao. Chúng nó giết thêm thằng con trai của tao... Hu hu... Thằng Năm... trời ơi... thằng Năm Thiên... Tao không ngờ thằng Năm... Tao phải giết nó... Nó, chính nó dắt người về giết hết bò chứ không phải ai khác... Tao có tội khi đã đẻ ra nó. Tao đặt tên mày là Trời để mày phá tao... Hu hu... Út... mày có tha thứ cho cha không?

Út cố giữ cha ngồi im nhưng ông vẫn vùng vẫy. Cuối cùng, nhân lúc Út lỏng tay, ông thoát được ra, xô Út té ngồi xuống đất, chệnh choạng chạy khỏi chuồng bò, vừa chạy vừa đấm ngực bình bịch và gào thét:

- Tôi có tội... Trời ơi! Tôi có tội... - Ông chạy ra giữa sân, phanh ngực áo, ngửa mặt lên bầu trời tối đen không một vì sao: - Tôi có tội... Hu hu hu... Trời đã bắt chính lũ con tôi trừng phạt tôi... Chúng nó giết hết bò... Thà giết chết tôi còn hơn... hỡi trời... Hãy giết tôi đi còn hơn...

Con Vàng thấy chủ vậy sợ hãi, tru cuồng lên, khiến lũ chó hàng xóm hốt hoảng thi nhau sủa ầm ĩ lan truyền cả vùng. Những con gà trong chuồng cũng quang quác như gặp cáo. Bảy Thiện đang ngủ mê mệt, thức giấc trần trùng trục bật giường lao ra sân. Từ ngôi nhà đúc cuối vườn, Sáu Là cũng bật cửa chạy qua. Thấy bố chồng quỳ giữa sân làm mình làm mẩy gào thét, nàng đứng sững rồi từ từ lùi vào khoảng tối của bóng cây si, ôm mặt khóc nức.

Bảy lắc đầu nói với Út:

- Ông uống suốt ngày, hết cả can rượu mười lít... - Gã ngồi xuống cạnh cha: - Cha... Cha... Ngoài này sương lạnh, con đưa cha vô nhà nghen... Cha uống nhiều quá vô ngủ một giấc là hết thôi cha...

Hai Rỡ túm ngay ngực thằng Bảy, trợn mắt:

- Mày là ai? Mày là thằng Bảy hả? Mày. Mày chính là thằng khốn... Thấy chúng nó giết bò sao mày không chém chúng nó?

- Trời! - Bảy thật thà cãi: - Cha không cản làm sao tôi dám cản.

Hai Rỡ bất ngờ vung tay đấm thẳng một quả như trời giáng giữa mặt Bảy khiến gã bật ngửa, ôm mặt bất mãn:

- Sao cha lại đánh tôi?

- Vì mày nói láo. Tao không cản là đúng vì tao là thằng chết rồi... Tao... tao chết lâu rồi. Còn mày đang sống... mày phải cản... phải chém những thằng giết bò.

- Thì anh Hai, anh Năm chớ ai. - Bảy Thiện làu bàu.

- Cũng chém... chém hết... Trời đất quỷ thần... - Hai Rỡ lại khóc rống: - tôi uống phải bùa mê thuốc lú gì mà lúc ấy để chúng nó giết bò. Con Mai Hoa và con Huyền Vũ... Hu hu hu... - Ông loạng choạng chạy vào nhà: - Con dao đâu... mã tấu đâu...

Bảy lao theo ôm ghì lấy cha.

- Mày bỏ ngay tao ra. Tao muốn chết trước trời đất ngay đêm nay... Bỏ ra.

Bảy đang ở tuổi mười chín, khỏe như trâu, thừa sức ghìm giữ cha, một ông già hơn sáu chục. Ông Hai Rỡ vùng vẫy gào thét một lúc rồi cũng mệt và lả đi, miệng lảm nhảm những lời không đầu không cuối.

Út xán lại gần giúp Bảy đỡ cha vào nhà.

Sáu Là nen nét bước theo. Lúc vào đến vùng sáng ánh điện từ trong nhà hắt ra, Út mới nhận thấy hai mắt Sáu Là mọng đỏ. Từ khi biết chuyện dan díu của Sáu Là, nó luôn coi trong gia đình không có người đàn bà tội lỗi này. Nhưng giờ đây nó thấy thương nàng. Rõ ràng nàng đã biết chuyện chồng vượt biên.

- Có cần tôi giúp gì không? - Vào trong nhà, Sáu Là tránh nhìn cha chồng, lí nhí hỏi.

Bảy ngoảnh lại:

- Chị về lấy đồ cạo gió. Ông cảm nặng rồi.

Mắt Sáu Là hơi nhíu lại có vẻ ngần ngại. Nhưng rồi nàng cũng quay ngay đi. Út hiểu được lòng nàng. Nó nhìn Bảy nghi ngờ: Ảnh không biết chuyện “đó” hay ảnh bỏ qua? Có lẽ ảnh không biết. Út thở dài. Có khi không biết như Bảy lại tốt hơn là biết như nó.

Nó ngồi xuống cạnh giường, chăm chăm nhìn kỹ gương mặt cha. Ông đang thiêm thiếp trong cơn say. Những nét nhăn nhúm trên mặt ông thư giãn trong khoảnh khắc. Bất ngờ cẳng chân ông, chính cẳng chân năm xưa, giật giật lên vài cái. Út vội kéo tấm mền nồng mùi mồ hôi bò đắp lên người cha.

- Trúng gió rồi. - Thằng Bảy nói: - Da tím ngắt à.

Hai Rỡ bỗng mở mắt nhìn quanh. Ông dừng lại rất lâu ở mặt thằng Út, rồi hỏi:

- Thằng Ba về chưa?

Bảy nói:

- Sắp về rồi.

- Thằng Hai? - Hãi Rỡ lại hỏi.

- Ảnh về sở, mai lại lên đây.

- Thằng Năm?

- Ảnh trực ở Ủy ban, sáng mai cũng về. Ba ngủ đi.

Im một lúc, cố nhớ ra điều gì mà không nhớ nổi, vầng trán thấp của Hai Rỡ gợn nếp bạc nhược, giọng ông thều thào:

- Hình như lúc say, ba nói lung tung?

Bảy lắc đầu:

- Ba đâu nói gì. Ba không ngủ à...

Hai Rỡ chăm chăm nhìn những hàng ngói tàu trên mái nhà rồi khẽ cựa:

- Không phải ba đã đuổi hết chúng nó đi chứ? - Ánh mắt ông bơ vơ hướng về thằng Bảy rồi lại nhìn thằng Út, miệng mấp máy: - Sao nhà vắng thế? Không phải ba đuổi thiệt chớ?

Út cầm bàn tay cha, khẽ nói:

- Thiệt.

Nó bỗng rùng mình khi gặp được nhịp đập từ mạch máu cha nó những tín hiệu tình thương yếu ớt. Nó phải nhắm mắt lại để nghe rõ hơn. Lòng nó rưng rưng.