Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 09 - 10 - 11

09 - LÝ THÁI TÔNG XEM TƯỚNG ĐỂ XÉT VIỆC

Tháng 10 năm Ất Hợi (1035), vua Lý Thái Tông thân dẫn quân đi đánh dẹp ở Châu Ái, việc kinh sư giao lại cho Phụng Càn Vương đảm trách. Nhân việc Vua xuất chinh, một số tướng lĩnh và thân vương, hợp mưu cùng nhà sư họ Hồ, định làm phản. Nhưng cơ mưu bại lộ, Nguyễn Khánh và nhà sư họ Hồ (hai kẻ chủ mưu) bị xẻo thịt băm xương, bọn tòng phạm thì bị trị tội với những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đầu đuôi sự kiện này đã được sáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 2, tờ 23 - b) chép như sau:

“Vua ngự ở hành dinh (Châu Ái), ban yến cho các quan hầu và tướng súy, ngầm chỉ Định thắng đại tướng là Nguyễn Khánh mà bảo các phi tần rằng:

- Khánh thế nào cũng làm phản.

Các phi tần đều kinh ngạc hỏi:

- Bệ hạ làm sao mà biết, xin nói rõ cho.

Vua nói:

- Lòng Khánh có điều không thường nên nhìn trẫm có vẻ hổ thẹn, đi đứng thất thố, nói năng trái lẽ. Lấy đó mà xét thì đủ biết là nó có ý khác, hình trạng đã rõ lắm rồi.

Vua đánh được Ái Châu, trị tội châu mục, sai người đi phủ dụ dân chúng trong châu. Đúng lúc ấy, chức kinh sư lưu thủ là Phụng Càn Vương Nhật Trung cho chạy trạm báo tin là bọn sư họ Hồ, cùng em nuôi của Định thắng đại tướng Nguyễn Khánh là Đô thống Đàm Toái Trạng và bọn hoàng đệ là Thắng Càn, Thái Phúc... mưu phản. Sự việc quả đúng như lời Vua nói. Các phi tần đều lạy hai lạy và thưa rằng:

- Bọn thiếp nghe nói thánh nhân có thể thấy được chỗ chưa hiện hình, biết trước được việc chưa xẩy ra, nhưng nay mới được chính mắt mình trông thấy.”

Lời bàn:Lý Thái Tông năm ấy đã ba mươi lăm tuổi, làm vua đã được bảy năm, kinh nghiệm từng trải không phải là ít, cứ xem chuyện ông xét người xét việc cũng đủ biết ông là người thế nào.

Nguyễn Khánh được phong tới chức đại tướng, ân sủng được hưởng nào thấp kém gì. Thọ ơn mà chẳng hàm ơn lại còn làm phản, tâm địa ấy tự nó tỏa ra ở phong thái lúng túng bề ngoài, làm sao qua nổi mắt Lý Thái Tông. Y bị xẻo thịt băm xương là một lần chết, bị miệng thế gian ngàn năm chê cười là thêm ngàn lần chết nữa. Nhục lắm thay!

Nhà Phật có thuyết luân hồi. Cứ thuyết ấy mà suy thì ắt là giờ này, nhà sư họ Hồ còn trầm luân trong kiếp con giun hay con dế gì đó. Xin người đọc chuyện này hãy rộng lượng từ bi, đi đứng cẩn thận kẻo vô tình giẫm phải sư cụ không chừng.

10 - CHUYỆN VUA LÝ THÁI TÔNG ĐI CÀY

Vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) là người rất chăm lo đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc hoạch định những chính sách rất tích cực và tiến bộ đối với nông nghiệp, Lý Thái Tông còn nhiều lần tự mình đi làm ruộng, lấy đó làm hành động thiết thực cổ vũ cho nghề nông. Sử cũ đã ghi rõ, ngày 14 tháng 10 năm Canh Ngọ (1030), Vua thân ra ruộng ở Điểu Lộ xem gặt; ngày 1 tháng 4 năm Nhâm Thân (1032) Vua đi cày tịch điền ở Đỗ Động Giang, hôm ấy, có nhà nông dâng Vua một cây lúa 9 bông; tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1042), Vua đi cày ruộng tịch điền ở Khả Lãm... v.v. Nhà vua mà còn đi cày, lẽ đâu các quan lại không ngó ngàng gì tới việc đồng áng. Một số ít quan lại vì thế mà chẳng ưa gì việc nhà vua đi làm ruộng. SáchĐại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 25 - b) có chép lại một mẩu chuyện rất đáng suy nghĩ như sau:

“Mùa xuân, tháng 2 (năm Mậu Dần, 1038) Vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Vua sai hữu ti dọn cỏ đắp đàn rồi thân tế Thần Nông, tế xong, tự cầm cày để muốn làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng:

- Đó là việc của nông phu, Bệ hạ cần gì làm thế?

Vua nói:

- Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo?

Nói xong, Vua đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng 3, Vua về kinh sư.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay!”

Lời bàn:Nước nông nghiệp, vua không chăm lo đến nghề nông thì còn chăm lo đến nghề gì nữa. Nhưng, nói nhiều mà làm gì? Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ. Thời ấy, nước Đại Việt ta là một trong những quốc gia hùng cường ở Đông Nam châu Á. Một trong những cội nguồn của sức mạnh Đại Việt là ở đây chăng?

11 - VUA LÝ THÁI TÔNG VỚI VIỆC CHỐNG HÀNG NGOẠI

Bệnh sính dùng hàng ngoại ở nước ta, kể ra cũng đã có từ rất lâu. Những mặt hàng ta chưa sản xuất được nên phải mua về thì đã đành, nhưng những mặt hàng ta đã sản xuất được, thậm chí là sản xuất với chất lượng cao hơn mà vẫn bị những kẻ có đầu óc sùng ngoại thái quá tìm cách nhập vào, quả là đã gây nguy hại cho quốc kế dân sinh không ít. Thời Lý, chuyện này đã từng xảy ra và vua Lý Thái Tông từng xử lí rất khôn khéo. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 2, tờ 28 - b) chép như sau:

“Tháng 2 (năm Canh Thìn - 1040) Vua đã dạy được cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy, (Vua) xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho để ban cho các quan. (Các quan) từ ngũ phẩm trở lên thì được ban áo bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì được ban áo bằng vóc. (Nhà vua) làm vậy để tỏ ý là Vua sẽ không dùng gấm vóc của nước Tống nữa.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:Việc làm này của Vua, trong cái tốt lại còn có cái tốt nữa. (Vua) không quí vật lạ, (ấy là) muốn tỏ ra hậu đãi với kẻ dưới.”

Các sử thần thời Nguyễn, tác giả của bộKhâm Định Việt sử thông giám cương mục(Chính biên, quyển 3, tờ 1) thì phê ngay một chữ rất gọn:Được!

Lời bàn:Muốn dân chăm nghề canh cửi, trước quí tộc phải làm gương. Cung nữ mà còn dệt vải, thứ dân ai dám nói nghề dệt vải là thấp hèn. Muốn khắp thiên hạ dùng hàng nội, trước hoàng đế phải làm gương. Đấng chí tôn mà còn mặc hàng lụa là trong nước sản xuất, quan dân các hạng ai dám chê đó là mặt hàng chả ra gì.

Vua Lý Thái Tông ít nói, ít để chí ở sự lập ngôn, chỉ lo lòng làm gương cho thiên hạ. Xem ra, gương ấy không phải chỉ sáng một đời cho quan dân một thời, nay đọc lại sử, thấy cũng đáng suy ngẫm lắm thay!