Chàng hiệp sĩ trong bộ áo giáp sáng ngời - Chương 24 phần 1

Chương 24

Vào buổi sáng,Dougless thấy Arabella ngay khi cô ta bước lên bục để leo lên con ngựa đen tuyệt đẹp của mình. Gần cô ta là một người đàn ông Dougless cho là chồng cô ta, Robert Sydney. Dougless muốn thấy anh ta, muốn thấy mặt của kẻ Nicholas coi là bạn anh, nhưng đã gửi người bạn của mình tới bục hành hình.

Sydney quay người, và Dougless hít một hơi thật sâu. Robert Sydney trông rất, rất giống bác sĩ Robert Whitley, người đàn ông cô đã một lần hi vọng cùng kết hôn.

Dougless quay đi, tay cô run rẩy. Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, cô tự nhủ với bản thân. Không có gì hơn là trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng chiều muộn ngày hôm đó, cô nhớ lại cái cách, ở thế kỷ hai mươi, Nicholas, khi anh lần đầu tiên nhìn thấy Robert, đã trông như thể anh nhìn thấy ma vậy. Và Robert đã nhìn Nicholas với tất cả sự ghét bỏ trong mắt anh ta.

Trùng hợp ngẫu nhiên, cô tự nhủ với bản thân lần nữa. Không có gì hơn.

Trong suốt hai ngày tiếp theo Dougless hiếm khi nhìn thấy Nicholas. Khi cô có thấy anh, anh đang quắc mắt nhìn cô từ ngưỡng cửa hay cau mày với cô ở phía bàn đối diện. Dougless bị giữ hết sức bận rộn bởi toàn bộ gia đình vì họ đã trở nên coi cô như TV, rạp chiếu phim, lễ hội, buổi hòa nhạc tất cả trộn vào làm một. Họ muốn những trò chơi, những bài hát, những câu truyện; những yêu cầu của họ về giải trí không thể thỏa mãn được. Dougless không thể đi bộ trong vườn hay trong nhà mà không bị ai đó dừng cô lại và hỏi xin thêm một chút trò giải trí nữa. Cô bị giữ bận rộn hàng giờ dài dằng dặc để nhớ lại mọi thứ cô đã từng đọc hay nghe. Với sự giúp đỡ của Honoria, cô sáng chế ra một dạng bản thô của trò Cờ tỷ phú. Họ chơi vẽ hình đoán chữ với những tấm thẻ bằng đá. Khi cô hết những tiểu thuyết hư cấu cô đã đọc, cô bắt đầu kể cho họ những câu truyện lịch sử về nước Mỹ - Phu nhân Margaret đặc biệt yêu thích chúng. Nathan Hale[53]trở thành vị anh hùng được yêu thích của toàn bộ gia đình, và phu nhân Margaret giữ Dougless thức đến nửa đêm một buổi tối để hỏi về Abraham Lincoln.

[53] Nathan Hale: (1755 – 1776) một quân nhân thuộc Lục quân trong cuộc cách mạng Hoa Kỳ. Ông được coi là điệp viên đầu tiên của Mỹ, được nhớ đến nhiều nhất bởi câu nói trước khi ông bị treo cổ sau trận Long Island: “Tôi chỉ hối tiếc có một điều là tôi chỉ có một cuộc đời để cống hiến cho đất nước tôi.”

Dougless cố hết sức có thể để ở nguyên trong lĩnh vực giải trí và không nói về tôn giáo hay chính trị. Sau cùng thì chỉ vài năm trước, nữ hoàng Mary đã thiêu những kẻ theo tôn giáo đối lập. Kit đã hai lần hỏi cô về nông nghiệp ở đất nước cô, và mặc dù chỉ biết rất ít, cô vẫn có khả năng đưa ra một vài gợi ý về bón phân và nó có thể được sử dụng cho cây trồng như thế nào.

Dougless biết rằng những quý cô phục vụ Phu nhân Margaret thất kinh trước tình trạng giáo dục thảm thương của Dougless, trước tình trạng cô chỉ nói được có mỗi một thứ tiếng và việc cô không có khả năng chơi bất cứ loại nhạc cụ nào. Và họ không thể đọc được chữ viết tay của cô. Nhưng phần lớn họ đều tha thứ cho cô.

Trong khi Dougless dạy thì cô cũng học nữa. Những người phụ nữ này không phải chịu áp lực phải trở thành mọi thứ cho mọi người như những người phụ nữ thế kỷ hai mươi phải chịu. Phụ nữ thế kỷ mười sáu không cần phải là một ủy viên công đoàn, một bà mẹ tha thiết, một bà chủ nhà và một đầu bếp sành ăn, cũng như một người tình sáng tạo với thân hình của một vận động viên. Nếu người phụ nữ đó giàu có, cô ta sẽ may vá, trông coi các công việc gia đình và tận hưởng bản thân mình. Tất nhiên cô ta không được trông mong sống quá tuổi tứ tuần, nhưng ít nhất trong suốt những năm có mặt trên trái đất của mình, cô ta không bị những áp lực liên miên của xã hội là phải làm nữa và trở thành nữa.

Khi những ngày ở thế kỷ mười sáu tại Anh quốc tích lũy lại, Dougless nhớ tới thời gian cô sống với Robert. Chuông đồng hồ đổ lúc sáu giờ sáng, và cô bổ nhào xuống sàn nhà. Cô phải cuống cuồng để hoàn thành những công việc thường ngày. Có những bữa ăn phải chuẩn bị, hàng tạp phẩm cần phải mua, một ngôi nhà để chỉnh chu lại cho ngay ngắn (Robert có một người phụ nữ dọn nhà một tuần một lần), và một cái bếp phải dọn sạch lần nữa, lần nữa và lần nữa. Và trong thời gian rảnh rỗi của mình cô có một công việc toàn thời gian để làm. Đôi lúc cô ước cô có thể ở trên giường trong ba ngày và đọc những về những vụ giết người bí ẩn, nhưng luôn có quá nhiều thứ để làm để không bị coi là lười nhác.

Bên cạnh đó, còn có cảm giác tội lỗi nữa. Nếu cô nghỉ ngơi, cô cảm thấy cô “nên” tới phòng tập để giữ cho đùi cô không bị vòng kiềng, hay cô “nên” lên kế hoạch một vài bữa tiệc tối tuyệt hảo cho bạn đồng nghiệp của Robert. Cô cảm thấy tội lỗi khi chỉ dọn ra món pizza từ tủ lạnh cho bữa tối vì quá mệt.

Nhưng bây giờ, ở đây trong thế kỷ mười sáu này, những áp lực của một ngày thời hiện đại dường như thật xa xôi. Mọi người không sống một mình và cách biệt. Ở đây không có một ngôi nhà chỉ với một người phụ nữ làm tới hai mươi công việc; đây là một ngôi nhà với một trăm bốn mươi hay chừng đó người để làm có lẽ là một vài công việc. Một ngôi nhà mà một người phụ nữ độc thân, mệt mỏi không phải nấu nướng, dọn dẹp, lau chùi, và vân vân, cộng thêm cả một công việc bên ngoài. Ở đây một người chỉ có một công việc.

Phụ nữ thời hiện đại có những cảm giác tội lỗi của riêng mình để khiến họ sầu khổ, nhưng những người ở thế kỷ mười sáu có những bệnh dịch, nỗi sợ hãi những thứ không biết, sự dốt nát về y học, và nhũng cái chết liên miên và luôn luôn thường trực ám ảnh họ. Người ở thế kỷ mười sáu thường xuyên chết, và cái chết luôn luôn ở cạnh những người thời Elizabeth đệ nhất. Đã có bốn cái chết trong toàn thể gia đình kể từ khi Dougless tới, và tất cả họ đều có thể tránh được với những phòng cấp cứu được trang bị đầy đủ. Một người đàn ông chết vì một chiếc xe ngựa lật trúng ông ta. Chảy máu trong. Khi Dougless nhìn thấy ông ta, cô sẽ cho đi bất cứ cái gì để trở thành bác sĩ và có khả năng cầm máu. Mọi người chết vì viêm phổi, cảm cúm, hay vì một vết bỏng dẫn đến nhiễm trùng. Dougless phân phát những viên aspirin, chấm nhẹ những vết thương với thuốc mỡ Neosporin, phân phối những thìa đầy Pepto-Bismol(một loại thuốc trị đau dạ dày). Cô chỉ có thể giúp mọi người một cách nhất thời, nhưng cô không thể làm gì với những chiếc răng sâu, với việc bị đứt dây chằng khiến con người bị què suốt đời, hoặc ruột thừa khi bị viêm và giết chết những đứa trẻ.

Cô cũng không thể làm gì về tình trạng nghèo đói. Một lần cô cố gắng nói chuyện với Honoria về sự khác biệt mênh mông giữa cách gia đình Stafford sống và cách dân làng sống. Đó là khi Dougless học về những luật lệ hạn chế chi tiêu. Ở nước Mỹ mọi người giả vờ là bình đẳng, nói rằng một người đàn ông sở hữu hàng triệu đô la cũng không tốt đẹp gì hơn một anh chàng nào đó đổ mồ hôi ra để kiếm sống. Nhưng không ai tin điều đó hết. Những tội phạm giàu có thoát ra với bản án nhẹ nhàng, những người nghèo khổ nhận được những bản án với mức khung cao nhất.

Ở thế kỷ mười sáu Dougless nhận thấy rằng ý tưởng về bình đẳng là một khái niệm để hứng những tràng cười. Con người không bình đẳng, và theo luật pháp họ thậm chí còn không được phép ăn mặc bình đẳng. Nhất quyết không tin, Dougless đã nhờ Honoria giải thích về những điều luật hạn chế chi tiêu này. Luật xác định bá tước có thể mặc lông chồn zibeline, nhưng nam tước thì chỉ có thể mặc lông cáo bắc cực thôi. Nếu một người đàn ông có thu nhập một trăm bảng một năm hoặc ít hơn, anh ta có thể dùng nhung may áo chẽn nhưng không được phép may áo choàng. Nếu anh ta chỉ làm ra hai mươi bảng một năm, anh ta chỉ có thể mặc áo chẽn bằng sa tanh hay gấm Đa-mát và áo choàng bằng lụa. Một người đàn ông làm ra mười bảng một năm hay ít hơn không được phép mặc áo quần tốn quá hai si-linh một thước vải. Người hầu không được mặc áo choàng dài xuống quá bắp chân, và người học việc chỉ được phép mặc màu xanh da trời (đây là lý do tại sao tầng lớp thượng lưu hiếm khi mặc màu này).

Những quy định cứ tiếp diễn và tiếp diễn. Chúng bao phủ bởi thu nhập, loại lông thú, màu sắc, chất vải, kiểu. Dougless được phép mặc bất cứ thứ gì một nữ bá tước mặc vì cô là một trong những quý cô theo hầu phu nhân Margaret. Cười phá lên trước tất cả những điều đó, Honoria nói rằng một người mặc những gì anh ta có thể chi trả được, nhưng nếu một người bị phát hiện ra, anh ta sẽ phải nộp phạt vào kho bạc thành phố; sau đó anh ta quay trở lại mặc bất cứ thứ gì anh ta muốn.

Trong thế kỷ hai mươi Dougless chưa bao giờ quan tâm quá nhiều về áo quần. cô thích chúng dài và thoải mái, nhưng ngoài ra cô ít chú ý về chúng. Nhưng những bộ váy áo thời Elizabeth đệ nhất tuyệt đẹp này lại là một vấn đề khác! Chỉ trong vài ngày cô ở thế kỷ mười sáu, cô đã nhận ra rằng mọi người bị ám ảnh bởi quần áo. Những quý cô theo hầu phu nhân Margaret dành hàng giờ để bàn bạc về váy áo.

Một hôm có một thương nhân tới từ Ý, và ông ta và hai chiếc xe ngựa chở đầy vải vóc của mình đã được chào đón tại phòng tiếp kiến như thể ông ta đã khám phá ra thuốc trị những vết đốt của bọ chét vậy. Dougless đã nhận thấy bản thân cô tham gia một cách điên cuồng vào việc kéo ra những súc vải bó chặt và giơ chúng lên cho bản thân cô hay những người phụ nữ khác.

Cả Nicholas và Kit đều tham gia cùng họ. Như hầu hết đàn ông, họ thích được bao quanh bởi những người phụ nữ xinh đẹp, hào hứng, vui vẻ. Trước sự ngượng ngùng của Dougless, nhưng cũng với sự vui sướng của cô nữa, Kit đã chọn vải cho hai chiếc áo choàng cho cô, nói rằng đã đến lúc cô mặc quần áo của chính mình rồi.

Đêm đó ở trên giường, Dougless đã nằm thức một lúc và nghĩ thật khác biệt biết bao, nhưng cũng thật giống biết bao những người thời Elizabeth đệ nhất này với những người ở thời đại của cô. Từ việc đọc những cuốn tiểu thuyết có bối cảnh là thời Elizabeth đệ nhất, Dougless đã nghĩ mọi người ở đó chẳng làm gì ngoại trừ thảo luận chính trị. Thậm chí dường như với TV, đài và những tờ báo, tạp chí ra hàng tuần, người Mỹ cũng không thể được thông tin đầy đủ bằng nửa so với các nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết thời trung cổ. Nhưng Dougless nhận ra những người này, cũng như những người Mỹ bình thường, họ tập trung vào quần áo, buôn chuyện, và việc điều hành trơn tru một đại gia đình khổng lồ và phức tạp hơn là việc nữ hoàng đang làm gì.

Cuối cùng, Dougless quyết định làm những gì cô có thể giúp, nhưng cô không tin công việc của cô là đi thay đổi cuộc sống ở thế kỷ mười sáu. Cô đã được gửi quay trở lại quá khứ để cứu Nicholas, và đó là thứ mà cô đã dự tính sẽ tập trung vào. Cô là một người quan sát, không phải là một người truyền giáo.

Tuy nhiên, có một khía cạnh trong cuộc sống thời trung cổ mà Dougless không thể nào chịu đựng được, và đó là việc lười tắm rửa. Người ở đây rửa mặt, tay và chân, nhưng tắm toàn diện là một sự kiện hiếm có. Honoria cứ tiếp tục cảnh báo Dougless về việc tắm táp “thường xuyên” của cô (ba lần một tuần), và Dougless ghét cái việc người làm phải lôi bằng dây goòng bồn tắm vào phòng ngủ, sau đó kéo lê những thùng nước nóng. Sự thử thách của việc chuẩn bị cho việc tắm táp khủng khiếp đến nỗi sau khi Dougless tắm, hai người nữa sẽ sử dụng bồn nước. Một lần Dougless là người tắm thứ ba và cô nhìn thấy những con rận nổi trên mặt nước.

Tắm táp đang gần trở thành nỗi ám ảnh của cô cho đến khi Honoria chỉ cho cô đài phun nước ở khu vườn mê lộ. “Mê lộ trong” là hàng rào được trồng theo những thiết kế phức tạp, với những bông hoa rực rỡ những đường nhánh. Ở trung tâm của bốn mê lộ là một đài phun nước bằng đá cao chảy xuống một cái hồ nhỏ. Khi Honoria ra hiệu cho một đứa bé đang làm cỏ trong vườn, nó chạy ra khuất sau bức tường; rồi trước sự thích thú của Dougless, nước chảy ra từ đỉnh của đài phun và chảy xuống hồ. Đứa trẻ đã được ra lệnh quay bánh xe.

“Thật tuyệt vời.” Dougless đã nói. “Thật giống thác nước, hay một...” Mắt cô bắt đầu lóe lên một tia hi vọng. “Hay giống một vòi hoa sen.” Trong khoảnh khắc đó một kế hoạch đã bắt đầu hình thành trong tâm trí cô. Cô nói chuyện riêng với đứa bé, người đã quay bánh xe và sắp xếp để trả cho nó một xu nếu nó gặp cô vào bốn giờ sáng hôm sau.

Thế nên, vào bốn giờ sáng ngày kế tiếp, Dougless rón rén ra khỏi phòng của Honoria, xuống cầu thang, và ra ngoài khu vườn mê lộ. Cô mang theo dầu gội và dầu xả, một cái khăn tắm và khăn rửa mặt. Đứa bé, mắt ngái ngủ nhưng mỉm cười, nhận lấy một xu (thứ mà Honoria đã đưa cho Dougless) và đi quay bánh xe. Dougless ngập ngừng trong một khoảnh khắc, cân nhắc xem liệu có cởi hết quần áo ra hay không, nhưng trời vẫn khá tối và phải mốt một lúc nữa trước khi phần còn lại của ngôi nhà thức giấc. Thế nên, cô trượt ra khỏi cái áo choàng đi mượn, chiếc áo sơ mi vải lanh dài và bước, trần truồng, vào phía dưới vòi phun.

Chưa bao giờ có một ai trong lịch sử lại thích thú với vòi hoa sen nhiều hơn thế! Dougless cảm thấy như thể ghét bẩn của cả một năm, chất nhờn và mồ hôi được gột sạch khỏi cô. Cô chưa bao giờ cảm thấy sạch sẽ khi sử dụng bồn tắm, và sau một tuần không tắm rửa, cô cảm thấy đầy bụi bẩn. Cô bôi dầu gội đầu ba lần, sau đó dùng dầu xả, cạo lông chân và dưới cánh tay, sau đó xả sạch. Thiên đường. Thiên đường hoàn hảo tuyệt đối.

Sau một lúc lâu cô bước ra khỏi vòi phun, huýt sáo cho cậu bé dừng quay bánh xe, sau đó lau khô và mặc áo choàng của cô vào.

Cô đang mỉm cười hết cỡ khi cô bắt đầu đi xuống trở lại con đường mòn quay về ngôi nhà. Có lẽ cô đang cười toe toét quá rộng để có thể nhìn ngó cho cẩn thận, hoặc có lẽ là trời vẫn còn quá tối để nhìn cho rõ, vì cô đâm sầm vào ai đó.

“Gloria!” cô nói khi cô nhận ra đó là nữ thừa kế người Pháp. “Ý tôi là,” cô nói, lắp lắp, “Tôi đoán em không phải là Gloria, đúng không? Mụ sư tử cái đó đâu rồi?” Dougless thở hắt ra trước những gì cô vừa nói. Cô hiếm khi nhìn thấy cô gái này, nhưng khi cô nhìn thấy, cô bé luôn bị hộ tống bởi một người giám hộ kiêm vú em cao kều, hống hách. “Tôi không có ý...” Dougless bắt đầu xin lỗi.

Cô nàng nữ thừa kế không trả lời nhưng lướt ngang qua Dougless với mũi hếch lên trời. “Tôi đã đến tuổi tự chăm lo cho mình được rồi. Tôi không cần vú em nào hết.”

Dougless mỉm cười với cái lưng của cô gái mũm mĩm. Cô bé nghe giống hệt như Dougless hồi học lớp năm. Cả hai đều nghĩ mình đã đủ lớn để tự chăm lo được cho bản thân mình rồi. “Lẻn ra ngoài, phải không?” Dougless nói, mỉm cười.

Cô bé quay ngoắt lại và quắc mắt lườm Dougless, sau đó khuôn mặt cô bé dịu đi. “Bà ấy ngáy,” cô bé nói với một chút nụ cười; sau đó cô bé nhìn lại đài phun nước. “Chị làm gì ở đây?”

Khi Dougless nhìn lại, đầy kinh hãi, cô thấy cái hồ bơi nhỏ đầy bong bóng xà phòng. Với Dougless, những cái bong bóng là ô nhiễm, nhưng cô nàng nữ thừa kế dường như nghĩ rằng chúng thật tuyệt vời. Cô gái vốc một vốc tay đầy bọt xà phòng.

“Chị đi tắm,” Dougless nói. “Muốn tắm không?”

Cô gái khẽ nhún vai. “Không, sức khỏe của tôi khá là mỏng manh.”

“Tắm táp thì không hại gì...” Dougless bắt đầu nhưng khự lại. Không làm công cuộc truyền giáo, nhớ chưa? Cô tự nhắc nhở bản thân. Chuyển đến đứng cạnh cô gái, Dougless nhìn đến cô bé trong ánh sáng buổi sớm. “Ai nói là em mỏng manh?”

“Quý bà Hallet.” Cô bé nhìn Dougless. “Mụ sư tử cái của tôi.” Có hai lúm đồng tiền nhỏ xíu trên má cô bé.

Dougless cân nhắc những gì cô chuẩn bị nói, và cô biết cô đang có được một cơ hội, nhưng đứa trẻ trông như thể cô bé cần một người bạn. “Quý bà Hallet nói em mỏng manh để bà ấy có thể bảo em ăn gì, nơi nào em có thể đến còn nơi nào thì không, và ai có thể là bạn em, ai thì không. Thực tế là bà ấy đã giữ em dưới ngón trỏ của bà ấy nhiều đến nỗi em phải lẻn ra ngoài trước lúc bình minh chỉ để ngắm khu vườn. Như thế có ổn không?”

Trong một khoảnh khắc, miệng cô gái rơi ra, nhưng sau đó cô bé cứng người lại và tặng cho Dougless một cái liếc kiêu kì. “Quý bà Hallet bảo vệ tôi khỏi tầng lớp thấp hơn.” Cô bé nhìn từ đầu đến chân Dougless.

“Như là tôi hả?” Dougless hỏi, nén lại một nụ cười.

“Chị không phải là một công chúa gì hết. Quý bà Hallet nói một công chúa không tự mình biểu diễn như chị làm. Bà ấy nói chị không có giáo dục. Chị thậm chí còn không nói tiếng Pháp.”

“Đó là những gì quý bà Hallet nói. Nhưng em nghĩ gì về chị?”

“Rằng chị không phải là một công chúa hay là chị không...”

“Không.” Dougless chen ngang. “Không phải những gì quý bà Hallet nói mà là em nghĩ gì?”

Cô gái há hốc mồm ra trước Dougless, rõ ràng là không biết phải nói gì.

Dougless mỉm cười với cô bé. “Em có thích Kit không?”

Cô gái nhìn xuống tay mình, và Dougless nghĩ khuôn mặt của cô bé đã chuyển sang màu đỏ. “Tệ đến thế hả?”

“Anh ấy không chú ý đến tôi,” cô gái thì thầm, có nước mắt trong giọng nói của cô bé. Khi đầu cô bé ngẩng lên và cô bé quắc mắt đầy ghét bỏ với Dougless, tại khoảnh khắc đấy cô bé trông giống Gloria nhiều đến kì quái. “Anh ấy nhìn chị.”

“Chị?” Dougless há hốc miệng vì kinh ngạc. “Kit không thích thú gì chị đâu.”

“Tất cả đàn ông đều thích chị. Quý bà Hallet nói chị sắp sửa trở thành một... một...”

Dougless nhăn mặt. “Đừng có nói cho chị. Chị đã bị gọi như thế rồi. Nghe này... tên em là gì?”

“Tiểu thư Allegra Lucinda Nicolletta de Couret,” cô bé nói đầy kiêu hãnh.

“Nhưng bạn bè gọi em là gì?”

Cô gái nhìn bối rối trong một khoảnh khắc, sau đó mỉm cười. “Người vú nuôi đầu tiên gọi tôi là Lucy.”

“Lucy,” Dougless nói, mỉm cười, nhưng sau đó cô nhìn lên bầu trời đang sáng dần. “Chị đoán là ta tốt hơn hết nên quay lại. Mọi người sẽ đi tìm... chúng ta mất.”

Lucy trông có vẻ giật mình, sau đó túm lấy chiếc váy nặng trịch, đắt tiền của cô bé và bắt đầu chạy. Cô bé rõ ràng là kinh hãi trước viễn cảnh bị tìm kiếm vì mất tích.

“Sáng mai nhé,” Dougless gọi với theo cô bé. “Cùng thời gian.” Cô không chắc Lucy có nghe thấy hay không.

Dougless trở lại ngôi nhà, lờ tịt đi cái nhìn của người làm trước mái tóc ướt đẫm và chiếc áo choàng của cô. Khi cô mở cánh cửa phòng ngủ của Honoria, cô thở dài. Giờ lại bắt đầu công đoạn đau đớn, dài dằng dặc của việc mặc váy áo, và ngay lúc này cô ước những chiếc quần bò và áo len dài tay dễ chịu và thoải mái của cô.

Sau bữa sáng cô lẻn ra khỏi những người phụ nữ khác để tìm Nicholas. Những người phụ nữ đang yêu cầu những bài hát mới, và cái kho bài hát nhỏ tẹo của Dougless đã rỗng không rồi. Cô đã xuống tới mức ngâm nga những giai điệu và thuyết phục những người phụ nữ tự sáng tác nên lời của chính họ. Nhưng hôm nay cô phải nói chuyện với Nicholas. Không một điều gì về cuộc hành hình sẽ thay đổi nếu cô không nói chuyện với anh.