Frankenstein - Chương 13
Chương 13
“Bây giờ tôi xin kể tới phần thương tâm trong câu chuyện của mình. Tôi sẽ nói hết những sự kiện đã hằn lên tôi những cảm xúc đưa tôi từ tâm thế đó biến thành tôi như hiện nay.
Mùa xuân diễn biến nhanh chóng; trời đất rất đẹp không một gợn mây. Tôi lấy làm ngạc nhiên rằng cảnh hoang vu ảm đạm lúc trước thoắt trở nên xanh tươi và rực rỡ nở hoa. Các giác quan của tôi tha hồ mà mãn ý: ngắm hàng ngàn cảnh đẹp, ngửi hàng ngàn hương thơm.
Vào một ngày trong số những ngày đó, các bạn tôi theo thường kỳ nghỉ làm việc: cụ già chơi ghita cho các con nghe, tôi nhận xét thấy Felix vẻ mặt buồn vô hạn, anh thở dài liên tục; và một lần cụ già đang chơi đàn thì dừng lại, và nhìn tư thế tôi đoán cụ yêu cầu đứa con cho biết nguyên nhân nỗi buồn. Felix bèn lấy giọng vui vẻ trả lời, và cụ già vừa bắt đầu bấm lại, thì lúc đó có người gõ cửa.
Đó là một cô gái có vẻ cao sang đang cưỡi ngựa, cùng một người dẫn đường thuộc vùng này. Nàng mặc đồ đen, trùm mạng dày đen. Agatha hỏi một câu gì đó, nàng chỉ đáp lại bằng một tiếng, với giọng ngọt ngào, tên của Felix. Giọng nàng thánh thót như tiếng nhạc, nhưng không hề giống ai trong số các bạn tôi. Nghe tên mình, Felix vội chạy tới với cô gái; nàng thấy anh liền lật tấm mạng lên, và tôi nhìn thấy một gương mặt đẹp đẽ và vẻ mặt vô cùng thánh thiện. Tóc nàng đen nhánh óng mượt, tết lại theo kiểu rất lạ; mắt đen nhưng dịu dàng, dù kích động; những đường nét vô cùng cân đối, nước da sáng thiên thần, đôi má hồng tươi.
Felix dường như điên lên vì sung sướng khi nhìn thấy nàng, vẻ buồn bã biến đâu mất sạch, khuôn mặt tức khắc chìm ngập trong niềm vui cuồng nhiệt mà tôi không tưởng tượng có thể tồn tại nổi; mắt anh long lanh, má đỏ hồng vì sung sướng, lúc ấy tôi cảm thấy anh ta đẹp ngang với cô gái lạ. Nàng thì có vẻ đang bối rối với bao nhiêu nỗi xúc động khác nhau; quệt vài giọt lệ khỏi đôi mắt xinh đẹp, nàng chìa tay ra cho Felix, anh này lập tức hôn say đắm, và gọi nàng là – theo như tôi nghe được – ‘nàng Ả Rập tuyệt vời của tôi’. Nàng có vẻ không hiểu, nhưng vẫn mỉm cười. Felix giúp nàng xuống ngựa, cho người dẫn đường về, và đưa nàng vào trong nhà. Hai cha con trao đổi mấy câu, và cô gái lạ mặt quỳ xuống bên chân định hôn tay cụ, nhưng cụ nâng nàng đứng dậy, trìu mến ôm hôn nàng.
Tôi nhận ra ngay tuy nàng có thốt ra những âm thanh mạch lạc, và dường như cũng có ngôn ngữ riêng của nàng, nhưng không ai hiểu nàng nói gì, nàng cũng không hiểu tiếng nói của những người kia. Họ ra hiệu cho nhau mà tôi chẳng hiểu gì cả; nhưng tôi biết là sự có mặt của nàng khiến niềm vui lan tỏa khắp căn nhà, làm tiêu tan nỗi đau buồn của họ như mặt trời làm tan sương mù buổi sáng. Felix tỏ ra hạnh phúc cực kỳ, và đón mừng cô gái Ả Rập của mình bằng những nụ cười sáng chói. Agatha, nàng Agatha hiền dịu thì cầm lấy hai bàn tay cô gái mà hôn, và chỉ vào anh trai, nàng ra những dấu hiệu mà tôi nghĩ có nghĩa là anh ta đã khổ sở lắm cho tới lúc nàng tới. Vài giờ đồng hồ trôi qua như thế, họ liên tục – bằng nét mặt mình – bày tỏ niềm vui mừng mà tôi không hiểu do đâu. Ngay sau đó tôi nhận thấy cô gái đẹp cứ nhắc đi nhắc lại mấy lời họ nói, và hiểu nàng đang cố học lấy ngôn ngữ của họ; thế là tôi lập tức nghĩ rằng mình có thể tận dụng những lời họ dạy dỗ nàng để đạt đến cùng mục đích. Lần đầu tiên họ dạy cho cô gái lạ mặt khoảng hai mươi từ; trong đó có nhiều từ tôi đã biết từ lâu, nhưng tôi học thêm được nhiều từ mới.
Đêm đến, Agatha và cô gái Ả Rập đi ngủ sớm. Khi chia tay, Felix hôn tay nàng mà nói, ‘Chúc ngủ ngon, Safie dễ thương.’ Felix còn thức rất khuya, nói chuyện với cha; trong câu chuyện, tên Safie được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tôi đoán chủ đề câu chuyện là về cô gái ấy. Tôi mong muốn cháy bỏng hiểu được câu chuyện, và cố tìm mọi cách, nhưng hoàn toàn vô vọng.
Sáng hôm sau Felix đi làm, và sau khi Agatha dọn dẹp trong nhà như thường lệ, cô gái Ả Rập ngồi dưới chân cụ già, cầm lấy cây ghita dạo vài điệu nhạc hay đến nỗi tôi lập tức chan hòa nước mắt, những giọt nước mắt vừa xót xa vừa sung sướng. Nàng cất tiếng hát, điệu hát uyển chuyển tuôn trào lúc cao vút lúc lịm dần chẳng khác gì họa mi trong rừng.
Hát xong nàng trao cây đàn cho Agatha. Lúc đầu Agatha từ chối, sau thì cũng gảy một khúc giản dị và cất giọng ngọt ngào hòa theo, tuy nhiên không thể sánh được với cô gái lạ. Cụ già có vẻ vô cùng vui thích nói mấy lời gì đó, Agatha cố gắng giải nghĩa cho Safie, theo tôi hiểu cụ muốn bày tỏ niềm sung sướng nhất mực khi nghe nàng đàn hát vừa rồi.
Ngày lại ngày trôi qua thanh bình như trước, thay đổi duy nhất là vẻ mặt buồn rầu của các bạn tôi được thay thế bằng nét mặt tươi vui. Safie lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc, nàng và tôi tiến bộặt ngôn ngữ, do đó chỉ trong hai tháng trời tôi bắt đầu hiểu được gần hết lời những người che chở tôi.
Trong thời gian này mặt đất đen đã phủ đầy cỏ, hai bờ sông xanh thắm điểm cơ man nào là hoa, cả tai và mắt đều được say sưa thưởng ngoạn, ánh sao xanh nhạt tỏa xuống giữa khu rừng loáng ánh trăng; mặt trời ấm hơn, đêm trong vắt và ngát hương; những cuộc chơi đêm của tôi thích thú vô cùng, tuy đã bị rút ngắn lại vì mặt trời mọc sớm mà lặn muộn, bởi ban ngày tôi vẫn chưa dám thò mặt ra, sợ lại gặp phải cách đối xử tôi từng chịu đựng ở ngôi làng đầu tiên mình đặt chân vào.
Ngày nào tôi cũng dốc lòng tập trung để nắm vững ngôn ngữ được nhanh hơn, và tôi phải khoe rằng mình tiến bộ hơn cô gái Ả Rập nhiều, nàng hiểu rất ít, nói nhát gừng, trong khi tôi vừa hiểu nghĩa vừa bắt chước đúng gần như từng chữ một.
Đồng thời với tiến bộ trong lời nói, tôi cũng học được tri thức về chữ viết, bởi họ dạy cả điều đó cho cô gái kia, thành thử trước mắt tôi mở ra cả một miền rộng rãi đầy ngạc nhiên và lý thú.
Quyển sách mà Felix dùng để dạy Safie là quyển Tàn tích của các Đế chế[40] của Volney. Chắc tôi đã không hiểu nổi ý nghĩa của nó nếu như Felix không giải thích tỉ mỉ cho Safie nghe trong lúc đọc. Anh cho biết sở dĩ mình chọn tác phẩm này vì theo anh văn phong bóng bẩy của nó là cố tình mô phỏng các tác giả phương Đông. Qua cuốn sách tôi đã thu nhận được một kiến thức sơ lược về lịch sử, nắm bắt được những đế chế hiện đang tồn tại trên thế giới; nó cũng cho tôi một cái nhìn thấu đáo vào tận bên trong các phong tục tập quán, chính thể, tôn giáo của những quốc gia khác nhau trên trái đất. Tôi được nghe kể về sự lười biếng của những người châu Á, về khả năng thiên tài kỳ diệu và những hoạt động tinh thần của người Hy Lạp, về các cuộc chiến tranh, về đạo đức tuyệt vời của người La Mã cổ xưa – và sự thoái hóa của họ tiếp đó – về sự suy sụp của đế chế hùng mạnh này; về tinh thần hiệp sĩ, về Cơ đốc giáo, về các vị vua. Tôi còn được nghe về việc tìm ra châu Mỹ, và cùng khóc với Safie về số phận bất hạnh của thổ dân sống tại bán cầu ấy buổi đầu.
[40] Les Ruines, ou méditations sur les révolutions des empires (Những tàn tích, hay suy ngẫm về sự lật đổ các đế chế) của Constantin Franois Chasseboeuf, bá tước de Volney, viết năm 17 với hai bản dịch ra tiếng Anh năm 1792 và 1802. Cuốn sách chỉ trích khắc nghiệt tất cả những hệ tư tưởng đang thống trị trên thế giới và vẽ ra hình mẫu cho một con người cách mạng mới mẻ.
Những chuyện kể tuyệt vời ấy đưa đến cho tôi những cảm xúc lạ lẫm: thật là con người có thể cùng lúc vừa mạnh mẽ, đức hạnh, vĩ đại, lại cũng vừa xấu xa, đê tiện như thế sao? Có lúc như thể là dòng giống thuần túy của nguyên lý đó, lúc lại là hiện thân của tất cả những gì cao thượng thánh thần? Làm một con người cao cả, đức độ, với tôi hình như là vinh dự cao nhất một sinh vật nhạy cảm có thể có được; làm một kẻ đê tiện ác độc, như rất nhiều kẻ đã được ghi lại, có vẻ là sự thoái hóa đến mức hèn hạ nhất, đáng khinh bỉ hơn cả con chuột chũi mù lòa hoặc con sâu vô hại. Suốt một thời gian dài tôi không thể nào quan niệm được làm sao ai đó lại có thể đi tới mức giết chết đồng loại; thậm chí vì sao cần thể chế pháp luật nữa; nhưng khi nghe kể tận tường về tội ác và đổ máu, tôi hết ngạc nhiên, mà quay đi ghê tởm và căm ghét.
Mỗi cuộc trò chuyện giữa những người trong nhà với nhau giờ đây lại mở ra cho tôi bao điều ngạc nhiên mới mẻ. Nghe những lời Felix giảng dạy cho cô gái Ả Rập, tôi hiểu ra cái hệ thống kỳ lạ của xã hội loài người. Tôi được nghe về phân chia tài sản, về của cải vô biên và nghèo khổ cùng cực, và thế nào là địa vị xã hội, dòng dõi cha truyền con nối, con nhà quý tộc trâm anh.
Từng lời lại từng lời đưa tôi nhìn lại chính bản thân mình. Tôi học được rằng những phẩm tính được đồng loại của ngài coi trọng nhất là dòng dõi thượng lưu không tì vết kết hợp với nhiều của cải. Có một trong hai lợi điểm đó là đủ để được người đời trọng vọng, nhưng nếu không có cả hai, người đó sẽ bị coi là – trừ một số trường hợp hiếm hoi – một kẻ lang thang, một tên nô lệ, và phận số hắn là phải hy sinh những năng lực của mình cho lợi ích của thiểu số đặc quyền! Mà tôi là ai đây? Tôi không biết gì hết về việc mình được sáng tạo ra, về người sáng tạo ra mình, nhưng tôi biết mình không sở hữu tiền bạc, không bạn bè, không có chút tài sản nào hết. Đã thế, tôi lại mang lấy một hình hài méo mó và dị dạng đến phát tởm; thậm chí không hề cùng bản chất với con người. Tôi nhanh nhẹn hơn họ, có thể sống được với thức ăn vô cùng đạm bạc; tôi chịu được nhiệt độ cực cao hay cực thấp mà chẳng tổn hại bao nhiêu đến cơ thể tôi; vóc người tôi cao lớn hơn họ rất nhiều. Quan sát chung quanh, tôi chẳng thấy hoặc nghe về một ai giống mình cả. Có phải thế nghĩa là tôi là một con quái vật, một vết nhơ trên mặt đất, thấy tôi mọi người phải cao chạy xa bay, một kẻ mà ai cũng chối bỏ?
Tôi không thể mô tả để ngài hiểu hết nỗi khốn khổ mà những suy nghĩ này gây ra cho tôi: tôi cố xua tan chúng, nhưng càng não nề thêm với từng điều mới biết. Ôi giá như tôi cứ suốt đời ở trong cánh rừng quê hương, chẳng biết gì, chẳng cảm thấy gì ngoài đói, khát và nóng lạnh!
Kiến thức quả là kỳ lạ! Đã một lần chiếm lấy, là nó cứ bám chặt vào trí óc người ta, chẳng khác gì giống địa y bám chặt vào vách đá. Tước mình có thể rũ bỏ hết mọi tư tưởng và cảm xúc; nhưng tôi đã học được rằng chỉ có mỗi một cách từ bỏ được cảm giác đau khổ, đó là cái chết – một tình trạng mà tôi rất sợ nhưng chưa hiểu gì. Tôi khâm phục đạo đức và những tình cảm tốt đẹp, tôi yêu quý cách cư xử tế nhị và những phẩm chất đáng yêu của những người sống trong nhà, nhưng bị chặn đứng không thể giao tiếp với họ ngoài những phương cách lén lút mà có được, khi không bị nhìn thấy hay biết đến, và nó chỉ làm tăng thêm chứ không thỏa mãn nổi lòng khát khao trở thành đồng loại giữa họ. Lời lẽ dịu dàng của Agatha, nụ cười linh hoạt của cô gái Ả Rập duyên dáng đâu phải dành cho tôi. Những lời cổ vũ ấm áp của cụ già, những câu chuyện sống động của chàng Felix đang được yêu cũng đâu phải để cho tôi. Chao ôi, kẻ khốn nạn thảm thương và bất hạnh[41]!
[41] So sánh Thiên đàng đánh mất, IV, 505-510, khi Satan nấp trên cây Trí tuệ chứng kiến cảnh Adam và Eve âu yếm nhau: “Cảnh tượng đáng căm hờn, cảnh tượng bao tra tấn! Hai kẻ kia trong vòng tay nhau đắm vào thiên đàng cao hơn cả Lạc viên, hưởng thụ ơn phước ban cho nhau vô tận, trong khi ta chìm trong Địa ngục, nơi chẳng tình yêu cũng chẳng niềm vui, mà chỉ có khát khao rực bỏng, giữa những tra tấn của ta chẳng phải là nhẹ nhất.”
Còn nhiều bài học khác gây ấn tượng sâu sắc cho tôi hơn nữa. Tôi được nghe nói tới sự khác biệt về giới tính; sự sinh nở, và sự trưởng thành của trẻ con, hiểu rằng người cha mê mẩn nụ cười của bé sơ sinh, những câu nói ngộ nghĩnh của đứa con lớn ra sao; rằng cả cuộc đời và tâm trí của người mẹ gói trọn trong gánh nặng yêu dấu của bà; hiểu về sự phát triển trí tuệ, thu nhận kiến thức của tuổi trẻ; về tình anh chị em và biết bao quan hệ khác liên kết con người lại bằng những mối ràng buộc lẫn nhau.
Vậy thì bạn bè, họ hàng của tôi đâu? Chẳng người cha nào đã trông nom tôi ngày thơ dại, chẳng bà mẹ nào ban cho tôi nụ cười và vuốt ve âu yếm; hoặc nếu có, toàn bộ cuộc đời quá khứ nay chỉ còn là một vết đen, một lỗ trống mịt mùng trong đó tôi chẳng phân biệt được cái gì. Trong những ký ức đầu tiên tôi đã thấy mình cao lớn như bây giờ rồi. Tôi cũng chưa bao giờ gặp một sinh vật nào giống mình hoặc tự nhận có quan hệ với mình. Vậy thì tôi là ai? Câu hỏi này lại trở về, mà chỉ có những tiếng kêu rên đáp lại.
Tôi sẽ giải thích ngay cho ngài những tình cảm trên rồi sẽ đi tới đâu, nhưng giờ thì hãy cho phép tôi trở lại với mấy con người kia đã, câu chuyện của họ đã kích động trong lòng tôi nhiều thứ tình cảm khác nhau, cả giận dữ, thích thú, ngạc nhiên, nhưng tất cả đều dẫn đến tình yêu thương và kính trọng họ ngày một nhiều hơn – những người che chở cho tôi ấy (bởi tôi thích gọi họ như vậy, một cách tự dối mình ngây ngô, gần như đau đớn).”