Việt Sử Giai Thoại (Tập 1) - Chương 17 - 18

17- TRIỆU VIỆT VƯƠNG ĐÃ ĐÁNH GIẶC NHƯ THẾ NÀO?

Triệu Việt Vương húy là Triệu Quang Phục, con của Triệu Túc, người đất Chu Diên. Đất Chu Diên thời Lương, nay là một phần của tỉnh Hải Dương. Nhiều người cho rằng, quê của Triệu Quang Phục, nay có lẽ là vùng huyện Phả Lại (tỉnh Hải Dương). Năm 542, Triệu Quang Phục cùng với cha là Triệu Túc tham gia cuộc khởi nghĩa do Lý Bí phát động và lãnh đạo. Năm 544, khi Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế thì Triệu Túc được phong làm Thái Phó, còn Triệu Quang Phục được phong làm tướng cầm quân. Năm 546, khi LýNamĐế đại bại ở trận Điển Triệt, Triệu Quang Phục được ủy thác quyền trông coi việc nước và chỉ huy việc đánh quân xâm lược nhà Lương.

Triệu Quang Phục là người cầm quân rất linh hoạt. Chính ông là người đã có công quét sạch quân xâm lược nhà Lương ra khỏi bờ cõi, góp phần làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự của tổ tiên. Về cuộc chiến đấu của Triệu Quang Phục, sáchĐại Việt sử kí toàn thư(ngoại kỉ, quyển 4, tờ 17a-b) chép như sau:

“Triệu Quang Phục chống nhau với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại, nhưng quân của Trần Bá Tiên rất đông, Triệu Quang phục liệu thế không chống nổi, bèn rút về đầm Dạ Trạch (đầm này cũng gọi là đầm Nhất Dạ Trạch hay bãi Mạn Trù, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên - NKT - Xem giai thoại 16). Đầm này Ở huyện Chu Diên, chu vi rộng lớn không biết bao nhiêu là dặm, trong cỏ cây um tùm, bụi rậm kín mít. Ở giữa đầm có khu đất cao có thể ở được, nhưng bùn đất lầy lội, người ngựa khó đi chỉ có thể dùng thuyền độc mộc loại nhỏ, chống sào lướt cỏ mới di chuyển được. Vào đó, nếu không thông thuộc đường lối thì lạc, chẳng biết sẽ về đâu, đã thế, nếu lỡ rơi xuống nước thì sẽ bị rắn độc cắn chết. Triệu Quang Phục thuộc hết mọi lối, đem hơn hai vạn quân vào đóng ở khu đất nổi trong đầm, ban ngày thì tuyệt đối không để lộ khói lửa, ban đêm dùng thuyền độc mộc đưa quân ra đánh phá doanh trại của quân Trần Bá Tiên, giết và bắt sống được rất nhiều tên, lấy được không ít lương thực để có thể cầm cự lâu dài.

(Trần) Bá Tiên cố theo dấu tìm đánh nhưng không sao đánh được. Người trong nước gọi (Triệu Quang Phục) là Dạ Trạch Vương.

"Nhà vua (chỉ Triệu Quang phục - NKT) ở trong đầm, thấy quân nhà Lương không chịu rút lui, bên đốt hương cầu đảo, khẩn thiết kính cáo với trời đất quỷ thần. Thế rồi điềm lành hiển hiện, vua được mũ đâu mâu có móng rồng dùng để đi đánh giặc. Thế quân từ đó ngày một mạnh mẽ, không ai địch nổi.

Tục truyền: Thần nhân trong đầm chính là Chử Đồng Tử. Lúc ấy, Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống, trút móng rồng trao cho Nhà vua, bảo Vua đem cài lên mũ đâu mâu mà đi đánh giặc.

… Trần Bá Tiên mưu tính cấm cự lâu ngày, khiến cho quân của Nhà vua hết lương thì có thể phá được. Nào ngờ lúc ấy nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, phải gọi Trần Bá Tiên về. Trần Bá Tiên ủy thác cho Dương Sàn đánh nhau với Nhà vua. (Dương) Sàn chống cự không nổi, bị giết, quân nhà Lương tan vỡ, tháo chạy về Bắc. Nước nhà lại được yên. Nhà vua vào thành Long Biên ở".

Lời bàn:Binh pháp cổ thường nhấn mạnh đến yếu tố địa lợi, coi đó như một trong những nguyên nhân quan trọng của thắng lợi cuối cùng. Triệu Quang Phục bám lây đầm Dạ Trạch, tức là đã bám lấy được yếu tố địa lợi rồi vậy. Đó chưa phải là tất cả địa lợi của nước ta đương thời, nhưng đó rõ ràng là tất cả những gì thuộc về địa lợi mà nghĩa quân của ông có thể bám được và biến được thành sức mạnh của chính mình. Ở đời, mọi sự hay không phải chỉ ở chỗ nó thực sự hay, mà còn ở chỗ, sự ấy ta hoàn toàn có thể làm được, hoàn toàn trong tầm tay của ta.

Trần Bá Tiên đem quân đi đánh đất người, vậy mà tính kế cầm cự lâu ngày, tức là đã cố làm điều không thể làm vậy. Ngược lại, đội quân của Triệu Quang Phục kiên quyết bám đầm Dạ Trạch để chờ thời, tức là làm điều hoàn toàn có thể làm được. Cho nên, quân Triệu Quang Phục thắng lợi, chuyện có gì là lạ đâu.

Đầm Dạ Trạch có thần chăng? Sử cũ dành cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung những lời thật trang trọng. Ngàn năm vật đổi sao dời, nhưng phàm đã là thần nhân sông núi, có đâu lại không phù hộ chí lớn của những người quả cảm cứu nước, cứu dân. Người xưa tin là có thần, một lòng thành kính thờ thần, cho nên, dân bao giờ cũng muốn và cũng tin là thánh thần luôn ở bên cạnh các vị hào kiệt của họ, bên cạnh việc đại nghĩa của họ.

Triệu Quang Phục dũng cảm và bền chí bám đầm Dạ Trạch đến cùng để đánh giặc. Việc làm phi thường ấy, hẳn nhiên phải được diễn đạt bằng những lời phi thường. Biết làm sao hơn được, xưa mà!

18 - TRIỆU VIỆT VƯƠNG ĐÃ CHẾT NHƯ THẾ NÀO?

Năm 546, sau trận thua ở hồ Điển Triệt, Lý Bí đánh vào động Khuất Lão, ủy quyền trông coi việc nước và chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân nhà Lương xâm lược cho Triệu Quang Phục. Nhận sự ủy thác ấy, Triệu Quang Phục đem lực lượng về bám đầm Dạ Trạch, tổ chức chiến đấu lâu dài và cuối cùng, đã giành được thắng lợi.

Tuy nhiên, cũng ngay khi Lý Bí lánh vào động Khuất Lão, một vị tướng khác của Lý Bí là Lý Thiên Bảo, đem một bộ phận binh sĩ, gồm đến ba vạn người, chạy vào Cửu Chân (tức là vùng Thanh Hóa ngày nay). Tại đây, Trần Bá Tiên đuổi theo đánh, Lý Thiên Bảo đã chạy sang động Dã Năng. Đất này thuộc lãnh thổ của Lào. Dã Năng là một vùng khá trù phú, Lý Thiên Bảo bèn cho xây thành để ở, tính kế cư ngụ lâu dài. ông xưng là Đào Lang Vương, lấy tên động Dã Năng làm tên nước!

Năm 555, Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo qua đời, không có con nối dõi, một vị tướng khác, người cùng họ với Lý Bí là Lý Phật Tử được đưa lên nối nghiệp. Bấy giờ, Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân nhà Lương và xưng là Triệu Việt Vương, đóng trong thành Long Biên.

Năm 557, Lý Phật Tử liền đem quân đánh… Triệu Việt Vương. Sự kiện đau xót này được sáchĐại Việt sử kí toàn thư(ngoại kỉ, quyển 4, từ tờ 19-b đến tờ 21-b) chép lại như sau:

“Lý Phật Tử đem quân xuống vùng Đông Bắc, đánh nhau với Nhà vua (chỉ Triệu Việt Vương) tại Thái Bình, năm trận liền vẫn chưa phân thắng bại. Quân của Lý Phật Tử hơi nao núng, ngờ là Nhà vua có phép thuật lạ, bèn xin giảng hòa, thề thân thiện với nhau. Nhà vua nghĩ rằng, (Lý) Phật Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế, cho nên, không nỡ cự tuyệt, bàn lấy bãi Quân Thần ở hai xã Thượng Cát và Hạ Cát của huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) làm địa giới. Từ đó trở về phía Tây thì nhường cho Lý Phật Tử. Lý Phật Tử dời về đóng tại thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, Từ Liêm có đền thờ Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy).

Sau, Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang. Nhã Lang xin cưới con gái của Nhà vua là Cảo Nương làm vợ. Nhà vua bằng lòng. Từ đó, hai bên thành thông gia. Nhà vua rất yêu quý Cảo Nương, bèn cho Nhã Lang được ở rể.”

Nhã Lang ở rể vừa được ba năm thì biến cố lớn đã xảy ra, mà với biến cố này, Nhã Lang vừa là thủ phạm, lại cũng vừa là nạn nhân. Sách trên (tờ 20-a) khi chép chuyện năm Canh Dần (570) cho biết như sau:

“Nhã Lang nói với vợ rằng:

- Trước kia, cả hai vua cha cùng thù oán nhau, vậy mà nay lại kết nghĩa thông gia, sự thể quả là rất hay. Nhưng, vua cha của nàng có thuật gì hay mà đẩy lùi được quân của vua cha ta?

Cảo Nương không hề hay biết ẩn ý của chồng, bèn bí mật lấy mũ đâu mâu có gắn móng rồng cho chồng xem. Nhã Lang nhân đó, tráo cái móng rồng ấy, rồi nói với Cảo Nương rằng:

- Ta nghĩ, ơn sâu của cha mẹ lớn kể như trời đất. Nay, vợ chồng yêu quý nhau, không nỡ xa cách, nhưng ta cũng quyết phải tạm dứt tình để về thăm cha mẹ.

Nhã Lang trở về, cùng với cha, bàn mưu đánh chiếm nước của Triệu Việt Vương''.

… “Nhà vua (đây chỉ Lý Phật Tử) phụ lời thề ước, đem quân đánh úp Triệu Việt Vương. Lúc đầu, Triệu Việt Vương chưa rõ cơ sự, vội đem quân và đội mũ đâu mâu đứng chờ. Quân của Nhà vua ào ạt tiến đến, Triệu Việt Vương tự biết yếu thế không sao chống cự nổi, bèn đem con gái chạy về phía Nam, tính tìm đất hiểm để có thể ẩn náu mà mưu sự lâu dài. Nhưng, chạy tới đâu cũng bị quân của Nhà vua đuổi theo sát gót. Triệu Việt Vương phi ngựa về cửa biển Đại Nha (nay là cửa Liêu, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnhNamĐịnh). Khi thấy biển chắn trước mặt, Triệu Việt Vương than rằng:

- Ta hết đường chạy rồi!

Nói xong thì nhảy xuống biển tự tử. Nhà vua đuổi đến nơi, thấy trước mặt chỉ có biển mênh mông, không rõ Triệu Việt Vương chạy đường nào, bèn quay trở lại. Họ Triệu đến đó thì mất nước. Người đời sau thấy có nhiều chuyện linh thiêng dị thường, bèn lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha''.

Lời bàn:Kế cũ của Triệu Đà, đến đây được Lý Phật Tử lặp lại, lạ lùng chăng thì cũng chỉ là ở chỗ, bậc đa mưu túc trí như Triệu Việt Vương vẫn cứ bị trúng kế một cách thảm hại đó thôi. Hẳn nhiên là Triệu Việt Vương cũng có chỗ khiếm khuyết của mình, nhưng trách ông thì quả là chẳng thể. Một đời ông canh cánh nỗi lo cảnh giác với kẻ thù, thế là đã quá đủ, lẽ đâu bắt ông còn phải thường xuyên cảnh giác với thông gia, với con rể của mình? Có những thứ lỗi rất khó khắc phục, và quả là cũng chẳng muốn khắc phục, đại để như lỗi cả tin của Triệu Việt Vương. Ngẫm mà xem!

Có những thắng lợi không hề đem lại vinh quang, ngược lại còn bị sử sách nghiêm phê nữa. Thắng lợi của Lý Phật Tử thuộc loại này. Xin dẫn hai lời nghiêm phê của Ngô Sĩ Liên để thấy rõ hơn sự công minh của sử thần thuở trước. Cả hai lời nghiêm phê này đều được sáchĐạiViệtsử kí toàn thư(ngoại kỉ, quyển 4) ghi lại.

-Lời thứ nhất: “Con gái lấy chồng thì gọi làquy,vậy, nhà chồng tức là nhà mình vậy. Con gái của Nhà vua đã gả cho Nhã Lang, thì hà cớ gì không cho về nhà chồng mà lại bắt chước theo tục ở rể của nhà Doanh Tần để đến nỗi bại vong” (Tờ 20-b).

- Lời thứ hai: “Lấy thuật tranh bá mà xét thì Hậu Lý Nam Đế (tức Lý Phật Tử) đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, song, lấy đạo của bậc làm vua mà xét thì việc ấy không bằng cả lũ chó, heo. Vì sao? Khi Tiền Lý Nam Đế (chỉ Lý Bí) ở động Khuất Lão đã đem các việc quân quốc ủy cho Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thu nhặt tàn quân, bám giữ đất hiểm là đầm Dạ Trạch bùn lầy nước đọng để đương đầu với người hùng một thời là Trần Bá Tiên, cuối cùng bắt được tướng của hắn là Dương Sàn, người phương Bắc buộc phải lui quân. Khi ấy, Vua (chỉ Lý Phật Tử) trốn trong đất Di Lão, chỉ cầu mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May được Trần Bá Tiên về Bắc, Lý Thiên Bảo qua đời, Vua mới có cơ hội đem quân đi đánh Triệu Việt Vương, gian trá dùng mưu xin hòa và kết mối thông gia để hại người. Triệu Việt Vương đã lấy lòng thành mà đối đãi, lại còn cắt đất cho mà ở, như thế, mọi việc đều chính nghĩa, giao hảo rất phải đạo, thăm viếng cũng phải thời, đó há chẳng là đạo trị yên lâu bền hay sao? Thế mà (Lý Phật Tử) lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ cả nhân luân chính đạo, tham lợi mà vong ân, tuy đánh cướp được nước nhưng Nhã Lang thì phải chết còn thân mình thì sau phải vào tù (chỉ việc Lý Phật Tử bị nhà Tùy bắt năm 602), phỏng có ích gì đâu''.

Hai lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên, đúng sai tùy đời thẩm định, nhưng đáng sợ thay, nếu có ai đó đồng cảm và đồng tình với việc làm phản trắc của Nhã Lang và của Lý Phật Tử. Buồn thay, tên người và hành vi của người chẳng chút giống nhau.